Vũ Bằng tên đầy đủ là Vũ Đăng Bằng, sinh ngày 3-6-1913 tại Hà Nội, là hậu duệ của một gia hệ nổi tiếng khoa bảng, quê gốc ở Ngọc Cục, huyện Lương Ngọc (nay là huyện Bình Giang, Hải Dương), sau chuyển cư lên Hà Nội, làm thuốc và dạy học. Cuối thế kỷ XIX, cụ Vũ Vĩnh Thịnh đã là chủ một nhà in lớn ở phố Hàng Gai, sinh được 6 người con, 3 trai, 3 gái, Vũ Bằng là con trai út. Không may, người bố qua đời khi Vũ Bằng còn nhỏ tuổi. Bù lại, người mẹ buôn bán giỏi, đủ tiền nuôi các con ăn học, trưởng thành.

Nhà văn Vũ Bằng

Con nhà giàu trở thành nhà văn bình dân

Vũ Bằng từ nhỏ đã tỏ ra rất thông minh, đặc biệt ham chuộng văn chương, và do duyên phận, đã chơi thân với cậu bé con nhà nghèo Vũ Trọng Phụng (nhà bên phố Hàng Vôi, sau chuyển về phố Hàng Bạc), bạn học cùng lớp, ngồi cùng một bàn, ở trường Hàng Vôi. Lớn lên, hai người trở thành đôi bạn văn rất thân thiết. Năm 16 tuổi, đang học ở trường Allbert Sarraut, Vũ Bằng đã có tác phẩm đăng trên tờ An Nam tạp chí. Đến khi đỗ Tú tài Tây, ông đã coi viết văn làm báo là nghề của mình. Người mẹ khuyên nhủ rất nhiều để con trai đi du học Y khoa ở Pháp, đến mức bà ta thán: “Trời ơi, làm cái nghề gì chứ lại làm báo! Xin anh thương mẹ, đừng làm cái nghề ấy, vì nhà ta không nhiều phúc đức đâu…”. Nhưng Vũ Bằng vẫn quyết chí theo nghiệp văn chương, báo chí. Nhiều nhà văn đương thời, trong đó có hai người bạn thân của Vũ Bằng là Lê Tràng Kiều và Vũ Trọng Phụng, viết văn, làm báo để kiếm sống. Nhà giàu có, người mẹ rất cưng chiều, Vũ Bằng lao vào nghề viết không phải vì kế sinh nhai. Năm mười tám tuổi, 1931, Vũ Bằng đã xuất bản tác phẩm Lọ văn, và nổi tiếng trên văn đàn bởi giọng văn hoạt kê độc đáo. Sau tác phẩm hoạt kê Lọ văn, Vũ Bằng liên tục cho đăng những truyện ngắn tả thực với ngôn ngữ văn chương tươi mới và sắc sảo, rất cuốn hút người đọc. Nguyễn Vỹ, nhà thơ rất nổi tiếng giai đoạn đầu của phong trào Thơ mới, đã viết về Vũ Bằng: “Anh có lối tả chân thật đặc biệt, có khi rất nhẹ nhàng khả ái như Alphonse Daudet, có khi kỳ thú như Couteline… Anh là một nhà văn Việt Nam độc đáo trên lĩnh vực tả chân trào phúng, trước kia và bây giờ…”. Vũ Bằng có một tấm lòng đặc biệt thương những người nghèo khó, phẩm chất này sau thể hiện rất đậm trong văn chương của ông, và chính nó khiến một thanh niên con nhà giàu có của Hà Nội đã trở thành một nhà văn bình dân. Trên Văn học tạp chí số 4 năm 1935, Lê Tràng Kiều, nhà phê bình văn học hàng đầu khi ấy, đã viết về ba gương mặt văn chương đặc sắc đương thời là Tam Lang Vũ Đình Chí, Tiêu Liêu Vũ Bằng và Thiên Hư Vũ Trọng Phụng rằng, “(họ) có một điểm rất giống nhau, là lòng thương đám bình dân đói khổ. Xã hội văn chương gọi chung họ bằng cái tên thân mật: “Bình dân”… Ba ông cũng là ba nhà văn tả thực, và cùng mở đầu cho nghề phóng sự ở nước ta”.

Mới ngoài hai mươi tuổi, Vũ Bằng không chỉ viết rất nhiều, mà ông còn rất nổi tiếng trong làng báo. Ngoài cộng tác với rất nhiều tờ báo ở Hà Nội và Sài Gòn, ông còn trực tiếp làm chủ bút tờ Tiểu thuyết Thứ bảy, đồng thời làm Thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ nhật… Có thể nói, trong đời sống văn chương báo chí đương thời, Vũ Bằng là người tài ba và hoạt động sôi nổi bậc nhất. Năm 1935, Vũ Bằng cưới bà Nguyễn Thị Quỳ, người xã Tư Thế, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, hơn ông bảy tuổi. Vũ Trọng Phụng đã đến chúc mừng đám cưới bạn, và nhận xét một câu, như một lời tiên tri rằng, với bà Quỳ, Vũ Bằng sẽ tạo nên trong đời sống một thiên chuyện tình khiến người đời trân trọng!

Sau một cú vấp ngã rất đau

Sau Lọ văn, Vũ Bằng xuất bản liên tục nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết, trong đó có tiểu thuyết Một mình trong đêm tối, khiến danh tiếng nổi như cồn. Đồng thời, do được dư dật về tiền nong, ông bị sa vào ăn chơi, đến mức có thể gọi là khét tiếng trong tiêu xài. Bà Nguyễn Thị Quỳ vô cùng yêu chồng, nhưng, điều bà lo lắng nhất đã thực sự xảy ra: Vũ Bằng đã nghiện thuốc phiện rất nặng! Đó là một tai họa, đột ngột ập đến với gia đình. Suốt hơn bốn năm ròng, nhờ tình yêu và lòng tận tụy chăm sóc, khuyên nhủ thường xuyên của bà Quỳ, cùng sự trợ giúp của người cô ruột, thêm cả sự quyết tâm của bản thân, Vũ Bằng đã cai được thuốc phiện. Ông coi đó là một cú vấp ngã rất đau, may đã đứng dậy được. Một thời gian ngắn sau, ông viết cuốn tự truyện Cai. Đương thời, tác phẩm này khiến Vũ Bằng nổi lên như một hiện tượng bởi, văn tự truyện mà tác giả viết sát sạt đời sống như thể loại ký sự rất hiện đại; thêm nữa, Cai cuốn hút người đọc vì nó cho họ biết những buồn vui sướng khổ nơi góc khuất cuộc đời riêng tư của nhà văn.

Sau cú vấp ngã rất đau ấy, Vũ Bằng làm việc hết sức, như muốn bù lại cho một thời gian đã phí hoài, và cũng để đáp lại tình thương yêu của người vợ hiền. Bà Quỳ vô cùng yêu chồng, đã dốc sức lo toan mọi việc gia đình, để chồng yên tâm sáng tác. Nhờ vậy mà Vũ Bằng có thể liên tục viết và cho xuất bản các tiểu thuyết Truyện hai người (1940), Tội ác và hối hận (1940), Để cho chàng khỏi khổ (1941), Ba truyện mổ bụng (1941), Bèo nước (hai tập- 1944)… Đáng chú ý nhất là cả loạt truyện ngắn ông cho đăng trên báo chí, nhiều nhất là trên Tiểu thuyết Thứ bảy, trước khi xuất bản thành sách. Theo Tô Hoài thì, “đến khi Vũ Bằng cho in liên tiếp một loạt truyện ngắn, truyện vừa trên tuần báo Tiểu thuyết Thứ bảy mới nổi cái riêng biệt, cả đến tên truyện cũng khác kiểu…”. Những năm này, Vũ Bằng nổi lên như một tài năng có công lớn trong việc cách tân tiểu thuyết, hiện đại hóa nền văn xuôi Việt Nam. Qua hồi ức của Tô Hoài, ta hiểu phần nào điều đó: “Những năm ấy, Nam Cao đương ở với tôi trên Nghĩa Đô. Chúng tôi mải mê đọc Vũ Bằng…”. Tô Hoài đã nêu vấn đề với giới nghiên cứu lý, luận văn học hiện nay rằng, “nếu nhà nghiên cứu văn học nào lưu tâm đến những truyện ngắn Vũ Bằng hồi ấy với (những) truyện ngắn Nam Cao và (các) truyện ngắn Bụi ô tô, Một đêm giăng suông… của tôi trên báo Hà Nội tân văn có thể dễ dàng nhận thấy hai ngòi bút này (có) hơi hướng Vũ Bằng. Chính chúng tôi vẫn thường thành tâm tự nhận xét (mình) ảnh hưởng anh ấy…”.

Những năm Vũ Bằng tạo nên ảnh hưởng lớn đối với nền văn chương nước nhà là những năm đời sống xã hội có những biến động rất lớn: Việt minh hoạt động mạnh và tạo ảnh hưởng to lớn trong đời sống dân tộc; rồi Nhật đảo chính Pháp. Và rồi bùng lên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Ngay sau đó lại phải tiến hành cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp, khi chúng hòng chiếm nước Việt Nam ta một lần nữa. Những chấn động vô cùng to lớn ấy tác động mạnh tới tâm can trí não của mọi người Việt Nam, trong đó có nhà văn Vũ Bằng…

Thầm lặng kháng chiến

Cuối năm 1946, Vũ Bằng cùng gia đình tản cư ra vùng kháng chiến. Trước con mắt người đời, ông sống như một ký giả nhà giàu đã bất phùng thời, không mấy quan tâm đến thời cuộc. Đầu năm 1948, nhà văn Nam Cao trên đường công tác kháng chiến, đã tìm đến thăm Vũ Bằng, bậc đàn anh trong văn giới. Ở chơi với gia đình Vũ Bằng một ngày, được uống chè xanh, ăn kẹo lạc do bà Nguyễn Thị Quỳ làm, rất ngon, khiến Nam Cao nhớ mãi; nhưng ông vẫn chỉ có thể nhìn Vũ Bằng như người đời đã nhìn nhận…

Cuối năm 1948, gia đình Vũ Bằng trở về Hà Nội, như một ký giả giàu có không chịu nổi cuộc sống thiếu thốn ở nơi tản cư. Không ai biết rằng ông đã tham gia công tác trong mạng lưới tình báo cách mạng. Ông đang sống như một chiến sĩ kháng chiến thầm lặng. Ngôi nhà số 11 Hàng Da của ông là cơ sở của những cán bộ hoạt động bí mật trong nội thành. Quãng thời gian này, trước mắt người đời, Vũ Bằng là một ký giả bất đắc chí. Nhiệm vụ khiến ông phải như vậy. Nhưng trong đáy lòng, không phải ông không nghĩ đến văn chương. Không đừng được, năm 1952, Vũ Bằng đã nhận lời mời viết lời tựa cho tác phẩm Lấy nhau vì tình của Vũ Trọng Phụng do Mai Lĩnh tái bản, như ông viết “vì có dịp thổ lộ một ít tâm sự chất chứa trong lòng đã lâu, về một người bạn từ lúc còn tấm bé cùng ở phố với nhau, cùng học với nhau trong trường văn trận bút”. Chính trong lời tựa mang tên Cảm nhớ Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng phần nào bộc lộ tư tưởng rất nhân văn: “Vũ Trọng Phụng nói hộ tất cả ra… làm cho độc giả cảm động đến chỗ thẳm cùng của tim óc. Sở dĩ văn anh đạt đến chỗ đó, một phần lớn là vì anh tha thiết thật tình với giai cấp bị bóc lột, anh là một tín đồ trung thành của chủ nghĩa xã hội, và anh phụng sự nghệ thuật vị nhân sinh”.

Năm 1954, với bí danh X10, Vũ Bằng đã lặng lẽ vượt tuyến, vào hoạt động trong miền Nam, để lại bà Quỳ và con trai Vũ Hoàng Tuấn ở Hà Nội. Là một nhà văn – ký giả danh tiếng, Vũ Bằng được nhận làm việc tại cơ quan Việt tấn xã. Quá nhớ và lo lắng về chồng, bà Nguyễn Thị Quỳ đã từ Hà Nội vào Sài Gòn thăm ông. Khi từ trong Nam quay về Hà Nội, bà giấu tài liệu mật Vũ Bằng gửi ra dưới đế giầy cao gót, rồi đưa cho cấp trên của ông. Dẫu phải gánh chịu biết bao ghẻ lạnh, nghi ngờ của người đời trong nhiều năm trời, bà Quỳ vượt qua hết, lại càng thấy thương và quý trọng chồng mình hơn. Đời sống trên đất nước diễn biến rất nhanh, thông tin liên lạc giữa hai miền nói chung và hai vợ chồng Vũ Bằng nói riêng không còn đều đặn như trước được nữa. Nhưng, có thể nói, dẫu không thổ lộ được với ai, bà Nguyễn Thị Quỳ cũng lặng lẽ trở thành người vợ của người chiến sĩ kháng chiến thầm lặng.

Một hiện tượng trong văn chương – báo chí Sài Gòn

Đã ổn định trong vai trò của một ký giả danh tiếng đảm bảo cho công tác của một chiến sĩ quân báo, Vũ Bằng bắt đầu trở lại với văn học. Lê Tràng Kiều đã ghi nhận từ năm 1935 rằng, Vũ Bằng là một trong ba nhà văn mở đầu cho nghề phóng sự ở nước ta. Bây giờ, Vũ Bằng đi sâu vào thể ký, nhưng viết với chiều sâu của văn chương phong tục. Cuối năm 1956, ông cho xuất bản tác phẩm Ăn tết thủy tiên, khiến giới quan tâm ghi nhận một phong thái mới trong đời sống văn chương Sài Gòn. Năm 1960, xuất bản tập ký Miếng ngon Hà Nội, văn phong tinh tế và thật giàu xúc cảm. Sau này, thêm sự kiện tác phẩm Thương nhớ mười hai, xuất bản năm 1972, thì công chúng văn học đã ghi nhận nhà văn Vũ Bằng đã tạo nên thể loại hồi ký trữ tình độc đáo cho văn học Việt Nam. Tập bút ký Miếng lạ miền Nam (1969), và cuốn hút hơn là tập hồi ký Bốn mươi năm nói láo (1969) càng khẳng định tài năng viết ký của ông. Không chỉ viết ký, Vũ Băng còn viết nhiều thể tài khác, từ biên khảo, truyện ngắn cho đến tiểu thuyết, và liên tiếp cho xuất bản: Khảo cứu về tiểu thuyết (biên khảo, 1969), Mê chữ (tập truyện, 1970), Nhà văn lắm chuyện (1971), Những cây cười tiền chiến (1971), Người làm ma vợ (tập truyện ký, 1973), Bóng ma nhà mẹ Hoát (tiểu thuyết, 1973)…

Qua những đầu sách liên tiếp ra đời như vậy, ta thấy kiến văn và bút lực của Vũ Bằng dồi dào đến ngần nào trong những năm bước tới tuổi sáu mươi! Những năm ấy, Vũ Bằng được coi như một hiện tượng mới lạ trong đời sống văn chương – báo chí Sài Gòn. Trong sách Nhà văn miền Nam, Võ Phiến viết về Vũ Băng: “… có lúc một mình trông nom ba tờ báo ở Sài Gòn là Đồng Nai, Sài Gòn mai và Tiếng dân; lại có lúc vừa viết cho Dân chúng, làm Tổng thư ký báo Tin điện, lại vừa hợp tác với người thứ ba làm báo Vịt Vịt…”. Nhà văn Tạ Tỵ nhận định: “Vũ Bằng là một hiện tượng… Nhưng khi nhìn thẳng vào đời sống Vũ Bằng dưới mái nhà bé nhỏ bên chân cầu Tân Thuận, tự nhiên lòng tôi thấy xót xa. Chính vì cần tiền nên cứ vào khoảng 3 giờ sáng, Vũ Bằng một mình một bóng vừa viết vừa ngồi hứng từng chậu nước đổ vào bể chứa cho vợ nấu cơm và giặt giũ. Trời vừa hửng sáng, mặc quần áo đi làm, mang theo bản thảo. Buổi trưa đến cây xăng Cống Bà Xếp, ngồi giữa hơi xăng và dầu mỡ mà viết, vì về nhà con còn nhỏ, la hét um sùm không viết nổi. Có lúc nhà in giục, Vũ Bằng viết luôn tại nhà in, được trang nào đưa sắp chữ ngay trang ấy. Nhiều khi Vũ Bằng viết ở ghế đá công viên, nghĩa là chỗ nào lúc nào anh cũng viết được, vì chữ nghĩa có sẵn, chờ dịp trút xuống”… Nhà văn, cứ ba giờ sáng là vừa viết vừa hứng từng chậu nước  đổ vào bể chứa, sống cặm cụi cứ như thân cò thân vạc vậy. Cho đến ngày 7-4-1984, ông trút hơi thở cuối cùng, gia cảnh vô cùng túng thiếu.

Vũ Bằng được các nhà văn nổi tiếng Sài Gòn (cũ) ghi nhận là một hiện tượng văn chương đặc biệt trong đời sống văn chương – báo chí miền Nam. Họ chỉ biết, ngoài năm mươi tuổi ông lập gia đình với bà Phấn, rồi lao động vất vả để nuôi vợ con. Họ đâu có biết, nhà văn tài danh Vũ Bằng còn là một chiến sĩ quân báo, vào Sài Gòn để chống Mỹ, cứu nước!

Bản thảo viết tay của nhà văn Vũ Bằng

Văn chương của tình yêu

Có một lẽ nữa các nhà văn Sài Gòn (cũ) không mấy ai hiểu là, trong những tác phẩm hồi ký trữ tình chứa đựng một tình yêu thật sâu nặng ông dành cho người vợ hiền. Từ Sài Gòn nhìn về Hà Nội xa vời vợi, Vũ Bằng thương vợ, nhớ con khôn cùng. Miếng ngon Hà Nội, nhà văn viết ngay đầu sách, những lời rất dè dặt để khỏi lộ hình tích: “Thân mến tặng Quỳ – người nội trợ đã giúp tôi viết xong cuốn sách này; người bạn đã cho tôi được thưởng thức miếng ngon đất Bắc; để kỷ niệm những ngày vui sống bên đầm Linh Đường ngào ngạt hương sen”. Tác phẩm này biểu hiện nội tâm của một người nhớ người vợ cuối trời xa; cũng hướng tới cảnh sắc thiên nhiên bốn mùa, biểu hiện một tấm tình thương yêu xứ sở. Trong tác phẩm ấy, ông viết, như nén một cơn nhớ đau nhói: “…có khi người vợ ho mà chồng như thấy mình đau nơi ngực, người chồng buồn mà vợ như thấy cả bầu trời ủ rũ, tang thương”… Theo thời gian, người đời thấu hiểu hơn, đã coi Miếng ngon Hà Nội cùng với Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng là những tác phẩm của tình yêu.

Thương nhớ mười hai, nhà văn khởi viết từ tháng Giêng năm 1960, cho đến năm 1971 mới hoàn thành. Lời mở đầu sách: “Bắt đầu viết cuốn sách này thì là nhớ. Viết đến câu cuối bài Tháng Chín thì là thương. Thương không biết bao nhiêu, nhớ không biết bao nhiêu người bạn chiếu chăn: Nguyễn Thị Quỳ. Thành mến tặng Quỳ cuốn sách này để thay mấy lời ai điếu”. Không biết khi viết xong Thương nhớ mười hai nhà văn mới biết vợ mình đã qua đời, hay khi viết đến đến bài Tháng Chín ông đã linh cảm được vợ mình qua đời tại Hà Nội năm 1967. (Cuốn sách theo bố cục mười hai tháng, Tháng Chín ông viết vào năm 1967 chăng?). Những năm đó, tại Hà Nội, cũng như bao người vợ miền Bắc có chồng chiến đấu trong Nam, bà Quỳ sống trong cảnh ngày Bắc đêm Nam. Và thật lạ lùng cho chuyện tình yêu, chữ nghĩa: Vũ Bằng viết Tháng Tư, đã có câu: “Thật tội nghiệp cho người vợ bé nhỏ đầu tắt mặt tối”. Còn (nếu) viết Tháng Chín vào năm 1967, có câu: “thì là thương… Thương không biết bao nhiêu…”? Trên thực tế, ở Hà Nội, một buổi chiều tháng Tư năm 1967, bà Nguyễn Thị Quỳ bảo con trai Vũ Hoàng Tuấn mua cho bà mấy quả chanh; rồi bảo con đọc cho bà nghe mấy trang trong cuốn Thuyền tình bể ái mà ngày xưa bà và ông Vũ Bằng đều rất yêu thích. Như hồi ức của Vũ Hoàng Tuấn thì: Suốt đêm ấy trời mưa to, mẹ anh giở từng trang bưu thiếp có bút tích của cha anh. Bà nói những lời lo lắng về sức khỏe của cha anh đang ở nơi xa xôi cuối trời. Lúc sau bà khóc: “Mẹ không thể chờ đợi được nữa con ạ…”. Rồi bà nằm xuống, nắm lấy tay con trai, từ biệt cõi đời. Phải chăng, vào thời khắc đó, ở Sài Gòn, Vũ Bằng viết những lời như thảng thốt kêu lên: “Quỳ ơi, bây giờ em ở đâu?”… Văn như vậy sẽ còn vang vọng mãi trong cuộc đời này. Chao ôi, Vũ Bằng, ông đã đạt tới văn chương của tình yêu!

(Nguồn: Văn nghệ số 34/2012)