Điệu nhảy truyền thống của người Huila.
NDĐT – Gilberto ngoài 40 tuổi, da đỏ au. Anh sống một mình ở thị trấn Villavieja (dịch ra tiếng Việt là Làng Cũ), trong khi vợ con đã định cư ở thủ đô Bogota (Colombia). Anh thích nhảy múa, thích đánh bóng, thích đi lang thang trong sa mạc và thi thoảng rảnh rỗi sẽ xách đồ nghề đi đào vàng. Giberto là một điển hình của những người đàn ông Huila – to béo, đáng yêu như những chú gấu vùng hoang mạc. |
Vũ điệu rực rỡGil là người Làng Cũ, bang Huila – một trong 32 bang của nước CH Colombia, bốn đời nay sống trên sa mạc. Gil mê regarton, thuộc hết tất cả các bài hát của anh chàng ca sĩ đang hot nhất Nam Mỹ Nicky Jam. Nhưng Gil vẫn thích điệu nhảy truyền thống của người Huila hơn cả, anh dạy tôi nhảy. Đàn ông Huila mà không biết nhảy thì buồn lắm. Điệu nhảy trên nền tiếng trống và tiếng sáo réo rắt, tiếng đàn ukulele rộn ràng. Những cô gái váy xòe rộng, những chàng trai Huila mũ rộng vành và khăn quàng cổ đậm chất cao bồi. Chỉ cần tiếng nhạc và những bóng váy xòe bước ra là đã thấy ngay màu lễ hội. Dân bang Huila vẫn giữ được cái chất hoang dã của người bản địa Nam Mỹ từ thời Columbus chưa tìm ra châu Mỹ. Cần phải nói bang Huila nằm ở vị trí cực kỳ đặc biệt: vừa là thượng nguồn sông Magdalena – dòng sông mẹ chảy qua hầu hết các tỉnh ở Colombia (chứ không phải dòng sông trứ danh Amazone. Amazone chỉ áp sát một phần phía nam nước này); là vùng trung tâm của nền văn hóa Andean – văn hóa cổ trên dãy Andes. Ở đây có quần thể điêu khắc lớn nhất của người Andean trên thế giới, được xác định từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 8 và những dấu tích của một nền văn minh từ 3000 năm trước Công nguyên; phía đông lại là sa mạc Tatacao hai mầu đỏ xám – một trong ba sa mạc ở Colombia với những dấu tích hoá thạch của ma-mút, khủng long, những cây quyết trần (hóa thạch ở đây nghe nói nhiều đến mức người dân không buồn nhặt). Ở Colombia, dân Medellin được xác định là dòng giống Do Thái, nổi tiếng khôn ngoan, giỏi buôn bán. Colombia thời hậu độc lập phải nói đến Medellin hay Cali, nhưng tra tổ tiên của người Colombia thời kỳ tiền thực dân, thì phải ở Huila. Đây cũng là trung tâm ảnh hưởng của quân nổi loại gây nên cuộc nội chiến khiến 50.000 người chết và 4 triệu người mất nhà cửa hơn chục năm ở Colombia. Thậm chí ngay cả khi nội chiến đã lùi vào dĩ vãng, những tàn dư của nó vẫn còn ám ảnh Huila.
Màu đỏ phía Tây của sa mạc Tatacao. Năm 2010, 2011, thủ phủ Neiva của Huila liên tiếp xảy ra những vụ nổ bom mà thủ phạm là lực lượng FARC-EP. Mỹ và Australia khuyến cáo công dân của họ không nên đến Huila cũng như thủ phủ Neiva du lịch. Neiva, cho đến ngày nay vẫn là một tập hợp hỗn độn và nguy hiểm. Tỷ lệ tội phạm cao hàng đầu Colombia, trộm cắp, cướp giật là điều thường thấy. Những ngày lang thang ở Huila, tôi bị kéo từ thái cực này đến thái cực khác. Có thể là rất yên ổn như ở Làng Cũ, có thể nhộn nhạo đầy dân lang thang như San Agustin – những nạn nhân từ con số 4 triệu người mất nhà cửa của cuộc nội chiến, có thể đầy đề phòng như Neiva – nơi mà đàn ông lúc nào cũng có thể bị chặn giữa đường để kiểm tra giấy tờ và vũ khí. Tôi đã hơi run khi thấy quân đội nhiều bất thường hơn ở thủ đô. Từ Bogota di chuyến tới San Agustin rồi tới Neiva, tới Làng Cũ, lực lượng chốt chặn nhiều hơn các nơi khác. Nhưng tôi tuyệt nhiên không bị hỏi han. Chỉ có đàn ông mới bị kiểm tra, người già và phụ nữ được miễn. Đàn bà ở bất kỳ đâu trên đất nước này, đều được coi trọng và yêu chiều, ngay cả khi kiểm tra an ninh. Làng Cũ hai mầu đỏ – xámNhững năm 70, thị trấn Làng Cũ (Valleviejia)– khi đó tên là Neiva, thủ phủ cũ của Huila, là nơi tập trung của đủ loại giang hồ hào kiệt để tìm vàng trên sông Magdalena và trên sa mạc Tatacao. Gilberto bảo hồi còn giao tranh, cứ vài chục mét lại có một trạm gác, binh lính nhiều hơn dân thường. Cho đến khi vàng cạn, dân giang hồ rút đến một nơi khác cách đó chừng 40 cây số lập thủ phủ mới lấy tên Neiva, Làng Cũ mới bình yên trở lại. Yên tĩnh như sa mạc cả trăm triệu năm nay. Chỉ cách Neiva 40 cây số, bắt một chuyến xe bus đúng nghĩa xe chợ với anh lái xe béo bụng đúng chất Huila, Làng Cũ là một không gian hoàn toàn khác Neiva nhộn nhạo. Cư dân Làng Cũ vừa có cái khéo léo của người Andean, vừa có cái phóng khoáng của dân hoang mạc, lại vừa khôn ngoan của dân Madgalena. Nói Làng Cũ tập trung những tinh hoa nhất của cả Colombia cũng chẳng sai. Trên sa mạc nóng nực, hình ảnh những vũ điệu đắm đuối khiến tôi chưa bao giờ thôi tự hỏi: Làm thế nào mà ở đây vẫn sở hữu một vũ điệu mềm mại và yêu đời số một Colombia, làm thế nào mà sau từng đấy năm súng ống, người ta vẫn giữ cho nhau những tình yêu với cái vùng đất của họ, làm thế nào mà trong cái nóng sa mạc vẫn nghĩ đến việc hát hò và tán gẫu? Hay là vì sống trong một mớ hỗn độn nên người ta hiểu giá trị của hạnh phúc?
Bể bơi ngoài trời trên sa mạc Tatacao. Gilberto đã từng chuyển đến Bogota vài năm cùng vợ con. Nhưng sa mạc quyến rũ đến nỗi Gil từ bỏ thủ đô phồn hoa, hài lòng với cuộc sống nhàn tản ở đây. Gil hài lòng với mỗi ngày dậy sớm và đi ngủ sớm, chỉ vì trời quá nóng, hài lòng với việc đi bộ giữa những bức tường làm nên từ cát sa mạc, hài lòng với việc câu cá trên dòng Madgalena, hài lòng với một mảnh đất nho nhỏ trồng hoa màu: “Có những năm nước dữ, nửa thị trấn này ngập lụt”. Ở đây, ngay cả một người ăn mày, khi xin tiền cũng: “Nhìn tôi đi, tôi cần tiền để uống một cốc cà phê, để tối nay tôi đủ sức nhảy quanh căn lều rách”. Làng Cũ kể từ khi ra đời đến nay hầu như không có thay đổi gì. Gil bảo, ngoại trừ một khách sạn năm sao được xây dựng hồi năm ngoái, cũng nằm phía ngoài phạm vi sa mạc, mọi dịch vụ du lịch đều giữ nguyên, đến cả cái xe Gil chở tôi, cũng là một loại xe lam tự chế của người Làng Cũ. Cũng đối lập như hai mầu đỏ xám làm nên đặc trưng vùng đất sa mạc Tatacao, Làng Cũ là sự đối lập của chất hoang dã nguy hiềm tiềm tàng người Huila, và sự yêu đời đến đắm say trong điệu nhảy. Làng Cũ – đó là câu chuyện có thật của những kẻ thà chết đói chứ không thể là kẻ không biết nhảy điệu nhảy của người Huila – một Colombia đích thực phía sau những bom nổ và lộn xộn của chiến tranh. Đó là bài ca và những vũ điệu bất tận vang lên trên sa mạc. Giữa cái nóng kinh người, giữa căn lều cũ nằm trên sa mạc, tôi vẫn thấy ở đó không chỉ là sự hoang dã, đó là tình yêu và sự nâng niu tuyệt đối dành cho cuộc sống. |
Theo Mai Nguyên – Nhân dân