Trung tâm William Joiner (WJC) được thành lập xuất phát từ việc tôn vinh cá nhân Bill Joiner Jr. – cựu chiến binh người Mỹ gốc Phi “đã dành cả đời mình giúp đỡ các cựu binh khác, và ông đã chết vì ung thư liên quan tới nhiệm vụ của ông là vận chuyển những thùng chất độc da cam trong cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam”. Mục đích xuyên suốt của WJC đến nay vẫn là “nghiên cứu về chiến tranh và hậu quả chiến tranh nói chung, trong đó có chiến tranh Việt Nam”.


Đến tháng 10 – 2012 này đánh dấu 30 năm thành lập WJC. Kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa WJC và Hội Nhà văn Việt Nam; nằm trong chương trình giao lưu vệt dài từ Hà Nội ra miền Trung, sáng ngày mùng 9 tháng 3 năm 2012, tại Trung tâm Học liệu (Huế) đã diễn ra Diễn đàn văn học Việt – Mỹ “Nhìn lại và phát triển” với sự góm mặt của hàng trăm nhà văn Việt Nam, các nhà thơ Mỹ từng là cựu chiến binh hoặc gián tiếp có mặt trong chiến tranh tại Việt Nam.

Những tâm tình xúc động vang lên từ trái tim hướng thiện của các nhà thơ bạn Mỹ. Nói như Kevin Bowen: “Hai mươi năm trước chúng ta đã bắt đầu công việc này bằng cách sẻ chia những câu chuyện của một cuộc chiến tranh, lần này gặp nhau, chúng ta sẽ sẻ chia những câu chuyện của những đứa con và những đứa cháu của chúng ta”. Những câu chuyện tràn đầy nhân nghĩa giữa hai chiến tuyến ngày trước và bây giờ, sẽ khiến thế hệ trẻ thấm thấu tình người, trân quý hòa bình hơn bao giờ hết. Bruce Weigl đã có cách lý giải rất hay: “Những sự man rợ, những tội ác của chiến tranh, và sự thất bại đạo đức mà chiến tranh đại diện thay đổi hệ thống dây rợ trong đầu bạn một cách không đảo ngược được nếu bạn bị ép buộc phải tìm thấy mình trong một cuộc chiến tranh”. Trái đất đang dần khô cằn, trong lúc chỉ cần 1/3 số lượng bom nguyên tử đã được chế tạo cũng đủ tiêu hủy nhân loại. Chúng ta nghĩ và hành động như thế nào về viễn cảnh đó?

Nguyên Giám đốc WJC, nhà thơ Kevin Bowen là Tiến sĩ văn chương ở Đại học Massachusetts, Boston. Trở về từ Việt Nam, ông nghe quá nhiều câu chuyện về những người lính Mỹ bị đày ải đến vùng đất xa xôi, bị sai khiến làm những việc họ không hề muốn. WJC đóng tại thành phố Boston thuộc tiểu bang Massachusetts; tiểu bang duy nhất không bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống Nixon. Sự kiện này là nguồn động lực lớn để WJC nêu cao ngọn cờ phản chiến. Một cuộc vận động giới sinh viên “yêu cầu các nhà khoa học xem xét vấn đề ảnh hưởng tâm lý của các cựu binh và nghiên cứu về ảnh hưởng của việc rải chất độc da cam” nổ ra có vẻ âm thầm song quyết liệt. Sau này Kevin cũng là thành viên của một hội cựu chiến binh luôn “mang khát vọng cháy bỏng là làm một việc gì đó tốt, tạo ra một vài giá trị ở đất nước quá nhiều mất mát và sự chịu đựng”.

Qua Việt Nam năm 1986 cùng nhóm các học giả dưới sự tài trợ của Dự án hòa giải Đông Dương (USIRP) của John McAuliffe, đến bây giờ chuyến đi ấy vẫn rõ nét trong Kevin như thước phim tư liệu gốc. Lời nhận định của ông là câu văn sang trọng, chân tình hết mực: “Việt Nam còn nghèo và có gì đó không ổn trong việc lãng mạn hóa sự nghèo đói nhưng Việt Nam sống trong một ánh sáng khác với phần còn lại của thế giới”. Ông cũng từng hành trình dọc miền Trung đau thương, từ đường 9 đến Nghĩa trang Trường Sơn sờ mó cơn đau mà chỉ mới tưởng tượng đã bào ruột thấm gan. Cuộc gặp gỡ thiện chí giữa Kevin và Nguyễn Văn Lương – cựu lãnh đạo phong trào kháng chiến địa phương. Ông Lương dựng lên một dấu mốc ngôn ngữ: “Chúng ta đã từng gặp nhau như những người lính cầm súng, giờ chúng ta gặp nhau như những giáo viên cố gắng kiến tạo hòa bình. Hãy nhớ rằng ông luôn được chào đón ở đây”.

“Hãy nhớ rằng ông luôn được chào đón ở đây” – câu nói của một người Việt với người từng là kẻ thù năm xưa này nhắc chúng ta nhớ đến “hành trình cùng người đang sống và người đã khuất ở Việt Nam” của nhà văn Wayne Karlin (người xuất bản tiểu thuyết viết về phong trào phản chiến của các cựu chiến binh). Wayne Karlin nhận trọng trách đưa hài cốt và kỷ vật của liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm trở về quê hương. Nỗi sợ hãi lớn nhất của ông là sợ thân nhân liệt sĩ ngược đãi… Nhưng niềm hạnh phúc lại bất ngờ diễn ra qua những chương sách đẹp đến thảng thốt. Những linh hồn phiêu dạt (Nxb Thông tấn, 2011) là “cuộc hành trình bắt đầu từ máu lửa chết chóc, kết thúc trong sám hối, cảm thông và hòa giải”. Đúng như cách hiểu của Larry Heineman (nhà văn có tới ba tiểu thuyết và một hồi ký liên quan đến chiến tranh Việt Nam), rất đơn giản: “Tôi đến Việt Nam để được thanh thản”.

Kevin Bowen trong cuộc gặp gỡ tại Hà Nội vào dịp đầu năm Nhân Thìn, tự đáy lòng bày tỏ lời cảm ơn các bạn thơ Việt đã dành cho đoàn nhà văn Mỹ sự rộng lượng. Bên cạnh tinh thần sám hối, ở các nhà văn từng là cựu binh Mỹ phải có một tấm lòng rộng mở bao dung lắm mới đủ nghị lực vượt lên mọi chướng ngại xiết chặt tay những người ưu chuộng hòa bình bên này. Giữa lúc quan hệ Việt – Mỹ bị đóng băng thì Trung tâm WJC không hề ngần ngại xúc tiến mối quan hệ hòa hảo giữa trí thức văn sĩ ở hai phía. Mà trước hết là hiểu đúng và hiểu đủ về nhau, hiểu sâu hơn cuộc chiến phi nghĩa diễn ra trên đất nước Việt Nam, hiểu hơn về lòng khát khao hòa bình cháy bỏng của nhân dân hai nước. Sau chiến tranh, xuất phát từ Hội nghị quốc tế về Chất độc Da cam, trong những lần trở lại Việt Nam, các thành viên của WJC dành nhiều thời gian và tâm huyết để gặp gỡ, động viên, hỗ trợ cuộc sống bi đát của nạn nhân Điôxin cùng nhiều chương trình từ thiện lớn khác.

Tại Diễn đàn giao lưu ở Huế lần này, nhà văn Tô Nhuận Vỹ nói nhiều về chiếc “cầu nối giữa hai bờ đối nghịch”. Ông khẳng định “từ sau 1975 đến nay, không có bất cứ một tổ chức nước ngoài nào, kiên trì và nhiệt tâm đóng góp vào sự thông cảm, xẻ chia, hòa hợp giữa các nhà văn, nghệ sĩ, nhà văn hóa, trí thức Việt Nam khác chính kiến, trong và ngoài nước, ngoại trừ WJC”. Có thể rồi đây độc giả sẽ cầm trên tay cuốn tiểu thuyết Vượt qua số phận kể về tai nạn khủng khiếp đổ xuống gia đình nhà văn xứ Huế này hơn chục năm về trước. Nhân vật chính là bé Diệu Linh bị tạt a xít đến không còn nhận ra phận người. Nếu không có sự bảo trợ của trung tâm Joiner thì hẳn cô không còn muốn sống! Dĩ nhiên bây giờ dùng hai chữ “đối nghịch” hẳn không mấy phù hợp. Nhưng thời điểm ấy sự thiện chí hết lòng của Trung tâm cũng vấp phải vô vàn khó khăn từ cả hai phương trời. Nhiều nhà văn Việt Nam từng qua Mỹ trên tinh thần “hàn gắn” nỗi đau, hoặc đơn thuần chỉ là giao lưu văn học, cũng suýt mất mạng bởi các thành phần chống Cộng, các phần tử cực đoan rớt lại từ cuộc chiến.

Nói ngược lại, những cựu binh tiến bộ, các bạn văn từng tham chiến hoặc chỉ đơn giản là sống đúng với lương tâm con người đã bảo lãnh niềm tin và sự sống nơi hoang dã cho những nhà văn Việt Nam. Ấy là nữ thi sĩ Grace Paley (mất tháng 8/2007), một người rất ủng hộ WJC, Người Mẹ của Phong Trào Phản Chiến Mỹ. Bà cho biết phần lớn các nhà văn ở Mỹ là người của nhà nước, chỉ một số ít tự do, mạnh bạo viết về mặt trái của Chính quyền. Tác phẩm Just as I Thought của bà thể hiện sự quyết liệt chống chiến tranh Việt Nam: “Tôi là thi sĩ của nhân dân/ Tôi là thi sĩ của một nước Mỹ khác…”. Hay như nhà thơ Fred Marchant, nguyên là sĩ quan quân cảnh, do kháng lệnh qua phục vụ cuộc chiến ở Việt Nam nên phải ra hầu Tòa án Quân sự, bị kết án. Tương tự, Tim O’Brien, lời sám hối của ông quả không nhiều người đủ bản lĩnh thốt ra: “Tôi sang chiến đấu ở Việt Nam vì tôi là một kẻ hèn nhát”. Tim O’Brien hèn nhát. Song không phải ông quý tiếc mạng sống, mà lo cho số phận của cả gia đình. Sau này Tim trở thành một trong những nhà văn phản chiến số một và từng giành Giải thưởng Sách Quốc gia Hoa Kỳ với tiểu thuyết Đi theo Cacciato. Câu chuyện về cuộc “trốn lính” bất thành là nỗi ám ảnh dai dẳng gần như suốt cuộc đời Tim, và nó chỉ được giải tỏa phần nào trong truyện ngắn Trên dòng sông mưa, đăng tải 4 kỳ liền trên mục Văn nghệ của báo Đại biểu Nhân dân.

Rất nhiều nhà văn nhà thơ Việt Nam từng gắn bó và một trong số đó là “người nhà”, là tri âm của WJC như: Lê Lựu, Ngụy Ngữ, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Đỗ Chu, Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Tô Nhuận Vỹ, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Bảo Ninh, Thu Bồn, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Tiến Duật,… William Joiner cũng là một địa chỉ dịch thuật uy tín. Rất nhiều tác phẩm “qua tay” WJC đã nhận giải thưởng danh giá ở Mỹ. Các thành viên của WJC như Nguyễn Bá Chung hay Ngô Vĩnh Long luôn tích cực tìm hiểu văn học Việt Nam, chuyển ngữ hòng giúp người Mỹ và thế giới hiểu hơn về bản sắc và con người Việt Nam.

Nguyễn Bá Chung sinh ở miền Bắc, năm 1955 theo gia đình vào Nam định cư. Rồi qua Mỹ sinh sống, ông mang theo niềm đau về cuộc chiến khi chưa thật hiểu thấu đáo. Nguyễn Bá Chung chính thức làm Giám đốc điều hành Chương trình nghiên cứu Rockefeller từ 2001 đến 2007 của WJC. Cuộc hội ngộ đầu tiên giữa ông với nhà văn Ngụy Ngữ đã cung cấp nhiều câu chuyện thật, nhiều hơn nữa những hình ảnh về dải đất đang gồng mình rũ bụi khói đạn bom. Ông tìm đọc thêm về những góc khuất trong cuộc chiến này qua sách báo, thơ ca và văn xuôi. “Đọc và nghiên cứu thơ văn hiện đại Việt Nam đã giúp tôi hiểu thêm cái đa dạng của con người, văn hóa Việt Nam – một nền văn hóa đang trải qua những biến đổi khốc liệt của thời đại. Nó làm tôi cảm nghiệm một cách sâu sắc những khó khăn khổng lồ xã hội Việt đang phải đối đầu sau gần một thế kỷ chiến tranh tàn khốc và liên tục. Đá cũng phải nát tan, huống gì là con người”. Nguyễn Bá Chung liền bắt tay lên dự án dịch văn học Việt Nam từ đó. Tác phẩm được WJC dịch và xuất bản rất nhiều, trước hết phải kể đến Thời xa vắng của Lê Lựu, Viết giữa những lằn ranh (Writing between the Lines; tuyển tập những bài thơ và truyện của các nhà văn từ cả hai phía), Cốm non (Green Rice) của Lâm Thị Mỹ Dạ, Người đàn bà gánh nước sông của Nguyễn Quang Thiều, Đường xa (Distant Road) của Nguyễn Duy, Cây thời gian (Time Tree) của Hữu Thỉnh, Từ góc sân nhà tôi của Trần Đăng Khoa, Thơ thiền Lý-Trần v.v.

Có lẽ bản chất thi nhân đã gieo trong sâu thẳm họ những mần xanh phục thiệt. Ở đâu có gặp gỡ, ở đấy có thi ca và ân tình. Việt Nam là một đất nước đẹp, bị tàn phá, và vẻ đẹp đó đang dần hồi sinh, cụ cựa trong tâm thức những cựu binh từng để lại dấu chân nhức nhối nơi này. Kevin tâm sự: Hồi còn trẻ tôi có làm thơ, nhưng sau khi từ chiến trường trở về tôi không viết được nữa. Trở lại Việt đã hồi phục tôi khỏi một sự câm lặng mà có lẽ tự tôi khó có thể tự thoát ra được. Đọc và tìm hiểu thơ ca Việt đã mở rộng sự hiểu biết của tôi về Việt và về chính mình; nó đã góp phần đào sâu hơn nguồn nước của những bài thơ tôi viết”.

Tuyển thơ của các nhà thơ Mỹ được ra mắt vào dịp này Tiếng vọng từ bờ kia thế giới đôi khi chỉ sự ngẫm ngợi ăn năn. Carolyn Forché – “vợ của một người lính trở về từ chiến tranh, và người ấy đã phải chịu đựng sự rối nhiễu tinh thần khốc liệt do cuộc chiến gây ra”, tại diễn đàn bày bà đã “được thắp sáng một cách huyền diệu bởi thơ Việt”.

Một cái tên khác quá quen thuộc với làng văn Việt Nam trong vài năm lại đây, Bruce Weigl. Ông từng đến nhiều nơi vốn là chiến trường ác liệt năm xưa, đặc biệt là Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Tại Tạp chí Sông Hương năm 2010, Bruce Weigl có cuộc gặp gỡ thân mật với văn nghệ sĩ Huế. Bài thơ viết về bé Kim Phúc bị bom Napalm trong tấm ảnh Nick Ut chụp đọc lên bằng hai thứ ngôn ngữ tác động mạnh đến độc giả về sứ mệnh lớn lao của thơ. “Thiêng đàng của ngôn ngữ”, ấy là nơi mà Bruce Weigl khám phá thâm nhập trái tim mỗi người. Từ ngôn ngữ trực tiếp đến trái tim chứ phải từ ngôn ngữ qua trí não, chỉ có thể là ngôn ngữ của thơ.

Một đêm đàn lạnh trên sông Hương, từng nốt nhạc xưa lả tả rơi trên sông hoa, làm nền cho bóng hình một Huế sương giăng như tơ lòng không dứt được. Fred Marchant khi thấy những chiếc thuyền giấy nho nhỏ mang theo những ngọn nến lặng lờ đã ngỡ ngàng thảng thốt “Dòng sông đẹp một cách lạ lùng”. Và đó là nguyên cớ của những dòng thơ như được thắp sáng bằng chính ngôn ngữ Việt:

“… Và những chấm sáng lung linh của ngọn nến sông ẵm trên tay

Những con mắt của bao người không còn nữa.

Và những con mắt hôm nay của bè bạn, còn đây”.

Tôi rất đồng cảm với lời phát biểu của Edward Bryan Tick: “Trong Phật giáo có khái niệm “nghiệp”. Cái nghiệp không may giữa hai đất nước của chúng ta là đã có một cuộc chiến tranh không mong muốn. Chúng ta hãy cùng với nhau để vượt qua cái nghiệp đó”. Gọi đúng hơn khái niệm này là “cộng nghiệp”. Chỉ với trách nhiệm của tình yêu thương đồng loại mới có thể hóa giải.

Nhuỵ Nguyên

Nguồn: Văn nghệ Trẻ số 11- 2012.