– Thường thì ai cũng vậy, tâm trạng mà, người ta muốn nhiều thứ lắm, tiếc nuối nhiều thứ lắm, có khi được voi lại đòi cả… cánh rừng. Nhưng rồi tất cả đều bất lực trước thời gian. Hãy trở về với bản lai diện mục, cũng như nhân tính của mình, với đời sống chân thiện và phẩm cách văn chương của mình. Bằng lòng với mình, đó là một cách sẻ chia tốt nhất. Chừng nào còn thở dài với văn chương, chừng đó văn chương còn thở dài với mình.
* Vậy đời sống công việc dân vận hiện tại có ảnh hưởng đến con đường “thi vận” của chị hay không?
– Đấy là hai nhưng cũng là một vấn đề của cái gốc cá thể. Không nên tách chúng ra, bởi vì còn công việc, còn đời sống thì chừng đó còn thơ, còn tấm lòng. Tôi không thấy ảnh hưởng gì giữa công việc và thơ ca cả.
* Người đẹp thường được ưu ái hơn trong lộ trình văn chương, chị có thấy như thế không?
– Tôi cũng yêu cái đẹp, tại sao chúng ta lại dị ứng với cái đẹp. Học giả Ngô Thì Nhậm từng nhận xét “nước ta là một nước thơ” thì trúng phóc, ai cũng có thể làm thơ để giãi bày, tâm sự, kết nối hoặc gửi vào đó những khát vọng, lý tưởng sống cao đẹp. Trước kia, hàng ngày tôi vẫn làm thơ, viết rồi cất đi, bởi ở một nơi vùng sâu, vùng xa như quê tôi, chưa có điều kiện công bố. Tôi hiểu thơ là cảm xúc rất con người và rất nghệ thuật. Tôi nghĩ nếu có ưu ái người đẹp trong làng văn cũng chỉ là bước đầu mang tính động viên, cảm xúc trước cái đẹp của các nhà văn đàn anh thôi. Trên xa lộ văn chương, nếu gặp một người đẹp đang lúng túng trước “cỗ xe” thi ca của mình, ai chẳng muốn trao phương thức trợ giúp người bạn đồng hành, thậm chí có người còn đòi “lái” thay (cười). Nhưng suy cho cùng giá trị đích thực của văn chương nằm ở văn bản và tư tưởng của tác phẩm.
* “Thơ Vũ Thiên Kiều nghiêng về mượt mà, dân dã, chứa đựng sự đằm thắm trong từng chữ, từng ý, trong cả giọng điệu. Chất dân gian truyền thống phảng phất trong thơ của chị, trong cả triết lý về nhân tình thế thái, trong cả những ẩn ức và những nỗi niềm mà chị bày tỏ”. Chị suy nghĩ gì về nhận xét trên?
– Đó là nhận xét riêng của nhà thơ Nguyễn Bình Phương trong cuộc thi thơ Lục bát 2010 – 2011 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Tạp chí Sông Hương tổ chức về những bài thơ dự thi đoạt giải của tôi, đồng giải nhì với tác giả Ngọc Tuyết (TP HCM). Cuộc thi không có giải nhất, không có “trạng nguyên”, nhưng trong báo cáo tổng kết của cuộc thi đã đánh giá “nhiều tiếng bước chân đang tới… Mà thơ xét cho cùng, cũng không ra khỏi hai chữ tình yêu, hãy lắng nghe bước chân tiếp theo của họ”. Tôi thích hình ảnh ẩn dụ vi tế, đầy tính thẩm mỹ và cách nhìn độ lượng này đối với những người làm thơ trẻ như chúng tôi, giúp chúng tôi tự tin hơn trong chặng đường thi ca mới đầy cam go và thử thách.
* Thơ chị trong mắt chị như thế nào?– À, bạn đang hỏi đến những “đứa con tinh thần” của tôi ư? Có bà mẹ nào lại không yêu và dành những tình cảm đặc biệt cho những đứa con của mình. Dù là thơ mình nhưng cũng có đời sống riêng của nó, nhưng trước hết không biết an ủi và yêu mình sao có thể an ủi và yêu người được.
* Theo chị danh tiếng đối với một người làm thơ có quan trọng không?
– Người làm thơ nếu suốt đời theo đuổi danh tiếng thì đâu còn thời gian, tâm sức để làm thơ nữa. Hãy nhìn bằng mắt và bước đi bằng chính đôi chân của mình. Quan trọng là thơ ở trong lòng mình, hạnh phúc ở trong lòng mình, cứ thủy chung và bền bỉ với con đường thi ca của mình đã lựa chọn. “Mỗi người là một cái tôi/ Gốc sần ngọn vẫn đâm chồi biếc xanh”, trong một bài thơ tôi đã viết như thế. Cái gì đến thì nó sẽ tự nhiên đến thôi, danh tiếng cũng vậy, không có nghĩa cứ cầu mà được.
* Là “người” của tạp chí Nhà văn, thường trực biên tập cho trang web văn học lucbat.com và tới đây nữa là thành viên của quỹ Văn chương & cuộc sống, chị có mất nhiều thời gian cho những việc đó không?
– Không. Đã được phân vai, cần phải diễn cho tốt. Nhà thơ, đôi khi cũng cần phải “đốt miền tĩnh lặng”. Tôi thường nghĩ vui như vậy, nhưng có lẽ đó là một sự thật hiển nhiên, người nào suy nghĩ tích cực thì hành động cũng sẽ tích cực.
* Được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp gửi giấy mời và sẽ trình diễn thơ cùng với Ban Nhà văn trẻ trong Ngày hội đọc sách 2012 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, cảm xúc của chị là…?
– Tôi rất bất ngờ, hồi hộp, mừng vui và có đôi chút lo lắng. Có ngày hội đọc sách, có cả một trang web về tôn vinh văn hóa đọc, đã chứng tỏ hoạt động kích hoạt văn hóa đọc đang ngày một kéo độc giả lại với sách, với tài nguyên tri thức khổng lồ của nhân loại. Tôi vui mừng vì những hoạt động như vậy đã góp phần không nhỏ xây dựng phong trào đọc sách trong xã hội, cũng là cách xây dựng có hiệu quả thế hệ đọc tương lai.
* Vì sao chị lại lo lắng, cụ thể là gì?
– Tất cả những người tham gia trình diễn thơ và văn xuôi đều ở Hà Nội, chỉ mình tôi là xa tít tắt ở huyện Hòn Đất, Kiên Giang, một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng Sông Cửu Long cách Thủ đô hơn hai ngàn cây số. Có lẽ vậy, nên được các anh chị động viên rất nhiều và được phép tự tập ở nhà qua kịch bản nên cũng run.
Hôm qua (20/4), tôi đã có mặt ở Hà Nội và cũng đã “khớp” được với nội dung chương trình. Trình diễn văn xuôi năm nay có trích đoạn tác phẩm của nhà văn Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Nguyễn Xuân Thủy. Trình diễn thơ có các nhà thơ trẻ Trần Hoàng Thiên Kim, Thụy Anh, Vũ Thiên Kiều, Lệ Bình Quan và Vũ Anh Vũ. Không có tiết mục riêng, tất cả đều nằm trong tổ hợp trình diễn thơ và văn xuôi do Ban Nhà văn trẻ đạo diễn, chỉ đạo chung kịch bản và dàn dựng là Trưởng ban – nhà văn Võ Thị Xuân Hà, nhà thơ Hữu Việt, nhà thơ Lương Tử Đức và ông Đào Minh Thịnh (Nhà hát Tuổi trẻ).
* Và nội dung trình diễn của chị là…?
– Tôi mặc áo tứ thân đọc bài thơ Thầm thì quê… và Tuyết Tuyết (Nhạc viện Hà Nội) sẽ hát chầu văn bài thơ này. Năm ngoái nội dung trình diễn thơ và văn xuôi được rất nhiều người chú ý.
Năm nay sẽ có sự trộn lẫn trong một tinh thần nhân văn lớn giữa “Bài ca đêm, rỗng, biển, nỗi nhớ, di cảo tối, tấu khúc, giã bạn và thời hoa đỏ” với nhiều kịch tính thú vị, hi vọng mọi người đến với Ngày hội đọc sách sẽ có nhiều ngạc nhiên và yêu thích nét tươi mới của nội dung này.
* Xin cảm ơn chị. Chúc chị và Ban Nhà văn trẻ trình diễn thơ và văn xuôi thành công trong Ngày hội đọc sách.
Đông Phương Hồng (thực hiện)
Nguồn: Thể thao & Văn hoá số ra ngày 21/4/2012.