Trung tâm Dịch văn học sau một thời gian chuẩn bị đã chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. Một con đường văn học như được mở rộng thênh thang phía trước. Nhưng để đi trên con đường đó chắc hẳn còn nhiều gian nan.

Cơ hội…

Thị trường văn học Việt Nam cũng như tình cảnh nhiều mặt hàng khác lâu nay luôn bị cho là lệch cán cân xuất – nhập, dẫn đến tình trạng “nhập siêu”. Các đầu sách dịch của các nước Pháp, Nhật, Trung Quốc, Nga… áp đảo văn học trong nước. Trong khi thử làm một phép tính ngược lại, liệu có bao nhiêu đầu sách của Việt Nam được “xuất khẩu” ra nước ngoài. Không khó để nhận được câu trả lời, khi số nhà văn có sách được dịch, được xuất hiện trên các kệ sách nước ngoài vô cùng ít ỏi. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có các tác giả như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê… Một số các tuyển tập giới thiệu các cây bút truyện ngắn và thơ mang tính “điểm danh” hơn là khái quát về đội ngũ các nhà văn Việt Nam ra thế giới. Chưa kể, trong số những nhà văn có tác phẩm xuất khẩu tại nước ngoài một phần lại đi theo con đường “tiểu ngạch”, xuất phát từ các mối quan hệ cá nhân. Mà như thế thì có thể thực hiện với nhà văn có mối quan hệ rộng, có ngoại ngữ, số này không nhiều.

Có thể nói, việc có một tổ chức chuyên trách về công tác dịch thuật, giới thiệu tác phẩm văn học ra nước ngoài một cách bài bản, chuyên nghiệp là mơ ước, là nguyện vọng chính đáng của các nhà văn Việt Nam. Điều này không chỉ giúp cho việc giao lưu học hỏi giữa nhà văn, giữa các nền văn hoá với nhau mà nhà văn Việt còn biết được vị trí của văn chương nước nhà đang ở đâu trên bản đồ thế giới. Hơn nữa khi văn chương Việt được biết nhiều hơn trên thế giới cũng là cơ hội quảng bá đất nước, con người, cuộc sống, văn hoá của Việt Nam tới các bè bạn năm châu.

Chúng ta từng có những Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, cùng với đó là một số ký kết về hợp tác dịch thuật song phương. Tuy nhiên, những việc làm này chưa đủ để tạo ra một bước đi lâu dài cho công cuộc xuất khẩu văn học Việt Nam ra nước ngoài.

Một số đơn vị xuất bản và truyền thông trong vài năm trở lại đây cũng nỗ lực đưa ra các kế hoạch nhằm đưa sách văn học Việt Nam ra thị trường thế giới. Thế nhưng hiệu quả chưa được như kỳ vọng và từ đây độc giả mới thấy đây là công việc không hề đơn giản.

Sau một thời gian khá dài chuẩn bị, vào ngày 26/5 vừa qua Hội Nhà văn Việt Nam đã chính thức ra mắt Trung tâm Dịch văn học. Có thể nói, việc ra đời của Trung tâm dịch thuật văn học đã đáp ứng mong mỏi của các nhà văn trong nước lâu nay với hi vọng, đây là một Trung tâm có đầy đủ tư cách cũng như năng lực chuyên môn để đảm nhiệm.

Trung tâm dịch thuật văn học ra đời đã mở ra một cơ hội vô cùng hứa hẹn cho văn học Việt Nam. Với một số hoạt động sẽ được triển khai trong thời gian tới được cho là khá bài bản. Đó là gấp rút xây dựng một trang web trước tiên bằng tiếng Anh để giới thiệu tác giả và tác phẩm văn học Việt Nam. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Giám đốc Trung tâm thì đây là việc làm cần thiết, song song với đó, Trung tâm sẽ gửi tới các nhà xuất bản trên thế giới bản giới thiệu tác giả và tác phẩm tiêu biểu của Việt Nam. Cách giới thiệu này, chúng ta vừa không “mất phí” quảng cáo vừa trực tiếp đến được các nhà xuất bản. Nếu các nhà xuất bản chấp nhận tác giả, tác phẩm nào thì sẽ đặt hàng hoặc đưa ra những yêu cầu và trung tâm sẽ đáp ứng. Hoặc là cả hai phía sẽ thoả thuận, hợp tác để cùng xuất bản sách trên đất nước của họ.

Phần thưởng có giá trị và ý nghĩa nhất của người cầm bút chưa chắc, chưa phải là các giải thưởng danh giá mà nhiều khi giản dị hơn, thiết thực hơn là được nhiều độc giả tìm đọc, đồng cảm và chia sẻ. Với 70% sách dịch được xác định là dịch tác phẩm văn học ra tiếng nước ngoài thì các nhà văn Việt Nam hoàn toàn có quyền hi vọng nhân rộng số lượng độc giả không chỉ trong nước mà cả nước ngoài.



Và thách thức…

Mặc dù Trung tâm dịch thuật văn học ra đời hứa hẹn và chứa đựng nhiều cơ hội nhưng để tồn tại lâu dài và hiệu quả thì không thể không nhắc tới những thách thức đằng sau.

Chẳng hạn, ngay cả đội ngũ dịch thuật hiện nay cũng không quá nhiều người mặn mà với văn học. Trước nay, đội ngũ này chủ yếu dựa vào “tình yêu, lòng say mê văn học” mà dịch văn học. Một người dịch thuật lại say mê văn học thì còn gì bằng. Họ sẽ dịch bằng cả sự đam mê và hiểu biết của cá nhân. Thậm chí, với những người giỏi dịch thuật muốn tiến tới dịch văn học thì trong tương lai cũng nên phải hướng, phải dẫn dắt họ đến với văn học từ việc thử sức, khám phá đến thú vị và say mê. Nhưng, thử nhìn vào thực tế, dịch một cuốn sách văn học với bao nhiêu kiến thức được vận dụng đi kèm mà thù lao thì quá thấp. Có nên hiểu sự say mê, tình yêu văn học ở đây là sự chấp nhận “cái giá bèo” cho công việc ấy không? Mà một khi làm một nghề không đủ sống thì đương nhiên họ phải làm song song một nghề khác để nuôi sống. Và như thế, dịch văn học sẽ là công việc không có sự thúc bách với những kế hoạch chi tiết thường xuyên. Làm thế nào để đội ngũ dịch văn học yên tâm sống được bằng công việc này là một câu hỏi mà chỉ nguồn ngân sách dồi dào mới đáp ứng được vẫn là bài toán khó cần lời giải.

Hay như tiêu chí về tác phẩm được chọn dịch, sẽ là tiêu chí gì? Tiêu chí một tác phẩm hay đã đủ chưa? Chúng ta còn nhớ, khiCánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư nổi đình nổi đám trong văn học, đã có một nhà văn đặt ra câu hỏi, liệu khi Cánh đồng bất tận được dịch ra tiếng nước ngoài sẽ còn gì? Ý nhà văn này muốn nói, cái hay của Cánh đồng bất tận là được đặt trong không gian của miền Tây sông nước, của phương ngữ Nam Bộ. Vậy khi được chuyển thể từ ngôn ngữ tiếng Việt sang một ngôn ngữ khác liệu có làm mất đi cái hay, cái độc đáo của tác phẩm không? Hay như, chúng ta từng đặt câu hỏi, liệu có thể dịch được tuyệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du ra ngôn ngữ khác được không?

Trao đổi thêm về vấn đề này, khi đặt câu hỏi, liệu những tác phẩm văn học đã từng đoạt giải thưởng như giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hội Nhà văn có được Trung tâm cho là lựa chọn hàng đầu và sẽ dịch hết không? Giám đốc Trung tâm dịch thuật – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết: Tiêu chí của Trung tâm là tác phẩm văn học hay. Hay có nghĩa là tác phẩm ấy phải đóng góp, tác động lớn cho tiến trình văn học Việt Nam. Tác phẩm đó phải được dư luận trong giới cũng như độc giả đánh giá cao sau một thời gian dài… Bên cạnh đó, còn phải tính đến yếu tố hiệu quả của dịch thuật. Chẳng hạn có những tác phẩm hay ở trong nước, nhưng qua ngôn ngữ dịch thuật chưa chắc độc giả nước đó thấy được cái hay của nghệ thuật, của nội dung thì phải cân nhắc, xem xét, thậm chí dừng việc dịch. Cũng như các nền văn hoá khác nhau, sẽ có cách nhìn nhận, đánh giá… khác nhau trước mỗi chi tiết, số phận của nhân vật.

Còn việc các tác phẩm đoạt giải thưởng, chỉ là một kênh để lựa chọn. Nghĩa là trong số đó sẽ có tác phẩm được chọn dịch, nhưng không phải tất cả. Và ngay cả những tác phẩm không được giải, chưa được giải vẫn hoàn toàn trở thành lựa chọn dịch của Trung tâm nếu đáp ứng được những yêu cầu và tiêu chí của Trung tâm.

Bên cạnh tác phẩm được giải thưởng, Trung tâm sẽ chú ý lựa chọn dịch những tác phẩm mang đậm bản sắc văn hoá, phong tục, con người Việt Nam.

Như vậy, rất có thể, sẽ có những tác phẩm văn học đặc sắc, có giá trị cao của Việt Nam sẽ khó được giới thiệu hết với bạn bè thế giới. Hoặc là do rào cản, sự khác biệt của ngôn ngữ. Hoặc là dịch giả của ta chưa đủ bản lĩnh, sự dũng cảm để thử nghiệm.

Đấy là còn chưa kể, sẽ có vô số ngôn ngữ không vào loại thông dụng, không được sử dụng rộng rãi ở nước ta thì ngay cả việc các quốc gia đó có “đặt hàng” thì chúng ta sẽ xoay sở theo hướng nào, có đáp ứng được ngay không?

Nói về những khó khăn và thách thức của một Trung tâm dịch thuật văn học vừa mới ra đời, còn khá non trẻ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều không ngần ngại xác nhận. Thậm chí ông còn nói: Văn học là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để thế giới biết đến Việt Nam. Nếu như Nhà nước không “đứng đằng sau” ủng hộ và thấy được tầm quan trọng của nó thì nguy cơ thất bại của Trung tâm dịch thuật văn học sẽ rất cao. Các nước khác như, Nga, Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc… họ làm rất tốt công việc này. Chúng tôi mơ ước, trong tương lai Việt Nam cũng làm được như thế. Chẳng hạn như ở Nga, quà tặng của các nguyên thủ quốc gia, khách Vip luôn là sách dịch. Còn như Hàn Quốc, chỉ cần nước nào có nhu cầu dịch tác phẩm của họ là họ sẵn sàng hợp tác và cung cấp kinh phí để dịch và phát hành cuốn sách đó tại đất nước ấy.


Hiền Nguyễn

Nguồn: Toquoc









Exit mobile version