Đạm Phương nữ sử (Tân Tỵ 1881 – Đinh Hợi 1947) là một trong những nhà giáo dục tiên phong, nhà hoạt động xã hội tích cực và có đóng góp lớn cho sự tiến bộ của phụ nữ trong lịch sử dân tộc thời cận đại. Sự nghiệp trước tác của bà trải trên nhiều lĩnh vực với nhiều tư cách khác nhau: nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo dục và nhà hoạt động xã hội. Trong vai trò nào bà cũng có những đóng góp nhất định. Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi tìm hiểu ý thức nữ quyền trong văn xuôi Đạm Phương nữ sử để thấy được vai trò và tầm ảnh hưởng của bà đối với phong trào nữ quyền 30 năm đầu thế kỷ XX.


Đạm Phương nữ sử đến với văn xuôi muộn hơn một chút so với các thể loại khác. Bà có thơ đăng báo năm 1918 (Nam phong, số 10, tháng 4-1918) ở độ tuổi 37. Bài báo đầu tiên Tự thuật cảnh Hương giang buổi chiều trên Nam phong số 13 tháng 7-1918 cũng ở tuổi 37. Bài báo đầu tiên bàn về nữ quyền: Vấn đề nữ học trao đổi với Thượng Chi tiên sinh trên Nam phong số 43 – tháng 1-1921 ở tuổi 40 và có tiểu thuyết đầu tiên Kim Tú Cầu đăng trên Lục tỉnh tân văn số 1460 ra ngày 15-7-1922 (kết thúc số 1567 ra ngày 22-10-1923, sau được in bởi Nhà in Bảo Tồn, Sài Gòn 1928)(1)# ở tuổi 41. Kết thúc sự nghiệp viết báo ở tuổi 51 (1932). Nói như vậy để chúng ta có những hình dung cụ thể về sự nghiệp trước tác của bà, dù đến với văn đàn muộn nhưng lại có những đóng góp không nhỏ cho quá trình hiện đại hóa văn học và nhất là cho phong trào đấu tranh đòi nữ quyền (hay đúng hơn là quyền bình đẳng giới) ở Việt Nam trong 30 năm đầu thế kỷ XX – nơi quy tụ được rất nhiều cây bút nữ xuất sắc: Sương Nguyệt Anh, Manh Manh nữ sĩ, Vân Hương nữ sĩ, Nguyễn Thị Hồng Đăng, Lệ Hương, Lê Thị Huỳnh Lan, Phan Thị Bạch Vân, Bùi Thị Út… Có thể nói, cả quãng đời hoạt động báo chí và văn học của bà gói gọn trong thập niên 20 của thế kỷ XX. Theo quan điểm cá nhân chúng tôi Đạm Phương là một trong gương mặt nữ ưu tú nhất trên văn đàn thời bất giờ.

Trong khoảng hơn 10 năm cầm bút (1918-1930), Đạm Phương nữ sử đã công bố hàng trăm bài viết với nhiều thể loại về nhiều vấn đề khác nhau nhưng tập trung nhất và tâm huyết nhất là những vấn đề phụ nữ và nhi đồng. Nhiều nhà nghiên cứu đều thừa nhận Đạm Phương là người phụ nữ duy nhất cùng một lúc thường xuyên xuất hiện trên những thời báo lớn của cả 3 miền đất nước: Nam phong, Hữu Thanh, Trung Bắc tân văn ở miền Bắc, Tiếng dân ở miền Trung, Lục tỉnh tân văn, Phụ nữ tân văn ở miền Nam. Có những bài viết của bà cùng một lúc xuất hiện trên cả 3 tờ báo ở cả 3 miền đất nước gần như cùng một thời điểm. Trong các bài báo của mình, Đạm Phương nữ sử luôn có tư tưởng thay đổi quan điểm thiên kiến về phụ nữ: “Đàn bà là người, đàn bà là phần nửa nhơn loại… Nếu tất cả đàn bà thế giới không có học thức, thì một nữa nhân loại có lẽ là thú cả”(2)#. Và trong các sáng tác văn chương của mình, bà đã dành những tình cảm ưu ái cho những nhân vật nữ, đó là thiên hướng mỹ cảm, lấy cái đẹp vừa làm đối tượng vừa làm ngọn nguồn của cảm xúc.

Trong tiểu thuyết Kim Tú Cầu, cuộc đời của nàng Tú Cầu cũng giống như những nhân vật tài sắc trong văn chương trung đại. Khi vừa biết yêu thì người cha mê thuật tướng số bắt gả cho tên quan già mong hưởng vinh hoa phú quý. Song sự đời đâu có như ý nguyện, Tú Cầu xuất giá chẳng bao lâu thì chồng chết, gia sản bị cướp đoạt hết phải lưu lạc nơi đất khách quê người, thân cô thế cô, rồi lại bị gả bán cho thương gia Hoa kiều, bị vợ cả đánh ghen… biết bao nỗi đoạn trường cho kiếp hồng nhan. Ở “Lời bàn của tác giả”, bà đã phê phán xã hội “nếu thanh bình, pháp luật nghiêm minh, đâu có những sự trái phép, diễn ra giữa chốn tỉnh thành, gian cướp tứ tung mà quan gia không tìm phương nã trị, để một người đàn bà con gái con nhà trâm anh, vợ người chức tước mà tiền của mất sạch, thân thể phiêu lưu, không ai nhìn đến, có oan mà không chỗ kêu, bơ vơ sóng gió dập vùi, ở trong một cái hoàn cảnh hắc ám, phần thời gia đình chôn lấp, phần thời xã hội dày vò” và cho rằng tác phẩm đã có “song có một cái bi quan về phong tục về thời đại, có ảnh hưởng và quan hệ cho phụ nữ nước ta rất nhiều”. Rõ ràng, ngày từ tác phẩm đầu tay, Đạm Phương đã có ý thức về vấn đề giáo dục và phát triển của phụ nữ.

Ở đoản thiên tiểu thuyết Chung Kỳ Vinh, nàng Ngọc Yến, con gái của Nguyễn Công – thầy dạy của Kỳ Vinh, hay chữ, xinh đẹp, hiền thục nết na nhưng vì gia cảnh sa sút nghèo khó nên bị nhà chồng hủy hôn. Trải qua biết bao nhiêu tủi cực vất vả, Ngọc Yến cũng tìm được hạnh phúc của mình bên Chung Kỳ Vinh. Nhân vật Ngọc Yến có thể xem là đại diện tiêu biểu cho quan niệm về nữ quyền của Đạm Phương nữ sử ở giai đoạn đầu. Ngọc Yến làm chủ gia đình, đưa ra các quyết định, các kế hoạch, chủ động trong tình yêu, nàng từ hôn với Chung Kỳ Vinh để chàng không còn vướng bận giữa chữ tình và chữ hiếu để tập trung vào khoa cử. Nàng quyết định kinh doanh vì nàng nghĩ: “Chao ôi! Thân ta sao khốn khổ đến thế này, tượng bởi vì đâu xui khiến? Cái thông minh của ta ở đâu? Có giúp được cho ta trong lúc bối rối nầy mới không phụ trời đất đã bẩm sinh cho ta có cảm giác tư tưởng đặc biệt hơn người, người đời ai cũng hâm mộ thế lợi, ta không kể thế lợi, là vì ta muốn bảo tồn cái danh giá trong sạch của nhà ta, nhưng, ta suông tay không có nghề nghiệp, phỏng có sống nổi mà giữ còn tuyết sạch giá trong không?” rồi nàng tìm ra cách thức để tồn tại trong cuộc đời đầy rẫy bất công này: “chi cho bằng trong nghề nữ công, mở rộng việc canh cửi, thuê bọn phụ nữ trong làng, giúp việc dệt tơ lụa vải bố, trước đã có công việc mà làm cho vui, sau nữa lại có lời lãi để dùng hằng ngày chẳng cũng có ích lắm ru”… Để nhấn mạnh hơn những phẩm chất của nàng Ngọc Yến, Đạm Phương đã dùng con mắt của Kỳ Vinh đánh giá: “Nàng Ngọc Yến là con gái mà còn can đảm, dám quyết tuyệt sự ái tình, cất mình tránh đi chỗ khác, để giữ cái tiết tháo cho vẹn, huống ta đây là đấng nam tử, lẽ nào không có kiến thức cao hơn một tầng nữa, ta yêu nàng thì ta phải thành toàn cho nhau, phàm muốn yêu cầu một điều gì, trước hết phải tự mình có bổn lãnh, sự nghiệp cho vững vàng, nhiên hậu mới đạt được cái mục đích hy vọng đặng”. Và cuối cùng nàng đã được đền đáp xứng đáng với công sức của mình. Tuy nhiên, một chi tiết rất đáng chú ý ở cuối tác phẩm: đó là Ngọc Yến có suy nghĩ cho Kỳ Vinh lập thiếp. Dù theo Đạm Phương lý giải là đáp ứng mong muốn của cha chồng nhưng, ta thấy rõ sự dùng dằng trong quan niệm “nam nữ bình quyền” của Đạm Phương và ảnh hưởng của những quan niệm Nho giáo cũng như địa vị xuất thân của Đạm Phương(3)# đối với suy nghĩ của nàng Ngọc Yến.

Có thể thấy, ở hai sáng tác trong giai đoạn đầu, Đạm Phương đã bộc lộ ý thức nữ quyền trong thế muốn dung hòa tư tưởng tiến bộ của phương Tây và quan niệm chữ hiếu của phương Đông. Kim Tú Cầu và Ngọc Yến bị chữ hiếu chi phối cho nên ở trong tác phẩm này ta thấy tư tưởng nữ quyền của Đạm Phương mang đậm dấu ấn Nho giáo phương Đông. Sự ràng buộc, chi phối của tầng lớp xuất thân, hoàn cảnh xã hội đã có tác động nhất định đến quan niệm nghệ thuật của Đạm Phương thời kỳ này.

Đến tiểu thuyết Hồng phấn tương tri, đã có những bước phát triển mới trong quan niệm về nữ quyền của Đạm Phương nữ sử. Trong tiểu thuyết này, bà đã xây dựng hình tượng một cô gái tân thời, có học thức và có tư tưởng “nam nữ bình quyền” hoàn toàn mới – đó là Quế Anh. Xuất thân là con gái trong một gia đình trâm anh thế phiệt, được học hành bài bản từ tấm bé, Quế Anh được nhiều “người biết tiếng về tài sắc và đức hạnh”. Cô khác với các quý bà, quý cô đương thời là không thích sử dụng thời gian rỗi bằng thú chơi bài bạc, đánh tổ tôm, xem kịch hát mà luôn luôn “không bao giờ rời quyển sách trên tay”. Cô quan niệm “người đàn bà cốt giữ cái bổn phận của mình, từ việc trong cho tới việc ngoài, nhỏ có trọn vẹn, mới mong lớn được hoàn toàn”. Quế Anh đã tự ý thức cao được bổn phận của mình đối với gia đình và đối với xã hội. Chính vì vậy mà cô tìm được sự đồng điệu về lý tưởng với Nam Châu – một người có chí hướng, biết lo toan cho công việc của cộng đồng.

Từ Kim Tú Cầu đến Ngọc Yến rồi qua Quế Anh, ta thấy được những biến chuyển trong quan niệm về nữ quyền của Đạm Phương nữ sử. Đến Quế Anh, cô là người do biết ý thức về trách nhiệm của mình nên đã chủ động trong mọi việc từ tình cảm bản thân đến công việc gia đình mọi việc tất thảy đều được cô lo chu toàn. Có thể nói, Quế Anh là hình mẫu tiêu biểu cho người phụ nữ mới trong một giai đoạn mới – giai đoạn mà ý thức nữ quyền trong văn học Việt Nam đã phát triển rầm rộ#(4).

Về văn xuôi Đạm Phương nữ sử, nhà phê bình Thiếu Sơn trong công trình Phê bình và cảo luận (1933) đã nhận định: “Đứng về phương diện nghệ thuật mà nói thì hai bộ tiểu thuyết (Kim Tú Cầu, 1928 và Hồng phấn tương tri, 1929) còn nhiều khuyết điểm lắm. Song nếu lấy nó để khảo thêm về tâm chí tác giả, thì ta sẽ thấy Đạm Phương nữ sử là một bậc nữ sử tiên giác đã biết rõ cái hoàn cảnh mình, cái xã hội mình, muốn kiếm những phương thuốc để sửa đổi lấy nó, và muốn nêu ra những lý tưởng hoàn thiện làm mục đích cho sự cải cách này”.

Đến giữa những năm 30 của thế kỷ XX, Đạm Phương ít thấy xuất hiện trên văn đàn và vai trò của bà đối với văn học gần như không còn nữa nhường chỗ cho những nhà văn thế hệ Tây học và tân học. Đây là xu thế tất yếu của lịch sử bởi những văn sĩ cùng thời như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải, hay một loạt các nhà văn Nam Bộ đương thời: Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt, Trần Quang Nghiệp, Sơn Vương… đều chưa thoát ra khỏi quy phạm của tư tưởng văn học trung đại để tiến lên hẳn hướng hiện đại, vai trò của họ là “cầu nối” giữa “hai thời đại văn học”, là “font” cho sự ra đời của các trào lưu văn học 1930 – 1945 với các nhà văn lãng mạn như Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Nguyễn Tuân…; hiện thực như Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao… và các nhà thơ trong phong trào Thơ mới như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử…

Có thể nói, văn xuôi Đạm Phương nữ sử đã có đóng góp làm đa dạng và tô đậm bức tranh của tiểu thuyết văn xuôi quốc ngữ đầu thế kỷ XX. Trong văn xuôi Đạm Phương, hình ảnh người phụ nữ thời mới hiện lên với những đặc tính tốt đẹp, đầy đức hi sinh và giàu nghị lực. Bà cũng góp phần tái hiện và xây dựng người phụ nữ Việt Nam vừa có trí tuệ vừa giàu lòng nhân ái và đức hi sinh. Đề cập đến vấn đề nữ quyền trong văn xuôi Đạm Phương, chúng tôi mong muốn góp phần nhận diện lại vai trò và đóng góp của bà không chỉ đối với quá trình đấu tranh giải phụ nữ ở Việt Nam mà còn cả quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam giai đoạn cận đại.

T.V.T

Nguồn: vannghequandoi

——–

1. Theo tư liệu chúng tôi đang có, có thể khẳng định Đạm Phương là nhà văn nữ đầu tiên sáng tác tiểu thuyết. Đây rõ ràng cho thấy vai trò và tầm ảnh hưởng của bà đối với văn đàn thời bấy giờ

2 Trung Bắc tân văn số ra ngày 21-6-1926.

3 Ở ngoài đời, Đạm Phương cũng chính là người đi cưới thiếp cho chồng mình là ông Nguyễn Khoa Tùng.

4 Đạm Phương là người thành lập Nữ công học hội ở Huế năm 1926 – một tổ chức vừa là đoàn thể vừa là trường học phụ nữ đầu tiên trong cả nước. Sau tổ chức này được thành lập ở hàng loạt các tỉnh trong cả nước.

Exit mobile version