“All things excellent are as difficult as they are rare”

-Spinoza. (Ethics, V, 42) (*)

Mozart phải sống và phải chết như thế sao? Đúng vậy! đó là con người của lịch sử, lịch sử của nhân loại đã sản sinh ra một nhân tài kiệt xuất, không ngoài những dữ kiện khác để được tôn vinh, mà ở đây chúng ta phải ghi nhận sự phi thường vô tiền khoáng hậu, một thiên tài siêu đẳng đã thay đổi hẳn bộ mặt xã hội Áo quốc, kể cả trời Âu thời bấy giờ, đều nghiêng mình kính cẩn trước một tài hoa siêu việt về âm nhạc của Mozart.

Hơn hai thế kỷ qua chưa có ai thay thế một hiện tượng âm nhạc như thế hoặc làm được như Người đã làm. Người đó chính là Wolfgang Amadeus Mozart. Wolfgang đã hiện hữu qua mọi thời đại khác nhau, qua mọi góc độ khác nhau và đôi khi người ta cho đó là huyễn-tượng-phi-thực(?) Nhưng rồi con người cảm hóa được cái tài mệnh đó như sự khâm phục tuôn chảy suốt cả dòng đời. Mozart sống trọn vẹn chức năng của một nghệ sĩ đúng nghĩa; hình như định mệnh giao phó cái nhiệm vụ kỳ bí đó cho Mozart hay ông nhận sự ban ơn, sủng ái của Thượng đế? Thời đó người ta cho rằng sự hiện sinh của Wolfgang chính là sự hiện hữu của Thượng đế. ”if God does not exist,everything is permitted”  ấy là mầu nhiệm chưa từng có của con người phi thường, cái phi thường chỉ đến với đức tin và chỉ đến với Thượng đế mà không ai nhận ra được, mà thực chất là như thế; một sự mất biến giữa có và không, giữa hữu hình và vô hình, giữa siêu việt và toàn năng, điều đó đã xác định như một sức mạnh vô biên đánh đổ những ma thuật và phi nghĩa bởi những suy tư nông cạn và rỗng tuếch.(God indeed looked like disappearing.Faith must come to term with the dread of emptiness and the persistence of evil or take to irration enthusiasm). Đó không phải là những lời lẽ biện minh mà ngay cả Antonio Salieri (1750-1825) nhà soạn nhạc lừng danh cùng thời với Mozart, sát cánh với Mozart trong triều đại của  Emperor Joseph II; từ thưở thiếu thời cho tới ngày Wolfgang lâm chung; chính cái khám phá thiên tài lỗi lạc đó là cả một thay đổi lớn, thay đổi luôn cả cuộc đời Salieri, kinh hoàng trước một thiên tài phi thường chưa từng có trong đời, cuối cùng biến Salieri trở thành con người phản đạo, phản đời bởi sự ban ơn bất công và ngược đãi của Thượng đế đối với lòng mong muốn của ông. Để rồi; cuối đời Antonio Salieri trở thành người mất trí ở thành Vienna Áo quốc.

Amadeus phải sống bằng trái tim của Thượng đế, phải chấp nhận sự khổ hạnh (passion) khổ hạnh của tình yêu và cuộc đời. Có thể đây là cái nhìn chủ quan chăng? Nhưng dẫu sao Mozart đã sống như một nhạc sĩ vĩ đại, một hiện tượng âm nhạc lừng danh siêu đẳng (sublime music) của thế kỷ và tạo nên một bề dày lịch sử âm nhạc.

Hãy lắng nghe tiếng nhạc của W.A.Mozart để tìm thấy con người thật của Wolfgang. Âm nhạc của Wolfgang gắn liền với đời mình, những thanh âm trôi chảy, thánh thót hay những nốt nhạc cao thấp, trầm bổng bức phá tận cùng, có khi vút cao giữa không gian vô tận hay gầm thét giữa đại dương bao la; đó là hình thái của phản kháng nội tại một đối kháng dữ dội của con người nghệ sĩ tài ba, cho nên âm hưởng của cung bậc chính là nỗi nén lòng giữa cha con Mozart, giữa tình yêu vô bờ bến đối với người mẹ cũng như người chị, suốt cả đời yêu thương trìu mến từ khi mới chào đời cho đến những ngày cuối đời, dựa vào lòng tin yêu đó Mozart đã sáng tạo không ngừng, coi sự nghiệp âm nhạc là sinh mệnh (lived to compose only one of it) đó là những trình tấu duy nhất trong đời; là đam mê của Mozart, để có cơ hội vượt thoát với dòng nhạc, Wolfgang phải rời xa những giáo điều, khuôn phép của giáo hội của luật lệ gia đình trói buộc đời ông, Mozart lên đường trình diễn, đó là cơ hội để Wolfgang học tập và sáng tác. Cánh cửa lớn của âm nhạc đã mở ra cho Mozart từ lúc 7 tuổi (1763) cho đến năm 33 tuổi (1789) với một hành trình lưu diễn khắp Âu châu là một đánh dấu quan trọng trong đời Mozart.

Con người của Mozart gắn liền với tên tuổi hay tên tuổi gắn liền với cuộc đời. Bởi sự chọn lựa tên tuổi như một thiên mệnh hay xuất phát từ dòng giống tổ tiên, nguồn cơn nào đã đưa tới việc nầy, chưa ai nói rõ cái nguồn cơn tự sự đó kể cả đấng sinh thành, âu đó cũng do mệnh trời đưa đẩy. Đặt tên cho Mozart qua những tên tuổi như sau:Mozart chào đời ở một thị trấn Salzburg không xa với thành Vienna của nước Áo; vào ngày 27 tháng 1 năm 1756 và sau đó được rữa tội ở Thánh đường St.Rupert với tên gọi: Johann Chrysostom Wolfgang Theophilus Amadeus Mozart. Vừa là tên thánh vừa là tên người. Johann Chrysostom là tên đội ơn thánh John Chrysostom. Wolfgang là tên gọi của ngoại thân ông và Theophilus là tên “cúng cơm” của người đở đầu Joannes Theophilus Pergmayr.Nhưng thông thường người ta gọi Mozart là Amadeus. Amadé (Đức ngữ) và Amédée (Pháp ngữ) Theophilus nguyên thủy từ tiếng La Hy được diễn giải như một Amadeus; nghĩa là “Con mến của Chúa” (Lover of God).Như vậy cái tên mang trong người Mozart là một kết hợp giữa thiên mệnh và nhân mệnh. Mozart là con thứ 7 của ông Leopold Mozart (1719-1787) và bà Maria Anna Pertl (1720-1778) Mozart thuộc dòng dõi chuyên ngành cả hai phía nội, ngoại. Thân sinh Amadeus là một nhạc sĩ có tài và gia quyến ông cũng là những người chuyên về âm nhạc. Hấp thụ trong một gia đình văn hay chữ tốt, một truyền thống văn hóa nghệ thuật cao cho nên Wolfgang thừa hưởng trí tuệ đó, một trí thông minh hiếm có, Mozart được giáo dục kỹ của người cha và trau dồi luân lý đạo đức của người mẹ. Mozart thông thạo cổ ngữ lẫn tân ngữ, biết nhiều ngoại ngữ (Pháp, Ý,Anh và cổ La Hy) giỏi triết học, toán học, khoa học và hội họa. Sau đó bỏ học nhảy vào lãnh vực âm nhạc. Tuổi trẻ Mozart thường phục vụ ở các Thánh đường như một tu sinh nhưng rồi cũng gián đoạn vì đam mê âm nhạc. Theo thư gởi của người chị Maria Anne”Nannerl”Mozart (1751-1829):”Wolfgang khi còn nhỏ ở tuổi 3, 4 thích chơi đàn nhiều hơn là thích đồ chơi, kể cả sinh hoạt bình thường khác hơn những đứa trẻ cùng lứa tuổi” Mozart được các nhà vua Âu châu yêu chuộng và nâng đở.

Đến tuổi trưởng thành mức độ phát tiết càng bộc phát mãnh liệt hơn, một trí nhớ bén nhạy nhưng bên cạnh những điều xuất chúng đó Wolfgang rơi vào con đường tình ái. Chuyện kể về Mozart: Trong cung điện hoàng gia Áo quốc thời Hoàng đế Joseph II; Wolfgang được triệu vào cung để trình diễn âm nhạc cho vua quan nghe, cả hoàng gia cũng như cho hồng y Colloredo thưởng thức tài nghệ của Mozart, bản tính của Wolfgang háo sắc, háo tình, Amadeus si tình Stanzy (Constanze Weber) không ngại ngùng làm tình với người yêu dưới chân đàn dương cầm và quên đi buổi trình tấu của ngày hôm ấy, sau khi thỏa mãn dục vọng, Mozart nghe như ai đang tấu nhạc của mình, ông hoảng và la hét giữa triều thần “Ai đã chơi nhạc của tôi” Ai? “Âm nhạc của tôi”; cầm đũa nhạc trên tay, Wolfgang đã múa lên những cung điệu tuyệt vời, khác với người ta, tiếng nhạc vút cao, bay bổng với muôn sắc ngàn tía, làm cho người nghe tưởng chừng như lạc chốn thiên đường, hòa cùng tiếng hát của thiên thần và rời xa cõi tục, sức mạnh đó chỉ có Mozart làm nên, tiếng nhạc như cảnh tĩnh cái thế giới trầm u…Âm nhạc của Mozart đã thánh hóa qua những cung bậc, xóa tan những hoài nghi cố cựu, tiếng réo của cung thương đã đưa hồn người về với hiện thực, Mozart đã hoàn thành sứ mệnh đó! Wolfgang tự hào với âm nhạc của mình, một sáng tạo nghệ thuật, ngạo nghễ trong tiếng cười khích đời giữa vương triều và ngạo nghễ giữa những vị đại diện tối cao tinh thần. Tiếng cười ngạo mạn cũng như tiếng nhạc cao vút đã làm rơi những chiếc mặt nạ đen trắng lúc bấy giờ. Cũng nhờ vào đó mà hóa giải được những tham vọng uẩn khúc của con người. Trong buổi trình tấu người ta nhận ra nụ cười mãn nguyện của Constanze Weber và đôi mắt u sầu, vừa khâm phục vừa hờn ghen của Antonio Salieri.

Năm lên 4, Mozart đã “khoe”tài nghệ của mình, trước vua quan,sĩ tứ, bằng cách bịt mắt để đánh dương cầm cũng như kéo vĩ cầm. Cả triều thần ngạc nhiên về một tài nghệ bẩm sinh thiên phú. Mozart đã ré lên nụ cười khích đời dưới mắt vua; đó là nụ cười bắt đời phải thần phục. Những năm về sau ngoài việc xử dụng thành thạo những nhạc khí khác nhau, Mozart có lỗ tai nghe và bộ nhớ tinh vi, những bản trình tấu, hoà âm rất khó viết và khó nhớ thế nhưng với Wolfgang là chuyện thường tình, ông nghe qua một lần rồi viết lại như y, chỉnh, thêm, sửa để những tấu khúc của A.Salieri trở nên phong phú và vút cao hơn. Mozart đi tới đâu đều để lại tiếng vang và người ta chạy theo Mozart như một thần tượng âm nhạc, hiện tượng đó làm chấn động cả Âu châu, những đại nhạc sĩ khác cùng thời với Mozart như Johann Christian Bach (con của J S Bach 1685-1750) mà Mozart đã gặp gở và trao đổi về âm nhạc. Năm 1786 Mozart có dịp hợp soạn thêm về âm nhạc cho Ludwig van Beethoven (1827-1770)…vô hình chung trở thành phù thủy của âm nhạc thời ấy; điều nầy đã cho ta thấy được rằng Mozart là một thiên tài âm nhạc chưa ai có ở cõi đời nầy.

Wolfgang Amadeus Mozart đã chứng tỏ triệt để âm nhạc của mình qua mọi hình thái khác nhau; đó là âm nhạc của Mozart, một thứ âm nhạc độc tôn, vượt thời gian tính để rồi trở thành thời thượng âm nhạc của mọi thời và mọi đời. Amadeus sống nhiều, sống trước tuổi, sống nhanh, sống vội với đời cũng như với tình để rồi chết vội như ngọn đèn phụt tắt giữa bóng đêm. Cho nên Wolfgang sống ngắn nhưng tiếng nhạc của Mozart vẫn triền miên không dứt với thời gian, đó là tiếng vọng của “sấm truyền” như lời rao giảng qua tiết nhạc, một ngôn ngữ của âm nhạc (music language); đó là lối diễn tả có ấn tượng rõ rệt, đôi khi nghe như phẩn nộ, gào thét, bộc phá chống lại mọi đối kháng (conflict). Đối kháng về mặt thiêng liêng mà con người đã chối bỏ. Tài năng của Mozart không còn của Mozart mà đó là phép lạ nhiệm mầu, điều ấy không ai tưởng nỗi, bởi Wolfgang sinh ra để làm sống lại những khát vọng đó. Những gì xẩy ra trong đời của Mozart không còn là giai thoại, hay chuyện kể mà đó là chứng tích lịch sử âm nhạc, lịch sử về một con người siêu việt chưa từng có. Một tài danh mà nhân gian phải ngưỡng mộ và suy ngẫm. Thế gian có vô vàn tài danh nhưng với Wolfgang Amadeus Mozart là một kiệt tác tuyệt mỹ. Chúng ta không thể cho đó là một sự ngợi ca quá đáng hay đề cao mà làm lệch đi thần tượng của âm nhạc. Thử lắng nghe một vài tấu khúc, tấu khúc dương cầm, giao hưởng cũng như các thể loại đàn dây, hợp tấu khúc hay những nhạc kịch thì mới thấy cái siêu thần của Mozart. Điển hình như Magic Flute (Chiếc Sáo Kỳ Diệu) The Marriage of Figaro (Đám Cưới ở Figaro) The Requiem (Lễ Truy Điệu) Don Giovanni,The Elvira Madigan Piano Concerto và những cung-thương (Strings) khác hòa cùng nhịp điệu, giai điệu, hòa âm, kết cấu thành những tấu khúc tuyệt vời.

Với một lượng sáng tác lớn như thế cho một con người chỉ sống với trần gian có 35 năm mà làm nên những siêu phẩm vĩ đại và lẫy lừng thì quả không ngoa cho một thiên tài có một không hai của nhân loại như Wolfgang Amadeus Mozart.

Mozart đi đến đâu tình yêu đi đến đó. Leopold Mozart nói: “Những người đàn bà quanh đây đều là người yêu của con tôi” (All the ladies are in love with my boy). Mozart đã có máu tình yêu khi lên 6 đó là dấu hiệu đưa cho Wolfgang vào con đường trụy lạc, chơi bời, nhưng đó không phải là sự chơi của người buông thả, Mozart “chơi”vì yêu, yêu thật tình và say đắm. Công chúa Maria Theresia, Hoàng hậu Marie Leszczynska, Hoàng hậu Charlotte, Hoàng hậu Marie Antoinette tất cả đã một lần đi qua trong đời Mozart. Wolfgang có tính hiếu dục, mặc dầu đã lập gia đình, ông vẫn còn đi đêm, nhưng chắc chắn điều nầy không đến tai vợ ông. Mozart là người đàn ông đa cảm trước phái yếu, cũng nhờ vào dục tính đó mà Mozart đã làm nên những sản phẩm âm nhạc tuyệt đỉnh. Mozart không chối từ tình yêu đến với ông, Mozart yêu người như yêu tiếng nhạc, bất kể mọi hệ lụy nào, khi Wolfgang lên 21 tuổi, ông đã có những cuộc tình lãng mạn, cái lãng mạn của người nghệ sĩ tài cao, Mozart yêu cả người em trong họ, chỉ thiếu đường là “chơi” nàng; đó là Maria Thekla Mozart. Rồi đến thăm nhà bạn, ông đâm ra yêu Rosa, con gái của Christian Cannabich, và cho ra đời tấu khúc Piano Sonata k.309 và Vĩ cầm/Trung cầm (violin/viola) k.364. Đó là những hòa khúc dành cho tình yêu của Mozart. Năm 1777 trong một dịp tình cờ Amadeus gặp ca sĩ Aloysia. Mozart si tình ngay, trước nhan sắc và một giọng kim (soprano) cao vút đã làm cho Mozart say mê và lụy với tình yêu đó, lúc ấy người ca kỷ mới 17 tuổi và Mozart 21 tuổi.Từ cuộc gặp gở đó Mozart không muốn rời xa người yêu Aloysia Weber;chính giữa lúc nầy Mozart bắt đầu gặp khó khăn về tài chính và đã làm cho cha ông bất bình mà Amadeus đã vướng vào; đó là giai đoạn  trầm trọng, năm sau thì mẹ Mozart qua đời để lại cho bao nhiêu sự khó. Aloysia là mối tình đầu và trong trắng đối với Mozart nhưng không bao lâu tình yêu giữa Aloysia và Wolfgang không thành bởi những xung đột cá nhân và gia đình, về sau nầy Mozart lại si tình em gái của Aloysia là Constanze. Mozard xin cưới Constanze nhưng cha Wolfgang phản đối kịch liệt, rồi cũng không cản nỗi quyết định của Mozart. Constanze và Mozart cưới vào ngày 4 tháng 8 năm 1782. Năm sau thì Constanze có thai với Wolfgang và từ đây mọi hoạt động của Mozart trở nên bị động bởi Stanzy. Có thể nói cuộc hôn nhân nầy tràn đầy hạnh phúc cả thể xác lẫn tinh thần giữa Constanze và Mozart. Chính cái buông thả, cả nể của Mozart mà làm hư nàng, điều đó Mozart nhận biết nhưng qúa yêu Stanzy; vì thế mà Mozart giao hoan liên tục với Constanze để rồi trước sau họ có 6 mặt con, nhưng sống còn chỉ có hai. Từ năm 1783 gia cảnh Mozart rơi vào túng thiếu, bao nhiêu tiền thù lao những buổi trình diễn vẫn không đem lại hạnh phúc cho Mozart. Constanze cần tiền để nuôi con. Wolfgang đã tranh đấu cật lực để làm ra tiền, rồi đổ nợ, rồi con chết, bao nhiêu đau khổ dồn dập cho Mozart và Constanze, chính vì những nguyên cớ đó mà Mozart sáng tác không ngừng để mong kiếm ra tiền, khi ổn định được phần nào Wolfgang đâm ra nghiện ngập, rồi lại “đi đêm”, có lẽ; Mozart đi tìm cảm hứng cho riêng mình để sáng tạo? Điều đó chỉ có A.Salieri cảm thông cho hoàn cảnh của Mozart. Từ khi cha Wolfgang qua đời chính là lúc Mozart giác ngộ được vai trò của mình đối với vợ con và đối với đời, Mozart cố gắng làm việc để mưu sinh và mong cho Constanze hạnh phúc. Amadeus lao vào sòng bạc để kiếm sự may rủi nhưng rồi tay trắng vẫn trắng tay. Wolfgang tuyệt vọng đâm ra chè chén thâu đêm, tinh thần và thể xác suy nhược, tưởng như rơi vào hố thẳm. May thay có một ân nhân ẩn danh giúp đở cảnh túng thiếu đó với điều kiện để tâm vào sáng tác nhạc kịch (opera) Mozart nhận điều kiện đó; không ngờ thành công lớn và trang trải nợ nần, nhưng không may cơn bệnh thời khí thường xẩy đến, dần dần trở nên những chứng bệnh hiểm nghèo, chính sức khoẻ lúc nầy của Mozart tác hại đến sự nghiệp âm nhạc của ông, Mozart đã ngã bệnh trong khi đang điều khiển nhạc kịch The Magic Flute (Chiếc Sáo Kỳ Diệu) từ đó sức khoẻ suy giảm và nằm liệt giường nhưng không ngừng làm việc, làm chăm hơn bao giờ, có lẽ; Mozart biết thời gian không chờ mình…những cơn khủng khoảng  đến đột ngột làm cho Wolfgang rơi vào một trạng thái tâm thần bất ổn, bỏ quên gia đình để đi theo với tiếng nhạc. Đó là điểm làm cho Constanze nghi ngờ, bởi khi nào bên cạnh Mozart đều có người đẹp vây quanh. Constanze bỏ đi, trả lại căn nhà hoang vắng cho Mozart. Nhờ cô độc giữa lúc nầy, cô độc vì xa vợ con, Mozart đau khổ vô tận, trong nỗi đau tận cùng đó Mozart đã dốc mình sáng tác nhạc kịch giao hưởng The Requiem (Lễ Truy Điệu) như muốn trút sự ăn năn vào đó; đại tác phẩm nầy chỉ viết nữa đường thì Mozart gãy cánh.Nỗi niềm của Wolfgang Amadeus Mozart ngừng lại nơi đây để cùng ông về dưới thuyền đài; và cùng lắng nghe tiếng vi vu đó trong một kiếp nhân sinh.

Cuộc đời của Mozart có ba điều làm cho ông luôn luôn ám ảnh: tình yêu, nỗi sợ hãi và hờn ghen là những thứ luôn quấn vào người Mozart như bóng ma, đó là cái bóng chế ngự ông để vùi dập ông, bởi Mozart là ánh sáng, một thứ ánh sáng mầu nhiệm, một trí tuệ trong suốt, bén nhạy tất cả tạo nên một hiện tượng phi thường (the prodigy phenomenon) thì làm sao tránh được những tai họa đến với Mozart.  Ấy là vấn đề khó giải cho một thiên tài chưa từng có đối với loài người. Vì vậy Wolfgang cảm thấy mình sanh không nhằm thời và cuối cùng nhận sự bi thương. Wolfgang nhìn vào khoảng trống với hai dòng lệ chảy trên giường bệnh vào một chiều đông 1791 ở thành Vienna.

Những gì Mozart đã sống và đã làm cho đời này là một cuộc đời thực chứng và thực nghiệm mà Mozart đã trải qua tuy ngắn ngủi nhưng mãi mãi là vì sao lóng lánh trên cõi đời này với tiếng nhạc (sound of music) không bao giờ ngưng nghỉ với Mozart.

Ngày hôm sau; khi trời về sáng, Wolfgang Amadeus Mozart trút hơi thở vào ngày 5 tháng 12 năm 1791.  Ở tuổi 35. Trong buổi lễ cầu hồn ở Thánh đường St.Stephen, người ta không thấy vợ ông Constanze Weber và 2 người con nhỏ mà chỉ thấy những người xa lạ mến mộ ông; không thấy một ai đưa tiễn Mozart đến mộ phần, sau cổ quan tài mục nát đó chỉ thấy con chó của Wolfgang cụp đuôi đi chậm rãi dưới một cơn mưa tầm tả, hình như ở đằng xa dưới cội cây già, có một người đàn ông lớn tuổi đội mưa đứng nhìn, có phải Antonio Salieri? Nhục thể của Amadeus đưa về nghĩa trang St. Marx ngoại ô thành Vienna, thi hài của nhà nhạc sĩ vĩ đại được quẳng xuống mồ chôn tập thể cùng với những người vô danh. Vài năm sau người ta đến viếng danh nhân, nhưng không biết Người nằm nơi đâu và chẳng thấy mộ bia trong nghĩa trang nầy (only when Mozart himself was buried did the world begin to learn what an abundance of like he had bequeathed to us). Đến khi Mozart nằm xuống rồi thì đời mới nhận ra rằng cuộc đời thật là hào phóng; đó là “gia tài của mẹ để lại cho con”*./.

Theo VÕ CÔNG LIÊM (mưa tuyết cuối tư 2010)

SÁCH ĐỌC VÀ TƯ LIỆU:

– The Life of Mozart by John Rosselli.  Cambridge University Press 1998.UK

– DVD movie: ‘Amadeus’ của Saul Zaentz và Peter Shaffer 1984. Phim đoạt 8 giải Danh dự điện ảnh Mỹ.

(*) ”những điều tuyệt vời là cả một công lao hiếm có” -Spinoza. (Luận lý Học, V, 42).

*Lời nhạc: Trịnh Công Sơn.


Exit mobile version