Đạm Phương nữ sử (Tân Tỵ, 1881 – Đinh Hợi, 1947) là một trong những nhà giáo dục tiên phong, nhà hoạt động xã hội tích cực và có đóng góp lớn cho sự tiến bộ của phụ nữ trong lịch sử dân tộc thời cận đại. Sự nghiệp trước tác của bà trải trên nhiều lĩnh vực với nhiều tư cách khác nhau: nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo dục và nhà hoạt động xã hội. Trong vai trò nào bà cũng có những đóng góp nhất định nhưng theo nhiều học giả thì đóng góp lớn nhất của Đạm Phương là trên tư cách nhà giáo dục và nhà hoạt động xã hội. Những đóng góp của bà đã được rất nhiều nhà nghiên cứu từ hơn nửa thế kỷ qua khám phá và ghi nhận. Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi tìm hiểu thơ ca của Đạm Phương nữ sử để hoàn thiện bức tranh đa dạng về một trong người phụ nữ tài năng và nhiệt huyết nhất đầu thế kỷ XX.


Đạm Phương nữ sử có thơ đăng báo năm 1918 (Nam phong, số 10, tháng 4-1918) ở độ tuổi 37 với sự chín chắn và sự tích lũy về vốn sống cũng như tri thức văn hóa nhất định. Cũng như những nhà thơ xuất thân trong các gia đình có truyền thống nho học, bà làm thơ trước hết với mục đích gửi gắm tâm tư tình cảm của một người trí thức Việt Nam sống trong vòng nô lệ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, ta thấy bà làm thơ còn để chuyển tải những thông điệp về các vấn đề xã hội như đạo lý, giáo dục nhi đồng và đấu tranh cho nữ quyền… Đạm Phương cùng với Nguyễn Thị Manh Manh, Mộng Tuyết, Trần Kim Phụng, Trần Ngọc Lầu, Anh Thơ, Ngân Giang, Vân Đài, Hằng Phương… được đánh giá là những cây bút nữ nổi bật trên văn đàn những thập niên đầu thế kỷ XX(1). Họ đã góp phần làm phong phú hơn bức tranh của thời đại thi ca ấy bằng giọng thơ riêng mang đậm sắc màu nữ tính mềm mại, uyển chuyển: “Một Anh Thơ chân tình mộc mạc, một Mộng Tuyết trong trẻo, hồn nhiên, một Ngân Giang tài hoa, cổ kính, một Hằng Phương đằm thắm, ngọt ngào, một Vân Đài duyên dáng dịu nhẹ… và bấy nhiêu thôi cũng đủ góp phần cho cung đàn thơ ca Việt Nam thêm đa dạng về âm sắc và giọng điệu”(2). Xét về phong cách thơ, ta thấy Đạm Phương nữ sử rất gần với nữ sĩ Ngân Giang ở sự tài hoa và cổ kính nhưng trong thơ bà ta còn thấy phẩm chất của phụ nữ Huế: “thâm trầm và bạo liệt” (chữ dùng của Trần Văn Đoàn) được thể hiện qua nhiều bài thơ. Ở mảng sáng tác nào, Đạm Phương cũng ít nhiều thể hiện được cá tính và phong cách riêng của mình.

Trong toàn bộ sáng tác thơ của Đạm Phương với khoảng hơn 40 bài nổi bật là chùm thơ vịnh sử. Trong thơ vịnh sử, bà đã thổi được hồn cốt của thời đại và cái nhìn mới đầy cảm thông của một người phụ nữ đối với các nhân vật lịch sử. Thơ vịnh sử  – một loại đề tài rất phổ biến trong văn học trung đại, được gợi ra từ cảm hứng lịch sử Việt Nam và Trung Quốc. Theo PGS. Bùi Duy Tân, “thơ vịnh sử là thơ vịnh nhân vật lịch sử hoặc sự kiện, di tích có liên quan đến nhân vật lịch sử”. Về nội dung tư tưởng, “thơ vịnh sử là loại thơ ngôn chí, tải đạo, thể hiện chức năng giáo hối”, “là loại thơ bình luận đánh giá suy tư mang phong cách chính luận, chứ không phải thơ trữ tình có dung mạo, nội tâm nhân vật”(3). Tuy vậy, thơ vịnh sử cũng không chỉ là những mẩu ký sự đơn thuần thuật lại một biến cố, một nhân vật trong quá khứ, mà thông qua biến cố hay nhân vật ấy, tác giả bộc lộ tình cảm, tư tưởng của mình về nhiều phương diện.

Như chúng ta đã biết, đầu thế kỷ XX, xu hướng ca ngợi đạo nghĩa rất thịnh hành trong sáng tác của các nhà văn, nhà thơ, đặc biệt là trong văn xuôi quốc ngữ. Sự tiếp xúc với văn minh phương Tây cũng như “con dao hai lưỡi” vừa tác động tích cực đến mọi mặt đời sống nhưng nó cũng đã để lại những hậu quả khôn lường về phương diện xã hội. Chính mâu thuẫn giữa cái cũ chưa mất đi cái mới chưa thành hình đã dẫn tới dẫn đến sự xuống cấp của đạo đức xã hội rồi cái xấu, cái ác và các tệ nạn xã hội hoành hành. Vì vậy, cũng như nhiều nhà văn đương thời, Đạm Phương cũng tập trung hướng đến vấn đề đạo lí nhằm giáo dục, thức tỉnh nhân tâm. Hơn nữa, là một người am tường Hán học, chắc chắn bà đã từng đọc và chịu ảnh hưởng ít nhiều những thi nhân làm thơ vịnh Nam sử nổi tiếng như Đặng Minh Khiêm, Hà Nhậm Đại, Nguyễn Khuyến… đặc biệt là vua Tự Đức(4), người cùng vai vế với Đạm Phương. Cũng như họ, bà tìm thấy trong thơ vịnh sử cách thức để gửi gắm quan điểm và tâm trạng của mình. Ở các bài thơ Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Vịnh cờ hoa lau… Đạm Phương viết về họ để ca ngợi công đức và tài năng của những bậc tiền nhân làm tấm gương cho con cháu noi theo. Có thể nói về thể thơ, không có gì đặc biệt, vẫn là thể “thất ngôn bát cú Đường luật” truyền thống nhưng nữ sĩ đã chuyển tải hết được tinh thần của các nhân vật có thật trong lịch sử. Chỉ cần đọc hai câu “đề” là người đọc có thể biết được người viết muốn đề cập đến ai/ đối tượng nào. Nói như Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, làm thơ vịnh sử mà đủ nghĩa, đủ tinh thần như thế thì được người xưa gọi là “khai môn kiến sơn” (mở cửa ra thì trông thấy núi ngay) và cũng thể hiện hết được đặc trưng của thơ vịnh sử(5). Đây là một điểm đáng ghi nhận của thơ Đạm Phương. Chẳng hạn như ở bài Bà Triệu, mở đầu bà viết:

Trong rừng dậy phất ngọn cờ vàng

Lừng lẫy anh thư chốn chiến tràng.

Hay ở bài Hai Bà Trưng:

Dựng cờ nương tử rạng nghìn thu

Nợ nước thù nhà đáp báo phu.

So với những vần thơ vịnh Hai Bà Trưng trước đó gần 400 năm của Lê Thánh Tông không có sự cách biệt là mấy:

Trợ dân dẹp loạn trả thù mình,

Chị rủ cùng em kết nghĩa binh.

(Trưng Vương)

v.v…

Ở một phương diện khác, trong các bài như Bà Mỵ Châu, Bà Mỵ Ê… bà lại nói lên tiếng nói đồng cảm của một người phụ nữ với những người phụ nữ khác phải chịu sự oan nghiệt trong thời khắc lịch sử éo le. Qua đó, người đọc cũng thấy được ý thức nữ quyền ở Đạm Phương. Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng Mỵ Châu là người có tội, đáng trách trong sự kiện Triệu Đà đánh chiếm Âu Lạc nhưng đối với Đạm Phương – đứng trên lập trường một người phụ nữ – bà thấy Mỵ Châu dẫu sao vẫn là người đáng thương hơn đáng trách. Ở bài Bà Mỵ Châu đã mất đi chất lạnh lùng, khô khan, nghiêm lệ vốn có của thơ vịnh sử mà thay vào đó ta thấy toát lên chất trữ tình nồng đượm, đậm đà và ý vị: “Nam Bắc gây nên cuộc chiến thâu/ Cơ trời dâu bể thấy mà đau/ Nhà tan nước vỡ đành ra thế/ Ngọc nát châu chìm cớ bởi đâu/ Lai láng dòng xanh sa giọt tủi/ Bơ vơ non bạc kéo mây sầu/ Nỏ rùa lông ngỗng mà nên việc/ Bởi quá tin nhau hóa hại nhau…”. Trong xã hội phụ hệ, người phụ nữ khi đã “xuất giá” phải theo chồng thì trách làm sao được họ lại tin và làm theo “ý chồng” có chăng chỉ thấy đáng thương cho nàng Mỵ Châu “bởi quá tin nhau” thành ra “hại nhau” mà thôi. Còn trong bài Bà Mỵ Ê, bà lại hết mực ca ngợi sự chung thủy, tiết trinh của người phụ nữ đất Chiêm Thành, người được phong Tá lý phu nhân trinh liệt(6). Trước tấm gương của một người phụ nữ tiết hạnh, trung trinh, Đạm Phương đã viết những vần thơ đầy khâm phục và sự cảm thông:

Ơn vua nợ nước trả xong

Dám tiếc làm chi mảnh má hồng

Sau trước vẫn cam bề sống thác

Mất còn nỡ để thẹn non sông

Mây sầu lớp lớp bay về Bắc

Sóng thảm rùng rùng cuộn hướng Đông

Đợi phải chiếu rồng ban triện đến

Đã đành trọn tiết với vương công.

Là một người phụ nữ làm thơ, trong thơ của mình, Đạm Phương đã thể hiện được bản thể tính nữ như điểm nhấn, gây được ấn tượng và những rung động thấm thía ở người đọc. Ta cũng bắt gặp những cảm xúc tương tự trong thơ của nữ sĩ Ngân Giang – dẫu có phần mới mẻ hơn. Ở bài Trưng Nữ Vương, Ngân Giang đã cho thấy chỉ có một sự cảm nghiệm nỗi đau thấm thía, đậm đà của người phụ nữ mới có thể rùng mình, tê tái đến vậy:

Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa

Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi

Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá

Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ loi.

Theo các nhà nghiên cứu, “làm thơ vịnh sử đòi hỏi các tác giả phải có tri thức lịch sử. Không phải tri thức lịch sử thông thường mà là tri thức lịch sử uyên bác, có hệ thống, chính xác, độ tin cậy cao… theo tư chất lương sử”(7). Như vậy, để làm những bài thơ vịnh sử như trên, Đạm Phương đã phải tích lũy cho mình những hiểu biết sâu sắc về các nhân vật lịch như Mỵ Châu, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Mỵ Ê, Đinh Tiên Hoàng… và những sự kiện và diễn tiến lịch sử xung quanh những nhân vật đó thì mới đưa ra được cái nhìn khái quát, có chiều sâu và những đánh giá sắc sảo về họ. Có thể thấy, tất cả các nhân vật mà Đạm Phương vịnh đều là các nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam (ngay như bà Mỵ Ê là người Chiêm Thành nhưng đến thời của bà họ đã được xem như một bộ phận, một dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam) mà không phải như thơ vịnh sử của người xưa đa phần lấy các tích và nhân vật của Trung Hoa. Có lẽ khi làm thơ vịnh sử, Đạm Phương cũng ý thức sâu sắc rằng hằng số giá trị của thơ vịnh Nam sử chính “là tâm thức suy tôn danh nhân lịch sử văn hóa đất nước. Hãy làm cho thơ vịnh sử trước hết là những bài thơ hay đến với đại chúng như những bài ca yêu nước và tự hào dân tộc”(8). Một điều thú vị nữa là đa phần các nhân vật được vịnh đều là phụ nữ: Mỵ Châu, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Mỵ Ê. Tất cả đều có dụng ý của tác giả. Chúng ta đều biết Đạm Phương Nữ sử là nhà hoạt động xã hội tích cực cho việc nâng cao nhận thức và vai trò của phụ nữ trong xã hội. Vì vậy bà vịnh những tấm gương phụ nữ anh dũng, trinh liệt và tiết hạnh nhằm nêu gương cho chị em phụ nữ đương thời học tập và noi theo.

Không chỉ vịnh những nhân vật của quá khứ, để thể hiện ý thức nữ quyền của mình, Đạm Phương còn làm thơ ca ngợi những tấm gương người cùng thời với bà: Là bà Trần Thị Thọ ở Nam Kỳ bỏ tiền cho hội Khai trí tiến đức xây nhà Bảo anh, lập Ấu trĩ viên trong bài Lời tạ ơn bà Trần Thị Thọ ở Nam Kỳ, là tấm gương hiếu nghĩa của Đoàn Huân người Thừa Thiên vì cứu mẹ thoát khỏi bão lụt mà chấp nhận bỏ lại vợ dại con thơ trong An Truyền hiếu tử truyện. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam “ối a bông phèng” hồi đầu thế kỷ XX, vấn đề đạo đức và những giá trị truyền thống đang bị sói mòn, bà cho rằng đây là những tấm gương sáng để người đời “soi chung”:

Khuyên ai nấy: thảo nhà vẹn giữ

Thời hóa ra muôn sự đều hay

An Truyền hiếu tử lược bày

Làm bia kỷ niệm sau này soi chung.

(An Truyền hiếu tử truyện)

Người xưa làm thơ để tỏ lòng dù là thơ vịnh cảnh, vịnh vật, vịnh sử. Là một người có xuất xứ từ hoàng tộc nhà Nguyễn – là con gái của Hoằng Hóa quận vương Miên Triện, người khá uyên thâm Hán học – bà được gia đình cho ăn học cẩn thận. Ngoài sự am tường về Tây học, bà còn tinh thông cả Hán học, vì vậy lẽ tự nhiên bà hiểu được quan niệm “văn dĩ tải đạo”, “thi dĩ ngôn chí”. Bản thân bà sau khi dấn thân vào con đường hoạt động xã hội thì càng thấy sáng tác văn chương có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền và thức tỉnh nhân tâm. Trong chùm thơ “tả cảnh – tỏ lòng”, dẫu về hình thức thơ, bà vẫn chưa thoát ra khỏi qui phạm của văn học trung đại nhưng về nội dung tư tưởng thì hoàn toàn mang tinh thần thời đại, mang hơi thở bộn về của xã hội Việt Nam “giai đoạn giao thời” (chữ dùng của GS. Trần Đình Hượu). Những bài thơ tiêu biểu cho nhận định này là Thơ tiễn biệt chị Trần Thị Duyên, Cuộc tổ chức bán bánh giúp dân bị lụt ở Thanh Hóa, Bài ca Ấu trĩ viên hay chùm bốn bài tứ tuyệt: Coi chị Đ.X.Nh. thêu bức tranh hoa điểu, Chị B.T.D. dạy các trò gái học quốc văn, Chị B.T.D. chăn tằm, Chị Tr.T.L. dệt vải khung máy… Trong bài Cuộc tổ chức bán bánh giúp dân bị lụt ở Thanh Hóa, trước cảnh người dân ở tỉnh Thanh bị thiên tài dày xéo, bà không thể khoanh tay đứng nhìn nên đã hô hào mọi người chung tay giúp đỡ, nhất là những chị em phụ nữ: Làm thinh không nỡ phải ra tay/ Kẻ của người công giúp hội này/ Bồ liễu theo gương người nghĩa khí/ Nhiễu điều phủ giá mới từ đây/ (…) Xa gần nô nức cuộc làm lành/ Sắp đặt đều tay bọn gái mình/ Lan xạ thơm tho trường hợp tác/ Nữ công thêm rạng vẻ tinh anh… Đọc những câu thơ trên, ta thấy nhịp thơ hối hả, gấp gáp tái hiện được không khí của buổi bán bánh cứu đói. Còn trong chùm thơ tứ tuyệt miêu tả về công việc của những chị em phụ nữ làm trong Hội Nữ công, Đạm Phương cũng đã tái hiện được tinh thần của công việc họ làm:

Tóm trăm nghìn mối một thoi giăng

Rộng hẹp tùy mình máy nhặt khoan

Nghề mọn dám mong gì tế thế

Nhỏ to đủ giúp kẻ đơn hàn.

(Chị Tr.T.L. dệt vải khung máy)

Hay không khí buổi dạy học của chị B.T.D, bà liên tưởng đến bổn phận của phụ nữ trong thời đại mới:

Vườn xuân vui xới lấy xuân hoa

Rèn đúc tinh thần tiếng nước nhà

Hỡi chị em ai từng đọc sử

Dựng nền độc lập phải đàn bà?

(Chị B.T.D. dạy các trò gái học quốc văn)

Không dừng lại ở đó, chúng ta vẫn thấy ẩn hiện trong hai câu cuối của hai bài thơ này một giọng điệu bi tráng, hiên ngang, tràn trề khí phách không thua kém gì các bậc nam giới mà theo nữ sĩ Manh Manh là sự mô phỏng tính nam, mô phỏng con người “bổn phận và trách nhiệm” vốn là đặc thù của đấng nam nhi thời phong kiến(9). Ta còn thấy âm hưởng này trong thơ của Cao Ngọc Anh, Mộng Tuyết sau đó vài năm: Nghĩ mình lại ngán cho mình/ Chẳng có chi mà lại có danh/ Không thế, không thần, không sự nghiệp/ Dở tiên dở tục dở tu hành/ Bầu vơi rượu thánh hồn lai láng/ Túi nhẹ thơ tiên trí quẩn quanh/ Đạo hữu ơ hay đâu vắng nhỉ/ Biết ai đàm đạo mấy câu kinh (Tự trào – Cao Ngọc Anh) và mang sắc thái trong trẻo, thanh thoát và nhuần nhị, dịu dàng hơn:

Hồng Lạc người chung một giống nòi

Có đâu Nam Bắc đất chia hai

Xót tình máu mủ cơn nguy biến

Xẻ áo nhường cơm ai hỡi ai

Máu chảy ruột mềm đau xót lắm

Rách lành đùm bọc lấy cho nhau

Trong nhà đang có người kêu đói

Xẻ áo nhường cơm mau hỡi mau.

(Xẻ áo nhường cơm – Mộng Tuyết)

Đến giữa những năm 30 của thế kỷ XX, Đạm Phương ít thấy xuất hiện trên văn đàn và vai trò của bà đối với văn học gần như không còn nữa nhường chỗ cho những nhà văn thế hệ Tây học và tân học. Cũng như rất nhiều văn sĩ cùng thời như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải, hay một loạt các nhà văn Nam Bộ đương thời: Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt, Trần Quang Nghiệp, Sơn Vương… Đạm Phương chưa thoát ra khỏi quy phạm của tư tưởng văn học trung đại để tiến lên hẳn hướng hiện đại, vai trò của họ là “cầu nối” giữa “hai thời đại văn học”, là “font” cho sự ra đời của các trào lưu văn học 1930 – 1945 với các nhà văn lãng mạn như Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Nguyễn Tuân…; hiện thực như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao… và các nhà thơ trong phong trào Thơ Mới như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử…

Có thể khẳng định, về nghệ thuật, Đạm Phương sử dụng hầu hết các thể thơ cổ phong truyền thống như: tứ tuyệt, thất ngôn bát cú đường luật, ngũ ngôn, song thất lục bát, lục bát nhưng đóng góp của bà là ở sự thể nghiệm thứ ngôn ngữ mới – chữ quốc ngữ – vào trong thơ ca một cách nhuần nhuyễn và ý vị. Đạm Phương cũng là người góp phần duy trì một hướng sáng tác thơ Đường luật bằng chữ quốc ngữ tồn tại bên cạnh Thơ mới (?)(10). Bởi hướng đi của bà còn được rất nhiều cây bút tiếp tục như: Hồ Chí Minh, Quách Tấn, Ngân Giang, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ… Hơn nữa, thơ của bà cùng với các nhà thơ nữ đương thời còn góp phần làm phong phú hơn bức tranh thi ca dân tộc những năm đầu thế kỷ XX cũng như đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Xét ở một khía cạnh nhất định, Đạm Phương nữ sử đã đóng góp cho quá trình hiện đại hóa thơ ca nói riêng và văn học Việt Nam nói chung.

Trần Văn Trọng

————————

(1) Xem thêm Hồ Khánh Vân, Ý thức nữ quyền và sự phát triển bước đầu của văn học nữ Nam Bộ trong tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc đầu thế kỷ XX, tạp chí Nghiên cứu văn học, số 7-2010, tr.81-94.

(2) Viện Văn học, Nhìn lại văn học Việt Nam thế kỷ XX, Nxb. CTQG, H, 2002, tr.463.

(3) (7) (8) Bùi Duy Tân, Thơ vịnh sử – Một thể tài đặc trưng trong văn học trung đại, In trong sách Văn học Việt Nam thế kỷ X – XIX: Những vấn đề lí luận và lịch sử, Nxb. Giáo dục, H, 2007, tr.514, 516, 517, 518, 522.

(4) Đây đều là những tác giả vịnh sử Việt xuất sắc: Đặng Minh Khiêm (1470-1532) với tập Việt giám vịnh sử thi tập, Hà Nhậm Đại (1526-?) với tập Khiếu vịnh thi tập, Tự Đức (1829-1883) với Ngự chế Việt sử tổng tập.

(5) Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, Thơ vịnh sử đời Hồng Đức, Tạp chí Tri tân, số 133 ra ngày 9/3/1944, tr.6.

(6) Bà Mỵ Ê là vợ Lạ Đẩu, vua nước Chiêm Thành. Sau khi vua Lý Thái Tông đánh được Chiêm Thành, chém đầu Lạ Đẩu, bèn bắt Mỵ Ê mang về Thăng Long. Đến sông Lý Nhân, vua sai quan trung sứ triệu bà sang hầu. Bà căm giận khôn xiết, lấy chiếc chăn trắng quấn quanh mình rồi nhảy xuống sông Hoàng Giang tự vẫn. Sau đó được nhân dân lập đền thờ cúng.

(9) Nguyễn Thị Manh Manh, Nữ lưu và văn học, báo Phụ nữ tân văn, số 133 – ra ngày 26/5/1932.

(10) Ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu đã và đang “xem xét lại” quan điểm thơ Đường luật chết hay không chết vào đầu thế kỷ XX hay lý do vì sao giai đoạn này vẫn xuất hiện nhiều nhà thơ làm thơ Đường luật xuất sắc như Tản Đà, Quách Tấn, Ngân Giang, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ… Đặc biệt là Ngân Giang và Quách Tấn có tới hàng ngàn bài thơ được làm theo thể Đường luật (?). Xem thêm Nguyễn Đình Chú, Trần Thị Lệ Thanh, Thử tìm nguyên nhân tồn tại của thơ Đường luật ở thế kỷ XX, Nxb. Văn hoá Dân tộc, H, 2003.

Nguồn: Toquoc

Exit mobile version