… Nghĩa là có khi không bằng giá súc vật. Thật vậy, tôi thấy vài con chó còn được chủ mua thịt bò cho ăn. Có khi con chó mỗi tháng khiến chủ tốn kém hơn một đứa tôi tớ trong nhà.
Mười sáu người đủ hàng lớn bé, trẻ già này, mỗi người chỉ cầu như một con chó, nhiều khi kém một con chó, mà lại còn đem chân tay ra làm nhiều việc có ích, rất nặng nhọc, mà vẫn không kiếm được việc.
Tôi chỉ bọn trẻ, trai và gái chưa qua 12 tuổi và hỏi mụ già:
– Cái bọn này thì bà định kiếm cho chúng mỗi tháng độ bao nhiêu công?
Mụ già khinh khỉnh nhìn tôi từ đầu đến chân rồi quay đi chỗ khác. Mãi mới đáp:
– Thời buổi này, bọn nhãi nhép ấy cứ được người ta mượn cơm không thôi là đã phúc!
– Thế thì tiền quà của bà chắc chả mấy…
– Cái đó đã hẳn! Nhưng mà được năm xu một hào thì cũng đủ. Rẻ còn hơn ngồi không…
Tôi chỉ cái bọn thằng nhỏ bằng loạt tuổi tôi mà hỏi:
– Thế bọn này?
– Đứa năm hào, đứa ba hào…
– Thế mấy bà lão định ở vú già, đang ngồi ăn ngô gốc cây kia kìa?
– Cũng quanh quẩn đâu vào cái giá ấy.
Tôi chỉ vào một người đàn bà đi ở vú mà hỏi:
– Thế cô vú em kia?
Mụ ấy đổi giọng đáp:
– A, cái con mẹ ấy thì phải tìm cho nó chỗ ít nhất cũng hai đồng bạc công mới được! Mà tiền quà thì ít nhất cũng phải đòi một đồng! Nó sạch sẽ lắm! Sữa tốt hạng nhất đấy.
Lúc này, mụ ngó ra phía xa rồi về hè ngồi. Một lát sau thấy một bà già đã đứng tuổi, áo the trắng, hoa tai to đến vẫy mụ:
– Này u! Con vú tháng trước xin phép ra rồi!
Mụ già đưa người như bị cái lò xo nào đẩy lên kêu:
– Chết chửa! Làm sao thế ạ?
– Chồng nó chết, nó xin về 15 hôm. Tôi phải cho nó thôi hẳn.
– May quá, con tưởng hay lại có điều tiếng gì.
Thế là, trước cái tin buồn một người chết, mụ đã thở dài một cái, ra ý được nhẹ mình nên sung sướng lắm. Bà kia hỏi tiếp:
– Mợ ký nó nhà tôi còn mệt lắm, u có người nào ngay bây giờ không?
Mụ già làm ra vẻ nghĩ ngợi mãi mới đáp:
– Thưa cụ, đây, có u này đây…Nhưng mà con đã chót hẹn với cụ Lý con ở dưới kia. Không biết có nên để cho nó về ngay với cụ không hay là để nó chờ…
Bà kia hớ hênh đáp ngay:
– Thôi, xem có mướn được thì để ngay nó cho tôi. Mợ ký nó nhà tôi mệt chưa khỏi.
– Bẩm, con nể cụ quá.
– Ôi chà! Bây giờ khối người ra, chả khó như ngày xưa. Rồi u tìm cho cụ Lý nhà u một người khác cũng được.
– Đứng lên, ra đây mau lên chứ ngồi ngẩn mặt ra thế à?
Bà kia nhìn người vú từ đầu đến chân, đoạn gật gù cái đầu mà rằng:
– Ừ, trông cũng sạch sẽ đấy. Cho xem sữa nào!
Mụ già vội nói ngay:
– Bẩm cụ, ấy ở nhà quê, chị ta là vợ một ông phó lý kia đấy. Xưa nay chẳng phải chân lấm tay bùn bao giờ!
Vú em vạch yếm để hở cái ngực trắng nõn, vắt sữa vào lòng một bên bàn tay. Bà kia xem qua loa, kêu:
– Tạm được.
Tức thì mụ già giẫy nẩy người lên mà rằng:
– Cha mẹ ơi! Sữa như thế mà mẹ lại còn bảo là ” tạm được”. Tốt vào hạng nhất rồi đấy mẹ ạ.
Bà kia bĩu môi:
– Phải, hạng nhất đấy!
– Chứ gì, chị ấy mới đẻ con so, xưa nay lại không phải chân lấm tay bùn bao giờ, lại là vợ ông Phó Lý, chả phải khổ sở như người khác thì làm gì sữa chả tốt.
– Thế là bao nhiêu?
Người vú em chưa kịp đáp, mụ già đã nói trước:
– Xin cụ cũng cho như cụ Lý con dặn nó…
– Thế là bao nhiêu?
– Ấy cụ Lý con bảo tìm hộ một chị sữa tốt, sạch sẽ, mỗi tháng độ chừng ba đồng. Ấy con còn bận một tý nên chưa đưa chị ấy lại cụ Lý con đấy.
Bà đi mướn vú bĩu mồm mà rằng:
– Thôi, tôi cũng trả công cho như con vú trước, nghĩa là hai đồng.
Tức thì mụ già chắp hai tay vái lấy vái để như đứng trước một cửa điện nào vậy, rồi quay mặt ra chỗ khác, không đáp.
– Thế nào?
– Lạy mẹ, mẹ cứ trả nó hai đồng chín hào chín xu xem nó bằng lòng được không?
Phát khùng lên rồi, bà kia phải gắt:
– Thì việc gì đến u đấy nào? U cứ biết cái phận u, cứ nhận tiền quà thôi có được không, sao lại cứ chõ vào công xá của người ta thế?
Người vú em lấm lét nhìn mụ già, đoạn khẽ thưa rằng:
– Lạy cụ, cụ có mượn thì xin cụ cũng cho công như cụ Lý con dưới kia. thì con sai hẹn mới bõ.
Bà kia đứng thừ người ra hồi lâu rồi quay gót. Tôi hỏi mụ già:
– Này u, lúc nãy tôi thấy u nói chỉ cần hai đồng một tháng…
– Ấy thế nhưng mà cái món này bóp được hơn. Rồi anh xem, thế nào chốc nữa lại chả ra ngay đây bây giờ.
Độ nửa giờ sau, quả nhiên lại thấy bà kia ra, nói:
– Thôi thì tôi cũng bằng lòng trả cho chị ấy ba đồng một tháng vậy. Còn về phần u, lúc nào rỗi thì lại mà lấy tiền quà.
Một cách rất khả ố, mụ già gãi gãi đầu một hồi, rồi cau có nét mặt mà phàn nàn rằng:
– Lạy mẹ, thật nể mẹ quá đi mất! Bây giờ con lại phải tìm ngay một con vú khác cho cụ Lý con dưới kia đây… Mẹ cứ cho con xin một nửa trước vậy.
Vì nhận được của bà kia năm hào rồi, mụ già bảo người vú em kia:
– Thôi cứ theo cụ về nhà, rồi chiều hôm nay tôi lại lấy nốt tiền quà thì tôi tạt về nhà đem cho cái thúng quần áo…Này, cụ là người phúc đức, cậu ký, mợ ký cũng là người biết thương người thì u cũng ăn ở cho có lễ phép, cho nó nên ơn nên nghĩa, phải ngoan ngoãn mà trông nom em, biết chưa?
Họ chia tay nhau… Mụ đưa người đã thành công trong cái việc “bóp cổ” người. Cái giá trị làm người, đối với bọn cơm thầy cơm cô, không phải ở cái sức làm việc của con người, nhưng mà treo trên đầu lưỡi của con mẹ nặc nô mềm nắn rắn buông và suốt đời không bao giờ biết nói thật.
Một buổi sáng qua như thế cho mãi đến chiều. Mụ già chỉ “tiêu thụ” được có một chị vú em thôi, nhưng mụ đã được đồng bạc. Còn 15 người nữa đói thì mụ cần gì, vì chính mụ, mụ có phải đói hộ người khác đâu. Bọn kia cứ việc bày hàng đầy dẫy ở đầu hè, duỗi dài chân ra, hoặc là xoạc cẳng ra, quần vén lên đến đùi để mà “khảo cứu” về lông chân loài người, hoặc để ngủ gật.
Vậy thì tôi phải hỏi đến cái con sen mà tôi đã hỏi chuyện đêm qua tại hàng cơm. Đứng lên tìm quanh, tôi thấy nó chúi vào một xó hè, ngốn một mẹt bún chả tướng. Tôi hỏi:
– Gớm, phong lưu lắm nhỉ?
Nó cười một cách ngây thơ và đáp:
– Phép quà anh! Anh tính mới thôi việc có dăm ngày, làm gì đến nỗi mà lại chả có thể ăn được 3 xu quà!
– Này, cái nhà tớ vừa bỏ ấy mà, nó cần người mà chưa mướn được ai cả đấy. Đằng ấy có muốn làm thì tớ mách cho.
Nó nhạt nhẽo đáp suông một câu:
– Giã ơn cái bụng tốt của anh lắm.
– Có bằng lòng không thì nói ngay đi, tớ không nói đùa mà.
Nó vẫn lãnh đạm:
– Chủ nhà có tử tế không?
– Sao lại không?
Nó cười nhạt:
– Tử tế đến nỗi anh phải bỏ việc, tử tế lắm nhỉ?
Tôi cãi rằng:
– Không, tôi bỏ việc vì một lẽ riêng, chứ không phải tại chủ đểu.
– Thế à?
Nó hỏi một câu cho mình đỡ ngượng rồi lại điềm nhiên gục đầu xuống ăn. Thì ra con bé, dầu đương lúc thất nghiệp, cũng không cần có việc làm! Nó cứ thờ ơ thế thôi!
Tôi quay ra tán với mụ trùm nó:
– Này u, cái chỗ tôi bỏ đi ấy mà, họ đang cần một con sen đấy. U dắt con bé kia lại nhé? Bằng lòng không thì tôi chỉ chỗ cho. Chắc nó thì sẽ được người ta bằng lòng.
Mụ già này cũng thờ ơ:
– Thật hay bỡn?
– Thật, chứ sao lại bỡn?
– Người ta cần thì người ta ra đây.
– Nhưng mà dắt nó đến cho nó có việc sớm ngày nào lợi ngày ấy có hơn không? Chả hơn để nó chết đói mà chờ việc à?
Mụ bĩu ngay cái mồm cho rõ dài:
– Nó đương chết đói ngay đấy!
– Thế nó có cần đi làm không?
– Anh hỏi nó xem!
– Nếu nó cần thì chỗ ấy là tốt nhất!
Mụ gắt lên mà rằng:
– Khỉ lắm, đừng nói nữa, anh thử hỏi nó xem nó có cần làm không?
Ồ! Lạ! Một đứa đi ở, khi mất việc, lại không muốn có việc làm! Thế là nghĩa lý gì? Tôi phải biết tường tận mới được.
Trích “Cơm thầy cơm cô” – Vũ Trọng Phụng