Vũ Thị Thanh Huyền, 22 tuổi, hiện là sinh viên lớp Viết văn k12 khoa Viết văn – Báo chí, ĐH Văn hóa Hà Nội. Đoạt giải nhì cuộc thi Truyện ngắn Tuần báo Văn nghệ 2011-2013, Vũ Thị Thanh Huyền là một phát hiện mới của cuộc thi lần này. VNT đã có cuộc trò chuyện cùng cô.

Tác giả trẻ Vũ Thị Thanh Huyền nhận giải (đứng thứ 2 từ trái sang)

Sau khi danh sách giải thưởng cuộc thi Truyện ngắn của Tuần báo Văn nghệ vừa công bố, cái tên Vũ Thị Thanh Huyền khiến nhiều người tò mò vì bạn là một tên tuổi hoàn toàn mới, và những thông tin về bạn thì ngay cả các thành viên Hội đồng sơ khảo cũng như chung khảo của cuộc thi đều không biết. Bạn có thể giới thiệu đôi nét về mình?

Vũ Thị Thanh Huyền: Quả thực đối với bạn đọc và các tác giả thì quả thật tên tôi là một cái tên lạ hoắc. Tôi xin được giới thiệu sơ qua về bản thân: Tên tôi là Vũ Thị Thanh Huyền, tôi sinh ra tại vùng núi Cao Bằng (cũng chính là địa danh tôi sử dụng trong truyện ngắn của mình). Hiện tại tôi 22 tuổi, đang theo học khoa Viết văn – Báo chí của trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Tôi đến với cuộc thi này một cách khá tình cờ. Thực sự từ trước đến giờ tôi viết truyện thường để dành đấy, chỉ cho bạn bè hoặc người quen đọc. Tôi thường nghĩ truyện ngắn của mình tuy không tệ nhưng cũng không quá xuất sắc để có thể công bố rộng rãi. Tôi học khoa Viết văn của trường Đại học Văn hóa Hà Nội nên có nhiều cơ hội biết đến các cuộc thi viết do bạn bè, các anh chị, thầy cô giáo trong khoa phổ biến. Tuy vậy, tôi cũng đã bỏ qua không ít cuộc thi bởi vì chưa có đủ tự tin. Nhưng sau khi viết sau tác phẩm “Lá bùa Bỉ Ngạn hoa”, tôi có gửi cho thầy trưởng khoa của tôi là nhà văn – nhà phê bình Văn Giá đọc. Thầy nói rằng truyện của tôi khá và rất ám ảnh. Được sự động viên của thầy, tôi đã mạnh dạn gửi dự thi cuộc thi truyện ngắn này. Trong giải thưởng của tôi ngày hôm nay, công lao của thầy Văn Giá là không hề nhỏ. Tôi còn nhớ với tính cách rụt rè ngại tiếp xúc của mình, chỉ một lời động viên của thầy đã xóa tan trong tôi những lo ngại: “Huyền này, đã đến lúc em phải xuất hiện rồi đấy!”

Lần đầu tham dự một cuộc thi văn chương “tầm cỡ”, cảm xúc của bạn như thế nào?

Thực sự là cảm xúc trong suốt quá trình cuộc thi diễn ra là… hoàn toàn thoải mái! Bởi lẽ tôi tham gia cuộc thi này một cách tình cờ và nói thực không đặt quá nhiều áp lực vào giải thưởng. Bởi lẽ tôi nghĩ một cuộc thi tầm cỡ đến vậy, biết bao nhiêu tác giả có tiếng tăm tham gia, cơ hội đoạt giải nói thực là rất mong manh. Trong lớp tôi cũng có hai bạn cùng tham gia đó là chị Phạm Thanh Thúy và bạn Mai Dương Dương. Các tác phẩm của 2 người bạn này cùng được lọt vào top 10 truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ vào số Tết năm ngoái. Chính sự thành công của họ đã khuyến khích tôi gửi truyện. Với tư tưởng: “Biết đâu…”

Ai là người đầu tiên thông báo bạn đã được giải cao của cuộc thi?

Đó chính là nhà văn Sương Nguyệt Minh, cũng chính là người thầy giảng dạy bộ môn Sáng tác văn học của tôi.

Bạn đã đón nhận tin này như thế nào?

Tôi hoàn toàn Bất ngờ, Bất ngờ và Bất ngờ…! Trong số báo Tết, truyện ngắn của tôi được lọt Top Ten tôi đã rất mừng. Và tự nhủ đó là thành công Đủ với mình rồi. Chính vì sự “vô tư” đó nên đến khi biết tin mình đoạt giải nhì cuộc thì tôi đã vô cùng bất ngờ. Và cho đến lúc đó, tôi mới bắt đầu tìm hiểu giá trị của giải thưởng mình sắp nhận được. Một người bạn cùng lớp đã cho tôi biết thông tin và tôi… giật mình. Bởi giải thưởng… to quá!!!

Về truyện ngắn Lá bùa Bỉ ngạn hoa vừa đoạt giải, bạn có thể chia sẻ đôi điều về hành trình ra đời của tác phẩm?

Truyện ngắn “Lá bùa Bỉ Ngạn hoa” được tôi hoàn thiện trong khoảng thời gian là tháng 11/2011. Tôi nhớ đích xác thời gian như thế bởi truyện ngắn này bị tác động bởi một sự kiện cũng khá dậy sóng trong xã hội. Đó là vụ án tài xế lái chiếc xe cán qua bé gái 2 tuổi rồi nhẫn tâm bỏ đi, 18 người ngó lơ. Tôi còn nhớ y nguyên cảm xúc phẫn nộ và kinh hoàng của mình khi đọc lướt qua tin ngắn đó trên báo mạng. Nhưng tôi vẫn hồ nghi đó là chiêu thức giật tít của mấy ông nhà mạng, con người có thể vô lương tâm đến mức đó ư? Thế nhưng sau khi xem đoạn camera được quay lại tôi đã thấy có những kẻ đã dừng lại nhìn ngó tò mò nhưng rồi lại vội vàng bỏ mặc cô bé quằn quại trong vũng máu. Chính thức sau một đêm trăn trở và suy tư, tôi đã viết nên truyện ngắn: “Lá bùa Bỉ Ngạn hoa”. Đây không đơn thuần là một truyện ngắn mà còn là một thông điệp của tôi muốn gửi đến mọi người. Đúng! Các bạn có thể thờ ơ với nỗi đau của một kẻ xa lạ. Nhưng sẽ ra sao khi ở một nơi nào đó, người thân của bạn, bố mẹ bạn cũng bị đối xử tàn nhẫn như vậy? Và sẽ ra sao khi chính mình là kẻ tội nhân dù là trực tiếp hay gián tiếp gây nên cái chết ấy?

Tôi không dám chắc rằng liệu truyện ngắn của mình có đủ sức đạt hiệu ứng như tôi mong đợi không? Nhưng tôi vẫn hy vọng.

Đúng là chi tiết lái xe quyết cán chết người bằng được độc giả có thể đọc tin tức báo chí và xem video clip trên mạng, tuy nhiên khi chi tiết ấy được đặt vào bối cảnh của truyện, nó tạo được sức nặng, và sự ám ảnh. Theo bạn hiện thực cuộc sống và trí tưởng tượng của nhà văn, điều nào quan trong hơn?

Theo tôi, cuộc sống và trí tưởng tượng đối một nhà văn khi viết truyện thì đều quan trọng như nhau. Bởi lẽ văn chương không nên tách rời cuộc sống hiện thực. Nhà văn không nên mải miết đi tìm những thứ “cải cách”, “cách tân” siêu thực, trừu tượng để rồi bỏ quên những ngang trái vẫn tồn tại ngoài đời thực. Tôi nghĩ một nhà văn có tài là khi họ có khả năng biến hóa một câu chuyện tưởng chừng như thô cứng trở thành một truyện ngắn mềm mại, hấp dẫn, lay động cảm thức của người đọc.

Cái tên “Bỉ Ngạn” mà bạn đặt cho nhân vật của mình khá lạ. Bạn đã sáng tạo ra một cái tên như vậy hay được gợi ý từ một tích truyện nào đó mà bạn đã từng đọc?

Cái tên “Bỉ Ngạn” đến với tôi cũng âu là do cái Duyên. Tôi thường đọc sách vở viết về thế giới Phật Giáo. Khi viết về tính chất sinh tử và luân hồi của cuộc đời, có cuốn sách đã viết về hình ảnh hoa Bỉ Ngạn. Điểm đặc biệt là cây có lá thì không ra hoa, khi có hoa thì không thấy lá đâu cả. Có thể do loài hoa này đã chỉ ra được tính chất sinh tử luân hồi (khó có thể gặp nhau) giữa lá và hoa, mà người ta gọi là “bỉ ngạn” (hoa – bờ kia), gợi ra khoảng cách với “thử ngạn” (lá – bờ này). Cuộc đời con người thoát sao khỏi sinh – tử, xa – gần. Chính vì vậy loại hoa đặc biệt này đã gợi cảm hứng cho tôi viết nên một câu chuyện về 2 người yêu nhau nhưng cách biệt sống – chết, yêu – hận. Cái tên Bỉ Ngạn tôi đặt cho nhân vật theo cảm nhận của riêng tôi cũng khá bí ẩn và gây tò mò.

Bạn bắt đầu biết mình đam mê văn chương từ khi nào?

Tôi thích viết văn từ hồi còn bé xíu, khi mới 9 tuổi tôi đã hay viết những câu chuyện nho nhỏ kiểu tản văn không đầu không cuối. Tôi có một tật xấu là rất hay xé vở để viết trộm rồi giấu đi không cho ai đọc cả. Còn quyết tâm và đam mê theo đuổi văn chương thì đó là năm lớp 10. Tôi đã tìm hiểu và rồi nuôi ý định thi vào khoa Viết văn của trường ĐH Văn hóa. Vì theo tôi biết, đó là khoa duy nhất “đào tạo” nên nhiều nhà văn Việt Nam. Nhiều thần tượng văn học của tôi cũng đã từng theo học tại khoa này như: Hữu Thỉnh, Chu Lai, Nguyễn Khắc Trường, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương…

Việc chọn thi vào Khoa viết văn trường ĐH Văn hóa của bạn có được gia đình ủng hộ hay không?

Có. Gia đình tôi vô cùng ủng hộ. Thực ra, thoạt đầu thì bố mẹ tôi cũng không thích lắm bởi nhà tôi toàn bộ cô, bác,anh chị đều học thiên về các bộ môn Khoa học. Có mình tôi là lạc loài thích văn chương, thơ phú. Nhưng bố mẹ tôi chưa hề cấm cản tôi bất cứ điều gì. Bởi vì từ bé, tôi đã là một cô bé rất chi là bướng bỉnh, lì lợm. Có cấm cũng chẳng cấm được! Nên tốt nhất là cứ để tôi theo đuổi sở thích của mình.

Việc theo học văn chương một cách chính quy, bài bản, bạn tự thấy thay đổi lớn nhất trong những trang viết của mình là gì?

Trước đây tôi viết theo bản năng, thích là viết. Viết rồi để đấy chẳng cần cho ai đọc. Nhiều khi vứt xó như vậy rồi quên bẵng đi, thất lạc rất nhiều. Sau này tìm lại không tìm thấy những bản thảo đó nữa. Sau khi vào theo học một cách chính quy, tôi viết theo cách kỹ thuật hơn, chau truốt hơn . Cùng với việc sau khi vào trường, tôi được các giảng viên hướng dẫn, giới thiệu cho nhiều tác giả, nhiều trường phái viết đương đại, cách viết, cách đọc sách sao cho bài bản. Trước đây, tôi đọc sách kiểu lộn xộn lắm, vớ được quyển nào là đọc quyển đấy. Tây, Tàu đọc cả. Bây giờ thì tôi kén chọn hơn. Những quyển sách kém chất lượng tôi không đọc nữa.

Nhận giải cao của cuộc thi, bên cạnh niềm hân hoan, bạn đã nghĩ đến trách nhiệm của một người viết sẽ càng khó khăn hơn do áp lực của giải thưởng?

Thực sự giải thưởng đến với tôi giống như việc “thánh nhân đãi kẻ khù khờ” vậy. Nên sẽ không có chuyện tôi “ngủ quên trên chiến thắng”. Tôi nghĩ sẽ có áp lực đặt lên vai tôi, chắc là không quá nặng nề nhưng cũng đáng phải lưu ý. Tôi sẽ phải cân nhắc hơn, căn ke hơn về chữ nghĩa cũng như chất lượng những tác phẩm sau này của mình. Tôi không muốn bị nhận xét “người đoạt giải nhì cuộc thi báo Văn nghệ mà lại viết lách kiểu thế à!” hay “con bé ấy chỉ viết được có mỗi một truyện, các truyện khác vứt đi cả!”. Cách duy nhất để người khác khâm phục mình là ngày càng phải hoàn thiện hơn.

Bạn tâm niệm điều gì khi đến với văn chương?

Tôi còn nhớ một câu rất hay như thế này: “Người nào có thể làm mỗi giây phút đều tràn ngập một nội dung sâu sắc thì người đó sẽ kéo dài vô tận cuộc đời mình”. Tôi đến với văn chương rất đơn giản. Tôi không khát khao để lại công trình thế kỷ hay những phát kiến mới mẻ gì khiến người khác nhớ đến mình. Tôi chỉ mong một điều rất giản dị rằng những gì tôi viết ra có thể làm thay đổi tâm hồn một ai đó, lay động cảm xúc một ai đó dẫu chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Đối với một nhà văn, điều đó là điều hạnh phúc nhất.

Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện.

Nguồn: Văn nghệ trẻ

Exit mobile version