Michael Albert
Bài phỏng vấn với người tham gia sáng lập một nhà xuất bản phá cách ở Mỹ dưới đây sẽ ít nhiều mang lại hình dung về xuất bản phá cách, một hiện tượng phổ biến trong các xã hội dân chủ, đặc biệt là ở Mỹ và Canada hiện nay.
Bài phỏng vấn do NXB Bogazici Performing Arts Ensemble (BGST) thực hiện với Michael Albert (1947),người tham gia sáng lập nhà xuất bản (NXB) phá cách South End Press1, khi ông đến Thổ Nhĩ Kì cuối năm 2007.
BGST: Một cuộc khảo sát gần đây ở Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy các NXB phá cách (alternative publishers)2 hầu hết đồng nhất hoạt động xuất bản phá cách với việc xuất bản các sách bày tỏ bất đồng chính kiến và các tạp chí đối lập. Ông dùng từ hoạt động xuất bản phá cách với ý nghĩa gì?
Michael Albert: Ở Mỹ cũng như ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều người sử dụng từ ‘phá cách’, như trong cụm từ xuất bản phá cách, chỉ với ý rằng nội dung của nó khác biệt với dòng chính. Đúng, đó là một định nghĩa chấp nhận được, nhưng bạn biết đấy, đó chưa phải tất cả những gì tôi muốn nói đến. Điều tôi muốn nói với khái niệm ‘phá cách’, ngoài cách hiểu thông thường còn thêm vào những yếu tố khác. Và sự thêm vào mà tôi nghĩ tới khi sử dụng từ truyền thông phá cách, hay sản xuất phá cách hay bất cứ cái gì phá cách, là phá cách không chỉ có nghĩa làm ra sản phẩm khác biệt mà cả các tiến trình cũng phải khác biệt.
Bởi vậy, xuất bản phá cách thích hợp để chỉ kiểu xuất bản được thực hiện theo cách thức là hiện thân cho các giá trị của chúng ta, thay vì đi theo con đường kiểu mẫu của dòng chính. Với trường hợp của chúng tôi, khi thành lập South End Press ba thập kỉ trước, chúng tôi muốn ám chỉ trong từ phá cách, phần là việc chúng tôi muốn làm các sách mang nội dung cấp tiến. Nhưng phần khác nó cũng ám chỉ chúng tôi sẽ hoạt động theo một kiểu thức cấp tiến, không có ông chủ nào cả, không có cấu trúc công ty khuôn mẫu, không có sự phân chia lao động kiểu cũ, không phân chia cấp bậc. Thay vào đó, chúng tôi tìm cách hoạt động với các cấu trúc mới phù hợp cho những người có thể làm chủ cuộc sống của mình, trong đó tất cả những người làm việc NXB đều có quyền cất lên tiếng nói riêng, tất cả mọi người làm việc đều được mãn nguyện, thay vì chỉ một số ít người được mãn nguyện, còn những người khác phải làm hầu hết hoặc toàn các việc nặng nhọc. Bởi vậy, với chúng tôi, trở nên phá cách nghĩa là tạo ra sự thay đổi trong cấu trúc, tổ chức, cách ra quyết định, và cách trả công. Mọi người được trả theo thời gian làm việc, theo độ khó của công việc và theo những điều kiện làm việc vất vả và hao tổn sức lực mà họ phải chịu. Nhưng như thế không phải là vài người nhận phần lớn số tiền và những người khác chỉ nhận phần ít ỏi bởi vì tất cả chúng tôi đều làm những công việc trong điều kiện tương đương nhau. Thế nên, đó là một thay đổi trong sự công bình. Xuất bản phá cách nghĩa là xuất bản mà cả nội dung và cấu trúc đều thích hợp với những gì chúng ta muốn cho một xã hội mới.
OK. Bây giờ là câu hỏi thứ hai. Ông là một trong những người sáng lập của South End Press và ông hẳn biết nhiều NXB khác như Arbeiter Ring, Seven Stories, AK Press, The New Press ở Mỹ và Canada. Hỗ trợ tài chính dành cho việc xuất bản các sách cấp tiến ở các NXB này như thế nào? Có hệ thống nào kiểu như gửi các sách mới xuất bản tới những người đọc và họ sẽ trở thành người ủng hộ hoặc đặt mua chính thức, những người hỗ trợ tài chính cho xuất bản sách không?
Đầu tiên phải nói là có rất nhiều NXB. Chúng ta hãy tạm thời gọi là NXB cấp tiến (progressive publishers). Có vài NXB là phá cách theo nghĩa mà tôi đưa ra cho câu hỏi thứ nhất của các bạn, chẳng hạn như South End Press. Và cũng có những NXB cấp tiến mà không phá cách. Các NXB này được cấu trúc khá giống cách thức của dòng chính, nhưng họ cấp tiến trong tôn chỉ và nhờ thế có nội dung tốt. Ví dụ, Seven Stories được cấu trúc theo cùng một cách với xuất bản dòng chính. Trong khi đó South End lại có cấu trúc kiểu không gian làm việc trong đó mọi người làm việc đều có vai trò tham gia lớn hơn. Vậy là, chúng ta đang đề cập tới nhiều dạng cấu trúc, nhưng về mặt tài chính thì AK Press là NXB duy nhất mà tôi tin rằng gây dựng được một dạng câu lạc bộ vận hành khá tốt, nơi những người tham gia trả phí thường kì và nhận các sách mới, kiểu như câu lạc bộ sách của tháng. Tôi không biết chi tiết về việc này. Có một nhà xuất bản ở Thụy Điển tên là Ordfont. Họ có câu lạc bộ sách của tháng, rất thành công. Mọi người tham gia Ordfront và trở thành những người đóng góp… Và họ trả một khoản phí thường kì rồi nhận tạp chí hằng tháng – tôi nghĩ đó là tạp chí tháng, tôi không chắc lắm – và họ được giảm giá trên tất cả các đầu sách, họ cũng được nhận sách của tháng nữa.
Nó khá thành công, theo những gì tôi nghe được, nhưng ở Mỹ, phần lớn, không có chuyện đó. Chúng tôi đã nghĩ về việc tạo ra cái gì kiểu như thế nhiều lần, và có thể sẽ lại cân nhắc về khả năng đó, nhưng hiện tại thì nó không tồn tại, trừ trường hợp của AK. Thay vì thế, ở Mỹ, lợi tức xuất bản chủ yếu từ việc bán sách thông qua các tiệm sách, bán online hoặc bán trực tiếp qua giao dịch thư từ. Thật khó cho các NXB cấp tiến hay phá cách ở Mỹ, bởi vì đất nước này rất rộng lớn và việc phân phối sách đã có kẻ cầm chịch. Cánh tả không có được những bộ máy phát hành tốt của chính mình ngoại trừ hệ thống phân phối AK Distribution, có thể phân phối một lượng đáng kể, đặc biệt là phân phối trực tiếp tới các sự kiện, khá tốt. Có rất ít tiền bạc dành cho việc quảng bá sách, hầu như không có gì, và khoản đó cũng không ổn định. Và các tiệm sách đơn giản như là những nấm mồ chôn các nội dung cấp tiến này, chỉ chuộng các cuốn sách được quảng bá tốt. Bởi vậy khi Seven Stories hay South End xuất bản một cuốn sách, một lượng lớn sách đó sẽ được chuyển tới các nhà phân phối lớn, sau đó các nhà phân phối này thực hiện các đơn hàng của các tiệm sách cũng thuộc về những chuỗi cửa hàng lớn, vân vân. Bởi vậy một số sách cũng thành công, nhưng không nhiều như lẽ ra nó đáng được vậy. Thật khó khăn.
Loại vấn đề nào mà các NXB phá cách ở Mỹ đang gặp phải dẫn tới thực tế rằng sách được phân phối chủ yếu bởi các công ty phân phối lớn? Họ cố gắng để vượt qua vấn đề này như thế nào? Và họ có các tổ chức phân phối phá cách hay không?
Lại nữa, lại là chuyện quy mô. Ba mươi năm trước, ở South End Press, chúng tôi đã nhìn ra vấn đề này và đã có kế hoạch thử nghiệm tạo một bộ máy phân phối. Tôi sẽ giải thích ngắn gọn nó có thể hoạt động như thế nào. Nhưng chúng tôi đã không bao giờ làm được. Phần vì… ồ, đầu tiên là gì nhỉ? Ở Mỹ, giả định bạn là chủ tiệm sách hay hiệu tạp chí ở vài thành phố ở Mỹ, ở Iowa hay nơi nào đó chẳng hạn. Việc bạn phải làm là đặt hàng từ các nhà phân phối lớn, và số lượng nhà phân phối lớn không phải nhiều. Sau đó là tầng tiếp theo, tầng thứ hai, các nhà phân phối nhỏ hơn, chủ yếu trong vùng hoặc địa phương. Rồi bản thân NXB cũng có thể cung ứng hàng trực tiếp, nhưng rất khó vì có quá nhiều người mua, quá nhiều tiệm sách ở mọi vùng trong nước mà bạn phải giao hàng tới. Bởi vậy hầu hết các NXB giao sách cho các nhà phân phối, trung chuyển tới các kho để được phân phối tới các tiệm. Vậy thì, tại sao lại khó khăn? Một trong các lí do là các nhà phân phối này là những tập đoàn lớn và họ không thèm quan tâm, hoặc thậm chí còn thù địch với nội dung cấp tiến. Những gì họ quan tâm tới là ngân sách cho quảng cáo đằng sau các sách. Rõ ràng không phải mọi người đều dị ứng với những tên sách đặc biệt – nên tôi đoán bên trong các nhà phân phối này, những người trực tiếp làm việc với các cuốn sách hằng ngày, khá vui vẻ khi làm việc với những cuốn sách mà các NXB cấp tiến gửi tới, nhưng những ông chủ thì không, và vậy là dây chuyền không được êm thuận. Nhưng bất kể người ta thích hay không thích những cuốn sách ở trong kho, thì các sách này bán được ít đơn giản là vì không có quảng bá, không có bài điểm sách, không đưa tin trên báo chí. Sẽ thật tốt nếu tất cả các NXB cấp tiến có được vài phương tiện để tập thể hóa việc phân phối, nhưng quan trọng hơn, tạo nên sự quảng bá rộng rãi… với mức chi phí đủ rẻ mà chúng ta có thể chi trả được. Nhưng cho dù đó là một ý tưởng hay, nó không thể xảy ra và lí do nó không thể xảy ra là vì tất cả các tổ chức cấp tiến này đều có các chương trình hành động riêng và họ không phối hợp cùng nhau tốt cho lắm.
Câu hỏi tiếp theo là về các tiệm sách. Các cửa hàng và chuỗi cửa hàng sách dòng chính ảnh hưởng tới xuất bản phá cách như thế nào? Họ có dành đủ không gian cho sách phá cách không? Có những tiệm sách độc lập chỉ bán sách phá cách không?
Một lần nữa, phải nói có những tiệm sách dòng chính và cũng có những cái mà chúng tôi gọi là tiệm sách cấp tiến. Các tiệm sách cấp tiến chủ ý đặt trên giá các sách cấp tiến và vài tiểu thuyết, nhưng chủ yếu vẫn là dành không gian cho xuất bản cấp tiến. Nhưng cũng chỉ có rất ít các tiệm như vậy. Hầu như không có ở các thị trấn nhỏ, ở những thành phố lớn nhất may ra có một. Lấy cuốn sách được đọc nhiều nhất của tôi, Parecon, Life After Capitalism xuất bản bởi Verso, hay Remembering Tomorrow xuất bản bởi Seven Stories làm ví dụ, giả sử chúng được bày bán ở Barnes and Noble, hay đại loại vậy… và giả sử chúng tôi muốn sách này được bày ở mặt tiền tiệm sách, chúng tôi muốn nó đập vào mắt mọi người. Barnes and Noble sẽ không nói không. Họ sẽ nói đặt sách ở đây thì phải trả bao nhiêu tiền. Những cuốn sách được bày nhiều ở các tiệm sách, ở mặt tiền, với cả chồng xếp chất ngất, tất cả đều phải trả tiền. Quảng cáo là vậy. Nói trắng ra thì các NXB đang trả tiền cho các chỗ bày trên giá sách và giá đó rất cao. Các NXB cấp tiến không thể nào lo được. Họ không thể làm thế, nên điều đó không xảy ra.
Tôi sẽ kể cho bạn một câu chuyện rất thú vị. Khi tôi hoàn thành cuốn Parecon, có một tiệm sách ở Cambridge, nơi có Harvard và MIT… bạn biết đấy, một khu vực rất học thuật… nhiều người trẻ. Rất gần các trường đại học này là một tiệm sách tên là Tiệm sách Harvard, một tiệm sách lớn và rất tốt. Nó có mọi thứ, rất tốt. Họ sắp xếp cho tôi một cuộc nói chuyện ở đó và một tuần trước khi tôi nói chuyện, họ đã có cuốn Parecon để bày. Có nhiều bản. Trong suốt tuần đó, đây là cuốn sách bán tốt nhất ở đây. Đó, một cuốn sách về sự thay thế chủ nghĩa tư bản bán rất chạy ở một tiệm sách dòng chính lớn. Nhưng tuần trước khi nó được bày nổi bật lên, và tuần sau đó, thực tế cả thời kì trước và sau đó, chỉ có đôi ba cuốn lẫn ở các giá sách phía sau, ở đâu đó, phía dưới các sách kinh tế. Và chẳng bán được gì cả. Bởi thế, điều đáng chú ý trong chuyện này, không phải là không có ai quan tâm đọc cuốn sách đó, vấn đề là họ không biết rằng cuốn sách đó tồn tại vì nó có được bày ra đâu.
Cũng giống tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ vậy. Người đọc thậm chí không biết rằng ông đã xuất bản hoặc đã viết một cuốn sách hay như vậy.
Đúng thế, nhưng phải thấy là đó không phải vì các tiệm sách có bộ phận kiểm duyệt về chính trị, kẻ quyết định không bày Parecon mà bày ra những thứ khác. Lý do thực sự là vì các NXB lớn có những nguồn lực lớn, và họ đã dồn nguồn lực này hậu thuẫn cho những cuốn sách nào đó, còn những cuốn sách khác thì chẳng có gì. Kết quả là, tiệm sách chỉ cố gắng bán sách… Tôi muốn nói từ quan điểm của tiệm sách, tôi chắc chắn rằng họ hạnh phúc hơn nếu bán được các sách tốt, nhưng họ không thể làm điều đó.
Tôi cũng được giới thiệu để nói chuyện tại Harvard Coop, một tiệm sách lớn khác ở vùng này. Tôi đã có được một trong những buổi giới thiệu tốt nhất từ trước tới nay của mình, nhờ người điều hành tiệm sách say mê nói những điều tốt đẹp về tôi và parecon. Nhưng nếu bạn xuống tầng dưới và nhìn vào những khu trưng bày lớn, thì tất cả đều là những tựa sách được quảng bá tốt, và đó là vì NXB trả tiền cho việc này và những người viết điểm sách cũng chỉ tụ quanh đó. Bởi vậy vấn đề không phải là sách cấp tiến không có độc giả tiềm năng. Vấn đề là chúng tôi không có cách nào làm cho những độc giả tiềm năng của mình nhận biết được những sách đang có trên thị trường để họ trở thành độc giả thực tế của chúng tôi.
Về sự liên kết giữa các NXB phá cách thì sao? Các ông có những cuộc họp chung không? Hay ông có chia sẻ cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm không?
Ít lắm. Và lí do thì có hai lớp thế này. Thứ nhất, nếu bạn lập danh sách tất cả các NXB cấp tiến, không phải chỉ là các nhà xuất bản phá cách theo nghĩa ở câu hỏi đầu tiên của bạn, mà tất cả các NXB cấp tiến bất kể xuất bản tạp chí, ấn phẩm định kì hay sách, rồi bạn hỏi xem có bao nhiêu trong số này thực sự cấp tiến? Hay thật sự phá cách? Sẽ chỉ có rất ít. Hầu hết chỉ là có tinh thần tự do. Đó là sự chia biệt thứ nhất. Và sự chia biệt này có nghĩa là những người ít có tinh thần tự do hơn sẽ không làm việc với những người cấp tiến hơn. Vấn đề đầu tiên là vậy. Vấn đề thứ hai lại khác. Vấn đề thứ hai là mọi người cố gắng tồn tại và thật khó, có rất ít nguồn lực cho sự đổi mới. Tệ hơn, mọi người đang cạnh tranh lẫn nhau. Họ cố gắng nổi bật lên và họ không quan tâm giúp đỡ những người khác giới thiệu được những sản mới… Và họ cũng cạnh tranh để giành được tiền từ các nhà tài trợ. Và hai vấn đề này, tranh giành nhà tài trợ và tranh giành độc giả làm suy yếu đi mục đích chung ban đầu, yếu tố khiến họ liên quan đến nhau một cách mật thiết.
Bạn đã đề cập đến việc chia sẻ các cách tiếp cận, chia sẻ các thông điệp… Chúng tôi cố gắng theo đuổi kiểu hợp tác đó nhiều lần. Khi mọi người làm việc cùng nhau thì sẽ tăng hiệu quả sản xuất. Nó sẽ tạo ra sự tương hỗ. Nó sẽ ngăn chặn việc dẫm chân lên nhau, các chủ đề xuất bản sẽ không bị chồng chéo mà trở nên đa dạng hơn. Nhưng thật khó bởi mỗi NXB có chương trình hành động riêng… Có thể, nếu chúng tôi phát triển đủ độ để có nhiều phương tiện hơn, chúng tôi có thể tạo ra một câu lạc bộ sách cánh tả và một câu lạc bộ tạp chí cánh tả định kì, nơi chúng tôi cung cấp một bộ máy phát hành và giới thiệu nội dung cấp tiến của mọi người. Tôi không biết điều này có thực hiện được hay không. Chúng ta phải chờ xem. Chúng tôi có thể thử trong năm tới hoặc nếu kế hoạch nâng cấp của chúng tôi diễn ra trôi chảy…
Cảm ơn và chúc ông may mắn.
Nhã Thuyên lược dịch
Nguồn: http://www.zcommunications.org/alternative-publishing-and-its-problems-by-michael-albertc
—
* Đăng trên ZNet ngày 18/2/2008.
1. NXB South End Press hoạt động theo mô hình nền kinh tế tập thể (participatory economics – hay còn gọi tắt là parecon) do chính Michael Albert cùng Robin Hahnel đề xuất như một mô hình thay thế nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa đương đại. Mô hình này coi việc tất cả những người làm việc cùng tham gia ra quyết định là cơ chế dẫn dắt việc sản xuất, tiêu thụ và phân phối nguồn lực. Nó cũng được coi là một dạng thức của chủ nghĩa xã hội ở khía cạnh các phương tiện sản xuất đều thuộc sở hữu chung, nhưng nó kỳ vọng sẽ thay thế mô hình kinh tế kế hoạch tập trung của chủ nghĩa xã hội.
South End Press in sách của các nhà hoạt động chính trị, trong đó có những tên tuổi nổi tiếng như Arundhati Roy, Noam Chomsky.
2 Từ alternative trong các thuật ngữ về phong cách sống, văn hóa, hình thức nghệ thuật, v.v thường chỉ tới đặc tính phi quy ước, không tuân theo các ý tưởng, phương pháp quen thuộc, truyền thống, đã được thiết lập… Ở đây, tôi tạm sử dụng từ “phá cách” theo cách dịch của Như Huy trong tham luận “Vài ghi chú về không gian phá cách (Alternative Space).”
Nguồn: Tia sáng