Vườn mai
Sương mù buổi sớm dày đặc trên những hè phố rải sỏi của thị trấn Đá Vàng. Vài ngọn điện vàng khè sương tán sắc thành những vòng tròn như hào quang trong ảnh thánh.
Cậu con trai Mán giúp Tuyến lên yên con ngựa đen huyền. Con Đốm của cậu đi trước. Hai người phóng qua phố chính đầy nhà lợp lá gồi và hàng rào bằng trúc ken vàng óng, rồi rẽ vào một lối cỏ tranh ngập đến bụng ngựa…
Vùng rừng trập trùng hiện ra trước mắt. Hai con ngựa đua nhau phi nước đại men theo lối mòn kẹp giữa hai dãy núi. Chúng hí khe khẽ và vung vẩy đuôi làm bắn tung những hạt sương dày như mưa phùn.
Tuyến nắm chặt cương thả người theo nhịp lao của con hắc mã…
“…Đây là hãng truyền hình C.B.S truyền hình trực tiếp cuộc đua ô tô quốc tế Paris – Đakar dài 140.000km vòng qua hai sa mạc Sahara và Sahel… Các bạn có thấy chiếc Rơnôn màu đỏ chói đang dẫn đầu… Đây là Đài truyền hình….”
Con Đốm của cậu trai Mán dữ dằn băng mình trên làn sóng cỏ xanh đầy bông trắng phất phơ. Con hắc mã nhẹ nhàng xoải chân như đôi cánh đại bàng, nó vượt con Đốm rồi bỏ một quãng xa. Nhưng Tuyến kìm nó lại cho chạy song song.
Mặt trời đã lên ngang đỉnh núi. Ánh nắng nhạt thôi, nhưng giữa rừng hoang vắng, ánh nắng như là thứ thiên nhiên giành riêng cho mình, giống như giữa thành phố đông đúc trăng trên sân thượng như là bạn thuở đồng quê.
Tuyến ngắm nhìn những dãy núi càng vào sâu càng trập trùng như cơn sóng thần cửa biển. Âm thanh núi rừng ngờm ngợp. Con ngựa đen vẫn còn như có vẻ háo hức lắm. Nó chỉ sững lại khi gặp một con suối nhỏ.
Tuyến thả con ngựa thõng cổ bước một mình, còn anh lội bộ. Trời hơi lạnh. Tuyến dầm đôi chân nguyên giày da xuống, cảm giác trong và lạnh từ từ thấm từ chân lên cao dần tới ngang lưng, thú vị – theo cách thú vị của người cư trú ở vĩ độ có tuyết, khi đến mùa đông vùng nhiệt đới.
Tuyến đứng yên để cho cả con suối chảy qua người. Những bọt sóng nhỏ trong vắt tóe lên khi chạm vào gấu áo bludông.
Con ngựa đen đã sang đến bờ bên kia đứng rũ bờm rũ đuôi tung tóe, và quay cổ lại chờ anh. Tuyến đi thật gượng dẹ trên những hòn sỏi sạch tinh lòng suối. Suối là ngọn nguồn của sông. Suối bao giờ cũng sạch tinh, trong vắt.
Cậu Mán có vẻ nóng ruột. Đường còn xa lắm. Ngựa còn phải chạy mòn móng, còn phải leo qua những cái dốc nửa ngày mới lên đến đỉnh. Chỉ một lát nữa thôi là lối mòn cũng hết. Ngựa sẽ chỉ dẫm lên lá khô, chứ không còn được dẵm lên đất sỏi. Lá khô sẽ như một tấm thảm dày vài gang, vó ngựa có khi sụt đến khuỷu.
Cậu Mán mắt một mí, súng kíp bên hông lầm lầm lì lì, thỉnh thoảng lại nâng cái bình da nai lên tu thứ rượu nấu bằng nếp cẩm. Cậu từ chối bia hộp của Tuyến mời…
*
Cái Chắt bảo soi bãi giữa sông cỏ non lắm tớ với Khả sang cắt đi. Tôi nói tôi không có tiền đi đò. Tớ cho một xu – Nó bảo – Nhưng cậu phải mài liềm hộ tớ cơ.
Liềm của cái Chắt cùn như “đĩ điếc”, tôi mài mỏi cả tay mới được. Cũng bõ công một xu. Sáng sớm chúng tôi sang đến bãi sông, cả hai cùng đứng ngẩn ra. Cả một bãi cỏ mênh mông xanh biếc, non tưởng đến luộc ăn được.
Nắng lên phơn phớt hồng, sóng sông lấp lánh tựa vẩy cá bạc. Dưới nắng, cỏ cứ rừng rực, ngùn ngụt như sắp bay lên. Cái Chắt hôm nay mặc váy thâm mới, còn thơm mùi vải, yếm sồi hằn vú chũm cau áo nâu cánh dán. Nó khen tôi mài liềm sắc. hai bàn tay ngó cần của nó vạc từng bó cỏ xanh biếc ôm vào lòng yếm đỏ chói, đẹp quá, tôi ngây nhìn.
– Làm gì mà đứng đực ra thế – Nó hỏi.
– Tớ đau lưng quá.
– Đồ đại lãn.
Có một con chim cút cứ chạy quẩn quanh chân Chắt. Tôi lăn xả vào bắt Chim lẩn qua khe chân nó lủi mất tôi vồ trượt, tức quá, thuận đà đấm cho một cái vào con khoai.
– Mẹ mày, làm “ông” đau thế – Nó chửi.
Tôi nằm ngập chìm trong cỏ, chỉ muốn nô nghịch chẳng muốn làm liếc gì nữa.
– Đuổi nhau nào – Tôi gạ
– Tao đố mày nhắm mắt mà lăn được đến đúng chân tao thì tao cho là tài.
– Chỉ tài thôi à?
– Ừ, tài…
– Phải mất gì nữa chứ?
– Tao cho mấy đồm cỏ…
– Không. Cho tao ôm một cái cơ.
– Thằng mất dậy – Chắt kêu lên.
– Mặc kệ, mày đã đố tao… – Tôi lăn lóc về phía nó, cuống quít, vội vã.
Nó cười khanh khách và cảnh cáo “Phải nhắm mắt! Phải nhắm mắt!”.
Tôi tóm đúng chân nó và giật một cái làm nó lăn xoài ra cỏ. Nó giẫy ra la ầm lên:
– Mày ăn gian, mày ti hí nhìn, đếch kể…
Mặt trời đã lên cao, đùa nghịch mãi, cỏ chửa đầy quang, cái Chắt băn khoăn: giờ mà chưa về là u tao đợi đấy.
– Đợi cho mày bú tí à.
– Mày bú tí ấy.
– Mày
– Mày
Nhưng u cái Chắt hôm ấy không đợi cái Chắt về để cho bú tí mà đợi về để gả chồng cho nó!…
Thằng Tũn con ông trưởng bạ Triển ở làng Ngò Bến – hai bố con hôm ấy sang xem mặt.
Ông trưởng bạ Triển nhà giầu, có vài mẫu ruộng nhất đẳng điền vẫn cho dân làng tôi cấy rẽ. Nhà ngói, tường hoa, cây mít, và có một đứa ở mùa. Thằng Tũn đi học trên tỉnh, nghe bảo nó biết tiếng Tây oai lắm, nhưng con giai lớn vậy mà đêm nào ngủ cũng đái ếp. Gặp nó, tôi vẫn quát: “Bắt nạt”; nó sợ quá chạy đái ra quần thật. Nhà nó hiếm người, đặt tên xấu để quan ôn bỏ qua; nhưng đi học chữ Tây nó đặt tên là… Hăng Xì! Mọi người bảo: vẫn xấu, nó đỏ mặt tía tai cãi: Hăng Ri!… Ri với xì, chẳng hơn gì nhau.
Cái Chắt sẽ lấy thằng Hăng Xì ư, lòng tôi đau nhói… Mấy hôm sau, đi chợ gặp Chắt tôi gây sự gà gà:
– Có những đứa nhóc con đã thích lấy chồng. Dơ thật – tôi nói bâng quơ.
– Ai thích – Chắt quát.
– Không thích mà người ta đến hỏi – Tôi quát lại.
– Người ta đang buồn nẫu ruột ra lại còn nói ba gai.
– Chắt không thích thằng Tũn thật sao?
Nó lắc đầu.
– Nhà Tũn giầu!
– Vứt mẹ cái giầu đi, “tôi” chả thèm.
– “Chả thèm” sao lại nhận lời.
– Thầy u tớ nhận chứ tớ nhận đâu.
– Đồ ngu! Ngu thế còn có ai ngu hơn – Tôi bỗng quát thượng quát hạ lên. Tôi tự cho tôi cái quyền lạ lùng ấy. Quát xong tôi ngẩn ra, không hiểu mình vừa làm gì. Cái Chắt cũng ngớ ra trố mắt nhìn.
– Không yêu, không thích mà cứ lấy… Thế mà cũng đòi làm người – Tôi lầm bầm đay nghiến xỉ vả.
– Bố mẹ bảo không nghe thì là đồ bất hiếu à – Cái Chắt cáu lại.
Rồi nó thở dài. Lạ sao, nó không giận. Đáng lẽ nó phải chửi tôi chứ. Nhưng nó chỉ như người mất hồn…
Rồi hôm ấy một ngày chạm gió heo may. Nắng vàng buồn đến khóc được. Bà cô Tũn vấn khăn nhung trần, môi ăn giầu cắn chỉ xúng xính váy lĩnh xà tích áo tứ thân, yếm lục, khoan thai bước vào ngõ đầy hoa cúc tần vương dây tơ hồng nhà Chắt. Đằng sau bà là đứa con gái gánh nặng chiếc “quả cưới” sơn son thếp vàng và mâm thau phủ nhiễu đỏ.
– Kính lạy bác trai bác gái ạ – Bà cô Tũn miệng tươi như hoa.
“Quả cưới” mở ra. Một buồng cau trái đều như đếm. Một trăm hồng đỏ rực, vài cân cốm đầu mùa bọc lá sen thơm, đặt bên yến gạo nếp hoa vàng trắng nõn, và lồng chim ngói cổ cườm béo mũm.
– Con gái u đâu, lên đỡ lễ cho u nào – Bà Chắt gọi ngân nga.
– Em không biết – Từ dưới bếp vang lên một tiếng cảu rảu.
Bà Chắt sững người, nhưng vội cười ngay:
– Cháu thẹn quá đấy mà. Thật giống y chị em mình ngày xưa. Bề ngoài thì ngoay ngoảy, trong bụng thì mừng rơn.
Cau đến hạt, cốm đến mùa, hồng rậng mã, chim ngói khoe cườm… Nắng hanh ngoài sân vàng đến khóc được.
Trong bếp cái Chắt gục đầu xuống gối.
– Thế làm sao… – Bà mẹ tiễn khách về rồi, xuống bếp giả bộ đùa cợt.
– Em không lấy thằng Tũn đâu – Chắt mếu máo. Bà mẹ nghiến hai hàm răng lại:
– Ối trời cao đất dày ơi… Tôi không ngờ mồ mả lại vô phúc thế này – Bà giẫy đành đạch nỉ non – Có ai nuôi con khôn lớn để thấy con vô loài như tôi không.
Ông Chắt lặng lẽ ra búi mây, chặt một sợi. Roi mây tươi rẻo quắn. Lồng chim ngói gù gù trên cửa hè. Ông Chắt cầm roi mây xuống bếp
– Ối ối… Đừng, đừng ông… Người ta vừa đến “chạm ngõ” về. – Bà vợ tỉnh táo – ầm ĩ lên chết cả nút bây giờ.
Ông Chắt vẫn chẳng nói câu nào. Bà vợ ôm choàng lên Chắt như sắp sửa che đòn cho con:
– Con gái u chạy đi… chạy đi, không thầy mày đánh chết… Ông cứ để mặc tôi bảo nó… Con gái u còn bé quá, chả biết gì… Con gái u ngoan “nắm”… ngoan “nắm”…
Hồng, cốm, cau… đem biếu họ hàng ngay chiều hôm ấy. Còn cái roi mây thì gài lên mái hiên.
*
Hai người đi lọt vào một cái hẻm. Núi đá hai bên trập trùng ngất trời ép họ lại chỉ giành một khe cho ngựa đi bước một. Hai con ngựa thành hai con kiến lách giữa hai tảng đá. Hoa lau phất cờ trắng xóa dọc đường.
Hai người đã qua một ngày trong rừng và một đêm ngủ ở “Trạm gió” trong cái chòi cao toàn bằng gỗ lim tròn sần sùi vết rìu đẽo. Suốt đêm Tuyến ngồi nghe tiếng chân hoẵng đạp trên lá khô lào xào, và một âm thanh gì đó của rừng hoang khi có thật, khi huyền bí mơ hồ…
Hai con ngựa buộc dưới chòi hí suốt đêm. Chúng sợ chính vẻ hoang dại của quê hương nguyên thủy của chúng. Tất nhiên là tại con người. Vì con người là tác giả của sợi dây cương xiết cổ chúng vào cái cọc cố định. Nếu không, thì đến nỗi nào…
Hoa lau như hàng cờ trắng quy phục trước vó ngựa của chàng trai Mán trẻ trung, yêu đời. Còn ta – Tuyến đăm đăm – có lẽ nào những lá cờ trắng kia lại là biểu tượng của cuộc đời ta…
Hai dãy núi chạy thi cùng vó ngựa. Nhưng núi mệt dần, bước thưa hơn, tụt lại. Khi vó ngựa dấn lên một quãng thì mở ra một thung lũng bất ngờ.
Những thung lũng như thế này thường thấy trong phim cổ tích, thần thoại. Núi vây quanh trập trùng lớp lớp, và cả thung lũng là một rừng mai. Nắng non trưa vuốt ve những chùm quả mai trĩu trịt níu cành ngả la đà. Mai bạt ngàn. Những đốm nắng lọt qua vòm lá tán sắc tròn xoe lấp lóe, nhưng không hoa mắt bằng nhìn những chùm mai sai quả.
Tuyến nhảy xuống ngựa, không tin ở mắt mình nữa. Có lẽ nào giữa bối cảnh núi non trùng điệp lại có một “Ốc đảo Mai” đẹp đến như vậy. Động tác đầu tiên của Tuyến là ngắt một trái mai nhai ngấu nghiến.
Nắng đã lên cao mà những chùm mai vẫn còn âm ẩm hơi sương. Mai đã giòn mọng, nhưng còn chát chưa có vị chua của trái chín.
Tuyến thấy người nhẹ lâng thanh thản lạ lùng. Tiếng nắng reo như tiếng bọt sóng tan, và bầu trời kết bằng vòm lá mai làm anh xôn xao. Để mặc cậu Mán dắt ngựa đi đâu đó, Tuyến nằm xoài lên cỏ, tai áp vào đất, miệng ngậm ngang nhánh cỏ non, và anh thích thú khi thấy một vài chiếc lá mai vàng hiếm hoi rơi lửng lơ trước mặt…
Nói chung đã hơn hai mươi năm Tuyến không xem tranh truyện cổ tích, thần thoại. Có thể vì sự bận rộn của cuộc sống. Hoặc có thể vì nói chung hình ảnh một cô gái khỏa thân trong Playboy hay trong phòng trà trên sân khấu thoát y vũ thích thú hơn nhiều hình ảnh của tiên ông râu trắng như cước, mắt phật một mí, chống gậy trúc đầu rồng.
Vì thế hôm nay Tuyến sững sờ khi trông thấy từ trong một lối nhỏ quanh quanh trong vườn mai hiện ra một ông tiên đúng theo trí tưởng tượng, mắt phật một mí, râu trắng như cước, chỉ không có gậy trúc đầu rồng và áo thụng ngũ sắc. Ông tiên này mặc bộ đũi mỡ gà ngắn, vừa đi vừa ngắm những nhành mai, với dáng điệu của người chơi cảnh chơi hoa di dưỡng tinh thần.
Tuyến nấp sau một gốc mai già để quan sát điệu bộ ông cụ. Đây là nơi nào. Một chốn “bồng lai tiên cảnh” theo quan niệm của phương Đông. Còn phương Tây thì là cái gì? Chịu, đã hai mươi năm nay anh không đọc truyện cổ tích thần thoại.
*
Bọn “thợ” chúng tôi gọi nhau đi làm ruộng vỡ hoang trồng ngô ở chân núi “Bà chúa” từ gà gáy canh ba. Qua đò lúc tảng sáng mà non trưa mới tới nơi. Mọi người sửa lại những chiếc lều từ mùa đông năm ngoái làm chỗ trú rồi trải lá khô làm ổ.
Đêm đầu tiên, trong lều nệm lá, tôi nằm ngoài cùng dẫy con giai, cách dẫy con gái một sải tay. Chắt cũng nằm ngoài cùng bên ấy. Cả ngày nô nghịch (nghịch nhiều hơn làm) bọn con trai ngáy như sấm, còn con gái cũng say thiêm thiếp. Mắt tôi mở thao láo không sao ngủ được. Ánh trăng đồi lờ mờ rọi vào người Chắt ở bên kia “đường biên” lá khô.
– Chắt ơi, ngủ chưa – Tôi gọi khẽ.
– Chưa.
– Có lạnh không?
– Không.
– Ngủ đi Chắt ạ.
– Không ngủ được.
Trong sương, mùi nhựa lá héo, mùi tóc, mùi áo con gái bốc lên sực nức. Tôi cựa nhè nhẹ.
– Làm sao đấy – Chắt hỏi.
– Cái gì đốt ở dưới lưng.
– Kiến đấy.
Bọn con giai mùi khét nắng vẫn ngáy như bò rống. Tôi quờ quào tay vào cái bờ lá khô.
– Làm gì đấy – Chắt lại hỏi.
– Ở nhà Chắt vẫn ngủ cùng giường với u à?
– Ừ…
– Có rúc vào nách u không?
– Nhảm. Lớn rồi lại còn…
– Chắt đưa tay tớ cầm xem tay con gái có ấm hơn tay con trai không nào?
Im lặng, không có tiếng động gì…
– Nào, đưa tay đi… – Tôi năn nỉ.
– “Ấy” rồi đấy – Tiếng Chắt rất khẽ.
Thì ra trong bóng tối tôi không nhìn thấy bàn tay đã để sát bờ lá khô.
Tôi chạm khẽ vào các ngón, rồi vào bàn tay, cuối cùng nắm lấy cổ tay tròn mềm mại nuột nà của Chắt.
Sáng hôm sau, chọn một vạt đất phẳng, tôi với Chắt phát cỏ cuốc đất. Trông hai đứa làm cứ như đôi vợ chồng mới ra ở riêng ấy, giống thật là giống cơ. Tưởng tượng thì vui thế mà chợt nghĩ đến cái roi mây thầy Chắt cài lên mái hiên, lòng tôi nhói lên.
– Về lừa lúc vắng, vứt mẹ nó đi Chắt ạ.
– Vứt cái ấy đi thầy tớ lại cắt cái khác. Cả một búi mây thiếu gì.
– Đành chịu chết sao?
– Nhưng làm thế nào được. Chạy đâu cho thoát. Đâu cũng gầm giời này.
– Tớ ghét ở cái làng này lắm – Tôi thốt lên.
– Tớ cũng chả thích.
– Cái gì cũng ràng buộc người ta. Bố mẹ mở miệng ra là can ngăn cái này cái kia, cái gì cũng “sợ dân làng cười”. Chắt này – Tôi hào hứng chứng minh cho nhận định của mình – Bố tớ đi mua cho mẹ tớ cái áo đũi vàng tuyệt đẹp. Mẹ tớ thích lắm, nhưng chuyên đời chỉ dám mặc vào trong, áo chéo go nâu rộng trùm ra ngoài, “Sợ dân làng cười”, già rồi còn làm đỏm! Khổ thế đấy! Đến lượt mẹ tớ mua cho bố tớ đôi giày Chi Long đen bóng. Bố tớ cũng thích lắm, nhưng chỉ dám xỏ thử rồi cất kỹ, không dám đi, “Sợ dân làng người ta cười chết”. Mình là dân cày chứ gì mà chân giày chân dép như cụ Lý cụ Bá. Giày cất kín, da mốc dần, cuối cùng chuột cắn hỏng, vứt đi…
– Ừ… đúng quá… – Chắt cười khúc khích.
– Tớ muốn ở chỗ nào, mình nghĩ ra cái gì, mình thích gì, cứ làm tự do hoàn toàn, không sợ “ai cười” không sợ ai ngăn cản, không có cái gì ràng buộc mình phải thế nọ thế kia.
– Cậu bé người mà nói khôn như ranh ấy.
– Bố tớ không bảo tớ “khôn như ranh” mà bảo tớ là thằng ngỗ ngược – Tôi kể chuyện tiếp – Một lần tớ báo bố tớ: “Nhà ta mua con ngựa đi”. Ông trố mắt: “Để làm gì! Tiền đâu?”, “Để lên tỉnh hay đi nơi nào xa”.
“Đi xa để làm gì”. “Để chơi, để xem nơi khác thế nào”. Ông phì cười cho tớ là thằng ngây, thằng dở người. Mẹ tớ cũng ngặt nghẽo “Vặn răng mày ra mà mua ngựa nhé”.
“Nhà ta có tiền rồi đấy”. “Ở đâu” cả hai người cùng ngạc nhiên. “Tiền bố mẹ dành dụm để mua chức phó lý và làm cỗ khao đấy”… Chắt này, cậu có thấy cái chức “phó lý mua” ấy vớ vẩn không. Bỏ ra hàng đống tiền, biếu quan trên, làm cỗ linh đình, lấy mỗi danh “phó lý” hão để khỏi phải gọi là bố cu mẹ đĩ… thật nhảm nhí quá…
– Người già hay thế lắm, vậy mà lại cứ bắt mình phải nghe theo…
– Mình đếch nghe… Mặc kệ… Cũng như cái chuyện bắt Chắt lấy chồng, đừng nghe Chắt nhé – Giọng tôi chợt năn nỉ.
Chắt đang vui lại chợt thở dài…
*
Tuyến mở máy ảnh ra chụp như một người du lịch. Ông già (nếu ảnh đăng báo thì nên chú thích là ông Tiên vườn mai) dẫn Tuyến lội qua một con suối nhỏ rất trong đầy sỏi trắng, rồi trèo qua một gò non bộ. Trước mắt Tuyến là một đàn bò thả rông đang gặm cỏ. Rồi một đàn ngựa và dê trông giống như hoang dã. Một mảnh nhỏ của vườn quốc gia chăng – Tuyến nghĩ… cậu Mán tháo yên cương hai con ngựa đã có công đưa Tuyến và cậu từ thị trấn vào thung lũng này, cho nó hòa vào đàn ngựa đang gặm cỏ. Cậu quen thuộc, thành thạo, điệu một ông chủ nhỏ ở đây. Hình như chặng đường làm cho cậu mệt, phải có cái gì đó để lại sức, đỡ háo. Tuyến thấy cậu lại gần đàn dê bắt một con, chọc tiết hấng vào bát mật ong. Tiết dê tươi hòa mật ong hồi sức nhanh, có lẽ vì thế mà cậu Mán uống hăm hở. Tuyến tưởng cậu sẽ đốt lửa nướng dê làm cơm chiều, nhưng không, cậu đào đất chôn dê xuống một gốc mai. Chà, một sự chơi ngông của một kẻ siêu giàu, có lẽ chủ trại Mỹ cũng không dám thế…
Nhưng mà không “chơi ngông” thì biết để làm gì cả đàn bò, ngựa, dê đầy thung lũng thế kia, trong khi có mỗi một ông chủ nhân chính thức là ông già, còn cậu Mán chắc cũng chỉ là chỗ lại qua…
Tuyến tiếp tục đi dọc con suối của “mảnh nhỏ vườn quốc gia”. Vịt thì có vẻ vịt nhà, nhưng dáng bơi chạy lại có vẻ vịt giời. Ngỗng trắng cũng thế, đi lại bên bờ cỏ non, nhưng bất thần vỗ cánh qua suối thì lại giống thiên nga. Gà sống sặc sỡ đậu trên cành mai có vẻ “ước lệ” như trong tranh dân gian. Chỉ những con gà mái với đàn con vàng kén bới quanh gốc mai là “gia cầm” hơn cả. Thỉnh thoảng một con cáo từ trong bụi thản nhiên bước ra, nó chậm rãi vồ một chú gà dò rồi “trịnh trọng” trở lại bụi. Đàn gà cũng không xáo xác quá trước việc này. Chúng đã quen, đã chấp nhận. Gà nhiều quá, thả hoang, tự tìm lấy nơi đẻ, ấp. Còn cáo thì sinh sản không nhanh bằng gà được. Cái ác, cái chết, ít hơn cái thiện, sự sống. Có vậy thế giới mới tồn tại được. Cái thiện và sự sống là chủ thể cuộc đời…
Sau khi chụp ảnh mỏi tay, Tuyến cảm thấy chán. Đúng lúc đó, cuối con đường quanh co trong vườn mai, hiện ra một tòa lâu đài gỗ đồ sộ. Tường gỗ dày hàng gang, sàn gỗ, “sân giời gỗ” lên màu lim đen bóng. Tuyến bước lên thang, tưởng như đây là nhà một tù trưởng bộ lạc thượng võ nào kia. Những tấm da hổ đầu hổ đầu hươu treo đầy tường. Cạnh bàn nước, một con hổ vằn nhồi trấu to bằng con bò đứng nhe nanh. Cậu Mán bưng ra một bình rượu. Những quả mai chín vàng như lòng đỏ trứng gà xếp đáy bình. Tuyến nhấp trên môi thứ nước trong suốt màu hổ phách. Một luồng điện chạy nhanh trên làn da anh.
– Rượu mai ngâm lẫn mật ong, mật gấu và nhung hươu. – Cậu Mán giải thích.
– Vườn mai này được trồng từ bao giờ thưa cụ.
– Kia là cây mai đầu tiên của rừng mai này – Ông già chỉ một cây cổ thụ gốc rễ xù xì cành lá xùm xòa – Nó ra quả bói đầu mùa cách đây gần bốn mươi năm…
*
Bầu trời của chung, nắng mưa của chung, cánh đồng của chung… nhưng buổi sáng ấy tất cả lại là của riêng tôi, thế mới hay chứ!
Buổi sáng, bố Chắt sang chơi nhà ông thông gia, tức nhà lão trưởng bạ Triển, nên mướn tôi bừa mõ mạ đồng Nghè. Ông khăn xếp áo dài the, tay cầm quạt thước đi hăm hở, được thông gia với nhà giàu có, vinh hạnh quá.
Một năm qua, con gái ông đã lớn phổng lên, đầy đặn như trăng rằm, bây giờ chỉ còn chờ ngày cưới…
Tôi dong trâu ra đồng, còn Chắt gánh thúng mậm theo sau. Trời hôm nay quang quẻ lắm, mây rất xanh. Tôi lầm lì bừa đất. Giờ này bố Chắt đang ngồi bàn chuyện lễ cưới, lòng tôi nhói lên. Con trâu mộng kéo bừa hết sức rồi mà vẫn cứ bị vụt oan, cáu quá quay cổ lại mắt đỏ nọc, khuỵu chân trước chúc đầu, chĩa sừng lại phía tôi. Chắt đứng trên bờ kêu:
– Ôi trời ơi, chạy đi anh Khả.
Nhưng tôi đang “điên”, đâu có sợ, thản nhiên giáng tiếp cho nó một roi tre nữa. Con trâu tung vó lên, cặp sừng nhọn hoắt xô thẳng tới. Tôi rạt sang bên, nó quay sừng theo hướng chân tôi. Người và trâu quay tròn giữa ruộng mạ lừa miếng. Tôi nhanh hơn, nhẩy phắt lên lưng nó, tóm thừng xiết mũi. Con mộng càng đau càng điên, rùng mình hất tôi xuống. Nhưng như người kỵ sĩ, tôi bám chặt “bờm ngựa” xiết hàm thiếc mặc cho nó tung vó lồng lộn giữa đồng… Tan cơn uất giận, chả còn cách nào khác, người và trâu lại cam phận lặng lẽ bừa mõ mạ bên nhau. Cả hai cùng nặng nề bước.
– Con mộng nhà em dữ lắm đấy… Khiếp sợ hết hồn ra – Chắt thở phào.
– Làm sao mà sợ – Tôi quát.
– Nó suýt húc cho lòi ruột ra lại còn không sợ.
Nghe cái giọng thản nhiên của Chắt sao mà đáng ghét thế. Nhưng ghét thì làm gì nó bây giờ… Mà sơn ca ở đâu về hót đến sốt ruột thế không biết được, váng cả cánh đồng lên.
– Anh bừa rấn để em trang mạ cho kịp – Chắt nhắc.
– Làm gì mà giục nhặng lên thế.
– Em giục đâu mà giục, em bảo anh thế chứ, hơi một tý mắng người ta – Mắt Chắt rơm rớm.
Lòng tôi rối bời, giờ này bố Chắt đang khoe con gái mình đã lớn… Phải. Chắt lớn quá rồi, và tôi cũng đã lớn không trẻ con như năm ngoái nữa… Nhưng tình thế thật cũng đã “tuyệt vọng” rồi…
Buổi sáng hôm ấy nếu vẫn cứ nắng ráo bình thường thì ruộng mạ chắc cũng đã gieo xong. Nhưng thời tiết là đồng nghĩa với sự đổi thay, kể cả đổi thay đột ngột. Cũng như sự đời bao nỗi đổi thay… Lúc ấy tôi đã trang mạ xong, đất mịn phẳng lì, trời đang nắng, bỗng dưng cái bóng ngả dài của tôi trên ruộng biến mất. Chim sơn ca ban nãy hót đến sốt ruột, váng cả cánh đồng, cũng ngừng nhất loạt. Từ đằng đông một cơn mưa ùn ùn kéo đến như đoàn quân chinh chiến của một Đại Đế thuở nào.
Bầu trời, cánh đồng là của chung, nhưng phút chốc thành của riêng tôi tất cả. Bởi vì thấy cơn mưa, thiên hạ ba chân bốn cẳng chạy sạch.
– Đi về đi – Chắt rủ.
– Không về – Tôi ngang ngạnh – Cứ ở đây!
– Thì mình em về vậy.
– Không cho về!
Cơn mưa ập xuống trập trùng. Chắt co người lại núp dưới cái nón mỏng manh. Trái lại, tôi lột nón vứt đi, giang cả hai tay ra hứng mưa, rồi ngửa mặt hớp những dòng trong suốt mát lạnh.
Chắt co ro cóm róm, nhưng cũng đâu thoát ướt. Tôi xông lại, giật nón của nó liệng ra xa…
– Làm cái gì thế…
Chắt đứng trơ ra giữa màn mưa căng mùng trắng xóa. Chiếc áo cánh gụ, chiếc yếm đỏ, váy lụa tơ tằm bết lại dán chặt vào người hằn lên lồ lộ đường nét của cơ thể con gái mười tám.
Tôi đứng ngây ra nhìn. Chắt cũng cúi xuống ngắm mình cười “hì” một tiếng. Đôi vú năm nay như hai quả cam đã mọng đầu cành.
Bầu trời và cánh đồng này sinh ra là của riêng tôi với Chắt hôm nay.
Màn mưa như những giải đăng ten vô tận vây xung quanh kín mít, chẳng ai nhìn thấy. Tôi ngồi xuống bờ cỏ xanh mướt sạch tinh vì nước mưa vừa rửa. Những vết bùn trên chân tay tôi, mưa cũng kỳ cọ trắng nõn.
– Chắt ơi!
– Bảo gì…
Tôi bứt lấy những ngọn cỏ non, nhai ngấu nghiến, mắt nhắm lại, tay quờ quạng – Em đây cơ mà… – Tiếng Chắt rất khẽ mà tôi tưởng âm vang như tiếng sấm giữa trời. Chắt duỗi đôi chân như đôi ngà voi trên nệm cỏ. Tôi hớp lấy từng giọt nước mưa từ tóc em trôi xuống thơm và mặn. Và ngây ngất. Nước mưa trôi qua mắt qua cổ xối vào khe vú em như một dòng suối nhỏ…
Của tôi tất cả cuộc đời này. Bầu trời là mái nhà của tôi, tôi làm ra nó; mặt đất mát rợi cỏ non là giường của tôi, tôi làm ra nó…
*
Ông trưởng bạ Triển có cái bàn tính bằng sừng từ hồi mới nhận chức trưởng bạ trong làng. Bao nhiêu năm hôm nay ông mới lôi ra gẩy lách cách tính toán các khoản chi phí cho đám cưới con giai sắp tới. Bò ba con lợn chín con… tiền thịt vị chi là… Gạo nếp gạo tẻ vị chi là… Ông lẩm nhẩm chính xác và hào hứng. Thằng Tũn đã sắm một bộ com-lê nghe đồn là mua tận Paris (đúng là nói phét, nhưng nói phét gặp thời nên vẫn thành lời đồn đại). Mẹ Chắt thì cũng đã đi chợ Phủ mua lĩnh may váy mới cho con gái. Bà cho con bộ dây xà tích bạc dài lướt thướt, có ống đựng trầu, đựng vôi, thắt vào trễ cả cạp váy và đụng đôm đốp sưng đầu gối. Nhà trai đem đến đôi khuyên vàng cho Chắt đeo trước. Khuyên giống hệt hình con đỉa co vòi cắn chặt vào dái tai, trông như bị kìm kẹp hành tội. Hai con đỉa vàng ấy hút máu ở vành tai Chắt và cắn rứt đau đớn tim tôi…
Một buổi trưa, như tất cả những buổi trưa khác, nắng vàng ong ong, tôi đang ngồi đan giỏ trong bếp thì Chắt mặt cắt không còn hột máu xộc vào.
– Có chuyện gì? – Tôi ngơ ngác.
Gương mặt đẹp xinh có hai con đỉa vàng bấu hai bên nhòe đi:
– Em… em có mang.
– Cái gì – Tôi đánh rơi chiếc giỏ đan dở.
– Làm thế nào bây giờ? – Chắt òa khóc nức nở.
Ánh mắt em hoảng loạn tuyệt vọng, nhưng cũng là ánh mắt cầu cứu, bắt đền.
– Một tháng nữa, em cưới. Ngày đã ấn định rồi.
– Ấn định thì mặc ấn định thôi – Giọng tôi băng giá.
Chắt mở tròng mắt xanh biếc tròn xoe nhìn tôi kinh ngạc. Rồi giọng em rin rít đanh đá.
– Em bắt đền anh…
Tôi bước lại vuốt tóc Chắt:
– Em có yêu thằng Tũn không?
– Không.
– Không, sao lại lấy nó?
– Vì thày mẹ em gả… Vì tự nhiên nó thế, em chả biết. – Chắt bưng mặt khóc hu hu.
– Bây giờ em hãy nói với bố mẹ giả giầu cau, không lấy thằng Tũn nữa, và chúng mình lấy nhau…
Chúng mình, ngay ngày mai, cùng bỏ làng, đi đến nơi nào thật xa, xa, không ai biết.
– Lại có thể như thế ư – Chắt ngơ ngác.
– Sao lại không có thể như thế được. Một bộ quần áo, vài bát gạo, ngay sáng mai, gà gáy thứ nhất…
– Chả lẽ đi dễ thế.
– Thì khó cái gì.
Chắt lại đứng đực ra, đần độn. Em khẽ lắc đầu:
– Đi thế tiếng để đời bỏ làng theo giai. Đời con gái không gì nhục hơn thế…
*
Vào một ngày đẹp trời, lễ cưới Chắt đã diễn ra linh đình. Đám rước dâu từ làng bên khởi hành một đoàn dài với những ông cụ mặc áo đoạn phủ the chữ thọ, râu dài đến rốn, cầm hương đi đầu. Đám phù rể, bạn học thằng Tũn từ tỉnh về, mặc toàn đồ Tây, đeo kính trắng, đội mũ phớt. Đám phù dâu áo Tân thời kiểu “tỉnh Hà Nội”. Thằng Tũn cho người sang lo trang phục cho Chắt giống kiểu các cô con quan tham, quan phán: khăn vành dây kim tuyến, áo vóc thụng nẹp vàng, ngoài phủ sa trắng hệt như Nam phương Hoàng hậu vợ vua Bảo Đại.
Thằng Tũn và Chắt ngồi trên lưng hai con ngựa đóng bành rực rỡ, có giám mã dắt, và có phu đội nón dấu, áo nậu đỏ che tàn.
Pháo nổ suốt dọc đường. Suốt dọc đường trẻ con chăng dây tơ hồng cản lối để người chủ hôn phải cho tiền chúng theo phong tục, chúng mới chịu cởi. Tiền rải đường càng nhiều, chứng tỏ đám cưới càng sang…
Hôm sau ăn lại mặt, đáng lẽ vợ chồng Chắt sẽ trở lại nhà gái với con lợn quay trên mâm, hai tai bồi giấy đỏ nổi bật (dấu hiệu của cô dâu trước khi động phòng vẫn còn trinh – nếu có chuyện ngược lại, thì lợn quay bị cắt cụt tai). Nhưng hôm nay thay vào đó, đến lợn cắt tai cũng chẳng có, đối nghịch cảnh rước dâu ầm ĩ hôm qua, là cảnh bà Trưởng bạ Triển tóc vấn lệch, váy xếch ngược, túm tóc Chắt lôi xềnh xệch suốt dọc đường. Theo sau bà có hai mụ nặc nô chửi thuê mà bài chửi có vần như diễn ca đã thuộc lòng. Ba mụ thần nanh đỏ mỏ đi áp tải, xô đẩy cái dáng mảnh dẻ liêu xiêu đến cổng nhà gái thì ‘tiết mục” mở màn. Bà Trưởng bạ chu chéo rằng con giai bà đã bị lừa. Con bé chết tử chết tiệt này chính thực đồ đĩ thõa hoang thai, giá như đúng luật ngày xưa thì phải tội lột truồng cho đeo phèng phèng vào bụng, đeo củ dứa vào cổ, cho mõ áp tải dong khắp làng, vừa gõ phèng phèng vừa rao…. Khốn khổ vô phúc cho nhà bà đã rước phải đứa con dâu như vậy. Ba bò, chín lợn đã thịt rồi, quan viên hai họ đã ăn vào bụng, mửa ra không được, bà sạt nghiệp đi ăn mày vì đám cưới này, biết làm sao bây giờ.
Tiếp theo tiết mục “độc tấu” của bà Trưởng, màn “song tấu” của hai mụ nặc nô chửi thuê bắt đầu. Chúng giơ tay múa chân có bài bản và tuôn ra bài diễn ca hay đến nỗi sân nhà đã biến thành sân khấu mà chính ông bà Chắt cũng là hai khán giả, đứng im phắc để nghe.
Đúng lúc ấy có một người đàn bà đến bên bà Chắt nói nhỏ: “Đem cháu tạm ẩn đi, không bố nó cục tính, đánh chết nó bây giờ. Đàn bà phải thương con, việc phân xử thế nào liệu sau…”.
Bà Chắt sực tỉnh. Giữa vòng trong vòng ngoài nhốn nháo, người đàn bà kéo Chắt lẩn ra, xé rào đầu nhà chạy thẳng một mạch sang nhà tôi.
Tôi vẫn ngồi đợi từ lâu, từ lúc bóng ba con thần nanh đỏ mỏ áp tải Chắt đến cổng làng. Mắt Chắt ráo hoảnh trơ trơ. Vừa thấy tôi, Chắt lao xầm lại òa khóc.
– Nín ngay, rồi khóc sau – Tôi đứng dậy chùi má cho em và bảo – Cầm lấy tay nải, ta đi đi…
Chắt không nói một lời, và như cái xác không hồn, em bước ra cửa. Tôi cầm tay Chắt:
– Em hãy nhổ toẹt vào cái làng này, không bao giờ chúng ta trở lại.
Chắt vẫn như chẳng hiểu tí gì, chỉ có động tác duy nhất là bíu lấy tôi như người chết đuối vớ được cọc. Cánh đồng nắng non trưa. Chúng tôi chui qua lũy tre làng, tắt bờ ruộng, rảo bước lên đê. Vượt đê, chúng tôi mất hút vào triền dâu trùng điệp bờ sông. Khi nhìn quanh thấy mình đã được triền dâu che kín, trương tuần quản xã đi lùng cũng không bắt được nữa, Chắt mới quay lại hỏi tôi như đứa ngớ ngẩn:
– Đi đâu thế này?
– Hay quay về vậy nhé.
– Không! Không – Chắt giẫy nẩy.
Có lẽ vào lúc ấy, ở nhà, màn song tấu của hai mụ nặc nô đã tạm dứt, và ông bố Chắt “thưởng thức” xong, đủ sự khôn ngoan tỉnh táo, bình tĩnh mời bà Trưởng bạ vào nhà nói chuyện người lớn. Câu chuyện chắc phải dài. Ông Chắt sẽ thanh minh rằng không ngờ con gái mình hư đến như thế, rằng con dại cái mang, bao nhiêu tội tôi xin chịu cả, xin bà Trưởng nguôi giận để bàn cách giải quyết, đâu khắc có đó. Bà Trưởng chắc sẽ đòi trả lại con dâu cho nhà gái, đòi nhà gái “giả của”: tiền bạc, lợn, gạo, tư trang dẫn cưới, đòi hủy bỏ đám hôn nhân này. Ông bà Chắt sẽ đưa mắt nhìn nhau cùng van nài: Bà hãy thư thư, đừng nóng giận, nhà chúng tôi lấy đâu ra của mà giả một lúc bây giờ. Để chúng tôi bán vài sào ruộng lấy tiền gửi ông bà, gọi là gạo đổ bốc chả đầy thưng. Hoặc trắng trợn ông rũ tuột: cha mẹ sinh con, giời sinh tính. Chúng tôi không muốn sự việc này. Trước lễ tơ hồng, pháo nổ, nó là con tôi; sau lễ tơ hồng, vợ chồng trao nhau chén rượu hợp cẩn, nó là con ông bà, là vợ anh Hăngri, tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, chúng tôi hết trách nhiệm. Xấu tốt con Chắt bây giờ là con ông bà, thuộc quyền khu xử của ông bà, ông bà đem thiêu sống nó cho hả giận, chúng tôi cũng không dám hé nửa lời…
Với câu chuyện như thế, sẽ kéo dài, hết cả trưa lẫn chiều. Và ai cũng nghĩ con cái Chắt chúa chém, con giời đánh, con mặt sứa gan lim giờ này chắc đang trốn bẹp trong xó buồng hàng xóm để chờ một trận đòn thừa sống thiếu chết nhất định phải có của ông bố bị xỉ nhục. Trận đòn sẽ diễn ra ngày nay, ngày mai, ngày kia, lúc nào chả được, có chạy đằng giời cho thoát. Và có gan ăn cắp nhất định nó sẽ có gan chịu đòn…
– Hay ta quay về nhé… – Tôi nhắc lại se sẽ, như đùa cợt, trêu ngươi.
– Không – Mắt Chắt long lên và em rẽ vội những cây dâu, chủ động kéo tôi ra bờ sông.
Nắng trưa mênh mang trên dòng nước trong lượn giữa hai triền dâu bát ngát. Những con thuyền xa xa. Tôi đứng đợi một con thuyền, xuôi về đâu hay ngược về đâu, không cần biết, miễn là rời khỏi tức khắc nơi này.
Chắt cũng đang bồn chồn nóng ruột, nên khi thấy một con thuyền đinh lướt tới, thì cả hai cùng gọi to:
– Đò… ò… ơi!
Chúng tôi vẫy cuống quít.
Chủ đò là một ông già nhưng trông còn tráng kiện, mặt mũi phúc hậu, bẻ lái áp bờ. Tôi nhẩy phắt xuống nhẹ nhàng. Nhưng còn Chắt, giữa bờ và thuyền xa quá, không có ván bắc, không khéo rơi tõm xuống sông. Tôi đang băn khoăn thì Chắt đã nhắm mắt nhún mình, lao đi, như người nhẩy dù ở cửa máy bay, không xác định được chỗ đỗ xuống. Tôi đỡ em chính xác, nên không bị ngã. Khi đò đã đi được một quãng xa, hai đứa mới cùng nhìn nhau thở phào, cùng cười “hì hì” như trẻ con…
Gió khá mạnh nên thuyền lướt nhanh. Buồm đôi căng gió như hai cái cánh… Đôi cánh đưa chúng tôi cất mình bay đi.
– Anh chị lên mạn ngược buôn gì – Ông chủ đò hỏi.
– Sa nhân, chúng cháu đi mua sa nhân – Tôi vội nói – Còn bác, bác mua gì, thuyền đến đâu thì đậu.
– Đá vàng. Tôi chở hàng gốm lên đấy. Chum vại, bát đĩa, rồi mua củ nâu nhuộm vải đem về.
– Hay quá… Chúng cháu cũng lên Đá vàng.
– Có bạn đường thật vui. Một mình một con đò lênh đênh mấy ngày đường buồn lắm…
Sao lại buồn nhỉ? Riêng một con đò giữa sông, biệt lập giữa cuộc đời chen chúc, thích biết chừng nào. Ước gì tôi và Chắt có một con thuyền như thế này. Dưới cái mui khum khum bằng nứa đan kia là một mái nhà ấm cúng, một cuộc sống tự do. Bầu trời, dòng sông, gạo lên bến mua, nước ra mũi thuyền múc, hạnh phúc nhất đời.
– Mệt quá… con mụ trưởng bạ nó lôi sấp lôi ngửa em, dí đầu túm tóc, kéo xềnh xệch quá áp tải thằng tù… Sư bố nhà nó – Chắt buột miệng chửi.
Tôi bật cười.
– Lại còn cười được đấy – Chắt lườm.
– Tối qua thằng Tũn nó đánh em đau lắm – Em tiếp – Cứ nhè thắt lưng và bụng nó đấm đá túi bụi, em nghiến răng lăn lộn không kêu một lời nào.
Chắt kéo vạt áo cho tôi xem những vết thâm tím trên làn da như vết chàm loang lổ trên mặt giấy tầu bạch.
Tôi lấy tay xoa khắp nơi muốn rơi nước mắt:
– Anh thương, anh thương… anh xin, anh xin…
Chắt vuốt tóc, vẻ kể chuyện.
– Ban đầu em nghĩ rằng nó mù chả biết được cơ. Sau này, em sẽ nói là đẻ non, thiếu tháng. Không ngờ cái thằng ở tỉnh quen thói ăn chơi thạo đời, nó biết ngay và đánh em liền.
– Bây giờ em có tiếc gì không?
– Không.
Chắt mỉm cười nhìn cái tay nải đem theo.
– Trong này có những gì. Cả gia tài hai vợ chồng đây à?
– Đúng… Nhưng còn đây nữa chứ – Tôi khoát tay chỉ lung tung: trời, đất, dòng sông, cánh đồng…
– Tất nhiên là nhiều thế rồi, nhưng em phải xem trong này có mấy thưng gạo. Mượn ông chủ đò cái niêu nấu cơm ăn đi. Đói quá. Hôm qua thì ăn từ lúc nhà giai chưa đến, nhịn suốt từ đấy, bây giờ mới thấy đói.
Tôi mượn cái niêu đất. Ông chủ đò cho trám ngâm ăn tạm. Hai người dọn mâm trên sạp thuyền. Bữa cơm đầu tiên của hai “vợ chồng” ngon lạ. Ăn xong, Chắt đi rửa bát và mỉm cười:
– Giờ hơi đỡ mệt rồi đấy. Nhưng… – Chắt lo lắng nhìn quanh thuyền – em muốn… muốn đi giải một cái, làm thế nào.
Tôi sững người. Đò lướt sóng dập dềnh, con gái ra sát mũi đò ngã lộn cổ xuống sông.
– Mau lên, tìm cách cho em – Chắt hối thúc giao phó cho tôi “sứ mệnh” đầu tiên…
*
Tuyến vẫn nhớ buổi chiều hôm ấy sau khi cho chiếc môtô đua vào gara, anh lên phòng khách biệt thự bắt gặp bà mẹ đang ngồi bất động trên chiếc canapê.
– Con xem cái này – Bà chỉ chiếc phong bì trên bàn.
Tuyến đọc vội vã: Quân lực Việt Nam Cộng hòa vô cùng đau đớn báo tin. Đất nước ghi nhận công trạng… Xin gửi lời chia buồn thống thiết… Ký tên Đại tá Trần Chiến Thắng.
Tờ giấy báo tử – tấm danh thiếp Thần chết (chứ không phải là ông Trần Chiến Thắng tượng trưng nào) đã đến thăm hàng vạn gia đình giàu nghèo sang hèn ở đất Sài Gòn này. Chuyện không có gì lạ. Chỉ lạ là hôm nay, người nhận “danh thiếp” – hai thân nhân, vợ và con của “vị anh hùng hy sinh vì tổ quốc”, không hề nhỏ một giọt nước mắt.
– Ba con hy sinh trong một cuộc hành quân ngoài miền Trung. Mẹ vừa đến Bộ Tổng tham mưu, người ta nói là ba đã lập được chiến tích gì đó, sẽ được thưởng, được truy tặng gì đó.
– Chiến tích – Tuyến nhếch môi cười nhạt – Vô nghĩa và bịp bợm… Chiến tích giết được nhiều người à, và rồi cuối cùng bị giết lại à… Mong rằng trên đời này đừng có nhiều những chiến tích như thế cho thiên hạ nhờ. Đời lạ thật, chẳng ai mong có chiến tranh, mà nó cứ ngang nhiên tồn tại như một quy luật không thể tránh khỏi, và số phận con người là phải cam chịu như một định mệnh.
– Ba con…
– Nhưng mẹ ơi, con không có ba kia mà.
– Thôi con ạ, bao nhiêu năm nay chúng ta đã quy ước: người ấy là ba con. Con đã tạm công nhận trong khi sống, thì bây giờ, ông ấy chết rồi, chúng ta không nên “lật lọng”. Vả lại đừng nói gì, chúng ta sẽ có lợi. Dù sao thì ông ấy cũng là một sĩ quan cao cấp, chính phủ không thể bỏ rơi vợ con họ sau khi họ hy sinh. Chúng ta có quyền lợi từ cái chết của ông ấy. Vậy thôi, chứ thực lòng mẹ, đã hàng chục năm nay, cũng đã nguội lạnh hoàn toàn với con người ấy.
– Thôi không nói chuyện đó nữa. Vấn đề bây giờ là phải kịp thời có “chương trình cuộc sống mới” như thế nào cho tốt, vì ta đã có thể hoàn toàn theo ý ta, mà không bị “ông ấy” khống chế, chi phối, quyết định.
– “Chương trình” thì đã có từ lâu, bây giờ chỉ việc thực hiện. Nhưng phải nhanh, nhanh, không “cô vợ nhỏ” của ông ấy có thể phá đám, tranh chia mất phần của ta.
– Mẹ sợ “cô vợ nhỏ” của ông ấy à…
– Nói sợ thì không chính xác, vì về danh nghĩa được pháp luật công nhận thì con chính là con giai được quyền thừa kế tài sản của ông ấy. Còn cô vợ nhỏ vô sinh, trơ thân cụ, có nghĩa lý gì. Tuy nhiên, không phải là cô ấy không biết phá rối…
Đã từ lâu mẹ chán sống ở cái đất Sài Gòn này, mẹ thèm một chân trời hoa lệ, rực rỡ hào quang. Nhưng mẹ vẫn cứ phải ở lại cái đô thành nực nội đầy lính viễn chinh, và nghe tiếng đại bác xa xa… Vì ba con còn ở trong quân đội, mẹ phải ở lại để “giữ lấy” ba, giữ lấy của cải, để cân bằng, nếu không ba con sẽ thuộc hoàn toàn về cô vợ nhỏ vô danh tiểu tốt, không con cái nhưng đành hanh tham lam ghê gớm… Bây giờ là lúc mẹ có thể “ra đi” được.
– Như vậy là việc ba con chết trận là một thời cơ tạo bước ngoặt tươi sáng trong cuộc đời mẹ con mình.
– Đúng thế. Đời là như vậy. Tàn nhẫn vô cùng… Thôi… Bây giờ con hãy sửa soạn để chuẩn bị một tang lễ truy điệu ba tại nhà thật long trọng. Con hãy đóng vai người con trai chí hiếu.
– Và mẹ đóng vai bà quả phụ đáng thương…
– Đúng thế…
Tuyến vừa vui nhưng cũng vừa sợ sự quyết đoán mau lẹ, óc thông minh linh hoạt, và ý chí hành động ghê gớm của bà mẹ, người đàn bà đã ngoài 50 tuổi, tóc đã chớm bạc, nhưng thân thể vẫn còn tràn đầy sức sống; người đàn bà trải qua bao khúc khuỷu cuộc đời, đã đến “dốc bên kia” nhưng lại đầy khí thế của kẻ mới “xuất phát”.
…Sang đến xóm Việt Kiều Vườn Hồng ngoại ô Paris với túi bạc có được do bán tài sản ở Sài Gòn, bà quả phụ mở khóa ngôi nhà nhỏ do ông đại tá Hăngri người Việt quốc tịch Pháp tậu cách đây vài năm, bắt đầu hòa nhập vào cuộc sống mới. Bà lao vào các mối quan hệ xã hội, khéo léo, hăm hở. Điều lạ nhất là bà ngày càng đẹp ra và vẻ quyến rũ giới tính của người đàn bà ngoài năm mươi ngày càng lóe lên ở khóe mắt làn môi.
Bà quả phụ Hăngri bây giờ không sợ gì mà không là khách hàng của những thẩm mỹ viện cao cấp, những tiệm may nổi tiếng. Phong cách của bà thật đĩnh đạc khi xuất hiện trong phòng tiếp tân của các gia đình quyền quý.
Điều bất ngờ nhất là đêm đêm, có lúc bà nhìn con trai mỉm cười, mắt lơ đãng phủ rợp vầng mây quá khứ.
…Con có thể tưởng tượng mẹ, chính giờ phút này, không phải là mẹ đang ngồi trước mặt con, mà là một bà già nông phu, khăn mỏ quạ, váy nhấn bùn, đang gánh trên vai một gánh phân súc vật ra đồng. Tay mẹ không phải nuột nà trắng trẻo thế này mà là hai bàn tay ngón xù xì như rễ cây, bàn chân nứt nẻ khô ráp da dày gai đâm không thủng. Mặt mũi mẹ thì nhăn nheo gầy sát tận xương, răng đen cải mả. Suốt đời bà nông phu bán lưng cho giời, bán mặt cho đất để cấy, vơ cỏ vãi phân. Mẹ xay thóc bằng chiếc cối nan tre nện đất, gò lưng kéo từng vòng, giã gạo ượt ngực từ sáng đến trưa mới trắng cối gạo. Mẹ sống trong ngôi nhà vách bùn trộn rơm mùa nắng nóng như thiêu đốt, tay luôn phải quạt mồ hôi và xua ruồi muỗi…
Đấy… nếu không khéo một chút, đời mẹ sẽ như thế đấy.
Tuyến ngơ ngác nghe người mẹ say sưa tả cảnh. Anh thắc mắc chống lại ý mẹ bằng cách viện dẫn ca dao đọc trong sách báo “Làng ta phong cảnh hữu tình. Cư giang đông đúc như hình con long. Nhờ trời hạ kế sang đông. Được mùa cày cấy vun trồng tốt tươi”. Hoặc “Đêm qua tát nước đầu đình. Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”. Và “Hỡi cô tát nước bên đàng. Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi…”. Đấy, đẹp như vậy cơ mà, sao mẹ không nói đến những cái đó.
– Láo toét hết – Bà mẹ lắc đầu quày quạy.
– Nhưng những cái đó có không?
– Có! Có! Nhưng mẹ chỉ thấy những điều mẹ vừa nói thôi. Tuyến này… Hay là con hãy tưởng tượng… Một bà già miền núi mặc áo nhuộm bằng lá, lưng dắt con dao quắm, lên rừng đốt rẫy trồng sắn tra ngô. Sắn ngô ăn với trám muối, măng muối. Đêm đêm bà ngủ trong tiếng mõ trâu lốc cốc ngoài nương, tiếng suối chảy rí rách, tiếng nai tác buồn bã. Ngày hội của bà là ngày địu củ nâu, mật ong, cao hổ xuống chợ bán. Chợ xa một ngày đường, qua mười con suối, mười ngọn đồi. Và bà sung sướng địu về muối, vải, dao, lưỡi cuốc… Đấy, nếu không khéo một chút thì suýt cuộc đời mẹ con mình cũng là như thế đấy.
Bà mẹ không phút nào ngừng nghỉ không khẳng định giá trị cuộc sống hiện tại bằng các mẩu hồi ức có tính chất so sánh… Con có nhớ cái gian nhà tường tróc lở đầy chuột, gián, muỗi, cống rãnh hôi thối bao quanh ở đầu cầu Long Biên không… Hồi ấy con lên ba hay lên bốn gì đó, may phúc bảy mươi đời đấy – Bà cười vang, cười sặc sụa mãi không thôi – Gian nhà đó mẹ thấy nó “đẹp”, nó giá trị gấp vạn lần cái biệt thự “Hoa Lan” ở Sài Gòn ngày nào; vì chính nó cứu mẹ con mình khỏi cảnh bà già nông phu hay bà già miền núi….
Phải, chính từ Văn phòng ấy mà bà làm nên những bước ngoặt “đổi đời”, mặc dù những ngày đầu thật cơ cực khi bà phải ra bến xe đón mua gà vịt của các bà buôn nhà quê ra, rồi đem bán lẻ cho các hàng phở. Các lão hàng phở thấy bà trẻ quá, xinh đẹp quá, tít mắt lại, dù tính khí có keo bẩn đến đâu, dù làm hàng lỗ vốn, vẫn tỏ ra hào phóng dễ dãi mua gà của bà giá đắt. Từ căn nhà và cái nghề ra bến xe mua gà ấy mà bà gặp lại “người chồng cũ”, lúc đó đang là sĩ quan quân đội Pháp, đóng ngay trong trại lính trên đê Yên Phụ (mặc dù ban đầu bà không muốn gặp). Ngài sĩ quan bán ruộng ở nhà quê loạn lạc, nhiều Việt Minh; ra thành phố mua một cửa hiệu tạp hóa cho mẹ già trông nom, công việc làm ăn đang phát đạt, đã đón “vợ cũ” về cùng “sum họp”…
– Tuyến này, con có nhớ…
– Thôi thôi, con van mẹ, đừng nhắc chuyện cũ nữa.
– Để con thấy cái giá phải trả cho cuộc sống hôm nay. Đắt lắm đấy…
Nhất định là đắt rồi. Nhất là với Tuyến. Có cái giá nào đắt hơn là anh có bố mà thành không có bố. Bố anh vẫn sống sờ sờ, mà anh không biết mặt mũi thế nào. Trong khi đó thì anh lại phải gọi một người đàn ông khác mắt hùm hụp, lừ lừ, tính tình hiểm độc, tình cảm vờ vĩnh giả dối, bằng bố. Trong cái gia đình ấy cả ba người đều lừa dối nhau. Người vợ không yêu chồng, nhưng phải làm ra yêu vì sợ cái thế lực của ông sĩ quan người Việt, quốc tịch Tây, sợ cái tài sản cơ ngơi của chồng mà mình được cai quản, nhờ đó mà mình được sống nhung lụa. Người chồng thì cũng chẳng yêu gì vợ, hận thù chuyện cũ, nhưng dù sao có người đàn bà xinh đẹp, tháo vát chững chạc, biết quản lý tài sản, biết làm cho nó sinh sôi nẩy nở, lại kèm theo có con giai thừa kế (hợp pháp về mặt giấy tờ) trong khi mình vì chơi bời mà mắc bệnh vô sinh. Người vợ ấy đã có cưới treo linh đình, và đứa con, tuy không phải huyết thống (nhưng ra đến thành phố đâu ai biết) dù sao nó cũng vẫn là chỗ dựa, niềm an ủi, cho nỗi buồn bất lực, cô đơn về phương diện này…
Cuối cùng thì đứa con trai ấy, tất nhiên là biết cái tình “máu mủ giả dối”, nhưng nếu không lợi dụng, thì sẽ bị ném ra ngoài đầu đường xó chợ đói rét lang thang, đi ăn mày từng bữa, lần hồi tìm đến người bố thật ở một nơi rừng núi xa xôi nào không ai biết. Và như thế để làm gì?… Chi bằng cứ là đứa con quy ước của người bố quy ước, làm tròn bổn phận hiếu đễ cho khéo, sẽ được tất cả, sẽ sống trong cảnh trưởng giả.
Ba kẻ giả dối ấy đều biết “thế” của mình, cùng cần nhau, tựa vào nhau…
Người chồng ấy – Ông Hăngri phát về đường “hoạn lộ”, theo các cụ quê nhà nói là do một ngôi mộ tổ đặt ở kiểu đất đẹp. Chứ nòi giống nhà ấy xưa nay vốn tầm thường cả có ai học hành đỗ đạt gì đâu. Ngôi mộ đặt nơi phía trước có “lưu thủy” (một khe nước nhỏ) và “án thư” (một mô đất); dựa lưng vào “tay ngai” (bờ đất vòng cung); bên trái có “nghiên mực” (một hố trâu đằm) bên phải có “bút” (một cây bạch đàn). Xương cụ tổ ở dưới đã kết vàng ươm như dây tơ hồng…
Có cái lạ là kiểu đất phát về đường quan văn, thì ông Hăngri lại phát về đường quan võ. Nhưng thôi, đằng nào thì cũng cứ là hoạn lộ. Chỉ đáng ngại ở điểm là hồng phúc nhà ấy khi dầy khi mỏng và không trường. Điều ấy đã ứng nghiệm nhỡn tiền. Đang làm ăn phát đạt với cửa hàng bán buôn tạp hóa ngoài Hà Nội, đang là ông quan hai lon ngù lấp lánh oai phong, đùng một cái thui thủi như chó cụp tai, hạ cờ cuốn gói, đổ tháo hàng hóa, bỏ cửa hàng, cuốn nhau xuống tầu vào Nam. Thời kỳ phúc mỏng vận mạt qua đi lại đến thời kỳ phúc dày vận đỏ. Chỉ ít năm sau nhà ấy lại ăn nên làm ra, có biệt thự Hoa Lan ở đường Hồng thập tự Sài Gòn, rồi lại có nhà mua sẵn để đấy tại xóm Vườn Hồng ngoại ô Pari, và ông Hăngri thì đã vinh thăng đến cấp đại tá.
Đồ thị phúc họa theo hình làn sóng cứ lên rồi cứ xuống tự nhiên. Đang vinh quang cực điểm thì một viên đạn đồng vu vơ sức nặng vẻn vẹn có vài chục gram (90 gram thì phải) kết liễu đời ông đại tá.
Thế là hết tất cả.
Bà quả phụ từ khi sang đến Paris vẫn đinh ninh rằng mình đã thoát khỏi cái chu kỳ quái ác “lên xuống”, “dày mỏng” của “cung phúc” nhà chồng. Từ nay bà chỉ còn là lên “như diều gặp gió”, muốn gì được nấy. Quả thật, tuổi ngoại năm mươi mà bà cứ càng ngày càng đẹp phây phây, hình thể xung mãn, tính cách nồng nàn, khối anh Tây gà mờ đã gọi là “người đẹp phương Đông”, nâng niu chiều chuộng, “ngắm nguyện” như một sản phẩm hoa thơm cỏ lạ viễn xứ huyền bí.
Người đàn bà ấy “Chẳng yêu ai” và “yêu tất cả mọi người”. Bà là bạn, nhưng đúng nghĩa hơn là “gái cặp bồ” đi du lịch, tắm biển, leo núi với ông chủ hãng đồ chơi nhựa, hay chủ hãng giày dép, kẹo bánh, may cắt đồ lót phụ nữ gì đó, đại loại như thế; tuổi thường ngoại thất tuần, răng giả đẹp hơn răng thật, dùng thuốc kích thích vụng trộm khi bà quay đi cởi áo lót, rất thích nói đến các phép dưỡng sinh phương Đông; và trong két sắt đã để sẵn di chúc phân chia của cải…
Sau chuyến du lịch, bà thường không gặp lại họ nữa vì đủ các lý do. Có người thì vào mùa du lịch năm sau đã “đi du lịch” ở các tầng địa ngục trong thần khúc Đăngtơ; có kẻ gặp lại nhưng cả hai đều không đủ “vốn liếng tình cảm” làm chất keo liên kết một lần nữa…
Bà sợ tinh khí của những người đàn ông già, chỉ gần họ khi họ vui vẻ nhất, hào phóng nhất và lồng lộn cố vớt vát “mùi vị cuộc đời” khi cái đích chung cục đang lại gần. Bà khai thác họ triệt để trong các khoảnh khắc đó và từ chối các trách nhiệm khó chịu khác với họ. Bà không yêu ai và yêu tất cả. Cuộc đời bà thật vui, vui dài dài…
Đúng lúc ấy, đúng lúc bà đang sống những ngày đắc chí nhất thì lăn đùng ra chết vì một lý do vớ vẩn: cảm lạnh. Mà hôm đó Paris đâu có lạnh gì cho lắm. Nhiều người vẫn chỉ mặc áo len mỏng. Còn bà thì quấn quanh người “một kỹ nghệ làm lông thú giả”. Khăn lông, mũ lông, áo lông, giày lông… như là một sự phấn đấu để “tiến lên” thành người thái cổ nguyên thủy.
Sức đề kháng của cơ thể bà là sức đề kháng của một đứa trẻ đẻ ra cắt rốn bằng liềm cùn han rỉ (không được cắt bằng dao, sợ xót – sự ngu muội hủy diệt quỷ ám con người thật không gì đo lường hết) vẫn không bị nhiễm trùng uốn ván. Cả tuổi thơ, bà có biết giày dép là gì (vì giày dép đến “trình độ” các cụ Bá, cụ Chánh cũng chỉ dám cắp nách… Luật Gia Long xưa cấm dân thường đi giày dép. Sau này Bát phẩm cửu phẩm trở lên mới được sử dụng giày dép như một thứ “quân hàm”).
Sức đề kháng của bà là sức đề kháng của người rét chết cá mại, vẫn lội xuống đồng bùn ngập bẹn để cấy; đêm ngủ đắp chiếu rạm, cùng lắm trải ổ rơm…
Vậy mà bây giờ bà lại chết vì cảm lạnh. Rõ ràng định mệnh đã dùng một cái cớ vớ vẩn nhất, không tiêu biểu, không xứng đáng để hại bà, chẳng khác gì nước mạnh muốn đánh nước yếu đã chọn một cái cớ lăng nhăng, cỏn con bằng cái kiến, để chiếm cả nước người ta.
Dù sao thì bà đã chết không kịp cả để cho các ông bạn “ai cũng yêu mà chẳng yêu ai” của bà đem hoa hồng vào bệnh viện thăm bà lúc ốm.
Thật là chuyện vô lý, vô lý quá đỗi. Nhưng đời này – ở cái xã hội bà sống, người ta nghĩ – lại được tạo thành từ 50% cái có lý cộng với 50% cái vô lý kia mà. Cho nên chả thắc mắc làm gì. Chỉ biết giải thích cái chết của bà bằng “chu kỳ phúc họa” do ngôi mộ tổ nhà chồng gây nên là hợp lý nhất.
Sau khi bà chết, sự “hết phúc” nhà bà còn được đẩy lên đỉnh điểm. Đó là sự kiện Tuyến bị tai nạn trên chặng đường đua ôtô, môtô Paris – Đakar, thủ đô Xênêgan ở phía Tây châu Phi.
Đua xe động cơ là “nghề” của Tuyến – cậu con trai được nuông chiều, ăn chơi rông dài, từ bé đến lớn. Ông bố hờ đã lo lót một khoản tiền cho con thoát nạn “quân dịch”, để con được thả cửa ngày ngày dông chiếc môtô đua loại nhất trên các trường đua, hay trên đường phố. Cướp tốc độ! Cướp tốc độ! Nhanh nữa! Nhanh nữa! Vượt lên tất cả mọi người! Không ai đuổi kịp ta… Đó là nghề của Tuyến. Nghề đó khi sang Paris lại càng đắc dụng khi anh được các chủ hãng xe hơi bảo trợ. Lòng dũng cảm cướp tốc độ của người ngồi sau tay lái đã làm xiêu lòng bao cô gái, khát vọng cảm giác được dâng hiến cho người anh hùng. Những chiếc ôtô đủ màu, như những ánh chớp ngũ sắc rực rỡ. Chỉ cần một cử động không chính xác là chiếc xe đua đang như ngôi sao băng đẹp đẽ kia tan thành cát bụi (và nếu có thể xảy ra như thế thì lại là một pha giải trí ngoạn mục cho các quý bà quý ông no đủ đến mức đã chán rượu chán thịt và đang băn khoăn triết lý: đời người ta sống để làm gì).
Trong mùa đông hàng năm Paris – Đakar dài 140.000km, 22 ngày, vòng qua hai sa mạc Sahara, và Sahel, qua sáu nước châu Phi với khí hậu ngày oi nóng, đêm rét buốt, địa hình nhiều đoạn phải tự mở đường. Tuyến đã hăm hở vào cuộc và hy vọng tới đích đầu tiên.
Nhưng vì một sơ xuất vớ vẩn, xe của anh đã bị lật, khi đích chẳng còn bao xa, anh bị gẫy chân trái cùng ba xương sườn cũng bên trái.
Cái giá của cuộc đua chen tốc độ kể cũng quá đắt. Một người con gái Pháp gốc Việt đang là người yêu – người vợ theo kiểu quan hệ chưa định hình, đã nhanh chóng rời bỏ kẻ không còn nguyên vẹn hình thể. Cũng đúng thôi. Đòi hỏi lòng chung thủy cổ điển Á Đông với một “cô gái nguyên tử” trong cái bối cảnh có bà mẹ chồng tương lai “ai cũng yêu và chẳng yêu ai” thì đúng là làm lệch cán cân về phía 50% sự vô lý trên đời…
*
Cơn mưa rào đi qua để lại màu đỏ thắm trên con đường rải sỏi Đá vàng và sắc tinh khôi rừng núi hai bên đường. Chiếc Vonga đen bóng, từ thủ đô lên mở nhạc dương cầm thánh thót ngân vang như theo nhịp lên xuống của con đường lắm dốc.
Người ngồi sau xe là một ông già tóc bạc, mắt hiền từ khao khát, đắm đuối vì cảnh vật. Dường như ông có nhiều kỷ niệm xa xưa với nơi này, và cũng lâu lắm giờ mới gặp lại. Nhìn dáng nét ông, biết ngay ông là người của nhiều Hội đồng quan trọng ở Trung ương, những ý nghĩ hành động của ông có liên quan, thậm chí quyết định cuộc sống nhiều vùng, nhiều người.
Ông già ủy viên lên lại Đá vàng lần này, ký ức xao động như mặt hồ gợn gió. Ở đây, ông có một kỷ niệm không thể nào quên, lẽ ra phải về từ lâu, nhưng tầm quan trọng sinh tử của công việc hàng ngày đã cuốn đi như thác xối khiến ông cố gắng lắm mới ngoi ra được khoảnh khắc để tĩnh tâm.
Ngày ấy, lâu lắm rồi, ông đã qua Đá vàng, nhưng trong tình cảnh bi đát: hai tay bị trói chặt xưng vù, bụng đói lả, và tên lính Nùng trình độ thuở “bán khai” vừa đi vừa nện báng súng vào ông, bất kể chỗ nào…
Trời mưa lâm thâm, rét căm căm, đi đã nửa ngày đường mà nhà giam tỉnh – nơi bàn giao tù nhân, còn xa. Tên lính thèm được ngồi trước đống lửa, gặm thịt nướng, uống rượu. Vì vậy nó quyết định ghé vào một nhà ven đường mà ánh lửa sưởi mời mọc…
Ông già ủy viên lúc đó có tên bí mật là Quyết Chiến – cái tên bồng bột, nhưng gợi toàn bộ mục đích cuộc đời một con người. Chiến không ngờ cái khoảnh khắc “nghỉ chân” ấy lại xoay chuyển số phận của mình. Bởi nếu không, về đến nhà giam tỉnh, không biết chừng anh có thể bị kết án tù hai mươi năm, hoặc tử hình, ở tòa án Đại hình, khi bọn mật thám cao cấp biết đích xác anh là ai; trong khi bọn quan chức miền núi, khi giải anh đi, vẫn cho anh chỉ là thằng “khố rách áo ôm” bình thường. Tên lính Nùng cũng không dại khờ gì, hắn trói anh khá cẩn thận trước khi nhận bát rượu từ tay chủ nhà – một thanh niên người Kinh trẻ, có cô vợ đẹp lạ lùng, và như “của cấm” giữa cái xó rừng hoang sơ lác đác mỗi khoảnh đồi một mái nhà sống “tự cung tự cấp” và sẵn sàng du cư.
Cô chủ nhà có một đứa con trai nhỏ kháu khỉnh. Ánh mắt ngây thơ của nó hoảng hốt, ngạc nhiên và đau đớn khi nhìn thấy dây trói. Nó hết nhìn bố lại nhìn mẹ, không thể nào hiểu nổi tại sao trên đời này con người lại có thể bị chằng trói đau đớn thế kia. Cái nhìn của nó truyền sang đôi mắt của bố nó và mẹ nó. Cả hai người cũng cùng ngạc nhiên như nó.
– Tôi không phải trộm cướp. Tôi là chiến sĩ cách mạng. Tôi đấu tranh cho đất nước độc lập. Tôi chống ách áp bức bóc lột, bất công để con người được giải phóng, sống tự do, hạnh phúc – Người bị trói thấy cần phải giải thích.
Chỉ cần thế là đủ. “Con người cần được giải phóng, sống tự do”. Chiến đọc ngay được ánh mắt của người chủ nhà. Có thể anh ta không biết các khái niệm chính trị, nhưng lại hiểu vấn đề hơn ai hết từ những điều đã trải qua của chính cuộc đời mình.
Người chủ nhà bày thêm rượu thịt. Tên lính Nùng ngốn như thần trùng, và hắn lấy làm khoái trí, vểnh râu rung tít, ra oai trước mặt người vợ xinh đẹp của tên chủ nhà. Đúng lúc ấy một cú đấm trời giáng vào gáy hắn. Và người chủ nhà vội giằng lấy khẩu súng mà khi uống rượu, hắn vẫn để ngang đùi.
Tình thế đảo ngược. “Thày quyền” bị trói gô, còn Chiến thì được cởi. Người chủ nhà không hề giải thích một lời về hành động của mình.
Một giờ sau đấy, có một “gia đình du canh du cư” rời đất Đá vàng, để lại ngôi nhà xiêu vẹo tạm bợ (có tên lính Nùng bị trói ở bên trong) và mang theo tất cả nồi niêu, dao, thớt, thóc giống, thịt nai sấy khô, mật ong, mật gấu, chất trên mình con ngựa đốm. Họ đi sâu vào rừng rồi qua một hẻm kẹp giữa hai dãy núi trập trùng. Mấy ngày sau họ đến một thung lũng mênh mông hoang vắng chưa vết chân người và dừng lại ở đó, trở thành chủ nhân của thung lũng.
Chiến ở lại với vợ chồng “người chủ thung lũng” một thời gian rồi chia tay, anh tiếp tục rong ruổi trên bước đường của cái sự nghiệp mà anh thấy thiêng liêng lớn lao đến nỗi anh sẵn sàng chết vì nó…
Ông già ủy viên hôm nay được đón tiếp nồng nhiệt ở Ủy ban huyện Đá Vàng. Cố nhiên là ông phải nghe ông Chủ tịch huyện báo cáo về phương hướng sản xuất chuyên canh, năng suất đỗ tương, thành tích khai thác rừng; vượt mức nghĩa vụ lương thực… gì đó. Cuối bản báo cáo, ông chủ tịch huyện nói về cuộc đấu tranh gay gắt đang diễn ra trên địa bàn huyện phức tạp của ông. Đất rộng, người thưa, con người ở đây, quen thói tự do phóng túng, kém ý thức tập thể. Huyện đã có chủ trương quản lý đồi bãi, không cho tự do chiếm dụng… Và đó là cuộc đấu tranh không khoan nhượng…
Ông dẫn chứng một trường hợp điển hình rằng ở đây có một lão già ngoan cố, chiếm hữu đất đai, làm giàu riêng lẻ, giá như hồi cải cách ruộng đất thì đã bị quy là đại địa chủ và tù chung thân.
Hiện nay, huyện đã có kế hoạch sắp sửa bắt tên này đi cải tạo, và tịch thu toàn bộ tài sản. Tội của hắn là chiếm cả một thung lũng mênh mông, trồng toàn mai, hàng năm thu hái đem ra thị trường bán, thu về không biết bao nhiêu tiền. Nhà hắn ở là một tòa lâu đài gỗ lim đồ sộ như một tên quý tộc xứ nào ấy, không phải bên ta. Hắn có ‘xưởng” ngâm mai lấy nước cốt, pha chế thuốc, có hàng đàn bò lợn, dê, gà thả rông.
Hắn sống phong lưu như một trại chủ ở Mỹ, chẳng kém.
Qua sơ bộ điều tra nghiên cứu, cho thấy, “lão già vườn mai” này thực chất là một tên “gián điệp”. Hắn đóng màn kịch “cướp vợ tên việt gian”, để lên thung lũng chui vào hàng ngũ ta. Vợ hắn cũng là một nữ gián điệp, đóng vai trò bỏ chồng, theo hắn lên đây. Khi vai kịch đã xong, “chồng” mụ đã lọt được vào hàng ngũ ta thì mụ trở về Hà Nội s
um họp với chồng cũ…
Ông già Chiến nghe ông chủ tịch huyện một cách lơ đãng, khẽ nhếch mép cười buồn bã, không nói gì. Và khi ông chủ tịch ra ngoài để kiểm tra bữa tiệc đã được chuẩn bị đến đâu thì ông phó chủ tịch huyện bày tỏ ý kiến:
– Tôi không tán thành cách nhìn người méo mó theo kiểu của ông chủ tịch. Ban nãy tôi không tiện phản bác thủ trưởng trực tiếp của mình trước mặt cấp trên nhưng giờ thì tôi xin nói… Về quá khứ, ông già Vườn mai thực chất là một thanh niên đi tìm tự do, hạnh phúc. Cuộc đời là cuộc đời, cơ bản là những “cuộc đời thật”, đâu mà lắm “cuộc đời giả”, “cuộc đời đóng kịch” thế. Bà vợ ông không chịu được cảnh cô đơn của thung lũng, bỏ về thành phố hưởng “vinh hoa phú quý” đời thường, cũng không có gì là lạ. Còn ông ta đi tham gia hoạt động cách mạng, đi bộ đội địa phương, là đúng quy luật, đúng tính cách con người ấy – sao lại bóp méo đi là “chui vào hàng ngũ ta”. Sở cứ đâu, nghi ngờ và suy diễn vô căn cứ.
Còn bây giờ ông là một “ông tiên vườn mai” giàu có, có gì sai. Thung lũng mênh mông bỏ hoang hàng ngàn đời, ông đến khai khẩn (giống như ông cha chúng ta đi khai khẩn đất hoang) tự tay trồng thành một rừng mai; đó là ông có công; sao lại gọi là “chiếm hữu đất đai”. Trâu, bò, ngựa, dê gà, ông nuôi là “tăng gia sản xuất” tăng của cải vật chất cho xã hội, ông có tội gì…
Hoàn toàn bằng hai bàn tay lao động phi thường của mình, tuyệt nhiên không bóc lột ai, sự giàu có đó đáng ca ngợi.
Tôi đã gặp ông già nhiều lần. Đúng là cốt cách một người biết sống giao hòa với cái lớn lao kỳ vĩ của thiên nhiên. Đẹp lắm… Nhưng ông cũng không phải là người lánh đời, mà luôn tìm cách đóng góp, có ích cho xã hội. Hàng năm ông bán cho Công ty thực phẩm huyện này hàng chục con bò, lợn, với giá rẻ như bèo. Công ty dược phẩm ở đây cũng “mua giá cung cấp” hàng trăm lít “nước cốt mai” làm thuốc của ông… Hội nghị Tỉnh, Huyện nào cũng cử “đầu bếp” đến xin ông một con bò về liên hoan… Thế mà giờ lại “vô ơn” định tịch thu một mẻ sạch sẽ của người ta, bắt người ta vào tù, rồi bỏ hoang thung lũng như thuở ban đầu của nó… Thật là ngu độn.
Ông phó chủ tịch không nén nổi tức giận, và ông già Chiến phá lên cười giòn giã.
– Tôi cho là phải bầu ông già vườn mai đó vào Hội đồng nhân dân tỉnh, ông đại diện cho những người biết khai thác thiên nhiên, đóng góp đắc lực cho sự giàu có chung của xã hội – ông phó chủ tịch tiếp – chứ không phải là bỏ tù người ta…
Ông già Chiến vẫn cười vui, và vẫn không nói gì. Mãi đến hôm sau, khi đã ngồi lên mình ngựa, để vào thung lũng Vườn Mai, ông mới quay lại vỗ vai ông chủ tịch huyện:
– Đồng chí làm thế nào mà leo lên được chức vị này?
Ông chủ tịch sững người.
Ông già ủy viên thủng thẳng tiếp:
– Kết bè, kết cánh, đấu đá, lật đổ phe khác để lên phải không?
– Dạ… Thưa đồng chí…
– Đồng chí văn hóa lớp mấy, và có chịu khó học hành gì không?
– Dạ… Dạ… Dạ…
Ông già Chiến lắc đầu nhếch môi cười, rồi giật cương ngựa. Bóng ông và người bảo vệ mất hút trong màu xanh rừng núi…
*
Thung lũng ngủ yên trong ánh trăng. Những con dê sừng dài như tóc đuôi sam nằm áp má xuống làn cỏ xanh mịn thiêm thiếp khắp các gốc mai. Những quả mai xanh đậm cũng đang thiêm thiếp giấc ngủ âm thầm chờ phút bừng tỉnh ngào ngạt hương thơm và sắc vàng mơ của mình.
Thung lũng vắng lặng ngờm ngợp. Trời đầy sao. Tưởng như tất cả các ngôi sao của vũ trụ đều dồn về họp mặt trên bầu trời thung lũng. Bởi đứng ở đây thấy đủ các chòm sao ngay trên đầu y như đứng ở nơi trung tâm nhất của trái đất.
Thung lũng như một thế giới riêng biệt, có bầu trời riêng, mặt đất thảm cỏ rừng cây và muông thú riêng.
Hai cha con lững thững bên những gốc mai tràn ngập ánh trăng.
Tình máu mủ là một trong ba thứ tình cơ bản của giống người, bên cạnh tình yêu và tình bè bạn. Nhờ các tình cảm đó mà sự sống được bảo tồn, duy trì, và phát triển, không bao giờ bị diệt vong… Người con kể cho cha nghe về những giây phút cuối cùng của người mẹ, khi từ giã cõi đời vì sự nhiễm lạnh khí hậu ở xứ sở không phải quê hương. Đến lúc ấy bà mới nói cho anh biết cụ thể tường tận, mặc dù trước đây anh có biết lơ mơ, về người cha đẻ của anh. Anh là con đẻ của tình yêu trong trắng, hồn nhiên, ngây thơ, đúng nghĩa nguyên thủy nhất của khái niệm tình yêu. Anh xứng đáng nhất để ra đời. Cuộc đời tạo ra anh không động cơ, uẩn khúc, cưỡng ép, vụ lợi gì… Bà tự hào đã sinh ra anh. Bà kể tiếp cho anh nghe về những ngày ấu thơ ở một nơi gọi là Đá Vàng. Ngày ấy anh có rất nhiều móng hổ, đeo đầy cổ móng hổ (do cha anh vào rừng săn bắn) Thậm chí anh còn có cả áo choàng bằng da hổ, chẳng khác con cháu một quốc vương Ả rập nào.
Ngày từ Đá Vàng vào thung lũng, cha anh đã trồng cây mai đầu tiên, chiết ghép từ một cây mai trên núi quả xum xuê, mà cha anh gặp trên đường đi săn và đã trẩy đầy túi quả vàng ươm đem về…
… Sau khi trở thành “người đẹp phương Đông” ở xóm Vườn Hồng, như một người dở chứng chết, mỗi khi dùng một thứ tiện nghi của kỹ nghệ hiện đại: ô tô, ti vi, máy lạnh… bà đều so sánh đến cái nồi đất, gùi muối, bát đĩa gốm, con dao quắm… của những ngày trong thung lũng Vườn Mai. Chỉ có một lần bà ngồi tiếc rẻ: giá giữ được những tấm da hổ ngày ấy, đem sang đây bây giờ, thì bà đã có một vật treo tường trang trí đẹp nhất Paris.
Anh để ý bà đã phát mê phát cuồng trong cuộc đua chen để hưởng thụ nền văn minh vật chất, trong khi nguyên lý cơ bản của nền “văn minh tinh thần” của bà là “ai cũng yêu và chẳng yêu ai”. Và như vậy là bà đã vi phạm, đã phủ nhận một trong ba thứ tình cảm cơ bản có tính chất duy trì, bảo tồn và phát triển sự sống; tình yêu trai gái – thứ mà ban đầu bà có một cách phong phú nhất, trong sáng nhất; vậy mà bà để mất biến lúc nào…
Ánh trăng càng về khuya càng vằng vặc. Giấc ngủ của những quả mai càng say. Nhìn chúng bất giác Tuyến nghĩ có thể vẽ tranh với hình ảnh những quả mai kia như là tượng trưng cho sự sống. Đó là sự chắt chiu gạn lọc từ hạt đất, hạt nắng, giọt sương, ánh trăng… để làm nên hương thơm và vị chua ngọt diệu kỳ của mỗi trái mai…
Người cha đã già, râu tóc nhòa vào màu trăng, nhưng thân thể tráng kiện gợi tả sức sống của một cây mai cổ thụ xù xì gốc rễ nhưng trĩu trịt quả non, đêm nay đi bên con giai, mới gặp lại. Ông nói với con về mùa hoa, toàn thung lũng là một màu trắng muốt ngát thơm… Màu trắng ấy là biểu tượng tình yêu của ông thuở xưa với một người con gái… Và đó chính là nguồn gốc tạo thành đời anh.
Màu trắng nguyên trinh ấy vĩnh viễn còn cùng với thời gian, không gian. Không gì có thể nhuộm ố được cả một rừng hoa trắng. Và cái màu trắng ấy ẩn chứa, tiềm tàng, di truyền, sẽ nhân lên gấp bội, từ trong từng hạt nhỏ xíu nằm trong trái mai kia… Mỗi quả mai là một kho vô tận của sắc trắng tinh khôi ấy…
*
Tuyến ngủ một đêm say trong hương mát dịu của cây mai, cỏ non, sương và ánh trăng. Nhưng gần sáng anh thoáng thấy mũi mình bị xộc vào một mùi của đại lộ siêu đô thị đã bị ô nhiễm, mùi khói xăng, mùi nhựa, sắt, cao su, chất dẻo, các bon, lưu huỳnh… Anh mơ thấy mình đang ngồi trong chiếc ô tô đua. Và trong đó có cả mẹ anh cũng đang vặn lái. Bà bặm môi, trợn mắt, nhấn ga, quyết bon chen, vượt lên trong cuộc chạy maratông của cuộc đời. Rồi mẹ anh bị hất văng ra ngoài lúc nào không biết. Còn anh thì lại về được đến đích. Đúng là một cái gì đấy không rõ rệt, rồi thế nào đấy theo diễn biến “lôgíc của giấc mơ”, đích lại là cả một rừng mai trắng muốt như tuyết…
Tuyến tỉnh dậy khi mặt trời vừa mọc, tiếng chim rừng mai úp chụp lên đầu anh đan võng và giăng lưới. Trong cái vòng và cái lưới âm thanh đó, anh để ý tách ra một tiếng chim gì đó, lạ lắm, lảnh lót trong vắt ngân vang xuyên suốt cả không gian. Thực là đã thức dậy, nhưng anh bị tiếng chim lạ hấp dẫn, dẫn anh đi như một người mộng du. Tuyến cúi rửa mặt trong một con suối nhỏ cùng lúc với mấy con ngỗng trời trắng muốt dậy sớm đang bơi qua. Rồi anh lững thững đi về phía vách đá bờ thung lũng. Tiếng chim lạ vẫn dẫn đường trên đầu. Theo lối của tiếng chim, Tuyến đi vào một khe đá kín, rồi anh đứng sững người không biết là mình mê hay tỉnh.
Bởi trước mặt Tuyến có một màn suối mỏng như những mảnh lụa dài vô tận phơi sát nhau, lướt thướt đung đưa. Nắng sớm rọi qua tán sắc, màn suối thành một cái cầu vồng rực rỡ nhiều màu đung đưa. Một người con gái khỏa thân tuyệt đẹp, da trắng muốt như ban mai đang tắm trong cái cầu vồng ấy. Tuyến nghi ngờ mình. Có thể chỉ là ảo ảnh. Anh nấp vào chỗ khuất, định thần lại. Màn suối lúc như lụa trắng, lúc như cầu vồng huyền bí lung linh quấn vào người cô. Và cô gái không phải đang tắm mà là đang múa. Cô giang tay hứng nước suối, hứng cầu vồng, hứng lụa, hứng ánh nắng, rồi nhún nhẩy như muốn bay lên, hoặc níu vào cái cầu vồng dải lụa ấy mà co lên…
Không. Không phải là mơ. Cũng không phải là ảo ảnh bởi Tuyến nhìn rất rõ hai núm vú cô lóe lên như đóa bích đào. Ảo ảnh chỉ có thể là một hình hài nhạt nhòa, Tuyến chạy vội trở lại rừng mai gặp cha, vì thực lòng anh không thể nào tin được các nàng tiên lại là chuyện có thật trên đời.
Ông già Khả cười vang. Ông đang chuẩn bị một cái khăn tắm thật đẹp, không kém gì các khăn tắm trong các toa lét khách sạn du lịch quốc tế. Ông lấy thêm một cái nữa và đưa cho Tuyến. Đi đến đấy đi, chờ tiên tiếc họ tắm xong rồi đến lượt ta.
Tuyến không thể nén kìm sự tò mò thêm một phút nào nữa. Và ông già giải thích cho anh rằng đó là em Mai, người chủ thứ hai của rừng mai này đấy. Em Mai về rừng mai đã mười mấy năm nay rồi, từ lúc nó còn là con bé lên bốn, tóc như đuôi chuột, mắt ngơ ngác như gà con mới nở… Cha mẹ Mai đã chết cả trong một trận bom Mỹ ném xuống một làng quê xa lắc ngoài kia, trong khi đúng lúc ấy “ông già vườn mai” đi qua, bắt gặp em đứng khóc bơ vơ giữa đường. Ông đã đón Mai về nuôi, và cho em cả rừng Mai này làm của hồi môn khi nào em lấy chồng…
– Nhưng con ạ – Ông già Khả chợt đổi giọng nghiêm nghị – Cái quan trọng hơn là lát nữa con sẽ thấy màn nước suối ấy là thứ nước suối như thế nào, và vì sao em Mai lại đến đấy tắm sớm như thế. Có thể nói sáng nào Mai cũng đến đấy tắm, kể cả mùa rét. Mai tắm xong thì đến lượt cha. Sở dĩ cha đã già, vẫn còn tráng kiện như thế này, không mảy may xổ mũi, nhức đầu, đau bụng, đau xương… là nhờ một phần ở màn nước suối ấy. Đó là thứ suối khoáng lúc nào cũng âm ấm, tắm xong con người tỉnh táo khỏe khoắn hẳn lên.
Một lần nữa Tuyến lại sững người. Hồi còn ở nước ngoài, anh và mẹ anh thường phải dành dụm một khoản tiền khá lớn để chi phí cho một chuyến đi nghỉ ở một nơi có suối khoáng chữa bệnh. Trong cái tuần ở đấy, mẹ anh thường uống lấy uống để, và ngâm người như nhái trong thứ nước mà bà cho là nước trường sinh, có thế mới bù lại xứng đáng món tiền du lịch mất đau như hoạn. Và ở đấy về, bà lại hồi ức như một bà già lẩn thẩn, hết chuyện, dở chứng chết, rằng thì là bà kiêu hãnh vô hạn, từ một cô gái kéo cạp quần thâm đất che vú ngồi cầu ao tre dùng gáo dừa múc nước ao bèo dội lên người, mà giờ chẳng kém ai, bà đã đi nửa vòng trái đất để được đến tắm cả ở nơi suối Tiên trường thọ trường sinh này… Thật là buồn cười, trong khi đó, cách đây mấy chục năm, một mình bà đã có riêng cả một dòng suối khoáng đẹp như lụa trải, như cầu vồng ở ngay cạnh nhà mà bà không biết…
Ông già Khả và Tuyến gặp Mai đi ra cửa khe đá, tóc ướt rượt. Cố nhiên là người cha giới thiệu cho họ làm quen nhau. Từ người Mai tỏa ra hương vị của những giọt sương đêm đẫm trăng ướp trong đóa hoa mai hàm tiếu, và hơi lạnh của đá trắng muốt nơi suối đầu nguồn. Ông già Khả cởi bộ đồ lụa tiên ông bước vào màn nước. Cả một tấm thân rắn chắc, đỏ hồng trông còn hơn hẳn cơ thể trắng lợt, mềm nhão và lép một bên vì những chiếc xương sườn gẫy của con trai.
Tuyến bỗng cảm thấy thèm khát được như cơ thể của ông. Đúng là một cơ thể sống giao hòa với thiên nhiên, là bạn của bầu trời, trăng sao gió núi, rừng quả, cỏ non, và được tắm gội trong màn nước suối khoáng diệu kỳ này.
Hà Nội 1/5/1986