Tản văn KHÁNH HIÊN

Người Co Xàu quen làm ruộng, đi rẫy lên nương, mở đất khai hoang, vào rừng đốn củi nên có đôi bàn tay sần sùi, thô rám nhưng cũng chính đôi bàn tay thô nhám ấy lại ẩn giấu sự khéo léo thuần thục khi họ cất những chưng rượu gạo ấm nồng, rượu ngô thơm phức, nấu những món ăn từ lá rừng với hương vị không nơi nào có được. Trong các xã thuộc Phủ Trùng hay còn gọi là đất Co Xàu thì Pò Tấu là một vùng đất nổi tiếng bởi đất đai trù phú, cội nước trong lành. Vùng đất này cũng nức tiếng bởi thứ xôi ngũ sắc thơm ngon.

Pò Tấu cách Phủ Trùng mười hai hòn đá lớn, ước chừng một giờ đi bộ. Từ xưa, nơi đây nổi tiếng là vùng đất lành. Bởi thế người Tày sống ở đây dường như cũng sáng láng, thanh nhẹ hơn so với sự giản dị, chất phác của người miền rừng. Trong các bản làng cũng nuôi nhiều loại gia súc. Sáng mờ hơi sương núi, đã nghe thấy tiếng mõ của đàn trâu bò, dê và tiếng hí của ngựa hòa với tiếng người trông gia súc gọi nhau í ới, nườm nượp trên con đường đất đi về phía những ngọn đồi phía sau bản. Ở đây khoai sắn nhiều vô kể. Chất đất riêng biệt khiến những ngọn mía ngọt lùi, lại mềm, ngon hơn miền khác. Đặc biệt gạo nếp ở đây hạt tròn to, chắc, trắng cóng như ngọc trai, khi dùng để đồ xôi kết hợp với lá rừng sẽ tạo nên mâm xôi ngũ sắc có màu sắc tươi sáng, đẹp đẽ, thơm và dẻo ngon ít nơi nào sánh được.

Người làng Pò Tấu sinh sống trên các bản nhỏ như: Nà Hang, Nà Tuy, Bản Khấy, Nà Mu, Khéo Háng, Phia Đeng… Dân làng trú ngụ trong những dãy núi điệp trùng thăm thẳm, cây cối đua chen, vào sâu khe núi là rừng già với đủ loại muông thú, côn trùng, cây cỏ.

Xóm nhỏ Nà Tuy là đầu nguồn của con sông Quây Sơn xanh ngắt, quanh năm im lìm, lững lờ như cô gái đang thì ngủ gật, nơi có những khe suối trong thấy đáy với những hòn cuội lớn bé. Từng đàn cá nhỏ bơi loăng quăng trong dòng nước mát, những con ốc suối bám đầy ở những mỏm đá nằm im dưới đáy. Xuống chợ Pò Tấu có một con đường đất với những lũy tre, rặng vầu tươi tốt, mỗi khi mặt trời chiếu xuống, thấy rõ những vệt sáng xuyên qua tán cây.

Tuổi thơ của tôi và chị gái là những chuyến đi từ Phủ Trùng về với quê nội Nà Tuy. Đường vắng, chúng tôi thường xỏa tay sang hai bên để tận hưởng không khí thoáng đãng của rừng, xa xa là những xóm làng tỏa khói bếp thơm bữa chiều muộn. Thỉnh thoảng chúng tôi được bố chở về quê thăm ông bà nội trên chiếc xe Simson màu xanh cũ với tiếng máy kêu cành cạch suốt dọc đường.

Ở Nà Tuy, người dân hay làm xôi nếp cẩm vào dịp lễ tết và những khi khách quý tới chơi nhà, hoặc mỗi khi chợ phiên, người ta cũng thường làm xôi nếp cẩm để bán. Ngày đó, bà nội tôi còn khỏe mạnh, minh mẫn, vào mỗi chợ phiên, bà thường hái quả trong vườn nhà và đào nghệ nếp đi bán, bà cũng không mua xôi ở chợ mà thường tự tay làm cho con cháu ăn.

Những hôm ấy, chợ Pò Tấu đông vui tấp nập, bởi đó là chợ phiên lớn ở vùng cao, người già trẻ nhỏ, nam thanh nữ tú ở bản đều muốn đi chơi tận hưởng không khí vui tươi mùa lễ hội. Ở chợ, ngoài các gian đình xây bằng đá, bằng vách đất lợp lá cọ để chia ra khu bán rau quả, bánh trái, gia súc, gia cầm… thì ở một khoảng sân rộng còn bố trí các trò chơi vui nhộn: con quay, kéo co, ném còn… Những quả còn với tua rua nhiều màu sắc được tung lên cao, trai gái nhìn nhau, trao ánh mắt thương nhớ. Thấp thoáng là tiếng lượn Slương ngọt ngào của các chàng trai, cô gái.

Chàng trai hát rằng:
Em ới… hơi ới… trên trời có đám mây vàng
Sao em đi vội, đi vàng làm chi!

Cô gái đáp lời:
Trên trời có đám mây xanh
Đi nhanh, đi vội gặp anh tỏ tường.

Bố con tôi thường tới chợ phiên để đón bà đi bán hàng về. Thấy bố con tôi, bà nhỏm nhẻm cười, đưa cái quang gánh không cho bố tôi mang về trước còn bà đi vào hàng quà mua chút bánh cuốn, bánh rán cho chị em tôi. Ở nhà, khi bố con tôi ríu rít ở ngoài sân thì bà lau mồ hôi, vào góc vườn lấy lá cẩm đồ xôi với thịt gà cho bố con tôi ăn.

Nấu xôi ngũ sắc không khó, nhưng để đồ cho ngon và tạo hương vị khiến người khác không thể quên được thì đòi hỏi người làm phải sành, có kinh nghiệm. Bà tôi bảo, ăn cơm nếp bình thường thì chọn gạo nếp miền nào cũng được, nhưng nếu làm xôi ngũ sắc nhất thiết phải là gạo miền núi được trồng trên cánh đồng Nà Tuy. Để có xôi đen thì kiếm lá xau xau ở rừng, chọn những lá vừa phải, không già quá, cũng không non quá, được nắng mặt trời để nhuộm xôi đen nhưng nhức, thổi vào lòng người hương thơm bùi, mát lành. Còn làm xôi màu đỏ, màu vàng, màu tím thì lấy từ lá cẩm, hoa booc phón. Lá cẩm có hoa màu gì thì cho xôi màu ấy. Lá cẩm ưa ẩm và ưa bóng, nhưng không chịu úng, thường mọc ở ven núi đá vôi, gần bờ suối và các nguồn nước. Lá cẩm ven rừng được bà nội bứng về đem trồng hợp đất vườn nên càng thêm ngon.

Bà tôi bảo rằng, xôi được nhuộm từ lá rừng không chỉ cho màu sắc đẹp, lạ mắt mà còn có mùi thơm đặc biệt và có tác dụng rất tốt trong việc chữa bệnh đường ruột và bồi bổ sức khỏe. Bởi vậy ở vùng này, ai nấy đều có nước da hồng hào và thể chất khỏe mạnh. Khi nấu xôi thì gạo nếp được bà chọn đem ngâm khoảng sáu tiếng. Lá xau xau, lá nếp cẩm được rửa sạch đem phơi hơi héo hoặc rang trên chảo gang lửa từ củi rừng, giã nhỏ, vắt lấy nước, sau đó đem vớt gạo cho ngâm vào nước lá rừng khoảng hai đến ba tiếng, tùy vào độ sánh của nước và màu của gạo mà vớt cho vào chõ đồ. Xôi ngũ sắc phải đồ bằng lửa củi, chõ gỗ được đục từ thân cây sung thì cho mùi vị thơm ngon hơn cả. Khi gạo chín mềm, hạt xôi dẻo mà không dính, màu tươi, từng hạt bóng và lên màu sắc: đen nhưng nhức của lá xau xau, vàng tươi của hoa booc phón, tím, xanh, đỏ rỡ ràng của lá cẩm, dậy mùi thơm ngào ngạt là hoàn thành quy trình nấu xôi. Bà tôi thường chọn những lá chuối to, rửa sạch, trải lên cái mẹt rồi lấy đũa xới từng loại xôi để lên đó. Xôi ngũ sắc và thịt gà bày ra với màu sắc rực rỡ, hương thơm hấp dẫn. Đó là món ăn ngon nhất, thân thương nhất gắn với tuổi thơ và quê hương tôi.

Bây giờ vào mỗi dịp lễ tết, ngày tảo mộ tôi lại về quê. Đó là những dịp đoàn viên gia đình, gặp gỡ người thân, họ hàng và để con cháu bày tỏ lòng biết ơn, hiếu kính với ông bà, tổ tiên đã khuất. Tôi đồ xôi ngũ sắc mà bà đã dạy, bày những bát xôi nhiều màu lên ban thờ và mâm cỗ trước nấm mộ của tổ tiên, đấng sinh thành. Màu xôi ngũ sắc vẫn rực rỡ, mùi hương vẫn thơm nhưng khóe mắt tôi cay cay vì ngôi nhà ngói đỏ năm nay mờ nhòe mưa nắng, khu vườn nhiều cây ăn trái nhưng không còn người ông hiền từ của tôi và vắng cả bóng hình người bà, tóc vương bạc lấm tấm mồ hôi lom khom đào nghệ, hì hụi đồ xôi mỗi dịp chúng tôi về thăm nhà…

K.H

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài