Trong Tiếng rền của núi, ông già Shingo cùng vợ thỉnh thoảng nghe được tiếng núi rền xa xa. Âm thanh đó đâu chỉ là của núi rừng mà còn là của chính người cha đang bất lực trước cuộc sống hạnh phúc của những đứa con và của chính bản thân mình. Cái tiếng rền kia mang trong nó một giới hạn, cứ đeo bám mãi bất kì một nhân vật nào của Kawabata, những người luôn bị dằn vặt, ám ảnh bởi quá khứ hay những tín điều của quá khứ.

Là bậc thầy kể chuyện của nhân loại, Kawabata đã để lại nhiều thiên truyện làm say đắm hồn người bao đời. Đặc điểm lớn trong phong cách tự sự của Kawabata là sự tinh tế, đầy cảm xúc, đượm vẻ u hoài đan xen trong cái nhìn thông tuệ về nhiều vấn đề sâu thẳm của hồn người và xã hội. Ông là nhà văn có biệt tài khai thác cảm giác. Cái cách Kawabata tái hiện cảm giác tạo cho người đọc cảm nhận về khoảnh khắc tâm trạng đang sinh thành, mong manh trong tri nhận. Sự hồi hộp được tạo nên từ cảm nhận về điều không rõ ràng, cụ thể mà lại chênh chao chực tan loãng vào bầu sương khói mơ hồ của vạn vật…

Những đặc điểm đó khiến diễn ngôn Kawabata thấm đẫm chất thơ. Cái chất thơ không chỉ toát lên từ một kiểu văn phong tinh tế đến khó tin mà còn từ chính những hình tượng tác giả tuyển chọn từ trong cuộc sống. Từ góc độ này, xem ra, truyện ngắn là thể loại chuyển tải đầy đủ nhất các sắc điệu nghệ thuật của Kawabata.

Người đọc biết đến một Kawabata nổi tiếng với câu chuyện của những ông già muốn tìm lại cảm giác thời trai trẻ bên cạnh những người đẹp say ngủ. Những người đẹp đó là những vẻ đẹp ngủ yên, bị tước khỏi mạch sống thường nhật. Không phải ngẫu nhiên mà ngôi nhà đó lại hoạt động vào buổi tối và những người đàn ông lại trở thành những gã già khú bất lực khôi hài trong cái khát vọng không thể nào tự mình đáp ứng mà chỉ là những hoài niệm về một quá vãng xa xưa. Câu chuyện gợi nên nỗi buồn sâu thẳm về những giới hạn mà con người khó có thể vượt qua. Mãi mãi, loài người cũng chỉ là nô bộc trung thành cho chính những giới hạn mà tạo hóa ban tặng. Không có giới hạn, có lẽ con người chẳng còn mục đích nào ra hồn đáng để sống. Giới hạn tạo nên những động lực để con người khẳng định bản thân và nỗ lực vượt thoát nó. Trong ý nghĩa đó, con người đã mang lại một sự sống đích thực cho bản thân.

Kawabata là tài năng bẩm sinh của những giới hạn. Cũng như nhiều nhà văn lẫy lừng khác, giới hạn được nhà văn Nhật Bản này xử lí rất điêu luyện. Bằng cách ông thường xuyên để cảm giác tạo nên giới hạn. Đây là cách các bậc thầy thi ca thường làm. Nhưng khác với họ, cảm giác trong những trang viết của Kawabata lại được tạo nên qua mạch tự sự. Ông kể trong Tiếng rền của núi câu chuyện về mối quan hệ giữa con trai và con dâu của gia đình nhà Shingo. Mối qua hệ đó rạn vỡ vì những biểu hiện vô đạo đức của gã chồng, người đang chán nản hết thảy vì đã quay về từ chiến tranh. Trong khi đó, cô con dâu thì thùy mị nết na, theo cái cách của một khuôn mẫu cam chịu điển hình. Người cha xót xa cho người con dâu đó. Từ mối qua hệ gia đình này, tác giả gợi cho người đọc những vấn đề xã hội rộng lớn hơn thông qua việc để người đọc cắt nghĩa tại sao người con trai đó lại đối xử với vợ mình như thế? và ai là người chịu khổ đau nhất trong cuộc hôn nhân kia?

Chính những giới hạn đã mang lại nhiều tầng nghĩa cho tác phẩm, mang lại khả năng lôi kéo người đọc vào hành trình đồng sáng tạo. Ngôn từ của những giới hạn trong Kawabata đã mở ra mênh mông những khoảng trời để người đọc chiêm ngắm những gì thuộc về bản chất nhất của tồn tại, thuộc về nét vẻ riêng của xứ sở hoa anh đào.

Nhà văn cùng thời với Kawabata, Hemingway cũng là bậc thầy của những giới hạn. Một ông lão đi câu mãi mà chẳng bắt được cá, nhưng khi bắt được thì chỉ còn mỗi bộ xương mang về. Toàn bộ thiên truyện nổi tiếng Ông già và biển cả có thể gói gọn trong một câu đó. Ta thấy, nội dung truyện hướng về các giới hạn: một ông lão đã già (giới hạn về tuổi tác), một con thuyền nhỏ (giới hạn về kích thước), một con cá, một bộ xương (giới hạn về số lượng),… Nhưng kết hợp bấy nhiêu cái giới hạn ấy lại người đọc sẽ bắt gặp vô vàn những “cái không giới hạn”. Đặc thù trong tự sự của Hemingway là để cho nhân vật ý thức vượt qua những giới hạn. Kawabata thì không. Ông chỉ để cho nhân vật đến bên giới hạn và… để người đọc viết tiếp.

Trong Trăng soi đáy nước câu chuyện được xây dựng xung quanh cuộc đời một người đàn bà hai đời chồng. Người chồng trước mang lại cho nàng khoảng thời gian êm đềm nhưng ngắn ngủi (một giới hạn về kiếp người). Kỉ niệm của hai người là chiếc gương soi người chồng dùng để quan sát mọi cảnh vật trong khi nằm gần như bất động trên giường. Khi người chồng qua đời, người vợ cho hỏa táng chiếc gương đó cùng với thi hài chồng. Chỗ thủy tinh cháy, biến dạng thành hình hài méo mó, không một ai biết trước đấy nó là chiếc gương soi.

Cuộc sống của hai vợ chồng ngập đầy hạnh phúc ngay cả khi người chồng ngả bệnh. Người vợ tự nguyện chăm sóc chồng và tự nguyện tránh gần gũi để giữ gìn sức khỏe cho chồng. Tình yêu của họ thật đẹp. Người chồng chết đi đã mang theo cả giới hạn hạnh phúc mong manh của người đàn bà.

Khi lập gia đình lần thứ hai, người phụ nữ hầu như vẫn nguyên vẹn vẻ đẹp thời xuân sắc. Điều đó có nghĩa cô vẫn ở nguyên trong giới hạn của một con người chưa được nếm trải hết hạnh phúc cuộc đời. Bằng chứng là người chồng sau thường xuyên khen nàng “còn giống như là con gái”. Đấy là tình cảm thật của anh ta, nhưng mỗi lời khen đó lại tựa như là nhát dao khoét sâu vào nỗi đau của cô với hạnh phúc vỡ tan với người chồng trước. Đúng hơn nó gợi cô nhớ lại giới hạn của cuộc hôn nhân ngắn ngủi trước đó.

Tình hình càng tồi tệ hơn khi cô mang thai. Cảm thấy bất an với cuộc sống thực tại. Đúng hơn là cô cảm thấy em bé đó không được hoài thai từ tình yêu nồng cháy của cuộc hôn nhân lần thứ hai. Người chồng này tuy rất yêu và chăm sóc cô, nhưng khoảng cách tuổi tác đã ngăn cách hai người. Dường như người đàn bà cảm thấy có lỗi với người chồng trước. Cô cùng người chồng thứ hai quay về ngôi nhà, nơi cô sống những ngày tháng cuối cùng với người chồng trước. Tại đó, mọi vật đã thay đổi. Ngôi nhà đã có chủ mới. Mảnh vườn cũng khác xưa. Trong bầu không khí gợi nỗi sầu muộn mênh mông đó, cô khẽ thì thầm không biết sẽ ra sao nếu em bé được sinh ra lại giống người chồng đã khuất của cô.

Những giới hạn trong tự sự đã tạo nên nét tinh tế của phong cách Kawabata. Thế giới đằng sau tấm gương đó dường như không tồn tại. Sự sống, và hạnh phúc người phụ nữ đó có được với người chồng thứ hai vĩnh viễn sẽ không là hạnh phúc đích thực của đời nàng. Người đàn bà đó sợ trong nỗi nhớ khôn nguôi về người chồng đã mất, em bé do nàng sinh ra với người chồng thứ hai lại mang khuôn mặt của người chồng đầu. Ngần ấy đã nói lên tình yêu thương của người phụ nữ, đồng thời vẽ lên được cái cuộc sống tạm bợ, cái hạnh phúc gần như là giả tạo mà người đàn bà đó có được trong lần hôn nhân thứ hai.

Có hai giới hạn trong cuộc đời người đàn bà: giới hạn thứ nhất là hạnh phúc miên viễn bên cuộc đời ngắn ngủi của người chồng đầu tiên và giới hạn thứ hai là hạnh phúc ngắn ngủi bên cuộc sống kéo dài của người chồng thứ hai. Đứng ở khía cạnh nào, người đàn bà cũng bất hạnh đáng thương. Bản thân nàng là một giới hạn và cái giới hạn đó, ngẫm cho cùng lại muốn toát lên cái sự mong manh của hạnh phúc, tình yêu và cả kiếp người.

Người kể dừng lại ở một giới hạn, nhưng câu chuyện lại liên tiếp mở ra nhiều giới hạn khác. Bên cạnh chuyện tình cảm của người đàn bà ấy, chuyện chiến tranh, chuyện căn bệnh lao phổi nan y, chuyện phong tục tập quán,… dần lộ rõ.

Truyện được xem là có dung lượng dài nhất trong tập Truyện trong lòng bàn tayNgười đàn ông không cười. Tác phẩm đan lồng hai chủ đề: về kịch noh và về cách đối nhân xử thế ở đời. Cả hai chủ đề này được xem xét dưới cái nhìn nghệ thuật. Giới hạn của nó là cuộc sống cần nghệ thuật để mọi thứ trông tươi đẹp hơn. Đấy là điều nên làm. Nhưng nếu cứ mãi sống một cách nghệ thuật quá thì mọi thứ rất có thể rơi vào cảm giác hụt hẫng khi con người đối diện với bản chất của sự vật hiện tượng. Nhân vật tôi cuối cùng đưa ra kết luận: “Mặt nạ không tốt, nghệ thuật không tốt”.

Đây quả là một triết lí ngược đời. Hằng bao thập kỉ nay, con người ta miệt mài nỗ lực phấn đấu theo hướng bảo tồn cái đẹp của nghệ thuật để nâng cấp đời sống tinh thần của mình, thế nhưng, nhà văn lại để cho nhân vật phát biểu quan niệm ngược lại. Phải chăng ông muốn làm một cuộc cách mạng triệt để về nhận thức và ứng xử của con người? Có lẽ không phải thế. Ắt hẳn, Kawabata chỉ muốn phủ nhận sự lạm dụng nghệ thuật thái quá. Bởi lẽ không ít người đã lợi dụng nghệ thuật để lãng quên cuộc sống thực tại của bao mảnh đời lắt lay đang diễn ra hằng ngày trong đời sống thực. Không phải ngẫu nhiên mà trong truyện này nhà văn để cho cái bệnh viện tâm thần xuất hiện trong lúc nhà đạo diễn của ông đang lùng sục cho bằng được những chiếc mặt nạ Noh vốn phô diễn sự bình yên trong cái nhìn tĩnh lặng của những người đàn ông tươi cười.

Rốt cuộc Truyện trong lòng bàn tay của Kawabata đã vượt qua giới hạn hạn hẹp của nó. Điều này cũng dễ hiểu thôi khi chính Kawabata cho rằng ông sáng tác truyện trong lòng bàn tay theo cái cách các thi sĩ sáng tác thơ Haiku, một lối thơ được xem là cô đọng nhất trên thế giới.

Những giới hạn lớn nhất của con người chính là sự sống và cái chết. Cái chết mang tính tất yếu định mệnh của bản thể, con người không thể làm sao thoát được. Còn sự sống là phần thuộc về con người, nhưng bi đát thay con người không hề để nó tự do phát triển theo những nhu cầu nội tại mà lại lái nó theo những toan tính của cộng đồng, của những định chế bên ngoài mà hầu như không hề do họ đặt ra. Sự vong thân đó đã khiến tồn tại vốn đã là một giới hạn nay lại chịu thêm nhiều giới hạn nữa.

Kawabata trình bày rất độc đáo vấn đề mang tính hiện sinh này qua những diện mạo được trang điểm, có nghĩa được nghệ thuật hóa. Theo đó, một khi đã được làm khác đi, con người thôi không còn là chính mình nữa. Trong giới hạn của nghệ thuật hoặc của một nguyên tắc sống nào đó mà cá nhân tôn thờ, con người sẽ tự rơi vào những giới hạn và đó chính là nỗi bi đát cực kì của số phận. Những con người này thường mang một diện mạo cô đơn truyền kiếp. Họ sống trong cộng đồng mà như thể cộng đồng đó không hề liên quan gì đến họ mảy may. Người đàn ông không tên trong Về chim và thú là một kiểu dạng này. Anh ta chán ghét hết thảy mọi người vì tính không thuần chủng, trong khi đó từ lâu, xã hội loài người và loài vật thì đâu có còn thuần chủng nữa. Như thế tự anh ta đã đặt bản thân ra bên rìa cuộc đời.

Anh đi dự buổi biểu diễn vũ đạo của cô bạn Chikako kiêm tình nhân kiêm gái bao của anh. Trên đường anh gặp một đám ma. Tay lái xe bảo gặp đám ma là xúi, nhưng anh thì cho rằng việc gặp đám ma sẽ luôn mang lại điều may mắn. Từ đám ma đó, anh hồi tưởng về cái chết của các loại chim thú trong nhà và cả nhớ lại việc anh và Chikako có lần định tự sát. Nhưng thái độ bình thản của Chikako trước sự việc nghiêm trọng kia đã khiến anh quyết định thôi không tự sát nữa.

Sẽ thấy rõ tình thế tiến thoái lưỡng nan của những con người này, nhân vật người đàn ông không tán thành việc “bị cuốn hút bởi một người phụ nữ giống mẹ anh ta, yêu một người giống như người yêu đầu tiên của anh ta và muốn cưới một người giống như người vợ đã chết của mình”. Thế nhưng anh ta đâu có thoát được những ràng buộc của cuộc sống xã hội (hay bản năng) như cái cách các con chó cái thuần chủng đáng giá bạc triệu trong cơn hứng tình, tìm cách lẻn đi giao phối với giống chó lai để cho ra đời lũ con không đáng giá một xu.

Con người bị đặt vào những giới hạn tự nhiên (bản năng) và xã hội (luân lí đạo đức, phong tục tập quán…). Chính những giới hạn này đã tạo nên cuộc sống nhân quần và cũng chính nó tước đi từ cuộc sống những gì thuộc về bản chất tinh khiết nhất của tồn tại.

Những giới hạn của Kawabata thường được đề xuất theo lối đồng dạng – tương phản. Sự dâm dật của giống cái, sự không thuần chủng của giống đực,… tất cả khiến nhân vật người đàn ông kia kinh tởm hết thảy. Anh chỉ còn biết chọn cách sống giữa loài chim và thú, nhưng bọn chúng đôi lúc cũng khiến anh mệt mỏi và cáu giận. Nhưng rồi trong thẳm sâu của tâm hồn mệt nhoài đó, con người nhân văn Kawabata vẫn gợi nên một giới hạn của sự sống: giới hạn về niềm lạc quan ở đời mà đã thành khuôn mẫu cho mọi lối viết cổ điển: “trong mơ hồ, anh thầm nhủ mình phải nghĩ đến điều gì đó ngọt ngào”, cái điều mà có lẽ đã níu giữ anh trên cõi đời ngay khoảnh khắc anh ao ước được chết.

Lừng danh với tư cách người đi tìm cái Đẹp, người tôn thờ cái Đẹp, tác phẩm của Kawabata thường xuyên hướng đề tài về nghệ thuật và nghệ sĩ. Hoặc nếu khác đi thì ông đều sử dụng cái nhìn nghệ sĩ để nhìn cuộc đời. Đấy là cái nhìn đau đáu với bao chuyện đời, cái nhìn tinh tế, cái nhìn thương cảm, cái nhìn cô đơn,… Và trên hết, chất nghệ sĩ tài hoa trong ông được thể hiện qua cái nhìn giới hạn. Điều này có lí do của nó.

Nghệ sĩ đương nhiên là tôn thờ cái đẹp. Họ đi tìm cái đẹp tuyệt đối. Nhưng cái đẹp tuyệt đối thì chẳng bao giờ tồn tại. Kawabata quá thấu hiểu điều này nên ông chỉ dừng lại ở những giới hạn nhất định trên đường truy tìm cái đẹp. Nói đúng hơn ông chỉ gợi ra cái đẹp trong tác phẩm, còn hình hài và bản thể của nó thì tùy thuộc vào người tiếp cận.

Vẫn có sự bất lực trong tác phẩm của Kawabata. Giống nhiều nhà văn hiện đại cùng thời, nhân vật của Kawabata dù luôn ý thức bản thể đến đâu chăng nữa thì tận thẳm sâu hành động và suy nghĩ, họ luôn là những con người bị động, bị thực tiễn cuộc sống cuốn phăng trên hành trình của nó mà khó có thể gượng nỗi. Người đàn ông say mê chim và thú đầy cá tính và bản lĩnh kia rốt cuộc cũng muốn viết về cái gì đó khác đi trong đời. Nhà văn theo sát vụ làm phim trong Người đàn ông không cười muốn có cảnh kết những chiếc mặt nạ Noh tươi tỉnh cho khung cảnh bệnh viện tâm thần đáng thương của mình, ngay khi phát hiện ra mặt nạ không tốt, đã muốn gửi đi bức điện đề nghị bỏ cảnh quay ấy nhưng rồi phải xé bỏ bức điện đó đi.

Nghệ thuật là nơi tập trung nhất cái đẹp, nhưng tất thảy cái đẹp đó đều ngụy tạo. Kawabata muốn đề xuất một cái đẹp tinh khiết “thuần chủng” tự nhiên, nhưng ông biết điều đó là không thể. Vốn là một nhà lãng mạn, Kawabata thường đề xuất những cái kết có hậu. Kiểu kết đó luôn được đặt trong những giới hạn. Ở đây chính là giới hạn đạo đức. Ông lão tìm đến ngôi nhà bí mật dẫu vẫn có thể quan hệ với người đẹp say ngủ những lão không vượt qua giới hạn, chấp nhận làm ông già bất lực hơn là một ông già vô đạo đức. Người vợ trong cuộc hôn nhân thứ hai của mình, ngỡ như đã tìm được hạnh phúc nhưng bóng ma của người chồng đã khuất đâu lãng phai trong tâm thức nàng…

Kawabata rất có biệt tài trong việc khám phá tâm hồn nữ giới. Với phái yếu, một giới hạn không bao giờ thiếu ở họ là Trang điểm. Kawabata đã sáng tác một câu chuyện về vấn đề này. Ông đặt trọng tâm đó vào môi trường tang lễ, nơi những người còn sống đến than khóc trước sự ra đi vĩnh viễn của người thân. Người kể phát hiện ra điều lí thú là bất kì phụ nữ nào, già hay trẻ đến nhà tang lễ đó, sau khi khóc than một hồi cũng đều soi gương, trang điểm. Với tư cách là nhà đạo đức, người kể không tán thành điều đó. Anh ta cho hành động đó là phi đạo đức. Ngày nọ, khi có dịp quan sát được người thiếu nữ đức hạnh khóc than chân thành trước cái chết của người thân mà không hề có ý gì muốn trang điểm, anh ta định phong thánh cho thiếu nữ đó, thế nhưng ngay trước lúc rời nhà tang lễ, cô gái đã rút chiếc gương trong túi xách ra soi.

Ở đây không chỉ là chuyện trang điểm thường nhật theo nghĩa đen mà còn chuyển tải cả nghĩa ẩn dụ. Dường như trong cuộc sống, con người ta lúc nào cũng cần trang điểm, một phần là để làm đẹp và phần kia là để che giấu chính bản thân mình. Đấy là những giới hạn đến từ tự nhiên và cả đến từ những tập tính xã hội bao đời.

Liên quan đến những nghệ sĩ, Kawabata sáng tác câu chuyện lãng mạn, đầy ắp chất thơ Tiếng gieo xúc xắc ban khuya. Nội dung truyện xoay quanh cô nghệ sĩ Mitiko, người đang gia nhập một đoàn biểu diễn lưu động. Cô không chỉ xinh đẹp, đầy cá tính mà còn có biệt tài gieo xúc xắc theo ý muốn của mình. Để đạt đến mức độ thượng thừa trong trò đó, hằng đêm cô đã phải luyện tập rất khuya. Và rồi khi nhân vật tôi đề nghị cô gieo những con xúc xắc đồng loạt ngửa mặt nhất để cầu mong cho tình yêu hé nở giữa hai người, tuy cô nói là chưa đề cập đến tình yêu đó, nhưng những con xúc xắc cô gieo đều có mặt nhất bên nhau. Người kể không giải thích gì thêm nhưng độc giả hoàn toàn nắm được tâm tư, tình cảm của cô gái. Câu chuyện được giới hạn trong nghệ thuật gieo xúc xắc. Tình cảm của hai nhân vật cũng được người kể giới hạn trong những con xúc xắc mang mặt nhất, thế nhưng ai cũng biết chí ít thì từ cô gái đoan trang, ít nói kia, một mối tình đã xuất hiện, âm thầm và sâu thẳm vô cùng.

Kawabata thực sự đã tạo được cái “khoảng không giới hạn đầy ma thuật” trong truyện của mình. Bằng cách giới hạn mọi điều dưới cái nhìn lãng mạn, đầy ắp tinh thần nhân văn của mình, ông đã mang đến cho người đọc vô vàn cảm xúc. Bảo văn chương Kawabata tinh tế thì quả thật chẳng hề sai chút nào, nhưng trước hết ta cần nói đến “nghệ thuật giới hạn”, cội nguồn của sự tinh tế đó, chính nó đã làm nên nét đặc thù trong cách kể của Kawabata.

Nguồn: Đại học Sư phạm Hà Nội

Chú thích

Các trích dẫn trong bài đều lấy từ bản dịch của Đào Thị Thu Hằng, in trong Yasunari Kawabata tuyển tập tác phẩm, NXB Lao Động, H., 2005.       


 

Exit mobile version