Trước một số thông tin gần đây cho rằng, chiếc xe kéo vua Thành Thái tặng mẹ chưa đủ cơ sở chắc chắn với ý nghĩa của nó vốn có, PV Dân trí tại Huế đã có cuộc trao đổi với phía đấu giá là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để ghi nhận ý kiến.
Thời gian qua có thông tin từ một số nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật, nhà văn hóa Huế cho rằng chiếc xe kéo vua Thành Thái còn một số đặc điểm nghi vấn phải làm rõ như: Chiếc xe có phải được vua Thành Thái dành tặng mẹ là Hoàng thái hậu Từ Minh không vì không thấy các tài liệu nhắc đến? Xe có màu sơn đen khảm xà cừ, biểu tượng trang trí không có hình chim phượng hoàng hay các biểu tượng hoàng gia nên chưa phù hợp khi dành cho Hoàng thái hậu? Hội đồng thẩm định nguồn gốc chiếc xe đã được chặt chẽ hay chưa?… PV Dân trí đã có cuộc gặp với TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đơn vị đấu giá trực tiếp chiếc xe kéo này để làm rõ thêm về các ý kiến trên.
PV: Thưa ông, có các tài liệu nhắc đến chiếc xe kéo trên là của vua Thành Thái dành tặng mẹ hay không?
TS. Phan Thanh Hải: Hiện Trung tâm BTDTCĐ Huế đang có một tệp hồ sơ hiện vật dưới dạng file điện tử (*.pdf) gồm 39 trang do Văn phòng bán đấu giá Rouillac (Pháp) cung cấp trước khi tiến hành đấu giá, nội dung liên quan đến hiện vật xe kéo. Đây là một tệp hồ sơ hoàn chỉnh gồm thư từ, ghi chú, các bài cắt ở báo chí, hình ảnh, biên nhận viết tay có chữ ký của vua Thành Thái. Đặc biệt là những bài báo đăng ở một tạp chí thời đó vào ngày 26.10.1907 (từ trang 265 – 269) có đề cập đến việc vua Thành Thái bán chiếc xe kéo với những xuất xứ đã nêu cho ông Jourdan.
Ảnh chụp lại từ trong bộ tài liệu do văn phòng bán đấu giá Rouillac (Pháp) cung cấp cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế về xuất xứ chiếc xe kéo vua Thành Thái tặng mẹ
Hồ sơ đã đề cập rằng: “Thay vì nhìn thấy những tài sản này rơi vào các tay buôn, vua Thành Thái đã thảo bản văn tự viết tay (ngày 18.10.1907) bán chiếc xe kéo và chiếc giường cho Thanh tra Jourdan (Đội trưởng đội Cảnh sát bản xứ) người đã thông cảm với ông trong hơn hai tháng bị quản thúc trong Đại Nội Huế cho đến khi bị đưa đi quản thúc tại “Bạch Dinh” ở Cape Saint Jacques (Vũng Tàu ngày nay).
Để kiếm thêm thu nhập, vua Thành Thái cũng kiếm việc làm thêm tại nơi quản thúc, nơi đó ông được phép mang theo ít người và ít hành lý. Thích thú với phương tiện hiện đại, trong thực tế, ông muốn mua một xe hơi để thay thế các món đồ đã bị tịch thu. Để tỏ lòng biết ơn những người đã thông cảm với mình, ông đã tặng bảo kiếm với chuôi kiếm bằng ngà voi và vàng và vỏ kiếm bằng bạc” (…)
“Xe kéo được Hoàng đế An Nam đặt làm ở làng Kinh-Lược tại Hà Nội, dành cho mẹ của mình Hoàng Thái Hậu Từ Minh – vợ của Hoàng đế Dục Đức, đã qua đời vào năm 1906” (…) “Được bảo quản từ năm 1907 trong gia đình Jourdan, xe kéo và giường được đưa ra trưng bày tại Thị trường thương mại Dijon vào năm 1916” (Tài liệu dịch từ nguyên văn tiếng Pháp trong Hồ sơ).
Thông tin về chiếc xe kéo từ Rouillac, dịch nghĩa đoạn trên “Làm bằng gỗ cứng ở Bắc Kỳ được sơn màu đen và khảm xà cừ. Trang trí chùm hoa hồng, hình cây nho, cành lá và phong cảnh. Hoàng đế Thành Thái đặt các nghệ nhân ở làng Kinh-Lược – Hà Nội làm riêng cho mẹ của mình dùng trong các khu vườn hoàng gia”… (ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cung cấp)
Phía Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tham khảo thêm ý kiến của những ai, thành lập hội đồng như thế nào để đảm bảo tính chặt chẽ khi xác định cổ vật xe kéo này như phía nhà đấu giá đưa ra thông tin?
Trước khi tham gia đấu giá 2 cổ vật tại Pháp (phía Huế đấu giá 2 cổ vật xe kéo và long sàng vua Thành Thái, do giá long sàng quá cao nên đã bị người khác mua – PV), Trung tâm đã báo cáo xin chủ trương của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn hàng đầu của Việt Nam về lĩnh vực cổ vật như TS. Phạm Quốc Quân (nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), TS. Nguyễn Đình Chiến (nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà nghiên cứu và sưu tập cổ vật Trần Đình Sơn, nhà nghiên cứu và sưu tập cổ vật Vũ Kim Lộc… đã khẳng định đây là cổ vật của Huế và triều Nguyễn.
Hồ sơ về 2 cổ vật này đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cung cấp (file điện tử), và có thể nói đó là một bộ hồ sơ khá đầy đủ và đáng tin cậy. Bản thân nhà đấu giá Rouillac cũng là một nhà đấu giá chuyên nghiệp và có uy tín trên thế giới. Mặt khác, từ khi nhận thông tin đến lúc tham gia đấu giá là không có nhiều, nên buộc chúng tôi phải quyết đoán chứ không thể chần chừ. Chúng tôi cũng đã có kinh nghiệm trong vụ đấu giá thất bại bức tranh “Chiều tà” của vua Hàm Nghi nên càng không thể chần chừ do dự, nhất là khi các nhà nghiên cứu mà chúng tôi tham khảo đều khẳng định đây là 2 cổ vật của triều Nguyễn và Huế nên mua.
Thực ra, việc mua được chiếc xe này cũng gặp rất nhiều khó khăn vì khi đã đấu giá thành công chúng ta vẫn bị Bảo tàng Guimet của Pháp tranh chấp (Bảo tàng Guimet là một bảo tàng lớn, rất có uy tín ở Pháp và trên thế giới). Nếu không có sự can thiệp của Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp thì chắc chắn chúng ta đã không thắng được trong cuộc tranh chấp này. Thành công trong việc mua lại chiếc xe này là kết quả của sự nỗ lực và tâm huyết của rất nhiều người và các bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương, bà con Việt kiều ở Pháp và châu Âu.
Chiếc xe kéo sau khi đấu giá thành công đang đặt tại Cung Diên Thọ, Đại Nội Huế
Việc trên chiếc xe kéo không thấy xuất hiện biểu tượng chim phượng hoàng (thường hay dùng cho các Hoàng thái hậu, Hoàng hậu hồi xưa – PV) đặt vấn đề nghi ngờ về tính chất hoàng gia khi vua Thành Thái dành tặng xe cho mẹ mình?
Trước hết, phải khẳng định rằng, không phải bất cứ cái gì có xuất xứ liên quan đến các bà trong cung cũng đều phải có biểu tượng chim phụng (hay còn gọi là chim phượng hoàng – PV) như một số người lầm tưởng.
Do vậy, chiếc xe kéo nói trên không có trang trí hình chim phụng hay những “dấu ấn hoàng gia” cũng là chuyện rất bình thường, hơn nữa, đây là loại phương tiện giao thông mới, có nguồn gốc ngoại lai, nó hoàn toàn không nằm trong các điển chế của triều đình nhà Nguyễn nên dĩ nhiên nó không bị các điển chế chi phối.
Những vật dụng như áo mão, cân đai, hia hài, xe kiệu, võng lọng… của triều Nguyễn đã quy định rất cụ thể trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ vì nó là điển chế liên quan đến thứ bậc, tôn ti phân biệt đẳng cấp xã hội có tính cách hành chính. Còn đối với hiện vật xe kéo, thì nó không thuộc điển chế, không có quy định, lại là một loại vật dụng xuất hiện rất muộn nên không có những chi tiết trang trí có tính điển lệ là điều không có gì đáng ngạc nhiên cả. Bởi vậy, nếu “bắt” nó phải chịu sự chi phối của các điển chế do triều Nguyễn quy định để có trang trí Rồng, Phụng như thắc mắc của một số nhà nghiên cứu thì thật là hài hước.
Chiếc xe kéo không nằm trong điển chế của triều Nguyễn, xuất hiện muộn. Đây là 1 phương tiện giao thông “tân kỳ”
Vua Thành Thái muốn mua tặng cho mẹ mình 1 phương tiện giao thông “tân kỳ” là chuyện có thể hiểu được vì lúc đó ông đã có điều kiện tiếp xúc khá nhiều với văn minh phương Tây. Năm 1902, lần đầu tiên nhà vua ra Hà Nội, ông đã tận mắt thấy những chiếc xe kéo – là loại phương tiện mới được du nhập lúc bấy giờ, sau đó, việc nhà vua đặt các thợ giỏi làng Kinh Lược làm cho riêng ông một chiếc xe để tặng mẹ là chuyện khá đơn giản và dễ hiểu.
Hiện nay, tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình (CVCĐ) Huế vẫn lưu giữ một số hiện vật cung đình làm bằng gỗ, đồi mồi được khảm cẩn xà cừ như hộp đựng khăn vành, áo mão của các phi tần trong cung. Những hiện vật này cũng không hề có rồng phụng hay các “dấu ấn hoàng gia”. Đơn giản vì chúng là những đồ vật được triều đình đặt các thợ giỏi miền Bắc chế tác.
So sánh hình ảnh hoa hồng khảm cẩn trên xe kéo của vua Thành Thái với hình ảnh hoa hồng khảm cẩn trên một chiếc hộp đồi mồi (dùng để đựng khăn vành); trên một chiếc hộp gỗ (dùng để đựng nữ trang) của các bà trong cung Nguyễn thì rất dễ nhận thấy những điểm tương đồng. So sánh hình ảnh cây lá và hoa lan khảm cẩn trên xe kéo với hình ảnh cây lá và hoa lan khảm cẩn trên một chiếc hộp đồi mồi dùng để đựng khăn vành của các bà trong cung Nguyễn cũng rất dễ nhận thấy những điểm tương đồng.
Chẳng lẽ, các hộp đồi mồi, hộp gỗ đang lưu trữ và trưng bày ở Bảo tàng CVCĐ Huế bao nhiêu năm qua cũng là bình dân vì “không có dấu hiệu của hoàng gia” (?). Chẳng lẽ nếu hiện vật không được trang trí rồng phụng, chỉ trang trí hoa lan, hoa hồng đều là bình dân cả?
Thực chất vì tất cả các loại hiện vật này không nằm trong điển lệ, lại có niên đại muộn nên chuyện không được làm theo điển chế là chuyện đương nhiên.
Việc xe không phủ bằng chất liệu thường thấy trong Hoàng cung Huế là “sơn son thếp vàng” mà chỉ sơn đen, khảm xà cừ có hợp lý với một chiếc xe của Hoàng thái hậu hay không?
Thực tế thì đã có rất nhiều hiện vật hoàn toàn của cung đình đều được khảm xà cừ trên nền sơn mài đen (ví như bức khảm xà cừ trên nền sơn mài đen khảm bài Ngự chế Cơ Hạ Viên treo ở điện Biểu Đức, lăng Thiệu Trị; hay bức khảm xà cừ trên nền sơn mài đen khắc bài dụ của vua Minh Mạng hiện bảo quản trong kho Bảo tàng CVCĐ Huế).
Chẳng lẽ các bức sơn mài vừa nêu lại là chất liệu phổ biến trong dân gian, không được phép “tồn tại trong cung” (?) sao chúng không được sơn son thếp vàng như các trường hợp phổ biến (?). Điều này cũng nói lên rằng, nhận định xe phải phủ bằng sơn son thếp vàng chỉ là võ đoán và phiến diện.
TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trả lời phỏng vấn báo Dân trí
Có ý kiến cho rằng chiếc xe kéo có thể dùng cho các tầng lớp cấp cao hồi đó như quan lại thì đúng hơn vì hình dáng tuy cũng đẹp nhưng không đến mức đẹp để dùng cho ngôi thứ của Hoàng Thái hậu Từ Minh?
Chiếc xe này được đặt hàng ở Hà Nội và có lẽ nó là chiếc xe đầu tiên được đưa về Huế. Trong các bức ảnh tư liệu hiện còn, chốn Hoàng cung đầu thế kỷ 20 – sau đời vua Thành Thái từng xuất hiện những chiếc xe kéo của vua Khải Định, của vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương và Hoàng thái tử Bảo Long. Cả 4 chiếc xe kéo vừa nêu đều đơn giản, không trang trí, và xem ra còn có vẻ “bình dân” hơn nhiều so với chiếc xe của vua Thành Thái.
Nếu so sánh với khoảng 50 bức ảnh về xe kéo chụp tại Việt Nam từ đầu thế kỷ, thì hình dáng chiếc xe kéo này đúng là không những chuẩn mà còn có một “đẳng cấp” khác biệt, điều này dễ dàng nhận diện bằng mắt thường, không cần phải có nhiều kiến thức. Chiếc xe kéo vừa đấu giá thành công được làm bằng gỗ quý, được khảm xà cừ rất tinh tế và trang nhã, chắc chắn nó là một sản phẩm cao cấp của những người thợ hàng đầu của xứ Bắc Kỳ hồi đó.
(ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cung cấp)
Xin ông cho biết thêm những suy nghĩ cá nhân từ việc một số dư luận nghi vấn về chiếc xe kéo vua Thành Thái tặng mẹ trên, được biết khi đây là lần đầu tiên Việt Nam đấu giá thành công cổ vật của đất nước ta từ nước ngoài?
Trước đây, khi Trung tâm không thành công trong việc đấu giá bức tranh “Chiều tà” của vua Hàm Nghi, nhiều người cũng đã tỏ ra tiếc nuối và có ý phê phán khá gay gắt khi cho rằng Trung tâm thiếu quyết tâm. Nhưng không hiểu nếu chúng tôi đấu giá thành công thì họ có nghi ngờ về nguồn gốc của bức tranh này hay không (?). Và chắc chắn khi tham gia đấu giá bức tranh (lúc bấy giờ) chúng tôi cũng đã tham khảo ý kiến của một số nhà nghiên cứu, cũng không ai dám xác quyết rằng, đó thực sự là bức vẽ của vua Hàm Nghi, đó là bản sao hay là bản gốc (?). Câu chuyện ở đây là mọi người đều có niềm tin vào nhà tổ chức đấu giá, bằng không, nếu hoài nghi (trong hoàn cảnh cần quyết đoán) thì làm sao để tham gia đấu giá để đưa cổ vật về Tổ Quốc?!
Cuối cùng, điều đáng nói ở đây là quyền nghi ngờ về xuất xứ của chiếc xe kéo này là chuyện cũng bình thường đối với những người không nắm rõ thông tin. Ở đây, chỉ thấy đáng tiếc là một số nhà nghiên cứu lại đưa ra những nhận định rất chủ quan đã làm hoang mang dư luận, làm tổn thương không ít đến nhiều người, làm ảnh hưởng trực tiếp đến công cuộc bảo tồn di sản, nhất là trong lúc di sản văn hóa đang cần tiếng nói đồng thuận, chung sức nhằm bảo tồn vốn cổ.
Xin cảm ơn ông !
Theo Đại Dương (Dân trí)