Vương vấn sông Hoàng

Truyện ngắn của Hoàng Hải Lâm

 

Chị nằm ngủ trên chiếc giường tre. Trưa, nắng gắt. Mồ hôi chảy đầm đìa khiến giấc ngủ của chị chìm sâu. Chị nghe có tiếng quát của ai đó đanh gọn “Dậy! Đồ đàn bà hư đốn”. Dường như tiếng quát đó dành cho chị. Và cả những giọt mồ hôi đến trong giấc ngủ cũng dành cho chị. Trước đây không có thế, giờ đã khác, khác rất nhiều.

Vì mỗi khi thức giấc trở dậy, máu chảy đầm đìa từ đủm quần chị. Chị xanh mặt lo lắng và giấc ngủ trưa đối với chị là cả một sự kinh hoàng. Nhưng chị không trốn được nó. Đúng vậy, mỗi trưa đúng chính ngọ là mắt chị rịm xuống. Như có ai đó kéo cửa sổ tâm hồn của chị lại. Ở trong chị, một màu đen cùng khuất. Tối đến mịt mùng. Chị nghe tiếng người cười ran rát, có tiếng cười hô hố và có cả những tiếng rên. Đó là âm thanh thể hiện cảm xúc gì? Chị không biết! Chị không tài nào đoán được. Chị không thể chia sẻ điều này với chồng chị. Mẹ chồng lại càng không. Họ có cách nhìn quái đản về vấn đề của chị. Trong ngôi nhà chỉ có ba người đã có hai người chị không nói với họ được. Thì với chị, chị đành lặng im đi lấy khăn ướt và chậu nước kỳ cọ cho sạch chỗ máu vấy ra. Chị cũng kinh tởm vì điều đó, đôi lúc chị căm ghét bản thân mình đến muốn từ bỏ.

– Cô làm cái quái gì thế? Đàn bà bị rong kinh thì phải biết kiếm chỗ khác mà nằm. Cô cứ nằm hoài ở cái giường của các cụ là sao?

Chị lặng im như người biết lỗi. Nhưng rồi chị đã gây là lỗi lầm lớn ngay sau đó khi hốt hoảng vung cả chiếc khăn đẫm máu lên mặt mẹ chồng. Chị chết đứng nhìn mắt mẹ chồng vàng rực lên trong cái nắng có thể thiêu rụi một ngọn đồi.

– Ngày mai, anh Hưng dọn đồ đưa chị Thanh về bên nhà ngoại. Giọng mẹ chồng đanh gọn, bà bước đi một đoạn rồi dừng lại sau câu nói của chị.

– Mẹ, con xin lỗi! Xin mẹ và anh Hưng chia sẻ cho chuyện của con. Con hốt hoảng quá khi nhìn thấy cảnh tượng đó.

Mẹ chồng chị mỉm cười nhếch mép. Bà cứ đứng thế nhìn về bàn thờ tổ tiên còn chị quỳ xuống ở phía sau lưng. Giữa trưa, cảnh tĩnh đến lạ thường. Và giọng nói của mẹ chồng chị vang lên giữa căn nhà như có đấng tối cao về truyền kiếp.

– Chị thấy đấy, tôi yêu thương chị không khác gì anh Hưng nhà này. Nhưng sao rồi hả? Lấy anh Hưng đến ba năm trời không có mụn con. Dòng giống nhà này còn trông mong gì vào chị nữa? Chị bị bệnh thế không sinh con được đâu. Thôi chị cứ về ở tạm bên nhà ngoại, tôi sẽ sang đó nói chuyện ông bà thông gia sau. Chị thấy đấy, tôi là cứ quá thương. Chứ năm lần bảy lượt bị rong kinh mà chị nằm ngay lên chiếc giường của các cụ. Đàn ông mấy đời của dòng họ Hoàng này đều nằm trên chiếc giường đấy nhưng đã tắm rửa xong khi có tình với vợ. Mấy lần đó nếu không thương tôi sẽ không để chị yên. Mà lỗi cũng tại chị cả đấy. Ngày mới cưới về tôi đã cảnh với chị. Rằng chiếc giường đó để cũng không được mà vứt thì chẳng xong, đàn bà còn trinh tiết ngồi lên đó xem như hỏng. Vậy mà chỉ chẳng để tâm…

Mẹ chồng chị lặng đi một lúc rồi lại tiếp lời:

– Sự thể thế nào mà chị hốt hoảng đến nỗi đắp cả chiếc khăn đó lên mặt mẹ chồng mình? Chị hốt hoảng gì đến độ đó chứ?

– Dạ thưa mẹ, con khiếp quá! Khi con kỳ cọ chỗ máu vấy trên giường thì thấy dưới tay mình cựa quậy một con sông toàn là máu.

– Cái gì? Tôi năm nay tám mươi tuổi rồi. Chị đừng hoang đường vớ vẩn. Trong liệt sử của họ Hoàng có ghi khúc Sông Hoàng. Đến đời chị nó biến thành khúc sông máu ư? Đấy, khúc Sông Hoàng nó ở ngay trước mặt chị đấy, nó nằm ngay ở cái miếu thờ Thần Hoàng. Bên bờ có khu lăng tàn của bà Nguyệt Tận. Chị có thể ra đó kiểm chứng xem có giọt máu nào trôi không?

Chuyện kể, cách đây hơn một ngàn năm có người con gái chèo thuyền trên sông tên là Nguyệt Tận. Nguyệt Tận là một cô gái đẹp đến điên đảo lòng người. Nhiều chàng trai đem lòng yêu cô nhưng cô không để lòng. Chiều chiều, khi vãn khách. Cô hay chèo thuyền về phía miếu ông Hoàng và đậu thuyền ở đó. Thời gian sau không ai còn nhìn thấy cô đưa khách sang sông trên khúc sông này. Chỉ thấy con thuyền nằm cheo leo bên miếu. Và từ khúc sông chỗ miếu Ông Hoàng có một đôi cá trê vàng lớn chừng thân người quẫy nước tung tăng. Con lớn hơn người ta đồn đại đó là ông Hoàng nên không ai dám đánh lưới. Con trê vàng bé hơn người ta nói đó là cô Nguyệt Tận hóa thân nên cũng không ai dám đặt câu. Miếu Ông Hoàng được xây thành nhà thờ Thần Hoàng khi dân ven sông nhìn thấy ở khúc sông ấy chảy thứ nước màu vàng trong mỗi dịp rằm hằng tháng. Khúc sông ngày ấy được gọi tên khúc Sông Hoàng. Người ta cũng xây bên cạnh bờ sông đền thờ cô Nguyệt Tận. Thực hư thế nào không ai rõ nhưng liệt sử của làng thì có ghi và cho đến giờ khúc sông ấy vẫn có mầu vàng ấy. Đôi cá trê vàng cũng vẫn còn đấy đố ai không tin. Đó là truyền thuyết làng mà chị từng nghe kể. Và chị tin, chị tin như con sông bằng máu cuộn lên dưới tay chị.

Quân xâm lăng tràn về khắp làng mạc. Những tên cướp nước có sống mũi rất cao, đôi mắt xanh và râu tua tủa. Chúng nói thứ tiếng lạ đến cả những người già lẫn người trẻ trong làng không ai nghe được. Chúng đến cướp của dân, chà xát lên thân đàn bà và cả những đứa bé gái còn rất nhỏ cũng bị chúng hành hạ. Đàn ông thì chúng bắt đi cùng. Hôm đó chị trốn ở miếu Ông Hoàng. Chị nhìn thấy cả. Mẹ chồng chị cũng bị ba tên trong bọn chúng lôi ra làm nhục. Lúc đó, chị đứng dậy và định chạy ra nhưng đã có bàn tay kéo chị lại. “Ngồi xuống, hãy ở im đấy. Cô không làm gì được bọn họ đâu”, giọng của một người đàn bà nói với chị. Anh Hưng chồng chị cũng bị sát hại hôm đó khi Hưng xông ra cứu mẹ. Xác của Hưng và nhiều người dân trong làng đều bị chúng xé nát trước khi vứt xuống sông. Hôm đó, khúc Sông Hoàng đỏ nhừ máu. Chị nhắm nghiền đôi mắt kinh hãi rồi thét lên. Đám lính đi về phía miếu Ông Hoàng, chúng lục lọi khắp nhưng không hề thấy ai cả. Một lúc sau toán lính nháo nhào chạy khi chứng kiến một con rắn màu vàng khổng lồ từ trong miếu tấn công về phía chúng. Chính chị cũng hốt hoảng thét lên.

– Cứu tôi với!

– Cô hãy bình tĩnh…

– Chị là ai?

– Tôi là Nguyệt Tận, cô đừng sợ. Mọi việc đã qua rồi.

Người đàn bà rất đẹp, đẹp đến điên đảo lòng người hiện ra trước chị, mơ màng rồi vụt tắt.

– Chị vừa trò chuyện với ai đấy? Giọng mẹ chồng chị. Bà đứng ngay trước mặt chị giữa trưa với đôi mắt dội lên niềm nghi vấn.

– Dạ con vừa thấy chị Nguyệt Tận.

– Đúng là chị mất trí rồi. Mẹ chồng chị thở dài rồi đi ra. Chị thấy thấp thoáng trông mẹ chồng chị có bóng hình của Nguyệt Tận. Chị chạy với theo mẹ chồng về đến phòng bà rồi đứng lặng im nhìn mẹ chồng. Mắt chị bắt đầu rịm lại. Trong mơ màng của giấc ngủ, chị nghe tiếng nói rất ngọt, nhẹ tênh và đầy thổn thức.

– Ta về làm dâu nhà họ Hoàng cũng bao điều khốn đốn. Nhiều chuyện khốn đốn trong dòng họ này khiến ta trở thành một người đàn bà không thể cảm thông với người cùng cảnh ngộ như mình. Nhưng đã bước chân vào đây rồi thì nghĩa vụ phải tròn. Chí ít cũng sinh con để dòng họ này không tuyệt tự. Ta thương con nhưng số của con nó không thương lấy chính con. Ta đẹp hơn con rất nhiều nhưng lại chịu cảnh chồng phụ. Ta được ngủ với chồng chỉ có một lần. Duy nhất! Mùi đàn ông ta vẫn nhớ mãi. Ông ấy bỏ ta đi tìm người đàn bà khác. Chiến tranh, đàn ông chết cả, đàn bà thừa thãi… Con không sinh được con, hà cớ gì sống riết bám vào đời con trai ta… Chị thấy, một lưỡi dao sáng loáng vung lên đưa sát cổ mình.

– Chị Nguyệt Tận, đừng giết em!

– Chị lại mê sảng rồi.

– Mẹ, sao mẹ lại…

– Định giết chị chứ gì?

– Dạ con không dám.

Hỉ, mẹ chồng nhìn chị rồi đi với gương mặt nghiêm nghị.

– Lấy nước lau sạch chỗ đó đi nếu không họ tưởng của tôi thì xấu hổ. Tôi tám mươi rồi.

– Dạ, con xin lỗi mẹ. Anh Hưng đâu rồi ạ?

– Anh Hưng ở phòng bên, chị hỏi có việc gì?

– Dạ không, con chỉ hỏi thế thôi ạ.

Chị run lên bần bật, tay đè sát ngực mình. Đó chỉ là giấc mơ, chị cứ tưởng chồng chị đã chết khi phản ứng bọn lính làm nhục mẹ chồng chị.

Chị bước lên thuyền mà mắt vương vấn về nơi bao năm chị từng sống. Khúc sông sáng hôm ấy hoa tràm rơi vàng rộ. Những bông tràm li ti kết thành tấm thảm vàng trên mặt nước. Từ dưới sông, hoa tràm bốc lên mùi hương nồng nàn. Chị bảo người chèo thuyền dừng lại ở chính giữa sông rồi chị đứng nhìn vào con sông bất tận. Người chèo thuyền là một người đàn bà nước da ngăm đen nhưng đôi mắt chị trông như là sóng, đẹp đến rợn người. Người chèo thuyền hiểu được cơ sự của chị nên đứng cắm sào cho vơi lòng chị cho đến khi tiếng khách gọi đò từ phía làng bên kia cất lên.

– Cô Thanh à, tôi cho thuyền đi nhé?

– Dạ.

– Về lại nhà liệu có được không cô? Tôi sợ bố mẹ cô buồn.

– Biết làm thế nào được chị Nguyệt?

– Hay cô ở lại thuyền với tôi?

– Nhưng rồi bố mẹ tôi cũng biết, tiếng người đồn xa…

– Nhà bố mẹ cô cách đây xa mà. Đây là khúc Sông Hoàng, gần nhà anh Hưng… sẽ chẳng ai biết cô bị chồng bỏ.

– Dạ.

Con thuyền trở lại chỗ người khách khác sang sông còn chị ở lại trên thuyền với người đàn bà đó. Gần một năm sau, trên khúc Sông Hoàng có tiếng khóc chào đời của đứa bé. Đứa bé trai bụ bẫm, cậu có khuôn mặt của một bậc đế vương. Cậu có nụ cười như mùa thu tỏa nắng và đôi mắt nhìn khiến nước ngừng trôi. Người ta không biết cậu là con của ai cả. Vì trên sông đó có đến hai người đàn bà, chị và người chèo thuyền. Cứ sáng sáng, người ta thấy cậu đứng ở mũi thuyền, chị chèo thuyền còn người đàn bà trước đây chèo thuyền thì ẵm đứa bé. Chị sống bình lặng trên khúc Sông Hoàng. Đêm đêm, chị lại nghe người đàn bà trên thuyền kể tiếp câu chuyện ngày xưa của người con gái chèo thuyền tên là Nguyệt Tận.

Nguyệt Tận về làm thứ thất trong dòng họ Hoàng, chị nghe có người nói vậy. Thủơ đó ông lớn đời thứ hai của dòng họ Hoàng này đã có một người vợ, tính tình bà này hiền lành nhưng không sinh được con. Ông này đã bắt ép cô gái chèo thuyền Nguyệt Tận làm vợ mình trong một đêm. Đời đàn bà chỉ ám nỗi trinh tiết nên mới cam chịu chứ đâu phải chuyện Nguyệt Tận đem lòng say đắm ông Hoàng rồi ở biệt với ông như liệt sử ghi. Sử ghi chỉ toàn điều tốt. Sử ghi bà Nguyệt Tận có hai cô con gái nên cuối đời hồi tôn về quê ngoại làng bên. Sử không thấy ghi cô Nguyệt Tận sinh đôi một trai một gái sau đó bị bà ba của ông Hoàng đánh tráo con trai. Người đàn bà trong một dòng họ cũng bị thất sủng như hoàng hậu của một vương triều. Bởi thế, miếu bà Nguyệt Tận ngàn năm lạnh lẽo.

– Chị Nguyệt này, chị nói với người đàn bà trên thuyền. Từ lúc xuống thuyền em không bị cưỡng bức giấc ngủ nữa và máu không còn chảy. Em không hiểu điều đó…

– Chị cũng không rõ nữa Thanh à, người đàn bà nói giọng ôn tồn. Nhưng chiếc giường mà em ngồi ở nhà chồng có chuyện cưỡng bức con gái còn trinh tiết là chị từng nghe. Đó là chiếc giường của đàn ông mấy đời họ Hoàng đấy.

– Chị nói vậy là những người đàn ông trong dòng họ làm nhục em sao?

– Chuyện khó tin nhưng không dễ gì gột bỏ. Chị nghe nói, mẹ chồng em từng bị mất đi sự trong trắng khi ngồi lên chiếc giường ấy và bị chồng bỏ ngay sau đêm ái ân. Nhưng bà ta vẫn sống vậy để hương khói cho nhà họ Hoàng.

– Nhưng em từng mơ có chiến tranh, mẹ chồng em bị làm nhục và anh Hưng bị bọn lính giết, máu chảy đầy sông…

– Đó là chuyện trước đó, bố chồng em bị giết khi can ngăn bọn lính làm nhục mẹ mình, mẹ ông ta đã 80 tuổi nhưng bọn chúng chẳng tha. Mẹ chồng em lúc đó được bà Nguyệt Tận giấu trong miếu, nếu không được sự che chở của bà Nguyệt Tận thì bọn lính sẽ không tha đâu. Chị nghe nói, mẹ chồng em từng là người con gái đẹp nhất vùng.

Chị lặng đi, sau bao nhiêu chuyện. Chị ngẩn người khi nhìn khúc Sông Hoàng man mác những bông tràm bắt đầu vào mùa sông gọi. Từng bông tràm rơi rơi, một ngày nó lấp kín khúc sông trong cơn nắng mai lên dịu dịu. Lòng chị chợt nhớ chồng, nhớ mẹ chồng chị đến khôn xiết. Ở bến Sông Hoàng lên nhà chồng chỉ có mấy bước chân. Chị đặt chân xuống thuyền đã năm năm rồi nhưng anh Hưng không một lần xuống bến hỏi. Anh đã quên chị thật rồi chăng? Như chị là một cái máy đẻ con không làm tròn bổn phận?

– Em đang nghĩ về nhà chồng đấy à?

– Em nhớ họ chị ạ. Có lẽ em sẽ lên đó cùng với cu Thịnh.

– Chú Hưng đã lấy vợ rồi, em về đó sống thế nào?

– Chị Nguyệt, sao lâu nay không nghe chị nói với em?

– Cái ngày đó, em mới sinh cu Thịnh. Chị nói thế nào lúc em đang ở cữ đây. Cũng xót lắm em à. Người đàn bà ấy đến giờ cũng không sinh được con vì đã ngồi vào chiếc giường đó. Chị nghe nói cô ta bị rong kinh, nhưng mẹ chồng em lại không khắt khe như với em trước đây nữa.

– Em mừng cho cô ấy. Nhưng tội nghiệp quá!

– Em đến lấy chồng sau này nên không biết. Chị cũng từng ở trong căn nhà đó. Chị lấy anh con bác của nhà chồng em.

– Chị Nguyệt…

– Không phải khóc cho chị đâu. Đêm tân hôn chị đã gặp ác mộng. Nhiều người đàn ông đã phủ lên người chị với những tiếng rên dài, những điệu cười hô hố… chị đã chủ động bỏ chồng xuống thuyền để thoát ra ảo ảnh đó. Chồng chị sau đó lấy người đàn bà khác, không biết họ có mạnh mẽ như chị hay mỏng manh như em.

– Chị Nguyệt…

– Khóc để làm gì? Nước mắt không mạnh hơn nước Sông Hoàng. Chỉ còn cách là đưa thuyền cưỡi lên nó. Nhưng lắm lúc, nó có thể làm lật thuyền đấy em à.

Hai người đàn bà ngồi lặng lẽ thả thuyền trôi trên sông. Cậu bé đứng ra mạn thuyền nhặt đá ném từng hòn bì bõm xuống mặt nước. Trông mặt cu cậu có vẻ buồn nên chị đến sát bên. Chị vuốt tóc cậu bé và đưa hai tay đặt lên vai.

– Con làm gì đấy? Chị hỏi

– Con gọi bố.

– Bố đâu có ở dưới sông.

– Dì Nguyệt nói bố ở dưới sông mà.

– Dì Nguyệt đùa con đấy. Bố ở trên bờ kia.

Chị đưa tay chỉ về phía nhà chồng, nơi có lũy tre nặng cúi đầu bởi đêm qua hứng sương. Rồi mẹ sẽ đưa con lên gặp bố trên đó Thịnh à, chị nói với con. Người đàn bà đứng phía cuối thuyền mắt dõi theo niềm nhớ của chị.

– Sẽ khó lắm Thanh, chị thấy vậy. Em ở nhà chồng mấy năm không có chửa. Xuống thuyền mới mang thai. Đêm cuối cùng ấy liệu chú Hưng có còn nhớ?

Chị treo nỗi thắc thỏm lên câu hỏi của người đàn bà. Con thuyền của họ đã trôi xa mà họ không hề biết, đến đoạn có con sóng chảy qua lạch, người đàn bà mới hốt hoảng cắm sào chống thuyền trở lại. Chị cũng vội vàng lấy sào chống thuyền, cu cậu thì vẫn ném đá xuống dòng sông gọi bố. Hai người đàn bà chèo thuyền về trong con nắng chiều đã rám cháy mặt sông. Những bông hoa tràm trên mặt nước vẫn bị nắng hun héo rũ. Hoa đến thì, người cũng có thì. Và khúc Sông Hoàng cũng thế. Ngày trước, nước ăm ắp cả đôi bờ. Chục năm trở lại đây vào mùa hè sông gần như ráo huơ ráo hoảnh về cuối nguồn nơi con thác. Do vậy, nước còn chỉ mỗi ở khúc sông chi và người đàn bà nọ sống. Người qua sông cũng thưa thớt dần.

*

Nhiều đêm nằm lại với con thuyền trên bờ sông này, chị vẫn giật mình thảng thốt. Nhiều đêm, chiếc giường tre bất giác trườn về trong giấc mơ của chị. Và chị chồm dậy ngồi nghe sóng đánh vào mạn thuyền suốt đêm. Chị đưa mắt nhìn đứa con trai rồi thấp thoáng thấy bước chân mình đặt lên bờ. Mấy ngày hôm sau, khi người đàn bà lúi húi nhóm lửa nấu cơm. Chị dắt tay cu Thịnh nhẹ nhàng bước đi. Thực ra, người đàn bà trên thuyền biết nhưng làm ngơ. Cũng mong là chị đoàn tụ với gia đình, nhưng làm thế nào khi đã có một người đàn bà ở đó. Chị cũng từng nghĩ đến điều này. Nhưng vì thương cu Thịnh, thương cho mình và chị thương cả chồng chị, thương mẹ chồng. Chị bước vào nhà chồng với đôi chân run run và mắt nhìn khấp khởi. Giữa trưa, chị không biết mấy giờ. Nhưng con nắng dường như đang cắm thẳng đỉnh đầu. Chị nhìn thấy trên chiếc giường tre một người đàn bà nằm quay mặt vào trong. Chị ta nằm ngủ với người ướt đẫm mồ hôi và khi nhìn xuống dưới, chị thấy ở quần của người đàn bà nọ sắc màu đỏ ối của máu. Chị lấy hết can đảm tiến đến bên chiếc giường tre. Chị đưa tay lay nhẹ vai người đàn bà. Người đàn bà ngồi nhổm dậy với những âm thanh ú ớ. Chị hiểu, vì đó là ngày xưa của chị. Những buổi trưa quái đản bên chiếc giường tre. Chị định nói mấy câu với người đàn bà thì có tiếng nói cất lên từ căn phòng trong khiến chị dắt cu Thịnh vào nấp sau cánh cửa.

– Dậy đi, đồ đàn bà hư đốn. Cô bị rong kinh thì kiếm chỗ khác mà nằm, sao lại nằm vào giường của các cụ.

Chị đứng im lặng đến ngừng thở bên đứa con trai chị ghì sát mặt nó vào lòng mình. Mẹ chồng chị đi ra với đôi mắt có thể đốt cháy bất cứ thứ gì bị mẹ nhìn vào trực diện.

– Chị dậy dọn đồ đi, chiều anh Hưng đưa chị về lại nhà ngoại. Ngày mai, tôi sẽ sang đó nói chuyện với anh chị thông gia…

Tim chị thắt lại nhưng lồng ngực chị lại sắp vỡ tung. Đến giờ chị mới nhận ra. Ôi Dung! Sao có thể là người em gái của chị trong ngôi nhà này. Chị chực thét lên một tiếng thật lớn nhưng rồi chiếc giường tre như mở mắt nhìn chị thao láo khi đứa em của chị đưa nhúm vải mảnh kỳ cọ trên từng chiếc vạc giường. Nhưng em gái chị đã làm công việc đó một cách lẹ làng. Và nó gói ghém quần áo, nó bước một cách nhanh chóng chứ không ở lại một đêm như ngày cuối cùng của chị. Nó đi, chị cũng dắt cu Thịnh chạy theo đến bến sông. Khi vừa xuống bến, chị nhìn ra giữa lòng sông thấy con thuyền và hai người đàn bà cắm sào đứng lại.

– Chị Thanh…

– Chị Nguyệt, chị Nguyệt…

– Chị Nguyệt nào? Em, Dung mà.

– Dung, sao em lại ở đây?

– Chị nữa, sao thế? Chị và em chèo thuyền cho khách sang sông. Trời tối quá nên chị bảo cho thuyền đậu lại bên miếu ông Hoàng rồi chị ngủ một giấc ngon lành mà. Nào, chị gái xinh đẹp của em đã gặp chàng hoàng tử nào trong mộng rồi chăng? Anh Hưng mà biết được…

Chị ngồi lặng im, tịnh như không thở. Chị gác mái chèo cho thuyền trôi dọc dòng sông đến vịnh cách đó mấy làng. Chị đặt chân lên bờ rồi đi xăm xăm đến một cánh đồng rộng. Chị dừng lại trước một mảnh đất có nhiều hoa ngũ sắc. Chị nói “mộ Nguyệt Tận ở đây”. Và khi phát quang mấy cây hoa ngủ sắc, tấm bia đá hiện ra với mấy dòng chữ:

“Cố Việt

Canh Thìn trọng xuân trung tiễn

Hiển tỷ phụ Hoàng môn kế thất hưởng linh thượng thọ Nguyễn Thị Nguyệt Tận

Hiếu tử Hoàng Thị Thanh phụng lập…”

Mắt chị đỏ hoe. Chị đang ngồi khóc bên ngôi mộ hoang tàn lạnh lẽo.

Mùa này, bông tràm rơi vàng rộ cả khúc sông. Những bông tràm theo con nước trôi buồn trong vời vợi. Khúc Sông Hoàng lấp lánh trong trong ánh nắng ban mai. Chị đang vương vấn với bao câu chuyện xảy ra trên sông này. Như chiều dài của nó, xa và rất xa.

– Anh Hưng họ gì Dung nhỉ? Chị hỏi.

– Họ Hoàng, Hoàng Kim Hưng.

Chị bật cười. Trông chị đẹp đến chết đi được. Nhưng chị ngớ ngẩn quá! Chị sắp về làm dâu nhà người ta rồi mà không biết đến họ của chồng. Thiệt là ngớ ngẩn.

(Văn nghệ số 41/2013)