“Trò chơi hủy diệt cảm xúc” – cuốn tiểu thuyết thứ ba của nhà văn Y Ban, bạn đọc có thể nhận ra ngay một giọng điệu khác, một trò chơi mới của nữ nhà văn luôn biết cách giữ cho mình không bị rơi vào sự cũ mòn.
Cuốn sách hút người đọc vào những dòng đầu tiên, như cách “chia quân”, “dàn trận” khi tham gia một trò chơi online. Chương 1: Giới thiệu trò chơi, luật chơi. Chương 2: Giới thiệu nhân vật. Và các chương tiếp theo đó, nhân vật chính (với các đại từ nhân xưng “tôi”, “ả”, “Linh”, “Kim”…) dần dần đi sâu vào trò chơi được lập trình tinh vi, hoàn hảo từ nhiều bộ óc cực kỳ thông minh: trò chơi hủy diệt cảm xúc trực tuyến, với số tiền thưởng cho người chiến thắng là 100.000 USD. Nếu chỉ là những trang viết mô tả, sắp xếp tình tiết cho có vẻ ly kỳ, Y Ban cũng dễ dàng cho ra được một cuốn sách đủ mê dụ người đọc; nhưng trong cuốn sách này, chị đã tạo cho người đọc sự tò mò, thậm chí hiếu thắng khi buộc phải theo dõi cuộc chơi trực tuyến. Cách chơi tưởng như rất đơn giản: chỉ việc ngồi viết (ở đây có thể coi là “sáng tác”) và gửi những lá thư online gửi đến một địa chỉ email cho trước, làm sao để tất cả những cung bậc tình cảm yêu – ghét – giận hờn – nghi kị – ghen tuông – ân hận… được đẩy đến tận cùng. Và kết cục của nó sẽ là sự hủy diệt hoàn toàn những cảm xúc rất con người đó.
Người đàn bà tham gia trò chơi ban đầu chỉ với mục tiêu chiếm lĩnh số tiền thưởng khá lớn so với những tính toán thông thường và mối bận tâm thường nhật của phụ nữ. Hóa ra không phải là như vậy, khi mỗi ngày nhu cầu “chơi” lại lớn dần lên, trở thành một thói quen không thể thiếu. Những lá thư online cứ dày lên, mỗi dòng chữ là một dòng nước trong veo thấm sâu vào những ngõ ngách bí mật nhất của tâm hồn, xoa dịu những vết xước trong trái tim người đàn bà, đem đến những an ủi dịu dàng, sự động viên, quan tâm lo lắng vừa tinh tế vừa sâu xa… mà ngay cả người thân gần gũi nhất trong đời sống (thực) cũng không có được. Người đàn bà ấy như được hồi sinh, được yêu và sống bằng thứ năng lượng tinh thần quý giá, đó chính là sự đồng điệu, hòa nhịp từ trong sâu thẳm mỗi con người. Tất cả những buồn khổ, uất ức, sự nén nhịn, chịu đựng… trong đời sống chất chồng lo toan, bon chen của người đàn bà được giải tỏa, thấu hiểu và cảm thông, để có thể yên tâm khóc, cười, chia sẻ trọn vẹn với một đối tượng hoàn toàn không biết mặt. Cho đến một ngày người đàn bà ấy nhận được bức thư báo tin mừng chiến thắng trong trò chơi Hủy diệt cảm xúc trực tuyến, liền đó là những bí mật của cuộc chơi được giải mã. Trong suốt tám tháng ròng, người đàn bà đã mê mải tâm sự với… một con rô bốt được lập trình để chuyên viết những bức thư. Và cảm xúc của người chiến thắng: “Trống rỗng. Tôi không còn một cảm xúc nào. Tôi đã tham gia trò chơi. Tôi đã giết chết những cảm xúc của mình. Tôi không còn phân biệt được đâu là thật đâu là giả. Tôi không còn nhận chân được tôi là ai.”
Tinh tế và (có phần) tinh quái, Y Ban đã dẫn người đọc đi vào một cuộc khám phá nội tâm bằng những phương tiện kỹ thuật đang ngập tràn và ngày càng trở nên thiết yếu trong cuộc sống con người: computer và internet. Thế giới bắt đầu được dàn phẳng ra với sự hỗ trợ tuyệt vời của công nghệ, nhưng thế giới cũng bị tàn phá bởi những lệ thuộc của con người vào thứ công nghệ đó. Đặc biệt là cảm xúc – món quà vô giá mà chỉ con người mới được tạo hóa ban tặng, đã và đang bị biến dạng, bị hủy diệt một cách lạnh lùng.
Hơn hai trăm trang sách với 10 chương có độ dài ngắn có chủ ý, sự sắp xếp nội dung các chương với những đầu đề súc tích, gợi mở và lãng mạn, cuốn sách mới của Y Ban giữ được cho người đọc sự háo hức đến tận dòng kết thúc. Tuy nhiên, sẽ không khiến một số độc giả sốt ruột nếu nhà văn tiết chế số lượng câu chữ ở chương thứ 9 (Những bức thư online), đồng thời đẩy đoạn kết đi được xa hơn, chứ không chỉ dừng lại một cách “an toàn” như vậy, có lẽ cảm xúc sau “hủy diệt” sẽ tái sinh mạnh mẽ hơn.
Nguồn: Vanvn.net