Xa lộ 66 và ngã ba đường

Tạp văn của Thái Bảo


Đã một thời xa lộ US66 là con đường mạch huyết, đầu tiên của Hoa Kỳ nối liền bờ Đông và bờ Tây từ Chicago đến Los Angeles, miền đất hứa Californiaxa lộ dài nhất thế giới (2278 dặm). Một tay đua cự phách muốn quét trọn bụi xa lộ này phải cần lái xe không nghỉ 30 giờ căng thẳng. US66 chính là biểu tượng cho sự tự do, sự chinh phục miền viễn Tây, và cả sự đơn độc của nước Mỹ. Thế mà ngày nay, xa lộ 66 đã hoàn toàn biến mất. Chỉ còn bóng dáng trong tiểu thuyết Chùm nho uất hận hoặc trong  bài ca Cú hích trên cung đường 66 của nhạc sĩ nhạc jazz lừng danh Bobby Troup. Thế mới biết trong cõi trần tạm bợ này chẳng có cái gì trường tồn mãi. Chỉ cái chớp mắt của thời gian, một cái tên, một sáng tác chỉ còn hư vô.

Xa lộ US66 bắt đầu hình thành từ  năm 1926. Đến mùa thu năm 1937, tác giả Chùm nho uất hận John Steinbeck đã theo bước chân những người nông dân từ hai bang Kansas và Oklahoma kéo về miền viễn Tây trong thời Đại khủng hoảng. Gia đình Tôm đã đi xuyên qua xa lộ 66, băng qua sự đói lạnh giá rét. Bây giờ chúng ta đi từTexas đếnCali chẳng cần chuẩn bị gì hết. Quan trọng xe đừng overheat giữa đường  hoặc máy lạnh vẫn chạy tốt.  Chẳng bù thời đó, Tom đã thịt hai con heo để làm thịt xông muối- thức ăn đi đường. Khổ cực như vậy, nhưng gia đình Tôm vẫn bế tắc khi đến được vùng đất hứa. Nhiều người thắc mắc tại sao John Steinbeck gọi xa lộ US66 bằng cái tên mĩ miều con đường Mẹ. Có lẽ từ chi tiết cô con gái Rozahan dùng sữa từ chính bầu vú căng phồng mới sinh con để cứu sống một ông già đang thoi thóp sau sáu ngày nhịn đói, hay từ hình ảnh những bà mẹ đáng thương khác đang vật vưỡng trên con đường chinh phục miền Tây!? Bất luận từ chi tiết nào, xa lộ US66- xa lô đầu tiên của nước Mỹ vẫn xứng với cái tên con đường Mẹ.

Xe chạy vun vút mà lòng cứ nghĩ về nạn đói, sự trốn chạy của con người từ bờ Đông sang bờ Tây. Thời đó gần một phần tư  người Mỹ thất nghiệp. Ghê thật. Năm nay 2013, nước Mỹ vẫn còn thất nghiệp đầy đường. Ít ai dám nghĩ xứ giàu nhất thế giới này lại có hơn 633 ngàn người không nhà cửa. Bị homeless dễ lắm, cứ mất việc sáu tháng thử coi, không người thân, không gia đình nương tựa, bạn bị đá văng ra đường ngay. Và nhất các bác hút chích luôn là ủy viên thường trực của hội đồng không nhà cửa. Các công ty ở Mỹ không bao giờ tuyển người chơi ma túy. (Thường làm xét nghiệm máu trước khi tuyển.)

Mới hai tháng trước, người phụ nữ tóc vàng này vẫn còn làm việc như một nha tá, nay chị phải đứng trên đường…không phải đứng đường đâu nhé…cầu xin một nơi trú chân. Trên đời này có hai thứ không thể giấu lâu được. Đó là cái đói và cái dốt. Dốt còn có thể khua môi múa mép một thời gian. Chứ đói hả, bao nhiêu sĩ diện cũng đều đi ngủ cả.

Tạt vô thị trấn kiếm bữa ăn trưa. Quay lại xa lô. Một anh chàng có vẻ rụt rè  đứng đón xe ngay exit-lối vào xa lộ. Nhìn kỹ mới biết anh ta vừa từ trong tù ra với túi xách lỉnh kỉnh (Có trung tâm cải huấn gần đó). Nơi đèo heo hút gió như thế này hiếm khi có khách lỡ đường. Em rể ngồi sau xe can ngăn, biết anh ta có còn là người tốt không mà cho lên xe. Trời, người ta vừa ra tù, kẻ đang ở đáy tận cùng xã hội mà không giúp được, vậy giúp cho ai đây.Tấp xe vô lề,  đáng tiếc anh ta không đến Midpoint. Lỡ một việc thiện. Chợt nghĩ đến ngày xưa, ba mình ra khỏi trại An Điềm phải đón xe mấy lần mới về đến Tam Kỳ. Không hiểu sao mấy bác tài xế miền Trung thời ấy chẳng chịu lấy tiền ba tôi.

Xa lộ 66 băng qua bangTexasđã trở thành quá khứ. Thỉnh thoảng vẫn còn tấm bảng hoài niệm US66 ngày xưa. Sau thời đại khủng hoảng, kinh tế phát triển phồn vịnh, người Mỹ xây dựng hệ thống xa lộ nhiều hơn và xa lộ 66 đi vào quên lãng. Đất Mỹ quá dư thừa, người ta xây xa lộ mới mà không đoái hoài gì xa lộ cũ. Một kilomet đường xa lộ bên này chỉ tốn 2 triệu đô. Chẳng bù ở ViệtNamphải tốn hết 12 triệu.

Và đây dấu tích một thời mà ai cũng muốn ghé thăm. Tấm bảng Midpoint tại thị trấn Adrian Texas.

Điểm ngay chính giữa hai đầu xa lộ 66 khi xưa, giữa thành phốChicagovàLos Angeles. Nhìn tấm bảng chỉ đường, không thể không nghĩ đến Tam Kỳ. Mặc dù phố nhỏ Tam Kỳ chỉ gần chính xác giữa Hà Nội và Sài Gòn thôi. Cách Hà Nội 932 cây số, cách Sài Gòn 832 cây. Có lẽ Tam Kỳ mới nằm  chính giữa của trục đường sắt BắcNam.

Đi dăm ba phút đã gần hết thị trấn. Ghé luôn vào quán cà phê Midpoint cũ kỹ nhưng rất nổi tiếng.

Quán café nhỏ bé bán thức uống và cả thức ăn. Cách trang trí như hồi thập niên 30. Trong quán cái gì cũng gắn liền chữ xa lộ 66. Ngay cà những lọ muối kỉ niệm cũng mang tên muối 66. Thực ra người Mỹ ít sản xuất muối cho dù họ có bờ biển rất dài. Mà mua muối từ Pháp, rẻ hơn làm tại Mỹ…Đó là tính thực tế của người Mỹ. Và lòng tự hỏi sao người Tam Kỳ mình không làm một quán café như vậy để thu hút khách qua đường.


Mấy anh em tôi tán dóc về cái tên quán café Midpoint nếu chuyển ngữ ra sao. Cà phê Trung điểm hay Điểm giữa? Nghe nó bình dân sao sao đó. Chợt bác Xui – người có thời gian chinh chiến ở Chu Lai – đề cử tên quán cà phê Giữa Đàng. Nghe hay ra phết, vừa có ý nghĩa phong trần, vừa đủ nghĩa Midpoint. Chắc mình phải về Tam Kỳ mở quán Giữa Đàng quá. Mơ màng thế nào không biết, em tóc vàng đi lướt qua. Giật cả mình. Chiếc bánh cookie rơi tõm vào chiếc cốc làm cà phê sóng sánh, rồi tung tóe ra bàn. Người em rể phì cười. Giấy napkin đây anh, lau bàn giùm em. Lần này gặp mặt em ấy xong, nhất định phải cưới vợ nha. Ừ, quyết định vậy đi.

“Nên lấy vợ! Gặp vợ hiền, bạn được hạnh phúc; gặp vợ dữ, bạn thành… triết gia; đằng nào cũng có lợi!” Socrates hay thiệt.