Dương Kỳ Anh

Theo nhà thơ Vương Trọng thì tiếng Việt của chúng ta rất giàu thanh điệu, có đến 6 âm sắc (có người bảo 8), tạo nên âm điệu uyển chuyển du dương cho thơ. Ông chủ trương thơ “Đa thanh” là dựa trên điều này. Và, nhiều bài thơ trong tập thơ “Đa thanh và phản biện” đọc lên thấy điều ông nói là có lý…

Nhà thơ Vương Trọng

Bao năm qua, mỗi lần đi công tác ở các tỉnh phía Nam, mỗi lần được bạn bè, người quen mời ăn xoài, ăn chôm chôm, hay chính bây giờ, khi nhìn những trái xoài đang chín trên cây ở nhà vườn Sóc Sơn, tôi lại nhớ đến chùm thơ về cây trái Nam Bộ của nhà thơ Vương Trọng đăng trên báo Tiền Phong cách đây mấy chục năm:

“Quả xoài đôi má tròn căng/ Muốn ăn mà sợ dấu răng đau xoài/ Thôi cầm lấy vậy mà chơi/ Mùi thơm cũng đủ ngọt rồi cần chi” (Xoài ); “Chôm chôm như đóa mặt trời/ Khi bóc vỏ rồi, lại hóa mặt trăng/ Vào vườn ngửng mặt mà trông/ Ngỡ như vũ trụ chín cùng trái cây” (Chôm chôm).

Những câu thơ viết như chơi, ấy vậy mà tôi chỉ đọc một lần vẫn nhớ, nhớ đến thuộc lòng hơn bốn mươi năm qua. Mỗi khi nhìn thấy Xoài hay Chôm chôm, trong tôi lại ngân lên những câu thơ trên của nhà thơ Vương Trọng. Tôi cảm thấy thơ Vương Trọng dân dã mà tinh tế, thông minh, đọc kỹ lại thấm đẫm tình người, thấm đẫm tính nhân văn của một tâm hồn thi sỹ.

Có lẽ, bài thơ đầu tiên của nhà thơ Vương Trọng mà tôi thích, cũng như nhiều người thích là bài “Nằm võng” được Giải thưởng thơ Báo Văn Nghệ. Nhưng, bài thơ nổi tiếng nhất của ông theo tôi là bài “Bên mộ cụ Nguyễn Du”:

Tưởng rằng phận bạc Đạm Tiên
Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiền Điền nằm đây
Ngửng trời ca , cúi đất dày
Cắn môi, tay nắm bàn tay của mình
Một vùng cồn bãi trống trênh
Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề”…

Nghe nói nhờ bài thơ này mà người ta mới xây lại mộ, dựng tượng, làm nhà bảo tàng cho đại thi hào dân tộc Nguyễn Du?! Và nhà thơ Vương Trọng đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu “Truyện Kiều”, đã trở thành nhà KIỀU HỌC cũng nổi tiếng không kém gì bài thơ của ông.

Tôi đọc bài thơ này trong tuyển tập “Thơ Việt Nam thế kỷ XX- thơ trữ tình” do nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 2005, mặc dầu bài thơ đã được ngâm trên đài, đăng trên nhiều tờ báo. Cũng trong chùm thơ của Vương Trọng, bài “Sợi tóc hai mầu” và bài “Hai chị em” cũng được nhiều người thích:

– Nín đi em! – Em khản giọng khóc gào
Chị mếu máo, đầm đìa nước mắt
Những bố mẹ bên bờ chia cắt
Phút giây thôi, hãy nghe tiếng con mình

(Hai chị em).

Thiển nghĩ, thơ là vậy, là giai điệu hồn người, đi vào hồn người, đi vào tâm tưởng, đi vào cuộc sống chớ đâu phải rao giảng điều gì cao xa!

Tôi thường ngâm ngợi câu thơ giàu tính minh triết của ông: …”Thời gian tượng hình trước mặt/ Ta đang ta, hay ta khác ta rồi”… (Sợi tóc hai màu). Bây giờ nhà thơ Vương Trọng “… đã khác ta rồi” chăng khi tôi đọc tập thơ “Đa thanh và phản biện” ông vừa gửi tặng.

Trong bài viết in đầu tập thơ, ông cho biết “Câu lạc bộ thơ Đa thanh” mà ông đề xuất trên Facebook được nhiều bạn bè hưởng ứng và báo Tuổi trẻ đã giới thiệu một chùm thơ kèm theo lời giới thiệu về loại thơ này…

Theo nhà thơ Vương Trọng thì tiếng Việt của chúng ta rất giàu thanh điệu, có đến 6 âm sắc (có người bảo 8), tạo nên âm điệu uyển chuyển du dương cho thơ. Ông chủ trương thơ “Đa thanh” là dựa trên điều này. Và, nhiều bài thơ trong tập thơ “Đa thanh và phản biện” đọc lên thấy điều ông nói là có lý.

Thú thực, tôi vẫn chưa hiểu lắm loại thơ ĐA THANH mà nhà thơ Vương Trọng đề xuất. Dù chưa hiểu nhưng tôi luôn ủng hộ những người muốn đổi mới thơ, luôn trăn trở để có thơ hay. Tôi đọc phần ĐA THANH trong tập thơ của nhà thơ Vương Trọng và thấy phần nhiều những câu thơ tôi thích trong tập thơ này vẫn ẩn hiện sự thông minh, hóm hỉnh mà dân dã của ông: …”Giữa quán cà phê/ mơ màng mộng ước/ có gã nhà quê/ ngồi chén ngô luộc!” (Chuyện nhỏ Ban mê ); …”Ốc này… lưỡng lự gửi ai/ Chọn người thích vỏ… nghĩ hoài không ra” (Kỷ niệm Vũng Tàu)… Cả những câu thơ thấm đẫm triết lý nhân sinh: “Một mai vấp phải chữ tình/ Bẽ bàng ngoảnh lại, thấy mình… trắng tay!” (Trắng tay)

Tôi quen biết nhà thơ Vương Trọng từ lâu. Có một thời Tạp chí Văn nghệ Quân đội nơi ông công tác trở thành địa chỉ quen thuộc, tin cậy của nhiều nhà văn, nhà thơ. Tôi thường đến đây và được các nhà văn, nhà thơ đàn anh thời đó như Vũ Cao, Phạm Ngọc Cảnh, Nguyễn Trọng Oánh, Triệu Bôn (các anh giờ đều đã ra đi), Anh Ngọc chỉ bảo rất thân tình.

Giải thưởng về thơ đầu tiên của tôi cũng là Giải thưởng do Tạp chí Văn nghệ Quân đội trao tặng (năm 1978). Vương Trọng là lớp đàn anh nhưng rất gần với chúng tôi, dạo tôi đang là phóng viên của Báo Tiền phong thường đến nhà anh chơi. Khi con trai tôi, cháu Dương Thái Hà mới được hơn một tuổi, bị chàm ở mặt đã được vợ nhà thơ Vương Trọng lúc đó là bác sỹ làm ở Bệnh viện Việt Xô (nay là bệnh viện Hữu nghị) cho một tuýp thuốc ngoại, tôi mang về bôi cho cháu và bệnh chàm khỏi hẳn. Khi con trai tôi tốt nghiệp đại học ở Anh trở về nước, hai bố con đến thăm gia đình nhà thơ Vương Trọng nhưng lại không gặp được. Rồi công việc bộn bề, ít có thời gian đến thăm gia đình ông, tôi chỉ có thể đọc thơ ông trên báo, rồi trên facebook…

Lâu nay, tôi vẫn quan niệm rằng thơ là thơ, việc chống tiêu cực là công việc của báo chí, nên tôi ít quan tâm đến những bài thơ thuộc thể tài này. Nhưng, khi đọc phần PHẢN BIỆN trong tập thơ mới xuất bản của nhà thơ Vương Trọng, tôi thấy ông đã thẳng thắn bày tỏ thái độ không khoan nhượng của mình trước những hiện tượng tiêu cực đã và đang tồn tại trên đất nước ta.

Không phải ngẫu nhiên khi mở đầu phần thơ PHẢN BIỆN, nhà thơ Vương Trọng đã trích câu thơ nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Nếu như thời chiến tranh, Vương Trọng đã là một người lính, xung phong vào chiến trường, vào tuyến lửa, thì nay ông đang đấu tranh trực diện với cái xấu, cái ác, với sự giả dối… bằng những bài thơ trong tập thơ này. Những bài thơ như “Stop Asiad”; “Lợn ơi ta bảo lợn này”; “Nhà công vụ”; “Bánh vẽ”; “Chỉ vì cái sân gôn”; “Đáng bắt giam triệu lần”; “Văn điếu cây Hà Nội”; “Luận bình công lao”… với lời thơ sắc bén, nhà thơ đã mổ xẻ, lên án, phán xử… những mặt trái của xã hội hiện nay.

Từ những vụ việc có thực, được báo chí phanh phui, nhà thơ Vương Trọng đã như một người lính xông thẳng tới, chỉ tên, vạch mặt bằng chính những ngôn từ sắc bén nhất của thi ca … “Đừng hát nữa mà đau/ em ơi Hà Nội phố/ Ôi thôi thôi/ Cây đã về với kiếp tro than/ Người ở lại cùng lời nức nở!” (Văn điếu cây Hà Nội ). Tôi thích những câu thơ PHẢN BIỆN như thế, những câu thơ trực diện mà nhiều day dứt tâm can người đọc…

Đọc “Cùng một tác giả” ở bìa 4 của tập thơ, tôi mới biết ông đã được Giải thưởng Nhà nước, đã xuất bản hơn 30 đầu sách, một sức làm việc thật đáng khâm phục. Ngoài thơ tình, ông còn có nhiều tác phẩm thơ viết cho thiếu nhi, rồi trường ca, chuyện thơ, truyện ngắn, truyện dịch, viết phê bình, chân dung văn học…

Ông viết như chơi, lúc nào gặp ông cũng thấy ông vui vẻ, hóm hỉnh, hài hước như chẳng phải lo nghĩ việc gì. Đọc thơ, nhất là tập thơ mới xuất bản của ông “Đa thanh và phản biện” tôi mới hay, người thơ Vương Trọng luôn đau đáu chuyện đời, chuyện văn, chuyện thế thái nhân tình… Tôi mới hay, trách nghiệm của một nhà thơ – công dân luôn đè nặng trên vai ông.

Viết tại nhà vườn Sóc Sơn 10-2017

 

Nguồn: Văn nghệ Công an

(Đăng lại từ Vanvn.net)

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài