Vào khoảng đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, những bài thơ hay của Nguyễn Bính luôn có trong những trang “sổ tay văn học” của những học sinh yêu môn Văn.
Cứ mỗi độ Xuân về, đi trong lất phất mưa Xuân, lại nhớ một câu thơ rất hay về MÙA XUÂN và MƯA XUÂN: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy…”. Tác giả của câu thơ ấy là Nguyễn Bính (1918-1966). Vào khoảng đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, những bài thơ hay của Nguyễn Bính chủ yếu lưu truyền trong dân gian, trong những trang “sổ tay văn học” của những học sinh yêu môn Văn. Tôi cũng là một trong số những học sinh nắn nót chép vào sổ tay những bài thơ ấy, nhưng có may mắn hơn là được người chị gái thi thoảng lại đọc cho nghe “Lỡ bước sang ngang”. “Người hàng xóm”…và mùa xuân năm Bính Ngọ (1966) được thầy giáo dạy môn văn hoc đọc cho nghe “Bài thơ quê hương”. Tôi còn nhớ sau đó ông ngậm ngùi thông báo: nhà thơ đã mất trước Tết nguyên đán.
Sau này học Đại học, có dịp đọc nhiều hơn thơ Nguyễn Bính cũng như những bài viết về thơ của ông và cuộc đời cũng như sự nghiệp sáng tác của ông – một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới những năm 1930. Bởi thế hôm nay, khi cầm trên tay tập chuyên luận – tuyển chọn “Nguyễn Bính – Thi sĩ của đồng quê” của Giáo sư Hà Minh Đức (Nhà xuất bản Thuận Hoá 2015), tôi thật sự mừng vui bởi từ nay, đã có trong tủ sách của mình chân dung khá đầy đủ của một nhà thơ mình yêu thích.
Giáo sư Hà Minh Đức là người có nhiều chuyên luận về các nhà thơ – nhà văn của văn học hiện đại Việt Nam. Nguyễn Bính cũng là người được ông đi sâu tìm hiểu rất sớm và đã lần lượt công bố những kết quả nghiên cứu của mình trên các tạp chí nghiên cứu cũng như các phương tiện truyền thông khác, mỗi lần công bố là một lần nâng cao, mở rộng hơn tầm vóc của nhà thơ. Chuyên luận-tuyển chọn về Nguyễn Bính lần này cũng vậy. Ở tuổi ngoài 80, dường như Giáo sư Hà Minh Đức đã dồn hết tâm sức để cuốn sách ra đời với những nét mới, những mong giúp người đi sau hiểu hơn về Nguyễn Binh, nhà thơ tài hoa đã mất cách nay nửa thế kỷ và những người cùng thời với ông, biết ông…ngày càng thưa vắng.
Cuốn “Nguyễn Bính – Thi sĩ của đồng quê” chia làm 3 phần. Phần 1 là những nghiên cứu của Giáo sư Hà Minh Đức về Nguyễn Bính, với những chương như “Quan điểm thi ca của phong trào Thơ mới và Nguyễn Bính”, “Hình ảnh làng quê – cảnh và người trong thơ Nguyễn Bính”, “Về phương Nam – những sáng tạo trong thơ Nguyễn Bính”, loạt bài bình ”Một số bài thơ hay của Nguyễn Bính” và đáng chú ý là tác giả đã dành hẳn một chương ”Về nghệ thuật sáng tạo thi ca” nói về phương pháp sáng tác trong thơ Nguyễn Bính.
Giáo sư Hà Minh Đức nhấn mạnh: trong thơ ca thời kỳ hiện đại, Nguyễn Bính là người có công hơn cả trên mảng thơ viết về làng quê, khơi dậy ở mỗi người đọc tình cảm quê hương, tạo được một phong điệu trữ tình đằm thắm mang nhiều phong vị của câu ca tiếng hát của làng quê. Hình ảnh làng quê có thể đổi thay…nhưng vẫn có một làng quê truyền thống còn đấy trong ca dao, dân ca và trong những bài thơ nổi tiếng của các thời đại. Và Nguyễn Binh là một tác giả tiêu biểu- Nguyễn Bính-nhà thơ của tình quê, chân quê, hồn quê…
Phần 2 của tập sách là một tập tư liệu rất quý, tuyển chọn những bài viết về Nguyễn Bính của nhiều bạn văn, bạn thơ, nhà nghiên cứu sống cùng thời hoặc quen biết Nguyễn Bính. Từ Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam, Tô Hoài, Vũ Bằng,Hoàng Như Mai, Mộng Tuyết…đến những nhà văn,nhà thơ lớp sau và những dòng hồi ức về người cha của mình của Hồng Cầu – con gái nhà thơ….Trong bài ”Xin đem nước mắt làm mưa giữ chàng” viết năm 1985, Giáo sư Hoàng Như Mai viết” Thơ Nguyễn Bính nồng ấm, đậm đà hương vị dân tộc. Nguyễn Bính là một tài năng thơ được mấy thế hệ độc giả yêu thơ mến mộ từ trên nửa thế kỷ qua. Những yếu tố gì tạo nên tài năng ấy? Theo tôi nghĩ, một phần là tư chất vốn có của nhà thơ và một phần là do Nguyễn Bính đã sống THẬT, đã hiểu THẬT, đã yêu THẬT đất nước, con người văn hoá, dân tộc”.
Dường như trong lần công bố chuyên luận về Nguyễn Bính lần này, Giáo sư Hà Minh Đức muốn bạn đọc tiếp xúc với những ”bản gốc” cho nên ngoài những” bản gốc” của bạn văn – bạn thơ của Nguyễn Bính được công bố, ông đã dày công thương lượng về ”bản quyền” để cho đăng ở tập sách này 14 bài thơ của Nguyễn Bính. Mười bốn bài thơ chưa phải là nhiều trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Bính, nhưng cũng giúp cho bạn đọc, có trong tay tập ”Nguyễn Bính – Thi sĩ của đồng quê” được tiếp xúc trực tiếp với thơ Nguyễn Bính và từ đó, có những cảm nhận cho riêng mình.
Với kẻ viết những lời giới thiệu này, lần thứ hai sau 50 năm, lại nắn nót chép tay thi phẩm cuối cùng của Nguyễn Bính ”Bài thơ quê hương” và trang trong đặt vào phần cuối của tập sách. Trong lâm râm mưa bụi những ngày giáp Tết Bính Thân, như vang vọng câu thơ chan chứa tình đời của ông: “Trải ngàn dặm trời mây bạn tới/Thăm quê tôi, tôi rất đỗi vui mừng/ Bạn nán lại cùng tôi thêm buổi nữa/ Để tôi xin kể nốt chuyện quê hương…”