(Giải phẫu ý nghĩa sự chết, đau khổ và thời gian từ một cuốn tiểu thuyết[1])
“Chết chính là vị thần gợi hứng và vị thần hướng dẫn của triết học…Thiếu cái chết, thật khó mà triết lý. Vậy thiết tưởng ta nên viết một ý nghĩ đặc biệt về nó vào đầu cuốn sách cuối cùng, đứng đắn nhất và quan trọng nhất của chúng ta” [2]
(Arthur Schopenhauer)
Ám ảnh, sợ hãi, kinh hoàng là những yếu tính của sự chết, đau khổ và thời gian. Những phạm trù ấy thuộc về bên kia của hạnh phúc, khoái lạc và tham vọng. Thật trái ngang, chính những phạm trù này lại trở thành mối âu tư, ghét bỏ và chạy trốn của con người. Nhân bản đương đại đã vượt qua lằn ranh lí tính của sự phân bua rạch ròi các mặt đối lập trong đời sống đạo đức, thẩm mỹ để “hạ cánh” xuống phương trời thiếu vắng xúc cảm tự nhiên. Nói rõ ra, con người phê phán thế giới lí tính vì nó đã góp phần đẩy cái xấu, sự sợ hãi vào phía sâu, vào bên trong lớp mặt nạ giả tạo do những diễn viên đóng thế dựng lên trên sân khấu kịch đời. Con người nghĩ rằng, y đã vượt qua hố thẳm khiến mình bị đầy ải trong bế tắc và thất vọng, nhưng thực tế, qua bao năm, y vẫn chỉ là động vật luôn chạy chốn chính mình. Đối với y, một sự ngoái lại giành cho cái chết cũng chỉ thoáng qua trong ý niệm máy móc, cợt nhả.
Khi cuộc sống được định vị bằng những ham muốn, thì hẳn rằng, ý chí vươn đến cái đẹp, cuộc sống và tình yêu của con người sẽ che chắn xúc cảm sợ hãi mà cái chết, đau khổ mang lại. Con người đã bị thế giới quanh nó lừa gạt bằng hành vi tự do chọn lựa những gì mà nó yêu thích. Do đó, cái đẹp, bao đời vẫn chen lấn, “tiếm quyền” đời sống con người, đơn giản, vì nó thỏa mãn số đông những lựa chọn. Con người ruồng bỏ cái xấu, hạ bệ phũ phàng cái chết trong nhận thức thường ngày, xem chúng như hiện thân của sự hủy hoại, đe dọa trực tiếp đến những cơn khát dục mà cái đẹp đã vùi kín tâm hồn họ. Chỉ khi con người “hạ bệ” ý chí, nghĩa là “hạ bệ” đam mê lựa chọn không biên giới trước hiện thực bên ngoài, thì khi ấy, cái chết, khổ đau mới thực sự được con người truy vấn nghiêm túc. Hẳn rằng, trong mối quan hệ giữa sự sống và cái chết, thì sự sống ít có sức ám ảnh và làm con người “nhụt chí”, “sợ hãi” như cái chết. Lý giải điều đó, chúng ta có quyền viện dẫn tới những phạm trù: “ám ảnh”, “kinh hoàng”, vì những phạm trù ấy gợi lên nơi con người ý nghĩa sâu thẳm của “sợ hãi” và “sót thương”. Nó đặt con người vào tình cảnh: cần phải nhìn nhận đúng hiện thực mà mình đang tồn tại và tồn tại một cách có ý nghĩa.
Bìa cuốn “Giữa dòng chảy lạc” của Nguyễn Danh Lam.
Cái đẹp, tình yêu, sự thánh thiện đã lừa dối khả năng suy niệm của con người, vùi lấp và làm tan rã những cuồng nhiệt, những cuống quýt cống hiến cho sự thế. Con người đã ngủ quá lâu trong “thánh thiện giả tạo” mà cái đẹp khêu gợi, nó đang lừa con người vào vũng sâu không thể kìm hãm của dục tính, đánh mất ở con người ý nghĩa tồn tại thực sự, một tồn tại có ý nghĩa. Cái đẹp đã thống ngự con người như một tôn giáo, thứ tôn giáo thuốc phiện sẵn sàng ru ngủ họ trong những mộng tưởng tha hóa tự bản chất. Chúng ta có quyền kết tội thẳng thắn cái đẹp, kết tội sự sống, vì nó đẩy con người trượt dài theo thời gian một cách vô nghĩa, bám diết lấy hình thức bên ngoài của đời sống, quên đi nhiệm vụ phải lặn sâu vào chính mình, lặn sâu vào những khắc khoải suy tư trước hiện thực, để thấy mình là gì trong thế giới vô định ấy, một thế giới vốn bị lấp đầy bởi sự thừa mứa vật chất, bởi sự vô cảm đến cuồng nhiệt của con người. Cho đến khi con người nhận thức được chân lí: cái đẹp là cái đang bị hủy hoại, sự sống vĩnh cửu là sự sống sau cái chết, thì lúc đó, con người mới thực sự ngộ ra chính mình.
Cái đẹp là gì, nếu như nó không phải là sự phá hủy, phủ nhận và tự phủ nhận đối với những cái đẹp đã qua, dọn chỗ cho cái đẹp khác thay thế, do đó, không thể có cái đẹp vĩnh cửu và duy nhất. Thế nhưng, với cái xấu thì ngược lại, nó luôn là cái vĩnh cửu và cái duy nhất, bởi nó không phải là đối tượng thường xuyên để con người hướng tới trong sự phân tích, mổ xẻ. Nói đúng ra con người đã bỏ quên nó trong nhận thức về hiện thực một cách nghiêm túc. Sự sống sẽ là gì, khi nó tiến dần đến cái đích của sự già nua, yếu đuối? Ấy vậy mà, chính cái chết và nhận thức về cái chết của con người lại góp phần nối dài “sự sống” nơi họ ở bên kia hiện thực. Sự sống vĩnh cửu là sự sống được gieo mầm trên cái chết thông qua/bằng sáng tạo tinh thần.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà tác giả cuốn Giữa dòng chảy lạc lại giành ưu tiên đặc biệt cho sự hiện diện của những cái chết nối dài. Từ cái chết của tình yêu- hôn nhân đến cái chết của đam mê, hạnh phúc và của ý thức- sống- là- mình. Hẳn rằng, cái chết phải có một ý nghĩa đặc biệt nào đó. Ngay cả đến cái tên nhân vật cũng bị quy giản vào sự chết đơn cực, phiếm định, vô sắc: Tôi – Cô – Anh – Ông- Bà. Người họa sĩ già, cả đời theo đuổi đam mê thánh thiện từ những đường cong hội họa, vùi mình vào sắc màu miên tưởng của cái đẹp với ước mong cái đẹp có thể cứu rỗi được linh hồn, ấy vậy, cuối cùng ông cũng phải thức nhận trước cái chết: “Cả đời tao đã phải tồn tại như thế rồi. Chỉ khi được tan đi trọn vẹn, tao mới hy vọng có được sự an ổn” [3]. Cuộc đời của người họa sĩ ấy vô định như chuyến đò giữa dòng đời không bến đậu. Phải chăng, đó là lỗi của cái đẹp? Nó áp đặt lên con người những giới hạn khắt khe, bắt họ phải vượt qua. Thời gian đã làm con người biết ngộ ra cái đẹp phía sau lớp mặt nạ giả tạo mà cuộc đời đã trang điểm lên nó. Và rồi…và rồi…và rồi…sau cái chết mới là sự sống vĩnh cửu – một sự sống được đo bằng nấc thang hướng ngoại theo nghĩa truy vấn: Cái đẹp là cái được sáng tạo để làm đẹp cho đời, hay là cái đẹp là cái có sẵn để áp đặt lên con người ham muốn chiếm lĩnh đến tha hóa của nó? Thời gian, cái chết chính là sự hiện diện có ý nghĩa giúp con người trả lời nghi vấn ấy.
Người phụ nữ – vợ nhân vật Anh đã sớm nhận ra ý nghĩa cái chết, của đau khổ. Cô xem đó là chân lí, mở ra cuộc kiếm tìm bản thể đích thực nhằm trốn thoát ý nghĩa tự do và ý niệm hạnh phúc. Việc lựa chọn đến với người tình đồng giới, là lựa chọn đúng đắn, là lựa chọn của cái đẹp tự quyết. Cô đã ý thức được rằng, hạnh phúc chính là được chết một cách thanh thản bên cạnh ước mơ của mình. Cô đã vượt biên khỏi những lề thói luân thường, đạo lí để chạy theo nỗi đam mê làm người, đam mê sống một cuộc đời không vô vị. Cuộc sống hạnh phúc, giờ đây chỉ còn là ý niệm đã chết trước sự ám ảnh vừa xa vừa gần của xót thương, của sợ hãi, của thời gian. Cô nhận ra sự đau khổ của mình không nằm ở mưu cầu hạnh phúc chung, phổ quát mà chính là không- dám- tự- phủ nhận mình, không dám vượt- qua- lằn- ranh- đạo- đức- xã- hội trong mình…Và rồi, một bức thư nằm lạnh lẽo trên bàn như biểu tượng duy nhất đọng lại chứng minh thuyết phục rằng, cô đã vượt biên khỏi thế giới ý niệm tưởng như đẹp, để “hạ đáp” xuống chốn bình yên của cõi lòng. Đó là ý nghĩa của khổ đau và thời gian.
Thời gian đã trở thành ý niệm phiếm định về đời người. Các nhân vật vẫn tồn tại, nhưng là tồn tại thiếu sự hủy hoại, một tồn tại thừa mứa đến vô cảm. Nhân vật Anh thả trôi đời mình trên sự già nua thân xác của thời gian. Anh như một cõi riêng trước cuộc đời nhiều sóng gió. Cuộc sống với anh cũng vô nghĩa như nấc thang thời gian mà anh sinh hoạt hàng ngày: ngủ- ăn- ngủ. Nhưng, chính Anh lại là người chứng của NHỮNG cái chết – một kẻ chứng lạc loài trong thế giới đổ nát niềm tin và hy vọng, để rồi trở về trong ý niệm tâm thần mà người đời gán cho anh một cách lạnh lẽo, vô cảm phía cuối thiên truyện. Nói đúng ra, khoảnh khắc mà anh được/ bị gán cho ý niệm về một kẻ tâm thần, cũng là lúc anh ngộ ra chân lí cuộc sống: Cuộc đời là một nhà thương điên, và chúng ta là những cử chỉ man dại góp phần vào vở kịch đang diễn ra trong nhà thương điên ấy. Sự chết của những cá nhân ngoài anh đã chạm tới khắc khoải suy niệm tự thân. Cái chết thức tỉnh nỗi đau và sợ hãi của quãng đời cô độc, bắt anh nhìn sâu vào bản chất thế giới, nơi mình đang đối diện, cười mỉa chính mình và phủ nhận sự sống của mình: “Thế giới này ai chẳng như ai, giữa cái vỏ bên ngoài và sự thật bên trong” [4]. Cuộc sống của anh vốn thụ động như cái xác trôi dạt giữa dòng đời, đang cào bới thời gian, tìm lại ý nghĩa nghiệm sinh cho kiếp người đau khổ, để rồi ngậm ngùi thốt ra tiếng nấc nghẹn lòng: “Có lẽ lại đến lúc cần phải đứng lên. Lần trỗi dậy thứ bao nhiêu rồi nhỉ? Liệu tất cả có khác đi không?” [5].
Đó là tâm thế hoài nghi của một con người bất an trước cuộc sống, của một thân phận đứng ngoài sự sống, đứng ngoài hạnh phúc. Nhưng biết đâu, trong khoảnh khắc tự phủ nhận đam mê và ý nghĩa hạnh phúc đời người, chính anh lại nhận ra ý nghĩa của khổ đau, của chát chúa. Và rằng, thế giới là một màu nóng của bi kịch nhưng là một bi kịch được huyền thoại hóa bởi một tấn hài kịch cuồng nhiệt – tấn hài kịch của những diễn viên hàng ngày phải sống giả với mình. Cái đẹp, hạnh phúc đều vô nghĩa, nếu như nó chỉ là thứ bánh vẽ được con người thù tạc nhằm nâng giấc mộng mị lên mức cao hơn của sự lừa dối, một sự lừa dối vĩnh cửu: lừa dối thời gian và lừa dối đam mê. Để rồi, chính ý niệm tâm thần mà người đời gán cho Anh lại là vị thuốc miễn dịch trước thứ hạnh phúc giả tạo mà cái đẹp muốn thống ngự trong ý nghĩa toàn trị.
Chỉ khi Anh là một kẻ tâm thần, là một kẻ thực sự đã chết về nhận thức, xóa nhòa mọi ý niệm phi lí, thiếu vắng tự do thì khi ấy anh mới thực sự nhận ra “cái đẹp” và “hạnh phúc” của mình – cái đẹp, hạnh phúc của kẻ không mong người đời nhòm ngó và biết đến. Cái đẹp ấy là cái đẹp trinh nguyên không bị pha tạp bởi những ý niệm mong manh mà tập quán, đạo đức xã hội chi phối. Còn hạnh phúc với anh ư? Nó đơn giản chỉ là khoảnh khắc nhận ra mình bên trong sự tỉnh thức trước những cái chết. Nói đúng ra, chính sự chết đã gieo vào anh những phản tư cay đắng: “Một gã tâm thần đơn độc với tuổi già phía trước. Đúng, thật sự đó là tuổi già. Anh đã già ngay trong khi còn trẻ. Già so với mọi thứ đang ầm ầm lao tới quanh đây. Mà có lẽ, tuổi già còn tồi tệ hơn cái chết. Nhất là khi người ta nghĩ, mình phải già mà không được chết” [6].
Sự sống, cái đẹp, vẻ thánh thiện, nói đúng ra chỉ là “phương thuốc AQ” mà người đời dựng lên để lừa dối chính mình, và rồi trong mỗi khoảnh khắc khốn cùng, họ lại vùi mình sâu vào lớp hóa trang phi nghĩa ấy. Duy còn cái chết, chẳng ai dám nghĩ đến nó một cách tự nhiên nhất. Có lẽ, nó là hố thẳm sợ hãi của con người, mà chẳng liều thuốc nào đủ mạnh để miễn dịch nó. Bởi, khi chúng ta khẳng định mình đang tồn tại, nghĩa là đang sống, thì đồng thời, chính chúng ta đang khẳng định cái chết đã hiện diện dưới chân mình. Nhưng hãy cứ thảnh thơi và buông mình theo ý niệm chết, khổ đau, chúng ta mới có sự sống đích thực, một sự sống hiện sinh. Cuộc sống của chúng ta sẽ nhẹ nhàng hơn, khi tự tay chúng ta buông thả những ham muốn vị kỉ, những dục vọng thoán quyền, những đam mê vô ích; hướng ánh mắt vốn bị ngàu đỏ bởi tham vọng đến thế giới của trẻ thơ, hồn nhiên bước tiếp trên mũi gai mà cuộc đời bày sẵn nhằm ghì xéo và răn đe con người. Chỉ khi chúng ta thấy rằng, sự chết là phạm trù có ý nghĩa và khổ đau là điều tất yếu cần phải giành một vị trí ngang hàng, thậm chí ưu tiên so với hạnh phúc, thì khi ấy, có lẽ, chúng ta sẽ sống lương thiện và cao cả hơn. Những vần thơ mà chúng ta xướng lên sẽ thay thế những thanh kiếm cuồng nhiệt khát máu, những con chữ chuyển tải dòng máu thiên lương sẽ khỏa lấp và thay thế tiếng ai oán, hờn căm, cùng những “giấc mộng” bá chủ.
Thế còn thời gian? Thời gian là trung giới và là biểu tượng nối liền giữa hai bờ sự sống – cái chết. Thời gian không tác động trực tiếp tới lựa chọn giữa sự sống và phương thế buông xả thanh thản, nhưng thời gian lại trở thành cú hích thúc đẩy chúng ta đến gần với hiện thực của cái chết trong mình. Thời gian không quyết định đến cõi sống sâu xa của linh hồn, nhưng thời gian lại góp phần phân chia rạch ròi giữa héo úa thể xác và khả thể tồn tại tinh thần. Một biểu tượng luôn là sự phối kết hợp giữa khả năng tưởng tượng và giá trị biểu trưng. Nếu khả năng tưởng tượng của con người hướng đến sự buông xả đích thực, thì giá trị biểu trưng của nó sẽ hướng con người tới cuộc sống vĩnh cửu theo nghĩa: Kiến thiết một đời sống mới bằng tình thương cho những cá thể- bên- ngoài- nó. Do đó, thời gian thầm quy ước cho con người khả năng sáng tạo chân lí bằng tinh thần để đối diện với sợ hãi của mình: “xác định đi là xác định bỏ lại linh hồn và trôi nốt phần thể xác cho những tháng năm còn lại” [7]. Thời gian không chỉ nằm vỏn vẹn trong hiện thực- đang- là, không chỉ nằm ở tương- lai- sẽ- là, mà nó nằm ở phía sâu xa trong quá- khứ đã- là. Quá khứ không chỉ lưu giữ tiếng nói bị lãng quên của con người, mà còn là biểu tượng thức tỉnh con người trước những gì thánh thiện ngây thơ, hướng con người tới cuộc sống có ý nghĩa. Cho đến khi sự chết tới gần, thì thể xác con người cũng chẳng khác thể xác một con mèo, đều mục ruỗng và phân hủy, duy còn ý nghĩa tinh thần là ở lại: “Cảm giác thèm được sống lại trở về mênh mông, trong một nỗi buồn, mất mát chưa từng nếm trải. Cái chết, dù chỉ là của một con mèo, dường như cũng nhắc nhở anh một điều gì đó. Những suy tư siêu hình trong anh xưa nay, chỉ mới thuần dạng lý thuyết, qua vài cuốn sách…” [8]
Một kẻ tâm thần và một đứa trẻ đôi khi lại là hiện thân của cuộc sống có ý nghĩa, giữa những cá thể ấy không có phân chia sự sống – cái chết, hạnh phúc – khổ đau. Một đứa trẻ sẵn sàng khóc ngay khi nó cười, ngủ ngay lúc ăn, cũng như một kẻ tâm thần sẵn sàng chửi thề trước một y tá quyến rũ, lúc ấy, chúng ta cảm thấy sự sống và cái chết bị/được đồng quy làm một trong khoảnh khắc của thời gian, khoảnh khắc chỉ giành riêng cho những giá trị tự nhiên, không mục đích. Nhân vật Anh đã thấy mình già nua ngay khi còn trẻ, ấy là lúc anh đã đốn ngộ trước cơn bão cuộc đời. Sống trong một thế giới mà tiếng oán than đang dần thay thế những bản giao hưởng, những bài thánh ca, thì hẳn rằng, cái chết sẽ đủ sức mạnh để răn đe và thanh lọc dục vọng con người. Con người đang sống và suy niệm về thế giới, nhưng lại chẳng có lấy một tôn giáo để con người biết rằng mình sẽ được cứu vớt sau cái chết, thì hẳn rằng, việc khẳng định và nâng ý niệm về sự chết lên hàng tôn giáo sẽ góp phần thức tỉnh một ý thức làm người đích thực. Một tiếng nấc ngang lòng phía cuối thiên truyện của nhân vật Anh đã đánh động tới con người hiện đại về trách nhiệm của nó trước xã hội, trước những cá nhân bên ngoài nó: “No country for oldmen” [9]. “Chẳng có quê hương nào giành cho người già” như một thông điệp triết học hướng tới loài người: hãy giành cho sự già nua và cái chết một khoảng trống để con người biết nhận thức và nhìn sâu vào sự thật của mình. Chúng ta chỉ thực sự vượt qua sợ hãi của mình, khi chúng ta vượt qua cái chết của chính mình, vì cái chết là một sự thật vĩnh cửu…
Ngô Hương Giang
___________________
[1] Tiểu thuyết mà chúng tôi dùng để tham chiếu vấn đề là tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc của Nguyễn Danh Lam. Nguồn: Nguyễn Danh Lam (2010), Giữa dòng chảy lạc, NXB Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh
[2] Arthur Schopenhauer (2006), Siêu hình tình yêu siêu hình sự chết, NXB Văn học, tr. 105.
[3] Nguyễn Danh Lam (2010), Giữa dòng chảy lạc, Sđd, tr. 362.
[4] Nguyễn Danh Lam (2010), Giữa dòng chảy lạc, Sđd, tr. 49.
[5] Nguyễn Danh Lam (2010), Giữa dòng chảy lạc, Sđd, tr. 368.
[6] Nguyễn Danh Lam (2010), Giữa dòng chảy lạc, Sđd, tr. 373.
[7] Nguyễn Danh Lam (2010), Giữa dòng chảy lạc, Sđd, tr. 126.
[8] Nguyễn Danh Lam (2010), Giữa dòng chảy lạc, Sđd, tr.133.
[9] Nguyễn Danh Lam (2010), Giữa dòng chảy lạc, Sđd, tr. 375.
Nguồn: Tạp chí Nhà văn.