Người Việt Nam có nhiều phẩm chất đáng quý như lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, tính cộng đồng, hài hòa, linh hoạt, hiếu khách và yêu chuộng hòa bình… Những phẩm chất đáng quý ấy đã giúp chúng ta vượt qua khó khăn, chiến thắng nhiều kẻ thù xâm lược, bảo vệ toàn vẹn quyền độc lập tự chủ của quốc gia. Tuy nhiên, cùng với thời gian, các giá trị văn hóa truyền thống ấy cũng phải thay đổi cho phù hợp với thực tế cuộc sống luôn vận động, phát triển không ngừng.


Hệ giá trị cốt lõi


PGS-TS Lê Xuân Kiêu, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá, chúng ta đều biết rằng, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN trong điều kiện hội nhập quốc tế đòi hỏi nỗ lực sáng tạo mạnh mẽ của con người và dân tộc Việt Nam. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam là tạo nền tảng tinh thần của xã hội, đồng thời giải phóng sức sáng tạo của con người Việt Nam, tạo nên những giá trị mới cho đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì tinh thần sáng tạo thường được đề cập đến ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật…; đòi hỏi sự sáng tạo mạnh mẽ của mỗi cá nhân và sự năng động của toàn xã hội. Tinh thần sáng tạo cũng như tính trung thực, tinh thần nhân văn phải được lựa chọn  là những giá trị quan trọng, định hướng cho mọi hoạt động. Những điều đó góp phần tạo nên một môi trường văn hóa lành mạnh và đồng bộ, tạo nên những nhân cách văn hóa đạo đức mới: những con người trung thực, có năng lực, biết tích lũy nguồn lực văn hóa lớn lao trên nhiều lĩnh vực…


PGS-TS Từ Thị Loan, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Bộ VH-TT-DL cũng cho rằng: Lịch sử phát triển văn hóa của nhân loại cho thấy có sự vận động và biến đổi của giá trị và hệ giá trị tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên, lịch sử và xã hội của từng quốc gia, từng cộng đồng. Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập, con người Việt Nam không thể khư khư duy trì mãi hệ giá trị cũ với một số giá trị đã lỗi thời… Việc hoàn thiện các chuẩn mực giá trị con người Việt Nam hiện nay phải lưu ý tới sự kết hợp hài hòa giữa những giá trị truyền thống với những giá trị đương đại, giữa những giá trị địa phương, dân tộc với những giá trị chung mang tính phổ quát của toàn thể nhân loại…


Theo PGS-TS Từ Thị Loan, cần có những giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ để tạo dựng một môi trường lành mạnh, những điều kiện thuận lợi giúp con người Việt Nam phát triển toàn diện về đức, trí, thể mỹ, trong đó trọng tâm là nhân cách, đạo đức, lối sống. Trước hết cần xác lập và từng bước đưa vào cuộc sống hệ giá trị mới của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội. Bên cạnh đó cần có biện pháp kiên quyết để khắc phục những thói hư, tật xấu, những mặt hạn chế của con người Việt Nam, ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội.


Dưới góc nhìn mở rộng mang tính thực tiễn về xây dựng con người, chăm lo bồi dưỡng nhân cách thế hệ trẻ, GS-TS Đinh Xuân Dũng, Ủy viên Hội đồng Lý luận trung ương, khẳng định, việc lập kế hoạch và lộ trình để xây dựng và hoàn thiện hệ thống các hệ giá trị mới của con người Việt Nam là đòi hỏi rất cao và mới đối với văn hóa giai đoạn tới, bởi những năm qua, cuộc vận động xây dựng con người mới, tuy có bề rộng nhưng chưa sâu, chưa bền vững, hiệu quả còn hạn chế và hình ảnh con người Việt Nam hiện đại còn mờ nhạt trong sáng tạo văn hóa, văn học – nghệ thuật. Do đó, cần tập trung cho việc cụ thể hóa hệ giá trị đó thành những mẫu hình, chuẩn mực phù hợp với từng giới, từng ngành, địa phương, đơn vị, kết hợp sâu sắc giữa giá trị truyền thống tốt đẹp và giá trị mới.

 

Các thiếu nữ của làng An Thái, xã Phương Lâu, TP Việt Trì được truyền lại những điệu hát xoan cổ. Ảnh: LÃ ANH


Ươm mầm từ mỗi gia đình


Dưới góc nhìn của một người hoạt động nghệ thuật, nhà văn Chu Lai chia sẻ: “Văn hóa, nói gì thì nói, bao giờ cũng xuất phát từ con người, lòng dạ và tâm đức con người. Con người văn hóa chịu sự tác động sâu sắc của môi trường văn hóa nhưng không thể đổ riệt cho môi trường mà bản thân con người không chịu hoàn thiện. Tâm hồn sạch sẽ có đất cho văn hóa ươm mầm nảy nở…”. Theo ông, những giải pháp lớn về văn hóa luôn là câu hỏi lớn và có lẽ giải pháp tối ưu nhất là làm tinh khôi lại sự tử tế trong tâm hồn con người. Nếu con người là hạt nhân của xã hội thì sự tử tế là hạt nhân của văn hóa. Sự tử tế này phải được ươm ngay từ trong bụng mẹ, trong mỗi gia đình, trong nhà trường, trong từng đơn vị cộng đồng, từ người có quyền lực cao nhất cho đến người dân bình thường. Có tử tế làm âm hưởng chủ đạo thì dẫu có nghèo, có khó con người cũng thấy hạnh phúc. Không tử tế, dẫu có giàu có sang, lòng dạ vẫn cứ thấy xác xơ, bồn chồn…


Đồng tình quan điểm để tạo dựng các giá trị văn hóa tốt đẹp trong con người, cần xây dựng và củng cố một môi trường văn hóa lành mạnh. TS Vũ Thị Phương Hậu, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cần tập trung xây dựng văn hóa gia đình và nâng cao nhận thức của xã hội, nhất là của lớp trẻ về gia đình, về văn hóa gia đình. Các lớp học tiền hôn nhân cần được tổ chức rộng khắp trên cả nước để trang bị những kiến thức cơ bản, cần thiết cho các bạn trẻ trước khi quyết định xây dựng tổ ấm cho mình. Bên cạnh đó, cần xây dựng và hình thành văn hóa công sở trong các cơ quan hành chính nhà nước, nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi mà trong đó mọi thành viên đều có thể phát huy hết khả năng sáng tạo của mình, gánh vác nhiệm vụ do Nhà nước và nhân dân giao phó, đồng thời đáp ứng nhu cầu của nhân dân và phục vụ xã hội được tốt hơn.


Theo Mai An – SGGP

Exit mobile version