Hai chị em đi sát vào nhau. Lê xách đỡ em bọc áo, và khẽ nói:
– Sao Hôm đã mọc trên ngọn núi kia rồi, ta rảo chân lên chút nữa.
Huệ vội vàng cúi xuống bỏ guốc ra, cầm lên tay, theo cho kịp chị. Huệ im lặng đi một quãng, rồi lại hỏi, giọng run hơn:
– Thật thế hở bác Giang? Người Tây đồn ấy bị cọp vồ chính ở chỗ này à?
– Không, ở núi Đèo cơ, đã đi qua rồi.
– Chỗ ấy nhiều cỏ gianh, có cọp là phải – Chặng này cây cối rậm rạp, không biết chừng có cũng nên, bác Giang nhỉ?
Người kép bước vội lên. Bác mệt nhọc vì đã bị chị em Huệ bỏ xa vài chục bước. Khí núi tiết ra, hơi sương thu theo gió thổi hun hút làm lạnh cả da mặt ba người. Những bước chân động rất nhẹ trên con đường nhỏ ẩm sương, thỉnh thoảng tiếng ho khan của bác kép Giang vang lên trong cái quạnh hiu ghê rợn của núi rừng.
Sao đã mọc rải rác trên nền trời rộng; ở phía rừng gồi, trăng cũng vừa rực rỡ lên cao. Huệ đi sát vào Lê. Bác kép vẫn theo sau. Huệ hồi hộp lắng nghe tiếng chân dẫm xào xạc lên mặt cỏ. Bác kép Giang mỏi mệt đổi cây đàn đáy sang tay khác, vô tình làm cho sợi tơ nẩy lên một tiếng.
– Huệ cúi thấp đầu xuống nhé…
Mỗi khi thấy chị khẽ bảo bằng một giọng trang nghiêm như thế thì tim Huệ lại đập thình thịch. Huệ có cảm tưởng ngôi đền lạnh lẽo chơ vơ trên sườn núi kia, và ngọn cây cổ thụ đen sì cành lá đang rung rào rào, dưới gốc bày la liệt những bình vôi trắng hếu như những đầu lâu và treo lơ lửng những chiếc nón giấy, những cặp hài xanh đỏ, hẳn là có nhiều bà cô, ông mãnh sắp sửa hiện lên để ghẹo khách trần đi qua.
Cảm tưởng ấy làm Huệ bủn rủn cả người, đi không vững. Thấy Lê và bác kép lẩm bẩm kêu cầu, Huệ cũng bắt chước khấn theo. Lúc đã ra khỏi quãng tối, lại thấy trên đường có ánh trăng, Huệ mới lại hồn và bấm vào tay chị:
– Chị Lê… Chị Lê!
Lê huých khẽ vào cánh tay em:
– Im, đừng nói.
Và Lê quay sang bác kép Giang thì thầm:
– Bác có trông thấy đốm lửa trên sườn núi kia không? Nhà thằng Mán đấy. Tôi nghe đồn nó hay mò xuống đường đón hiếp đàn bà con gái về chợ muộn.
Huệ siết chặt tay chị, bước nhanh.
Một lúc sau con sông trắng dưới trăng đã hiện ra. Cái quán nước trên bờ sông đang rọi ánh đèn ra mấy gốc cây bên ngoài. Huệ ngồi phịch xuống ghế, duỗi hai chân, cầm khăn phủi bụi dọc đường bám trắng trên vai áo.
– Khuya rồi mà nước của bà hàng còn nóng. Chị Lê và bác kép uống đi cho khỏi mệt. Rồi xin bà hàng cho ngủ đỗ đêm nay.
Bà hàng nhìn chị em Lê với con mắt lành hiền:
– Các cô sang bên huyện hát phải không? Nghe nói quan cưới vợ cho cậu con trai cả. Đám to lắm, mấy ngày nay pháo đốt liên thanh vang cả vào rừng núi. Thế các cô đi từ đâu lại mà gặp tối?
– Chúng tôi ở làng Vân Phượng tới đây. Chúng tôi biết quan từ khi chúng tôi dọn nhà hát ngoài tỉnh. Hôm qua quan cho lính cưỡi ngựa về bảo ra hát đám.
Bà hàng múc thêm nước vào bát. Thấy hai cô đào hát này quen quan huyện, bà thân mật nói:
– Sao quan chẳng cho đánh xe vào đón, để các cô phải đi vất vả thế này.
Huệ nhìn chị mỉm cười. Nàng chua xót nghĩ: “Cái thân phận mình ra gì mà mong người ta đưa đón”.
Trong khi bà hàng vào dọn giường cho khách nghỉ, Huệ theo Lê xuống sông rửa mặt, rửa chân. Sương thu bay trắng trên dòng nước lạnh, chim rừng khắc khoải bên sông. Một cơn gió vút trên ngàn cây. Huệ rùng mình. Nàng buồn bã nghĩ đến những cơn gió heo may sắp tới, những ngày chị em nàng sẽ dắt díu nhau lưu lạc đến những phương trời nào xa xôi. Một lớp sóng cuốn theo cả ánh trăng xô giạt vào bờ, vỗ vào hai chân Huệ, bọt bắn tung lên. Huệ quàng vai chị, vịn một cành cây thấp, bứt lá thả trôi trên nước.
– Chị Lê, hát ở huyện rồi, chúng ta sẽ đi đâu nhỉ?
– Sẽ đến hát ở đình làng Thượng Mai.
– Rồi lại đi đâu nữa?
Lê kéo sát em vào mình:
– Cứ hỏi vơ vẩn mãi thôi. Đi đâu mà chẳng là đi!
Huệ im lặng, nhìn dòng nước sông trôi lạnh lẽo:
– Về ngủ đi em. Sương xuống nhiều lạnh lắm.
o O o
Lê ngồi lên, đặt tay vào trán Huệ. Cơn sốt của Huệ càng về đêm càng nặng thêm nhiều. Cả người Huệ nóng ran. Huệ đã bắt đầu mê sảng. Lê lo lắng mong trời mau sáng. Những đêm ở nơi này dài triền miên tưởng không bao giờ hết. Gió khuya rít ngoài sông dào dạt sóng. Tiếng chim rừng ghê rợn rỏ từng giọt lạnh buồn vào thăm thẳm không gian.
Trời đã trắng mờ mờ ngoài cánh liếp.
Huệ bây giờ mới ngủ yên. Lê mở khăn gói lấy áo đắp thêm cho em. Bà hàng ái ngại, sai con trai vào làng Mường xin thuốc lá. Lê ngồi liền bên em, nghe xem bệnh có giảm chút nào không, nhưng mình Huệ càng nóng, càng mê sảng. Lê gục mặt vào cánh tay mà khóc. Bên ngoài, mưa tầm tã, tiếng gió và tiếng lá đổ rì rào vào ruột rừng cô tịch.
Lê ngẩng mặt lên, đau đớn nhìn người kép ngồi bó gối, ngủ gật cạnh cây đàn đáy. Người kép đó đã trung thành đi theo nàng nay đó mai đây. Xưa kia, đôi bạn giang hồ ấy cũng với cây đàn túi phách, lang thang đến các đình làng xin hát, và khi ngày xuân đã hết rồi, các cuộc tế lễ, hội hè đã hết rồi, họ lại chia tay, mỗi người đi mỗi ngả.
Sau, Lê lấy chồng. Nhưng được vài năm thì chồng Lê chết. Có vốn, Lê mở nhà hát ở một tỉnh nhỏ. Một buổi tối, người bạn giang hồ cũ tìm được đến nhà Lê với cây đàn ngày xưa. Kép Giang đã già đi nhiều lắm, mà ngón đàn thì cũng già đi theo người. Giọng hát hay của Lê, cung đàn tuyệt kỹ của kép Giang, và nụ cười xinh xinh của Huệ, cái cô đào “chanh cốm” lúc nào cũng khóc, không bao ngày đã nức tiếng trong các tỉnh xa gần, nhờ vậy, không tối nào nhà vắng khách.
Nhưng chẳng may, một ông sứ mới bổ đến ra lệnh đóng cửa dãy nhà cô đầu trong tỉnh. Thế là người ta lại xếp phách, vặn chùng dây tơ để mà chết đói. Chị em Lê và kép Giang lại dắt nhau lên đường với túi phách, cây đờn, sống đời những kẻ sông hồ. Nhưng họ chỉ đi giang hồ trong những ngày xuân, thu, những ngày các thôn quê có hội hè đình đám; còn những ngày sẽ tới, họ chưa nghĩ đến vì họ chưa muốn lìa nhau, chưa muốn bỏ nghề.
Huệ trở mình rên khẽ. Lê cúi xuống áp vào má Huệ, nước mắt ròng ròng rỏ xuống. Huệ mở mắt giọng phều phào:
– Chị ơi, ở đây thì lấy gì mà trả tiền cơm?
– Em đừng lo, cứ nằm đây vài ngày cho khỏi. Chị đã sẵn cả rồi.
Lê nói dối cho Huệ yên lòng, chứ thực ra Lê có tiền đâu.
Huệ lại mở mắt ra:
– Chị để em nằm đây cũng được. Chị và bác Giang cứ vào huyện hát lấy tiền trả trọ, chứ ở cả đây để chết đói à?
Lê khóc nấc lên:
– Không, chị không đành lòng gửi em một mình ở chỗ này. Nhỡ ra, nói đổ xuống sông… nhỡ ra em mệnh hệ nào… Không bao giờ chị bỏ em… không bao giờ…
Lê nghẹn lời, nức nở. Bỗng có tiếng vó ngựa dồn dập ở ngoài hàng. Rồi một giọng hách dịch oang oang:
– Có bọn cô đầu nào ngủ đỗ đêm qua ở đây không?
Lê chạy ra, bác kép Giang vừa giật mình tỉnh ngủ thì người lính cũng bước vào, trông thấy cây đàn đáy dựng trong xó vách.
– À, có thế chứ! Các cô xuống ngay cho kịp chuyến đò kia rồi sang bên chợ, đã có xe tay về huyện. Nhanh lên quan đang mong đấy.
Bị giục gấp bách, Lê và kép Giang bối rối, đi không đành, mà ở lại cùng Huệ thì người ta không để yên.
Lê bảo người lính lệ:
– Con em tôi đêm qua bị cảm, tôi không bỏ nó mà đi được. Thầy làm ơn về bẩm quan gọi cô đầu khác.
Người lính trợn tròn hai mắt:
– Nó ốm thì mặc nó nằm lại đây. Hát xong, mai hay ngày kia lại về đón không được à? Việc quan chứ nói chơi đấy hẳn!
Hắn thúc kép Giang mang đàn ra, và giục Lê xách khăn gói xuống bến đò.
Huệ ngóc đầu lên mệt nhọc:
– Chị cứ yên lòng sang huyện hát. Em nghe trong người đã tỉnh táo nhiều rồi. Chắc mai chị về đây thì em đã khỏi. Chị đi đi…
Lê cúi xuống ôm chặt lấy mình em, lòng đau như xé.
Huệ đẩy chị ra, nước mắt đầm đìa:
– Chị đi đi… Em sẽ khỏi… Em chờ chị…
Rồi Huệ quay mặt vào vách, kéo áo che kín cả đầu.
Khi tiếng vó ngựa, tiếng guốc của người chị và người kép đã xa Huệ mới cố ngồi lên, choáng váng bước xuống đất, men theo tấm liếp lần ra. Con đò đã rời bến nước. Lê giơ tay vẫy, Huệ cũng giơ tay vẫy. Một cơn gió ngoài cây thổi thốc vào, Huệ tối tăm mắt mũi, ngã ngồi sau bực cửa.
Bà hàng ở chợ bên sông vừa về kịp, vội bế xốc Huệ lên giường.
o O o
– Chị Lê!… Chị Lê…
Từ lúc ấy, Huệ mê man, nằm lịm, tỉnh thì lại nôn oẹ và gọi chị. Hơi nóng trong ruột cuốn lên. Huệ thở hồng hộc, chân tay rời rã đập thình thình xuống chiếu.
Bà hàng cuống quýt chạy vào làng tìm mấy ông lang Mường xin thuốc. Bà giã lá, sắc thuốc, săn sóc luôn bên mình Huệ, như người mẹ. Vẻ lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt hiền hậu, và mỗi lần đặt tay xuống cái trán nóng hổi của Huệ, bà lại thở dài.
– Chị Lê ơi!… Chị Lê!..
Trong người nóng quá, Huệ như điên, chốc chốc ngồi vùng lên, tóc xõa xuống lưng, gào khóc, rồi lại nằm xuống thở. Nhắm mắt, Huệ lại mơ hồ thấy người chị mặt rầu rĩ giọng não nuột, phách reo yếu ớt, và kép Giang buồn nản mắt lúc nào cũng lim dim như ngủ gật, luôn miệng ho khan, ôm đờn ngồi bên một tiệc rượu linh đình ồn ào tiếng cười, tiếng nói của những kẻ đang say khướt. Huệ mơ hồ thấy những cái mặt nồng hơi rượu ấy, kế tiếp nhau cúi xuống áp vào má Lê, và những bàn tay cứng như sắt giơ ra ôm chầm lấy Lê bế xốc lên, ghì chặt lấy…
– Chị Lê!
Huệ thét lên, hai tay ôm đầu, quằn quại. Mồ hôi toát đầm ra, da thịt Huệ dần dần giá lạnh, nhợt nhạt, thâm tái lại. Gió lùa vào khe liếp. Huệ vật vã, rồi co quắp. Hai chân đã bắt đầu tê cứng, lưỡi rụt ngắn vào, mắt mờ mờ như mới bị một tấm vải trắng phủ lên.
Hình bóng người chị, bác kép, rồi bọn trưởng giả rượu say… lộn nhào nhẩy múa trong tâm linh cuồng sảng, một nỗi sợ hãi mênh mông đè trong lồng ngực mà khí lạnh đang vận dần lên để cắt đứt hơi thở gấp. Huệ nhoài hai tay ra kều quào bám lấy ánh sáng, bám lấy cái sống… kêu lên:
– Chị ơi…, chị ơi!
Hai tay Huệ rơi xuống chiếu từ từ.
Đăng Tiểu thuyết thứ Bẩy, số 277/1939 – Ngọc Giao