Với ý thức đi tìm cái mới, cái đẹp, hơn 30 năm qua, Hứa Vĩnh Sước – Y Phương lặng lẽ thử nghiệm, không ngừng lao động sáng tạo, miệt mài làm “phu chữ” để ngoài một tập kịch, bảy tập thơ, ba tập tản văn, anh đã bổ sung vào văn nghiệp của mình hai trường ca đầy ấn tượng, đó là Chín tháng (1998) và Đò trăng (2009).


Ảnh: internet

Năm 1998, Y Phương trình làng trường ca đầu tay có tên gọi Chín tháng. Ghi nhận thể loại mới, chỉ trong năm 2001, trường ca Chín tháng đạt “cú đúp” văn chương với giải B của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và giải B của Bộ Quốc phòng. Cùng với Tiếng hát tháng Giêng, Lời chúc, trường ca Chín tháng đã góp phần mang đến cho “Người con trai làng Hiếu Lễ” Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (năm 2007).

Cảm hứng của trường ca sử thi luôn là cảm hứng lịch sử. Nguyên tắc lấy lịch sử làm điểm tựa là cần thiết với người viết trường ca. Tôn trọng sự kiện lịch sử, một mặt Y Phương thừa kế vốn kinh nghiệm của người đi trước, mặt khác nỗ lực sáng tạo ra lối đi riêng. Để tránh “vết mòn” biến trường ca thành “diễn ca lịch sử”, Y Phương đã xử lý một cách tài hoa, nhuần nhuyễn cảm hứng lịch sử “cao vút” với cảm hứng đời thường dung dị. Hai trường ca Chín tháng Đò trăng vẫn mang dư âm của chiến tranh, vẫn là “quán tính” trong dòng chảy thơ kháng chiến chống Mỹ suốt 40 năm kể từ ngày “Toàn thắng về ta”. Tự biết cái “tạng” khó “tải chữ” của mình, với lối tư duy toán học (từng thi học sinh giỏi toán), anh biết chọn chi tiết lịch sử “đắt nhất” cho cả hai trường ca của mình.

Y Phương đã lấy một chuỗi những sự kiện dồn dập gắn với từng mốc lịch sử. Nhưng thế mạnh của Y Phương không phải là “tải” sự kiện, mà là sự dồn nén cảm xúc, là sự khái quát hóa, nâng cao vấn đề. Năng lực thơ cô đúc, súc tích đã giúp nhà thơ nâng lên tầm triết luận. Nhà thơ phác thảo diện mạo đất nước, dân tộc từ cái nhìn từ truyền thống lịch sử: “Đất nước – Chưa một ngày yên nghỉ – Ngủ cũng đi và ăn cũng đi – Biển réo đằng kia – Còn trời – Còn đau khổ” (Chín tháng); là hiện thực tàn khốc khi “Đất đai chi chít mắt sàng” (Đò trăng), “Vùng Quảng Trị như trăm nhà xay bột”

Dù thâm nhập đội ngũ viết trường ca muộn hơn, nhưng để tránh biến trường ca thành diễn ca lịch sử và cũng phát huy thế mạnh của mình, Y Phương rất chú ý khai thác các yếu tố văn hóa, nhất là bản sắc văn hóa Tày, hòa trộn chất liệu văn hóa đó tạo ra một điểm tựa kép nâng đỡ tác phẩm. Đó là hai nguồn cảm hứng lớn tạo ra hai âm hưởng chủ đạo: âm hưởng tráng ca lịch sử hào hùng và âm hưởng trữ tình văn hóa dân gian sâu lắng da diết, bổ sung, nâng đỡ nhau làm nên một sắc điệu riêng của anh và của trường ca hôm nay.

Trường ca Chín tháng gồm 4.464 từ, kết cấu thành 15 phân khúc từ I đến XV. Chiến tranh, người lính vẫn là cảm hứng chủ đạo, nhưng trong đó người phụ nữ, đặc biệt người mẹ vẫn là hình tượng nổi bật, xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm.

Người phụ nữ là đề tài quen thuộc. Mỗi nhà văn khai thác hình tượng phụ nữ ở những khía cạnh khác nhau. Với Y Phương, người phụ nữ sinh ra thế giới và thái độ của anh là sự trân trọng, tôn vinh. Tình cảm yêu kính, trân trọng với người phụ nữ là một đặc điểm đã trở thành phong cách trong hầu hết sáng tác của anh. Thơ anh khắc chạm số phận rõ nhất, điển hình nhất là người phụ nữ, nhưng tập trung nhất trong hình tượng người mẹ. Nương trên nền văn hóa dân tộc “chín tháng đẻ đau mang nặng” (Đò trăng), Y Phương dành những cảm xúc thiêng liêng nhất ngợi ca phẩm chất người mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng vô cùng giản dị. Thông điệp ấy đã được bộc lộ ngay mở đầu trường ca: “Chuyện này tôi kể Bắt đầu từ mẹ” và kết thúc “Mẹ như trăng sao – Êm êm đi vào miền đời”.

Bằng tư duy thơ bám chặt folklore của dân tộc, Y Phương mô tả hình ảnh người phụ nữ mang âm hưởng chất dân gian của người Tày. Cách so sánh hình tượng người phụ nữ của nhà thơ thật giản dị, gần gũi, tương đồng với cách nói của người Tày. Người phụ nữ, người mẹ là gốc rễ của sự sống:

Nặng nhọc người đàn bà đeo gùi
Nặng nhọc một bầu vú phì nhiêu như đất
Nặng nhọc một bầu vú mọng căng như nước
Đất Nước sinh ra từ ngực người đàn bà
Sau đó sinh ra làng quê xóm mạc
Sinh ra tình yêu


Y Phương thấu cảm sâu sắc với tâm sinh lý của người đàn bà mang thai. Niềm hạnh phúc của mẹ chắt chiu lớn lên cùng thời gian “Chín tháng” đã đi vào trường ca thật gần gũi, tự nhiên: Tháng thứ nhất “chưa rõ hình hài”; tháng thứ hai “Trong người thấy nôn nao… nôn ọe”; tháng thứ ba “Ngày nhẹ như trăng – Đêm vàng như nghệ – Mẹ mở mắt ngủ”; tháng thứ tư “Suốt đêm nằm – Tay gác trán – Nằm lâu, mỏi”; tháng thứ năm “Chỉ lo trời xanh vỡ – Chỉ sợ đất cằn lở”; tháng thứ bảy “đứng, ngồi – Một lúc đeo hai người – Mẹ mỏi”; tháng thứ tám “Bụng nặng” nhưng “Hai chân nhẹ”; tháng thứ chín “Mây móc ùa đầy nhà – Oa oa oa – Mẹ mừng vã mồ hôi”. Niềm hạnh phúc vỡ òa “lòng mẹ ròa ròa – Nở ngàn bông hoa” khi đứa con “Rúc đầu vào ngực mẹ – Ngấu nghiến ăn – Nừng nực nuốt – Sương sướng cong vênh”.

Đứa con cứ thế lớn lên trong tình yêu của mẹ “Mẹ xoa lưng con ngủ – Rì rầm đêm lại đêm”. Đứa con lớn lên mở nhìn thế giới trong cảm nhận của mình từ “bốn chân ngung ngoang khắp nhà”, “Thả hai tay đứng lên”, “Đêm đêm còn tè dầm”, “Chạy theo chị phát nương nhổ cỏ”, đòi mẹ “Cất lều rơm cho dế thổi pí lè”, “Lần đầu tôi đi chợ hội lồng tồng”… đến khi trở thành chàng trai cảm nhận thế giới xung quanh. Chàng trai ấy ý thức được sự biến đổi tâm sinh lý, những rung động đầu đời khi lần đầu tiên nhìn thấy “sự lạ” từ các nàng, từ những “trai leo, trai lẻo” khi họ “Thi nhau cấu vai bấm lưng thùm thụp”; “Từng đôi nhàu nhĩ”, “họ nói gì làm cây rung”, “làm quả chín – Quả chín bắt ánh hồng lên má – Làm răng người ta cắn nhầm lên môi”, “Quả gì túng tính đấy mình ơi – Ăn được không – Quả gì nhúm nhím đấy mình ơi – Sờ được không?”…

Người phụ nữ vẫn có mặt trong trường so sánh. Anh định nghĩa đất nước bằng thơ, bằng văn hóa thấm sâu cội nguồn dân tộc, bằng xúc cảm thẩm mỹ tinh tế, đó là Nước Việt như “mười ngón tay búp măng – Đêm Trung thu chị tôi ngồi vò cốm”; là “người bạn học, ôm hoa sim nấp sau lưng hạt dẻ – Thẹn thùng trao chiếc khăn tay – Thêu đôi chim hòa bình – Ngày tiễn tôi phơi phới lên đường”; hay một cách nhìn độc đáo đất nước “Sinh ra từ ngực người đàn bà”, “Đất nước dài trong mắt người thiếu phụ”…

Càng xa cuộc chiến, tính chân thực không cần giấu giữ. Chân dung người lính bị cơn sốt rét hoành hành đầy ám ảnh “Trận sốt rét đầu tiên – Chết một triệu hồng cầu – Nhìn cánh rừng như phủ toàn bột nghệ”. Đến trận sốt rét thứ hai “Chết tiếp triệu hồng cầu – Nhìn lá cây nhọn như kim như dao sắp chọc vào sống lưng”. Trận sốt rét thứ ba thì “Người khô đen như quỷ”. Có cái chết đến nhẹ nhàng như đi vào giấc ngủ “Có người nằm cạnh – Sáng sớm mai – Lay mãi – Không thưa”. Nhưng người lính đã vượt lên “Những năm ở chiến trường – Vẫn bình thường như thế” (Chín tháng). Dẫu tính chân thực trong trường ca càng được bộc lộ, nhưng đôi lúc hiện thực trong trường ca của thế hệ nhà thơ chống Mỹ vẫn chưa “thoát khỏi cái bóng”, chưa “cắt được cái đuôi” của tinh thần sử thi. Vẻ đẹp bên ngoài và phẩm chất bên trong khá thống nhất. Đó là người lính căng mình, cắn răng chịu đựng mọi gian khổ, khó khăn không kêu ca: “Nhịn đói không kêu – Nhịn khát không kêu – Thiếu ngủ không kêu – Hành quân bé cả người không kêu”. Nếu chỉ dừng ở chi tiết này, người lính không mấy khác mô típ chung chủ đạo vốn đã chi phối sáng tác của cả một thế hệ nhà thơ chống Mỹ trước đó. Sự tài tình là anh tránh được lối viết “lên gân”, “gồng mình”, vượt trên hoàn cảnh bằng sự huy động vốn văn hóa Tày độc đáo. Người trai Tày khắc phục hoàn cảnh, cắn răng chịu đựng bằng “giải pháp” nghĩ về mẹ, nhớ về quê. Nỗi nhớ rất riêng của người lính khiến người đọc day dứt, xúc động: “Nhớ mẹ quá thì ngồi lên đá – Có lúc khóc không cho ai biết Trốn ra sông vầy nước Vẽ lên cát hình thù dãy núi quê hương Vẽ lên cát mái trường phố huyện Vẽ lên cát nhà sàn thoáng rộng… Vẽ lên cát con trâu bú mẹ”.

Nếu Chín tháng là điểm khởi đầu, là “vạch xuất phát” thì phải đến 10 năm sau, Y Phương dồn sức, “rút ruột, bào gan” để viết trường ca Đò trăng. Anh thừa nhận đã “viết như đến sống, viết cho đến chín” và cũng vì nó Đò trăng mà sau hơn 5 năm nhà thơ mới “hoàn hồn” để đằm trong cảm xúc mãnh liệt mới cho tập thơ song ngữ Vũ khúc Tày.

Nếu Chín tháng, hình tượng người mẹ xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm, thì Đò trăng đề cập đến vấn đề rộng lớn hơn: Đất nước, Nhân dân; là số phận của cả dân tộc, trong đó, người mẹ vẫn là hình tượng chủ đạo mang tầm vóc vĩ đại. Cuộc chiến đã quét lên từng số phận con người Việt Nam rất cụ thể, rất toàn diện. Trong Đò trăng, Y Phương thỏa sức phát huy công năng khái quát hóa, triết luận. Hình tượng Tổ quốc hiện lên bằng cái nhìn chiêm nghiệm và cảm xúc dồn nén “Cờ Tổ quốc trải ra bao bọc – Giọt máu hồng lại trở về tim”. Tổ quốc chính là Mẹ – Bà mẹ Việt Nam vĩ đại nhất. Với trường liên tưởng độc đáo, từ cái nhìn “Đất nước – Người Mẹ” trong Chín tháng, Y Phương tiếp tục phát triển tư duy đó trong Đò trăng. Hình tượng Người Mẹ mang hình chữ S (phần đất liền) ôm bọc lấy biển Đông: “Nước Việt đời đời làm mẹ – Đời đời miền Trung mang bầu. Xa xót bao nhiêu khi trời biển vô tình “Sóng với bão cứ thai nhi mà đổ. Hình ảnh Tổ quốc – Mẹ Việt Nam luôn thường trực trong tâm thức bằng liên tưởng độc đáo, trân trọng:

Trước mặt là biển Đông
Sóng trào lên nước mắt
Sau lưng
Dãy Trường Sơn
Là mộ phần của toàn dân tộc


Trân trọng người phụ nữ là một phẩm chất tạo nên phong cách trong văn nghiệp của Y Phương. Đó là những người mẹ, người bà, người con gái vùng cao, chính họ là nguồn cội tạo nên thế giới. Ngoài việc khai thác hình tượng người phụ nữ ở phẩm chất nhân hậu, thật thà, chất phác, anh viết về “nửa thế giới” này bằng cái nhìn trân trọng, cảm thông sâu sắc. Nỗi đau hậu chiến quét lên từng số phận, đặc biệt là người phụ nữ “Chưa hề biết hơi thở nóng” đàn ông, nên “Em ba mươi bốn năm vẫn trinh”, “Buồn buồn bò lên gáy” cứ ám ảnh, day dứt không yên. Anh đưa vào trường ca độc thoại trong đêm:

Giọt mồ hôi của người đàn ông

Nhỏ xuống ngực em thì làm thế nào
?

Em đứ đừ tan chảy

Ở vị thế đàn ông, nhà thơ hiểu đến tận cùng, đau đớn đến tận cùng với “giải pháp tình thế” khi “Em cắn nát vai giường – Vai giường hiện nguyên hình – Tình yêu em – Vành Trăng rách nát”

Viết trường ca Chín tháng, Y Phương kể đã thấm bao nước mắt “Cứ mỗi khi viết chạm đến miền thiêng Tổ quốc, Nhân dân, trong đó có số phận người phụ nữ, tôi thường xúc động”. Anh đưa vào cuộc “đối thoại” giữa một kẻ hèn nhát quay lưng lại dân tộc với một “bóng ma”: “Sao ngốc nghếch ngây thơ đến vậy Hãy cứ đi rồi sẽ biết đấy là đâu”. Điểm tựa là tình yêu đất nước “Đến tận cùng là dòng huyết chảy” đã giúp người trai Tày bộc lộ quan điểm của mình với kẻ đào ngũ khi lấy mẹ làm bình phong “Tôi phải sống để trở về với mẹ”:

– Ừ! Hãy sống đi
Như những loài không Tổ quốc
Tổ quốc là gì khi tôi đã chết
Không nói nữa hỡi tên hèn nhát.
Hãy cút đi và biến khỏi mặt đất này
Chỉ thương mẹ
Mẹ ơi con thương mẹ


Với người mẹ, có nỗi đau nào hơn “Nỗi đau mất con” khiến thời gian ngưng đọng “Ngày như sáp ong”, “Người như chì nướng”, nhưng người mẹ đã phải cố vượt lên khỏi tình nhà vì những điều hệ trọng, lớn lao cho Tổ quốc “Mẹ nhủ lòng mình phải vững – Vững như tường nhà” (Chín tháng). Đến Đò trăng, tác giả thể hiện cách nhìn ấm áp, nhân văn, nhưng mở rộng lòng với bất cứ người mẹ nào khi “lá xanh rụng” cho “lá vàng” tan nát bời bời: “Bà mẹ không đủ sức gào lên thành tiếng – Cơn đau lên cùng cực – Đôi tay mẹ lỏng lẻo – Bầu vú tong teo áp theo vào hàng rào”. Vượt qua nỗi đau riêng, người mẹ thắt lòng nỗi nhớ con, nhưng chỉ biết sống với những kỷ vật con “Mẹ đừng lần tìm trong rương chiếc áo cũ – Những chiếc áo từ ngày xửa ngày xưa – Ngày con mang đi học” để “choàng chiếc áo hong hơi con” cho vợi nhớ. Đứa con vẫn trọn vẹn trong tấm lòng mẹ, nên hàng ngày mẹ vẫn phần cơm canh chờ đợi “Bát đũa để dành nằm ngoan trong lòng mẹ”. Đứa con nào cũng của một bà mẹ đứt ruột sinh ra, nhưng trường ca Y Phương đã chạm lòng trắc ẩn đến bà mẹ có con đi lính Ngụy “Mẹ các người đau một – Tôi đau hai – Đau ba – Đau trăm – Đau vô vàn -Đau nỗi đau của mẹ – Có con lính ngụy”. Khi đối diện với nỗi cô đơn, với “cái chết luôn rất thật”, “Hễ đến ngày thương binh liệt sĩ” là mẹ lại “đóng cửa – Ngồi trong nhà một mình – Lặng lẽ lau tấm hình – Con tôi dường như… khóc – Nước mắt ngấm sang tôi… ướt”.

Với cái nhìn mở lòng nhân văn ấy, trong Hành trình tìm kiếm, Y Phương ý thức hơn ai hết bản sắc văn hóa dân tộc, miết mải đưa tinh thần ấy trong cảm xúc lấy không khí đêm mo gọi hồn hát Then. Mở đầu, tác giả miêu tả không khí đoàn ngựa nhà trời đi qua cửa nhà trời để tìm kiếm những linh hồn lưu lạc. Tác giả khéo léo chuyển đêm Then là Đêm gọi hồn các chiến sĩ. Đoàn người đông đúc, bận rộn gồm có pháp sư, âm binh, người cưỡi ngựa, người cưỡi lừa, người đi giày, người đi chân đất, người gồng gánh, người bưng bê lễ vật…

Pháp sư cùng âm binh rầm rập tiến vào
Tìm hướng Đông có chín ngàn chín vạn người tử trận…


Điều làm Y Phương trăn trở, trái tim nghệ sĩ hối thúc, nỗi day dứt không yên khi anh mạnh dạn đưa ra một vấn đề lớn trong trường ca Đò trăng, đó là tinh thần hòa hợp dân tộc. 40 năm đã trôi qua kể từ ngày 30/4/1975, nhưng câu chuyện hòa hợp dân tộc vẫn còn day dứt trong tâm thức của không ít người, thậm chí có lúc, có nơi còn nặng nề, gay gắt và đầy định kiến. Anh cho rằng đã đến lúc chúng ta không thể né tránh việc này. Đó là sự thực chúng ta phải nhìn thẳng. Quy luật chiến tranh rất khắc nghiệt, có máu đổ, xương rơi, mất mát từ cả hai phía. Với quan niệm trên nền văn hóa dân tộc Tày của mình “Chẳng ai nhìn thấy gáy của mình”, thế nên, Đò trăng mở lòng đến nếu ai “có một thời lầm lỡ – Cầm súng Mỹ – Nhằm bắn vào người bà con đằng mình”, thì “Nay hóa rồi – Xin đừng lưu lạc – Hãy trở về quê cha đất tổ – Lòng đồng bào rộng mở như trời”…

Điểm tựa vững chãi trong hai trường ca của Y Phương là nguồn văn hóa dân gian phong phú. Anh đã vịn văn hóa vùng Tày một cách nhuần nhuyễn, uyển chuyển như máu thịt, như hơi thở nên người đọc khó thấy những “mối nối” của bức tranh thổ cẩm trong những sản phẩm sáng tạo như chính nhà thơ đã thừa nhận “Tất cả nó nhuyễn vào người rồi, bảo lấy từ đâu thì khó lắm”. Từ lời ăn tiếng nói hàng ngày; từ những câu thành ngữ, tục ngữ, dân ca; từ cách nói ví von, so sánh, ẩn dụ của người dân miền núi, biệt tài của nhà thơ là biết khai thác, thâu lượm nguồn thô của “quặng” để chế biến, thổi hồn cho ngôn từ sinh động, tươi mới, quậy cựa, tung tẩy đầy hồn vía. Anh vận dụng khéo léo bản sắc văn hóa dân tộc để tạo nên những bài thơ theo cách tư duy và xây dựng hình tượng của người Tày giàu liên tưởng.

Y Phương có biệt tài đưa vào trường ca một cách tự nhiên những từ ngữ thường ngày của người Tày, Nùng. Anh tạo nên một phong cách khi sáng tạo những từ láy độc đáo. Dựa trên từ tiếng Tày “Mươi móc”, anh đưa vào câu thơ “Mây móc hì hà ùa vào nhà”. Anh sử dụng nhiều từ tượng thanh hiệu quả: cách nói nhỏ của người Tày “Mẹ nhằm nhì nói”; “Tai rằm rì nghe suối”, v.v. Khi nói về nghệ thuật viết trường ca, Y Phương cho biết “Tôi tuân thủ thi pháp “ức dương” và vận dụng thói quen nghe nhạc giao hưởng để viết Đò trăng. Nghĩa là có lúc ta khai mở, nén xuống, bung ra… như nén lò xo, như đập quả bóng. Bóng đập xuống càng mạnh ắt nẩy lên; lò xo bị nén xuống càng lớn sức bung càng mạnh. Trường ca không chấp nhận đơn tuyến bình đồ. Nó phải phức hợp đa thanh như bản giao hưởng có chia chương đoạn, có kịch tính, có đối thoại, độc thoại, có dấu lặng, ngắt nghỉ, trào dâng…”.

Y Phương đã để lại dấu ấn riêng, với những đóng góp quan trọng cho thơ ca Việt Nam hiện đại. Với phong cách thơ vừa dân tộc, vừa hiện đại, anh đã kết hợp nhuần nhuyễn truyền thống của quê hương, của dân tộc Tày với truyền thống văn hóa dân tộc. Trường ca Y Phương hồn nhiên, lắng đọng, nhiều suy ngẫm, trăn trở, mang tính dự báo. Trường ca đã làm đầy, làm phong phú sự nghiệp của Y Phương trên hành trình tìm kiếm đầy sáng tạo.

L.T.B.H
(SH322/12-15)

– Theo Lê Thị Bích Hồng – Tạp chí Sông Hương –

Exit mobile version