1.Vẫn thường hiện lên trong tâm trí tôi, rằng một cử nhân văn học khó có thể bỏ nghề văn theo nghề toán, thì ngược lại, một người học toán, bỏ nghề toán theo văn không phải là hiếm. Vương Trọng cũng như Đặng Hấn, Lê Quốc Hán, Triệu Bôn… những người theo học ngành toán, nhưng lại sáng tác văn học.

Nhà thơ Vuong Trọng

Với tôi điều đó thoạt tiên gây sự ngạc nhiên, và rồi từ ngạc nhiên tôi muốn tìm hiểu sáng tác của họ. Chọn trường hợp Vương Trọng, tôi thực sự thú vị những muốn lục tìm trong từng câu chữ của anh những dấu ấn mờ tỏ tư duy của một người làm toán. Nhưng tôi đã gần như thất bại. Điều đó chứng tỏ, tư duy hình tượng và những thăng hoa lãng mạn của thơ đã lấn át những khái niệm khô khan của toán học.

Hãy quan sát anh trong những khoảnh khắc đời sống, những sự kiện đưa đến những rung động trong tâm hồn anh với tư cách là một người làm thơ. Đây là những hoàng hôn tuổi thơ dại, chờ mẹ về từ đồng chiêm của mấy anh em trên bậu cửa:

Anh em con chịu đói suốt ngày tròn

Trong chạng vạng ngồi co ro bậu cửa…

Con gọi mẹ một mình trong đêm vắng

( Khóc giữa chiêm bao )

Đô Lương quê anh, những bờ bãi ven sông Lam xanh biếc ngô khoai, những núi Quỳ đất đỏ kia là gì mà để lại thật sâu nặng trong ký ức của anh, đến mức dù có sống ở miền quê nào, cũng không thể thay thế được, dù có đi đến đâu cũng không thể có miền đất nào sánh nổi:

Con lang thang vất vưởng giữa đời thường

Đâu cũng sống, không đâu thành quê được

( Khóc giữa chiêm bao )

Miền quê gian khổ đó có ngôi nhà thân yêu của anh, có một thời kham khổ, thiếu thốn, nhưng cũng cái thời đó, mọi thứ đều trở thành trớ trêu, nghịch lý. Ví như  gia đình anh cũng bao gia đình khác, thiếu ăn, kham khổ là vậy, nhưng vẫn bị quy thành phần. (Thời ấy gia đình nào mà bị quy thành phần thì khốn khó vô cùng! ). Hãy đọc những câu thơ tả thực nhớ về thời gian nan kia của Vương Trọng: Một thời kham khổ anh em/ Vừng rang rau cải, rau giền làm cơm/ Mùa đông chen chúc ổ rơm/ Nửa đêm cơn đói còn thơm mùi vừng ( Phố phường ai giã cối vừng ). Giữa thị thành, nhà ai đang giã vừng, mùi thơm liên tưởng tới những ngày gian khó ở quê nhà. Nghe tiếng sấm đầu mùa, điều nhớ nhất là tiếng người râm ran gọi nhau đi bắt cá: Gặp cơn mưa lớn đầu mùa/ Râm ran tiếng đó, tiếng lờ đi đơm ( Nhà quê 1 ). Cơn mưa đầu mùa gọi anh về với những ký ức tuổi thơ, và làm thức dậy trong tâm hồn anh những khát khao sáng tạo: Cơn gió đồng thổi thi tứ vào thơ ( Nông dân ).

Có phải vì ở đấy Vương Trọng có những người thân yêu tuyệt vời mà anh mang theo hình ảnh của họ, như một sự ân nghĩa suốt cả cuộc đời anh. Ví như hình ảnh người chị dâu: Lấy chồng, chồng ở nhà đâuEm chồng đông, mẹ chồng đau ốm nhiềuLàm dâu gặp phải cảnh nghèoĐôi bàn tay chị chống chèo lo toan ( Chị dâu ).

Người chị dâu ấy không những chống chèo, lo toan việc lớn của nhà chồng đã đành, ngay cả những việc nhỏ như đến bữa cơm thường ngày, chị cũng giành chỗ đầu nồi, xới cơm cho cả nhà: Bữa cơm em út quay vòng/ Đầu nồi, chị xới tay không kịp rời. Người chị dâu của Vương Trọng hệt như người phụ nữ tôi đã từng gặp, chỉ khác là, trong số những người ngồi quay vòng bên nồi cơm kia, chí ít có một người hiểu chị, chia sẻ với chị. Người đó lớn lên cầm bút viết về những ký ức không quên ấy về người chị dâu của mình. Người cầm bút đó là Vương Trọng. Tại đây cần nhấn mạnh, nếu Vương Trọng không có cái trắc ẩn rất con người kia về chị dâu của mình ( cũng như  sau này lớn lên với biết bao số phận khác anh gặp trong đời ), chắc gì Vương Trọng đã cầm bút làm thơ. Như vậy, lòng trắc ẩn – biểu hiện cụ thể nhất của lòng nhân ái là nơi bắt đầu của thơ. Nói khác đi, thơ đi từ đó – từ lòng nhân ái, trắc ẩn, và thơ cũng hướng con người đến đó.

Có phải là ngọn núi Quỳ nhỏ nhoi mà dù đi qua bao núi, vượt qua bao đèo, anh vẫn luôn luôn nhớ về: Tôi đã mang chiều cao núi Quỳ đọ những đỉnh núi cao/ Ngày về thấy núi Quỳ thấp lạ. Đó là ngọn núi thuở nhỏ Vương Trọngngày đội nắng, chân dép mềm đá bỏng/ Để đêm về thông mọc giữa chiêm bao ( Núi Quỳ ). Hình như ngọn núi này vẫn còn cất giữ rất nhiều những kỷ niệm tuổi thơ của Vương Trọng. Rồi ta sẽ gặp lại núi Quỳ một lần cuối trong thơ anh!.

Nói Vương Trọng đa cảm ngoài nỗi thương nhớ người chị dâu đảm đang, đẹp người tốt nết, người mẹ tảo tần chịu thương chịu khó và ngọn núi Quỳ thân thuộc như trên là chưa đủ. Là thi sỹ, Vương Trọng không giấu những xúc cảm trong trái tim mình. Mỗi lần đi qua nơi hẹn hò gặp nhau giữa anh và người yêu năm nào, trái tim anh lại vang lên những nhịp đập thuở ban đầu:

Cái thời mơ ước thì cao

Bầu trời cũng hẹp, ngôi sao cũng gần

Cái thời người ấy chớm xuân

Ta vừa lớn dậy mới lần đầu yêu…

Cái nơi hẹn hò ấy thường hiện lên giữa chiêm bao

Sao chiêm bao những đêm thường

Người xưa hiện với đoạn đường này đây

( Khi qua nơi hẹn )

Còn đây là lời tự thú, khi đã trót nhớ vụng thương thầm:

Ngoài em ra anh đã nhớ đã thương

Không chỉ một vài người con gái

( Tự thú )

Nhưng đây thì không còn là nhớ thương thầm vụng nữa:

Em tuy có cháu gọi bà

Với anh sau trước vẫn là em thôi

( Hẹn tết )

Người đa cảm thì vẫn thường hay cô đơn, vẫn thường không thoát khỏi cô đơn, không thoát khỏi chạnh lòng mỗi khi đối diện với hạnh phúc của người khác. Một lần đi qua hồ Tây thấy thanh niên đi bên nhau từng đôi, anh viết:

Thuyền nào cũng thấy thuyền đôi

Ghế nào cũng gặp hai người bên nhau

Một mình chẳng biết dừng đâu

Anh đi như một con tầu không ga

( Qua hồ Tây )

Bài thơ không đề năm tháng sáng tác, nhưng tôi dám chắc được viết khi anh đã không còn trẻ. Bỗng nhớ tới nhà thơ Thanh Tịnh những lúc cô đơn nhất, thường nói: Trẻ em đi từng đàn, thanh niên đi từng đôi và cụ già đi từng chiếc ( ! ). Vương Trọng chưa già nhưng chắc cũng không còn trẻ nữa ( nhân vật trữ tình trong bài thơ xưng Anh ) đã thấm thía nỗi đơn chiếc trên trần gian này, chí ít là quanh hồ Tây nổi tiếng tình tứ và lãng mạn này, anh như không chốn nương thân, bất định như một con tầu không ga…Điều này thêm một bằng chứng cho thấy Vương Trọng đa sầu, đa cảm.

Chưa hết, không chỉ đa sầu, đa cảm, Vương Trọng đã không ít những giây phút tuyệt vọng khắc khoải, đợi chờ: Qua giờ hẹn, sao em chưa tới/ Đèn ngã tư đã bao lượt đổi màu ( Đợi em trên đường Pasteur ); Vương Trọng cũng đã bao lần thấp thỏm: Có em rồi ta trẻ lại bao nhiêu/ Khi thứ Năm trở thành Thứ hẹn ( Thứ hẹn ). Thì ra họ yêu nhau và hẹn cứ đến thứ năm lại gặp gỡ. Tại đây trong hồn thơ Vương Trọng cái  của người làm thơ đã lấy mất cáitỉnh của người làm toán, cái dại khờ ( Một nửa hồn tôi hóa dại khờ – Hàn Mặc Tử ) tâm hồn người làm thơ đã chế ngự cái khôn ngoan của con người lý trí :

Năm tháng không em ta gánh nỗi cô đơn

Thời gian nặng nề leo dốc

Thứ Năm lệch vai hai đầu chủ nhật

Như người ly hương nặng nhọc

Trên con đường

Không có phía tình yêu

( Thứ hẹn )

Cho nên không có gì khó hiểu khi anh nồng nhiệt triết lý về tình yêu:

Chừng mực với mọi điều

Với tình yêu xin đừng chừng mực

Đã yêu thì yêu như lửa đốt

Cành cây nào cũng phải cháy thành tro

Đã yêu thì yêu như rượu bốc…

( Triết lý khi yêu )

Tất cả cho thấy Vương Trọng là người sống theo chủ nghĩa tình cảm. Anh gạt sang một bên con người lý trí, con người toán học mỗi khi cầm bút làm thơ. Bởi vậy không khó để nhận ra nét chủ đạo trong thơ Vương Trọng vẫn là giọng điệu trữ tình quen thuộc của thơ ca nói chung, và của thơ ca Việt Nam nói riêng.

2. Cuối những năm 60 của thế kỷ XX Vương Trọng xuất hiện trên thi đàn với tư cách là một nhà thơ quân đội, tham gia cuộc thi thơ của Tuần báo Văn Nghệ, cùng với những Phạm Tiến Duật, Vương Anh, Bế Kiến Quốc, Phan Thị Thanh Nhàn…Tác phẩm Bài thơ nằm võng của anh đoạt giải cuộc thi ấy, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người đọc, và là một căn cước đưa anh về Tạp chí Văn Nghệ Quân đội. Kể từ đó sáng tác thơ, biên tập thơ với anh là nhiệm vụ.

Là nhà thơ quân đội, Vương Trọng để lại trong thơ mình rất nhiều những dư ba chiến tranh. Nhiều cuộc hành quân, những tăng, võng, bạt: Tuổi thơ ta nằm trên võng gai/ Đi dánh Mỹ ta nằm võng bạt ( Bài thơ nằm võng ). Rất nhiều những khoảng lặng nhớ thương đồng đội trên những cung đường gian lao: Lặng nhìn đồng đội mà thương/ Nắng nôi theo suốt chặng đường hành quân/ Đất tơi, trì trật bàn chân/ Tóc tai màu bụi, áo quần màu tro…Chúng mình nghiêng bóng che nhau/ Qua khắc nghiệt của Trung Lào mùa khô ( Đi dọc mùa khô )

Viết về chiến tranh, Vương Trọng chọn lối tả thực, hoặc có thể nói Vương Trọng sử dụng thế mạnh của mình là tả thực. Thơ có thể có hai phương thức tư duy cơ bản: hoặc là miêu tả hoặc là biểu hiện, miêu tả hiện thực và biểu hiện con người tư tưởng, con người tâm trạng của nhà thơ. Miêu tả hạp với ngôn ngữ xác tín, biểu hiện thường hạpvới ngôn ngữ biểu cảm. Thơ Vương Trọng nghiêng về miêu tả hiện thực, nghĩa là anh đứng gián cách với hiện thực, quan sát nó, lựa chọn những chi tiết để miêu tả nó bằng ngôn ngữ xác tín, đưa nó vào thơ. Trần Đăng Khoa gọi đó là những câu thơ viết bằng mắt. Trang thơ của anh vì vậy hiện lên chân thực như thực những khung cảnh chiến trận. Bức tranh về mặt trận Tà Sanh qua những câu thơ thô ráp, ở đó những vệt màu như cày dọc ngang trên mặt vải của một bức sơn dầu hoành tráng mà gân guốc, đầy những chất liệu nóng và chói gắt…cốt để miêu tả cho được cái dữ dội của chiến trường:

Con voi rừng trụi lông

Sốt rung rừng, lá mùa khô rơi rụng

Khe lá mục cạn dòng nước uống

Con nai khát ăn nhầm lá độc

Chết vắt ngang thân mục gỗ chắn đường…

Bạn tôi khát đến khi không nói được…

Bạn tôi khát đến khi không đi được

Nằm nhìn trời mà tưởng nhớ dòng sông

Ước một cây chuối rừng

Bập răng vào nhai cho thỏa thích…

Hai mươi tuổi bạn tôi chống gậy

Chỉ còn hơn một triệu hồng cầu

Bước lên thềm tay dò, tay vịn

Môi máy nhiều mà chẳng nói thành câu

( Tà Sanh )

Đấy là cơn khát giữa mặt trận Tà Sanh mùa khô. Sức gợi của thơ ở đây chính là hiện thực, là từ hiện thực khắc nghiệt của chiến tranh. Còn đây là một bức sơn dầu khác, có điểm nhấn xác thực mang tính tự sự cao, mang tính tố cáo mạnh mẽ từ một khung cảnh sau cuộc thảm sát, được tạo ra bởi những câu thơ mang âm trắc, vần trắc thất thường, trong hơi khí của thơ đã chen lấn, tuy chưa thật đậm dấu ấn tâm trạng của người viết: Bước đi mỗi bước, đau mỗi bướcMười tám xác trâu chắn ngang đườngMười tám cặp sừng nằm chỏng ngượcDa thịt tơi bời, cơn gió nấc…/Từng đôi mắt nhìn, lửa trong mắtĐất chẳng yên lành đất tro thanNhà chẳng còn nhà, người vắng ngắtÔi, Tả Hồ Xìn, Tả Hồ XìnTrăm năm, ngàn năm ghi tội ác ( Xe dừng Tả Hồ Xìn ).

Với đoạn thơ tả thực rất giỏi này, nếu tạm cất đi câu đầu: Bước đi mỗi bước, đau mỗi bước, và câu cuối: Ôi, Tả Hồ Xìn, Tả Hồ Xìn/ Trăm năm, ngàn năm ghi tội ác, thì hiện lên nguyên vẹn một bức tranh khách quan của hiện thực, nghĩa là tác giả đã làm xong cái việc thông báo. Phần cảm nhận như thế nào đó tùy thuộc vào từng người đọc. Điều này cho thấy vì sao Vương Trọng thích Đỗ Phủ hơn Lý Bạch*. Đỗ Phủ gần với tranh sơn dầu, Lý Bạch gần với tranh lụa. Thơ Vương Trọng mảng viết về chiến tranh mang rõ rệt cá tính sáng tạo của anh.

3. Một mảng hiện thực khác cũng rất đáng chú ý trong thơ Vương Trọng. Đó là mảng thế sự. Nhiều điều giản dị như chính những gì ta vẫn gặp thường ngày trong cuộc đời, đã được Vương Trọng chuyển tải vào thơ rất tự nhiên. Khi thì tình cảnh của hai em nhỏ có bố mẹ đang ra tòa để ly hôn. Khi thì người con dâu mới về nhà anh. Khi thì trò chuyện với hòn vọng phu, với hòn trống mái. Khi thì nhớ tới lời người đào huyệt. Khi thì nhớ lại tiếng cười Phác Văn, giọng hát Lê Dung. Khi thì nhớ về Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ …vv. Một phạm vi rất rộng những sự việc, những con người… anh quan sát và tìm ra những ý nghĩa nhân sinh, nhân văn rồi nhờ những câu thơ chuyển tải. Qua những gì anh quan tâm, có thể nhận ra anh là người không phải đơn giản chỉ sống, mà sống với sự quan sát, sống với sự ghi nhớ và suy nghĩ, sống với những trắc ẩn, vốn như một bản tính từ nhỏ của anh ( tại đây ta nhớ lại tình thương cảm người chị dâu năm nào bên mâm cơm đông người, lúc anh còn nhỏ tuổi ! ). Nhưng vấn đề không phải chỉ ở những gì anh quan tâm. Vấn đề là từ đó anh muốn nói điều gì.

Bao giờ Vương Trọng cũng tìm được một ý nghĩa nông sâu nào đó trước một hiện tượng của đời sống nào đó. Với hai chị em nhà nọ, anh như một người đứng ra an ủi: Nín đi em, bố mẹ bận ra tòa/ Chị lên bảy dỗ em trai ba tuổi/ Thằng bé khóc bụng chưa quen chịu đói ( Hai chị em ). Và từ cảm thông, an ủi, anh nhắc nhủ mọi người, lời nhắc nhủ mang sắc thái một lời cảnh báo, đặc biệt là với những bố mẹ khác đang chuẩn bị ra tòa: Nín đi em!- em khản giọng khóc gào/ Chị mếu máo, đầm đìa nước mắt/ Những bố mẹ bên bờ chia cắt/ Phút giây thôi, hãy nghe tiếng con mình ( Hai chị em ).

Một ví dụ khác. Những đứa trẻ ngoài giá thú, một hiện tượng bình thường và tương đối hay gặp của những đất nước chiến tranh dài lâu như nước ta, một hiện tượng thường bị người đời ghẻ lạnh: Thôi nhắc chi những năm dài trống trải/ Bao vầng trăng vô nghĩa rụng qua đầu/ Tóc hoàng hôn thưa dần theo lược chải/ Pháo cưới người như đốt để trêu nhau ( Với đứa con ngoài giá thú ). Gặp những hoàn cảnh như vậy, anh thấy cuộc sống đã thừa những vô cảm đối với những con người bất hạnh và thiếu những an ủi cần thiết. Vương Trọng nhìn điều đó theo một cách khác, cách của con người trắc ẩn: Ngoài giá thú sao ngoài lòng thương cảm/ Để người đời ghét bỏ mẹ con tôi? ( Với đứa con ngoài giá thú ). Bài thơ mượn lời người mẹ nói với đứa con ngoài giá thú. Với người mẹ không có đứa con nào không phải là con của mẹ. Vương Trọng như hóa thân trong vai người mẹ để nói với con, nhưng cũng là để gửi một thông điệp với người đời về một trường hợp gây không ít những đau thương trong đời sống xã hội.

Chúng ta sẽ nhận ra quan niệm đầy tình người này của người làm thơ qua các trường hợp Mỵ Châu, Thúy Vân, Hòn Vọng Phu…Lấy một ví dụ, Hòn Trống Mái. Đây như một phát hiện của Vương Trọng: nỗi cô đơn cũng đã hóa đá, nhưng hóa thành đôi chim trống mái để mãi mãi bên nhau. Vương Trọng chạnh lòng: Trống Mái-loài chim được thế/ Người thì Tô Thị, Vọng Phu…(Bên hòn Trống Mái). (Tôi nhớ có lần nhà thơ Văn Thảo Nguyên ở Lạng Sơn về, có một nhận xét thú vị: Phía sau hòn đá hai mẹ con nàng Vọng Phu hóa đá kia, cũng có một hòn đá hệt như một con hổ đang nằm phủ phục. Văn Thảo Nguyên nghĩ rằng chắc con hổ mỏi rình mẹ con nàng Vọng Phu lâu quá, buồn quá nên cũng đã hóa đá nốt! ) Trở lại những bài thơ của Vương Trọng: Một lần, với em bé còn nhỏ tuổi đã phải một mình mưu sinh hàng ngày đi kiếm củi. Hình ảnh ấy thường đến với anh trong đêm: Gánh củi ấy trở thành đá núi/ Đêm đêm đè nặng ngực tôi (Thương cháu bé lên năm gánh củi); Với Chí Phèo, anh mượn giọng Chí để nói với Bá Kiến: Mày chết mày mất giống/ Anh em tao còn nhiều/ Ở mỗi làng mỗi xóm/ Có một ông Chí Phèo (Chí Phèo); Với Trương Chi, anh nhắn nhủ: Sao đem giọng hát một đời/ Đổi về tình hận ngậm ngùi ngàn năm (Nói với Trương Chi); Với người bạn đồng nghiệp hàng xóm, nhà văn Thái Vượng mệnh yểu, anh thảng thốt: Người ấy đâu rồi/ Bàn văn dang dở truyện ngắn/ Bàn cờ ngổn ngang ngựa xe (Hoa quỳnh, nhớ Thái Vượng)…vv

Một ví dụ nữa. Người con dâu về nhà anh. Lẽ thường tình của cuộc sống. Nhưng với Vương Trọng, anh ghi lại khoảnh khắc đó rất hóm hỉnh: Thế là cháu đã thành con/ Bác thành bố, mẹ chẳng còn lạ xa/ Ăn chung bữa, ở cùng nhà/ Nói năng thêm giọng, vào ra thêm người (Nói với con dâu). Một lời dặn tinh tế để không làm phật lòng con dâu, lại vừa độ như để nhắn nhủ thành viên mới: Nhà mình quý nhất con ơi:/ Nâng niu gìn giữ tình người trước sau/ Đã rằng hai tiếng thương nhau/ Thì thương cho đến bạc đầu còn thương (Nói với con dâu). Nói với con dâu thôi nhưng cũng đủ để nhận ra quan niệm sống của Vương Trọng: nâng niu gìn giữ tình người trước sau

4. Trên đây tôi có nói rằng, tôi gần như thất bại khi muốn lần tìm dấu vết toán học trong thơ Vương Trọng. Gần như thôi, bởi vì nếu tinh ý, nếu đọc chậm, cũng có thể nhận ra ít nhiều.

Chúng ta vẫn thường thừa nhận với nhau rằng toán và thơ thật khác xa nhau, và nếu có một điểm chung nào đó, điểm chung ấy chắc phải rất xa. Thơ tư duy bằng hình tượng, bằng tưởng tượng, bằng ngôn từ, bằng nhịp điệu, thậm chí bằng cả những khoảng lặng trắng tinh giữa hai dòng chữ, giữa hai khổ thơ…Toán tư duy bằng con số, bằng khái niệm, bằng định đề, bằng suy tưởng và suy luận trừu tượng. Toán cần chính xác. Thơ đôi khi cần bay, cần nhòe, cần dừng, cần một chút mơ hồ…Hai lĩnh vực này có chung một cảm thức về cái đẹp của sự thăng hoa.

Đây là thơ:

Đêm xuân không dễ ngồi nhà

Anh đi thơ thẩn như là để đi

Đến đâu và sẽ làm gì

Xin đừng rành mạch những khi xuân về

( Đêm xuân )

Còn đây là khi toán đã lấn sân:

Nối dây gầu thả vào lòng giếng

Nối dây diều thả vào lòng trời

Đừng đơn giản đánh đồng hai khái niệm…

Nếu không có sợi dây nối liền với đất

Chẳng bao giờ người biết bay lên

(Tản mạn về những cánh diều giấy)

Vương Trọng rất chú ý dùng những đại từ chỉ định biểu thị sự nhấn mạnh về tính chất hiện diện, cụ thể, trước mắt của điều định nói, để làm chính xác thêm điều định nói. Đó là khi toán đang lẫn khuất giữa những câu thơ. Lấy một ví dụ:

Áo chàm lẫn vào bóng cây lặng lẽ

Khuất mờ rồi nét mày nhỏ bé

Đấy là khi câu hát đằm sâu

Đấy là khi câu hát nhớ thương nhau

( Thị xã màu xanh )

Một ví dụ khác:

Bộ mặt nào cũng có nhiều răng nhọn

Không phải để cười mà để nhai, để ăn

Đấy là hai câu lấy từ bài Mắt con nhìn, viết tại sân bay Gia Lâm ngày 19/3/1973, ngày tên giặc lái Mỹ cuối cùng rút khỏi miền bắc.  Đoạn thơ có thừa những yếu tố chính xác: tính từ nhiều, nhọn, tổ hợp từ không phải, kết từmà để, như biểu thị sự khẳng định – một kiểu lập luận của toán!

Một ví dụ khác:

Nhìn dọc: dựng mũi tên

Nhìn ngang: xòe lưỡi búa

Bước lên hóa con thuyền

Sóng rượu cần nghiêng ngửa

( Nhà Rông )

Phải thừa nhận đây là một sự quan sát và liên tưởng ví von khá thông minh. Nhưng nếu ba câu đầu dùng để miêu tả cái nhà Rông Tây Nguyên, người đọc vẫn chưa thấy tác giả ở đâu cả. Chỉ có câu cuối: sóng rượu cần nghiêng ngửa là hướng nội, là tâm trạng, cũng là tình cảm của tác giả. Và tôi cho rằng đấy là câu thơ nhất trong đoạn thơ trên.

Còn đây là mấy câu lục bát, hầu như mỗi câu cõng trên lưng một con số của Nguyễn Bính:

Đồn rằng đám cưới cô to

Nhà giai đưa chín con đò đón dâu

Nhà gái ăn chín buồng cau

Tiền cheo tiền cưới chừng đâu chín nghìn

Lang thang tôi dạm bán thuyền

Có người trả chín quan tiền lại thôi

Nhiều con số là vậy nhưng sao đọc lên vẫn không thấy con số át mất phần thơ của lục bát Nguyễn Bính!

Cũng có thể tôi đã có cảm giác tiền định Vương Trọng là nhà thơ xuất thân từ người học toán chăng?.

5. Kể từ năm 1969 bước chân vào làng văn, đến nay Vương Trọng đã có trên một chục tập thơ, 3 tập trường ca, 5 tập truyện ngắn và bút ký, 2 tập truyện dịch, 2 tập chân dung và bình luận văn chương…Một con số biết nói, một đam mê và hiện thực hóa đam mê của mình, không phải ai cũng có thể đạt được. Anh viết được khá nhiều như vậy, có lẽ vì những năm ở Văn Nghệ Quân đội, có nhiều thời gian, có nhiều cuộc đi, có không khí để sáng tạo. Nói đến đam mê, không thể không nhớ tới tình yêu Nguyễn Du và Truyện Kiều sâu nặng của anh. Anh mê Truyện Kiều từ nhỏ, và hầu như suốt đời, có thể nói, cho dù đang ở đâu, đi đâu, làm gì, trong trạng thái nào anh cũng để một góc trong tâm hồn mình Nguyễn Du và Truyện Kiều. Lục bát của Vương Trọng, ở đôi bài tuy có dàn trải, nhưng bù lại mượt mà, có thể một phần hình thành từ việc anh thích lục bát Truyện Kiều, như anh nói Anh lớn lên cùng những câu lục bát chăng? ( Với con một nhà thơ thuở trước ). Hiển nhiên, anh chỉ chuyển một ít cái khí, cái hơi của lục bátTruyện Kiều, còn ngôn từ và tình cảm đã rất hiện đại: Cái thời lá cỏ xanh êm/ Những chiều ngóng đợi, những đêm hẹn hò/ Cái thời bến có con đò/ Cái cây biết tỏa bóng cho mái đầu/ Cái thời mơ ước thì cao/ Bầu trời cũng hẹp, ngôi sao cũng gần ( Khi qua nơi hẹn )…

Vì yêu Nguyễn Du và Truyện Kiều, Vương Trọng đã có những đóng góp đáng kể để giúp bạn đọc hiểu hơn vềTruyện Kiều. Có lần, anh là người tổ chức các cuộc thi đố Kiều khá lý thú của Đài Tiếng nói Việt Nam, thu hút khá đông đảo thính giả tham gia.        Vì say mê Nguyễn Du, Vương Trọng tìm cách dịch lại ( phần thơ ) toàn bộ Thơ chữ Hán của Nguyễn Du hầu hết bằng thể lục bát căn cứ vào dịch nghĩa của Nguyễn Thạch Giang và Trương Chính từThanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm đến Bắc hành tạp lục. Không bàn về quan niệm dịch, hiệu quả dịch như xưa nay các dịch giả vẫn thường bàn, chỉ nội một việc bỏ công ngồi chuyển thể Thơ chữ Hán của Nguyễn Du ( rồi sau đó dịch lại cả Chinh phụ ngâm, tác phẩm đã quá hay, quá quen thuộc của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm ), cho thấy tình yêu sâu sắc và đam mê hiếm thấy của Vương Trọng đối với di sản của ông cha.

6. Nhưng cũng như nhiều nhà thơ khác, Vương Trọng không ảo tưởng với những câu thơ tưởng như gan ruột của mình. Vẫn thường vất vưởng, lang thang trong cõi trần, vẫn thường run rẩy với những câu thơ như đam mê suốt cả cuộc đời, song với Vương Trọng, những trang viết suốt một đời vất vưởng kia, quá lắm cũng chỉ là thi ca ơi, người phù phiếm vô cùng (Thúy Vân). Trên hết, Vương Trọng vẫn là một ông “đồ gàn” đáng yêu xứ Nghệ, cho dù đi đâu, ở đâu cũng thiết tha với quê hương, giữ từ giọng nói, nết ăn, nết ở nhà quê của mình. Và núi Quỳ, ngọn núi mà ta đã gặp ở đầu bài viết này vẫn là nơi luôn luôn ẩn hiện trong tâm hồn anh. Như loài cá hồi với bản năng loài có một không hai của chúng ( Bài Cá hồi ), Vương Trọng từ núi Quỳ sinh ra, còn quá sớm, nhưng anh đã dặn: Hãy đưa tôi về nơi sinh nở, bởi vì anh quan niệm Hạnh phúc lắm nếu được nằm xuống đấy.

Còn bạn, một mai nếu muốn, bạn sẽ tìm được nhà thơ Vương Trọng!.

Tháng 4 năm 2015

 

———————-

* Tự bạch

**Vương Trọng: Đố Kiều, bói Kiều và Khảo luận, trao đổi. NXB Phụ nữ, H. 2015

Lê Thành Nghị – (Nguồn: Tạp chí NV&TP)

(Đăng lại từ Vanvn.net)

Exit mobile version