XÁC ĐÁ

Truyện ngắn của Phan Đức Lộc

Mẹ chọi đá thắp đèn mỡ rắn, lửa lấp ló, dập dềnh, mê mị…

Sao giam cầm ta vào bóng tối u mê? Sao trói buộc ta bởi trăm vàn nghi lễ?

Đền thờ thần Vĩnh Cửu ngự trong một hang động hun hút sâu, sam sam lạnh. Phía trước là mấy căn lán lợp cỏ khô tựa lưng vào nhau, nơi làng tôi bao đời sinh sống. Phía sau là thác Buông bạc trắng từ độ cao ngút ngát đổ ập xuống dòng sông Phăng cuồng si, nóng nảy. Ngày ngày, khi mặt trời bị sóng núi Bốn Voi nuốt gọn, tôi lại lẽo đẽo theo mẹ, dò dẫm trên từng bậc rễ xanh xám rêu phong, mang lễ vật vào đền thờ và thắp lên những ngọn đèn mỡ rắn…

Ánh mặt trời rọi xuống từ cái lỗ hổng trên cao kia hệt như một sợi chỉ mỏng manh xiên qua tấm vải nhung đen mịn. Luồng sáng ấy là dấu hiệu nhận biết ngày và đêm. Đêm dày. Ngày mỏng. Ta ghét bóng tối. Có lẽ người đàn bà và đứa trẻ dưới kia thấu hiểu, nên khi màn đêm sập xuống, họ lại đến đây, tỉ mẩn thắp lên những ngọn đèn nho nhỏ. Hấp hối từng giọt sáng. Run run…

Bức tượng mang hình dáng một người đàn ông lực lưỡng, trần truồng đang đứng với tư thế hơi khum khum hai cánh tay như vừa muốn đón nhận vào mình, vừa muốn mở lòng ban phát. Lưỡi ông ta kéo dài ra thành hình con rắn hổ mang bành lượn sóng giữa gợn sáng huyền hồ, u uẩn. Mẹ tôi bảo, đó là biểu tượng của sức mạnh phi thường.

Con người tin rằng ta sinh ra vạn vật… Từng ngày, từ huyền sử truyền miệng và đôi tay của con người, ta dần hiện hình bằng những đục đẽo công phu. Con người rỏ mồ hôi. Con người rơi máu đỏ. Ta quằn quại cơn đau tìm bản ngã. Đầu mọc cổ. Cổ mọc vai. Vai mọc tay…

Tôi luôn tò mò là cái tạo vật nổi cộm nằm giữa cặp đùi cuồn cuộn cơ bắp được bao bọc kín đáo sau tấm vải trắng cuộn thành nhiều lớp của tượng thần Vĩnh Cửu. Và hình dung, nó hẳn cũng giống như một thanh kiếm ngắn, nhọn và sắc, đang chĩa thẳng vào đôi mắt thao láo của tôi, đầy thách thức. Dù được dạy rằng báng bổ thần Vĩnh Cửu là con đường ngắn nhất để bước lên giàn thiêu, hóa kiếp làm ngọn đèn mỡ người đời đời không bao giờ siêu thoát, tôi vẫn thè cái lưỡi tím ngoét vì ăn nhiều quả dại, lêu lêu đáp lại. Đúng lúc đọc xong kinh cầu, mẹ mở mắt, bắt gặp cạnh tượng đó. Mẹ cuống quýt bịt mồm tôi lại, hoảng hốt dập đầu lia lịa cạnh những ngón chân tượng thần đến bật máu nhòa nhện:

– Con gái con còn nhỏ dại! Xin ngài lượng thứ! Xin ngài lượng thứ! Con gái con còn nhỏ dại!

Đục đẽo. Mài giũa. Càng lúc càng tỉ mỉ. Và ta không ngờ, giữa hai đùi ta mọc ra một cái sinh thực khí nam. Chong chóc. Đó là nơi nảy mầm nỗi khổ. Nỗi khổ của ta. Nỗi khổ của con người.

Chúng tôi sống hoang dã như một bộ lạc người nguyên thủy. Mười một tuổi, con trai sẽ được cha dạy săn bắn, con gái sẽ được mẹ dạy đan lát, thêu thùa và làm trang sức bằng đá hay các loại xương thú. Riêng tôi, đến độ tuổi đó, tôi chỉ thích đầu trần, chân đất theo cha băng rừng chinh phục thú dữ. Có lần, tôi đang giương cung ngắm bắn con nai nhỏ lòng thòng cuống rốn khi mẹ nó nghe tiếng động vội nhanh chân bỏ chạy thì từ bụi cây phía xa, cha đã kịp bắn mũi tên tôi chệch ra hướng khác. Nhìn tôi bằng ánh mắt hiền từ, cha ôn tồn dạy, những sinh vật mới chào đời đều vô tội. Sự sắc nhọn của mũi tên là để hạ gục lũ thú trưởng thành. Nghe lời cha, ngày qua ngày, tôi tiến bộ nhanh. Cha rất đỗi tự hào về tôi. Cha chỉ tiếc không sinh ra tôi là một thằng con trai thực thụ.

Thằng Ngà trạc tuổi tôi, cao hơn tôi gần cả quả đầu nhưng cha nó cố dạy thế nào, cây cung vẫn tê liệt trong đôi tay lóng ngóng của nó. Chú Hạc, cha nó vốn là tay thợ săn làng này xưa nay chưa ai vượt qua nổi. Kỹ nghệ bắn cung của ông đạt đến độ sợi lông chim đang rơi cũng bị chẻ đôi, chằn chặn. Bởi vậy, sự non kém của thằng Ngà khiến ông vô cùng khổ tâm và hổ thẹn. Một chiều đi nhặt đá về làm trang sức, nhìn tôi vừa phăng phăng cưỡi ngựa, vừa nghiêng người ngắm bắn hạ gục ba con thỏ trắng gần như cùng lúc, thằng Ngà vứt lăn lóc chỗ đá trên tay, bàng hoàng chạy tới, nâng chúng lên, thảng thốt:

– Lũ thỏ chết rồi. Mày ác quá!

Tôi lườm thằng Ngà, sắc lẹm như mũi tên đang lao về đích. Rồi bỏ mặc tiếng khóc sụt sịt của nó, tôi lạnh lùng vung roi quất mạnh vào mông chú ngựa ô bất kham, đuổi theo con lợn lòi đang cắm đầu chạy sau những cây bụi gai lùm xùm chuyển động. Chú ngựa ô hí lên một tiếng vang rền như khúc ca xung trận làm các mạch máu trong cơ thể tôi rộn ràng hưng phấn. Ba con thỏ trắng nhãi nhép kia chỉ là những phát thử cung. Còn bây giờ, cuộc săn mới thực sự bắt đầu…

Thắp đèn. Quỳ gối. Đọc kinh. Người đàn bà kia, ngươi biết làm gì khác? Sao không kể ta nghe về cuộc sống bên ngoài hang động? Ngươi cầu nguyện mùa màng bội thu, nhưng quên miêu tả hình dáng cánh đồng. Ngươi cầu nguyện sức khỏe cho đàn con, nhưng quên kể về nụ cười của chúng. Hỡi người đàn bà kia, hãy cho ta biết tiếng nước chảy rì rầm ấy bắt nguồn từ đâu? Tiếng hú rền qua vách đá đêm qua có phải của con sói già trúng tên tẩm độc? Sợi nắng lọt vào đây nhắn nhủ ta đang đông hay hạ? Có nơi nào tối tăm và tù túng hơn hang động này chăng?

Mùa thu. Cả làng tôi, phụ nữ nhanh tay làm trang sức, đàn ông nhanh chân săn bắn thú rừng, xẻ thịt, hun khói, phơi khô, cất dành cho mùa đông dài lê thê sắp sửa. Mùa đông sang, khi gió Bấc giày xéo những cánh rừng tơ tướp, đến cả chú Hạc cưỡi ngựa cả ngày ròng còn chưa chắc tìm nổi một con lợn, huống gì những tay thợ săn tầm thường khác. Mỗi tối, làng phải tế thần mâm cỗ mười món từ mười loài vật. Khi bình minh lên, mâm cỗ sẽ được đặt bè chuối, thả trôi sông Phăng. Dân làng tin rằng đó là cách trả ơn cho đất đai, nguồn cội. Trang sức và thịt là hai thứ cần thiết nhất cho thần linh và cuộc sống của người dân ở ngôi làng này.

Tàn ngày. Tiếng côn trùng. Âm ỉ. Thê thiết. Hang động tù mù hơn. Tòng teng. Vòng cổ. Lắc tay. Ta muốn nghe bay phát ra âm thanh riêng xua tan mùi khói hương ảm đạm quyện cùng mùi thịt thú tanh nồng, uẩn khúc tựa những oan hồn cụt đầu chưa siêu thoát. Bay vẫn lặng thinh. Bay khinh thường ta xù xì, vô dụng? Hay bay đang nhớ những ngón tay thon mềm đã mài dũa cuộc đời của bay? Giá đôi tay ta có thể cử động. Giá đôi chân ta có thể bước đi…

Làng này vẫn thường chế nhạo cha tôi là tay săn hạng xoàng, cả ngày ròng băng rừng chẳng bằng vài phát thử cung của chú Hạc. Suốt cuộc đời, cha luôn lầm lũi nhen nhóm giấc mơ cắt đứt đầu một con hổ đực. Vậy mà, chưa kịp chạm đến giấc mơ, một lần đi săn trong mưa, cha bị con hổ cái ba chân xé tan xác. Bộ xương còn sót lại của người nham nhở những thớ thịt đỏ lâm thâm. Máu dưới đám cỏ khô và lá vàng kết loang loang thành vệt. Tôi đưa ngón tay chặn hai hốc mắt lại ngăn nước mắt trào ra. Phút chốc, mối căm thù loài hổ cuộn lên trong đầu tôi như cơn lốc thình lình, cuồng nộ.

Lâu rồi, ta không gặp cô bé có chiếc lưỡi màu tím. Theo chân người đàn bà dâng lễ và thắp đèn là một cậu bé chắc cũng bằng tuổi cô bé kia. Có vẻ cậu bé ngoan ngoãn và thành kính hơn. Ít ta, cậu quỳ gối ngay ngắn và đọc kinh nghiêm túc. Nhưng đôi mắt lũ trẻ, dù ti hí hay tròn xoe đều giống nhau một điểm, luôn lén nhìn trộm cái tạo vật của ta nấp sau lần vải trắng phai màu. Tò mò. Lém lỉnh.

Suốt nửa năm ròng, chú Hạc và tôi rong ruổi khắp chốn núi cao, rừng hiểm truy tìm con hổ ba chân. Dấu vết nó để lại trên nền đất ẩn hiện mơ hồ như ánh đèn đom đóm. Qua mấy lần trăng khuyết tròn, tròn khuyết, niềm hi vọng lụn xuống như vụn than sắp tắt. Một trưa, chúng tôi về làng cống nạp thú săn, mẹ nhìn mái tóc xơ xác và gương mặt rộc rạc nổi li ti mẩn đỏ của tôi, nước mắt bướt bện:

– Ở lại với mẹ, con ơi. Đằng nào cha con cũng đi rồi.

Thằng Ngà níu vạt áo nâu ngả màu bạc phếch của cha nó, mếu máo:

– Cha gầy quá. Con sợ thấy cha bị như cha con Len.

Lạnh lùng vung sức ném con lợn rừng ngấp ngoải xuống phiến đá xanh, chú Hạc kiên quyết:

– Con hổ chưa chết, chúng ta chưa về!

Và, chúng tôi lại cưỡi ngựa ra đi. Ngoài chiếc cung tên và con dao, hành trang tôi mang theo còn có chuỗi vòng đá thằng Ngà lén tặng. “Tao làm”, mặt nó đỏ như đít khỉ mùa động cỡn. Giấu cảm xúc, mặt tôi lạnh tanh dù tim đang lật bật đập nhanh. Đêm ấy, trên nền trời lơ tím, trăng như quả chín lủng lẳng sắp sửa rụng xuống hõm núi Bốn Voi. Tôi ngồi ngắm nghía chuỗi vòng đá rất lâu bên ngọn đèn khuya cháy mòn lòng bấc. Những hạt nhỏ óng ánh, theo thứ tự, được nhuộm đủ bảy màu hài hòa như dải cầu vồng. Cầu vồng đêm!

Lễ mễ tay bưng. Khệ nệ tay xách. Thịt thà la liệt. Ruồi nhặng và chuột bọ lúc nhúc từng đàn kéo về trẩy hội. Nhớp nhúa. Hôi tanh. Tùy tiện. Thân thể ta bỗng chốc trở thành chiếc giường tân hôn để sau khi no nê, chúng rủ nhau lổm ngổm bò lên, chòng ghẹo, làm tình và bừa bãi thải ra cặn bã. Chúng sinh sôi nhiều hơn lá rụng. Ta sợ chúng. Chúng sợ con người. Con người lại sợ ta. Vòng vèo. Luẩn quẩn. Ngoài miệng hang, con người bụng đã đủ no? Sao họ vẫn luôn bày biện bao thứ lễ vật dưới chân ta rồi lẩm nhẩm ca thán về cuộc đời đói khổ? Đôi gò má bủng beo của người đàn bà và những dẻ xương quai xanh trồi lên như bộ rễ cạn muốn bung ra sau lớp da vàng vọt của cậu bé đã nói lên tất cả. Đói khổ của con người có phải vì ta?

Sau những tháng ngày nếm mật nằm gai phục kích, đợi chờ, rốt cục, con hổ ba chân cũng lộ diện. Một con hổ trắng muốt không có những vằn đen. Nơi đám bòng bong rậm rì, nó nằm nhắm nghiền mắt, phì phò rên rỉ trong cơn đau đẻ. Cái bụng chềnh ễnh rập rờn chuyển động theo từng nhịp thở đau đớn, nặng nề. Khúc đuôi nó dính nhoe nhoét máu. Thoáng chút chạnh lòng, nhưng ngay sau đó, nghĩ đến cái chết không toàn thây của cha, tôi cương quyết rút mũi tên. Chú Hạc dang tay ngăn tôi lại:

– Nó sắp đẻ!

– Nó phải chết! – Tôi thằm lằm hét lên – Con của nó cũng phải chết!

Tôi vừa dứt lời cũng là lúc mũi tên đầu tiên đâm trúng ngực con hổ trắng. Con hổ vùng dậy, dõng dạc gầm lên một tiếng rồi khấp khểnh phót về phía chúng tôi. Nhanh nhẹn bám lấy những sợi rễ cây rỏ xuống trước mặt, tôi thoăn thoắt leo lên một khoảng cách an toàn rồi quấn chân thật chặt vào đấy, vươn người ra, lia lịa nả mũi tên vun vút như tiếng thông reo trong gió giật. Hàng chục mũi tên đâm khắp cơ thể mà con hổ không hề tỏ ra nao núng. Số mũi tên tôi mang theo sau lưng đã hết. Chú Hạc đứng dưới mặt đất, vẫn bình tĩnh nghiêng mình né những cú vồ uy mãnh. Đợi lúc con hổ đuối sức, chú mới kéo căng dây cung, bắn ba mũi tên vào ba vị trí tử huyệt. Con hổ nằm giãy đành đạch. Từ trên cây, tôi phi xuống đạp đòn chí mạng vào đầu nó. Ráu! Nó quay người, dùng đôi chi trước có bộ vuốt sắc nhọn cào xượt ngang mặt tôi. Chú Hạc gồng những bắp cơ cuồn cuộn bê khối đá lớn dằn ngang cổ con hổ hung hăng. Nó ngắc ngứ duỗi chân đạp đạp đám lá khô loạc xoạc mấy phát rồi chết đứ đử. Như thân cây bị bật gốc sau bão, tôi nằm rạp lên mình nó, thở hổn hển. Máu từ vết cào ran rát trên gương mặt chảy xuống bộ lông trắng lã chã. Cuộc trả thù chưa kết thúc! Tôi gượng dậy, rút con dao giắt bên hông, cắt đầu hổ mẹ rồi mổ bụng nó, lôi con hổ non sắp chào đời ra. Con hổ non cứ ngoe ngẩy trong lớp màng nhau thai bầy nhầy tưởng được tôi cứu mạng. Nó đã nhầm. Giết một mạng phải đền hai mạng! Khi tôi vung tay thì đột nhiên từ khóe mắt hổ mẹ rỉ ra một giọt nước trắng đục như sữa. Rồi hình ảnh đôi mắt hiền từ của cha và cái cuống rốn lòng thòng của con nai nhỏ năm xưa chợt ùa về. Tim tôi run lên. Con dao trong tay bủn rủn rớt xuống ụ đá tạo thành thứ âm thanh chát chúa. Tôi quỳ sụp xuống, nức nở:

– Cha ơi!

Một mình cậu bé mang lễ vật vào đây và run rẩy thắp lên những ngọn đèn mỡ rắn. Rọc rạch. Bụng cậu đang sôi. Cậu lấm lét ngó trước, ngoảnh sau rồi xé một miếng thịt, nhai nhỏn nhoẻn. Cặp môi thâm tím của cậu xoay vần theo tiếng nhai lúc sần sật, khi tóp tép trong khoang miệng. Thi thoảng, cậu bé lại lén nhìn ta mà không biết ta cũng đang nhìn cậu. Cậu bé! Cứ ăn nữa, đừng sợ. Khi cái bụng đã căng đầy, cậu chắp tay thành khẩn hối lỗi: “Cầu xin thần Vĩnh Cửu thứ lỗi. Con đói quá!”.

Mỗi người một ngựa, chúng tôi thong thả trở về. Rừng đương hạ. Nắng lách qua những tán lá xanh đậm chảy xuống vai tôi miên man. Đi bên cạnh, chú Hạc mồ hôi vã ra như xối nước. Đến đoạn con suối êm đềm chảy chậm, chú bảo:

– Len, ta muốn tắm một chút. Con ở trên bờ chờ ta.

Đặt con hổ non chưa mở mắt vào một hốc cổ thụ mục ruỗng, chú Hạc nhảy ùm xuống dòng chảy trong ngăn ngắt làm những hạt nước tung tóe văng vào mặt, vào ngực tôi mát rượi. Chợt nhận ra, rất lâu rồi, tôi chưa được tắm táp và thỏa sức vẫy vùng. Dòng suối như thúc giục, như gọi mời. Tôi lẳng đầu hổ mẹ chặn ngang hốc cây nơi hổ con đang nằm co quắp, chẳng chút do dự, lao nhanh xuống nước. Chú Hạc bơi lội uyển chuyển như cá sông Phăng. Tôi e dè đứng gần bờ, khum tay múc từng chút nước ấp vào cổ, thích thú. Nước chảy đến đâu, da thịt bung dãn ra đến đó. Tôi nhìn xuống ngực mình. Hai núm vú hơi nhu nhú lên nhưng nhức như có hạt mầm đang cựa quậy sau lớp da phồng rộp ngăm ngăm. Khi tôi ngước mắt, chú Hạc đã đứng ngay trước mặt, từng giọt nước từ mái tóc loăn xoăn chảy qua cổ xuống vồng ngực vạm vỡ, căng đầy, xuống những múi cơ bụng mọng mẩy hằn lên thành luống… Mắt tôi cứ chảy theo vệt nước cho đến… thì ngượng ngùng ngoảnh mặt đi nơi khác. Vóc dáng chú còn hoàn hảo hơn cả tượng thần Vĩnh Cửu. Và tôi đã kịp thấy thanh kiếm màu nâu ở giữa hai đùi chú đang từ từ chĩa lên. Chắc bởi chú đang đứng ngược dòng nước. Vuốt những lọn tóc mai lòa xòa trước trán tôi, chú Hạc đắm đuối nhìn tôi rất lâu bằng đôi mắt đen sâu thẳm sau rèm mi dày đậm. Và chú kéo tay tôi đặt lên thanh kiếm của chú, hơi thở nồng nàn, mơn man như cơn gió nồm chở đầy hương cỏ…

Sau lần ăn vụng lễ vật, cậu bé chẳng quay trở lại đây nữa. Cậu sợ ta trừng phạt? Hay cậu bị chính con người trừng phạt? Ta nhớ cậu bé. Đôi mắt ngây ngô. Bờ môi bóng mỡ. Những dẻ xương quai xanh trồi lên gầy guộc. Nỗi nhớ sắc nét như vết dao chém đá. Sao cậu không đến thăm ta? Người đàn bà lại lủi thủi thắp đèn mỡ rắn, gương mặt cúi gằm. Những ngọn đèn dù sáng lên vẫn mang trong mình ủ dột. Chúng trăng trối? Chúng buông xuôi? Chúng muốn đồng lõa với giọng kinh buồn của người đàn bà cúi mặt? Buồn hơn hoàng hôn sắp tắt. Buồn hơn gió rít đêm thâu. Buồn hơn tiếng chim lẻ bạn…

Thằng Ngà bị cấm đặt chân vào đền thờ cho đến khi tròn mười sáu tuổi. Chú Hạc chỉ lẳng lặng dúi con hổ non vào lòng nó, ra lệnh: “Nuôi đi!”. Thằng Ngà thích con hổ lắm. Nó nâng niu con hổ như báu vật. Mỗi bữa, nó đều chừa ra nửa già số thịt trong bát cơm của mình, nhường hổ non. Con hổ lớn nhanh như cây chuối sau mưa. Bộ lông trắng mềm và đôi mắt đượm buồn luôn cụp xuống chẳng gợi chút hung dữ nào như bà mẹ ba chân của nó. Tôi nhìn con hổ trắng tinh nghịch, thầm nghĩ, ta sẽ cho mi ăn uống đủ đầy và vuốt ve mi nhẹ nhàng, âu yếm. Khi mi trưởng thành, chính tay ta sẽ chặt đầu mi cúng giỗ cha ta, hổ con ạ! 

Khuya lắm, sau khi người đàn bà rảo bước ra về và những ngọn đèn mỡ rắn sắp kiệt sức, một chàng trai lạ đến thăm ta. Đôi mắt. Bờ môi. Những dẻ xương quai xanh ấy. Ta như không còn tin vào mắt mình. Cậu bé năm nào đã trổ mã thành một chàng trai thực thụ. Đi bên cạnh chàng là con hổ trắng muốt lạ thường. Ánh đèn leo lét vẫn đủ cho ta thấy gương mặt chàng hiện lên vừa khôi ngô, vừa phúc hậu. Chàng quỳ xuống, ánh mắt nhìn lên phản thịt đầy, van lơn: “Con chịu đói thế nào cũng được. Nhưng tội nghiệp con hổ của con”. Con hổ trắng bước những bước dặt dẹo. Cái bụng xẹp lép lắc lư theo hai cặp chân lảo đảo. Và cả chàng trai nữa, cái bụng chàng chốc chốc lại sôi lên ọp ẹp. Tay chàng trai lập cập xé thịt cho con hổ, tuyệt nhiên không bỏ miếng nào vào miệng mình. Khi con hổ đã no, chàng ra hiệu bảo nó ra đứng ở cửa hang, canh chừng.

 Mon men tiến lại gần, chàng đột ngột giật tung mảnh vài trắng quấn quanh thân thể ta rồi ôm chầm lấy ta. Hít hà. Chiếm hữu. Môi chàng trượt từ hõm cổ ta lân la xuống vồng ngực. Bàn tay chàng lần mò xuống sinh thực khí của ta. Ta chợt bừng thức như ai đó vừa đốt lên một đống lửa lớn trong hang động ẩm ướt này. Toàn thân ta nóng dần. Thoạt tiên, ta trôi đi trong niềm hoan lạc lâng lâng. Cứ thế, ta như tảng băng, tan chảy dần theo những ngón tay mê man, ma thuật…

Mẹ tôi vẫn hằng nhắc đến chuyện lấy chồng bằng ánh mắt rạng ngời. Mẹ bảo, chỉ khi lấy chồng và sinh con, phụ nữ mới thực sự hoàn thành thiên chức cao cả nhất cuộc đời mình. Lấy chồng là điều thiêng liêng mà hầu hết bọn con gái trong làng đều háo hức mong chờ, ngoại trừ tôi. Bởi mỗi lần nhớ cảnh tượng cái bụng mẹ cứ cách vài năm lại phình to nặng nề và đôi chân loèo khoèo choãi ra những bước đi rề rà, chậm chạp, tôi rất lấy làm ngán ngẩm…

Hằng năm, những thiếu nữ tròn mười sáu tuổi sẽ phải thực hiện nghi lễ Hiến trinh ở đền thờ thần Vĩnh Cửu…

Mọi thứ khởi đầu từ sáng sớm. Những chàng trai chưa vợ dậy trước khi gà rừng gáy, đi hái những cánh hoa rừng sặc sỡ đẫm ướt sương mai, mang về thả vào chiếc bồn đá đựng đầy nước suối trong văn vắt. Hôm ấy đến lượt Vải, chị họ tôi, hiến trinh. Chỉ trai tân và trưởng làng được phép đến dự ngày lễ trọng đại này. Nhưng từ tối hôm trước, tôi đã đến đây, trèo lên một hõm đá kín đáo, ngả lưng ngủ tạm và hồi hộp chờ thời khắc ấy…

 Tiếng trống đì đùng vang lên. Tự tay cởi bỏ hết xiêm y, chị Vải hòa mình vào bồn nước bập bềnh cánh hoa, tắm rửa thật sạch sẽ, thơm tho rồi chậm rãi tiến đến bên tượng thần Vĩnh Cửu, quỳ xuống làm lễ trước sự chứng kiến của toàn thể trai tân và trưởng làng. Sau nghi thức tế tự, tấm vải trắng quấn quanh đùi tượng thần Vĩnh Cửu được gỡ xuống, trải phẳng phiu trên bục đá hình vuông vẫn thường đặt lễ vật. Thanh kiếm của tượng thần Vĩnh Cửu lồ lộ chìa ra. Trưởng làng bôi lên đó một thứ nhựa cây trơn tru, mềm mượt. Chị Vải bước lên bục đá và… Tôi không biết phải diễn tả hành động đáng sợ ấy thế nào. Nhưng tôi biết chị Vải rất đau. Mắt chị nhắm nghiền, hai hàm răng nghiến chặt. Trong chớp mắt, cái kẽ nứt giữa hai đùi chị đã nuốt gọn lấy thanh kiếm tượng thần. Đám trai tân như nín thở chờ kết quả. Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo? Một giọt máu từ kẽ nứt ấy chảy ra, rơi xuống tấm vải trắng, màu cánh hoa đỗ quyên, hồng thổn thức. Những chàng trai có mặt ở đó đồng loạt hô to:

– Xin hãy chọn ta!

– Xin hãy chọn ta!

Lượm lấy mảnh vải trắng quấn quanh người, chị Vải cười trong những giọt nước mắt mà tôi nghĩ là vừa đau rát, vừa hãnh diện. Chị chỉ tay về phía anh Sừng:

– Sừng ơi, em chọn anh.

Trần truồng. Cô gái đứng trước mặt ta, thân thể tỏa hương hoa dìu dặt. Hàng trăm lần. Hàng nghìn lần. Ta vẫn sợ cảm giác ấy. Cô gái! Chớ đụng vào ta bằng đôi tay và bầu ngực ướt. Chớ hôn môi ta bằng đôi môi đỏ. Cô gái không nghe lời ta. Nàng bắt đầu mở cái khe hẹp giữa hai chân mình nuốt lấy sinh thực khí của ta, từng chút một. Tùng chút một. Sâu thẳm. Ta ớn lạnh như vô số sâu bọ đang râm ran gặm nhấm từng phần thân thể. Bứt rứt. Ám ảnh. Hãy tránh ra! Tránh ra! Ta quằn quại mường tượng hơi ấm bàn tay chàng trai để trốn chạy khoảnh khắc khủng khiếp này. Chàng trai đang ở đâu trong số đám trai làng kia?

Trưởng làng thông báo rằng cái Vừng và anh Than đi vớt củi rều, bị trượt chân rơi xuống sông Phăng mất xác. Đầu tôi nóng như có hàng trăm ngọn đèn mỡ rắn đang cháy bên trong, bừng ran, sửng sốt. Cái Vừng là đứa bạn thân với thằng Ngà nhất trong ngôi làng này. Bởi vậy, thằng Ngà trở nên thơ thẩn như bị ma mượn mất hồn. Tôi đến bên an ủi nó:

– Đừng buồn nữa.

Thằng Ngà òa lên khóc tức tưởi:

– Mày biết tại sao họ chết không, Len?

Thằng Ngà thủ thỉ kể, cái Vừng rất yêu anh Than. Những đêm không trăng, họ thường rủ nhau ra sông Phăng xem bầy cá mù phát sáng. Càng gần tuổi mười sáu, gương mặt Vừng càng hằn sâu những nét ưu phiền. Và rồi, ngày Vừng hiến trinh cũng tới. Tiếng trống thúc đuổi đôi chân Vừng lẩy bẩy bước lên bục đá hình vuông. Cả mảnh vải trắng trải ngay ngắn bên dưới và những đôi mắt của đám trai tân xung quanh đều đang ngóng đợi. Chưa bao giờ thằng Ngà thấy có một mảnh vải trắng đến vậy, trắng nhói mắt. Đã tàn hồi hương mà mảnh vải vẫn trắng vô tình. Trưởng làng ra lệnh hành hình. Lũ trai tân ùa vào trói tay, trói chân Vừng thật chặt bằng những sợi dây chặc chìu dẻo quéo. Rồi trưởng làng lấy cái kim to bằng búi gai bồ kết xâu sẵn chỉ đỏ mà ông vẫn thường mang theo bên mình mỗi khi chủ trì lễ Hiến trinh, khâu cái kẽ nứt giữa hai đùi Vừng lại. Mặc cho Vừng giãy khóc vật vã, đôi tay rắn rỏi của trưởng làng vẫn không ngừng khâu và siết. Siết và khâu. Đoạn, trưởng làng hất mặt ra hiệu cho đám thanh niên khênh Vừng, qua ngách nhỏ đằng sau tượng thần, đi lên đỉnh thác Buông và lấy đà ném thẳng xuống dòng sông Phăng phẫn nộ. Ngay sau đó, anh Than cũng gọi tên Vừng và bay xuống theo. Diễn biến lễ Hiến trinh là tuyệt mật. Ai tiết lộ cho một cô gái còn trinh biết sẽ bị cắt lưỡi tế thần!

Luật lệ. Hình phạt. Một chiếc kim giết chết một cuộc đời. Một bàn tay nhuốm máu tanh đồng loại. Cô gái ấy vì đâu nên nỗi? Chính con người hủy hoại lẫn nhau? Hay sự xuất hiện của ta là khởi nguồn sâu xa cho bóng đen tội lỗi?

Hôm nay, tôi tròn mười sáu, cũng là ngày tôi làm lễ Hiến trinh. Tắm nước cánh hoa xong, tôi rề rà tiến đến tượng thần Vĩnh Cửu, lòng bỗng bồn chồn. Tôi sắp lấy chồng? Tôi phải chọn ai? Không! Tôi không muốn như mẹ tôi, cứ cách vài năm, cái bụng lại trương phềnh như một con cóc chết ngâm nước. Tôi chỉ muốn tự do trên lưng ngựa, thong dong xẻ núi, băng rừng. Tôi chưa từng rung động trước thằng con trai nào, kể cả thằng Ngà. Tại sao giữa hai đùi tôi là một kẽ nứt mà không phải một thanh kiếm? Chợt nhớ cái Vừng, ngực tôi nhói lên nhức nhối. Tấm vải trắng muốt đã được phủ lên bục đá trước mặt, rũ mềm và thanh thản. Chẳng hiểu sao, tôi tưởng tượng ra tàng hình trong màu trắng tinh khôi ấy là một cái miệng khổng lồ đang chực nuốt lấy những giọt máu màu cánh hoa đỗ quyên rỉ ra từ kẽ nứt của tôi. Tôi không sợ đau. Tôi chỉ thấy kinh tởm. Que hương bên cạnh đã cháy già một nửa. Tượng thần Vĩnh Cửu đang nhìn tôi. Trai làng đang nhìn tôi. Và cả thanh kiếm nhẵn thín từng dính máu bao trinh nữ kia như cũng trổ ra một con mắt sắc lẹm vừa giễu cợt, vừa đe dọa.

Chẳng phải cô gái ngày xưa vẫn thường theo người đàn bà đến thắp đèn mỡ rắn đây sao? Đến lượt nàng? Đến lượt nàng phải thực hiện điều quái ác kia? Hãy để ta yên! Xin đừng đụng chạm vào ta! Hoặc hãy xô đổ ta còn hơn đày đọa thân ta bằng cách đó. Cô gái…

Chân tôi lừng khừng đặt lên bục đá. Tôi liếc tượng thần Vĩnh Cửu rồi lăm lăm nhìn thanh kiếm sắp chọc vào kẽ nứt giữa hai đùi mình mà chỉ chút nữa thôi, nó sẽ quyết định số phận đời tôi. Không! Nó không xứng đáng là thanh kiếm. Nó chỉ là cục đá thừa vô tích sự. Vậy mà bao thiếu nữ phải cắn răng chịu đau hiến dâng cho nó. Cục đá thừa. Chỉ là cục đá thừa thôi! Vậy mà dân làng luôn tôn thờ nó là cội nguồn hạnh phúc. Tôi thầm trách bậc cố nhân nào đó khi tạc bức tượng này đã táy máy đục thêm cái sinh thực khí nam kia? Đầu tôi rối vò. Khói hương là đà bay, xộc vào cánh mũi tôi nưng nức như đang hối thúc. Từng mao mạch hai bên thái dương tôi ùn ùn chuyển động như dòng sông Phăng mùa lũ. Bất chợt, tôi lùi bước, gồng mình bê bục đá lên cao quá đầu rồi ném mạnh…

Cảm ơn cô gái đã giải thoát đời ta. Cuối cùng, cái sinh thực khí nam thừa thãi mà ta không cần đến đã đứt lìa khỏi thân thể. Đứt lìa hoàn toàn. Đứt lìa mãi mãi. Đau! Ta chịu được nỗi đau thân xác này. Đau! Một kẽ nứt mở ra như hạt giống tách vỏ chuẩn bị nảy bung mầm sống. Từ ấy, ta sẽ tự tái sinh trong hình hài đúng nghĩa. Ta sẽ tái sinh! Ta sẽ tái sinh!

Đám trai tân vây quanh nhìn tôi, sững sờ. Vằn mắt nổi đỏ, tôi hằm hằm cúi xuống nhặt lấy cục đá thừa, giơ lên, bóp mạnh. Và đột nhiên cười giòn giã, tôi tuyên bố:

– Từ nay, sẽ không ai phải đau khổ vì ngươi!

– Len! – Tiếng trưởng làng hộc tốc rú lên như con hổ trọng thương – Ngươi làm gì vậy? Mau bắt con quỷ cái này lại.

Mặc thân thể lõa lồ, tôi chạy theo ngách nhỏ sâu thẳm dẫn ra thác Buông. Từ đây, không gợn đắn đo, tôi ung dung dang hai tay bay xuống dòng sông Phăng bên dưới. Tôi đang bay, đang bay. Bay xuống sông Phăng ở độ cao này cũng đồng nghĩa với việc đang tự nguyện nộp mạng cho địa ngục. Tôi đã nhìn thấy gương mặt Vừng hiện ra với đôi mắt trong veo, nụ cười e ấp. Vừng ơi…

Linh hồn ta chui qua kẽ nứt, lơ lửng bay theo cô gái…

Những đợt nước tát vào mặt, vào ngực nhói tức nhắc tôi rằng tôi vẫn còn tồn tại giữa lằn ranh giới hai miền sống – chết. Và tôi giống như một quả trứng luộc trong luồng nước cuộn trào ùng ục. Cánh tay nhức mỏi của tôi cố quờ quật ngoi đầu lên khỏi mặt nước đang cuồng điên cào xé, giằng giật. Mồm tôi hớp vội từng ngụm không khí rát bỏng. Nước. Bao vây tôi là nước. Nước, khi bàng bạc như ánh trăng, khi hoang hoải như ráng mỡ gà báo bão. Mắt tôi nhòe đi. Toàn thân rã rời…

Cô gái, chìa tay ra… Sao bàn tay ta lại không thể nắm lấy tay nàng thế này? Ta nhìn lại mình. Ta không còn là pho tượng đá. Ta giờ là khói. Ta giờ là sương. Phù du. Mỏng mảnh…

 Xa xa, đang tiến lại một đám mây màu trắng. Tay tôi vớ được đám mây… Đám mây nhung mềm, ướt rượt trôi đi hư ảo, bồng bềnh. Tôi gắng gượng trèo lên đám mây bằng chút tàn sức chập chờn, sau rốt. Như có phép màu, một bàn tay nắm lấy tay tôi… Là thần Vĩnh Cửu? Tôi lả đi.. Buông…buông… buông… buông…

Cô gái, trước lúc lả đi, nàng có còn đủ tỉnh táo để nhìn thấy những ai cứu nàng thoát khỏi cái chết trong gang tấc không?

Mắt tôi không mở ra nổi. Chờn vờn hiện lên trong trí nhớ là dòng sông tàn độc cuốn trôi tất thảy. Cuốn trôi đám mây. Cuốn trôi…

Cô gái, hãy nói với ta, đây chỉ là một cơn ác mộng…

Cuốn trôi cả thằng Ngà đi mất. Họ đã cứu sống tôi nhưng không cứu nổi chính mình. Bất giác, tôi giật tỉnh, miệng ú ớ không thành tiếng…

Cô gái! Ta sẽ thay nàng trôi theo dòng nước sông Phăng, đi tìm linh hồn chàng trai và con hổ trắng…

Ta là bức tượng đàn ông mang trái tim phụ nữ…

Và ta đã yêu…                

*****

Chuyên mục TRUYỆN HAY của những ngày cuối năm, mọi người rộn ràng lo tết Quý Mão, Cầm Kỳ Official xin giới thiệu truyện ngắn XÁC ĐÁ của nhà văn Phan Đức Lộc.

Nhà văn Phan Đức Lộc sáng tác khi còn rất trẻ, luôn tìm tòi hướng đi mới. Với XÁC ĐÁ, dường như anh đang cố gắng trình bày nội tâm, vượt qua lối mòn giới tính, để tìm ánh sáng huyền diệu cho những bản thể tổng hòa trên thế gian. Đây là một truyện ngắn đề cập đến vấn đề không giới tính. Được viết theo hướng mở, mà tác giả cho hai giọng điệu, một giọng điệu của bức tượng đá, và một giọng điệu của nhân vật nữ…

Nhà văn Phan Đức Lộc

– Sinh ngày 24/12/1995.

– Quê quán: Đức Thành, Yên Thành, Nghệ An.

– Tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân năm 2017.

– Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021.

– Là đại biểu dự Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam, lần thứ III, năm 2020.

Đại biểu dự Hội nghị Viết văn Trẻ toàn quốc lần thứ 10, năm 2022

– Đã có hơn 300 tác phẩm thơ, truyện ngắn, tản văn, lý luận phê bình văn học, bài báo đăng tải trên các báo và tạp chí: Nhân dân hằng tháng, Nhà văn và Tác phẩm, Văn nghệ, Văn nghệ Công an, Văn nghệ Quân đội, Quân đội nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tiền phong, Tuổi trẻ…

Đã có 9 tập sách

* Các đầu sách in riêng:

1. Tập truyện ngắn “Chuyện dang dở”, NXB Hội Nhà văn, năm 2016.

2. Tập tản văn “Mùa sương thương mẹ”, NXB Kim Đồng, năm 2017.

3. Truyện dài thiếu nhi “Cuộc phiêu lưu của Gà Ô và Quạ Khoang”, NXB Văn học, năm 2017.

4. Tập tản văn “Ngõ hoa một thuở gót mềm”, NXB Quân đội nhân dân, năm 2018.

5. Tập truyện ngắn “Kiếp người trôi ngược”, NXB Thanh niên, năm 2018.

6.Tập truyện ngắn “Mùa sen trắng”, NXB Dân trí, năm 2020.

7. Tiểu thuyết “Tuyết đỏ”, NXB Hội Nhà văn, năm 2020.

8. Tập truyện kỹ năng sống cho thiếu nhi “Được đi học, thật hạnh phúc”, NXB Phụ nữ, năm 2022.

9. Tập tản văn “Tôi sẽ bay”, NXB Kim Đồng, năm 2022.

Phan Đức Lộc là một nhà văn trẻ tài ba, anh đã có tới 18 giải thưởng văn học, như:

* Các giải thưởng:

1. Giải Nhất truyện ngắn, cuộc thi Sáng tác văn học trẻ, năm 2018.

2. Giải Nhất cuộc thi Nhà biên kịch tài ba, Học viện Đào tạo hoạt hình quốc tế Sconnect, năm 2022.

3. Giải Nhất báo chí, cuộc thi viết về đề tài Covid-19, báo Dân Việt, năm 2021.

4. Giải Nhì truyện ngắn, cuộc thi truyện ngắn 2018 – 2020, Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm (Hội Nhà văn Việt Nam).

5. Giải B truyện ngắn, Trại sáng tác văn học về hình tượng CSND do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn tổ chức 2022.

6. Giải Nhì thơ, cuộc thi sáng tác thơ, truyện ngắn và ký về Tòa án nhân dân do Tòa án nhân dân Tối cao tổ chức, năm 2020.

7. Giải Nhì, cuộc thi thơ Tôi yêu đất nước tôi của VTV, năm 2020.

8. Giải Nhì thơ, cuộc thi Rừng là cuộc sống của tôi của Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với báo Nông nghiệp Việt Nam, năm 2020.

9. Giải Ba truyện ngắn, cuộc thi viết về hình ảnh người CSGT, Bộ Công an, năm 2021.

10. Giải Ba truyện ngắn, cuộc thi Một nửa làm đầy thế giới, NXB Văn hóa – Văn nghệ tổ chức với sự tài trợ của dự án thuộc Giải LiBeratupreis-Frankfurt (Đức), năm 2019.

11. Giải Ba văn xuôi, Giải thưởng VHNT tỉnh Điện Biên lần thứ III, giai đoạn 2014-2019.

12. Giải Ba thơ, cuộc thi thơ Điện Biên, Tạp chí Văn nghệ Điện Biên, năm 2019

13. Giải Ba truyện ngắn, Cuộc thi sáng tác cho tuổi thơ, năm 2019.

14. Giải Ba thơ, cuộc thi sáng tác về phụ nữ của Hội LHPN Việt Nam 2020.

15. Giải C truyện ngắn Cây bút vàng – Bộ Công an 2021.

16. Giải Khuyến khích kịch bản văn học, Cuộc thi Nhà viết kịch tài năng, tổ chức Good Neighbors International, năm 2019

17. Giải Khuyến khích thơ, cuộc thi thơ Haiku Việt – Nhật lần thứ VII, năm 2019.

18. Giải Khuyến khích tản văn, cuộc thi Ký ức Tết trong tôi, Báo Dân Việt, năm 2020.

Mời quý vị nghe truyện ngắn XÁC ĐÁ của nhà văn Phan Đức Lộc, Qua sự thể hiện của nhà văn Võ Thị Xuân Hà