“Không, nhà thơ không xa lạ với cách mạng, chỉ có điều cách mạng và anh không cùng bản chất. Exênhin là con người nội tâm, dịu dàng, trữ tình – cách mạng thì phơi bày, hùng tráng, đầy thảm họa. Và một thảm họa đã đặt dấu chấm lên cuộc đời ngắn ngủi của nhà thơ.”
(Lev Trotsky)
Sergei Esenin và Isadora Duncan năm 1922
Bài viết quá hay và quá đúng của Lev Trotsky về Exênhin đã khiến một người Việt rất yêu cả thơ ca và con người Exênhin là tôi phải đắn đo khi muốn bày tỏ một chút gì đó cảm nhận của riêng mình về nhà thơ Nga vĩ đại này. Nhất là về những bài thơ cuối đời, được viết trong hai năm 1924 và 1925 của Ông, mà nhiều bài thơ trong số đó có thể coi là “thơ tuyệt mệnh”. Xécgây Exênhin đã cảm thấy hơi thở của cái chết phả vào Ông từ trước đó hai năm, trước khi Ông chủ động “không sập cánh cửa cuộc sống của mình mà chỉ nhẹ nhàng khép nó lại bằng bàn tay tuôn trào máu đỏ” (Trotsky). Những nhà thơ lớn của nước Nga thường có số phận rất kỳ lạ. Hầu hết họ chết trẻ, chết khi năng lượng sáng tạo tuôn trào mạnh mẽ nhất. “Sống trẻ chết trẻ như những nhà thơ Nga” – trong bài thơ Kỷ niệm về những câu thơ Nga của tôi có một câu thơ như vậy. Đó là điều khiến tôi kinh ngạc và thán phục nhất khi bước vào thế giới thơ ca của những nhà thơ Nga. Không chỉ Exênhin, nhiều nhà thơ Nga khác luôn cảm thấy sự dồn nén đến nghiệt ngã của số phận khi họ chấp nhận thơ ca của mình như một sứ mệnh và như một bi kịch. Thơ quả thật ghê gớm đối với những nhà thơ Nga, dù thơ họ hết sức dịu dàng và nhân hậu. Với Exênhin, số phận và thơ ca của Ông lại càng đặc biệt. “Cha của tôi – một dân cày đích thực /Còn tôi là con cái bác nông dân”. Exênhin đã “thật thà khai báo” lý lịch của mình như vậy. Và toàn bộ thơ ca của Ông đã chứng thực cho “lời khai” ấy. Đó là “nhà thơ nông dân” theo nghĩa đẹp nhất của danh xưng này. Một nhà thơ nông dân Nga, sinh quán vùng Ryazan, lại là một nhà thơ thế giới, một công dân toàn cầu, một người mà thơ ca của Ông được người Nga, và không chỉ người Nga, đọc nhiều chỉ sau Kinh Thánh. Thơ Exênhin, quả vậy, đã là “Kinh Thánh của tâm hồn Nga”, nó dịu dàng, phóng khoáng, mộc mạc mà đầy bí ẩn.
Với Exênhin, hai năm 1924 và 1925 là đặc biệt quan trọng. Thơ Ông dường như tuôn trào mãnh liệt và đau đớn trong hai năm cuối định mệnh ấy.
“Chẳng hiểu sao tôi rưng rưng nước mắt
Và nhếch cười, hồn héo hắt, mông lung –
Cứ như đây là lần thấy cuối cùng
Căn nhà gỗ, con chó nằm trên bục”
24/9/1925
Đoạn thơ này nằm trong bài thơ được ghi sáng tác ngày 24/9/1925, chỉ 3 tháng trước khi Exênhin tự mình “khép cửa”, cánh cửa cuộc đời đầy giông bão của Ông. Hình ảnh con chó, cây bạch dương, hoa tuyết, căn nhà gỗ (izba), cỗ xe tam mã, quán rượu, những con gà trống gáy sớm, chim bạc má, dây trường xuân… những hình ảnh của làng quê Nga thường lung linh và da diết trong thơ Exênhin, như thể chúng được sinh ra là dành cho thơ Ông, và chính Exênhin đã trao chúng linh hồn, khiến chúng trở nên bất tử trong thơ Ông. Tôi vẫn thường nghĩ, vì sao nước Nga lại có Exênhin? Những nhà thơ nông dân, xuất thân từ nông dân và trở nên nổi tiếng, thế giới có không ít. Nhưng không có nhà thơ-nông dân nào có số phận kỳ lạ như Exênhin, có những bài thơ về làng quê xuất thần như thơ Exênhin, và thơ càng mộc mạc lại càng bí ẩn, như thơ Exênhin. Nếu như văn hào M. Gorki mệnh danh Xécgây Exênhin là “Một thứ cơ quan mà thiên nhiên sáng tạo ra chỉ để làm thơ, để thể hiện nỗi buồn vô tận của ruộng đồng”, thì ta phải hiểu, tâm hồn nhà thơ ấy và tâm hồn của ruộng đồng Nga là một, hoặc như một. Tôi đã có dịp chiêm ngưỡng những cánh đồng Nga, những cánh đồng đất đen trải ra vô tận và buồn vô tận. Nỗi buồn ấy là tự nhiên, hồn hậu và lành sạch. Cho tới bài thơ tuyệt mệnh cuối cùng, thơ Exênhin vẫn trong trẻo làm sao, dịu dàng làm sao! Hệt như những cánh đồng Nga.
“Tuyết đã tan, bị nghiền thành bụi nhỏ
Từ trên cao trăng lạnh chiếu mơ màng
Tôi lại gặp rìa làng thân yêu cũ
Xuyên bão bùng, thấy ngọn lửa bên song
Lũ chúng ta bọn không nhà không cửa
Cần nhiều chăng? Cũng dễ hiểu thôi mà
Tôi ca ngợi. Cơm gia đình gặp bữa
Thấy lại mẹ già sau năm tháng vời xa
Mẹ lặng lẽ nhìn tôi, rưng rưng nước mắt
Không một lời như chẳng chút chua cay
Người muốn nâng cốc nước trà trước mặt
Cốc nước trà đang tuột khỏi bàn tay
Mẹ già nua, dịu hiền và thương thiết
Người chẳng quen với ý nghĩ u buồn
Trong tiếng đàn phong cầm mùa giá tuyết
Mẹ nghe này con kể chuyện đời con
Con thấy nhiều, đi đó đây chẳng ít
Yêu bao lần, lắm đau khổ từng qua
Từ đó hóa tên dở gàn, say tít
Chưa thấy ai tốt hơn mẹ kia mà
Một lần nữa bên bếp lò sưởi nóng
Con tháo giày, cởi áo rất ngây thơ
Và lại sống, lại thêm niềm hy vọng
Số phận tốt lành như lúc trẻ thường mơ
Ngoài cửa sổ bão thét gào, nức nở
Trong tiếng gầm man rợ, tuyết cuồng quay
Con ngỡ những cây bồ đề trắng xóa
Đứng trong vườn- lá bứt mạnh tung bay”
1925
Bài thơ này chưa phải bài thơ cuối cùng của Exênhin, nhưng nó tiêu biểu cho giai đoạn sáng tác cuối cùng của Ông. Có thể thấy trái tim đẫm máu đang phơi trần của nhà thơ khi đọc những dòng thơ đầy yêu thương xa xót này. Và cũng có thể thấy truyền thống của thơ Puskin, thơ Lermantov tuôn chảy trong thơ Exênhin như thế nào. Không một nhà thơ nào, dù là thiên tài, lại từ trên trời rơi xuống cả. Exênhin cũng vậy. Cả một truyền thống vĩ đại của thơ ca Nga đứng sau lưng Ông, dù thơ Ông là chỉ của Ông thôi. Sáng tác bằng bản năng, bằng linh cảm, nhưng không phải vì thế Exênhin từ chối tiếp thu di sản thơ ca, từ chối văn hóa đọc. Là một nhà thơ nông dân, nhưng số phận đã đưa Exênhin đi tới nhiều nơi trên thế giới, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau. Có thể, như Lev Trotsky đã viết: “Anh (Exênhin) hấp thụ Têhêran [Teheran] sâu sắc hơn Niu Oóc nhiều, và cái trữ tình hoàn toàn nội tâm của anh, có cội rễ từ Ryadan(3) [Ryadan], đã tìm thấy ở Ba Tư (Iran) nhiều mối tương thích hơn là ở các trung tâm văn hóa châu Âu và châu Mỹ.”. Cho dù như thế, ngay cả khi viết những bài thơ rất hay về Ba-Tư, về một cô gái tên Sa-ga-ne với khăn choàng mặt, thì Exênhin vẫn như đang viết về vùng quê Ryazan và cô gái quê Ryazan của Ông với một tình yêu nồng nhiệt và ngây thơ. Càng đi xa quê hương, thơ Exênhin càng thấm đẫm hương vị đồng quê Nga. Có thể nghe mùi cỏ khô của những cánh đồng Ryazan trong thơ Exênhin khi ông viết về những vùng đất lạ:
“Dù Si-ra có xinh đẹp tuyệt trần
Cũng chẳng hơn gì thung lũng Ryazan”
Mãi mãi, Exênhin và thơ ca của Ông thuộc về những cánh đồng đất đen buồn tẻ của nước Nga mà ở đó đã mọc lên cây bạch-dương-thơ thiên tài mang tên Xécgây Exênhin.
Khi tôi viết những dòng này, hiện lên trong tôi hình ảnh lặng lẽ và khắc khổ của cố nhà giáo Việt Thương (Nguyễn Văn Giai) – người dịch tập thơ Exênhin, người đã đắm đuối với thơ Exênhin từ thuở còn là sinh viên du học tại Đại học Lomonosov (Nga). Thầy Việt Thương – một chuyên gia về văn học Nga – nguyên chủ nhiệm khoa ngữ văn Đại học sư phạm Quy Nhơn – đã dịch tập thơ Exênhin này từ mười mấy năm trước. Sau khi thầy đột ngột qua đời đã 3 năm, chúng tôi mới tìm lại được bản thảo tập thơ dịch này, và thắp hương xin phép thầy để được xuất bản. Tôi nghĩ, từ nơi rất xa nào đó, thầy Việt Thương sẽ vui lòng khi thấy tập thơ gồm những bài thơ viết hai năm cuối đời của Xécgây Exênhin qua bản dịch công phu và tâm huyết của thầy được tới với bạn đọc Việt Nam. Điều đó cũng cho thấy sức sống lâu bền và mãnh liệt của thơ Exênhin – một thứ thơ ca tuyệt đối quí hiếm trong thời hiện đại này.
Cách đây gần ba chục năm, tôi có viết được một bài thơ về Exênhin, nhan đề Gửi Xécgây Exênhin. Năm 2004, nhân được mời tham dự Liên hoan thơ quốc tế Rotterdam (Hà Lan) lần thứ 35, và nhân được Ban tổ chức Liên hoan thơ ra một đầu đề thú vị: “Nếu phải bị đày ra một hoang đảo mà chỉ được mang theo một quyển sách, bạn sẽ mang quyển sách gì? Bạn có bài thơ nào về quyển sách ấy không?”, tôi đã chọn câu trả lời: “Quyển sách ấy là một tập thơ Xécgây Exênhin”, và chọn bài thơ Gửi Xécgây Exênhin cho Ban tổ chức dịch ra tiếng Hà Lan và tiếng Anh. Bài thơ khi diễn đọc tại Nhà hát Lớn Rotterdam, với phụ đề tiếng Hà Lan và tiếng Anh chiếu trên màn hình, đã gây được ấn tượng tốt, được những khán giả yêu thơ Hà Lan hoan nghênh. Đó là điều thật bất ngờ đối với tôi. Nó thêm một lần chứng minh: Exênhin và thơ ca của Ông là thuộc về thế giới, và được yêu mến ngay ở thời đương đại này. Xin gửi tới bạn đọc bài thơ của tôi như một đoạn kết cho bài viết đã dài này.
Gửi Xécgây Exênhin
như hòn đá ném thẳng xuống biển khơi
thơ anh gợi những vòng tròn thăm thẳm
Exênhin một nửa mùa thu nước Nga chìm đắm
theo con tàu người thủy thủ lang thang
và hành khách trên con tàu ấy
cây bạch dương chú chó nhỏ vầng trăng
những cô gái rượu vodka hoa tuyết
đã đắm chìm mãi mãi cùng anh
dưới những trận mưa rào ngôn ngữ
sóng cuộn dâng đờ đẫn hung cuồng
nhà thơ nằm mơ màng tận đáy
để bao kẻ ham bạc vàng đồ cổ
phí thời gian trục vớt lặn tìm
những chiếc lá họ nhầm ra vàng lá
còn nỗi buồn ánh lên như bạch kim
người nằm đó nhà thơ hay kẻ cướp(*)
Exênhin tôi yêu anh làm sao
dễ gì ném đời mình cho thơ phú
tự thắt dây vào cổ, dễ gì đâu
nhưng ta biết làm chi cho khỏe
nửa phần đời ta vút diều sáo ngang trời
nửa phần kia là đất đen lặng lẽ
nối vào nhau mỏng mảnh sợi-dây-người
nhưng ta biết làm chi cho khỏe
gió mát trăng thanh múa hát tít mù
đêm êm ái bàn tay ai nhè nhẹ
Chúa là em đôi vú mơ hồ.
1986
Quảng Ngãi sau bão Haiyan, 11/2013
(*) Câu thơ Esenine: “Nếu không là nhà thơ/Tôi sẽ làm kẻ cướp/”
Nguồn: vanvn.net