Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Trần Quang Lộc.
Gồm các truyện sau:
– Tường Vi đỏ
Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Hai ngày 2.10.2023
– Ranh giới mong manh
Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Ba ngày 3.10.2023
– Một thoáng bông hồng đỏ
Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Tư ngày 4.10.2023
– Vượt ngục
Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Năm ngày 5.10.2023
– Về một thời đã cũ
Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Sáu ngày 6.10.2023
Nhà văn Trần Quang Lộc
Thường trú TP Quy Nhơn. Nguyên cán bộ biên tập Tạp chí Văn nghệ Bình Định.
– Hội viên Hội nhà văn Việt Nam
– Hội viên Hội nhà báo Việt Nam
– Hội viên Hội văn học nghệ thuật Bình Định
Đã xuất bản 4 tập truyện ngắn:
1. Trăng 16
2. Một thoáng hoa hồng đỏ
3. Làng ven sông ngày ấy
4. Làng Krona.
Có tác phẩm tham gia trong các báo, tạp chí, tuyển tập:
Báo Văn nghệ Hội nhà văn, Báo Văn nghệ Công an, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, các tuyển tập của Nhà xuất bản Hội nhà văn, tuyển tập Nhà xuất bản Công an nhân dân, tạp chí văn nghệ các địa phương.
Giải thưởng:
03 giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu
01 Giải thưởng của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam.
Mời quý vị nghe chùm truyện ngắn của nhà văn Trần Quang Lộc qua sự thể hiện của các giọng đọc: Võ Đào Phương Trâm, Trần Đăng Kim Trang, nhà thơ Trương Công Tưởng và nhà văn Võ Thị Xuân Hà.
VƯỢT NGỤC
Truyện của Trần quang Lộc
Tên tội phạm ấu dâm Trịnh Quyết vượt ngục gây náo động dư luận trong cả nước. Không ít người than phiền rằng, Trịnh Quyết vượt ngục chắc chắn có sự tiếp tay của ban quản lí khám Chí Hòa, một mình Quyết không thể nào lọt qua hệ thống an ninh cực kỳ tinh vi của một nhà tù nổi tiếng nghiêm ngặt nhất nước. Họ còn kêu gọi cơ quan chức năng phải điều tra và truy tố những quản trại thiếu tinh thần trách nhiệm, móc ngoặc với kẻ xấu tạo điều kiện thuận lợi giúp phạm nhân dễ dàng trốn thoát.
Để ngăn ngừa hậu quả khôn lường do tên tội phạm có thể gây ra, chính quyền thành phố chỉ đạo ty cảnh sát khẩn trương huy động lực lượng bao gồm an ninh, mật vụ, cảnh sát cơ động ráo riết ngày đêm truy tìm cho được tên tội phạm để đưa ra xét xử theo quy định của pháp luật. Mặc khác, cho in hình Trịnh Quyết dán khắp hang cùng ngỏ hẻm và kèm theo thông báo: Ai phát hiện hoặc bắt giữ Trịnh Quyết phải báo ngay cho nhà chức trách nơi gần nhất để lãnh thưởng. Kẻ nào cố tình bao che, chứa chấp sẽ bị nghiêm trị. Các trường tiểu học trong thành phố và các vùng phụ cận, con em đến trường phải đích thân bố mẹ đưa đón.
Trong lúc cơ quan chức năng khẩn trương truy tìm tù vượt ngục thì tại ngôi biệt thự của trung úy mật vụ Lê Sơn xảy ra một việc rất nghiêm trọng.
Từ ngày Trịnh Quyết vượt ngục, trung úy mật vụ Lê Sơn mất ăn mất ngủ, ngồi đứng không yên, não trạng luôn bị ám bởi hình ảnh của người tù. Tâm trạng bất an của Lê Sơn không phải là không có lý do. Nếu Trịnh Quyết vượt ngục để trả thù, tất nhiên, người đầu tiên Quyết đến hỏi thăm sức khỏe không ai khác ngoài mật vụ Lê Sơn!
Để bảo đảm an toàn tính mạng, ban ngày, Lê Sơn ăn và làm việc ngay tại cơ quan. Tối, cố thủ trong ngôi biệt thự vùng ngoại ô kín cổng cao tường. Hạn chế tối đa việc đi lại vào ban đêm trên đường phố. Khẩu browning lúc nào đạn cũng lên nòng, sẵn sàng nổ súng.
Hôm đó, cũng như các buổi chiều hôm trước. Tan sở, Lê Sơn phóng xe một mạch về nhà. Sau khi cho xe vào gara, khóa cánh cổng sắt bằng ổ khóa to đùng, Lê Sơn mở cửa bước vào phòng, cài chốt, thuận tay bật cầu dao điện.
Đèn phòng khách bật sáng, trung úy Lê Sơn vô cùng kinh hãi, mắt trợn ngược, mồm há hốc, chân tay bủn rủn khi phát hiện ra một gã đàn ông râu tóc bờm xờm, đôi mắt sáng quắc, ngồi lù lù trên chiếc ghế bành trong phòng khách, tay lăm lăm khẩu Rulo, nòng hướng về phía Lê Sơn sẵn sàng nhả đạn. Người đàn ông đó chính là tù vượt ngục Trịnh Quyết. Cố lấy lại bình tĩnh, giọng Lê Sơn đứt quãng:
– Ch…ào …. Chào .… anh!
Thấy nét mặt đối phương thất thần, hoảng loạn, Trịnh Quyết áp đảo bằng giọng sang sảng:
– Đồ hèn! Trịnh Quyết bật tiếng cười khẩy – Hừ, một sỹ quan mật vụ quyền lực bao trùm, miệng hét ra lửa sao lúc này mặt lấm la lấm lét như con chó ăn vụng bị chủ nhà bắt gặp? Cứ xưng hô mầy tao với nhau như hồi còn là đôi bạn chí thân – Quyết chỉ vào chiếc ghế bành – Bình tĩnh ngồi xuống đây, chúng ta nói chuyện sòng phẳng với nhau.
Thấy Lê Sơn còn đứng luống cuống. Trịnh Quyết quát:
– Ngồi xuống!
Lê Sơn khúm núm ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Trịnh Quyết hạ giọng:
– Trước khi đi vào vấn đề, tao cảnh cáo, nếu mầy giở trò bất lương, viên đạn từ khẩu Rulo nòng ngắn này sẽ xuyên qua vỏ não của mầy trước khi bàn tay mầy chưa kịp chạm vào bao súng.
Giọng Lê Sơn run run:
– Dạ, em… em xin… xin cởi bỏ thắt lưng…
Trịnh Quyết giơ tay ra hiệu:
– Không cần! – Đổi tư thế ngồi thoải mái, Quyết dịu giọng – Gần nửa năm gặp lại, mầy ra dáng một sỹ quan mật vụ lắm! Quyết dời khẩu Rulo sang tay mặt, tiếp – Nửa năm trong tù, một câu hỏi cứ xoáy mãi trong đầu tao. Câu hỏi ấy chỉ có mầy mới trả lời được. Lẽ ra, tao đến gặp mầy ngay trong đêm đầu tiên vừa thoát khỏi trại giam, nhưng tao chỉ muốn gặp riêng mầy. Rất may, sáng nay vợ con mầy đi du lịch Đàlạt. Tao đến gặp riêng đề nghe mầy trả lời câu hỏi của tao.
– Dạ… dạ em… em sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của anh.
Quyết gằn giọng đi thẳng vào vấn đề:
– Tại sao mầy nhẫn tâm hãm hại gia đình tao tan nát?
Lê Sơn cứ cuối gằm mặt như một tên tội đồ trước vành móng ngựa. Quyết đứng phắt lên giương khẩu Rulo về cái đầu có mái tóc chải lật, lên đạn lắc cắc, giọng cuồng nộ:
– Nói! Không tao bắn nát óc!
Mật vụ Lê Sơn hoảng hồn, theo bản năng tự vệ, hắn giơ hai bàn tay ra phía trước như chống đỡ:
– Dạ… dạ anh đừng bắn, để em nói. Tại vì… tại vì anh không sang nhựơng cho em lô đất để xây nhà. Lúc nhất thời nông nổi, em quyết định trả thù cho thỏa lòng căm tức!
Quyết ngồi xuống, buông tiếng thở dài:
– Trời ơi! Chỉ vì mấy chục mét vuông đất mà mầy lập mưu hèn kế bẩn đưa bạn vào vòng lao lý! 12 năm tù vì tội ấu dâm, tao nổi danh khắp nước là tên biến thái, bị dòng họ rẻ khinh, xã hội nguyền rủa, vợ tao xấu hổ với bạn bè nên dẫn con bỏ xứ ra đi. Còn nữa, bố tao tội gì mà mày cho đệ tử bắt về trại tạm giam tra tấn đến chết!?
Lê Sơn quỳ xuống, sụt sịt khóc:
– Tội em đáng chết! Em biết lỗi rồi, cầu xin anh tha mạng!
Trịnh Quyết vỗ bàn quát lớn:
– Lỗi ư? Mầy dám đánh tráo khái niệm tội và lỗi để lừa tao đấy hả? Hừ, trước kẻ mạnh, mầy khúm núm quỳ lụy. Với đám dân đen, mầy thẳng tay đàn áp. Mầy không phải là con người, là thứ rác rưởi làm ô uế mảnh đất này, thay mặt tòa án lương tâm, tao phải loại mầy ra khỏi đời sống xã hội – Quyết nâng Khẩu Rulo lên – Súng chỉ còn hai viên đạn, viên dành cho mầy, viên còn lại cho tao. Hiện giờ thì tao không còn gì nữa để mất ngoài bà mẹ già đang sống cách đây chưa đến 50 mét, nhưng không thể về thăm! – Quyết chỉnh nòng súng hướng về phía Lê Sơn – Tội mầy trời không dung đất không tha. Mày được nói lời sau cùng.
Mật vụ Lê Sơn lạy như tế sao, nước mắt như mưa:
– Tội em đáng phanh thây, vì tình bạn ngày xưa mà tha mạng cho em. Em nguyện làm tôi tớ cho anh!
Nhắc lại tình bạn ngày xưa là nhắc đến những kỷ niệm vui buồn của một thời trẻ thơ hồn nhiên, khốn khó. Nhà Trịnh Quyết và nhà Lê Sơn chỉ cách nhau một hàng tường vi. Gia đình Lê Sơn thuộc diện nghèo. Bố làm phụ hồ trong thành phố, mẹ bán vé số dạo. Vì vậy, mỗi buổi sáng trước lúc đi làm, mẹ Sơn thường đưa con sang nhà nhờ bố mẹ Trịnh Quyết chăm nom hộ. Hồi còn hỉ mũi chưa sạch, Sơn rất hiền, hiền đến nỗi đuồi ruồi không bay. Lên bậc học phổ thông, Quyết và Sơn là đôi bạn rất thân. Tuy cùng tuổi, học cùng lớp, cùng trường, nhưng học lực mỗi đứa một khác! Lê Sơn học yếu đều các môn, thầy cô rất than phiền. Có lần, bố Lê Sơn sang nhà chơi với ông già Hoàng Hưng, lúc chuẩn bị ra về gặp Trịnh Quyết, ông nói:
– Nghe cô giáo hướng dẫn nói cháu nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường, còn thằng Sơn thì tồi quá! Cháu kèm cặp nó giúp chú!
Ông Hoàng Hưng, bố Trịnh Quyết đỡ lời:
– Anh yên tâm. Để tôi bảo cháu Quyết. Thi thoảng tôi phải kiểm tra việc học của chúng nó. Đời mình học hành dở dang do nghèo khó, do chiến tranh, nay phải tập trung đầu tư cho bọn trẻ, may ra sau này chúng nó làm nên danh phận mình cũng thơm lây.
Từ đó, vừa tự rèn giũa bản thân, Quyết vừa giúp Lê Sơn nâng cao chất lượng học tập. Cuối năm học, Lê Sơn được xếp loại học sinh khá. Bố Lê Sơn mừng lắm mang đến biếu ông già Hoàng Hưng một gói trà tàu, phần Quyết là một bịch kẹo đậu phụng da cá.
Đầu năm lớp đệ tứ, Lê Sơn bỗng dưng bỏ học ba buổi liên tục. Lập tức, Trịnh Quyết đi thẳng đến nhà Lê Sơn, bắt gặp bạn đang gánh đôi thùng nước từ dưới ao đi lên. Quyết chận lại hỏi:
– Sao mấy bữa nay mầy nghỉ học?
Lê Sơn đặt gánh nước xuống, giọng buồn:
– Chắc tao nghỉ học luôn quá mầy!
– Điên hả? Đang là học sinh khá của trường bỗng dưng bỏ học!?
– Bố mẹ tao chưa nạp các khoản phí của nhà trường nên cô giáo hướng dẫn tạm cho nghỉ học, khi nào nạp tiền xong mới cho vào lớp.
Quyết đứng ngẫm nghĩ giây lát, bảo:
– Mai mầy đi học lại, tao nạp tiền trường giúp mầy. Lúc nào có trả lại.
Sáng hôm sau, Quyết đến tận nhà rủ Sơn cùng đến trường.
Một hôm, trên đường đi bán vé số về, tiện thể, bà Lựu, mẹ Lê Sơn ghé thăm nhà Trịnh Quyết. Vừa đến cổng ngõ, giọng bà đã rổn rảng như cái mõ làng:
– Cháu Quyết! Có ai nhà không? Cháu Quyết!
Bà Ngọc Linh, mẹ của Quyết đang ngồi nhặt rau cạnh giếng nước, ngẩng cổ lên hỏi:
– Quyết đang học trên gác, có chuyện gì không chị?
– Chào bà chị! Ôi, bà chị thật tốt phúc, có cậu con trai vừa học giỏi, vừa biết giúp đỡ bạn bè.
Bà Ngọc Linh cười nhẹ:
– Việc học hành của bọn trẻ mà chị. Chúng nó kèm chỉ cho nhau là chuyện bình thường.
– Không phải chuyện kèm cặp – Bà Lựu hạ giọng – Hôm thứ bảy tuần trước, cô giáo hướng dẫn mời tôi lên văn phòng báo cáo, rằng phụ huynh chưa nạp tiền trường nên tạm cho em Sơn nghỉ học. Khi nào nạp tiền xong, nhà trường mới cho học lại – Ôi trời ơi, cô giáo chứ đâu phải nhân viên đòi nợ thuê mà căng dữ dậy!
Mẹ Quyết góp ý:
– Ngoài việc dạy học, giáo viên hướng dẫn lớp còn có nhiệm vụ thu các khoản phí của nhà trường. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ, cuối năm học sẽ bị cắt tiên tiến, hạ bậc lương. Mình cũng nên thông cảm cho cô giáo chị ơi!
Vẫn giọng rổn rảng, mẹ Lê Sơn nói:
– Nói thiệt với chị, tui định cho thằng Sơn thôi học theo bố nó mần nghề phụ hồ. Tức lắm chị, mới đầu năm học mà trường thu rất nhiều khoản. Dân lao động như tui làm sao cho con ăn học nổi?! Hôm qua, à, sáng hôm kia, cháu Quyết nạp giùm các khoản tiền trường cho thằng Sơn. Quý hóa quá! Chị có thằng con vừa học giỏi, vừa có đạo đức tốt!
Hai bà hàng xóm nói chuyện một lúc, bà Lựu cắp nón ra về. Đợi bà bạn ra khỏi cổng. Mẹ gọi Trịnh Quyết xuống, hỏi:
– Con lấy tiền đâu để nạp học phí cho Lê Sơn?
Quyết gãi đầu, ấp úng:
– Dạ, dạ, con lỡ đập con heo đất của mẹ!
Bà Ngọc Linh nói:
– Tiền trong con heo đất là mẹ dành dụm mấy tháng nay để mua cho con chiếc xe đạp đi học đỡ mỏi chân. Bà nghiêm giọng – Không những mẹ rất ủng hộ tinh thần giúp bạn vươt khó của con, mà còn động viên khuyến khích con làm nhiều việc tốt hơn nữa. Nhưng khi cần làm một việc gì vượt quá khả năng thì phải tham khảo với bố, với mẹ. Sau nầy không được như vậy nữa nhé.
Trịnh Quyết cúi đầu nhận lỗi:
– Con biết lỗi rồi. Sau này con không dám tái phạm nữa!
– Vậy là tốt. Thôi, con lên gác học tiếp đi.
Quyết quay đi, bà Ngọc Linh mỉm cười, tự hào về cậu con trai của mình.
Lên bậc trung học đệ nhị cấp, bọn đầu bò đầu bướu các lớp khác nghe tiếng cặp đôi Quyết – Sơn phải ngả mũ bái phục. Thực ra, bọn chúng không coi Lê Sơn ra con cóc khô gì. Chúng chỉ ngán một mình Quyết Ruồi, đệ tử số một của võ sư Ba Chăm.
Năm lớp Đệ nhị, trong tiết quân sự học đường. Nghe nói Quyết là học trò số một của võ sư Ba Chăm nên thầy giáo muốn biết võ nghệ của Quyết đạt mức độ nào. Đang đứng nói chuyện với Quyết, thầy xuất chiêu ngũ chỉ thu đào, giương 5 ngón tay bấu mạnh vào bờ vai của Quyết. Nhanh như chớp, Quyết lách người né tránh rồi thuận đà chộp lấy cổ tay thầy giáo xoay mạnh một cái, thầy giáo đổ nhào xuống sân cò. Học sinh tham dự giờ quân sự học đường vỗ tay cười ồ làm nào động cả sân trường. Từ đó, bọn con trai đầu bò tôn Quyết là Võ sĩ hạng ruồi. Quyết Ruồi!
Tốt nghiệp tú tài phần hai, mỗi đứa tự chọn cho mình một hướng đi. Trịnh Quyết vào ngành Sư phạm khoa Ngữ văn, Lê Sơn thi vào trường An ninh Quốc gia. Sau bốn năm miệt mài trên giảng đường đại học, Quyết ra trường loại giỏi được về giảng dạy trường thành phố. Lê Sơn về ty cảnh sát với quân hàm thiếu úy.
Không biết chương trình giảng dạy trường An ninh quốc gia như thế nào mà chỉ sau 4 năm theo học, từ một thanh niên hiền lành nhút nhát Lê Sơn bỗng trở thành sỹ quan cảnh sát mặt lạnh như băng, dáng đi bệ vệ, nói năng trịch thượng như kẻ bề trên khiến bạn bè, bà con khối phố ai cũng phải dè chừng.
Nghề của Lê Sơn chuyên lùng sục bắt bớ cách mạng nằm vùng, truy bắt thanh niên trốn quân dịch, bọn buôn lậu… Tuy mỗi người mỗi tính cách, mỗi chính kiến, mỗi nghề khác nhau, nhưng thi thoảng Lê Sơn vẫn đến nhà Trịnh Quyết chơi, chủ yếu bình luận về diễn biến cuộc chiến tranh, về trật tự thế giới đang bị đảo lộn…, hoặc chơi vài ván cờ tây trước khi ra về…
Thời chiến, ngành giáo bị xếp xó, quân đội và cảnh sát lên ngôi. Lê Sơn lấy vợ giàu, con gái rượu của một nhà buôn lớn trong thành phố. Vợ Trịnh Quyết chỉ là cô thôn nữ nghèo nhưng nết na, đằm thắm.
Có đận, bố mẹ Lê Sơn về quê sống với người trai út, gia đình bên vợ chuyển lên Đàlat mở nhà hàng. Trước khi chuyển nhà, bố vợ cho vợ chồng Lê Sơn một khoản tiền lớn. Sẵn tiền, Lê Sơn bàn với vợ dỡ bỏ căn nhà cũ để xây một ngôi biệt thự khang trang, bề thế phù hợp với địa vị của mình trong xã hội. Tuy là một sỹ quan mật vụ, nhưng Lê Sơn rất tin vào khoa bói toán, và thuật phong thủy. Sau nhiều ngày săn tìm, hắn rước về ông thầy địa lý nhờ xem lại thế đất, hướng nhà và tư vấn xây dựng ngôi biệt thự sao cho hợp với phong thủy. Sau một hồi ngắm nhìn, suy ngẫm, thầy địa bấm quẻ, phán:
– Nếu được cơi nới qua bên kia hàng tường vi chừng vài mươi mét đất nữa thì ngôi biệt thự tương lai được tọa lạc trên khu đất rất lành, rất vượng, gia đạo sẽ bằng an, đường quan lộ thênh thang…!
Nghe lời thầy địa, Lê Sơn qua nhà gặp ông Hoàng Hưng nói về chuyện xin nhượng cho mấy chục mét đất để xây nhà mới. Biết Lê Sơn là một sỹ quan mật vụ quyền thế một vùng, ông Hoàng Hưng vẫn xem hắn như con cháu, ông ôn tồn nói:
– Đây là đất hương hỏa, không thể sang nhượng, mua bán. Bác không hẹp hòi gì với cháu đâu!
Lê Sơn gặp vợ chồng Trịnh Quyết nhờ tác động với bố già. Quyết bảo thẳng:
– Đất ông bà để lại, con cháu phải lưu giữ. Buôn bán, sang nhượng dòng họ sẽ kiện ra tòa, phiền lắm!.
Lê Sơn thất vọng và coi đây là một sự sỉ nhục, thề phải trả!
Sáng chủ nhật, Lê Sơn sang nhà Trịnh Quyết đánh cờ Tây. Bé Ngọc Lan 5 tuồi, con gái đầu lòng của Lê Sơn cũng lon ton theo bố sang chơi với cu Bin. Thấy cu Bin đang được bố tắm, Ngọc Lan đòi được tắm cùng bạn. Bé Lan thường sang nhà chơi với cu Bin nên vợ chống Quyết xem cháu như con ruột. Quyết bảo Sơn về lấy áo quần cho con bé thay, luôn tiện anh sẽ tắm hộ bé Ngọc Lan. Trên đường về nhà, trong đầu Lê Sơn bỗng lóe lên một âm mưu thâm độc. Chừng 5 phút sau, Sơn trở lại nhà Quyết với bộ đồ của cháu Lan và một chiếc máy ảnh mini hiệu Canon giấu trong túi quần. Thừa lúc Trịnh Quyết cởi quần tắm bé Lan, Sơn bí mật chụp nhiều tấm ảnh với nhiều góc độ khác nhau. Những tấm ảnh có sự can thiệp tinh vi của kỹ xảo lồng ghép đã trở thành vật chứng duy nhất để tòa kết án Trịnh Quyết 12 năm tù về tội ấu dâm!
Tội cho vợ chồng ông bà Hoàng Hưng, Biết con mình bị oan nhưng không dám kêu than. Hằng tháng, vợ chồng già thay nhau vào nhà giam thăm Trịnh Quyết.
Chưa hài lòng 12 năm tù giam dành cho Trịnh Quyết, Lê Sơn còn cho người bắt bác Hoàng Hưng, gán cho tội nuôi giấu Việt cộng trong nhà. Ông Hoàng Hưng bị bắt chưa được tuần lễ thì chết trong trại tạm giam.
Hạ gục đối thủ, Lê Sơn cho người tháo dỡ hàng tường vi, cướp đất xây biệt thự!.
Trịnh Quyết vung tay vỗ xuống bàn mạnh đến nỗi mặt kính 5 ly bị vỡ ra nhiều mảnh:
– Khốn nạn! Vì tình bạn tha tội chết cho mầy ư!? Sao không vì tình bạn mà thông cảm cho tao, lại ra tay tàn độc? Phải loại kẻ vong ân bội nghĩa, cướp của giết người ra khỏi đời sống xã hội, diệt trừ mầm họa cho dân lành – Quyết ra lệnh – Mầy dũng cảm ngồi lên ngay ngắn để nhận lấy một phát đạn ân huệ từ khẩu súng này!
Lê Sơn vẫn quỳ lạy, van xin:
– Anh đừng giết em, cho em một cơ hội làm lại cuộc đời. Em thề… thề sẽ từ bỏ quyền chức trở về làm lương dân, nuôi cháu Ngọc Lan ăn học nên người!
– Bé Ngọc Lan! Con bé xinh đẹp, thông minh, lễ phép mà vợ chồng tao coi như con ruột của mình… Trời ơi! Tại sao cháu lại có một người cha dã man, tàn độc?!
Trịnh Quyết từ từ hạ nòng súng xuống, ngồi ngẫm ngợi giây lác rồi thở dài:
– Đánh kẻ chạy đi, không đánh người quay lại. Tội ác của mầy chết không toàn thây. Nhưng…
Tiếng “nhưng” của Trịnh Quyết trong lúc này với Lê Sơn như tấm phao cứu nạn, hắn vừa khóc vừa luôn miệng van xin:
– Hãy vì cháu Ngọc Lan, vì tình bạn ngày xưa mà cho em một cơ hội sống. Em van xin anh!
Giọng Trịnh Quyết chắc nịch:
– Nhưng… nếu mày thực tâm ăn năng phục thiện, mày sẽ được tiếp tục sống với vợ đẹp con ngoan, với tất cả những gì mày đang có.
Lê Sơn đưa mu bàn tay lên gạt nước mắt, hỏi:
– Thưa anh, em phải làm gì để chứng minh em ăn năng hối cải!
Quyết dứt khoát:
– Mạng chó của mày sẽ được đánh đổi…
Lê Sơn vội cắt lời:
– Vâng! Nếu được anh tha mạng em sẽ đáp ứng bất cứ điều gì anh cần. Ra tù trước thời hạng? Vàng? Đô la? Những thứ này em đang có thừa.
Quyết vỗ bàn quát lớn:
– Quân đê tiện! Mày dám đánh đồng tao với bọn quan chức ngu dốt chỉ biết sống trên xương máu của đồng loại, vì tiền mà bất chấp đạo lý, bất chấp pháp luật ư?!
Lê Sơn co rúm người:
– Em thực lòng không biết anh muốn gì?
Quyết gằn từng tiếng:
– Tao muốn lấy lại danh dự!
– Lấy lại danh dự?
– Phải! Lấy lại danh dự từ tay mầy.
– Nghĩa là….
– Nghĩa là mầy phải viết bản tự thú!
– Bản tự thú? Vâng, em sẽ viết, nhưng anh phải hứa sẽ cho em quyền được sống.
– Tao hứa!
Lê Sơn đứng lên định quay đi. Quyết quát lớn:
– Mầy đi đâu?
– Em vào trong lấy giấy bút.
Trịnh Quyết ra lệnh:
– Ngồi xuống! Hừ, nhứt cử nhứt động của mầy không qua khỏi tầm mắt tao đâu. Nếu mầy giở trò, tao bắn vỡ sọ. Mầy biết tao không còn gì để mất!
Đợi Lê Sơn ngồi lại vị trí cũ, Quyết rút từ trong túi áo ra tờ giấy trắng và cây bút bi đã chuẩn bị sẵn đặt trước mặt Lê Sơn:
– Ghi đầy đủ tên họ, nơi ở, số chứng minh thư, chức vụ, đơn vị công tác. Phần tự thú viết đúng sự thật, tuyệt đối không được thêm bớt.
Trong lúc cái chết và sự sống chỉ cách nhau trong gang tấc, Lê Sơn không còn quyền lựa chọn. Hắn ngoan ngoãn cầm bút cúi đầu cặm cụi viết bản tự thú như một viên chức học hàm thụ đang tranh thủ chép lại đáp án của bạn trong giờ thi tốt nghiệp. Khoảng 30 phút sau, Lê Sơn nạp quyển. Quyết cầm văn bản xem qua một lượt, bảo:
– Khá lắm! Nội dung văn bản rất xúc tích! Túm lại, phần tự thú mầy viết đúng những gì mầy đã gây ra. Tao thích nhất đoạn cuối: “Sau một thời gian tĩnh tâm, tôi quyết định viết bản tự thú này. Trước nhất, xin nhận hết mọi tội lỗi mà tôi đã gây ra cho gia đình anh Trịnh Quyết. Sau nữa, đề nghị luật pháp minh oan cho anh và trả anh về với cuộc sống đời thường để chăm sóc mẹ già đang lâm bệnh nặng”
Nghe Trịnh Quyết đọc lại đoạn cuối văn bản, Sơn giật thót mình nghĩ rằng, nếu tờ tự thú này lọt ra ngoài không những đường hoạn lộ bị triệt tiêu mà còn có nguy cơ vướng vào vòng lao lý. Phải tiêu hủy ngay bản “tự sát” bằng mọi giá. Nhưng họng súng Rulo lúc nào cũng hướng về cái đầu có mái tóc chải lật sẵn sàng nhả đạn!! Dùng vũ lực cướp súng? Không ổn! Quyết Ruồi từng là học trò ruột của Võ sư Ba Chăm, từng đánh gục 8 thằng con trai cùng lứa giải vây Lê Sơn thoát khỏi trận đòn chí mạng vì tội bóp vú nữ sinh cùng lớp giữa thanh thiên bạch nhật. Thôi, hãy đợi đây! Cố kéo dài thời gian chờ cơ hội lật kèo. Sơn tự an ủi!
Thừa lúc Trịnh Quyếtt đặt khẩu súng ngắn lên mặt bàn để rảnh tay gấp tờ tự thú cho vào túi áo. Nhanh như ánh chớp, Lê Sơn chồm tới chộp lấy khẩu Rulo, đứng thẳng lên, hướng nòng súng về phía đối phương, quát lớn:
– Đưa lại tờ giấy đó cho tao nếu mầy muốn sống!
Sự việc diễn ra nhanh như tia sáng khiến Trịnh Quyết ngồi bất động! Một lúc sau, Quyết nhìn thẳng vào mặt Lê Sơn, giọng đĩnh đạc:
– Lê Sơn! tao tưởng mầy đã ăn năn hối lỗi và còn chút lương tâm nghĩ đến tình thân hữu ngày xưa trả lại danh dự cho tao, giúp tao về nuôi dưỡng mẹ già, tìm lại vợ con đang lưu lạc tha phương. Nhưng bản chất tàn độc đã ăn sâu vào máu thịt của mầy! – Quyết lắc đầu, giọng chua xót. Niềm hy vọng le lói trên bước đường cùng đã vụt tắt! Quyết chỉ vào cái đầu râu tóc bờm xờm của mình, giục – Đây, mầy hãy nhắm thẳng vào cái đầu này mà nhả đạn! Bắn đi! – Quyết bỗng hét lên cuồng nộ – Bắn đi!
Không đợi lặp lại lần hai, Lê Sơn bóp cò… Ngay tức khắc, một tia lửa xanh lè khạc ra từ họng súng!
– Á đù!
Lê Sơn bật ra tiếng chửi thề theo thói quen rồi ném khẩu súng giả vào góc phòng. Thì ra, đây chỉ là loại quẹt ga có cấu hình y như khẩu Rulo nòng ngắn. Và cũng nhanh như ánh chớp, Quyết rút từ thắt lưng ra một con dao thái dài chừng gang tay, nhọn hoắc, cười khẩy:
– Hơ! Mầy ngu lắm Sơn ạ. Một tên tù vượt ngục làm gì có tiền mua súng thật!? Súng giả, nhưng con dao này thì thật 100% – Quyết hươ hươ con dao trước mặt vài đường, rồi đột nhiên phẩy tay nhẹ một phát, lưỡi dao vọt ra cắm phập vào cánh tủ bằng gỗ lim, chuôi dao rung lên phát ra một luồng sóng âm mờ đục. Cũng như một ánh chớp, Quyết thu con dao về, bảo – Mầy thừa biết tài phóng dao bách phát bách trúng của tao mà!
Sơn nghẹn họng, hơi thở khò khè như người đang lên cơn suyển. Trên sàn nhà, ngay dưới chân Lê Sơn, một vũng nước vàng khè bốc mùi khai ngấy!
Ngẫm ngợi một lúc, bất ngờ Quyết lên tiếng:
– Gọi điện về ty cảnh sát, bảo họ điều ngay một đại đội cơ động và phóng viên thường trú khẩn trương đến áp giải Trịnh Quyết trở lại nhà tù.
Sơn còn do dự, Quyết quát lớn:
– Nhanh lên!.
Sơn xoay người sang chiếc bàn kê sát chân tường có đặt ổ điện thoại cố định, hắn nhấc ống nghe, quay số gọi trực ban ty cảnh sát truyền đạt nội dung Quyết đã dặn.
Lê Sơn úp ống nghe, Quyết nhìn đồng hồ treo tường, hỏi:
– Chừng mấy phút nữa họ kéo quân đến?
– 10 phút thôi anh.
Khoảng 10 phút sau, tiếng còi hụ, tiếng xe GMC gầm rú làm náo động cả một góc phố. Cảnh sát cơ động, đội đặc nhiệm, chó nghiệp vụ… đổ quân ngay trước cổng ngõ nhà mật vụ Lê Sơn như chuẩn bị cho một trận đánh lớn! Thấy cổng ngõ bị khóa, sĩ quan chỉ huy bắt loa tay gọi lớn;
– A lô, trung úy mở cửa để đội cảnh sát cơ động vào áp giải tội phạm. A lô…
Lê Sơn nghĩ, thế nào đại đội cơ động cũng trèo tường áp sát hiện trường, giải thoát mình ra khỏi sự phong tỏa của Quyết. Hắn nhếch miệng cười mãn nguyện – Với thành tích này, chắc chắn mình sẽ được lên lon đại úy trong nay mai. Nghĩ vậy nên Lê Sơn cảm thấy lòng phấn chấn và tự tin thế cờ sẽ lật ngược một cách ngoạn mục.
Thừa lúc Quyết đang phân tâm, Lê Sơn quyết kết liễu cuộc đời tên tù vượt ngục để trừ mối họa về sau. Nhưng hắn vừa rút khẩu browning ra khỏi vỏ thi một tia chớp từ tay Trịnh Quyết vút ra cắm phập vào tim của Lê Sơn, một dòng máu đỏ tươi ướt đẫm chiếc áo hắn đang mặc. Lê Sơn từ từ gục xuống sàn nhà, co giật mấy cái rồi nằm bất động trên vũng máu!
Ngoài cổng, loa phóng thanh thúc giục gấp gáp… Trịnh Quyết lục túi quần của Lê Sơn lôi ra xâu chìa khóa, thản nhiên đi ra mở cổng. Cánh cổng sắt vừa bật mở, đặc nhiệm, cơ động và chó nghiệp vụ, nhà báo ập vào vây quanh ngôi biệt thự. Tên sỹ quan hất hàm hỏi Trịnh Quyết;
– Trung úy Lê Sơn đâu, tên tội phạm đang giữ phòng nào?
Quyết đĩnh đạc bảo:
– Trung úy Lê Sơn nằm trong đó, tù vượt ngục Trịnh Quyết là tôi đây!
Quyết bị còng tay tại chỗ. Cảnh sát điều tra lấy lời khai và lập biên bản ngay tại hiện trường. Các phóng viên báo đài quay phim, chụp ảnh, ghi chép!
Ngày hôm sau, các báo buổi sáng trên cả nước đồng loạt thuật lại toàn bộ sự việc diễn ra tại biệt thự của trùm mật vụ Lê Sơn. Các tổng biên tập còn cho công bố rộng rãi bản gốc tờ tự thú của tên trung úy mật vụ.
Nhờ hệ thống thông tin truyền thông, người dân rất phẫn nộ khi ngộ ra rằng, vì không chiếm được mấy mươi mét vuông đất để xây biệt thự mà trùm mật thám đã rắp tâm mưu hại người lương thiện!
Ngành Tư pháp cho điều tra lại vụ án ấu dâm.
Sau đó không lâu, phiên tòa phúc thẩm được mở ra xét xử lại vụ án, bị cáo là Trịnh Quyết. Người thành phố đến dự phiên tòa rất đông.
Phiên tòa tiến hành đúng theo luật tố tụng. Kết thúc phiên tòa, hội đồng xét xử căn cứ vào lời biện hộ của luật sư; căn cứ vào tờ tự thú của Lê Sơn; căn cứ kết quả giám định y khoa con gái tên trùm mật vụ; căn cứ lời khai của thợ nhiếp ảnh dùng xảo thuật ghép hình, căn cứ các tình tiết giảm nhẹ được qui định trong bộ luật tố tụng, tòa tuyên án: Trịnh Quyết vô tội!
Bà con đồng loạt đứng lên reo hò làm náo động cả hội trường. Họ cho đây là một phiên tòa vô tư. khách quan, xét xử đúng người đúng tội, trả lại thanh danh cho người bị hại. Trịnh Quyết vẫn tiếp tục bị giam giữ để điều tra vụ án giết người, nạn nhân là trùm mật vụ Lê Sơn.
Khoảng ba tháng sau kể từ phiên tòa thứ nhất, cũng tại thành phố này, nhà chức trách cho mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án giết người, nghi can là Trịnh Quyết. Lúc đầu, tòa dự tính xử kín, nhưng bị giới báo chí, nhất là nhiều vị từng công tác trong ngành tư pháp đã nghỉ hưu phản ứng dữ dội nên cuối cùng phải xử công khai. Ngày khai mạc phiên tòa, dân đến dự đông lắm! Trong hội trường, ngoài hành lang tòa án đã kín chỗ.
Phiên tòa diễn ra rất căng thẳng. Luật sư bên nguyên, bên bị, bồi thẩm đoàn, công tố viên tranh luận sôi nổi. Kết thúc phiên tòa, bất chấp lời biện hộ của các luật sư bên bị, bỏ qua những tình tiết giảm nhẹ được ghi trong bộ luật tố tụng hình sự, hội đồng xét xử khép Trịnh Quyết vào khung hình phạt tử hình! Ngay lập tức, bà con tham dự đồng loạt đứng lên cực lực phản đối phiên tòa cố tình bao che, thiên vị, bản án bỏ túi! Hội đồng xét xử lầm lũi rút êm bằng cổng sau.
Lúc hai viên cảnh sát đưa Quyết ra khỏi phòng xử, phóng viên hãng RFI tranh thủ phỏng vấn:
– Có làm đơn kháng án không thưa anh Quyết?
Quyết cười buồn:
– Luật pháp chế độ này chỉ dành cho người nghèo. Được minh oan tội ấu dâm, tử hình tôi cũng vui lòng!
Khoảng 3 giờ sáng ngày 23 tháng 7 năm 1972, Trịnh Quyết đang nằm trên sàn nhà trong trạng thái nửa mơ nửa tình. Bỗng có tiếng ổ khóa khua lách cách rồi cánh cửa sắt phòng giam xịch mở. Quyết ngồi bật dậy! Vẫn biết ngày này sẽ phải đến, nhưng anh không thể ngăn được cảm xúc đau buồn của một tử tù sắp về thế giới bên kia trước lúc bình minh! Quyết cố lấy lại bình tĩnh. Anh nghĩ, đời ta đến ngày này là kết thúc, chỉ thương cho mẹ già đang sống trong cảnh nghèo không người nương tựa! Cán bộ quản giáo giục:
– Anh ra toilet làm vệ sinh rồi vào phòng làm thủ tục…
Quyết theo chân các giám thị bước vào căn phòng đang có đủ mặt ban thi hành án.
Đợi anh yên vị trên chiếc ghế dành cho tử tù, cán bộ nhà giam hỏi:
– Trước giờ thi hành án, theo thông lệ, Tổng thống ban cho tử tù một bữa ăn ân huệ. Thực đơn tùy anh lựa chọn?
Quyết liệt kê những món mà anh đang rất cần:
– Cho tôi một con gà luộc, một đĩa xôi, một chút muối tiêu, một cây bút, một tờ giấy khổ A4 và…. một điếu thuốc Salem.
– Anh cần gì nữa không?
– Rất cảm ơn, vậy là đủ rồi!
Đội thi hành án vừa hoàn tất mọi thủ tục pháp lý trước giờ G thì các món ăn Quyết yêu cầu cũng được bày ra trên chiếc mâm nhôm đặt ngay trước mặt. Quyết cầm bút viết mấy dòng lên trang giấy khổ A4:
Mẹ ơi!
Tuổi già sức yếu mẹ sống trong cảnh nghèo không ai chăm sóc lòng con đau đớn vô cùng! Trước lúc ra đi, con chỉ biết cầu xin mẹ hãy tha thứ cho đứa con bất hiếu này mẹ ơi! Vĩnh biệt mẹ!
Cún con Trịnh Quyết
Trịnh Quyết gạt nước mắt. Vừa xếp làm tư khổ giấy A4, vừa nói với cán bộ thi hành án:
– Nhờ anh cho tất cả các thứ trên mâm với tờ gấy này vào bì nilon và gửi về mẹ tôi theo địa chỉ đã ghi sẵn!
Cán bộ thi hành án khe khẽ gật đầu!
Nhón lấy điếu thuốc salem đặt lên môi, một giám thị vội bật lửa châm thuốc, Quyết kéo một hơi dài nhả khói rồi ném mẩu thuốc đang hút dở vào góc phòng.
Đúng giờ G, đội thi hành án giải Trịnh Quyết ra pháp trường.
Lúc đi ngang qua khu tù thường phạm, nhiều cánh tay đưa ra khỏi song sắt vẫy vẫy, hô lớn:
– Vĩnh biệt Trịnh Quyết!
– Đả đảo bất công!
5 giờ ngày 23 tháng 7 năm 1972 còn lãng đãng sương đêm, một loạt súng tiểu liên nổ giòn tiễn đưa thầy giáo Trịnh Quyết về với thế giới không hận thù, không bạo lực!