Trong cuộc đời dài dặc và thường khi là không thiếu đau khổ này, tại sao chúng ta không thử nhớ lại những giây phút mà ta cảm thấy cực kỳ sung sướng?
Để hình dung lại niềm vui lớn lao đã đến với mình khi còn là một cây bút trẻ, được đăng tác phẩm đầu tiên, Nguyên Hồng bảo rằng đại khái nó giống như một phen trúng số độc đắc; hoặc những tình cảm xao động trong lòng một viên tướng khi cảm thấy mình vừa hoàn thành một sự nghiệp lưu danh muôn thuở.
Có nên ghi lại không nhỉ? Trong quá trình bình chú Mái Tây (tức Tây sương ký của Vương Thực Phủ), nhà phê bình văn học nổi tiếng Thành Thán từng dẫn ra một đoạn dài trong đó ông và một người bạn là Trác Sơn kể ra những chuyện sướng ở trên đời “để cho lòng đỡ bạc bực”. Điều lý thú là ở đây, niềm vui được trình bày với rất nhiều cung bậc, có niềm vui cao thượng bên cạnh những niềm vui bị xem là tầm thường, niềm vui bé nhỏ bên cạnh niềm vui cao sang, và niềm vui hư vô giữa niềm vui trần tục, ví như:
– Đoạn 16 – Đêm đông uống rượu, lại thấy lạnh thêm… Mở song thử nhìn, tuyết lớn bằng bàn tay… đã xuống dày đến ba bốn tấc! Chẳng cũng sướng sao!
– Đoạn 6: Qua phố thấy hai bác đồ gàn cãi nhau về một chuyện… Cả hai đều đỏ mặt tía tai, tưởng chừng không đội trời chung. Vậy mà còn chắp tay lên, khom lưng xuống, đầy mồm “chi hồ giả dã”. Câu chuyện kéo dài, có thể mấy năm không xong! Bỗng có một tráng sĩ vung tay đi lại, ra oai quát một tiếng, thế là nín thít. Chẳng cũng sướng sao!
– Đoạn 11: Ngủ sớm vừa dậy, hình như nghe tiếng người nhà than thở, nói chàng nọ chết đêm qua… Vội gọi thử xem, thì là một tay khôn vặt nhất trong cả một thành! Chẳng cũng sướng sao!
– Đoạn 19: Còn ba bốn mụn lở ở chỗ hiểm, thời thường gọi nước nóng, đóng cửa mà rửa, chẳng cũng sướng sao!
– Đoạn 25: Món đồ sứ đẹp đã sứt mẻ, chả có cách gì hàn gắn, xem đi ngắm lại chỉ thêm rối ruột. Nhân giao cho nhà bếp dùng làm đồ đựng vặt, không bao giờ lại qua mắt nữa, chẳng cũng sướng sao!
– Đoạn 9 – Cơm xong vô sự, lục lộn hòm nát, thấy các văn tự nọ mới cũ có đến mấy trăm bức. Những người thiếu nợ đó, hoặc chết rồi hoặc còn sống, tóm lại đều không sao trả nổi. Vắng người liền lấy lửa trộn lộn đốt sạch! Ngẩnh nhìn trời cao, vắng ngắt không mây… Chẳng cũng sướng sao!
Học cách nói của Thánh Thán, dưới đây cũng xin thử ghi lại một vài niềm vui, mà những người làm nghề cầm bút từng đã thể nghiệm:
1. Không biết làm gì, mở lại sổ gi chép cũ, thấy một đề tài hay, viết ra thì rất ăn. Vẫn là ý của mình mà như bắt được của người khác. Chẳng cũng sướng sao!
2. Một bài viết dông dài lủng củng, đã xếp xó đấy, bỗng nhiên cắt sửa gọn gàng thành một bài viết sáng sủa mạch lạc, in ra ai cũng khen. Chẳng cũng sướng sao!
3. Bài viết, lúc còn trong ngăn kéo, tưởng cũng bình thường, có người đặt thì viết. Nay đăng ra, trên mặt chữ, bộc lộ nhiều ý bất ngờ sâu sắc. Chợt nhớ tới lời tự nhủ của L. Tolstoi khi đọc lại Anna Karênina “Lão già ghê thật”. Chẳng cũng sướng sao!
4. Viết xong để đấy, vác túi đi chơi, gặp bạn bè anh em cũng đang viết, chuyện trò thật ran rỉnh; trở về, thấy cần phải sửa chữa thêm cho khá hơn nữa. Chẳng cũng sướng sao!
5. Một người bạn mình vốn phục vì có tài, song lận đận mãi. Tự nhiên anh ấy viết được một cái thật khá; giống như đi chợ kiếm được thứ ổi trái mùa, ngon lành mà lại lạ miệng, thiên hạ ai cũng thích. Bản thân mình bỗng như tiếp được một nguồn kích thích mới thêm hăm hở viết, chẳng cũng sướng sao!
6. Ngày rỗi xem lại đống giấy má cũ thấy có một bài viết đã khá lâu, nhưng kém quá, dở quá, may không đâu đăng, chứ đăng ra thiên hạ cười cho thối mũi mà tiếng xấu để đời. Vội vàng châm lửa đốt, nhìn tàn lửa bốc lên, chắc chắn rằng từ nay không ai biết mình có lúc viết nhảm như vậy, chẳng cũng sướng sao!
7. Một quyển sách của ai đó vừa in ra, mình vốn cho là tầm thường, lại được vài tờ báo hùa nhau tâng bốc lên tận mây xanh, thấy rất khó chịu. Bỗng có một bài phê bình viết rất đích đáng, mình định mọi chuyện, hay dở rõ ràng, chẳng cũng sướng sao!
8. Một người bạn giới thiệu mình với một người khác rằng đây là một nhà văn, nhưng mặt người kia vẫn lạnh như tiền, không chút mảy may xúc động, chắc chắn là tên mình không gợi chút ấn tượng gì ở anh ta cả. Nhân có việc đến thư viện, thấy một cô sinh viên đang làm luận văn, cầm quyển sách của mình đọc hết sức hào hứng, chẳng cũng sướng sao!
9. Đang cùng cười giễu nghề văn và than thở với nhau về những bạc bẽo trong nghề bỗng nghe nói một kẻ giàu sang quyền quý cũng háo danh trong văn chương lắm lắm, hắn đang chạy chọt để nặn ra lấy một tập thơ, chẳng cũng sướng sao!
– Trích trong “những kiếp hoa dại”- Nhà phê bình Vương Trí Nhàn –