Bài viết về kiến trúc hiện đại này có thể được coi là bài cuối cùng trong loạt bài về các trào lưu nghệ thuật hiện đại đã được chúng tôi giới thiệu trên tạp chí Văn học nước ngoài từ số 10-2011. Nhưng chúng tôi phải nói thêm rằng chúng ta còn có thể nói đến tiểu thuyết “dòng chảy ý thức” và “văn học phi lý” như là các xu hướng hiện đại của phong trào tiên phong, và ta cũng có thể coi chúng có ý nghĩa và vai trò tương đương với những trào lưu hiện đại chủ nghĩa…


Xu hướng hiện đại trong kiến trúc thế giới(*)

Kiến trúc là một lĩnh vực đặc thù nhất của nghệ thuật. Nếu như các lĩnh vực nghệ thuật khác đều là những sản phẩm nhằm thoả mãn nhu cầu tinh thần của con người, thì kiến trúc là lĩnh vực duy nhất có liên quan đến như cầu vật chất của con người. Trên thực tế, các công trình kiến trúc như nhà ở, cầu cống, công trình công cộng, ngoài việc thoả mãn nhu cầu thẩm mỹ, trước hết chúng phải thoả mãn nhu cầu tồn tại vật chất của con người: đó là nhu cầu trú ngụ và đi lại. Cho nên, kiến trúc rất cần phải tuân thủ những điều kiện và quy tắc liên quan đến việc thoả mãn các nhu cầu vật chất đó. Chính vì thế, trong kiến trúc, các phạm trù mỹ học được ứng dụng có điều kiện và bị hạn chế bởi những yêu cầu đặc thù của ngành nghệ thuật ứng dụng đặc biệt này. Chẳng hạn, trong kiến trúc thì phạm trù cái hài, cái bi, cái xấu, cái nghịch dị không thể trở thành những phạm trù chính chi phối toàn bộ công trình. Ở đây, chúng ta thấy nổi bật lên phạm trù cái đẹp, cái hài hoà, cái siêu phàm, cái hùng vĩ… Đó chính là những phạm trù đặc trưng cho kiến trúc của mọi thời đại. Ngoài ra, tất cả những yếu tố nghệ thuật trong kiến trúc đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc thiết kế và xây dựng của công trình. Mọi sự thay đổi của các yếu tố nghệ thuật đều không được phép làm ảnh hưởng đến tính chắc chắn, ổn định và bền vững của kết cấu công trình. Đồng thời, kiến trúc còn có một đặc tính quan trọng nữa là tính quan hệ cộng đồng xã hội và cộng đồng môi trường. Giá trị nghệ thuật và giá trị sử dụng của một công trình kiến trúc phải được tính trong mối quan hệ của nó với cộng đồng kiến trúc chứ không phải với tư cách là một tác phẩm riêng lẻ có thể đặt trong nhà bảo tàng hay đem đi bất cứ đâu. Tính môi trường của một công trình kiến trúc không cho phép nó có một tư cách cá nhân biệt lập.

Chính vì vậy, trong không khí đổi mới của nghệ thuật tiên phong thế kỷ XX, khó có thể nói đến một sự đổi mới trong kiến trúc theo xu hướng phủ nhận quá khứ một cách triệt để. Ở đây, những gì liên quan đến môi trường, khí hậu thì không thể thay đổi, người ta chỉ có thể thay đổi về hình khối, kiểu dáng và vật liệu. Đó là những yếu tố có thể thừa hưởng được những thành tựu của các trào lưu hiện đại khác trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình, và một điều quan trọng là có thể thừa hưởng những thành tựu của khoa học và kỹ thuật hiện đại.

Với tư cách là một bộ môn nghệ thuật, ngành kiến trúc đầu thế kỷ XX cũng không thoát khỏi guồng quay của phong trào tiên phong. Sự đổi mới trong nghệ thuật tạo hình của các trào lưu nghệ thuật hiện đại – đặc biệt là trào lưu lập thể và trào lưu trừu tượng xây dựng chủ nghĩa – đã có những gợi ý không nhỏ cho ngành kiến trúc. Vì thế, ngay từ đầu thế kỷ XX, người ta đã có thể nói đến sự xuất hiện của một nền kiến trúc hiện đại đầu tiên, trước hết là ở châu Âu, sau đó lan nhanh sang Bắc Mỹ. Và, khác với các ngành nghệ thuật tạo hình, trong ngành kiến trúc, do tính cộng đồng ứng dụng đặc thù của nó, luôn có một sự thống nhất tương đối trong mỗi thời kỳ. Đến đầu thế kỷ XX cũng vậy, trong khi trong các ngành nghệ thuật khác có nhiều trào lưu khác nhau, thì trong kiến trúc người ta thấy có một phong trào tương đối thống nhất.

Cụ thể là trong khoảng năm 1900, các kiến trúc sư trên thế giới đã tìm cách giải quyết vấn đề kết hợp di sản kiến trúc của quá khứ với những yêu cầu mới của xã hội và những khả năng của công nghệ mới. Nếu như các vật liệu của kiến trúc trước đây là gỗ, đá, gạch và được gắn kết với nhau bằng tay, thì đến đầu thế kỷ XX, bêtông, thép và kính đã trở thành các vật liệu chủ chốt của kiến trúc hiện đại. Một điều đặc trưng nữa là phần lớn các loại vật liệu đó là những vật liệu đúc sẵn. Việc thi công xây dựng cũng được tiến hành theo những phương pháp mới với những phương tiện kỹ thuật và máy móc hiện đại. Vì thế, hình thức của các công trình kiến trúc cũng chịu sự quy định của các vật liệu và phương tiện kỹ thuật đó. Yếu tố thẩm mỹ cũng bị giản lược để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Tính hiện đại trong kiến trúc bắt đầu dẫn đến sự từ bỏ xu hướng cầu kỳ, thủ công truyền thống để phát triển theo hướng đơn giản hoá, tiêu chuẩn hoá và tập trung vào những điểm nhấn chủ chốt. Mỹ học máy móc thay thế cho mỹ học thủ công. Xu hướng này bắt đầu hình thành ở Pháp, Đức và nhanh chóng phát triển ra khắp châu Âu và Bắc Mỹ, trở thành một phong cách phổ biến mà đến năm 1932, nó chính thức được gọi là “phong cách quốc tế”, dựa theo tên gọi cuốn sách cùng tên [tiếng Anh: “The International Style”] của Henry Russell Hitchcock và Philip Johnson, là cuốn kỷ yếu giới thiệu cuộc Triển lãm Kiến trúc Hiện đại Quốc tế được tổ chức cùng năm tại Nhà Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở Tp. New York.

Trong cuốn sách nói trên, Hitchcock và Johnson tập trung làm rõ các khía cạnh phong cách của chủ nghĩa hiện đại trong kiến trúc. Hai ông đã xác định ba nguyên tắc của kiến trúc hiện đại là: lấy hình khối lập phương [tiếng Anh: “volume”] thay cho khối mảng [“mass”], lấy cân bằng thay cho đối xứng, và loại bỏ hoa văn trang trí. Ta có thể thấy rõ ba nguyên tắc này rất phù hợp với các nguyên tắc của các trào lưu hiện đại trong nghệ thuật tạo hình đương thời như chủ nghĩa vị lai, chủ nghĩa lập thể, chủ nghĩa trừu tượng biểu hiện và chủ nghĩa trừu tượng hình học. Ta có thể nhận thấy rất rõ dấu ấn của các hình khối lập thể của Picasso, Braque, các tổ hợp hình học của Mondrian, các mô hình tượng đài của nhà nghệ sĩ xây dựng chủ nghĩa Tatlin hay Gabo trong các công trình kiến trúc theo phong cách quốc tế. Góp phần khẳng định phong cách này có công lao của các kiến trúc sư đi đầu như: Victor Horta và Henry van de Velde ở Bruxelles (Bỉ), Antoni Gaudi ở Barcelona (Tây Ban Nha), Otto Wagner ở Viên (Áo), Charles Rennie Mackintosh ở Glasgow (Anh), và đặc biệt phải kể đến ba kiến trúc sư nổi tiếng nhất ở châu Âu là Le Corbusier ở Pháp, Ludwig Mies van der Rohe và Walter Gropius ở Đức, cùng với hai kiến trúc sư người Hoa Kỳ là Louis Sullivan và Frank Lloyd Wright ở Chicago. Đó là một thế hệ vàng của phong cách quốc tế và sự ảnh hưởng của họ đã diễn ra áp đảo trên khắp thế giới trong suốt thế kỷ XX. Chính sự phổ biến rộng khắp này đã làm cho các nhà phê bình nghệ thuật không ngần ngại nói đến một phong cách quốc tế trong kiến trúc, và thực chất nó là một phong cách hiện đại chủ nghĩa.

Trước khi thuật ngữ “phong cách quốc tế” được phổ biến rộng rãi, thì các kiến trúc sư đầu đàn của phong trào này cũng đã nhận thức được tầm cỡ quốc tế của kiến trúc hiện đại. Tính từ “quốc tế” đã xuất hiện trước đó trong cuốn sách Kiến trúc quốc tế của Walter Gropius (1883-1969), người sáng lập Trường Bauhaus năm 1919 tại Weimar; hay trong cuốn sách Nghệ thuật xây dựng mới quốc tế của Ludwig Hilberseimer, một kiến trúc sư người Đức đương thời với Gropius và cũng là một giảng viên của Trường Bauhaus. Tính phổ biến ở tầm quốc tế thực sự trở thành một đặc điểm nổi bật của nền kiến trúc hiện đại và làm cho nghệ thuật kiến trúc trở thành một nghệ thuật có tính đồng thuận cao nhất trong các trào lưu nghệ thuật hiện đại của phong trào tiên phong thế kỷ XX.

Ngoài những đặc điểm và nguyên tắc nói trên, kiến trúc hiện đại còn chủ trương gắn bó kỹ thuật với môi trường và với cuộc sống con người. Hình thức của kiến trúc cần phải tuân thủ chặt chẽ các công năng của vật liệu và phù hợp với điều kiện sống. Chính vì thế mà người ta đã nói đến bốn khẩu hiệu của kiến trúc hiện đại: – trang trí là tội ác; – chân lý dành cho vật liệu; – hình thức tuân thủ công năng; – ngôi nhà như là “cỗ máy để sống” (chữ dùng của Le Corbusier).[1] Và có lẽ đó cũng là một lý do để các nhà phê bình nói đến một hình thức hữu cơ của kiến trúc hiện đại, với nghĩa là một hình thức kiến trúc có sự gắn bó chặt chẽ giữa các bộ phận và giữa bộ phận với toàn thể. Đây là quan điểm của nhiều người, trong đó có Mies van der Rohe và Frank Lloyd Wright.[2] Tôi cho rằng cần phải hiểu chữ “hữu cơ” theo cả nghĩa là mở rộng mối quan hệ giữa công trình kiến trúc với môi trường thiên nhiên. Chính vì thế mà Wright đã thiết kế những ngôi nhà hoà quyện chặt chẽ với môi trường thiên nhiên, ví dụ như ngôi nhà Thác nước nổi tiếng thiết kế cho Kaufmann năm 1936 tại bang Pennsylvania (Hoa Kỳ). Wright cũng là người phản đối nhà chọc trời, phản đối đô thị, thậm chí phản đối cả văn minh hiện đại.

Tuy nhiên, kiến trúc của Wright chỉ là một xu hướng trong kiến trúc hiện đại. Còn nói chung, các kiến trúc sư hiện đại đều theo xu hướng đơn giản hoá với các vật liệu cấu kiệu mới. Các công trình với các vật liệu mới đó hướng tới độ cao với sự sáng sủa và hoàn thiện, sự đơn giản như của các bộ xương bọc da. Từ những sản phẩm kiến trúc hiện đại cao tầng trên khắp thế giới, người ta đã tổng kết được bốn đặc điểm hình thức như sau:

1.     Có dấu ấn hình vuông và hình chữ nhật;

2.     Có hình dạng “góc vuông nhô ra” của một khối lập phương đơn giản;

3.     Có cửa sổ chạy theo đường nằm ngang đứt gãy làm thành những đường kẻ ô bàn cờ;

4.     Có các góc mặt tiền đều là góc vuông 900.[3]

Rõ ràng, kiến trúc hiện đại đã tiếp thu triệt để những gợi ý của chủ nghĩa lập thể và chủ nghĩa xây dựng, cũng như phần nào của chủ nghĩa vị lai. Sản phẩm của kiến trúc như vậy đã đáp ứng đến mức tối đa với mức kinh tế tối thiểu các nhu cầu sống và đặc biệt là đáp ứng nhịp độ khẩn trương của cuộc sống hiện đại. Chính vì thế mà nó phát triển rất nhanh và lan rộng khắp thế giới. Các công trình trụ sở của các tổ chức quốc tế hầu hết đều được thực hiện theo phong cách kiến trúc quốc tế: Trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, các toà nhà chọc trời ở New York, ở Toronto, ở Ottawa, Montréal, Tokyo… Với ý nghĩa thực dụng cao như thế, phong cách quốc tế đã có được một sự tồn tại khá lâu và cho đến đầu thế kỷ XXI này, nó vẫn còn có chỗ đứng trong nền kiến trúc đương đại.

Tuy nhiên, do tính chất đơn giản hoá đôi khi đến mức đơn điệu, phong cách quốc tế không tránh khỏi bị phê phán và phủ nhận, mà người đầu tiên khơi mào cho xu hướng phản đối nó chính là một trong những người đã khởi xướng ra nó: Frank Lloyd Wright. Ngôi nhà Thác nước của ông là một minh chứng. Những ý kiến phê phán phong cách quốc tế cho rằng nó xấu xí, phi nhân tính, khô cằn và phục vụ giới thượng lưu. Theo chúng tôi, chúng ta còn có thể kể thêm hai điều hạn chế nữa của nó là tính đơn điệutính duy lý cứng nhắc. Theo tinh thần đó, đến những năm 60 của thế kỷ XX, giới kiến trúc bắt đầu khởi xướng một xu hướng mới lấy tên là “chủ nghĩa hậu hiện đại” để phản đối trào lưu kiến trúc “phong cách quốc tế”. Xu hướng hậu hiện đại chủ trương kết hợp hiện đại với quá khứ truyền thống để phản đối tính khô cằn đơn điệu và tính duy lý cứng nhắc đôi khi đến mức trừu tượng của kiến trúc hiện đại.

Nhưng, trong thế giới với nhịp sống nhanh như hiện nay, dù thế nào thì phong cách quốc tế của kiến trúc hiện đại vẫn không dễ gì bị loại bỏ. Nhiều công trình kiến trúc của thế kỷ XXI vẫn tiếp nối phong cách này, đặc biệt là ở những nước mới phát triển, chính vì sự tiện lợi của nó trong việc đáp ứng những nhu cầu khẩn trương của cuộc sống. Tốc độ là một đặc trưng thời gian của phong cách quốc tế. Trước đây, các công trình xây dựng thường phải kéo dài nhiều chục năm, thậm chí nhiều thế kỷ: Ví dụ quần thể lâu đài và cung điện Louvre của Pháp được xây dựng và liên tục được bổ sung từ đầu thế kỷ XIII đến năm 1852 mới hoàn thành; Nhà thờ Đức bà ở Paris được khởi công xây dựng từ năm 1163 và được bổ sung cho đến giữa thế kỷ XIV mới hoàn tất; Cầu Mới bắc qua sông Seine của Pháp được xây dựng đứt quãng từ năm 1578 đến năm 1607; Khải hoàn môn Ngôi sao ở Paris được xây dựng từ năm 1806 đến năm 1836… Trong khi đó, toà nhà chọc trời Empire State Building ở New York thuộc loại cao nhất thế giới, với 102 tầng và cao 381 m, được hoàn thành chỉ hơn một năm – từ tháng Ba năm 1930 đến tháng Năm 1931. Toà nhà công sở La Grande Arche [“Đại lầu cung”] tại khu phố La Défense ở phía Tây Paris được xây dựng chỉ trong bốn năm: từ 1985 đến 1989. Đây cũng là khu phố mới được xây dựng theo phong cách quốc tế, với các toà nhà điều hành thương mại và trung tâm buôn bán, được coi là khu phố điều hành thương mại lớn nhất châu Âu. Toà nhà Đại lầu cung có một điểm đặc biệt là nó giống như một hình ảnh hiện đại của Khải hoàn môn Ngôi sao, nằm đối mặt với Khải hoàn môn này ở trung tâm thành phố. Năm 1982, theo sáng kiến của tổng thống Pháp Franỗois Mitterrand, người ta đã phát động một cuộc thi thiết kế cho toà nhà. Kiến trúc sư người Đan Mạch Johann Otto von Spreckelsen cùng với người kỹ sư đồng hương là Erik Reitzel đã thắng cuộc với bản thiết kế theo hình khải hoàn môn như là một phiên bản thế kỷ XX của Khải hoàn môn Ngôi sao, chỉ có sự khác biệt cơ bản là một bên thì cổ kính, cầu kỳ; một bên thì hiện đại và vô cùng đơn giản. Đến năm 1986, một năm trước khi qua đời, Spreckelsen đã chuyển giao công trình cho trợ lý của mình là kiến trúc sư người Pháp Paul Andreu. Toà nhà được thiết kế như một chiếc cổng theo hình khối lập phương rỗng – cao 110 m, rộng 108 m, sâu 112 m – và được bố trí trên cùng một trục đường thẳng hàng với Khải hoàn môn Ngôi sao, như là một tượng đài nhân văn đối lập với tượng đài chiến thắng quân sự Khải hoàn môn. Việc đặt hai công trình đối lập nhau sau gần hai thế kỷ cho thấy sự tương phản rõ rệt giữa kiến trúc cổ điển với kiến trúc hiện đại.

Và mới đây nhất, toà nhà Burj Khalifa [“Tháp Khalifa”], tại Dubai (thủ đô Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất), cao 828 m (gần 1 km), được khởi công từ những năm 1980, khánh thành ngày 4 tháng 1 năm 2010, đã chiếm kỷ lục toà nhà cao nhất thế giới, một biểu tượng vĩ đại của kiến trúc hiện đại Arập và thế giới, được xây dựng chưa đầy 30 năm.

Một ví dụ điển hình cho tốc độ của kiến trúc hiện đại là thành phố thủ đô mới Brasilia của nước Brasil. Thành phố hiện đại này chỉ được xây dựng trong ba năm, từ 1957 đến 1960, do công trình sư đô thị Lucio Costa và kiến trúc sư Oscar Niemeyer chủ trì. Niemeyer, sinh năm 1907, là một kiến trúc sư người Brasil và có quan hệ thân thiết với Le Corbusier ở châu Âu. Ông còn là một đảng viên cộng sản Brasil từ năm 1945 và đến năm 1992 trở thành chủ tịch Đảng. Ông đã đến thăm Moskva và nhiều nơi khác trên thế giới để kết giao với nhiều lãnh tụ các nước XHCN. Fidel Castro đã từng nói: “Niemeyer và tôi là những người cộng sản cuối cùng trên hành tinh này.”[4] Với tình yêu dành cho kiến trúc hiện đại, ông đã sáng tạo nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng trên thế giới, cùng với Le Corbusier tham gia đoàn tư vấn thiết kế toà nhà trụ sở của Liên Hiệp Quốc ở New York. Trong 50 bản thiết kế cho trụ sở LHQ, bản thiết kế số 32 của Niemeyer đã được chọn. Sau đó, Le Corbusier đã thuyết phục Niemeyer kết hợp với bản thiết kế số 23 của ông. Niemeyer nhượng bộ, và bản thiết kế 23-32 của hai ông chính thức được duyệt.

Đến khi thiết kế thủ đô Brasilia, Niemeyer đã cho ra đời biết bao công trình hoành tráng theo phong cách quốc tế của Le Corbusier cho thủ đô mới của đất nước. Đặc biệt, kể cả công trình Nhà thờ Lớn của thủ đô cũng hoàn toàn được xây theo phong cách hiện đại, không còn vương vấn một chút gì của các nhà thờ gôtic cổ xưa. Lần đầu tiên trên thế giới, một thủ đô hiện đại được xây mới hoàn toàn trên một mảnh đất hoang. Và cũng lần đầu tiên, một thành phố mới hiện đại đã được xây dựng trong một thời gian kỷ lục: ba năm! Có thể nói, phong cách quốc tế đã có một tầm ảnh hưởng vô cùng rộng lớn và nó còn chứng tỏ một sức sống mạnh mẽ cho đến tận ngày nay.

Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của kiến trúc hậu hiện đại cuối thế kỷ XX chưa chắc đã là một giải pháp hấp dẫn. Những nguyên tắc sáng tác cầu kỳ và rắc rối của chủ nghĩa hậu hiện đại trong kiến trúc đã làm cho người ta e ngại và do đó đã hạn chế tầm ảnh hưởng của phong trào này. Bởi thế, kiến trúc hiện đại theo phong cách quốc tế vẫn chứng tỏ được sức sống của nó trong thế giới đương đại. Tính tiện lợi, thực dụng, tiết kiệm và hoành tráng của nó đã được ghi nhận là những thành tựu văn hoá của nhân loại. Chính vì thế mà đến năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của LHQ [UNESCO] đã công nhận cả thủ đô Brasilia là di sản văn hoá thế giới vì những thành tựu kiến trúc hiện đại của nó. Các thành phố trên thế giới được công nhận là di sản thế giới thì có nhiều, nhưng một thành phố được công nhận là di sản văn hoá thế giới vì các thành tựu kiến trúc hiện đại của nó thì Brasilia là thành phố đầu tiên. Và cũng có thể nói đây là lần đầu tiên thành tựu của phong cách quốc tế được vinh danh trên thế giới. Đến năm 1996, Trường Bauhaus – một trong những cái nôi đào tạo của kiến trúc phong cách quốc tế – lại được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới cho các công trình kiến trúc tại ba địa điểm của trường: Weimar, Dessau và Berlin. Bốn năm sau, đến năm 2000, UNESCO tiếp tục công nhận Phố Đại học Caracas của Vênêzuêla là Di sản văn hoá thế giới cho các công trình kiến trúc hiện đại theo phong cách quốc tế của các toà nhà thuộc Đại học này. Đến năm 2003, UNESCO lại công nhận khu Thành phố Trắng [Bạch Đô] của Tel Aviv (thủ đô Israel) là di sản văn hoá thế giới trong lĩnh vực kiến trúc hiện đại. Đây là khu đô thị mới của Tel Aviv, nơi đã được các kiến trúc sư gốc Do Thái sống ở Đức trở về xây dựng. Trước đây, khi Israel vẫn còn là một xứ Uỷ trị của Anh ở Palestin, thì từ những năm 1930, sau khi đảng Quốc-Xã lên nắm quyền ở Đức, một loạt kiến trúc sư người Đức gốc Do Thái – trong đó có nhiều người dạy ở trường Bauhaus – đã trở về và từ đó đến nay, họ và các thế hệ tiếp theo đã xây dựng được ở thành phố Tel Aviv hơn 4.000 toà nhà theo phong cách quốc tế. Tính tiện lợi của kiến trúc hiện đại đã đáp ứng tuyệt vời các nhu cầu của một dân tộc mới tái lập quốc. Bạch Đô thực sự là một di sản kiến trúc quý giá của nhân loại. Và đến năm 2007, lại một sản phẩm của phong cách quốc tế được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, đó là Phố Đại học của Đại học Quốc gia Tự chủ Mêhicô tại Mêhicô City, thủ đô Mêhicô. Trước những phần thưởng vẻ vang liên tục dành cho phong cách quốc tế như thế, trào lưu kiến trúc hậu hiện đại thật khó có gì để sánh kịp.

Như vậy, phong cách quốc tế đã thực sự khẳng định được vị trí của nó và vì thế, sau những đụng độ nhẹ với trào lưu hậu hiện đại, việc nó vẫn tồn tại và vẫn phát huy ảnh hưởng không có gì là khó hiểu. Sự xuất hiện của kiến trúc hậu hiện đại đã không thay thế được hoàn toàn phong cách quốc tế. Thậm chí cho đến nay, trào lưu kiến trúc hậu hiện đại có vẻ như đã không còn sức hấp dẫn. Có lẽ nó vẫn chỉ giới hạn ở một số thử nghiệm và ở một vài địa điểm nào đó như là một cách quảng cáo cho một xu hướng đổi mới, giống như quảng cáo cho một sản phẩm mới lạ.

Phong cách quốc tế, vì thế, vẫn là một giải pháp hàng đầu cho kiến trúc và cho phong trào đô thị hoá đương đại.

*

Bài viết về kiến trúc hiện đại này có thể được coi là bài cuối cùng trong loạt bài về các trào lưu nghệ thuật hiện đại đã được chúng tôi giới thiệu trên tạp chí Văn học nước ngoài từ số 10-2011. Nhưng chúng tôi phải nói thêm rằng chúng ta còn có thể nói đến tiểu thuyết “dòng chảy ý thức” và “văn học phi lý” như là các xu hướng hiện đại của phong trào tiên phong, và ta cũng có thể coi chúng có ý nghĩa và vai trò tương đương với những trào lưu hiện đại chủ nghĩa. Tuy nhiên, về hai hiện tượng này, chúng tôi đã có dịp giới thiệu nhiều lần trên sách báo.[5] Cho nên chúng tôi xin dừng việc giới thiệu các trào lưu văn học nghệ thuật hiện đại ở đây. Trong số tiếp theo chúng tôi sẽ trình bày vấn đề “Ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại đến văn học nghệ thuật trên thế giới và Việt Nam”. Đồng thời đó cũng có thể được coi là bài cuối cùng khép lại loạt bài giới thiệu về chủ nghĩa hiện đại. Xin mời bạn đọc đón xem.

(Nguồn: Tạp chí Văn học nước ngoài số 7/2012)

Exit mobile version