Hẹn gặp nhà văn Nguyễn Khắc Trường thật sự rất khó, sau nhiều cuộc điện thoại “nài nỉ”, một phần cũng “nể” vì đã quen biết Báo An ninh thế giới từ những ngày đầu tiên (trước nữa là Tạp chí Văn hóa – Văn nghệ Công an có ghi tên ông trong ban biên tập), ông mới nhận lời gặp tôi trong một quán nước gần nhà ông, với lời giao hẹn là hãy hỏi thật ngắn, vì “không có gì để nói”.
Ông là người rất ngại những cuộc phỏng vấn, nếu là truyền hình thì ông kiên quyết không nhận, ông nói rất sợ nhìn thấy mặt mình trên tivi. Ông đã từ chối một cơ sở muốn làm phim chân dung ông để khỏi lên màn hình. Và ông, một nhà văn đã đi vào lịch sử văn học Việt Nam với tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, người đã làm Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn khóa VIII (2010 – 2015).
Trong 5 năm ấy, ông và Hội đồng Văn xuôi đã làm được nhiều điều tốt đẹp cho Hội Nhà văn. Hôm nay, ông có một buổi trò chuyện đầy thú vị cùng tôi về nguồn gốc ra đời và những câu chuyện xung quanh cuốn tiểu thuyết ấy…
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường. |
Ông đến đúng hẹn, luôn là vậy, giống hệt như thời còn đi làm công chức, dù tính đến nay ông đã nghỉ hưu được dăm năm. Sự nghiêm ngắn trong những lời hẹn của ông mang bản chất người lính nhiều hơn là thói quen “nhớ nhớ, quên quên” thường thấy của một nhà văn. Thoạt đầu gặp ông, thấy khó gần, bởi ông không ưa sự màu mè, không ưa nịnh, lại càng không thích trò “bạ đâu khen đấy”…
Ông là một nhà văn hay thì khen hay và dở thì nói dở, kể cả trong văn chương lẫn cuộc đời. Bởi vậy, ông là người có cuộc sống bằng lặng với gia đình, con cái, đứng ngoài tất thảy mọi ồn ào, mọi đua chen với thời cuộc, lặng lẽ làm đúng phận sự của mình. Ông bảo, ông đã hoàn thành sứ mệnh của cuộc đời mình, và ông bằng lòng với điều khiêm tốn đó. Ông đã bỏ dở 2 cuốn tiểu thuyết đã trích in khá dài trên Văn nghệ quân đội và Tạp chí Nhà văn, vì tự thấy chưa hay. Ông tự giễu mình rằng không nên làm mất thì giờ người đọc!
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường sinh năm 1946 tại Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Năm 15 tuổi, ông đã có truyện ngắn đăng trên Tạp chí Văn học của Khu tự trị Việt Bắc do nhà thơ Nông Quốc Chấn làm tổng biên tập. Vừa lớn lên, như hầu hết thanh niên thời đó, ông vào bộ đội. Đời sống quân ngũ, ông đi nhiều, làm báo, viết văn với bút danh Thao Trường.
Từ người lính kỹ thuật của binh chủng Phòng không – Không quân, ông trở thành phóng viên mặt trận viết cho tờ báo của binh chủng này, rồi viết cho Tạp chí Văn nghệ quân đội. Thao Trường là tác giả quen thuộc của nhiều bài bút ký, ghi chép, truyện ngắn viết về chiến tranh, hậu phương quân đội và nông thôn. Năm 1986 ông đã được trao giải nhất cuộc thi bút ký của tuần báo Văn nghệ và Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức. Sau này, Tạp chí Văn nghệ quân đội giới thiệu ông đi học Trường Viết văn Nguyễn Du (khoá I) cho đến năm 1983.
Cuốn tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” được nhà văn Nguyễn Khắc Trường hoàn thành năm ông 44 tuổi, khi đã có độ chín về những cảm nhận đời sống và nghề văn. Khi ông cảm thấy rằng, văn chương là một “bể mênh mông” nhưng cũng sẽ lọt thỏm vào vòng xoáy của nó nếu thực sự không để lại một dấu ấn quan trọng. Năm 1988, ông xin nghỉ phiên trực biên tập ở cơ quan Tạp chí Văn nghệ quân đội, nhận làm phóng viên đi thực tế một chuyến liên tục tại các địa phương Bắc Thái, Thanh Hoá, Hải Dương.
Một cảnh trong phim Đất và Người. |
Ông đã đi thực tế trong 3 tháng trời, tìm hiểu sâu sắc những vùng đất nông thôn để có thể “viết một cái gì đó cho ra hồn” như lời ông nói. Nếu không làm được điều đó, thì trở về ông sẽ “giải nghệ” nghề viết văn và chuyên tâm trở thành một nhà báo chuyên cần viết báo kiếm sống nuôi con.
Ông lang thang qua nhiều làng ở Triệu Sơn, Thọ Xuân và Nga Sơn, ba huyện đang có những vụ việc gây xôn xao dư luận cả về mặt làm ăn khấm khá, cả những bê bối, trì trệ. Ông muốn viết trung thực nhưng đầy tính nghệ thuật. Qua đó, truy tìm tận gốc rễ sự tha hoá đạo đức ở nông thôn với thói cửa quyền, hống hách, tệ chè chén của một số người có chức có quyền mà báo chí vẫn gọi là tầng lớp cường hào mới… để tạo dựng một tác phẩm văn học có ý nghĩa với cuộc sống.
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường chia sẻ: “Ấy là những chuyện trong sách là chuyện của Thanh Hóa đấy. Nhưng khi viết thì tôi “bê” về tỉnh Thái Nguyên quê tôi, để khi động đến những phong tục tập quán, ngôn ngữ, cách sống và cả những gì là tâm linh phải cho trúng “phóc” là của chính nó. Điều đó ngay từ dạo ấy nhà văn Nguyễn Khải người tôi rất thân cũng công nhận là tôi xử trí đúng. Bởi một người như Nguyễn Khải mà cũng tự thú rằng khi ông viết tiểu thuyết “Ra đảo” đã dùng ngôn ngữ của người Vĩnh Linh nên nhiều chỗ bị trật ra, cứ như là nhại ngôn ngữ người khác. Hãy viết những gì mình thuộc nhất, điều ấy tưởng đơn giản nhưng chính là “mẹo” của người làm nghề đấy, là độ chín của ngòi bút đấy.
Tôi là người chăm đi thực tế nhưng không có lấy một dòng ghi chép. Thực ra, chuyện đi thực tế mà không ghi chép gì thì không phải riêng tôi. Hỏi chuyện những bậc đàn anh thì thấy rằng nhà văn Nguyễn Minh Châu và nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng không ghi chép gì. Đi, hỏi và nhớ, thế là đủ. Khi vào bàn thì tự nhớ lại những gì mình đã gặp và sắp xếp theo chủ đề mà mình đã định.
Trong khi Nguyễn Khải và Phan Tứ lại ghi rất nhiều, rất tỉ mỉ. Đấy là một cách làm việc không thể nói chuyện đúng sai ở đây. Tôi là người viết chậm, may là ngày viết cuốn sách ấy tình hình văn học rất sôi động, ai cũng thấy phải thay đổi, phải cố làm được một cái gì, phải nghĩ khác, viết khác trước. Xem ra cái không khí ấy chỉ có một lần, không trở lại nữa, y như cái tuổi xuân thì của người con gái vậy. Tôi viết cuốn sách khi đang ở Tạp chí Văn nghệ quân đội đấy là nơi đẹp nhất cho những người cầm bút ở quân đội.
Khi tôi về Tạp chí thì những bậc đàn anh như Thanh Tịnh, Vũ Cao, Từ Bích Hoàng đã về hưu, nhưng những chuyện tốt đẹp, những ứng xử tuyệt vời với anh em, đồng đội của các ông ấy luôn được truyền lại hằng ngày đến mức thấy không được sống với các ông ấy là một thiệt thòi. Khi tôi về đó vẫn còn may mắn là nhà văn Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu vẫn đang làm việc ở đó. Đã có những chuyến đi thực tế tôi đi cùng Nguyễn Khải và không viết gì, chỉ để quan sát xem ông làm những gì, hỏi gì, và khi về ông viết như thế nào. Một chuyến đi như thế thu hoạch được nhiều lắm. Đó là một cách học. Không khí ở Tạp chí ngày ấy cũng ân tình lắm.
Khi viết được 50 trang, tôi đưa cho Lê Lựu và Nguyễn Trí Huân xem. Ngay hôm sau các anh ấy đến phòng tôi sớm và nói những lời tốt đẹp, rằng viết đã khác hẳn trước, nghĩ khác hẳn trước. Hình như cái không khí ấy bây giờ không còn nữa. Thì bây giờ người ta lại có cách làm khác mà! Sau đó tôi gửi 50 trang cho Tạp chí Tác phẩm mới, lúc ấy nhà văn Nguyễn Đình Thi làm tổng biên tập, nhà văn Kim Lân đọc văn xuôi. Cả hai ông đều đọc và nói không phải sửa gì cả.
Khi Tạp chí Tác phẩm mới trích in, chỉ sau mươi ngày, 3 NXB điện cho tôi sẵn sàng nhận in, NXB Hội Nhà văn, NXB Thanh niên và NXB Hải Phòng. Tôi nhận lời với anh Nguyễn Kiên lúc ấy là Giám đốc NXB Hội Nhà văn. Nói chung là thuận lợi. Sau đó Thanh Hóa mời tôi và nhà văn Lê Lựu về nói chuyện ở hội trường Tỉnh ủy. Ông Lê Huy Ngọ là Bí thư tỉnh ủy ngồi dự cả buổi. Rồi các huyện nơi tôi đã đi thực tế có nhắn về chơi. Tôi có nhiều bạn bè ở Thanh Hóa từ đấy”.
Cuốn tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” nói về cuộc “đấu tranh” không khoan nhượng giữa hai dòng họ Trịnh và Vũ với cuộc tranh chấp quyền lực và ruộng đất ở nông thôn, là cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác.
Đề tài cuốn sách đặt ra không phải mới, nhưng là tiêu biểu. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường đã đưa sự quan tâm của độc giả tới cuộc sống nông thôn thời kỳ đổi mới, ý thức dòng họ, gia tộc đang gây trở ngại cho sự nghiệp xây dựng xã hội mới, xã hội dân chủ, cần đấu tranh một cách kiên định và quyết liệt hơn. Cuốn tiểu thuyết của ông đã được trao giải A của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 (cùng với hai cuốn tiểu thuyết “Bến không chồng” của Dương Hướng và “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh). Sau này, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” và cụm tác phẩm của Nguyễn Khắc Trường đã được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.
“Mảnh đất lắm người nhiều ma” từ khi xuất hiện trên văn đàn đã được nhiều nhà phê bình, nghiên cứu cũng như bạn đọc quan tâm, được dịch ra nước ngoài, là đề tài nghiên cứu của nhiều luận văn, luận án thạc sĩ, tiến sĩ và đặc biệt năm 2011 được chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình dài tập nổi tiếng “Đất và người” (Biên kịch nhà văn Khuất Quang Thụy, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và Phạm Thanh Phong).
Nhà văn Tạ Duy Anh, người có nhiều năm gắn bó với nhà văn Nguyễn Khắc Trường tại NXB Hội Nhà văn đã chia sẻ trên Báo Nghệ thuật mới số ra ngày 6-3-2012: “Hầu như ông không biết nói dối. Mọi suy nghĩ của ông đều được thổ lộ bằng thứ giọng nói cho cả tổng nghe rõ. Bề ngoài ồn ào, thô mộc như vậy nhưng chớ ai nghĩ ông sốc nổi. Ông là người nhiều ưu tư, luôn sẵn mối quan tâm thường trực, nhất là trước những vấn đề tiêu cực ảnh hưởng tới xã hội. Khi đó nét mặt ông trở nên trầm buồn, chán nản và có phần thất vọng. Cũng khi đó tính cách khí khái, ngang tàng của ông được thể hiện rõ ràng nhất. Nó khác hẳn với một Nguyễn Khắc Trường khề khà, dễ dãi khi nhận lời đi đánh chén thịt chó, dùng tay bốc bải một cách tự nhiên rất thô nhưng cũng rất ngon mắt! Với ông, trên đời này chỉ có hai món thuộc hàng cao lương mỹ vị, ấy là thịt chó lá mơ kèm mắm tôm và thịt lợn cắp nách chấm hạt dổi. Mà phải là thịt nửa nạc nửa mỡ, có dính bì thui rơm. Còn hai thứ đó tức là cuộc đời này còn đáng sống để làm việc hết mình và tận hưởng (nhưng ông nói bây giờ cũng chịu rồi, vì sức khoẻ không kham nổi)
Nguyễn Khắc Trường có khả năng nhớ hầu hết tên tuổi cũng như tác phẩm của những nhà văn đàn anh và lớp cùng thời. Ai có tác phẩm nào đáng nhớ, ai đang ở đâu, làm gì, tử tế hay không, đang viết gì, mới in gì, con cái ra sao, phát ngôn nào ấn tượng, nếu tuyển chọn thì lấy tác phẩm nào… ông đều nhớ và có thể nói vanh vách…
Nếu không có Nguyễn Khắc Trường trong quãng già 10 năm ở NXB, thì uy tín của NXB sẽ không bao giờ có được như hiện nay. Nếu không nhờ Nguyễn Khắc Trường, ít nhất có hai chục quyển sách làm vẻ vang cho NXB, làm vẻ vang cho Hội Nhà văn, trong đó có những cuốn sách làm thay đổi cách nhìn đất nước theo chiều hướng đẹp lên trong con mắt người nước ngoài, sẽ vĩnh viễn chỉ là bản thảo hoặc quá lắm thì lang thang trên mạng với sự tiếp nhận không trọn vẹn, không thể hiệu quả như họ đã đọc trên bản in với danh nghĩa NXB Hội Nhà văn”.
Cho nên khi Nguyễn Khắc Trường về hưu, Tạ Duy Anh thấy “Ông cũng là số ít người khiến cho tôi cảm thấy thiếu vắng khi không gặp ông ngày ngày. Sống một thời gian với Nguyễn Khắc Trường, tôi nhận ra ông thuộc số không nhiều những người đàn ông đáng chơi nhất và khi đã chơi thì hoàn toàn tin tưởng nếu cần phải nói ra bất kỳ chuyện gì”. Đọc những lời các nhà văn nói về nhau như vậy, ta thấy thật ấm lòng.
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường bây giờ đã ở tuổi thất thập. Hỏi về chặng đường văn, ông bảo rằng, ông đã làm tròn phận sự của mình và không còn ân hận gì cả. Bây giờ thường ngày ông vẫn rất chăm đọc, chơi với bạn bè (ông có một nhóm bạn thường xuyên gặp nhau để bàn chuyện văn, chuyện đời), giữ gìn và chăm lo cho sức khoẻ của mình. Thỉnh thoảng ông nhận lời làm ban giám khảo văn xuôi cho những cuộc thi văn chương mà ông tâm đắc. Bởi vì, ông vốn được nhiều nhà văn lớn trong giới nhận xét là người “tinh văn”.
Khi tôi đem điều này ra hỏi, ông cười nhẹ bảo: “Nói rằng tôi “tinh văn” cũng là một lời khen nhau vậy thôi. Thì gần như cả đời là biên tập văn xuôi mà. Rồi cũng làm việc này việc khác nhưng cơ bản vẫn là chuyện ứng xử về bản thảo mà thôi. Đi giúp các trại viết lại càng như vậy. Những cuộc ấy, người ta cần nghe những lời nói đúng và nói thẳng, thì ông làm được như vậy. Năm nay tôi đã 70, tự thấy hết lực rồi, thì ngồi đọc, đó là cách tiếp xúc với văn học, tiếp xúc với cuộc đời”.
Với tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” ông đã để lại cho văn chương một gia tài quý báu là hơn 400 trang viết về nông thôn. Bởi nhà văn Nguyễn Khắc Trường đã lao động thực sự trên từng câu văn. Văn ông có nhựa sống, có cảm xúc, chứa đựng cả căm ghét, buồn khổ, xót thương, đặc biệt giàu văn hoá phong tục.
Bởi vì, nói như nhà thơ lớn của nước Pháp: “Một tác phẩm có được cái mạch của nó, đó là toàn bộ nền văn học của thời đại mình và di sản văn chương của cả dân tộc mình”. Với tác phẩm “Mảnh đất lắm người nhiều ma” và sau này được chuyển thể thành bộ phim “Đất và người”, nhà văn Nguyễn Khắc Trường đã ghi dấu ấn tên tuổi của mình lâu dài trong đời sống văn học Việt Nam.
Theo Trần Hoàng Thiên Kim – ANTGCT.CAND