Khoảng hai giờ chiều một ngày hè năm 1954, tôi dắt bò ra đồng đi chăn. Vừa ra đến đầu ngõ đã nghe tiếng loa oang oang: “A lô, a lô, kính thưa toàn thể đồng bào, tám giờ tối hôm nay, tại bãi chiếu bóng Ngã Ba Chè, Đội chiếu bóng lưu động số 14 của tỉnh nhà sẽ chiếu phục vụ đồng bào bộ phim truyện Trung quốc: “Bạch Mao Nữ”. Đây là bộ phim tố cáo tội  ác của địa chủ đối với bần cố nông. Xin mời bà con tới xem. Xin nhắc lại, 8 giờ tối hôm nay, tại Bãi chiếu bóng Ngã Ba Chè, a lô, a lô a lô…”.

Nghe tiếng loa, tôi thấy háo hức trong lòng. Chăn bò ngoài bãi cỏ, tôi chỉ mong trời chóng tối để được đi xem chiếu bóng. Hôm đó tôi đi chăn bò về sớm hơn thường ngày. Biết tôi nôn nóng đi xem phim, mẹ tôi bảo: “Mi đem xay cho mẹ thúng lọ đi, rồi tau cho đi coi chiếu bóng”. Tôi lao ngay vào việc, chiếc cối xay quay tít mù nhờ lực đẩy từ đôi tay đầy nhiệt huyết của tôi. Loáng một cái tôi đã xay xong thúng thóc. Tốc độ này chẳng thể có được ở những ngày khác. Bây giờ chỉ còn việc ăn cơm chiều rồi đi xem chiếu bóng.

Đối với dân làng tôi, nơi hồi đó đời sống tinh thần còn vô cùng thiếu thốn, thì mỗi đêm chiếu bóng như thế này là một đêm hội. Cả buổi chiều hôm đó, trong làng, ngoài ruộng, chỗ nào người ta cũng kháo nhau, cũng mách nhau, tối đi xem chiếu bóng. Bà con lại càng háo hức khi có người đã xem bộ phim “Bạch Mao Nữ” ở làng khác khoe rằng, bộ phim cực hay, cực hấp dẫn, cực giật gân, người mà y như ma, ma tóc trắng, thoắt hiện, thoắt ẩn.

Khoảng bảy giờ tối, dân làng tôi, trẻ con, người lớn, í ới gọi nhau, rủ nhau đi xem chiếu bóng.  Đường từ làng tôi ra bãi chiếu bóng Ngã Ba Chè chừng ba cây số. Từng toán, sáu bảy người một, vừa đi vừa chuyện trò rôm rả, như đi trẩy hội. Mặc bộ quần áo nâu trên người, tôi cũng hoà mình trong dòng người, gồm những con người cả ngày lam lũ, chân lấm tay bùn ngoài ruộng, nhưng bây giờ thảnh thơi đi xem, như thể không biết mệt nhọc là gì. Tôi rủ cô bạn gái trong xóm cùng đi xem. Do sợ bị lũ trẻ trong làng chế diễu là “đôi vợ chồng”, cho nên chúng tôi không dám đi cạnh nhau. Cô bạn đi trước, tôi bước theo sau, cách nhau chừng vài bước chân.

Người xem từ các làng phụ cận – làng Trà Đông, làng Rị, làng Bôn, làng Vạc, làng Hồng Đô, làng Khoai, làng Go, làng Vận, làng Hổ Đàm, làng Mỹ Lý và làng tôi Nguyệt Lãng, ngồi chật kín bãi chiếu bóng, trước màn ảnh trắng tinh. Đêm hè, trời đầy sao, gió thổi nhẹ, cho nên tuy chật chội và đông người nhưng vẫn không cảm thấy ngột ngạt. Ai nấy ngồi trật tự trên bãi cỏ, không lộn xộn, không ồn ào, đó cũng là điểm tích cực của dân vùng quê tôi. Hễ xem phim là ngồi im thin thít. Có lẽ vì háo hức, mấy khi mới có được một buổi xem phim. Ngồi bên cô bạn cùng xóm tôi cũng im thin thít, đợi đến giờ. Khoảng tám giờ tối người thuyết minh phim cầm mi cơ rô nói oang oang: Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, xin đồng bào ngồi xa màn ảnh, ngồi gần xem không rõ và chói mắt. Chúng tôi  nhắc lại, xin đồng bào ngồi xa màn ảnh, ngồi gần xem không rõ và chói mắt.

Liền sau đó người thuyết minh phim lại nói tiếp: Kính thưa toàn thể đồng bào,  hôm nay, Đội chiếu bóng lưu động số 14 của tỉnh nhà về đây phục vụ đồng bào bộ phim truyện Trung Quốc “Bạch Mao Nữ”.

Tiếng máy kêu xè xè, hình ảnh bắt đầu xuất hiện và hàng trăm con người ngồi im lặng, dồn mắt lên màn hình.

Tôi dán mắt lên màn bạc. Tôi đích mục sở thị, chị Hỉ Nhi xinh gái, anh Đại Xuân đẹp trai, cả hai đều là bần cố nông, đi ở cho tên địa chủ Hoàng Thế Nhân đại ác. Nhìn hai anh chị đẹp đôi này tôi chạnh nghĩ, ở làng quê bên Trung Quốc con trai, con gái xinh đáo để. Có lẽ làng tôi chẳng có anh chị nào xinh được như chị Hỉ Nhi và  anh Đại Xuân. Theo dõi diễn biến của bộ phim, càng lúc tôi càng thêm căm thù tên địa chủ Hoàng Thế Nhân áp bức, bóc lột, rắp tâm chiếm đoạt Hỉ Nhi, và cản trở mối tình đẹp của Hỉ Nhi với Đại Xuân. Xem đến đoạn tên Hoàng Thế Nhân cưỡng bức Hỉ Nhi, bỗng trên đầu tôi một vật thể lạ bay vèo vèo về phía màn ảnh, màn ảnh rung mạnh, nhưng không bị thủng, ngay liền đó một tiếng hô to: “Đả đảo tên địa chủ gian ác Hoàng Thế Nhân!”. Đó là tiếng hô của một nam thanh niên, anh này cũng chính là người vừa ném cục gạch lên màn ảnh. Cả bãi chiếu bóng hừng hực khí thế căm thù tên đại địa chủ gian ác và thương chị Hỉ Nhi. Đây đó có tiếng khóc thút thít của nữ giới. Tôi thấy nhiều cô gái nâng vạt áo lên lau nước mắt (vì trong túi họ không có khăn mùi xoa, vốn còn là của hiếm hồi đó). Cô bạn gái của tôi cũng “khóc thút thít”, cũng nâng vạt áo lau nước mắt như các cô gái khác không có khăn mùi soa. Hỉ Nhi uất ức đến nỗi phải bỏ trốn lên núi, sống trong rừng hoang, tóc bạc trắng khiến ai nhìn cũng hoảng sợ, gọi là Bạch Mao Tiên Cô. Còn anh Đại Xuân không chịu nổi áp bức bất công cũng bỏ trốn, gia nhập Hồng quân. Tuy nhiên, đến đoạn cuối của bộ phim thì tất cả người xem chuyển từ uất ức, căm thù tên địa chủ sang vui sướng, hả hê trong lòng, khi Đại Xuân cưỡi ngựa cùng Hồng quân trở về giải phóng quê hương. Còn tên địa chủ Hoàng Thế Nhân bị trói tay, đem cho nông dân đấu tố.

Tôi thích cảnh Đại Xuân và Hỉ Nhi sửa soạn lễ cưới của mình. Nhất là khi Hỉ Nhi tay cắt chữ “Hỉ” để dán lên vách tường buồng cưới, miệng hát những lời yêu đương làm say đắm lòng người. Dẫu mới mười hai tuổi, nhưng tôi lịm người khi nghe những ca từ giàu cảm xúc và giọng ca cuốn hút của Hỉ Nhi:

     Gió đông như giục ai ngoài song

     Tuyết hoa như mang tin chờ mong

     Trong tuyết hoa mưa gió lạnh lùng

     Mà chim sánh đôi bay cùng.

     Chim sánh đôi, hỉ thành đôi, duyên trăm năm ghi tạc từ  đây                   

                  Gian buồng vách đến nay đã thành chốn tân phòng

 

      Buổi chiếu bóng kết thúc lúc gần 10 giờ đêm. Mọi người hả lòng hả dạ ra về. Trên những con đường từ bãi chiếu bóng Ngã Ba Chè về các làng phụ cận, râm ran những lời bàn tán, những lời bình phẩm về bộ phim. Nói chung ai cũng thương, cũng yêu, cũng thích nhân vật Hỉ Nhi. Nhiều người tưởng đây là thật chứ không phải là kịch, là phim. Nên họ thương thật, quý thật, yêu thật, nhất là các cô gái làng. Mấy đứa trẻ con thì lại rất thích chú Đại Xuân. Vì chú mặc quân phục Hồng quân, súng lục đeo bên hông, cưỡi ngựa về giải phóng quê hương, trông vừa oai vừa oách. Chú lại còn hát rất hay:

     Lung linh ánh sao

     Khắp nơi cờ thắm hồng

     Khó khăn dù mấy mươi

     Quyết bền chí vững lòng

     Cờ tươi thắm phất cao

     Quyết phen  này đây ta thắng, rồi thắng hoàn toàn.

     Chúng ao ước, mai kia lớn lên chúng sẽ được đi bộ đội để cũng được “oách”, được “oai”, được cưỡi ngựa và đeo súng lục như chú Đại Xuân trong phim.

Mấy đứa nhỏ lên bảy, lên tám, đi xem cho vui là chính, vì chúng có hiểu gì đâu, thì lại bảo, chúng thích nhất là cừu. Vì lần đầu tiên chúng được nhìn thấy cừu, không phải một con mà cả đàn, hàng đàn, cơ man là cừu, không biết cừu ở đâu ra mà nhiều thế. Trong khi ở làng của chúng chẳng có con cừu nào. Đặc biệt, có một số người, chủ yếu là những người luống tuổi, lại rất thích nhân vật người chăn cừu, chăn dê, Cụ Triệu. Họ bảo: Cụ Triệu thật là đẹp lão khi cụ đội chiếc mũ cói rộng vành, đứng trên sườn núi, mắt nhìn trời đất bao la, cất cao giọng hát vừa căm thù vừa sâu lắng, hút hồn người nghe:

      Da trời xanh ngắt, xanh uốn quanh khúc sông dài

     Đứng mà coi xa tắp, xa mờ lúa phơi màu

     Lúa vàng, cao lương

     Bát ngát chân trời

     Ruộng nương của họ Hoàng

     Đếm sao tường…

     Đối với tôi, đây là một buổi xem phim giàu cảm xúc và nhiều ấn tượng. Tôi xúc động thực lòng, tôi tin thực lòng, tôi yêu thực lòng và tôi ghét thực lòng. Chính tuổi thơ vô tư, hồn nhiên và trong sáng hồi đó đã cho tôi cái “thực lòng” này. Bây giờ, mỗi lần về quê tôi lại đi ngang qua “Bãi chiếu bóng Ngã Ba Chè” ngày nào. Tôi mường tượng trong dầu: Dáng tôi thời thơ ấu ngồi xem chiếu bóng ngoài trời vẫn đang còn in hình trên bãi cỏ này. Tôi thấy tiếc, khi bây giờ không còn những bãi chiếu bóng ngoài trời như ngày xưa nữa, chiếu bóng ngoài trời chỉ còn trong ký ức mà thôi.

Đầu tháng 6 năm 2017, tôi sang Ba Lan dự Hội nghị  dịch giả văn học Ba Lan toàn thế giới lần thư IV, theo lời mời của Viện sách thuộc Bộ Văn hoá và Di sản Quốc gia Ba Lan. Một buổi chiều tối, dạo chơi trong công viên Pole Mokotowskie, ở trung tâm thủ đô Warszawa, tại đây, tôi bị bất ngờ, lấy làm ngạc nhiên và thú vị, khi bắt gặp bãi chiếu bóng ngoài trời. Người xem khá đông. Theo chương trình, tối nay họ sẽ xem bộ phim Đêm của dôi tình nhân. Bất thình lình tôi thốt lên câu thơ: Có bao cái khoái trên đời/ Không bằng ngự ở ngoài trời xem phim. Hứng chí, tôi ngồi xuống ghế, nhìn lên màn ảnh để nhớ lại những ngày xem chiếu bóng ngoài trời ở quê nhà, khi tôi còn nhỏ (hồi đó tôi đã xem các bộ phim, chẳng hạn: Thượng Cam Lĩnh, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Bạch Mao Nữ vv…). Vì, như tôi đã nói, ở Việt Nam bây giờ không còn những bãi chiếu bóng ngoài trời như thế này nữa. Đây là một bãi cỏ rộng, sạch sẽ, thoáng đãng, rất “sinh thái”, có đủ ghế ngồi (ghế bố xếp) cho khoảng 300 người, nếu người xem quá đông, những người còn lại có thể ngồi trên bãi cỏ để xem phim. Vào cửa tự do, miễn phí, ghế ngồi rất tiện dụng, có thể ngồi, thậm chí nửa nằm nửa ngồi, xem phim. Còn có cả loại ghế bố xếp, rộng gấp đôi, cho cặp đôi nam nữ. Hỏi ra tôi được biết, mùa hè năm nay cả thủ đô Warszawa có đến 23 bãi chiếu bóng ngoài trời như thế này. 200 bộ phim hay sẽ phục vụ người xem. Thỉnh thoảng người xem còn được các nhà hàng mời ăn bánh pizza miễn phí (chắc là để quảng cáo hàng). Xem phim không mất tiền, ăn pizza không mất tiền. Tuyệt. Bất thình lình tôi nảy ra ý tưởng: Hà Nội có nên khôi phục lại các bãi chiếu bóng ngoài trời hay không nhỉ?

 

Rút từ cuốn hồi ức tuổi thơ “Tôi và làng tôi” – Lê Bá Thự

(*) “Bạch Mao Nữ là một trong những bộ phim nhựa đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Trung Quốc, do hãng phim Trường Xuân sản xuất năm 1950, cuối năm 1951 bộ phim này bắt đầu được chiếu tại Việt Nam. Trong các năm 1952 – 1965 “Bạch Mao Nữ” được chiếu rộng rãi tại miền Bắc Việt Nam.

 

Dương Thanh đăng bài

 

 

 

Exit mobile version