31 năm ngày LƯU QUANG VŨ và XUÂN QUỲNH đi xa, tonvinhvanhoadoc.vn xin đăng lại lần lượt chùm 4 bài viết của PGS.TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI như một nén tâm nhang tưởng nhớ
Tôi hoàn toàn không biết tí gì về Xuân Quỳnh, cho đến một hôm, hồi còn bé, lục lọi trong đống giấy tờ của bố, tìm cái gì đó để đọc chơi, tôi bỗng thấy mấy tờ giấy pelure trắng mỏng, đã ngả vàng, trên đó chép tay những khổ thơ bằng mực xanh, để tặng bố tôi, trong dịp bố tôi cùng Đoàn Ca nhạc Đài TNVN ra biểu diễn ở Vĩnh Linh, trên vĩ tuyến 17, cạnh con sông giới tuyến Bến Hải (một thời đã quá xa xăm) với tên ký là Xuân Quỳnh. Những bài thơ được viết bằng lối chữ tháu, dáng chữ to cồ cộ và nét chữ ngả nghiêng, xiêu lạc như cỏ dại. Tôi đọc và còn nhớ mồn một nhan đề của cả ba bài thơ đó: Lòng mẹ, Hoa râm bụt và Mưa xuân.
Đấy là những bài thơ mộc mạc, giản dị, phảng phất một nỗi buồn thân phận và thật đẫm tình, dù cả ba đều không phải là thơ tình. Rồi không hiểu vì sao, bỗng nhập vào trong tôi một khung cảnh thôn dã, dân gian êm đềm, thân quen của một miền quê đồng bằng Bắc Bộ, một tấm lòng tha thiết bồn chồn và một cái gì đó, đầy thương cảm riêng của giọng thơ Xuân Quỳnh đã bắt đầu khe khẽ đập dưới những làn giấy pelure mỏng cũ ấy, với những chữ và những chữ… như cỏ dại của Xuân Quỳnh, trong đó có nỗi nhớ cha, thương mẹ cháy lòng. Cha bị giặc bắt giữa đường làng, giữa hai bờ hoa râm bụt đỏ chói như màu máu và không trở về. Màu hoa ấy vĩnh viễn nung đỏ hồn thơ của Xuân Quỳnh. Và mẹ, người mẹ sớm khuất núi mà Xuân Quỳnh chỉ biết thật thà lấy lại những câu thơ đầy dân gian đưa vào giữa thơ của mình để tả nỗi lòng thương mẹ – Người như ở xa lắm, cách trùng trùng những con sóng đồng chiêm ngập lụt, dẫu có thương mẹ cách chi, cũng không thể biết gửi ai về cho mẹ “bát canh cần”.
Và từ trong sâu xa nữa, niềm thương cảm dành lại cho chính bản thân mình, thương thân, Thân gái như hạt mưa sa. Hạt vào gác tía. Hạt ra vũng lầy(1). Chẳng phải ngẫu nhiên mà ngay từ độ ấy, những câu thơ dân gian đầy màu sắc folklore – một màu Việt cổ thuần tuý – đã ám nhiễm vào tâm trạng thơ Quỳnh và trở thành một ám ảnh dai dẳng suốt đời sống và đời thơ của Xuân Quỳnh. Vả chả biết số phận đưa đẩy “khăn gói gió mưa” thế nào mà Xuân Quỳnh trở thành mẫu một người đàn bà tài hoa nhưng không hề may mắn trong đời riêng – lận đận “hai lần đò”, cuối cùng chết bất ngờ trong một tai nạn giao thông, một tai nạn cực kỳ phi lý để kết thúc một cách hợp lý accident khác về tâm hồn. Thời gian đó, Quỳnh buồn, lâm bệnh nặng, đau tim và tưởng không qua khỏi. Nhưng thật ra, với riêng Xuân Quỳnh, cái chết ấy đã thật là một giải thoát. Nó mang Quỳnh đi mãi mãi khỏi chốn trần ai – cũng có lúc đã là tươi đẹp, nhưng từ lâu đã trở nên quá nhọc nhằn khổ ải với Quỳnh – và chỉ còn để lại một vệt sao băng chói sáng trên nền thơ ca Việt Nam hiện đại…
*
Tôi thực sự chạm mặt Quỳnh khi Quỳnh đã là một thiếu phụ ở tuổi ngoài ba mươi. Chúng tôi chênh nhau ít nhất là một thế hệ. Tôi – như một người mới nhớm chân vào con đường đời xa tít tắp. Tôi – cũng như cả thế hệ tôi hồi bấy giờ, tuổi đôi mươi mười tám, với tất cả háo hức của lần đầu đặt chân vào rạp-hát-đời “chờ sân khấu đợi màn lên” (1). Quỳnh khi ấy ra vai – một vai kịch khốc liệt, đang nghỉ ở chặng giữa, để rồi sẽ bước vào hồi mới 1với cao trào dâng tột đỉnh. Kết thúc vở kịch của Quỳnh không có hậu, một kết thúc ÁC, tự nó hàm chứa mẫu thuẫn giữa cái phi lý và hữu lý – bởi đó là cái chết do tai nạn bất thường, nào ai có thể tiên liệu trước được tai bay vạ gió. Có lẽ chẳng có cách nào khác hơn là chết – đó là FIN – kết cuộc không tránh khỏi của vai kịch mà dường như một tác giả nào đó của tấn-trò-đời-thế-gian đã viết riêng quy định cho Xuân Quỳnh với chủ đề: săn đuổi, lùng bắt và kiếm cho được con mồi HẠNH PHÚC. Và đó tuyệt đối không phải là một cuộc săn cô đơn “một mình một ngựa” – tôi chỉ muốn dùng nghĩa bóng của cụm từ này – mà Quỳnh buộc phải tự mình trắc nghiệm trên đường đời của riêng mình, không giống bất cứ ai khác.
Có lẽ mãi về sau, ở một chặng nghỉ nào đó, khi đã kiệt sức vì chạy đuổi, Quỳnh đã bắt đầu vỡ lẽ đó là một cuộc săn vô vọng, bởi tất cả sự tương đối của khái niệm hạnh phúc – còn tương đối hơn cả chính khái niệm ấy được Einstein dùng lần đầu trong lý thuyết của ông. Quỳnh đã không chịu thừa nhận nó ngay từ khởi sự. Quỳnh chống trả. Là người đam mê, cực đoan và hết lòng, Quỳnh chỉ thấy ở hạnh phúc một đòi hỏi tuyệt đối, các bi kịch cuộc đời riêng của Xuân Quỳnh bắt đầu chính từ đó. Quỳnh đã không thể tương đối được khi định vị cái gọi là HẠNH PHÚC.
*
Khuôn mặt của Xuân Quỳnh vào những ngày ấy, khoảng đầu thập kỷ 70 – cũng là cái đoạn trần ai nhất của Quỳnh – như vẫn còn hiển hiện trước mắt tôi. Một khuôn mặt bầu bầu như trái ô-liu, làn da bánh mật khoẻ mạnh, mái tóc đen nhánh như màu mun xoã quanh gương mặt. Nổi bật lên trong khuôn mặt ấy là đôi mắt, một đôi mắt quá to và quá đen, sâu thẳm, long lanh một ánh nhìn sắc sảo, vừa chăm chắm vừa phiền muộn và đâu đó hình như có những giọt nước mắt ngấp nghé chỉ muốn trào qua bờ mi. Đặc biệt nhất, là giọng nói, bao giờ giọng nói của Quỳnh cũng run rẩy nghẹn ngào như có tiếng khóc ở bên trong…
Bằng vào hai thông số đặc biệt ấy của chân dung, người ta không thể đoán định một số phận tốt hơn cho Xuân Quỳnh, ngoài việc biết chắc rằng Quỳnh sẽ khổ và suốt đời sẽ phải tự mình vác lấy cây thánh giá của mình trên lưng. Quỳnh có cái gì hao hao giống cô Quỳ – nhân vật chính trong thiên truyện ngắn rất hay của cố nhà văn Nguyễn Minh Châu “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành” – đẹp, tự tin, sắc sảo, tài hoa nhưng đa đoan và truân chuyên…
Lúc đó, Quỳnh đang chênh vênh giữa hai hồi kịch. Màn kịch dạo đầu không mấy tốt đẹp – gia đình đổ vỡ và cuộc chia tay không tránh khỏi. Biết thả neo lần nữa vào đâu, ở sông biển nào, khi cuộc đời thì cứ rộng rinh “nào ai biết được bến bờ của nó”(1)…1
Lại một lần nữa, Quỳnh nhỡ nhàng và lầm lạc về nước giếng lòng người(2). Ờ, mà hình như người đàn bà càng thông minh sắc sảo thì càng dễ lầm lẫn hay sao?
Nhưng cũng chính vào cái lúc mưa gió bất thường ấy của một thời gian khó, đã kết trái những chùm thơ tình hay nhất của nữ sĩ Xuân Quỳnh, hiến cho nền thi ca Việt Nam hiện đại (không phải thời nào cũng sẵn có nhiều lắm những bài thơ tình thiệt hay).
Màu chủ đạo trong tâm trạng Quỳnh khi đó là đơn côi và chênh vênh giữa một mùa đẹp nhất và ngắn nhất trong nhịp đi hàng năm của giời đất bốn mùa. Thu đã chớm se trong hanh hao và lạnh dịu, hoa cúc đã đổ vàng “như nỗi nhớ dây dưa” (3), lá sen đã xanh như ngọc, hoa sen đã hồng lên trong các gương hồ, cốm đã lên hương nếp non cạnh hoa trái, chuối tiêu chín ửng màu trứng cuốc, trời đã xanh màu viễn xứ, thắm thiết bay những làn mây trắng và trong vườn thơ của Quỳnh, đến cỏ… cũng bồi hồi “lật theo chiều mây” về phương gió thổi… Mùa thu năm ấy quá đẹp và lộng lẫy đến tương phản với tâm trạng của Quỳnh. Một tâm trạng đơn chiếc, phân vân không định như giữa hai màu áo Quỳnh ưng mặc những ngày ấy: màu đen hoặc màu hoàng yến. Quỳnh mặc cả hai, màu đen cho những lúc buồn phiền, màu hoàng yến cho những ngày tâm hồn hình như có lúc trở lại yên tĩnh và loé lên một tia nắng ấm của hy vọng nào đó. Nhưng yên tĩnh chẳng đậu được lâu. Có lẽ lòng Quỳnh cũng nghiêng ngả chênh chao như câu thơ chơi vơi nọ của Quỳnh: Em từ nhà đi đến ngã tư, / Gặp đèn đỏ trước hàng đinh thứ nhất, / Chờ sang đường đèn xanh vừa bật, / Em lại quay về, thành phố mùa đông…
Thi thoảng, người ta có thể gặp Quỳnh đạp xe một mình lang thang trên lối phố thường quen của Hà Nội, trên vai bay lất phất một mảnh khăn voan màu nắng nhẹ và màu áo len vàng sáng cả buổi chiều. Nhưng đó chỉ là một vệt nắng nhỏ nhoi hiu hắt trên nền tranh sẫm tối. Rất nhiều ngày Quỳnh mặc màu đen, đôi mắt to mênh mang nghĩ ngợi. Quỳnh như chỉ còn một mình với chính bản thân mình và lui vào một cuộc độc thoại đơn chiếc. Quỳnh có trò chuyện với ai thì cũng với một bộ mặt đi vắng tận đâu đâu. Nói đấy, kể chuyện đấy, bông đùa đấy, nhưng lòng lại để tận nơi xa lắc nào, chỉ một mình Quỳnh biết. Tất cả niềm vui, nỗi buồn như mắc cả ở đó. Đôi mắt đẹp thất lạc, lúc nào cũng như rưng lệ và giọng nói cứ như bên trong có tiếng khóc của Quỳnh, và cả sự đơn côi vô phương của Quỳnh lúc ấy và bao giờ cũng vậy, mặc lòng, đã tố cáo cái đặc điểm chói chang nhất trong tính cách của Quỳnh là bao giờ cũng yêu người vượt qua cả bản thân mình, yêu như chưa từng yêu bao giờ, như giông như gió, như đắm như chìm, đến mức trong thơ Quỳnh tự thú: “Lòng em nhớ đến anh, cả trong mơ còn thức”.
… Đời Quỳnh, rốt cuộc, như nhiều người đàn bà tài hoa khác, cũng không ra khỏi thân phận mình. Vai kịch của Quỳnh từ đầu đến cuối đã được chỉ định bởi số kiếp. Dân gian quả có lý khi phát biểu cái lẽ thông suốt của sự vật bằng cách ngôn cô đọng “chạy trời không khỏi nắng”. Và cách đây mấy trăm năm, đại thi hào họ Nguyễn đã từng than tiếc cho cô Kiều dù “tài sắc mười phân vẹn mười” cũng không sao chạy thoát được “lưới trời lồng lộng”…
*
Nhưng về phương diện khác, phương diện một nữ sĩ, Quỳnh là một người cầm bút hạnh phúc. Tất cả niềm vui, nỗi khổ, những lênh đênh bảy nổi ba chìm của Quỳnh đã được THƠ trang trải hết. Thơ là khuôn mặt ngời ngợi sáng trong của tâm hồn Quỳnh, có bao nhiêu ánh sáng cũng đã được phản chiếu qua thơ và ngay cả khi Quỳnh như một chiếc lá đã lìa cành thì thơ vẫn tiếp tục sự tồn tại của Quỳnh trên cõi đời này. Chỉ mỗi thơ – chứ không phải người – đã thuỷ chung như nhất với Quỳnh, là nơi yên nghỉ êm đềm cho tâm hồn mệt mỏi của Quỳnh.
Thơ, với Quỳnh, đích thực là một hạnh phúc. Quỳnh bắt đầu đời làm thơ của mình dung dị hồn nhiên như một con sông vận hành ra biển với những con sóng nhỏ nồng nàn, khao khát vị mặn trùng khơi. Hình tượng con sóng thơ ấy của Quỳnh ngay từ khi xuất hiện đã mang trong mình nó những đặc tính song đôi tương phản – dự báo một tính cách thơ chói gắt, đầy suy tư trăn trở sau này của nữ sĩ Xuân Quỳnh – “dữ dội và dịu êm – ồn ào và lặng lẽ – sóng không hiểu nổi mình – sông tìm ra tận bể – ôi con sóng ngày xưa – và ngày sau cũng thế – nỗi khát vọng tình yêu – bồi hồi trong ngực trẻ… ”. Bản chất nồng nhiệt trong thơ Quỳnh dường như dễ ứng với sức sống ồ ạt, ập ã của sóng, của sông và của biển. Chỉ với nôn nao mong ngóng cháy bỏng của riêng Quỳnh, mới có thể viết da diết thế về sóng: Con sóng dưới lòng sâu, Con sóng trên mặt nước, Ôi con sóng nhớ bờ, Ngày đêm không ngủ được; và về biển, một vùng biển chỉ riêng vỗ trong tấm tình nồng nhiệt của Quỳnh: Những ngày không gặp nhau, Lòng thuyền đau rạn vỡ, Những ngày không gặp nhau, Biển cồn cào thương nhớ, Nếu từ giã thuyền rồi, Biển chỉ còn sóng gió, Nếu phải cách xa nhau, Em chỉ còn bão tố…
Thơ của Quỳnh không phải là thứ thơ tình thuận bằng trắc để dễ thuộc lòng, nhưng một khi đã đi vào hồn người, nó sẽ mắc lại ở đó và trở thành cái mà người ta vẫn gọi là “những câu thơ thuộc nằm lòng”. Những câu thơ ấy giống hệt như những giọt nước sau cơn mưa qua, còn đọng lại trên lá cây. Chỉ cần một làn gió xúc cảm ở đâu chợt đến, là những câu thơ ấy sẽ rơi rụng ngay xuống vùng tâm thức và mồn một hiện lên giữa lòng ta. Và bao giờ lòng ta cũng phấp phỏng bồn chồn khi đọc hoặc lắng lòng nhớ lại chúng. Có lẽ, cái “khát vọng tình yêu” từng thiêu đốt thơ Quỳnh cũng thiêu đốt luôn cả người đọc nó. Rất có thể từ đâu không biết, bỗng bất chợt ập đến những câu thơ sao khắc khoải nhức nhối lòng ta thế này, dẫu chỉ là “một chút thơ tình” muộn mằn “cuối mùa thu”:
Mùa thu nay sao bão mưa nhiều
Những cửa sổ con tàu chẳng đóng
Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm
Em lạc loài giữa sâu thẳm lòng anh
Em lo âu trước xa tắp đường mình
Trái tim đập những điều không thể nói
Trái tim đập cồn cào cơn đói
Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn…
Thực ra, thơ với đời Quỳnh chỉ là một. Thơ và Quỳnh làm tôi bao giờ cũng liên tưởng đến một người đàn bà yêu đến hết và đến chết – một phẩm chất thơ và phẩm chất người ngày càng trở nên hiếm quý trong thế giới hôm nay phai bạc của chúng ta.
Và ta sẽ chẳng hề ngạc nhiên khi càng về cuối, thơ tình của Quỳnh càng khắc khoải nung đốt lòng người hơn bởi nó thấm đậm những trắc nghiệm của đời Quỳnh. Một chút phong vị của lý tính chẳng mảy may làm giảm bớt đi vẻ đẹp đẫm tình của thơ Xuân Quỳnh vốn có từ sơ khởi:
Đấy tình yêu em muốn nói cùng anh
Nguồn gốc của muôn vàn khát vọng
Lòng tốt để duy trì sự sống
Cho con người thực sự Người hơn
Và:
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Biết khát khao những điều anh mơ ước
Biết xúc động qua nhiều nhận thức
Biết yêu anh và biết được anh yêu
*
Sau nhiều năm tháng dằng dặc nữa, tôi bỗng gặp lại Quỳnh ở Moscow cuối năm 1987. Đó cũng là lần gặp chót. Một thiếu phụ bé nhỏ đi trong mưa tuyết, những bông tuyết trắng bay ngập trời, gió thổi bời bời, và Quỳnh vẫn đi một mình trên đường phố như ngày nào ở Hà Nội. Tôi lại thấy trào lên lòng thương cảm với Xuân Quỳnh và bỗng thấy xa lắc cái ngày lòng tôi còn hồi hộp “ngồi trong rạp hát, đợi màn lên” bởi bây giờ chính tôi đang ở cái tuổi “trần ai” ngày nào của Quỳnh.
Bao nhiêu nước đã chảy qua cầu, nhưng vẫn là Xuân Quỳnh của ngày xưa và có lẽ ngày sau vẫn thế. Vẫn một Xuân Quỳnh bồn chồn không yên, không sống bằng chính mình mà sống bằng người mình yêu và lúc nào cũng vất vả tất bật trên đường đời thăm thẳm. Vẫn cái giọng nghẹn ngào như nấc và vẫn một đôi mắt to đen nhưng đã bớt đi ánh long lanh sắc sảo, chỉ còn một ánh nhìn ưu tư, đắng đót. Và vẫn nguyên một tấm tình nồng nhiệt đắm say như thế, cô đơn như thế và hạnh phúc, với Quỳnh rốt cuộc vẫn cứ mong manh ẩn hiện như đóm lửa ma trơi ở cuối đời. Quỳnh vẫn như một người lữ hành mải miết hướng tìm đến nó – nhưng chắc gì Quỳnh đến được La Mã như mong đợi:
Tôi không có một gian phòng
Lang thang suốt những năm ròng tuổi thơ
Gia tài là mấy bài thơ
Dẫu bao người đọc vẫn chờ đợi ai
Núi cao biển rộng sông dài
Tôi đi khắp chốn tìm người tôi yêu.
Về cuối, đôi khi ta thấy thơ Quỳnh như tối lại bởi những đám mây đen hoài nghi che phủ. Nếu câu hỏi về trần thế đặt ra cho Các vị La Hán chùa Tây Phương trong thơ Huy Cận được miêu tả gay gắt như “Một câu hỏi lớn không lời đáp, Cho đến bây giờ mặt vẫn chau” thì câu hỏi về tình yêu và hạnh phúc cũng thôi thúc y như thế trong thơ Quỳnh. Đốt lòng em câu hỏi. Yêu em nhiều không anh? Và thơ Quỳnh cố tìm ra câu trả lời, cùng lúc với việc nhận chân giá trị tương đối của hạnh phúc. Là người thông minh, khi không quá đắm say, Quỳnh vẫn tỉnh táo biết đời là sớm nắng chiều mưa, biến chuyển khôn cùng:
Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn
Hôm nay yêu mai có thể xa rồi
Niềm đau đớn tưởng như vô tận
Bỗng có ngày thay thế một niềm vui
Có một nỗi e dè gần như sợ hãi của con trẻ trong thơ Quỳnh, giống như một con chim non đã một lần phải tên…
Con sáo đã sang sông bạt gió, con cò đậu phải cành mềm – những trắc nghiệm của lỡ lầm vọng thầm trong thơ Quỳnh. Những câu thơ đọc xong, thấy tội nghiệp cả Quỳnh lẫn chính bản thân mình. Hạnh phúc là một thứ quả ngọt dường như xa xôi lắm, quá tầm tay với, nên Quỳnh cứ như mơ đi ở giữa ngày thường. Ai có thể mơ và cảm nhận được như Quỳnh cái li ti quá đơn sơ này của hạnh phúc: Như lúc này anh ở bên em – Niềm vui sướng trong em là có thật – Như chiếc áo trên tường, như trang sách – Như chùm hoa mở cánh giữa hiên nhà…
*
Quỳnh đã ra đi, “con ong xanh” đã bay về miền thanh thản của cõi hư vô, “bông cúc nhỏ” cánh đã rã rụng, thôi không còn “màu hoa vàng” cháy rực trong đêm… nhưng Quỳnh cũng đã kịp để lại giữa đời những cành thơ tươi xanh của mình. Ta biết rằng những cành thơ ấy sẽ tươi nguyên qua nhiều năm tháng vì nó được bắt rễ và mọc lên từ một tâm hồn nhân hậu, vị tha, đau đáu với Đời, dù cuộc đời riêng không toại ý, dù ấm lạnh thất thường của thế thái nhân tình thì Xuân Quỳnh vẫn giữ nguyên trong mình một tình yêu không phai bạc với con người. Có lẽ chừng nào còn những lời thơ tình nồng nàn, ngây dại, đắm say đến thế: Em trở về đúng nghĩa trái tim em – Là máu thịt cuộc đời ai chẳng có – Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa – Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi… thì có lẽ nào ta lại không muốn SỐNG và YÊU giữa cuộc đời tươi đẹp này, bởi Xuân Quỳnh đã từng yêu nó ngay cả khi Xuân Quỳnh không còn nữa?
Sài Gòn, Thu ’91
PGS.TS. NGUYỄN THỊ MINH THÁI