Nhà văn Vũ Hùng được ví là một trong những cây bút chiếm một vị trí gần như độc nhất vô nhị trong nền văn học thiếu nhi Việt Nam với đề tài gắn bó suốt nghiệp viết của ông là rừng – thiên nhiên – muông thú”
Cuốn sách đầu tay của nhà văn Vũ Hùng là cuốn “Mùa săn trên núi” ra đời năm 1961. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã viết hơn 40 cuốn sách cho thiếu nhi, trong đó nhiều cuốn được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Ông cũng đã hai lần được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng: cuốn Sao Sao (1982) và cuốn Sống giữa bầy voi (1986).
Ngoài ra, các tác phẩm khác của nhà Vũ Hùng viết về chủ đề thiên nhiên động vật, rừng núi được nhiều độc giả yêu thích như: Mùa săn trên núi, Sống giữa bầy voi, Giữ lấy bầu mật, Chú ngựa đồng cỏ, Người quản tượng và con voi chiến sĩ, Bầy voi đen, Con voi xa đàn, Con culi của tôi, Vườn chim..
Trở về quê hương sau nhiều năm sống ở Pháp, nhà văn của rừng, thiên nhiên và muông thú hội ngộ cùng bạn bè và độc giả trong buổi tọa đàm có tên “Thiên nhiên bí ẩn và kỳ thú trong tác phẩm Vũ Hùng” diễn ra hôm 24/9 tại Hà Nội.
Nhà văn Vũ Hùng (áo trắng thứ hai từ phải sang) giao lưu với độc giả.
Nhà văn Vũ Hùng chia sẻ, sau khi học xong ở trường Thủy quân rồi đến Lục quân ở Trung Quốc, ông có những năm tháng sống ở Lào. Đây là đất nước yên bình và tử tế. Có lẽ điều này cũng ảnh hưởng nhiều đến phong cách văn học trong văn của ông.
Những cuộc hành quân dài dặc, vất vả trong đời lính đã mang lại cho ông nhiều khám phá về thiên nhiên, đất nước, về phong tục tập quán của các dân tộc Việt – Lào anh em bao đời từng chung sống trên một dải Trường Sơn.
Vùng biên giới phía Bắc hùng vĩ, với “những ngọn núi mây phủ triền miên, những rừng thông vi vút” hay vùng biên giới phía Tây, trong lòng dãy Trường Sơn với “những cánh rừng chưa hề in dấu chân người, những ngọn núi tím biếc với những hồ nước trong vắt trên đỉnh, những đồi lau và đồi tranh vàng rực dưới nắng thu, những bầy thú mà ta dễ dàng gặp trên đường (tê giác, hươu nai, bầy voi, những con bò tót, lũ báo) và câu chuyện của những người đi rừng là nguồn cảm hứng để ông viết những tác phẩm ấy.
Qua những tác phẩm của mình, nhà văn Vũ Hũng muốn các độc giả thiếu nhi hiện nay hiểu về một thời chưa xa lắm, thiên nhiên đất nước ta tươi đẹp, trong lành như thế, muông thú phong phú như thế, và còn người hiền hòa như thế.
Nhà văn Trần Đức Tiến đánh giá: “Nhà văn Vũ Hùng là một trong những tác giả quan trọng nhất trong nền văn học thiếu nhi Việt Nam với một lối văn chương chuẩn mực. Tác phẩm của ông không chỉ dành cho thiếu nhi mà còn hướng đến cả những người lớn đang có nguy cơ đánh mất tuổi thơ, đánh mất kí ức của mình.”
Nhà văn Nguyễn Như Mai thì cho rằng những trang văn của Vũ Hùng thực sự sinh động và “cựa quậy”. Ông đã lưu giữ lại những ký ức thiên nhiên sinh động để gióng lên hồi chuông cần phải bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ thế giới động vật.
Nhà văn Trần Quốc Toàn nhận định:“Gần như cả đời văn của mình, nhà văn Vũ Hùng viết về thú vật, từ ông voi bồ tượng cho tới con ong cái kiến mỏng manh! Nhưng đọc các trang viết về loài vật của ông lại được ghi nhớ những câu chuyện rất người.”
Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn phát biểu: “Đọc Vũ Hùng, tôi hiểu thêm một câu nói của nhà văn Pháp J. de La Bruyere (1645- 1696): Có những chỗ làm cho người ta thích nhìn ngắm; có những chỗ làm cho người ta rung cảm; có những chỗ làm cho người ta ham sống. Đó mới là bộ mặt đầy đủ của thiên nhiên..”
Còn nhà thơ Hồng Thanh Quang, tổng biên tập báo Đại đoàn kết – một trong những thế hệ độc giả gắn bó với những truyện của nhà văn Vũ Hùng cho rằng những tác phẩm của ông thực sự bổ ích cho thiếu nhi và chắc chắn nhà thơ sẽ còn dành những trang viết ấy cho thế hệ con, cháu của mình.
12 cuốn sách về rừng – thiên nhiên – muông thú của nhà văn Vũ Hùng trở lại với độc giả.
Năm 2014, NXB Kim Đồng ký hợp đồng độc quyên phát hành 18 tác phẩm của Vũ Hùng cuối năm 2014. Từ đó tới nay, 12 cuốn sách của ông đã ra mắt. Theo nhà thơ Cao Xuân Sơn, sự trở lại của những tác phẩm viết cho thiếu nhi của Vũ Hùng giống như việc một mỏ vàng bị phủ bụi hơn 20 năm qua được khai quật.
Nhà văn Vũ Hùng được được đánh giá là người hiền, lương thiện và nhân ái. Ít ai biết rằng trong khoảng thời gian sinh sống bên Pháp, nhà văn Vũ Hùng cũng có những gánh nặng mưu sinh. Ở xứ người, ông đã từng phải đi rửa bát, làm phụ bếp, rồi làm bếp chính trong một nhà hàng. Không viết văn, ông tiếp tục dịch và chuyển ngữ nhiều tác phẩm dành cho thiếu niên. Ông còn day dứt vì chưa thể giúp đỡ các nhà văn trẻ xuất bản những tác phẩm đầu tay của mình. Ở tuổi 84, niềm đam mê với nghề viết, nỗi trăn trở với sự nghiệp văn chương của ông chưa bao giờ nguôi ngoai./
Nhà văn Vũ Hùng sinh 1931, quê tại làng Láng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ông nhập ngũ năm 1950, từng học tại các trường Thủy quân Việt Nam, trường Lục quân Trần Quốc Tuấn. Làm Đài trưởng Đài vô tuyến điện của Trung đoàn Quân tình nguyện Việt Nam tại Trung Lào. Phóng viên báo Quân đội Nhân dân, biên tập viên NXB Ngoại văn, NXB Văn học. Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Văn hóa. Từ 1989 ông định cư tại Pháp và tháng 5.2014 về nước sống những năm cuối đời. Nhà văn nhiều lần định về thăm mộ bố mẹ nhưng chưa đi được vì bệnh tim.
Theo Tâm An – Thời nay online