Xuân Diệu đã về cõi vĩnh hằng 30 năm nhưng thơ ông mãi xanh trong dòng chảy văn học Việt Nam hiện đại. Ông là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh), là “ông hoàng thơ tình” trong cảm thụ của các thế hệ độc giả. Ông còn nhiệt thành làm thơ phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân… Điều này một lần nữa được khẳng định trong hội thảo nhân kỷ niệm 100 năm sinh của ông, tổ chức tại Hà Nội sáng 15.3.

Lao động miệt mài

Xuân Diệu xuất hiện trên văn đàn lúc mới 19 tuổi và nhanh chóng trở thành gương mặt tiêu biểu của phong trào Thơ mớitrong giai đoạn phát triển rực rỡ nhất (1936 – 1939). Sau tập thơ đầu tay Thơ Thơ, xuất bản 1938, rồi Gửi hương cho gió– 1945, thơ Xuân Diệu tiếp tục mạch rạo rực trẻ trung tươi mới, tạo nên một không gian kỳ ảo đầy mộng mơ, đắm đuối, chan hòa với thiên nhiên để kiếm tìm những hương sắc của trần gian. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu, không thể chỉ thấy Xuân Diệu trong hình ảnh Là thi sĩ nghĩa là ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây (Cảm xúc), cuộc đời thơ, văn của ông là một cuộc đời lao động miệt mài, cần mẫn, không lãng phí một giờ, một phút. Tố Hữu đã có lần đánh giá: “Một mình Xuân Diệu là cả một viện văn học với các công trình nghiên cứu tinh tế và sâu sắc của anh về thơ cổ điển”.

Ngoài sáng tác thơ văn với khối lượng đồ sộ hơn 6.000 trang khổ lớn in trong Toàn tập Xuân Diệu, ông còn là diễn giả phục vụ nhân dân bằng những cuộc nói chuyện về thơ không mệt mỏi. Theo nhà nghiên cứu Đặng Minh Phương, Xuân Diệu đã sáng tác trên 450 bài thơ, nói chuyện về thơ hơn 400 lần với hàng vạn người nghe thuộc nhiều tầng lớp nhân dân ở mọi miền đất nước. Chẳng những ông nói rất hay về thơ ca mà còn nói rất hấp dẫn về thời sự chính trị. Khi Xuân Diệu qua đời, nhà báo Thép Mới đã viết bài vĩnh biệt đăng trên báo Nhân dân ngày 21.2.1985 với tựa đề Là thi sĩ nghĩa là lao động, đã trích lời nói cuối cùng của Xuân Diệu: “Chao ôi, chúng ta làm việc còn ít quá, chúng ta yêu thơ văn của dân tộc còn thiếu sót quá. Thơ của chúng ta mấy chục năm nay đã hay rồi, tuy nhiên theo tôi thì, nếu chúng ta tiếp nhận đầy đủ và sâu sắc hơn nữa cái vốn truyền thống của cha ông thì thơ hiện kim của chúng ta còn có thể hay hơn nữa”.

Yêu văn hóa dân tộc

Đời thường, Xuân Diệu ham mê âm nhạc dân gian mà xâm nhập rất sâu vào các cuộc hát xướng ở sân đình, bãi chợ. Ở đó có những cuộc hát thi cửa đình để chọn đào hay, kép giỏi, còn các cuộc thi bình thường thì gọi là hát chơi, và đúng theo khuông bậc, uốn nắn từng tiếng cho thực hay, lên xuống cho tròn vành, ngâm cho bẻ lại rõ chữ… Xuân Diệu còn biết cả tiếng Bắc Phảy, gửi thơ nhịp ba cung Bắc, ngâm vọng…

Là trí thức giác ngộ theo Việt Minh từ năm 1944, khi cách mạng tháng Tám 1945 nổ ra và thành công, Xuân Diệu hân hoan hòa vào dòng thác cách mạng, nhiệt thành sáng tác phục vụ cách mạng. Ông viết Ngọn quốc kỳ (1945), ngợi ca lá cờ đỏ sao vàng, biểu tượng của chế độ mới dưới sự lãnh đạo của Đảng; Hội nghị non sông(1946), ngợi ca Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới. Kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ, “ông hoàng thơ tình” hăng hái ngược chiến khu tham gia kháng chiến. Hiện thực kháng chiến hòa quyện cùng tâm hồn lãng mạn, sôi nổi đã tạo nên một bước ngoặt mới trong thơ Xuân Diệu, với sự có mặt của các nhân vật bộ đội, công nhân, dân công, nông dân… trong các thi phẩm của ông. Nói như GS. Hà Minh Đức: Trước đây thơ Xuân Diệu chỉ có tình yêu đôi lứa, nay thơ Xuân Diệu có tình yêu giai cấp, có bóng hình nhân dân. Theo Đại tá, nhà thơ Mai Nam Thắng, từ một nhà thơ trữ tình, Xuân Diệu đã “nhập cuộc”, “nhập thế” một cách hăng hái nhiệt tình, trở thành một tác giả của thơ ca cách mạng, thơ ca phục vụ nhân dân, phục vụ dân tộc.

Có gần Xuân Diệu, được nghe ông nói và đọc kỹ văn thơ của ông mới thấy tâm hồn ông là tâm hồn dân tộc, thi pháp thơ của ông là thi pháp thơ dân gian và luôn gắn kết với văn hóa dân tộc. Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, GS. Hoàng Chương khi viết về Xuân Diệu, đã dành những tình cảm chân thành nhất. “Ông thường khuyên tôi: Em đi học Tây nhưng đừng quên học ta, nên đi sâu hơn về dân gian truyền thống và tôi đã thực hiện được lời chỉ giáo của ông”. Xuân Diệu rất yêu và rất hiểu nghệ thuật tuồng Đào Tấn. Xuân Diệu từng “ngồi im lặng lắng nghe hội thảo Đào Tấn mấy ngày liền và đêm nào cũng thức cùng Mịch Quang Vũ, Ngọc Liên dịch thơ Đào Tấn để hôm sau phát biểu tại hội thảo”. Ông đã dịch nhiều bài thơ hay của Đào Tấn và đã viết tới 50 trang sách nói về tuồng Đào Tấn. Ông coi tuồng là nghệ thuật cổ điển, bác học, còn nghệ thuật dân gian bài chòi, hát xẩm, ca trù, chầu văn… ông cũng rất yêu thích. Xuân Diệu không chỉ yêu thích các loại hình nghệ thuật đó mà còn am hiểu sâu như một nhà nghiên cứu âm nhạc chuyên nghiệp. “Viết về Xuân Diệu, tôi có cảm giác như đang đứng giữa một rừng hoa đầy hương sắc mà không biết chọn những hoa nào để kết thành lẵng hoa thật đẹp” – GS. Hoàng Chương chia sẻ.

 

Theo Hương Sen – Đại biểu nhân dân