Mai Anh Tuấn

Chị là người bạn xa nhất, ở Mĩ, ngay thành phố New York. Chị có cái tên làm tôi xao động: Hoàng Ly. Tôi chưa gặp trực tiếp chị bao giờ, chỉ nhìn ảnh chị và gọi đùa là “chị Mập”. Những câu hát thân phận đã khiến tôi quen chị. Là cứ văn vẻ thế, thực hư thế nào tôi cũng không nhớ rõ nữa. Chỉ nhớ, lần đầu tiên nhận được những hồi âm của chị, tôi đã vui sướng vô ngần, không cần biết đường phố đầy nghịt xe người, cứ chạy ùa theo cơn mưa để về phòng trọ và đánh dấu vào sổ tay nhòe nhoẹt địa chỉ hòm thư nhà lắm địa danh lạ lẫm xa xôi. Rồi sau đó, nghĩa là rất nhiều thời gian trôi đi cùng bước chân lang bạt của mình, tôi như đứa em hiền lành từ quê nhà kể lể cho chị mọi thứ riêng tư. Thơ tình Lorca, những dòng kinh rám nắng sân chùa hay những thì thầm truyền tai kì khôi về chàng Casanova lãng tử. Cả những thất vọng tuổi trẻ mà tôi thường vơ vào vô cớ. Cũng có khi, tôi kể với chị một món ăn mà tôi triền miên chịu đựng thuở bé: cà muối. Tôi bảo chị cứ về nhà em đi, ba gian đầy cả ba gian nắng chiều(1), mùa hè tắm sông, mùa đông sưởi lửa bếp khói nồng. Mùa nào thức ấy nhưng nhất định tôi sẽ mời chị món cà muối ăn với khoai lang luộc, hẳn sẽ đậm đà hơn so với khế ngọt trong thơ. Chị cười (ở e-mail thôi), bảo sẽ về. Và chị còn hứa, điều này thì rất bất ngờ nhưng hợp ý tôi lắm, rằng chị sẽ lang thang với tôi.

Chắc thể nào tôi cũng dẫn chị đứng nhìn hỏa xa. Đó là hình ảnh duy nhất của làng tôi gợi nên những chuyến đi, như điệu kèn phiêu bạt lướt qua cánh đồng cằn cỗi, bỏ mặc trên cao mây không ngừng trắng trổ dài đến tận bờ sông. Cha tôi đã từng lên chuyến hỏa xa đó, vào lúc mẹ tôi vừa chớm đôi mươi và chưa hề biết chuyện tình thời chiến lắm nỗi buồn thương. Có lẽ cha tôi đã đến quê chị, Sài Gòn, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng khốc liệt, rồi không về nữa, khiến mẹ tôi luôn sợ ai đó kể lại tiếng hỏa xa thúc xé buổi chiều từ biệt, dù sau mấy chục năm mẹ đã thôi gửi hi vọng vào những lá thư thầm thĩ chờ mong ngày tái ngộ trên sân ga xép nhỏ bé lãng quên. Khi tôi lớn và bắt đầu biết cuồng chân trước bờ đê thâm thấp ngăn làng tôi với bên kia ánh đèn lả lơi phố huyện, tôi quyết lấm lem bụi đỏ đường đi, lòng quả có giận dỗi xứ mình nghèo khổ, tuy mệt và thường hay đói lả, nhưng được thản nhiên chìa tay xin những bóng mưa làm nguôi ngoai mộng tưởng bỏng rát của mình. Rất nhiều nhà ga tỉnh lị dằng dặc tên chữ tên nôm lướt qua tôi chẳng còn nhớ nhưng dường như hễ dừng lại đâu cũng đông nghịt người nhao nhác xá chào ruột thịt cho chuyến mưu sinh chưa định phương trời của mình. Đấy, nếu chị về, tôi sẽ đưa chị lên hỏa xa, đi đoạn đường thật dài, điều mà mẹ tôi chẳng bao giờ làm với cha tôi, để chị nhớ thật lâu màu cát xám xịt ngút ngàn giữa mùa biển động. Tôi muốn chị kể với ai đó hoặc với một người đàn ông na ná cha tôi về cảm giác tủi phận má đào mà mẹ tôi phải đeo đẳng suốt xuân thì cho con tạo thôi lòng đố kị…
Ảnh minh họa

Chị thường kể cho tôi cuộc sống người xa xứ. Kiếm tiền là điều khắc nghiệt nhất. Không thể không có tiền giữa nước Mĩ được. Cái từ chị hay nhấn mạnh và lặp lại với tôi là “busy”, “bận rộn lắm cưng à”. Nó đồng nghĩa với kiếm việc, căng mình làm việc và tích cóp tiền bạc. Busy trở thành ý niệm sống của chị, mỗi ngày bắt đầu bằng busy, từ sáng đến tối mới có thể tạo dựng một tình thế sống tuy chưa đẹp mặt hơn người nhưng cũng không để sa vào nhếch nhác, túng quẫn. Mặc dù vất vả thế và không hiếm lần chạm mức ngặt nghèo xoay xở đủ đường, chị vẫn giữ thói quen theo nhiều đêm nhạc Trịnh trên đất Mĩ. Những câu hát chẳng dễ dàng thấm hiểu nhưng như chị tâm tình, nghe để được trọn vẹn busy nhưng là cái bận rộn cho tâm hồn, cho những lần tự bản thân làm Narcisse ngắm mình chốc lát, trốn tránh ồn ã bên ngoài, và nhất là để nâng bước chân mình lên khỏi hố thẳm mỏi mệt và cô đơn. Phận người xa xứ với nhiều hoài niệm và mặc cảm đâu giản đơn nói toạc với ai, nên chỉ cần nhẩm theo thanh âm tiếng mẹ để vợi bớt cảm giác nổi nênh chân trời góc bể. Có lần chị than hoài khi chị biết bạn mình ở miết phố Redlight (phố đèn đỏ), cầm theo lời chúc phúc của quê nhà như cầm viên sỏi nóng bỏng hòa tan vào ánh sáng ảo mờ trong quán bar nhà thổ, xác thân phó mặc đọa đày hư vô. Thế hệ của chị dạt đến miền đất hứa hoàn toàn ngẫu nhiên và đường đột, rất khác với những người đàn bà quê tôi sau này chủ động sang xứ người làm vợ, âm thầm kiên định kiếm tiền nuôi đủ vài con với một chồng quẩn quanh quê nhà. Chị không có được tâm thế chủ động ấy, nên đâu có ai mong ngóng mình, và bằng giọng hài hước để át đi ngậm ngùi, chị bảo cũng chẳng gửi về được bao nhiêu, trong cái gọi là kiều hối dồn dập mỗi dịp cuối năm.

Chị bảo chị phải chuyển nhà thường xuyên vì mức tài chính của chị không đủ trả tiền thuê nhà. Hôm rồi chị e-mail cho tôi là đã tìm được nhà mới, dòng tin ngắn mà giọng vui khôn tả, đo được những mấy chục mét vuông hạnh phúc nhưng giá thuê thì khá rẻ. Vậy là chị có thể an cư trong một thời gian, tạm thời vơi bớt âu lo về chốn trú ngụ của mình. Tâm lí an cư vốn dĩ đã bền chắc trong làng xã thuần nông truyền thống. Chỉ đến thời hiện đại, đặc biệt là khi vẫn những con người thuần nông ấy tiếp xúc với văn hóa, lối sống phương Tây thì kiểu sống xê dịch, phiêu lưu bất chấp các ràng buộc không gian mới được đề cao. Tôi nghĩ, bất cứ người Việt nào cũng đều muốn an cư, ngoại trừ những rủi ro số phận hoặc do tạo hóa ban cho định mệnh bứng khỏi cội rễ, họ mới sống với tư cách là cá nhân lưu lạc quê người đắng khói quê người cay men(2)…

Những năm gần đây, thái độ sống giang hồ có vẻ trở thành thứ nước hoa cho nhiều người, nhất là giới trẻ. Cái hấp dẫn của “sống bụi – đi phượt” với nghĩa là buông theo mọi ngả không gian từ vỉa hè đường phố đến rừng sâu núi thắm, lướt theo mọi kiểu cách từ bình dân đến thượng hạng, và ứng xử theo nhiều kịch bản từ lương thiện tử tế đến tha hóa nửa mùa dường như đã đánh trúng sự háo hức dấn thân trải nghiệm. Trái ngược với thói quen thích ở yên một chỗ và tự do trong thế giới “ao ta” của không ít người đang độ trung niên, nhiều người trẻ lại đề cao và sẵn sàng đánh đổi tuổi trẻ, tiền bạc, sức lực để một lần kiêu hãnh kinh qua những trầy trượt nay đây mai đó, bất định phương hướng. Tôi không rõ trong số đó, những ai khởi đầu phiêu lưu giang hồ bởi ý niệm triết học về không gian sống và về bản thể, thay vì chỉ học đòi, a dua lối sống mà tính tạm bợ, xộc xệch, trôi nổi được đề cao? Tôi cũng đã từng ước nếu có trong mình ba thứ của người Tây Tạng là Chupa, Chang và Phorpa(3), thì sẽ rời khỏi cái thành phố bày chật quảng cáo khoan cắt bê tông này, để làm thi sĩ lênh đênh với ước vọng khôn nguôi về biển cả, đại dương. Nhưng lại tự thấy mình quá cầu toàn, không thể đem thân quẳng vào dấu chân mây, ngủ mấy chân trời đã thấy hoang mang thì không thể trở về như kiểu người hùng Ulysses, dù là người hùng tự thêu dệt, với khúc ca hồi hương tuyệt đẹp của mình. Rút cuộc, thể tất cho mình kém cỏi, tôi đành tìm cách mường tượng cuộc sống tha phương bằng sự đọc khá nhiều sách vở về/của cộng đồng di dân, để có thể thông hiểu phần nào một hạt cát di dân nhỏ nhoi là chị, Hoàng Ly, thương mến của tôi.

Đôi lúc, sau lời than phiền của chị về nhà cửa, tôi đã hồi âm với nhiều bàn luận đẩu đâu mà tôi lấy ra từ những cuốn sách đã đọc. Nhớ có lần, phải vì ai đó đang cao giọng về sự đa dạng bản sắc, tôi lẩn thẩn hỏi chị rằng liệu những thiểu số di dân có bị nhòe đi giữa nơi trú xứ không? Và liệu rằng, từ xứ nhà đến trú xứ là từ đơn văn hóa sang đa văn hóa, là công dân toàn cầu phải không? Chị nói trời ơi, đấy là sách vở, chứ mấy mươi năm lưu lạc hơn quá đời Kiều như chị, thì sức đâu để nghĩ chuyện bao đồng, nếu giả có bản sắc thì nó thật nhỏ bé, vụn vặt xiết bao so với chuyện học hành, công việc của con cái, cháu chắt đang bức thiết mỗi ngày. Thế quê cha đất tổ? Chị bảo, chẳng mất đi đâu, vì nó đôi khi chính là màu ngói cũ xưa, là cái chuông làng loáng thoáng hiện trên gương mặt và giọng nói của người quen mà chị chưa kịp nhớ. Nhưng phải vì tâm trí của mình nông cạn mà chỉ cần được ngắm một nụ cười đậu trên vai cố nhân giữa thiên hạ bao la màu da ngôn ngữ, cũng đã thành kỉ niệm; được chào đón mình minh trong vòng tay bằng hữu cũng đã là niềm vui cho phút hội ngộ ngắn chửa tày gang. Và nhờ thế nên dẫu mưu sinh nhọc nhằn hay rồi đây sẽ chìm vào lòng đất xa lạ thì vẫn luôn tự nhủ mình cố gắng vượt qua mọi trắc trở nhân gian và bình tâm sống như nhánh cỏ lau ủ mát bước chân khách bộ hành.

Giáng Sinh nào tôi cũng nhận được thiệp chúc mừng của chị. Mấy chữ ước mong sức khỏe, an lành thật ấm áp như máu mủ tình thân. Cha tôi thì chẳng để lại dòng chữ nào, khiến tôi đơn độc như con kiến chẳng biết tha gì và kiệt sức trong kí ức trống rỗng. Nhưng nhờ chị, tôi đủ đầy kí tự yêu thương mà chẳng gì đánh đổi được. Rất nhiều đêm tôi nhớ chị và hình dung một cuộc sum vầy nào đó.
Chắc phải lâu nữa hoặc chẳng bao giờ.
M.A.T
———
1; 2: Thơ của Nguyễn Bính
3: Chupa: một loại áo khoác có dây vải thắt lưng; Chang: loại rượu làm bằng lúa mạch; Phorpa: cốc đựng rượu. Cả ba là vật dụng thân thiết của người Tây Tạng.

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version