XEM VĂN BẢN NHƯ LÀ VĂN HỌC
Jonathan Culler
Giả sử bạn tình cờ bắt gặp những dòng sau đây
Chúng tôi xoay vòng quanh và đoán mò
nhưng Bí mật ngồi ở giữa và thấu hiểu
Đấy là gì, và làm thế nào bạn biết điều đó?
Vâng, có nhiều điều cần lưu ý khi bạn tiếp xúc với nó. Nếu những câu này được in trên một mẩu giấy nhỏ trong chiếc bánh cầu phúc Trung Hoa, bạn có thể xem nó như lời đoán vận bí hiểm thường tình, nhưng khi nó được nêu ra như một dẫn chứng (như ở đây), bạn phải xoay qua trở lại các khả năng trong số những cách sử dụng ngôn ngữ gần gũi với mình. Nó có phải là một câu đố, đòi hỏi ta tìm ra điều bí mật? Phải chăng nó là mẩu quảng cáo cho món hàng được gọi là “Bí mật”? Những mẩu quảng cáo thường có vần điệu – “Winston vị thơm, đích thị thuốc lá” – và chúng dần trở nên mơ hồ trong những nỗ lực tranh giành khách hàng chán ngấy. Nhưng câu này dường như không lệ thuộc bất kỳ bối cảnh thực tế nào có thể hình dung được, gồm cả việc bán buôn một sản phẩm. Và thực tế nó có vần, sau hai từ đầu tiên, nó tuân theo nhịp đều đặn của sự xen kẽ những âm tiết nhấn mạnh và không nhấn mạnh(‘róund in a ríng and suppóse’), tạo nên khả năng đó có thể là thơ, một dẫn liệu văn học.
Tuy vậy, ở đây có một vấn đề nan giải: thực ra, câu này không có nội dung thực tế rõ ràng – điều chính yếu tạo ra khả năng nó là văn học, nhưng phải chăng, ta có thể không có được điều đó, bởi việc tách những câu này ra khỏi những bối cảnh xác định nội dung biểu hiện của chúng? Giả sử ta lẩy một câu văn ra khỏi cuốn tài liệu, công thức nấu ăn, mẩu quảng cáo, một tờ báo, và chép nó vào trang giấy riêng:
Khuấy mạnh và để trong năm phút
Đây có phải là văn học? Có phải tôi đã biến nó thành văn học bằng cách tách nó ra khỏi bối cảnh thực tế của một công thức nấu ăn. Có lẽ vậy, nhưng chắc chắn là rất đỗi mơ hồ. Dường như thiếu hụt điều gì đó; câu này văn này hầu như không có những thông tin để bạn xử lý. Để biến nó thành văn học, có lẽ, bạn cần hình dung một nhan đề mà mối quan hệ của nó với dòng này sẽ bộc lộ vấn đề và đòi hỏi trí tưởng tượng: chẳng hạn, “Bí mật” hay “Phẩm chất nhân từ”.
Những điều như thế sẽ hữu ích, nhưng một câu, chẳng hạn “Trái mận trên gối vào buổi sớm” dường như có nhiều khả năng trở thành văn học hơn, vì nó không thể là bất cứ điều gì, ngoài một hình tượng khơi gợi một sự chú ý nào đó, gọi mời những suy ngẫm. Cũng như vậy, đối với những câu mà liên hệ giữa hình thức và nội dung tiềm ẩn những điều đáng suy tư. Theo đó, câu mở đầu của tác phẩm triết học Từ quan điểm logic của W. O. Quine có thể được đón nhận như một bài thơ
Một thứ lạ lùng
về vấn đề bản thể
chính là sự giản dị của nó
Chép lại theo hình thức này lên một trang giấy, những mép lề đáng sợ của niềm im lặng vây quanh, câu này có thể thu hút sự chú ý nào đó, ta có thể gọi là chất văn chương: sự quyến rũ trong các từ ngữ, những quan hệ của chúng với thứ khác, những ẩn ý, và đặc biệt, sự thú vị trong mối liên kết giữa cái được nói với cách nói. Nghĩa là, chép lại theo cách này, câu đó dường như có thể đạt đến một ý niệm hiện đại nào đó về bài thơ và đáp ứng sự chú ý mà ngày nay, được gắn kết với văn học.
Nếu ai đó định nói câu này với bạn, bạn sẽ hỏi, “Ý bạn muốn nói gì?”, nhưng nếu bạn xem câu này như một bài thơ, câu hỏi hoàn toàn không như thế: không phải người nói hay tác giả muốn nói gì, mà là bài thơ muốn nói điều gì? Ngôn ngữ ấy vận hành ra sao? Câu thơ ấy biểu thị điều gì?
Tách riêng dòng đầu, những từ “Một thứ lạ lùng” có thể gợi lên một câu hỏi: Nó là gì và cái gì khiến nó trở nên lạ lùng. “Nó là cái gì?” là một vấn đề thuộc bản thể luận, khoa học về sự tồn tại hay nghiên cứu về cái hiện tồn. Nhưng “thứ” trong cụm từ “một thứ lạ lùng” không phải là một đối tượng vật lý mà là thứ giống một mối quan hệ, hay phương diện, vốn không hiện diện như một cục đá hay ngôi nhà. Câu này nói về sự giản dị nhưng có vẻ không thực hiện điều nó trình bày, minh họa, với sự mơ hồ của từ thứ, những phức tạp ghê gớm của bản thể luận. Nhưng có lẽ, sự giản dị vô cùng của bài thơ – thực tế nó dừng lại sau từ “sự giản dị”, như không cần nói gì thêm – đem lại niềm xác tín cho những khẳng nhận đáng ngờ về sự giản dị. Dù sao đi nữa, tách riêng theo cách đó, câu này có thể tạo ra dạng thức diễn giải gắn liền với văn học – dạng hoạt động, mà ở đây, tôi đang triển khai.
Những thể nghiệm suy tư như vậy có thể nói với ta điều gì về văn học? Trước tiên, chúng đề xuất: khi ngôn ngữ bị tách rời khỏi những bối cảnh khác và những mục đích khác, nó có thể được diễn giải là văn học (dù nó phải mang những đặc trưng giúp nó đáp ứng những diễn giải đó). Nếu văn học là ngôn ngữ được phi bối cảnh hóa, tách khỏi những chức năng và mục đích khác, bản thân nó cũng là một bối cảnh – thứ thúc đẩy hay khơi gợi những sự chú ý đặc biệt. Chẳng hạn, người đọc lưu ý vào những điều phức tạp tiềm ẩn và kiếm tìm những hàm nghĩa, mà không cho rằng: câu ấy yêu cầu họ làm việc gì. Để trình bày về “văn học”, cần phân tích một tập hợp các giả định và những hoạt động diễn giải mà người đọc có thể áp dụng đối với những văn bản như vậy.
Lê Minh Kha dịch từ Treating texts as literature; trích trong công trình Jonathan Culler: Literary Theory: A Very Short Introduction, Oxford University Press,1997; Reissue edition (June 15, 2000), p.22 – 25
Văn nghệ Trẻ
Lê Minh Kha