Tác phẩm “văn sử bất phân” Xứ Đàng Trong – Lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỷ 17 – 18 (Nguyễn Nghị dịch, NXB Trẻ tái bản lần thứ nhất, quý 3/2013) của Li Tana, đã được trao giải Sách hay 2013.
Trong tác phẩm này, bằng nhạy cảm đặc biệt và công phu khó so bì, Li Tana dường như đã “xuyên thấu” bức màn phức tạp của sử Việt thời phong kiến để vẽ nên bức tranh sinh động, dễ gần và mới mẻ.
Đây vốn là luận án tiến sĩ được bảo vệ năm 1992, in thành sách tiếng Anh năm 1998, bản tiếng Việt của Nguyễn Nghị do NXB Trẻ in lần đầu năm 1999. Xứ Đàng Trong… của Li Tana gồm 7 chương, đề cập đến nhiều vấn đề có tính khai phá về sử liệu như kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự, tiền tệ, dân số… gián tiếp vẽ nên văn hóa, lối sống, rồi cả sự diệt vong về tên gọi sau thời các chúa Nguyễn. Đặc biệt các nghiên cứu về kinh tế – xã hội của Xứ Đàng Trong… là một khai phá và là đóng góp lớn lao của Li Tana.
GS Anthony Reid (tác giả sách Southeast Asia In The Age Of Commerce) nhận định: “Đây là một công trình lớn đưa ra một giải thích hoàn toàn mới về vương quốc phía Nam, lấy Huế làm trung tâm, công trình của Li Tana đã cung cấp cho chúng ta bức tranh về một nước Việt Nam mang tính cách Đông Nam Á hơn, thương mại hơn, đa dạng hơn, không như chúng ta thường hiểu”.
Sử gia Li Tana
Văn hóa mở của Xứ Đàng Trong
Đàng trong (còn gọi Nam Hà) nhằm để chỉ lãnh thổ từ sông Gianh (tỉnh Quảng Bình) trở vào Nam, định danh từ thế kỷ 17, thời Trịnh – Nguyễn phân tranh.
Bằng chủ trương “mở rộng cửa”, lấy dung nạp làm lẽ sống, Xứ Đàng Trong không những giảm thiểu được thương vong do các cuộc va chạm về bạo lực với nhà Trịnh, với các nhà nước, dân tộc xung quanh, mà còn nhanh chóng thoát khỏi tình trạng yếu kém về mọi mặt. Chỉ khoảng 200 năm sau, Đàng Trong đã kiểm soát khoảng 3/5 diện tích nước Việt Nam ngày nay. Tầm quan trọng của Xứ Đàng Trong thế nào với lịch sử Việt Nam, đặc biệt là công cuộc mở rộng bờ cõi nhằm cuối cùng sở hữu vựa lúa lớn nhất tại đồng bằng Sông Cửu Long, để hình thành nên Sài Gòn mà ngày nay giữ vai trò trọng yếu về kinh tế quốc dân, thì khỏi cần phải bàn. Điều đáng nói là sử liệu và các nghiên cứu chuyên sâu về thời kỳ này còn khá sơ sài, “mờ ảo”, nên công trình của Li Tana như cơn mưa rào sau mùa hạn hán.
Trong bài viết Một Việt Nam khác? Vương quốc họ Nguyễn ở thế kỷ 17 và 18 in trên Journal Of Southeast Asian Studies, tháng 3/1998, Li Tana từng khẳng định: “Sự hình thành Đàng Trong là một sự thay đổi sâu sắc và căn bản trong lịch sử Việt Nam… Đàng Trong trở thành đầu tàu thay đổi mang tính lịch sử, và kéo trọng tâm quốc gia – dù là được nhìn theo nghĩa chính trị, kinh tế hay thậm chí văn hóa – về hướng Nam từ thế kỷ 17 cho đến khi người Pháp áp đặt sự cai trị” (Lê Quỳnh dịch). Quan điểm này đã thành chìa khóa của sách Xứ Đàng Trong… đồng thời được Li Tana liên tục làm sáng tỏ qua năm tháng.
Trong bối cảnh sóng gió đúng nghĩa, người Đàng Trong đã mau chóng đứt bỏ tập tục cũ, dù vẫn giữ bản sắc chính, để chọn lối sống mới, chấp nhận va chạm về văn hóa, phát triển giao thương để tìm hướng đi. Khi mới thành lập, Đàng Trong “yếu hơn họ Trịnh ở Đàng Ngoài gần bốn lần, xét về mọi mặt”. Dù dân số còn thưa thớt, đất đai phì nhiêu, nhưng người Đàng Trong không chỉ bám vào nông nghiệp thuần túy, mà còn “mở rộng cửa” lên rừng xuống biển, bến cảng, biên cương lúc nào cũng tấp nập thuyền bè, người qua lại. Đơn cử như Hội An, Huế hay Quy Nhơn, các thương cảng quốc tế, giao dịch với cả châu Âu, châu Mỹ, châu Á, Trung Đông… cũng đã hình thành từ tinh thần này.
Bằng nguồn sử liệu dồi dào, cả chính thống và tư nhân, trong nhiều ngôn ngữ, Li Tana đã rất khách quan khi chỉ ra những điểm khác biệt giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong. Để qua đây chỉ ra hai từ khóa quan trọng của xứ Đàng Trong, đó là: hội nhập và sáng tạo. “Đối với người Việt trong thế kỷ 16 và đầu 17, phương Nam, và cái ý niệm về nơi này, mang ý nghĩa không chỉ là một nơi để sống. Vùng đất phương Nam hứa hẹn nhiều lựa chọn. Việc giữ vị trí là “phản loạn” hay “bất hợp pháp” cho nhà Nguyễn một cảm thức tự do được thử mọi thứ có khả năng thực hiện mà không phải tham khảo những quy chuẩn ràng buộc của luân lý Nho giáo. Ví dụ, một điều chưa từng có trong lịch sử Việt Nam, nhà Nguyễn cho phép người Nhật và Trung Quốc làm quan, và cho người Tây phương có vị trí trong triều, dù chỉ làm thầy thuốc. Đồng thời, việc họ sống trong một phần của thế giới Đông Nam Á cho phép cư dân Việt mượn, pha trộn và hấp thu rộng rãi từ các nền văn hóa của người Chàm và các dân tộc khác trong khu vực”, Li Tana khẳng định.
Sách Xứ Đàng Trong… được NXB Trẻ in lần đầu năm 1999 (bìa trái) và tái bản lần đầu vào quý 3/2013 |
Nhà Việt Nam học quen thuộc
Li Tana sinh năm 1953, là một nhà Việt Nam học khá quen thuộc trong giới nghiên cứu và sử học. Liên tục từ năm 2000 đến nay, Li Tana đã viết khoảng 50 công trình, bài nghiên cứu quan trọng về lịch sử theo diện rộng của xứ Đàng Trong thế kỷ 17, 18. Các công trình về giao thương quốc tế, các đập nước sông Mê Kông, thuyền và kỹ thuật đóng thuyền, lúa gạo, biên cương lãnh hải, địa đồ… Li Tana bảo vệ cao học về lịch sử Việt Nam tại Đại học Bắc Kinh (năm 1983), trình luận án tiến sĩ về lịch sử Đàng Trong thế kỷ 17 và 18 tại Đại học Quốc gia Úc (năm 1992). Hiện bà đang làm việc tại Trường Nghiên cứu châu Á và Thái Bình Dương, Đại học Quốc gia Úc.
GS David Chandler (tác giả sách A History Of Cambodia) nhận định: “Li Tana đã sử dụng các nguồn tư liệu bằng tiếng Pháp, Anh, Hoa và Nhật. Tác giả cũng đã sử dụng được các công trình có tầm bao quát khác và tiếp xúc được qua bản dịch với các nguồn tư liệu của Bồ Đào Nha, Hà Lan, Tây Ban Nha… Tác giả đã thành công một cách kỳ diệu trong mục đích của mình. Tôi thấy luận án thật sinh động, đầy cảm xúc và được triển khai một cách thông minh. Không giống nhiều luận án khác, luận án này đọc rất thích và vui nữa”.
Không có ý so sánh nhưng nêu ra để làm ví dụ, cố Thủ tướng Anh Winston Churchill (1874 – 1965) suốt đời chỉ viết sử mà được trao giải Nobel văn chương năm 1953 là vì chất văn chảy dạt dào trong từng trang sử. Giống vài sử gia đương thời như Tạ Chí Đại Trường, Philippe Papin… Li Tana có cách hành văn trong sáng, đượm tinh thần “văn sử bất phân”, nên đọc rất hấp dẫn. Chính điều này làm cho tác phẩm sử học vốn nặng nề, khô khan và khó đã trở nên nhẹ nhàng, dễ đọc.
Từ giữa thập niên 1995, nhà Việt Nam học nổi tiếng – GS Alexander Woodside (tác giả sách Viet Nam And The Chinese Model [Việt Nam và mô hình Trung Hoa]) đã ao ước: “Chắc chắn đây là một luận án thành công. Một công trình về Việt Nam thời tiền hiện đại như thế này mà càng được xuất bản sớm chừng nào càng có ích cho hết thảy chúng ta”. Đến nay thì Xứ Đàng Trong đã được NXB Trẻ tái bản sau gần 15 năm, dù số lượng in vẫn còn khiêm tốn, nhưng chắc chắn nó đã góp một tiếng nói lớn lao vào việc nghiên cứu Xứ Đàng Trong – một Việt Nam mới và khác so với lịch sử mấy ngàn năm dựng nước.
TT&VH