Nữ nhà văn khẳng định, chị không ngại lao vào những sự thật trần trụi, không ngại tích cóp những chi tiết thô tục… để đến gần nhất với cảm xúc của người đọc.

– Cuộc sống hiện đại với rất nhiều xáo trộn đau đớn, cảm xúc chẳng cần hủy diệt thì nó cũng đã chai lì ra rồi, vậy mà chị vẫn bày ra “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” làm gì?

– Từ chai lì đến hủy diệt là hai phạm trù cách xa nhau. Chai lì thì chưa phải đã hết. Còn hủy diệt thì rất khủng khiếp. Chính vì sự khủng khiếp của nó mà tôi chỉ bày ra một trò chơi. Chỉ là một trò chơi mà thôi.

– Có người nói, nhắc đến tác phẩm Y Ban không thể không nhắc đến… sex, tại sao ở “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” chị lại nói nó chỉ… chạm đến sex?

– Nếu như nhắc đến Y Ban mà chỉ nhắc đến sex thì có nghĩa là mới chỉ đọc một phần nhỏ của Y Ban. Trong tủ sách của Y Ban hiện có 15 đầu sách, với hơn 100 truyện ngắn, 120 truyện ngắn mini, 3 truyện vừa và 3 tiểu thuyết. Chỉ một phần mười trong đó có yếu tố sex. Vì thế không thể nói rằng vì không có sex mà sẽ mất bạn đọc.

– “Tác phẩm của Y Ban không sex thì nhạt nhẽo vô cùng”. Ý kiến của chị thế nào trước nhận xét này?

– Híc híc… Chắc là nhận xét này là của một nhà phê bình nửa mùa hoặc là của ai đó thậm ghét Y Ban. (cười lớn)

Nhà văn Y Ban

– Không có sex, vậy những gì sẽ là “trò câu khách” trong “Trò chơi hủy diệt cảm xúc”?

– Một cái tên Y Ban là đủ.

– Trong “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” có chương đặc sệt các loại thư tình. Thứ này giới trẻ ngày nay ít xài, chị dùng nhiều thế, nếu độc giả trẻ cho rằng tác giả lạc hậu, chị sẽ nói gì?

– Đó là những bức thư online của một người đàn bà Việt Nam với một người đàn ông Ấn Độ. Nếu phải gọi tên thật của những bức thư này thì phải gọi chính xác là: Những bức thư ngoại tình. Hai người đàn ông và đàn bà đã có gia đình viết những bức thư trao đổi về rất nhiều vấn đề của họ trong cuộc sống, những bí mật, những uẩn khúc và cả tình yêu mà họ đã dồn nén… Dường như họ không thể nói với ai khác ngoài người bạn tình online.

– Nếu như có lời yêu cầu đọc một đoạn trong “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” chị sẽ chọn đoạn nào?

– Tôi sẽ đọc hai chương về đám đông. Đó là hai chương tôi rất tâm đắc. Chương 5: Đám đông. Chương 6: Lại một đám đông.

– Điều gì khiến chị chọn hai chương này?

– Hàng ngày đi trên đường phố chúng ta có thể gặp rất nhiều đám đông. Những đám đông rất vô tích sự… Như đám đông kẹt xe, như đám đông trà lá bia bọt, như đám đông thấy người bị tai nạn là xúm nhau vào bàn tán nhưng lại không hề nhúng tay vào giúp đỡ người bị nạn. Chúng ta đang thừa những người hiếu kỳ mà thiếu một tấm lòng đồng cảm. Tôi viết trực diện ra vấn đề, để có thể chúng ta soi vào đó mà thay đổi chăng?

– Có thể coi “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” của chị là dạng tiểu thuyết lãng mạn hay trần trụi?

– Như tên của tiểu thuyết: Trò chơi hủy diệt cảm xúc. Cảm xúc thì bao gồm tất cả, ái ố hỉ nộ, tham sân si… Mọi cảm xúc thuộc về con người. Người đọc sẽ tự gọi tên cho tiểu thuyết của tôi là lãng mạn hay trần trụi.

Trang bìa cuốn sách.

– Chị nghĩ gì về yếu tố hài hước trong tiểu thuyết Việt Nam hiện nay?

– Đó là yếu tố hiếm trong văn chương của chúng ta. Rất ít nhà văn dám đưa yếu tố hài hước vào trong tác phẩm của mình. Có thể lý giải điều đó thế này. Từ dân gian ta có thể thấy người dân Việt Nam luôn hướng tiếng cười vào bốn tứ khoái của con người trong sinh hoạt hàng ngày. Bốn tứ khoái đó xem ra không được sang trọng gì cho lắm. Thành ra những nhà văn của chúng ta ngại đụng đến.

– Trò chuyện với Y Ban ngoài đời tất không thể không cười, hình như chị cũng chủ ý mang tiếng cười vào tác phẩm?

– Khi viết tiểu thuyết này tôi rất thích hai chương về đám đông nên tôi đã kể cho các bạn viết cùng nghe. Một lần tôi kể cho một nhà thơ nữ nghe. Bạn đã chân thành khuyên tôi: Chị đừng viết trần trụi như vậy, sẽ làm mất sự sang trọng của văn chương, sẽ làm mất bạn đọc, những người không thể chịu được loại văn chương trần trụi. Mặc dù đó là lời khuyên tốt nhưng tôi không nghe theo lời khuyên đó. Và có lẽ tôi đã mang lại tiếng cười cho bạn đọc khi đọc hai chương này.

– Nghĩa là tác phẩm của Y Ban không dành cho những người ưa lịch sự và “mất đề kháng” với sự trần trụi?

– Bạn đọc có quyền lựa chọn những tác giả mà họ yêu mến và những tác phẩm mà họ thích. Là nhà văn tôi chỉ có thể viết ra những tác phẩm theo phong cách của tôi. Tôi không có quyền áp đặt và lựa chọn độc giả. Hơn hai mươi năm cầm bút tôi đã viết những tác phẩm bằng độ rung chân thật của trái tim. Tôi tin rằng độc giả đọc tác phẩm của tôi vì họ đã nhận được những thông điệp tôi gửi đến cho họ, dù văn chương của tôi có trần trụi đến thế nào

– Để bạn đọc cười được không hề dễ, chị có bí quyết gì?

– Tôi không ngại để văn chương của mình có mùi… thum thủm.

– Với một cuốn tiểu thuyết thì tất nhiên tiếng cười chỉ là gia vị, chị muốn bạn đọc của mình khi đọc “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” cười xong sẽ… làm gì?

– Cười xong thì lặng đi và lẩm bẩm chửi thề: Cái con mụ nhà văn này nói trúng thế, mình cũng từng như vậy…

– Chị đã phải huy động đến 4 phương án khác nhau mới chọn được cái kết cho “Trò chơi hủy diệt cảm xúc”. Tại sao phải dụng công đến thế?

– Tôi đã quá yêu hai nhân vật của tôi là Kim và Kap. Tôi muốn tình yêu của họ kết thúc có hậu, dù rằng họ có phải chết. Nhưng nếu kết thúc như vậy thì trò chơi của tôi không còn thú vị. Khi để Kap là một con robot tôi đã rất đau lòng. Dù con người có xấu xa đến mức nào vẫn còn hơn một con robot. Tôi không hề hài lòng với cách kết đó. Tôi muốn một kết thúc có hậu.

– Sách của chị giá bìa 55 nghìn đồng, với cách tính chia cho trọng lượng chỉ… hơn 3 lạng (vì được in bằng thứ giấy rất nhẹ như chị giới thiệu) thì sẽ có giá bán khoảng… 18 nghìn đồng một lạng. Chị nghĩ sao trước cách định giá văn chương này?

– Chúng ta nên quy đổi ra đồng cân nhé, chứ ba lạng nó cứ “húy húy” thế nào ấy, nó rất dễ nhầm với “cái ba lạng”. Chúng ta sẽ quy đổi thế này nhé: 18.000 đồng/ 10 đồng cân. Giấy đẹp, trình bày đẹp, giá xăng tăng, giá điện tăng, giá thực phẩm tăng, giá giấy tăng, công in tăng… trừ tất cả chi phí, chỉ còn 1.000 đồng/ 1 đồng cân chữ.

– Lạc quan thế có khi nào chị băn khoăn về sự rẻ rúng của văn chương?

– Tôi hay bắc lên cân một cách chi ly. Để xem văn chương có rẻ rúng không nhé. Tài năng: 20 đồng cân. Lao động: một lượng. Tác phẩm: 1.000 đồng/1 đồng cân chữ. Bạn đọc yêu mến: 30 đồng cân. Bạn đọc ném đá: 20 đồng cân. Bạn văn chương khen: 1 đồng cân. Bạn văn chương chê: 90 đồng cân… Cộng chi ly vẫn có lãi vì thi thoảng được lên tivi. Cũng không rẻ rúng lắm!

– Nhiều người thấy “ngại” cách đối đáp bốp chát của Y Ban, còn với Y Ban, chị “ngại” điều gì ở người khác?

– Diễn.

– Ngược lại với tên sách, đọc hết “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” người ta lại thấy cảm xúc là thứ cần nâng niu, trân trọng. Chỉ có muốn bổ sung điều gì ngoài “thông điệp nổi” này?

– Khi viết xong một tác phẩm tôi trống rỗng hoàn toàn. Trí não tôi như một chiếc máy tính đã bị mất sạch dữ liệu. Tôi không thể bổ sung thêm một điều gì.

Dương Tử Thành thực hiện

Nguồn: eVan