Có lần tôi vừa đến Hội thì Hữu Thỉnh cũng vừa từ ôtô bước xuống. Anh có việc, giữ tôi lại hỏi. Tôi đặt chiếc cặp đang ôm trong tay lên cốp xe, trả lời anh. Tôi nói thì “ông” lái xe cắt ngang: “Để cặp đây xước xe”. “Ông” nói trống không nhưng nhìn tôi bực bội và bỏ ngay chiếc cặp xuống đất. Tôi ngạc nhiên…

Nhà thơ Vũ Quần Phương

Có đêm nằm mơ thấy mình ngồi ăn cơm với nhà thơ Phạm Hổ, giữa bữa, đứng lên bảo sang rủ thêm anh Vũ Cao. Tỉnh dậy, giật mình thấy cả hai ông vừa ngồi với mình đã thiên cổ từ mấy năm nay. Ngậm ngùi, lan man nghĩ tới bao gương mặt bạn bè. Thoáng chốc mà xa thẳm. Chợt nhớ bà ngoại xưa, sáng dậy thở dài: “Tao bây giờ toàn sống với người đường âm”. Hồi ấy nghe bà nói chỉ thấy buồn cười. Bây giờ thì hiểu, mà có nói ra thì con cháu bây giờ nó cũng nghĩ mình lẩm cẩm.

Cái Hội Nhà văn đã khác đi nhiều. Từ Nguyễn Du đã sang Nguyễn Đình Chiểu. Có hôm đến Hội mà thấy lạ. Lạ Hội và lạ cả mình. Lớp các bác Nguyễn Công Hoan, Tú Mỡ, Nguyễn Tuân… rồi lớp các anh Xuân Diệu, Chế Lan Viên… thành xa lắc; mà đến Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Hữu Mai, Xuân Thiều… vừa đấy mà đã tít mù tận đâu rồi.

Lứa chúng tôi, hồi ra tập “Sức Mới”, ồn ào một lũ, chưa ai ra ai. Những năm Hà Nôi chống chiến tranh phá hoại, bạn bè tung tóe có mặt ở mọi nơi: ra trận, viết báo, làm đài… Bây giờ trông ra, vắng tới một nửa rồi. Nhắc tên, nhiều bạn bây giờ còn không biết, vì chưa kịp quen: Trần Nguyên Đào, Nguyễn Trọng Định… rồi Đào Ngọc Vĩnh, Hoàng Hữu, Nguyễn Thái Vận, Tô Hà…, người suy tim, người suy thận. Ngày ấy chưa can thiệp tim, chưa phổ cập chạy thận. Xa, lắm thứ xa. Ngày ấy dư âm của cuộc cách mạng “người cày có ruộng” đang còn tươi thắm trong lòng người, hôm nay thì lại “giải phóng mặt bằng”, nhiều chuyện lắm. Có thứ tưởng biết rồi hóa ra chưa biết.

Nhớ bữa nào đến trụ sở Hội, số 9 Nguyễn Đình Chiểu, ăn tất niên với anh chị em đương nhiệm và đã hưu. Đi bách bộ với anh Thợ Rèn dọc theo công viên Thống Nhất, đường Trần Nhân Tông, xem chợ đào quất vỉa hè. Trời khô hanh, nhạt nắng, tiết cuối năm Bắc Bộ gợi nhiều kỉ niệm quê hương đầm ấm. Anh Thợ Rèn đọc mấy câu thơ vui về cái làng anh, bên Bắc Ninh, nhà nào cũng mái bằng, tường gạch, chẳng còn hàng rào, ao chuôm gì nữa “Cả làng thành một cục xi măng”. Tôi cười nhưng lại hỏi anh: “Về quê bây giờ buồn anh nhỉ?”. Anh Thợ Rèn bảo: “Phương lại mình chơi, anh em mình trò chuyện. Mình thích thơ làng quê của Phương. Muốn nói chuyện với cậu mà chả có dịp”. Tôi hẹn anh sẽ đến. Nhưng rồi cũng phải tới hơn nửa năm mới đến được. Đi cùng anh Vũ Từ Trang. Chúng tôi đến, anh Thợ Rèn vui lắm, nhưng không còn nhanh nhẹn như bữa cuối năm đi cùng tôi. Sức lực người cao niên thay đổi nhanh thế. Lần sau, cũng với Trang, tôi tới thăm thì anh đã phải nằm mà trò chuyện. Cho đến khi mất, anh cũng chẳng thể đến cơ quan Hội một lần nào nữa. Bữa tất niên hôm ấy thành bữa anh đến để chia tay. Cứ vu vơ như thế. Một cái vẫy tay, một câu đùa như mọi lần mà rồi không quay lại: Vũ Bão, Hòa Vang, Lê Bầu… còn nguyên dáng đi, giọng đùa trong tâm trí bạn bè mà đã ngang với người của cõi Vua Hùng rồi.

Lần đầu tiên tôi đến Hội Nhà văn là khi trụ sở Hội còn ở bên kia đường, số nhà 84 Nguyễn Du. Đấy là nhà của một nghệ sĩ trong nhóm Chuông Vàng thủ đô, nhà xây xong thì làm bối cảnh quay phim “Kiếp hoa” thời Hà Nội tạm chiếm. Đó là cuộc họp thơ, do trưởng tiểu ban thơ là anh Chế Lan Viên chủ trì. Tôi đang là sinh viên, mới làm thơ, trên báo Văn Nghệ đăng được một bài. Anh Trúc Thông rủ đi thì tôi đi theo. Nhà thơ Chế Lan Viên dáng còn thanh niên lắm, ngồi trên cái đi văng giữa nhà. Anh giới thiệu người ngồi kề bên, một anh trắng trẻo thư sinh, là Ca Lê Hiến, người mới được giải nhì cuộc thi thơ trên tạp chí Văn Nghệ, bài “Nhớ mưa quê hương” và một anh nắng gió công trường, là Trường Giang. Hôm ấy Ca Lê Hiến đọc bài thơ “Anh là con sông chảy trước cửa nhà em”, Trường Giang đọc “Con gà Đông Cảo”. Hai bài không xuất sắc nhưng lại nói được chất giọng cả đời của hai người: lãng mạn là Ca Lê Hiến, ngay cả khi đổi tên là Lê Anh Xuân cũng vẫn chất ấy (Lê Anh Xuân hy sinh năm 1968 ở chiến trường Nam Bộ, năm 2011 được phong anh hùng. Hình như thơ anh, bài hay nhất vẫn là “Nhớ mưa quê hương”) còn hiện thực là Trường Giang (Trường Giang làm Báo Giao thông – vận tải cho đến khi về hưu và thơ anh cũng bị quẩn đề tài vào với báo. Anh mới mất 2012). Anh Chế Lan Viên giới thiệu anh Xuân Diệu, anh Tế Hanh và một số nhà thơ khác. Các cây bút trẻ tự nói tên mình. Tôi mất tự nhiên vì mình là người đi theo đến đây, lại chưa quen ai. May sao lúc nghe tên tôi, anh Tế Hanh bước đến bắt tay và nói: “Mình có đọc bài thơ của Phương, trong sáng lắm, nhất hạng là cái ý…”. Tôi không biết anh Tế Hanh còn nói gì, chỉ thấy nhẹ cả người. Lúc về, Trúc Thông bảo: “Mình thấy những ông tên là Giang thơ đều yếu (?!)”.

Hồi cuối những năm 60, Hội Nhà văn đã dọn sang bên kia đường, 65 Nguyễn Du, một biệt thự sang trọng của phố này. Lối vào có hai cây bách tán cao hơn đầu người. Đường đi lát gạch, vườn rải cuội trắng, có mấy ghế đá granito. Sân sau một cây ngâu già bên cửa vào phòng họp chính. Phòng khách phía ngoài có mảng tường lượn bán nguyệt. Dưới mép cửa sổ có máng trồng xương rồng gai quanh năm li ti hoa đỏ. Thỉnh thoảng đến Hội, tôi tò mò ngó những ông tác giả mình từng học thuở bé. Những người như trong cổ tích bước ra: Bác Nguyễn Công Hoan dáng người to lớn trò chuyện cùng bác Tú Mỡ gày gò nhỏ thó. Kia là ông Bùi Hiển “Nằm vạ”. Bác Nguyễn Tuân mùa đông măng tô mũ phớt, chống ba toong, sang trọng ngẫm nghĩ từng bước đi. Anh Xuân Diệu ngồi ngả mình trên cái ghế granito ngoài sân, ngúc ngắc cái đầu. Tôi tiến lại chào. Anh là người tôi đã trò chuyện mấy lần, đã đến nhà thăm. Anh ngồi nhích ra đầu ghế, bảo: “Phương ngồi đây. Sao không thấy Phương đến, anh vẫn mong”. Tôi ấp úng: “Thế ạ!”. Xuân Diệu cười, đấm đấm vào cánh tay tôi: “Sao lại thế ạ. Thế ạ là cậu không tin là tôi mời thật à?”. Tôi không biết trả lời thế nào. Nói chung hồi ấy, được tiếp cận các nhà văn tôi rất thích, thích vì tò mò, vì kính phục nhưng lại ngại ngần, lúng túng, hỏi gì cũng sợ mình ngớ ngẩn. Đến Hội, tôi có cảm giác mình như con chiên đang trong nhà thờ và các bậc kia là linh mục quyền uy, bí ẩn.

Sau này, khi đã bỏ nghề y sang làm biên tập thơ Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi có nhiều dịp trò chuyện với các anh Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tế Hanh. Các anh chị khác của lớp Thơ Mới như Anh Thơ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Xuân Sanh… tôi cũng đều được gặp, được học nhiều điều, cả chuyện thơ lẫn chuyện đời. Tổng thư ký Nguyễn Đình Thi khi gặp đám trẻ thường gật đầu trước khi chúng tôi chào. Nếu ở giữa thang gác, anh còn đứng nép vào một bên nhường đường, nhưng anh bước đi ngay, ít khi đứng lại trò chuyện. Tôi đoán anh không biết tên nhiều người trong chúng tôi. Anh Nguyễn Khải có nhận xét: “Ông Thi ít nói chuyện đời tư. Đi thực tế với ông ấy, mình nói đủ chuyện linh tinh về mình nhưng không kều được ông ấy nói một mẩu nào về ông ấy”. Anh Tô Hoài nghe, cười mủm mỉm: “Thế mà có vụ yêu đương nào là ầm cả lên. Khổ! Cậu này hay nhật ký, có khi lại thơ nữa, nó mới sinh chuyện!”. Rồi anh nhìn chúng tôi, ánh mắt láu lỉnh, đắc chí, rất trẻ trung: “Trong việc này, mình cứ là anh mù chữ, xong là xong!”.

Có buổi sáng vừa đến Hội, tôi thấy ông Lưu Trọng Lư. Nhiều người nói ông Lư lơ ngơ đãng trí, nhưng sáng ấy ông lại mau mắn: “Phương đọc bài thơ của mình trên báo Nhân Dân chưa?”. Tôi nói: “Em chưa được đọc”. Ông Lư nói ngay: “Thế mà cậu lái xe cho mình nó lại bảo: Nhiều người bảo bài này xoàng. Mình dồn ngay: “Người nào bảo, mày bảo thì có. Báo ngưởi ta vừa ra ai đã kịp đọc”. Thấy ông Lư sôi nổi, tôi hiểu ngay võ của mấy bác tài chọc thủ trưởng. Lái xe cho giới nhà văn rất thông minh, họ chế tạo nhiều giai thoại hóm và vui lắm. Chỉ ông lái xe mà tôi gặp cách đây ít lâu thì lại… hách. Có lần tôi vừa đến Hội thì Hữu Thỉnh cũng vừa từ ôtô bước xuống. Anh có việc, giữ tôi lại hỏi. Tôi đặt chiếc cặp đang ôm trong tay lên cốp xe, trả lời anh. Tôi nói thì “ông” lái xe cắt ngang: “Để cặp đây xước xe”. “Ông” nói trống không nhưng nhìn tôi bực bội và bỏ ngay chiếc cặp xuống đất. Tôi ngạc nhiên, xe hơi đã là phương tiện thông dụng, đây lại là sân Hội Nhà văn, nhưng đang giở câu chuyện, tôi không nói gì.

Hội bây giờ ở cạnh rạp chèo, thanh la não bạt vọng sang, cũng vui. Lại giáp lưng với chỗ bệnh viện sắc thuốc bắc, quế chi thục địa ngào ngạt có lợi cho sức khỏe. Phải cái năm nào trụ sở cũng sửa chữa cơi nới, nửa công trường nửa chiến trường xôn xao (thơ Tố Hữu) không tĩnh tâm cho văn chương lắm. Cũng may là bây giờ đến Hội Nhà văn, hội viên gặp nhau thì đủ thứ chuyện chứ đâu chỉ riêng một chuyện văn chương.

11.12.2012

Nguồn: nhavantphcm.com.vn