Mỗi câu chuyện tình trong tập truyện là một vũ điệu tình, vũ điệu phố mà tác giả là nhà biên đạo tỉnh táo và có nghề. Có thể ở những cung bậc khác nhau nhưng những vũ điệu ấy đều rất hiện đại, linh hoạt và quyết liệt. Đó là cảm nhận đầu tiên của người đọc đối với tập truyện ngắn Mây vàng của Kiều Bích Hậu.
Chín truyện ngắn là 9 câu chuyện tình. Họ, các nhân vật trong truyện, người Việt hay người ngoại quốc, dù là ở độ tuổi đôi mươi hay khi đã bóng ngả về chiều đều rất si tình (và cả lụy tình), như tác giả từng nói trong một bài phỏng vấn thì họ “đều có thể chết vì yêu”. Na, cô biên tập viên xinh đẹp, kiêu hãnh quay cuồng đến khốn khổ với những con sóng tình đang âm ỉ xô vào lòng cùng với hành trình đi tìm ái tình và thất vọng (Ảo ảnh). Cô gái mang tên loài hoa đẹp Thạch Thảo hiến dâng không toan tính, yêu hết mình, dù đời nghiệt ngã, lòng người đổi thay vẫn vượt lên để bước tiếp (Mây vàng). Người phụ nữ hồi xuân, “một nữ đạo diễn sành sỏi vào bậc nhất trong làng truyền hình” rất tự tin, đầy bản lĩnh bỗng bị “tiếng sét ái tình” làm cho choáng váng và rồi cay đắng nhận ra trò chơi “tình ái” của thuộc cấp (Biển ơi xin đừng khóc). Đại gia Van Ga cả đời không tình yêu, lao vào kiếp sống phù du chỉ vì không quên được suối tóc của một người con gái. Những nghi vấn, lòng uất hận không thôi hành hạ người đàn ông tăm tiếng và tai tiếng này. Và lần thứ hai người con gái năm xưa vuột trôi qua, cũng là lúc đại gia Van Ga phải tiếp tục sống trong ân hận, giằng xé (Đi trên lưỡi dao). Rocen người đàn ông có thân hình tượng thần, một sĩ quan sáng giá trong quân đội Czech từ một đêm tình cờ, những khoái cảm thân xác đã thúc đẩy bùng nổ ái tình. Nhưng ái tình ấy, dù đã đánh đổi cả hạnh phúc gia đình anh ta vẫn không thể chạm đến được. Trong lòng Rocen chỉ còn sự thất bại và vết thương sâu khó chữa lành (Vết thương). Chàng trai Lâm Lang tật nguyền nhưng tài hoa, nghị lực đã hứng lấy cái chết bất ngờ bởi những rung động đầu đời (Ngón hoa). Liêu và Chiến như chơi trò đuổi bắt trong chuyến đò tình. Họ lắng nghe cảm xúc và những hoài nghi. Không dễ dàng gì (đặc biệt là phía người con trai) nhận ra những xúc cảm sâu kín trong chính mình và quyết định. Chỉ khi hạnh phúc vuột khỏi tay, anh ta mới nhận ra “Em là thế giới của anh. Vắng em, thế giới này buồn biết bao”. Nhưng muộn mất rồi, hạnh phúc không bao giờ trở lại, chỉ còn “tiếng gọi cô độc của anh vang mãi trên mặt sông lạnh vắng”. Đó là tiếng gọi đò, tiếng kêu thương, tiếng gọi tình đầy day dứt, ám ảnh (Đợi đò). Theo người đọc Đợi đò là truyện ngắn thành công nhất của Kiều Bích Hậu, thể hiện rất sắc nét bút pháp hiện thực kết hợp với huyền ảo lãng mạn. Truyện càng đọc càng lôi cuốn và tạo dư thanh buồn – đẹp – lạ với người đọc.
Và một đặc điểm nữa, đó là không gian phố thị ồn ào ngự trị ở cả 9 truyện. Không phải là sự cố tình, bởi Kiều Bích Hậu sinh ra ở một miền quê của Hưng Yên nhưng đã hơn 20 năm chị sống, làm việc tại Hà Nội. Với nghề làm báo chị có nhiều cơ hội để thâu nạp những gì phơi bày, phô diễn giữa chốn phồn hoa huyên náo, xô bồ. Và nó trở ra bằng những câu chuyện. Không gian ấy tạo ra rất nhiều trạng huống thử thách những con người nhập cuộc, đòi hỏi sự bộc lộ cao nhất ở mọi hoạt động, chuyện yêu đương cũng không ngoại lệ.
Những nhân vật của Kiều Bích Hậu quay cuồng không hạn độ trong ái tình và trong guồng quay phố thị. Không hiện lên trên những trang văn, song người đọc dễ dàng nhận thấy cùng với những nỗi đau tình thì áp lực công việc thời công nghiệp, những va đập trong đời sống đô thị đã nén chặt đám thị dân trong bầu không khí ngột ngạt, hỗn tạp. Ở trong đó họ vật lộn, họ nhảy múa và khi nhàm chán, rã rời họ tìm con đường vượt thoát. Yêu đương, nghi ngờ, giận hờn, thù hận, chết vì tình… là những điều “xưa như trái đất” nhưng rất nhiều tình tiết trong tập truyện được đẩy đến đỉnh điểm nên đã lôi cuốn được người đọc. Típ nhân vật hiện đại, cá tính và nổi loạn trong tập truyện cũng không hiếm (mà chủ yếu là phụ nữ). Đó là những Na, Thụy Du, Liêu, Gia Linh… với những phút “điên điên”, bất cần đời, bất chấp tất để rũ bỏ những nhàm chán và làm những gì mình thích. Song sâu thẳm trong mỗi tâm hồn vẫn là sự yêu đuối, dễ vỡ, cần được chở che, khát khao ái tình và những điều hoàn hảo… Ở một số truyện có sự chuyển dịch không gian đô thị, nhưng rõ ràng đám thị dân vẫn không vượt thoát khỏi cảm giác bức bối thường trực. Chỉ khi nào họ tìm đến một không gian mới, mờ nét phố phường thì họ tìm thấy những yên bình và thanh sạch trong hồn. Không gian ấy có khi là vùng trồng hoa Văn Lâm, khi là làng gốm Bát Tràng, lúc lại là biển khơi muôn trùng. Phải chăng đây chính là sự “trở về” miền quê yên lành trong kí ức của chính tác giả?
Điều cuối cùng, một vài truyện ngắn lằn ranh giữa thanh tao và dung tục, giữa nghệ thuật và giải trí, thị trường rất mong manh, muốn vượt lên được thì tác giả cần dụng công, trăn trở nhiều hơn nữa. Đây cũng chính là nỗi băn khoăn mà người đọc muốn gửi đến tác giả./.
——————————–
(*) Tập truyện ngắn Mây vàng của Kiều Bích Hậu, NXB Phụ nữ, 2011
Nguồn: Vanhocquenha.vn