Chuyên mục Truyện hay tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Hoàng Chính.

Gồm các truyện sau:

1. Nét vẽ vô hình của thằng bé mồ côi

2. Mùa Giáng sinh xưa tôi đã hứa

3. Gói quà không bao giờ mở ra

4. Ở một góc phố tôi đã quên tên

5. Vực sương mù

Nhà văn Hoàng Chính

Quê quán Hải Phòng. Tốt nghiệp Y khoa Sài Gòn năm 1978.

Định cư tại Canada từ năm 1983.

Đã xuất bản một tập thơ và mười một tập văn xuôi trong số đó có truyện dài “Thư Tình Viết Muộn” in tại Việt Nam – Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2012, do nhà văn Tạ Duy Anh chịu trách nhiệm biên tập, nhà văn Võ Thị Xuân Hà trực tiếp biên tập.

Nhà văn Hoàng Chính là một trong hai dịch giả bộ truyện “Ngôi nhà nhỏ trong thảo nguyên”, NXB Kim Đồng

Cộng tác thường xuyên với nhiều tạp chí văn học ở hải ngoại.

Có kênh YouTube “Truyện Hoàng Chính”:

https://www.youtube.com/channel/UC4Pc1_2rl5zGA6SfJzMg6DQ/featured

gồm những truyện ngắn do chính tác giả diễn đọc.

Nhà văn hiện là thông dịch viên tòa án liên bang Canada

facebook: https://www.facebook.com/hoang.chinh.39

Truyện Ngắn

Vực Sương Mù

Hoàng Chính

1

“Chị có nghĩ anh ấy sẽ trở lại không?”

“Không.”

Lồng trong khung cửa, như chiếc bóng đen đặm, hằn lên vũng sáng vùng nắng nhạt bên ngoài, người đàn bà trả lời. Ngắn, gọn; câu nói như một phán quyết.

“Làm sao tin được bọn đàn ông hở em.”

Đọc được cái cương quyết đanh lại trong giọng nói của người đàn bà, nhưng cô gái vẫn đăm đăm nhìn qua khung cửa. “Sao em linh cảm anh ấy sẽ trở lại. Mùa hè năm trước anh ấy hứa mùa hè năm nay sẽ trở lại nhưng mới đầu thu đã vội vã bay sang, chị nhớ không?”

“Nhớ chứ, nhưng nó bận công chuyện nên đâu có bỏ công đi tìm em.”

“Tại lúc ấy em nằm bệnh viện mà. Em vẫn linh cảm nếu không bận công chuyện, thế nào anh ấy cũng trở lại.”

“Làm sao trở lại được nữa.” Nói xong cái câu vu vơ nhưng quả quyết ấy, người đàn bà thở  dài. “Em suốt đời làm con bé cả tin, Trâm à.”

Và người đàn bà bước ra sân, quơ tay vớt lấy sương mù, chị choàng ôm lấy vạt sương như ôm một người tình. Từ trong căn phòng nhập nhoạng, người con gái thấy đôi môi tím ngắt của người đàn bà mấp máy, như thì thầm với thinh không.

2

“Phải như chị có được đôi mắt lá răm giống em, chắc chị hạnh phúc lắm.” Người đàn bà nói với Trâm câu ấy bao nhiêu lần nàng không còn nhớ nữa. Những buổi chiều ngồi nhìn nhau trên hai chiếc ghế mây mua được từ một buổi chợ phiên thị trấn dưới chân núi mùa hạ trước. Hết nhìn con đường quanh co dẫn vào khoảng xanh thẫm của bệt mầu đan bằng cây lá, lại nhìn sâu vào mắt nhau và bao giờ người đàn bà cũng ngậm ngùi. Phải như chị có đôi mắt giống em, chắc chị hạnh phúc lắm. Hạnh phúc là gì hở chị. Một lần Trâm đã hỏi lại người đàn bà như thế.  Và chị đã chỉ nhìn sâu vào mắt Trâm, lặng lẽ mỉm cười. Hạnh phúc ảo tưởng. Đêm qua em nằm mơ, cứ thấy như trong cổ tích chị Tuyết ơi. Em thấy em là công chúa ngủ trong rừng.

Hôm nay cũng vậy, người đàn bà chấm câu cho buổi chuyện vãn bằng tiếng thở dài và trọn vẹn cái ước mơ về đôi mắt lá răm của người con gái. Trâm gượng gạo mỉm cười. Người đàn bà không nói gì thêm.

Một lát, chị thở dài, “Thôi, chị về Trâm ơi.”

          “Ở chơi đã chị.”

Đưa tay qua mặt bàn. Trâm nắm vội lấy bàn tay người đàn bà. “Đi đâu mà vội thế?”

Bàn tay cô chạm vào cái muỗng gác trên miệng tách cà phê của người đàn bà. Cái muỗng bạc rơi xuống bàn, phát ra một tiếng động khô, lạnh. Giọng cô lạc đi trong cái tĩnh lặng của buổi chiều.

“Những buổi chiều như thế này đâu còn hoài. Mai mốt, biết đâu đấy.”

Có tiếng động mơ hồ lọt qua khung cửa kính khép hờ. Cả hai cùng quay đầu nhìn ra. Một chiếc lá vàng nằm chơ vơ trên nền gạch hiên nhà. Những bóng người lướt đi trong màn sương mỏng. Giọng đàn ông trầm, đục lẫn vào tiếng cười trong trẻo của những người đàn bà.

“Mùa này mà vẫn còn du khách.” Cô gái nói bâng quơ.

“Mới có người mất tích ở Phố Núi, em biết không.”

“Lâu lắm rồi em không coi ti-vi.”

“Phải coi để biết tin tức chứ.” Người đàn bà nghiêng đầu nhìn cô gái, cái nhìn săm soi làm cô bối rối. Những ngón tay cô mân mê chiếc ly thủy tinh trong vắt. Giọt nước lăn tròn dưới đáy ly.

“Toàn những tin buồn, coi làm chi cho buồn thêm. Mà ai mất tích vậy?”

“Cái cô này. Đã sợ nghe tin buồn mà vẫn thắc mắc là ai mất tích.” Rồi đang giả lả, giọng  người đàn bà chợt trở nên dửng dưng. “Dĩ nhiên là một người đàn ông.”

“Chắc tại Vực Sương Mù chị nhỉ.”

“Ừ, hồi đầu năm, lúc tuyết tan, người ta cũng tìm được một xác đàn ông.”

Không gian cô đọng thành tấm vách ngăn giữa hai người đàn bà. Một lát cô gái cất giọng, “Sao đàn ông hay rơi xuống Vực Sương Mù quá hở chị?”

“Đàn ông thích chinh phục những đỉnh cao.” Sau câu nói, cánh môi người đàn bà hơi trề xuống, như đeo nặng nụ cười.

Phố Núi. Lối mòn. Rêu xanh bám quanh vách đá cheo leo. Sương mù bồng bềnh. Lạc vào chốn ấy, như lạc vào cõi tiên. Đâu đó có loài hoa cánh tím hình trái tim mà người đàn bà vẫn thường nhắc đến. Lối mòn như xác rắn lột dán vào vách đá. Lên xuống vắt vẻo. Đỉnh cao ở mãi bên kia, phía sau hẻm vực. Du khách đưa nhau đến đó chụp hình. Chưa có ai qua nổi hẻm vực để đến được vách núi dựng đứng ấy bởi sương mù đông kín như sữa đặc, che kín cả những tấm bảng tô đặm chữ đen trên nền trắng “Nguy Hiểm”; che kín cả đoạn thân rắn bị chém ngang thành vực sâu hút hồn.

“Có tham vọng cũng là một điều hay.”

Người con gái nói nhỏ, như chuyện trò với chính mình.

“Ừ, có tham vọng cũng là một điều hay.”

Người đàn bà lập lại câu nói của cô gái, trầm ngâm nhìn vào khoảng không, rồi lẩm bẩm, “Đàn bà chúng mình được bọn đàn ông mê man chinh phục cho dù có được mấy người thực sự là những đỉnh cao.”

Câu nói của người đàn bà khua động tâm tư cô gái, như tiếng vang réo rắt của cái phong linh treo ngoài hiên nhà, rung theo cơn gió. Câu nói quay vòng trong đầu cô, như cơn chóng mặt quen tên. Cô nhắm mắt lại một giây rồi mở mắt ra, nhìn người đàn bà bằng con mắt van nài.

“Khoan về đã chị Tuyết à.”

Người đàn bà nhìn vào đôi mắt mà chị hằng mơ ước, lặng thinh như thể đầu óc chị còn vướng víu chuyện những người đàn ông chết trong Vực Sương Mù.

“Lúc nào em cũng thấy bất an.” Người con gái thở ra một hơi dài, “Biết đâu đấy.”

Người đàn bà nhẹ nhàng gỡ những ngón tay của cô gái đang quấn quanh cổ tay mình. “Cô này chỉ giỏi nói gở. Biết đâu đấy là biết cái gì?”

Người con gái rút bàn tay về bên ly nước cất trên bàn, trước mặt cô. Một bên lông mày cô nheo lại, như đùa, như thật, “Thì em bệnh hoạn thế này.”

“Bệnh thì đã sao.” Người đàn bà át giọng cô. “Thuốc men, bác sĩ, bệnh viện… đủ cả. Xứ này chỉ có tai nạn chứ ốm đau thì khó chết lắm Trâm ơi.”

Cô gái nhìn cái vòng son tím trên khuôn mặt người đàn bà co giãn, uốn éo theo từng câu từng chữ chị nói ra. Trong ánh sáng ảo mờ như được lọc qua khung kính mỏng của buổi chiều, cô có cảm tưởng như đang ngắm bức tranh mà người họa sĩ dùng mỗi một mầu tím để viền con mắt, để vạch nét môi, để tô mầu áo cho người thiếu phụ. Tia nhìn của Trâm buông xuống bàn tay trắng như thạch viền những đường tĩnh mạch xanh và những móng tô mầu tím thẫm.  

“Khó chết hồi nào đâu. Mẹ em đó, chị không nhớ sao?”

“Mẹ em lớn tuổi, nói sao được.”

“Nhưng mẹ em cũng vì cái bệnh đó.”

Người con gái nhìn lướt ngoài khung cửa sổ. Loáng thoáng bóng vài du khách đi lẫn vào khoảng xanh của lá. Trong ánh mắt người con gái ánh lên nét băn khoăn của một thứ đợi chờ không tên gọi. Giọng nói của người đàn bà nặng trĩu cái ngậm ngùi.

“Ít ra cũng nhờ ba em bảo lãnh, em mới qua được xứ này.”

“Qua được mà làm gì.”

“Cô lại sắp than thân trách phận rồi đó.”

“Chứ còn gì nữa. Cuối cùng rồi cũng chỉ có một mình.”

Hình ảnh ba Trâm phủ xuống khung hình trí tưởng cô như tấm phông cảnh trí cho một màn trình diễn quen thuộc trên sân khấu. Người đàn ông chững chạc từ giọng nói đến cử chỉ. Mái tóc muối tiêu. Vết nhăn đuôi mắt. Giọng nói ấm áp như nắng đầu mùa hạ. Gia đình đoàn tụ chẳng được bao lâu thì người đàn ông bỏ mẹ con cô mà đi. Người đàn ông suốt đời đuổi bắt những ước mơ. Người đàn ông biến đi, bỏ lại cây đàn và đứa con gái bệnh hoạn.

“Cuối cùng thì ai cũng chỉ có một mình thôi Trâm ạ.”

“Phải như có loài hoa cánh tím hình trái tim chữa được bệnh của em như chị em mình vẫn ước mơ.”

Lời thì thầm kinh nguyện héo rũ cánh môi. Những giọt nước trong vắt ứa ra khóe mắt người con gái. Người đàn bà hốt hoảng chồm tới nắm lấy hai bàn tay cô, sôi nổi, “Đừng buồn, Trâm ơi. Chị cầu mong cho em hạnh phúc. Chẳng phải chỉ thời xưa mới có chuyện cổ tích. Rồi sẽ có một ngày có thật nhiều hoàng tử tìm tới Phố Núi của chị em mình. Rồi sẽ có người tìm ra loài hoa cánh hình trái tim mầu tím. À, mà em đã uống cữ thuốc buổi chiều chưa?”

Người con gái gỡ một tay ra khỏi những móng tay tím đen của người đàn bà, đưa lên quệt nước mắt. Nụ cười xanh xao trên khuôn mặt trái xoan thon thả.

“Chị giống bà y tá cộng đồng của em, ngày nào cũng điện thoại em ba bốn lần để nhắc.”

Người con gái bỏ lửng câu nói. Hai con mắt gắn vào khoảng hở cánh cửa mở hé. Người đàn bà nhìn cô gái, rồi xoay đầu theo hướng nhìn của cô. Bóng một người thanh niên nhập nhòe trong khung nắng nhạt. Một bên vai oằn xuống vì sức nặng của cái ba lô đeo lệch.

“Ai thế nhỉ?” Người đàn bà buột miệng.

“Em có biết đâu.”

“Xin lỗi.”

Câu mở đầu bằng tiếng Anh của người đàn ông da vàng đặm chất giọng quê mùa của một kẻ di dân từ Thượng Hải, Hong Kong hay Hải Phòng. Cô gái luống cuống đứng dậy theo người đàn bà. Cả hai cùng ngập ngừng bước ra phía cánh cửa khép hờ. Trong hai bước ngắn ngủn, Cô gái có cảm giác của kẻ chạy đua, mong tới đích trước đối phương. Cô có cảm tưởng như cánh tay người đàn bà đang  giăng ngang trước lối ra, cố chặn cô lại.

“My name’s Nam. Sorry I’m lost.” Người thanh niên đọc tên mình. Cái tên tách bạch khỏi dòng âm thanh Anh ngữ, nghe tỏ tường tiếng Việt phát ra từ một cái lưỡi đã quen vị mặn của nước mắm ở cái xứ sở xa lắc xa lơ.

“Anh đi lạc à?” Người đàn bà nhanh nhảu.

Cô gái bắt được cái hớn hở reo vui trong giọng nói của chị. Cô thấy tia nhìn của người thanh niên chao đi trên mắt, trên môi và cuối cùng đậu xuống khuôn ngực cô đang phập phồng nếp áo. Đàn ông vậy đó. Người đàn bà nói với Trâm cả trăm lần. Con mắt những người đàn ông như loài bướm hoang, lúc nào cũng chao về phía những đài hoa.

“Chào chị.” Người thanh niên ngập ngừng. Hai chân sựng lại bên thềm gạch.

Người đàn bà đỡ lời, “Chào anh.”

“May quá. Tưởng chết trong rừng rồi. Đi loanh quanh, cứ vòng về chỗ cũ hoài. Gặp mấy người Da Đỏ, họ nói nghe không nổi.” Người đàn ông vừa nói vừa ngọ ngoạy cái cổ và đôi vai để điều chỉnh sợi dây đeo của chiếc ba lô trĩu nặng.

“Ô-la-la. Hên cho cậu.” Người đàn bà đẩy rộng cánh cửa. “Phố Núi chỉ có dân sơn cước tụi tôi mới rành đường xá. Người lạ thì nhất định sẽ đi lạc thôi.”

May cho anh đó bởi anh là người Việt Nam. Ý nghĩ nhảy múa trong đầu cô gái. Cô nhìn những sợi tóc lòa xòa dính bết vào nhau trên vầng trán hình chữ nhật của người thanh niên. Người Việt Nam với nhau thì có thể tin nhau, phải vậy không. Người con gái thầm nghĩ. Cô muôn đời là con bé cả tin.

Những bước chân ngại ngần bước lên thềm gạch. Đôi giầy ba-ta đen dừng lại bên ngạch cửa. Cô gái nép mình phía sau người đàn bà. Ánh mắt người thanh niên như con ruồi, con nhặng. Mất chỗ đậu trên ngực cô gái, nó bay qua đậu trên ngực người đàn bà. Khuôn ngực tròn đầy, nhô cao, lấp ló dưới cổ áo sơ mi hở một nút gài. Lũ ruồi nhặng vô hại, người đàn bà không muốn xua chúng đi.

“Chị làm ơn chỉ giùm đường nào gần nhất.”

“Giờ này làm sao về kịp nữa.” Người đàn bà ngắt lời.

“Cô với chị…” Người thanh niên nghiêng đầu, ngểnh cổ nhìn cô gái. “Tôi muốn về thị trấn.”

“Sắp tối rồi. Anh không thấy nắng tắt rồi sao. Chẳng bao lâu, sương mù từ vách núi dâng lên sẽ chẳng còn thấy đường nào mà đi.” Người đàn bà nói, tay chỉ lướt qua mảnh nắng vàng hấp hối, yếu ớt vắt ngang những ngọn cây trùng điệp viền quanh lối mòn trước nhà.

Tia nhìn của người thanh niên vẫn không rời đôi mắt lá răm của người con gái. Giọng anh ta sượng lại, như vướng víu một ý nghĩ không suôn sẻ trong đầu.

“Vậy chị với… cô làm ơn chỉ giùm nhà trọ nào gần đây.”

“Quanh đây làm gì có nhà trọ. Dưới chân núi mới có.” Người đàn bà nhanh nhẩu đến không ngờ.

Cặp lông mày rậm trên vầng trán cao của người thanh niên cau lại, như vừa chạm phải nỗi băn khoăn. “Vậy là đêm nay ngủ rừng rồi.” Người thanh niên lẩm bẩm.

Cô gái lắng nghe lẫn trong tiếng than của anh ta, tiếng con chim nào đó hót véo von ngoài ngõ. Lòng cô cày xới nỗi băn khoăn.

“Ở lại đây đi.”

Người đàn bà nói bằng giọng thản nhiên. Cái vô tình trong giọng nói ấy biến thành mũi kim, xoáy vào trái tim cô gái. Đến đây thì ở lại đây, chừng nào bén rễ xanh cây thì về. Câu ca dao rộn ràng tâm trí cô. Bàn tay cô bấm chặt lấy vai người đàn bà. Cô còn đang ngây người chưa kịp phản ứng thì người đàn bà đã ném ra phán quyết sau cùng.

“Có anh, cô em tôi đỡ sợ ma.”

Ngàn câu nói vui mừng, ngàn ý tưởng ma mãnh túa ra trong mắt nhìn của người thanh niên, như lũ dơi túa ra từ một hang động chốn thâm sơn cùng cốc.

“Đến đây thì ở lại đây.” Người thiếu phụ thì thầm như hát cho riêng mình.

Cô gái bần thần suy nghĩ. Chị Tuyết liều quá. Gã này – biết đâu – sẽ biến thành ma dơi, nửa đêm đổi lốt, khoác áo choàng đen đi hút máu những người cả tin như chị em mình.

Đêm xuống nhanh ở núi rừng. Cầm chân gã thanh niên lại nhà Trâm, nhưng người đàn bà  không để Trâm phải khó xử một mình. Chị thoăn thoắt về nhà, ôm mền gối qua ngủ với Trâm. Căn nhà nhỏ như chiếc hộp đựng nữ trang của người con gái. Hai người đàn bà ngủ ở phòng trong, người thanh niên cuốn mình trong chiếc túi ngủ ngoài phòng khách. Chị mang cả bình lọc cà phê qua nhà Trâm. Chị với người khách lạ nhâm nhi những ngụm đen nhánh trong hai ly cà phê ngút khói. Trâm  lặng lẽ rót cho mình một ly nước cất.

“Trâm không uống cà phê à?” Người thanh niên thắc mắc.

“Trâm nó bệnh, Nam ơi. Chỉ uống nước cất được thôi.”

Thoáng ngạc nhiên hiện ra trong mắt người thanh niên nhưng anh ta nhanh chóng dập tắt nó đi. “Uống nước càng đỡ tốn tiền.” Người thanh niên nói như trấn an chính mình.

“Nước cất đâu có rẻ hơn cà phê bao nhiêu.” Người đàn bà ngắt lời.

Lần đầu tiên người con gái tiếc vì không uống được cà phê. Cô cúi đầu nhìn xuống những đường vân trên mặt bàn. Những đường vân ngoằn ngoèo quấn vào nhau như những cuộn khói không mối gỡ. Những ý nghĩ bồng bềnh trong trong đầu cô. Người khách lạ. Người khách đàn ông. Lịch sự, từ tốn và ân cần. Nhưng có thể tin được không lại là chuyện khác. Những kẻ gian vẫn thường khéo ngụy trang. Chị Tuyết và gã khách lạ chuyện trò nhốn nháo. Có cả những tiếng cười dòn tan. Hạnh phúc có vẻ đơn giản biết bao đối với họ. Hạnh phúc chưa bao giờ ở bên cô lâu hơn khoảnh khắc của những giấc chiêm bao. Chợt ánh đèn nhòe đi trong mắt nhìn người con gái. Trần nhà quay quay. Những ngọn đèn túa ra trăm ngàn tia sáng. Và môi trên cô buồn buồn. Và môi dưới cô mằn mặn. Và đầu cô nặng trĩu. Và hình ảnh người đàn bà phồng lên như vạt sương gặp cơn gió lớn.

“Trâm sao vậy? Trâm ơi lại chảy máu nữa rồi. Nằm xuống, nằm xuống đi.”

Người đàn bà chạy bổ lại dìu Trâm vào phòng.

Người thanh niên luống cuống chạy ra nhà sau, ngó ngang ngó dọc tìm kiếm, mà không biết phải tìm thứ gì. Đẩy tung cánh cửa, anh ta bị nuốt trửng bởi sương mù. Không gian trắng mờ con mắt. Không gian đặc quánh. Người thanh niên lúng túng trở vào, người đàn bà đang ngồi bên cạnh giường Trâm. Người thanh niên rón rén bước lại bên chiếc giường có khung gỗ mầu nâu bóng. Những ngón tay xương của người đàn bà đặt hờ trên vai cô gái. Chiếc khăn ướt cuốn tròn vắt ngang trán Trâm.

          Nhìn vẻ lo lắng trên nét mặt gã thanh niên, người đàn bà thì thầm, “Bệnh của Trâm là bệnh kinh niên, Nam biết không; nó phải nghỉ ngơi, không được suy nghĩ, lo âu.”

“Nhưng chẳng lẽ cứ chịu như vậy hoài sao chị? Phải có cách chữa chứ.” Người thanh niên nói, ánh mắt đăm chiêu.

“Dĩ nhiên là có… nhưng mà… chẳng tìm thấy trong tiệm thuốc tây đâu.”

Cái đầu người thanh niên bật lên như đầu con bổ củi. “Sao hở chị?”

Người đàn bà khẽ lắc đầu. “Gian nan lắm, Nam ơi!”

Người bệnh nằm thiêm thiếp trên giường. Ánh đèn từ phòng ngoài hắt vào, tô đặm hai vạch lông mi hình cong dấu á cùng nét môi mím hờ như môi đứa bé phụng phịu dỗi hờn. Một vùng tóc đen xõa lênh láng mặt gối trắng. Lồng ngực mỏng như ngực loài chim phập phồng hơi thở. Cảm giác lạ lẫm nào đó xoắn lại trong lòng người thanh niên. Anh ta xoay qua người đàn bà, hăng hái.

“Chị cứ chỉ chỗ, em sẽ đi tìm.”

Người con gái nằm lơ mơ trong cơn chóng mặt. Thời gian bồng bềnh trôi. Chiếc giường bập bềnh như chiếc bè thả trôi con sóng. Cô mở mắt, chiếc bè ngừng trôi. Cô nhìn hai người đang cắm cúi bên giường. Khuôn mặt người đàn bà với đôi mắt thăm thẳm sâu. Ở một khoảng cách dường như xa hơn, khuôn mặt người thanh niên, với ánh nhìn nặng trĩu những trông chờ, mong đợi. Người con gái đưa tay gỡ những ngón tay của người đàn bà đang đặt hờ trên vai cô, thì thào.

“Chị với anh Nam ra ngoài uống cà phê đi. Em không sao đâu.”

Từ phòng khách, người thanh niên vểnh cổ kể cho hai chị em nghe đủ thứ chuyện vui, buồn. Người con gái ôm bụng, co người cười cho đến khi thiếp đi và thính giác lẫn lộn tiếng thì thầm của gió trên những ngọn cây với tiếng thì thầm của người khách trọ. Hai người ấy cứ thì thầm mãi như thế. Tiếng thì thầm như lời ru dịu dàng, đưa Trâm vào giấc ngủ mụ mị rồi lại kéo Trâm ra ngoài vùng ý thức. Trâm thức ngủ vô chừng. Trần nhà bập bềnh trôi. Thì thầm một lúc, rồi không kiềm chế được cơn vui nặc danh nào đó, người đàn bà và gã thanh niên bung ra cười nói rộn ràng. Trâm chuồi ra khỏi cơn mê ngủ. “Chuyện gì phải đến sẽ đến.” Nam nói. Ánh lửa lò sưởi bập bềnh dán bóng hai người lên vách tường. Nút ngực áo sơ mi nới lỏng, người đàn bà ngỡ như trẻ lại năm, mười tuổi. Tiếng tây ban cầm réo rắt. Cây đàn ba Trâm bỏ lại thỉnh thoảng người đàn bà sang chơi, gỡ xuống đàn hát vu vơ. Rồi âm thanh lắng xuống như lúc tàn con nước rút. Im lặng mênh mang trở về. Chợt giọng hát của người đàn bà dâng lên thanh thản trong cái tĩnh mịch của đêm xứ núi. Chị hát thật nồng nàn. Bài hát rêu rao nỗi buồn của một mùa thu tàn rụi. Giọng hát lênh đênh của cô sinh viên Sài Gòn thuở nào. Tiếng hát dìm Trâm vào giấc ngủ chông chênh.

Quá nửa đêm, lúc chập chờn thức giấc, cô nghe loáng thoáng tiếng người đàn bà xì xào về một nàng công chúa ngủ trong rừng.

“Những người đàn bà Phố Núi, Nam biết không, giống như những con bé công chúa ngủ hết cái thời xuân xanh trong rừng thẳm. Và không biết bao lâu mới có một tên hoàng tử ghé qua.”

“Sao chị với cô Trâm lại chọn chốn hoang vu này nhỉ?”

Giọng người thanh niên khô khàn, ngái ngủ.

Mắt nhắm mắt mở, người con gái nhổm người dậy, căn phòng bập bềnh như thả trôi trên chiếc bè. Cô nhoài người tới cạnh giường, ngóc đầu nhìn ra. Người thanh niên hơ hai bàn tay trên cái vỉ đỏ rực của lò sưởi. Người đàn bà ngồi trên miếng nệm chữ nhật, hai cánh tay ôm vòng quanh đầu gối, co ro, tóc  buông xõa che rèm con mắt tím, nhìn xa người đàn bà như bóng ma còn tiếc nuối cõi đời.

“Ngày xưa chồng cũ của tôi ở đây.” Giọng nói người đàn bà nghe xa, nghe gần, Trâm hình dung loáng thoáng nỗi mong chờ vô vọng. “Nói chắc Nam không tin đâu, nhưng ông ấy là thổ dân Da Đỏ.”

“Thế còn cô Trâm?”

“Nó còn chờ hoàng tử đến đánh thức.”

“Trâm dễ thương.”

Trâm hồi hộp lắng nghe, nhưng không nghe người đàn bà nói gì.

“Để Nam thử làm hoàng tử xem sao.” Giọng nói dọ dẫm nhưng nghiêm trang của người thanh niên buông vào đêm vắng cái hụt hẫng, chênh vênh và vẽ lên trong trí Trâm hình ảnh người thanh niên tóc rối bù, đứng trên đỉnh cao nhìn xuống lòng vực. Cơn xúc động đè nặng trái tim. Trâm nghe lồng ngực xốn xang.

“Thử đi.”

Tiếng cười khô và ngắn của người đàn bà vọng vào và giọng nói lạnh băng xóa nhòa hình ảnh cao lêu nghêu của người thanh niên trong trí Trâm.

“Sao những người đàn bà ở vùng cao da lúc nào cũng trắng hồng vậy nhỉ?”

“Ai trắng?”

“Chị nè.” Người con trai ngập ngừng một giây rồi tiếp với giọng thì thầm. “Và Trâm nữa.”

“Trâm nó xanh như tầu lá, Nam ơi.”

Không nghe người thanh niên trả lời nhưng Trâm hình dung ra được con mắt mở lớn, tô đặm những vết nhăn mờ ảo trên vừng trán hình chữ nhật. Câu nói của người đàn bà rụng vào cái âm u của buổi chiều làm lòng Trâm xoắn xuýt.

“Nó bệnh nặng lắm, Nam biết không.”

3

Mùa thu ấy người thanh niên trở lại. Tất tả như kẻ đi tìm thân nhân thất lạc trong một trại tạm cư. Chàng ngồi dài người trên thềm gạch căn nhà phố núi quen thân mùa hạ trước. Cái phong linh treo ở mái hiên buông ra những âm thanh réo rắt. Đám du khách vạch sương mù lướt qua trước ngõ rồi lẫn vào vùng trắng nhập nhòa. Tiếng nước chảy róc rách nghe xa gần, như có như không. Chàng nhớ mùa hạ vừa rồi, đêm tạm trú nơi đây, quá mải mê với hai người phụ nữ mới quen, chàng đã chẳng để ý nghe những âm thanh của núi rừng.

“Đi đâu thế này?”

Giọng reo vui của người đàn bà vọng ra từ sau màn sương trắng đục.

Người thanh niên chống tay đứng dậy. Chiếc ba lô nằm vất vưởng trên nền gạch. Hai mắt chàng xoáy vào màn sương. Người đàn bà hiện ra. Tím ngắt. Mắt tím. Môi tím. Áo tím. Giầy tím. Và khi chị vạch hẳn lớp sương mù, đứng nghiêng nghiêng trước mặt chàng, chàng nhận ra những móng tay cũng sơn mầu tím.

Một giây sững sờ. Bốn cách tay buông thỏng. Rồi những cánh tay nâng lên, đưa ra trước, choàng lên những bờ vai. Một bên mềm mại, một bên thô cứng.

“Chị Tuyết.”

“Anh.”

Câu chào của người đàn bà lóe lên rồi tắt vội như ngọn nến tàn. Cơn vui làm ngôn ngữ sựng lại trong cổ họng. Những bàn tay ấp lên lưng nhau. Vuốt ve dịu dàng. Người thanh niên nhận ra đôi vú đầy ắp của người đàn bà nóng ran trên ngực mình. Không khí chợt loãng đi làm chàng thấy hụt hơi. Chàng hít một hơi dài. Hương của tóc và mùi da thịt xộc lên óc  làm chàng ngây ngất. Vòng tay người thanh niên nới lỏng, nhưng vòng tay người đàn bà vẫn gắn chặt lấy lưng gã thanh niên. Không ngờ chàng trở lại. Không thể ngờ. Không bao giờ ngờ. Những nhớ nhung mọc rễ, đâm chồi từ đầu mùa hạ, tưởng sẽ có thời gian để chết non. Ai ngờ lại có lần gặp gỡ không hề dám ước mơ. Đầu mười ngón tay bấu lấy cái lưng rộng và chắc chắn của người thanh niên. Những gửi trao muộn màng. Chốn nương tựa của ước mơ. Đã bảo đến đây thì ở lại đây mà cứ không tin.

“Trâm đâu rồi hở chị?”

Câu hỏi cùng thân thể vặn vẹo như cố gỡ khỏi vòng tay mềm mại chợt cắt rời những ước mơ ra khỏi ký ức, xé tan những ngôn từ khỏi đầu môi. Người đàn bà sựng lại.

“Trâm đi vắng.”

Hai mắt người thanh niên tròn xoe. Người đàn bà nhìn những sợi râu lởm chởm trên mép gã đàn ông mà hôm trước mới chỉ là cậu thanh niên mới lớn. Chị ngó đăm đăm con mắt hắn. Mắt trái hắn có sợi gân máu đỏ vắt ngang như dấu vết của những đêm mất ngủ.  Con mắt của sự phản bội.

“Đi đâu hở chị?”

“Bệnh viện.”

Hai người rời nhau. Hai cánh tay lại buông thỏng. Những ngón tay bứt rứt xoắn lấy nhau như tìm nơi ẩn trốn. Tiếng con gà rừng nào đó gáy vu vơ. Âm thanh lạc lõng chìm vào tiếng côn trùng râm ran.

“Trâm chưa hết bệnh hở chị?”

“Làm sao mà hết được.”

Giọng người đàn bà vạch ngang cuộc đối thoại rời rạc như vết cắt của phần số.

“Mình mới đi thăm nó về. Người ta giữ nó trong đấy để truyền máu. Nhưng vào bao nhiêu thì ra bấy nhiêu. Thôi vào đây nghỉ chân đã. Đến đây thì ở lại đây, ít là một tuần.”

Người đàn bà đi vòng ra phía hông nhà. Một lát, chị trở lại với chiếc chìa khóa bạc.

“Vào đây nghỉ chân hỡi tên lãng tử.”

Người thanh niên nôn nóng nhặt cái ba lô, khoác lên vai.

“Bệnh viện có xa đây không chị?”

Người đàn bà xô nhẹ người thanh niên xuống chiếc ghế gỗ. “Làm gì mà nôn nóng thế. Có đi ngay bây giờ thì cũng chẳng cản được căn bệnh hoại huyết bất trị.”

Chút giận dỗi trong giọng nói người đàn bà khiến người thanh niên áy náy. Chàng ngồi xuống chiếc ghế gỗ. Tiếng cọt kẹt rất quen hôm nào nhắc nhở mới hôm đầu mùa hạ chàng ngồi đây, ngểnh cổ hát và đàn cho một người bé nhỏ, mềm mại nằm co quắp trong căn phòng ấm cúng phía trong kia, vật vã với căn bệnh vô phương.

Người đàn bà đặt ly nước lên bàn. Người thanh niên mở ba lô, moi ra một bọc nhựa đựng đầy những chai lọ. Chàng đổ tung đám chai lọ be bé ấy lên mặt bàn.

“Em có thuốc cho Trâm đây.”

Người đàn bà thong thả cầm từng lọ thuốc lên, khẽ lắc cho tiếng lóc cóc khua vang căn phòng, rồi chăm chú đọc những cái tên. Thuốc này uống lâu lắm rồi, không kết quả. Thuốc này làm hư thận, bác sĩ phải đổi. Thuốc này làm sưng gan, bác sĩ cũng đổi rồi. Thuốc này làm tắt kinh, làm sao mà có con. Thuốc này làm loét bao tử. Còn thuốc này. Thuốc này… Đọc xong những tên thuốc ghi trên nhãn dán quanh lọ thuốc xong, người đàn bà lấy hai bàn tay gom tất cả lại một đống trên bàn, như kẻ thắng bài gom số tiền lớn về phía mình. Những cái lắc đầu làm những sợi tóc lòa xòa trước trán chị.

“Thua rồi, Nam ạ. Bác sĩ chạy rồi.”

Phán quyết tung ra. Không mới mẻ gì với người đàn bà nhưng là bước chân hụt, ném kẻ leo núi xuống vực thẳm với người thanh niên. Chàng nhìn những ngón tay gầy có móng tím ngắt của người đàn bà đang phủ kín những lọ thuốc mà phải vất vả lắm chàng mới mua được. Chàng nhìn vội đôi mắt tím. Chất mầu làm nhói lên trong lòng chàng một nỗi niềm không thể đặt tên. Đôi mắt người đàn bà vẫn không buông tha chàng. Người thanh niên bối rối nhìn quanh. Cây đàn guitar ở góc phòng dường như đã phủ một lớp bụi mờ. Chiếc giường gỗ nâu mập mờ ẩn hiện phía sau khung cửa.

“Nam vẫn không hiểu sao hai người lại ở nơi khỉ ho cò gáy này,” người thanh niên thắc mắc.

“Vì ở đây có loài dược thảo chữa bệnh cho nó, Nam biết không. Thuốc tây mắc mỏ chịu sao thấu.”

Giọng người đàn bà đanh lại. Bàn tay rời những lọ thuốc, người  đàn bà ngồi dựa vào lưng ghế. Hai chỏm ngực đội cao nếp áo sơ mi có nút mở, nút gài. Rồi chị tỉ mỉ tả cho người thanh niên loài cây lá tím; về những chiếc lá hình trái tim. Những chiếc lá phơi khô, sao lên, sắc trong nước, như pha trà. Loài dược thảo có khả năng cầm máu. “Nghe như chuyện thần tiên phải không Nam. Loài cây lá tím. Vực Sương Mù.”

Người thanh niên ủ rũ gom những lọ thuốc vào trong gói, tỉ mỉ buộc lại.

“Chỉ chị đường cho Nam tới chỗ đó đi.”

Người đàn bà nhìn Nam một giây rồi lặng lẽ gật đầu. Rồi chị lan man qua chuyện Trâm có con mắt lá răm. “Nam đã bao giờ nhìn vào mắt nó chưa. Con mắt viền như nét vẽ trong tranh.”

“Em nhìn vào mắt Trâm một lần. Em chỉ thấy nao nao.”

Nam trả lời nhưng mười ngón tay cứ loay hoay vành ly nước. Người đàn bà nhắc Nam uống nước. Vẻ bồn chồn của người thanh niên không thoát khỏi mắt nhìn của người đàn bà. Vẻ bồn chồn như hòn sỏi ném xuống mặt hồ, làm vẩn đục mây trời

Nhận ra nụ cười gượng gạo của người đàn bà, người thanh niên nâng ly nước lên môi, lơ đãng.

“Hồi Nam mới đến đây, sao chị với Trâm lại dám cho Nam ở trọ thế nhỉ.”

Người đàn bà cười, khuấy động hai nếp nhăn mờ bên khóe mắt.

“Linh cảm, biết không, mình học cách đoán người từ ông xã ngày trước. Mình đoán được Nam là con người vô hại. Trong đầu không có những toan tính. Con người sống giữa thiên nhiên hoang dã, phải biết nhìn và đoán con thú dữ trước mặt mình đang toan tính điều gì. Về sau, thổ dân Da Đỏ phải đối đầu với súng đạn của văn minh da trắng, bởi không đọc được những toan tính trong đầu đối phương nên người Da Đỏ bây giờ tàn rụi trong những khu cô lập nghèo nàn và bệnh tật.” Người đàn bà rì rầm nói, như kẻ độc thoại với niềm im lặng trong giấc chiêm bao. Con mắt tím xoáy vào khoảng không. “Loài cây lá tím chữa bệnh hoại huyết mà người Da Đỏ thường dùng để chữa những vết thương do tên bắn ngày xưa. Mình học bài thuốc ấy của người Da Đỏ, mình học cách xét đoán đối phương cũng của người Da Đỏ. Cứ tưởng chẳng bao giờ sai được, vậy mà… Thôi được, để mình chỉ đường để Nam đi hái thuốc cho con Trâm. Loài hoa cánh hình trái tim mầu tím.”

4

“Chị có nghĩ anh ấy sẽ trở lại không?” Con bé hỏi hoài câu ấy. Cứ như bị ma ám.

“Không.” Đứng sựng lại bên khung cửa, người đàn bà trả lời. Giọng chị đanh lại. “Làm sao tin được bọn đàn ông hở em.”

“Nhưng em linh cảm anh ấy sẽ trở lại. Mùa hè năm trước anh ấy hứa mùa hè năm nay sẽ trở lại nhưng mới đầu thu đã vội vã  bay sang, chị nhớ không?”

“Nhớ chứ, nhưng nó bận công chuyện nên đâu có bỏ công đi tìm em.”

“Tại lúc ấy em nằm bệnh viện. Em linh cảm nếu không bận công chuyện, thế nào anh ấy cũng trở lại.”

Con bé vẫn cứ bám lấy những sợi tơ hy vọng. Linh cảm. Từ lúc nào hai chữ ấy đã lọt vào cái kho ngữ vựng phong phú của nó nhỉ. Người đàn bà khẽ lắc đầu như xua đuổi con ruồi vô hình nào đó đang chao trước mặt. Bước chân nhùng nhằng bên khung cửa, người đàn bà thở hắt ra.

“Làm sao trở lại được nữa. Em suốt đời làm con bé cả tin, Trâm à.”

Và người đàn bà bước ra sân, quơ tay vớt lấy sương mù. Hít đẫm cái hơi của núi rừng vào lồng ngực, người đàn bà choàng ôm lấy vạt sương như ôm một người tình. Chị thì thầm. “Xưa nay những kẻ đi tìm loài hoa cánh tím bên kia Vực Sương Mù – như ba em thuở trước – có bao giờ trở về.”

Hoàng Chính

(Trong tập truyện “Và Không Ngày Nào Tôi Thấy Hình Tôi” xuất bản tại Hoa Kỳ 2019.)