Nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, người dân từ nhiều miền quê đã đổ về Hà Nội để được chào tiễn biệt “Người anh cả của quân đội”. Trong buổi viếng đầu tiên, hàng nghìn người đã xếp hàng dài cả km trước cửa số 30 Hoàng Diệu.
Chiều 6/10, dưới ánh nắng vàng cuối thu, hàng chục nghìn người lặng lẽ xếp hàng dọc phố Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ để được vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hai hàng ngay ngắn nhích từng bước, gương mặt buồn bã, nhiều người mắt đỏ hoe, bật khóc.
Chưa một lần được gặp Đại tướng, chỉ biết về “Người anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam qua những trang sử, báo, đài nhưng bà Trần Thị Quỳnh Mai (Bình Dương) vô cùng kính trọng ông. Chết lặng khi nghe tin Đại tướng từ trần, bà bỏ hết công việc ở Bình Dương ra Hà Nội tìm đến nhà ông để được thắp một nén nhang.
Là một trong những người đến sớm nhất, bà được ưu tiên vào viếng đợt đầu. Bật khóc khi nhìn thấy di ảnh Đại tướng đặt trên ban thờ, bà nghẹn ngào: “Thế là đất nước mất đi một người con ưu tú”.
Bà Nguyễn Thị Cúc và Trần Thị Quỳnh Mai vẫn ngồi khóc ở bên đường, đối diện cổng nhà Đại tướng sau khi vào viếng. Ảnh: Nguyên Anh. |
Dù đã ngoài 70 tuổi, bà Nguyễn Thị Cúc cũng vượt gần 200 km từ Thanh Hóa ra Hà Nội. Khóc nấc thành tiếng, bà cho biết, đã vinh dự được gặp Đại tướng một lần, nhưng mãi mãi không bao giờ quên được hình ảnh vị tướng gần gũi, thương yêu nhân dân. Với bà, Tướng Giáp như vị thánh sống với chiến công lừng lẫy, đánh Pháp, đuổi Mỹ, đem lại hòa bình, độc lập cho dân tộc.
“Tôi phải tận mắt chứng kiến những cảnh này mới tin là Đại tướng đã thực sự ra đi. Đau xót lắm. Tôi mong thế hệ nối tiếp sẽ bảo vệ được thành quả cách mạng mà Người và nhiều thế hệ chiến sĩ đã bỏ xương máu giành được”, bà nghẹn ngào.
Đôi mắt đỏ hoe, giàn giụa nước, Đỗ Quốc Huy khẽ gọi tên Đại tướng với tất cả lòng thành kính. Mất vài phút để lấy lại bình tĩnh, Huy tâm sự, học thêm xong, em đạp xe từ Hà Đông lên đây, đợi đến giờ vào viếng. Kể từ khi nghe tin Đại tướng từ trần, cậu sinh viên này hụt hẫng, buồn rầu bởi “ông là thần tượng, là tấm gương sáng, cho em niềm tin để phấn đấu trở thành người có ích”.
“Cúi đầu trước di ảnh Đại tướng, em đã hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt. Nhất định em sẽ thành công, để góp sức xây dựng đất nước”, Huy nói.
Hòa trong dòng người xếp hàng chờ vào viếng có hàng trăm em nhỏ được người thân đưa đến. Bé Cao Ngọc Thùy An (6 tuổi, đi cùng bà nội) nói, bà thường kể cho em nghe về một vị tướng Võ Nguyên Giáp có tài cầm quân, đánh Đông dẹp Bắc, giữ hòa bình, độc lập cho đất nước.
“Cháu biết nếu không có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cháu sẽ không có ngày hôm nay, không được đến trường học tập. Vì vậy, cháu muốn đến viếng cụ để tỏ lòng cảm ơn”, cô bé nói.
Cậu bé ngồi trên lưng bố chờ được vào viếng, mặt buồn bã với tấm ảnh Đại tướng trên tay. Ảnh: Nguyên Anh. |
Ôm con đứng nép dưới gốc cây tránh nắng, anh Dương Văn Hoàng cho biết, vợ chồng anh đã ra xếp hàng từ rất sớm và bế bé Dương Gia Hân mới 6 tháng tuổi đi cùng. Anh mong mỏi, sau này lớn lên, khi nghe bố mẹ kể lại chuyện được cúi đầu tiễn đưa Đại tướng, Hân sẽ tiếp thu được những điều tốt đẹp, phấn đấu học thành tài.
Không đủ sức để tự đi, phải nhờ cháu dìu nhưng nhiều cụ già vẫn nhất quyết đến xếp hàng để được chào tiễn biệt vị Tư lệnh tối cao. Bà Quách Thị Nga (84 tuổi) được con trai đưa từ Khâm Thiên lên viếng Đại tướng.
“Nước Việt ta có Bác Hồ, sau đó là bác Giáp luôn luôn được dân kính trọng, tin yêu. Tôi phải đến để viếng vị Đại tướng – người anh mà cả thế hệ chúng tôi tôn thờ”, bà nói.
Nhà ở Hoài Đức (Hà Nội) nhưng khi nghe tin Tướng Giáp qua đời, 22h ngày 5/10, ông Nguyễn Văn Huyền vội tới nhà Đại tướng, cùng hàng trăm người dân đứng bên ngoài ngóng vào trong ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, sau đó về nhà trọ tá túc. Sáng sớm, ông lại ra đợi đến đầu giờ chiều được vào viếng.
“Hôm nay dân mình đến đông, nếu không đến lượt vào viếng, ngày mai tôi lại ra xếp hàng sớm. Tôi sẽ ở đây đến khi nào tiễn đưa Đại tướng xong mới về nhà”, ông Huyền chia sẻ.
Bên ngoài căn phòng đặt ban thờ Tướng Giáp, gia đình kê bàn ghế phủ vải trắng để người dân có thể ngồi ghi cảm tưởng. Dù có tới 5 cuốn sổ, song lúc nào khu vực này cũng có hàng chục người phải đứng đợi chờ đến lượt. Những dòng chữ nhòa trong nước mắt của người viết.
“Muôn vàn kính yêu anh Văn – người anh hùng vĩ đại, nhà quân sự tài ba lỗi lạc của dân tộc Việt Nam và toàn thế giới. Tiếc thương anh khôn nguôi. Xin kính chúc anh an giấc ngàn thu”, gia đình ông Nguyễn Văn Hiếu – người được Đại tướng dìu dắt nhiều năm, viết.
18h, đã hết giờ viếng Đại tướng ngày đầu tiên, song hàng nghìn người, gồm cả già trẻ, người nước ngoài vẫn lặng lẽ xếp hàng mong được vào bên trong. Ảnh: Quý Đoàn. |
Từng biên tập cuốn sách viết về các danh tướng thế giới, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Hồ Thu không kìm được nước mắt khi đặt bút viết vào cuốn sổ ghi cảm tưởng. Trong ông lúc này lại hiện lên hình ảnh vị Đại tướng thân tình, gần gũi, từng nhiệt tình kể cho ông nghe về những trận chiến hào hùng mà Đại tướng đã kinh qua.
Ông Thu gửi đến Đại tướng những vần thơ, mong Người yên nghỉ sau chặng đường dài cống hiến cho đất nước: Như thể anh về với non sông / Tâm linh cao cả vạn tấm lòng / Với dân với Đảng và dân tộc / Như đỉnh Trường Sơn ngút mây xanh.
Dù thời gian vào viếng Đại tướng ngày 6/10 kết thúc lúc 18h nhưng đến sát giờ, cả nghìn người vẫn lặng lẽ xếp hàng chờ đến lượt. Dọc đường Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ, những gương mặt đượm buồn của cả người già, người trẻ vẫn mong ngóng được đứng trước ban thờ vị tướng tài ba. Gia đình Đại tướng đã ra cảm ơn và cáo lỗi với người dân, mời bà con đến viếng vào những ngày tiếp theo.
Trên vỉa hè đối diện cổng nhà Đại tướng, trong bộ áo nâu sòng, bà Nguyễn Thị Cúc (Thanh Hóa) và Trần Thị Quỳnh Mai (Bình Dương) vẫn ngồi khóc thành tiếng, đau xót tiễn đưa vị Tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam – người xây dựng Quân đội hùng mạnh, chiến thắng mọi kẻ thù từ 34 thành viên áo vải.