Nhà thơ nữ Xuân Quỳnh, một sự nghiệp thơ chỉ trên 25 năm, thế nhưng chị đã để lại một di sản thơ tình yêu đằm thắm, da diết đến khắc khoải, đi đến tận cùng của một tình yêu đích thực:

Tôi đã đi đến tận cùng xứ sở

Đến tận cùng đau đớn, đến tình yêu

Tình yêu trong thơ chị đẹp và trong sáng vô ngần, dù có gian truân cách trở nhưng bao giờ cũng trọn vẹn, đến được tận cùng của hạnh phúc. Các bài thơ: Sóng, Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu… được xem là những bài thơ tình yêu đạt đến đỉnh cao, được xếp vào loại thơ tình hay nhất của Xuân Quỳnh nói riêng và thơ hiện đại Viêt Nam nói chung.

Trong thiên chức làm mẹ, Xuân Quỳnh cũng đã có một gia tài thơ cho con (cũng là cho các thế hệ tuổi thơ) khá dồi dào, thật ngộ nghĩnh, trong trẻo và dễ thương.

Chị làm thơ cho con từ chính tuổi thơ mồ côi mẹ và sớm thiếu tình thương của cha, từ những kinh nghiệm làm mẹ mà mình trải nghiệm, như Xuân Quỳnh có lần nói: thơ tôi đó là món quà của một bạn nhỏ ngày xưa tặng các bạn nhỏ bây giờ. Phải chăng do tuổi thơ nhiều thiếu thốn, khao khát tình thương, nên khi làm mẹ, Xuân Quỳnh đã dồn tất cả bao yêu thương nồng nàn cho các con, như một cách bù đắp những thiếu hụt và trống trải của đời mình.

Trong Chùm thơ xuân cho ba con nhỏ, viết năm 1975, Xuân Quỳnh đã là người mẹ nhân ái, không thiên vị của cả ba con, kể cả Minh Vũ, con riêng của Lưu Quang Vũ.

Xuân Quỳnh mừng Tuấn Anh – con riêng với chồng cũ đang ở tuổi tiểu học, mừng con thêm một tuổi theo cái cách như để chính cậu bé đang huyên thuyên kể công trạng ham học, ham làm giúp bà, giúp mẹ:

Bài toán làm tuy khó

Con cũng giải được mà…

Con đóng sổ lao động

Ghi việc con giúp bà

Nào dọn cơm quét nhà

Nào nhặt rau, lấy muối…

Con mấy lần thêm tuổi

Chân trời xa xích lại

Viết cho Minh Vũ đang ở tuổi hay hỏi và tự cắt nghĩa một cách ngây ngô đến đáng yêu, bé chưa biết kể chuyện như anh:

Tuy con má chẳng sinh

Con vẫn hay gọi má

– Má ơi, ai sinh cá

Ai làm ra cái kem

Đêm sao lại màu đen

Ban ngày sao màu trắng?

Hãy xem cái cách chị giảng giải cho con, thật đáng yêu mà tinh tế, trong vắt như suối thần tiên, như những khúc nhạc dạo đầu chắp cánh cho mơ ước tuổi thơ:

Ban ngày làm bằng nắng

Màu xanh làm bằng cây

Quả ớt làm bằng cay

Tiếng ồn sinh tàu điện…

A lại còn cái kem

Thì làm bằng mùa rét…

Con làm bằng yêu thương

Của cha và của mẹ

Của bà và của ông

Của má nữa – biết không

Con làm bằng tất cả.

Còn bé út Quỳnh Thơ, con chung với Lưu Quang Vũ, cũng được mẹ tặng thơ xuân công bằng như các anh, ngay khi bé còn trong bụng. Tuy bé chưa chào đời mà cả nhà đã rộn ràng chào đón:

Mẹ đan tấm áo nhỏ…

Mẹ thêu vào chiếc khăn

Cái hoa và cái lá…

Mẹ đi trên hè phố

Nghe tiếng con đạp thầm…

Bố mới mua chiếc chăn

Dành riêng cho con đắp

Áo con bố đã giặt

Thơ con bố viết rồi

Các anh còn hỏi hoài

Bao giờ sinh em bé?


Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh và các con (ảnh: nongnghiep.vn)

Bà mẹ Xuân Quỳnh từ tình yêu con nồng đượm, từ hạnh phúc làm mẹ ngọt ngào đã mang vào thơ bao khám phá thú vị về kiểu tư duy hồn nhiên đến lạ kì của con trẻ. Chị say mê khai thác trí tưởng tượng phong phú của các em qua nhiều bài thơ, chị viết về tính tò mò, ham hiểu biết, thích hay hỏi của bé thơ. Đó là những câu hỏi dồn dập không dứt, mà có khi người lớn không sao giải thích hết. Các câu hỏi: Vì sao? Vì sao? Mùa đông nắng ở đâu? Tại sao gà con sinh ra?… Và để tìm cách giải thích phù hợp với tư duy trẻ, Xuân Quỳnh đã viết Truyện cổ tích về loài người, rồi Chuyện về những dòng nước:

Vì sao con cóc

Nó hay nghiến răng

Vì sao con cò

Nó không nhắm mắt

Không có chân, có cánh

Mà lại gọi con sông

Không có lá có cành

Lại gọi là ngọn gió…

Thế giới tự nhiên trước mắt trẻ con là vô tận, vậy là tha hồ cho bài thơ kéo dài ra. Thế nhưng các bạn đọc nhí không thể đọc mãi, nên bài thơ cũng đến lúc phải dừng lại:

Con vịt con bé tí

Không mẹ, nó không buồn

Mà mẹ mới ra đường

Vì sao con đã nhớ?

Như một cách làm thơ cho trẻ em, từ thế giới tự nhiên, Xuân Quỳnh dẫn các em về lại thế giới người. Cách dẫn dắt thông minh, thú vị. Từ câu hỏi, chị chuyển sang câu xác định, mà sự xác định ở đây là của tình mẹ con. Xuân Quỳnh là một trong số ít nhà thơ viết cho thiếu nhi đã rất thành công trong sử dụng cách lý giải tự nhiên thông qua cái nhìn trẻ thơ, rồi từ thế giới tự nhiên mà chuyển sang thế giới người, đưa cuộc sống xã hội đến gần các em hơn.

Mí biết làm ra gió

Chỉ bằng một chiếc quạt con

Mí còn làm ra cả đêm

Chỉ cần nhắm hai con mắt

Ta hình dung bà mẹ Xuân Quỳnh đang dỗ ru con ngủ bằng những dòng thơ tỉnh thức. Vẫn là những lý lẽ, xét đoán của trẻ con nhưng lại là những liên tưởng thông minh, lý thú. Ts. Vân Thanh: Qua thơ viết cho trẻ em, chị làm vui cho trẻ và làm kinh ngạc cả người lớn chúng ta.

Xuân Quỳnh làm thơ cho trẻ em cũng như nước ngọt tuôn ra từ một mạch nguồn trong veo. Bài thơ Mí thích (tên gọi ở nhà của bé Quỳnh Thơ), mẹ Quỳnh đã mượn lời con:

Chưa già mà đã có râu

Cái con dế suốt đêm thâu hát gì

Không chân con rắn vẫn đi

Con sên thích múa, con ve thích gào

Con chim thích đậu cành cao

Con tàu thích gọi khi vào sân ga

Và rồi lại chuyển sang thế giới người:

Con đường thì lại thích xa

Con sông thích chảy, con phà thích sang

Người lớn mở rộng, dắt dẫn các em đến những biên độ không gian, thời gian của thế giới người để giảng giải bài học nhân sinh nhẹ nhàng cho tuổi nhỏ: con đường gắn với xa, sông gắn với chảy… chảy đi sông ơi! và phà sang. Phà gắn nối với bờ bên kia. Bài thơ kết thúc:

Mí thì Mí thích yêu thương

Con chim, con dế, con đường con sông

Thật thú vị khi đọc bài Đi trốn, đi tìm, nhìn con trẻ chơi, mẹ Quỳnh hình thành tứ thơ. Chỗ nào cũng sợ bị lộ, chỗ trốn nào bé cũng sợ không an toàn, chỉ còn tìm nơi kín nhất: trốn vào lòng mẹ. Và để đo tình yêu mẹ của các con, chị viết bài: Con yêu mẹ. Chú bé ngoan cứ đi tìm hình ảnh to tát để ví von:

– Con yêu mẹ bằng ông trời

Rộng lắm không bao giờ hết

Bà mẹ sâu sắc, thử bắt bí con, nhưng ắt hẳn là rạng ngời hạnh phúc:

Thế thì làm sao con biết

Là trời ở những đâu đâu

Trời rất rộng lại rất cao

Mẹ mong, bao giờ con tới!

Thế là chú bé phải lần lượt giới hạn, khoanh nhỏ dần các biên độ so sánh cho tình yêu mẹ: yêu mẹ bằng Hà Nội, rồi bằng trường học… Mẹ vẫn thử thách đến cùng tư duy con trẻ:

– Những tối con về nhà ngủ

Thế là con lại xa trường

Còn mẹ phải ở một mình

Thì mẹ nhớ con lắm đó.

Tính mẹ cứ là hay nhớ

Lúc nào cũng muốn bên con

Nếu có cái gì gần hơn

Con yêu mẹ bằng cái đó.

Thật bất ngờ khi chú bé chọn cách so sánh lạ đến đáng yêu, gần nhất như yêu cầu của mẹ:

– À mẹ ơi có con dế

Luôn trong bao diêm con đây

Mở ra là con thấy ngay

Con yêu mẹ bằng con dế

Nói chuyện với trẻ, Xuân Quỳnh luôn thực hiện cái logic ngược đảo nhân thành quả mà không phi lý chút nào, đôi khi còn rất xuất sắc. Như trong bài thơ Truyện cổ tích về loài người, bắt đầu câu chuyện:

Trời sinh ra trước nhất

Chỉ toàn là trẻ con

Từ quan niệm dân gian: trời sinh ra muôn loài, với Xuân Quỳnh, sau trời là trẻ con. Trời sinh ra trẻ con trước tiên, rồi mọi thứ trên thế giới xuất hiện sau đều do nhu cầu của trẻ mà hình thành: mặt trời đến cây cỏ, chim muông, sông ngòi, biển cả, đường sá, cả mẹ, cả bà, cả bố, trường học, thầy giáo đều xuất hiện vì trẻ cần:

Biển sinh những cánh buồm

Cho trẻ con đi khắp

Đám mây cho bóng rợp

Trời nắng mây theo che

Khi trẻ con tập đi

Đường có từ ngày đó.

Nhưng còn cần cho trẻ

Tình yêu và lời ru

Cho nên mẹ sinh ra

Để bế bồng chăm sóc

Mẹ mang về tiếng hát

Từ cái bống cái bang

Từ cái hoa rất thơm

Từ cánh cò rất trắng,

Từ vị gừng rất đắng,

Từ vết lấm chưa khô

Và bài thơ kết thúc:

Chữ bắt đầu có trước

Rồi có ghế, có bàn

Rồi có lớp, có trường

Và sinh ra thầy giáo

Cái bảng bằng cái chiếu

Cục phấn từ đá ra

Thầy viết chữ thật to:

Truyện loài người trước nhất.

Bạn đọc chẳng ai phản đối mà ngược lại còn thích thú về sự có lý của một chuỗi những điều phi lý. Vì cái trật tự ngược, cái logic đã làm nền bao trùm cả bài thơ, đó là: một cuộc sống tồn tại bắt đầu từ sự chăm sóc trẻ thơ, vì tất cả nhu cầu của con trẻ.

Chúng ta yêu thơ Xuân Quỳnh, từ những câu thơ giản dị như bài hát đồng dao đến những câu thơ không bình yên, nhiều trăn trở, băn khoăn. Làm thơ viết về cuộc sống quanh các em, hay đi vào những vấn đề lớn của đất nước, hoặc trở về những tình cảm riêng tư, bao giờ thơ chị cũng là tiếng thơ của tâm hồn một người phụ nữ, người mẹ, người vợ, người yêu thông minh, sắc sảo, mà nhân hậu, giàu yêu thương. Không quá đáng khi đưa ra nhận định: trước Xuân Quỳnh có lẽ chưa có người phụ nữ làm thơ nào nói về tình yêu bằng những lời cháy bỏng, tha thiết và nồng nàn như thế.

Em trở về đúng nghĩa trái tim em

Là máu thịt đời thường ai chẳng có

Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa

Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi

Phải chăng có gì như định mệnh khi Xuân Quỳnh vĩnh biệt chúng ta, kết thúc cuộc đời cùng chồng, con cũng vào một ngày mùa thu tháng tám đau xót. Những bông hoa cúc trên mộ thờ chị hẳn là đã tàn úa từ lâu, nhưng tình yêu, mùa thu, sóng, thuyền và biển, bầu trời, quả trứng, cây bàng, đến cổ tích về loài người… trong thơ chị sẽ mãi vĩnh cửu – những điều không thể mất!

Tháng tám mùa thu về gợi cho ta bao hoài niệm tiếc thương, trân trọng về một tiếng thơ đằm thắm yêu thương, vượt không gian, sống mãi với thời gian: thơ Xuân Quỳnh.

 

Nguồn: vanhocquenha.vn