Đây là tập thơ thứ mười của nhà thơ Vũ Quần Phương trong vòng hơn bốn chục năm. Nó đánh dấu sự bền bỉ sáng tạo của tác giả.



Trong tập thơ có những bài mới viết năm 2011. Nhưng cũng có không ít bài được viết trước và trong năm 2007, là năm nhà thơ công bố tập thơ Chỗ ấy sóng… Bài thơ sớm nhất trong tập ta đang có trên tay viết năm 1966. Nói điều này để thấy rằng Vũ Quần Phương rất thận trọng, không vội công bố những bài thơ đã viết của mình, khi cảm thấy nó chưa đủ chín.

Từng đọc và viết phê bình một số tập thơ của Vũ Quần Phương, tôi nhận thấy cái tạng của nhà thơ là trầm tĩnh, ưa chiêm nghiệm, ngẫm ngợi. Khi càng có tuổi, đặc điểm này lại càng thể hiện rõ. Nhà thơ nghe, lắng nghe… Chậm, thật chậm. Anh nghe tiếng thì thầm của cỏ, nỗi ngập ngừng của hương, vị mưa nắng xa vời mặn chát, biển xanh, núi biếc… Không chỉ nghe thiên nhiên, mà còn nghe cuộc đời, nghe xã hội, nghe nỗi người lắm thứ mơ hồ, nhiều điều nông nổi. Anh nghe tiếng nói câm, những tiếng thầm lay động xa xanh. Và học nghe, lắng nghe sự lặng im:

Bà mẹ ghìm cơn run/ đội tờ đơn/ như sớ.
Lắng nghe và suy tưởng, ngẫm ngợi… một nỗi mình nghìn nỗi người ta. Thăng Long tiến về nghìn tuổi, nhưng cạnh nỗi mừng là nỗi băn khoăn:

Dưới trăng lớp lớp nhà cao ngất

Vốn của người xây trên đất ta

Chiến địa hay không là chiến địa

Bé em lem luốc tối không nhà

(Ậm à)

Trên một thành phố hiện đại xứ lạ,

nhìn ngày lấn sang đêm/ đêm trộn vào ngày, nghĩ về sự không cùng của không gian và tính chất hữu hạn, nhỏ bé của con người:

Sau chân trời

lại chân trời nữa

Nghĩ chân trời

lại nghĩ chân ta

Vừa rất xa, rất rộng lại vừa rất hẹp, rất gần. Nghĩ ngợi, suy gần, xét xa, nên mới có lời nhắn gửi sen:

Ai buông giọt lệ âm thầm

khóc hoa

Đâu vàng, xanh, trắng kiêu sa

Nuôi mầm giữ gốc lại là bùn đen

Và cũng mới có những hoài nghi tưởng như vô lý, nhưng không phải không có cơ sở khoa học và thực tế cuộc sống:

Lưỡi người cũng chưa tin

được đâu

nếm không ra vị độc

ừ thử hóa chất

ừ thì xem môi trường

Không tin lưỡi người đã đành. Mà ngay cả thử hóa chất, xem môi trường thì kết quả cũng khó mà tin, khi đồng tiền và lòng người có thể làm đổi thay các chỉ số.

Và chính cả trong lúc vui, vui đến cay mắt, lại đã thấy dào lên nỗi buồn về thế sự, nhân gian:

Ừ vui ngày tết, vui cay mắt

Đời người năm tháng… như

chiêm bao

Thời gian và cảm thức thời gian luôn là một hướng ngẫm ngợi của Vũ Quần Phương. Khi còn trẻ, nhà thơ đã viết về thời gian một cách biện chứng. Giữa cái thời gian vô tận vô cùng, thời gian như ao hồ sông bể, và thời gian ngắn ngủi của một đời người, Đi chưa hết nước cờ đời đã hết thơ ngây, tác giả đã chọn một cách xử lí khôn ngoan: lặn ngụp vào thời gian. Bây giờ, khi không còn cái tư thế khỏe khoắn của thuở thanh niên Áo chan chan nắng, môi ngà ngà say, khi đã trở thành chú học sinh tóc bạc, trở thành ông già nhuộm tóc mình theo hoa, nhà thơ cảm nhận thời gian theo cách khác. Một nụ cười, một chút triết luận về sự nhân loại thiếu thời gian:

Toát mồ hôi, mê hoảng,

bàng hoàng

Những nhân sâm, tê giác với

ngưu hoàng

Uống từng vốc rồi đem thời gian

giết

Ai giết thời gian thì người ấy chết

Thời gian cười rung bụng những

kim giây

(Xem đồng hồ)

Một chút tiếc nuối, hài hước và so sánh khi thấy thằng cháu mê mải ngắm chiếc bánh sinh nhật:

Nó liếm mép

làm ông thèm

tiếc lại

những tháng ngày ông ăn

hàng vốc

mà chưa biết một lần liếm mép

cái vị ngon thời gian

(Cháu đón sinh nhật ông)

Thời gian bây giờ trong cảm nhận của nhà thơ là một miền hương thời gian. Không lạ là nhà thơ hay nhớ về quá khứ, hồi tưởng những nét xưa, những mùa xa. Cả đến nỗi lòng cũng thành xưa nhung nhớ. Bất chợt lòng xưa đã nhớ nhung.

Nhớ về làng, nhà thơ nhớ Chiếc cổng làng xưa xanh sắc rêu. Cây gạo quê mẹ cũng nở những chùm “hoa xưa” hoài niệm:

Cây gạo bên đình im lặng đỏ

Rừng rực “ngày xưa” trên sắc hoa

(Làng Canh, quê mẹ)

Bên những chiêm nghiệm về thời gian, đời người, Vũ Quần Phương dành nhiều cho chiêm nghiệm về thơ ca, về lịch sử. Tiếp mạch bài thơ Cân trước đây – Cân áo, cân cơm/ Cân vua, cân chúa/ Cân máu chảy đầu rơi voi giày ngựa xé, Vũ Quần Phương muốn nhà thơ là con sâu đo:

lấy thân mình mà đo

lịch sử,

đo kích thước vĩ nhân,

châu chấu, cào cào, gió trăng,

vui khổ […]

những rộng dài nặng nhẹ

sâu nông

(Con sâu đo)

Có thể thấy rõ sự thất vọng của tác giả về những chỗ lịch sử mơ hồ, nông nổi. Các nhà làm sử không thể không giật mình suy nghĩ khi ông nhà thơ ví von:

Lịch sử như anh mù,

anh điếc,

anh câm

lại hay thích nói

(Con sâu đo)


Và:

Lịch sử cái ông già lẩm cẩm,

Hỏi suốt nghìn năm vẫn ậm à…

(Ậm à)

Nhà thơ nói như thế và có dẫn chứng hẳn hoi chứ không phải là nói vô căn cứ. Còn dẫn chứng đã đủ sức thuyết phục chưa lại là chuyện khác.

Là một người dấn thân cho nghề thơ, Vũ Quần Phương dành khá nhiều suy ngẫm cho thơ. Bài thơ không thành, Chữ, Thơ tặng bạn thơ, Mực lạnh, Bài thơ trăng sáng… là những chiêm nghiệm, suy ngẫm về thơ, về sứ mệnh người làm thơ. Không đặt vấn đề vì sao người đời thờ ơ với thơ, nhưng nhà thơ thấy thơ điếc khi người ta gọi, thơ say giấc khi đời bức xúc, thậm chí thơ nói mê khi đời tỉnh táo. Đó là những nguyên nhân làm cho thơ bị lạnh nhạt. Nhưng không chỉ thế. Lại còn có thứ thơ độc hại:

Giấy có vi trùng, chữ mang

độc chất

hại dạ dày là cái chắc

có khi còn đau lên thần kinh

u mê, tê liệt,…

(Thơ tặng bạn thơ)

Điều này thì nhà thơ gốc bác sĩ Vũ Quần Phương dễ thuyết phục bạn đọc. Cả nghĩa đen theo cách chẩn bệnh của người thầy thuốc lẫn nghĩa bóng theo cách xem xét từ góc độ văn chương.

Với chữ nghĩa, nhà thơ ngẫm ra:

Chữ mỗi ngày một tinh,

càng tinh càng độc

Và thơ không phải là thú chơi vô thưởng vô phạt:

Đừng tưởng làm thơ không có tội

trắc bằng lắm lối

không đưa ai qua sông

mà người chết đuối

(Thơ tặng bạn thơ)

Những dòng này gợi nhớ những câu thơ Hữu Thỉnh, nhưng khác ở chỗ Hữu Thỉnh nói cả cái xây và cái phá của ngôn từ:

Một lời như thể mái chèo/ Khi gãy cán đã bao người cập bến/ Một lời như thể lưỡi cưa/ Khi nghĩ lại bao thân cây đã đổ (Một lời).

Bài thơ khiến phải suy nghĩ về thái độ sống là bài Thôi kệ. Nhiều khi phải chấp nhận, chịu lùi, chịu nhún:

Thôi và kệ. Kệ rồi thôi. Thôi kệ. Nhưng cũng có khi phải rốt ráo, quyết liệt: Tìm bằng được, ta không thôi, không kệ/ Dẫu đời mình thôi kệ! Cũng phải đến cái tuổi cổ lai hy thì mới có thể viết những câu như tổng kết:

Thôi kệ gió. Thôi kệ mưa.

Mưa gió!

Đi trong mưa thì ta vẫn ngoài mưa

Đứng trước gió nhưng lòng ta

đã gió

Gió ngoài kia đâu biết gió

trong này

Ngày trước Vũ Quần Phương ước bạn đọc thơ mình cảm nhận được hồn tôi run xuống câu. Giờ anh không ước ao, nhưng phải chăng anh muốn người đọc hiểu nỗi ngoài mưa ở trong mưa và  thấy gió ở trong lòng, trong thơ người viết?

Nhà thơ Vũ Quần Phương một đời miệt mài với thơ ca. Anh cần mẫn thâm canh, gieo gặt trên cánh đồng thơ. Tám giải thưởng anh đã nhận của các cơ quan khác nhau, trong đó cao nhất có Giải thưởng Nhà nước năm 2007 là sự ghi nhận cho sự miệt mài, chuyên tâm đó. Như câu thơ anh viết:

Năm tháng hạt thành cây,

cây thành mùa trĩu quả

Chúc mừng Chân trời sau chân trời, mùa quả mới lặng im mà chín… của nhà thơ.


Nguồn: Vannghequandoi

 

Exit mobile version