Nguyễn Thị Mai
Vào một ngày cận Tết năm Giáp Ngọ (2014), quãng 8 giờ tối, người vợ gọi điện thăm hỏi chồng như thường lệ: “Anh khỏe không? Đảo hôm nay có sóng to gió lớn không?”. Người chồng – Một Trung úy hải quân đang làm nhiệm vụ trên đảo Tốc Tan C với tiếng cười sang sảng trêu vợ: “Ngày nào cũng hai lần hỏi anh có khỏe không? Đảo có sóng to gió lớn không? Vợ ơi, sao mà yêu thế?”.

Người vợ giả vờ nghiêm giọng: “Trả lời đúng câu hỏi đi. Để em yên tâm dừng máy ôn bài vì mai em phải thi chuyên môn”. “Vợ đúng là cô giáo, nghiêm túc quá? Anh xin báo cáo: Anh khỏe, đảo bình yên… nhưng cho anh trò chuyện thêm chút xíu, nhớ lắm…”. “Thôi em dừng để ôn bài đây. Chào chồng”. Cuộc trò chuyện ấy không ngờ là cuộc trò chuyện cuối cùng với chồng của cô giáo Nguyễn Thị Dung – một giáo viên đang dạy học tại trường trung học cơ sở Thạch Mỹ Lợi – Quận 2 Thành phố Hồ Chí Minh. Bởi vì chỉ trưa hôm sau thôi, 12 tiếng đồng hồ sau thôi, chị đã thành vợ liệt sĩ, thành góa phụ ở tuổi 29. Mãi mãi không còn cuộc chuyện trò nào với anh nữa.

Cho đến bây giờ, cô giáo Nguyễn Thị Dung vẫn chưa hết ân hận vì cuộc trò chuyện tối hôm trước với chồng là Trung úy hải quân Phan Văn Hạnh. Vì chị nghĩ do mình ngắt cuộc nói chuyện mà anh giận để trưa hôm sau anh không gọi điện cho chị như mọi ngày. Chị có ngờ đâu, quãng gần trưa hôm ấy, ngày 17/1/ 2014, Trung úy Phan Văn Hạnh và đồng đội nhận nhiệm vụ tuần tra bảo vệ quanh đảo Tốc Tan C trên xuồng máy. Khi ra khỏi rạn san hô ngầm, xuồng của anh chạy quanh đảo kiểm tra đường biên thì bất ngờ gặp phải luồng sóng lừng cuồn cuộn từ đại dương ập vào. Gió quá lớn, luồng xoáy chảy mạnh, cơn sóng lừng hung hãn đã ụp xuống vật chiếc xuồng tuần tra lật úp, người anh văng ra đập vào những tảng san hô sắc cứng. Trung úy Phan Văn Hạnh đã vĩnh viễn ngã vào lòng biển mẹ.

Cùng quê Yên Thành – Tỉnh Nghệ An, Phan Văn Hạnh và Nguyễn Thị Dung là một cặp xứng đôi vừa lứa, mẫu chuẩn của thời đại: Vợ làm cô giáo, chồng là bộ đội. Nhưng cuộc sống vợ chồng những năm đầu họ đâu có thuận lợi mà là muôn vàn khó khăn: Chồng vừa tốt nghiệp trường Trung cấp kỹ thuật Hải quân về nhận công tác tại Căn cứ 696 Hải quân với đồng lương bộ đội chỉ 1,9 triệu đồng, trong khi vợ đang mang bầu không còn việc làm do chính sách giảm biên chế và trong khi không có nhà ở, họ phải đi thuê. Cuộc sống cơm rau nuôi vợ bằng số lương ít ỏi nhưng Phan Văn Hạnh vẫn lạc quan, không hề kêu ca phàn nàn để vợ lo lắng bế tắc. Anh thường hát cho vợ nghe nhiều bài trong đó có bài Email tình yêu mà cho đến bây giờ mỗi lần nhớ chồng, chị Dung lại thấy văng vẳng bên tai: Từng giọng tim em nơi đâu gần lại tim tôi xôn xao. Dù lời yêu kia nghe như vô hồn. Đợi chờ email trong bao ngổn ngang… Có lẽ do tinh thần lạc quan của anh, do tình thương người lính biển và được tình yêu chắp cánh mà chị đã vượt qua được tháng ngày gian nan vất vả nhất, trong đó có cuộc vượt cạn ngoạn mục với đứa con gái ra đời khỏe mạnh, kháu khỉnh.

Đúng vậy, cuộc sống dù gian khổ, vất vả đến đâu rồi cũng dần dần vượt qua. Năm năm sau, chị Nguyễn Thị Dung đã trở thành giáo viên hợp đồng giảng dạy tại một trường Trung học cơ sở, vợ chồng được bố mẹ hỗ trợ đã xây được căn nhà nhỏ trong ngõ hẻm và con gái họ đã đến trường mầm non. Bấy giờ đang là thợ sửa chữa máy tàu trong bờ, Nguyễn Văn Hạnh xung phong ra đảo với nhiệm vụ sửa chữa những máy tàu bị sự cố. Anh đi hai năm, từ 2012 đến đầu năm 2013. Và chuyến đi cuối cùng của anh là tháng 7 năm 2013 ra đảo Tốc Tan C làm nhiệm vụ bảo vệ đảo rồi vĩnh viễn không trở về.

Tốc Tan là một đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa, Tốc Tan C là phần đảo nằm ở cụm san hô phía Bắc của đảo Tốc Tan. Từ đất liền ra đó, tàu hải quân đi khẩn cấp cũng mất 3 ngày 3 đêm. Hôm trước ngày lên đường nhận nhiệm vụ, Trung úy Nguyễn Văn Hạnh từ Cam Ranh tranh thủ thứ bảy – chủ nhật về thăm nhà chia tay vợ con. Hai ngày đó sao mà thắm thiết. Bố nằm trên võng ôm con gái vào lòng và dặn: “Bố đi lần này sẽ lâu mới về. Con ở nhà chăm ngoan, học giỏi, nghe lời mẹ, bố sẽ mua quà cho con”. Rồi hai bố con trồng một cây mít trước cửa nhà. Bố dặn: Con nhớ gọi điện luôn cho bố kể việc con chăm cây mít thế nào nhé!”. Còn với vợ, anh hẹn: “Ngày nào mình cũng gọi điện cho nhau 2 lần. Vào buổi trưa và buổi tối em ạ!”. Chính vì thế mà cái buổi trưa định mệnh ngày 17 tháng 1 năm 2014 ấy, không thấy chồng gọi, mặc dù đang thi nhưng Nguyễn Thị Dung vẫn nóng lòng nóng ruột chỉ mong sao cho chóng về nhà để được gọi điện cho chồng. Nhưng về nhà đã quá trưa, đúng vào giờ nghỉ trưa nên chị muốn để cho anh được nghỉ ngơi. Đầu giờ chiều, chị cầm máy gọi điện ngay cho anh, máy reo nhưng không thấy trả lời. Chị nghĩ: Chắc anh còn giận chị tối qua không cho tâm sự, trưa nay lại không gọi hỏi thăm nên giờ không cầm máy”. Chị gọi tiếp mấy cuộc nữa thì được một đồng đội của anh cầm máy báo tin anh Hạnh bị cảm đang điều trị. Từ lúc đó, chị sốt ruột vô cùng. Linh tính báo cho chị biết có điều gì không lành với anh. Nhưng hỏi ai cũng không nói, trong khi bố mẹ chồng và cả nhà chị đã biết anh mất nhưng dấu biệt tin. Ba ngày sau, tin dữ đã chính thức đến với Nguyễn Thị Dung. Người phụ nữ vốn đã nhỏ bé, gày gò giờ nghe tin chồng mất gục đổ, rũ mềm như mảnh buồm sau trận bão. Không ăn không ngủ được, ngất lên ngất xuống, chị thành thân xác không hồn. Ngày chồng chị được chuyển theo tàu hải quân sau ba ngày lênh đênh trên sóng nước về cảng Nhơn Trạch, Đồng Nai, chị cũng không được ra nhìn mặt chồng vì gia đình sợ chị không đủ sức chịu đựng. Sau những ngày đó, chị luôn mất ngủ vì đau đớn. Một lần ngủ thiếp đi, chị Dung mơ nhìn thấy chồng đứng trước  mặt, trên người anh chỉ độc một chiếc quần xà lỏn. Chị vội chạy vào nhà lấy áo ra cho chồng mặc thì chỉ thấy có chiếc áo màu xanh bị rách phần bụng. Trong mơ chị vẫn nghĩ: Chưa bao giờ thấy chồng mặc chiếc áo xanh này vì chỉ nhìn thấy anh mặc áo màu trắng hải quân. Tỉnh cơn mơ, mấy ngày sau chị gọi điện kể với một đồng đội của chồng ngoài Tốc Tan C thì thật ngạc nhiên, đồng đội của chồng chị nói rằng khi hy sinh Trung úy Nguyễn Văn Hạnh cũng mặc áo màu xanh và bị sóng quật, san hô móc rách cả mảng áo bụng.

Bây giờ, Trung úy Nguyễn Văn Hạnh đã về với đất liền Yên Thành nằm với quê hương như con về với mẹ. Anh ra đi đã hơn ba năm, nhưng nỗi nhớ thương anh trong người vợ vẫn không thể nguôi ngoai. Nghe chị kể mà sao thương quá: “Hồi trước cứ mỗi khi em đi làm, chồng lại dắt xe ra cho và đặt vào cốp xe chiếc áo mưa để em dùng khi trời mưa. Bây giờ cứ mỗi khi gặp mưa là em lại khóc”. Chị còn kể: “Từ ngày anh Hạnh mất, hai mẹ con em toàn trải chiếu nằm đất ngay dưới bàn thờ chồng để cứ nhìn lên là gặp anh trong tấm ảnh thờ đang nhìn hai mẹ con trìu mến. Nhiều đêm em không ngủ được, ra mở toang cửa đợi chồng vì cứ nghĩ là thể nào anh cũng bất chợt trở về với em”.

May sao đời chị còn được anh để lại cho đứa con gái ngoan, học giỏi – cháu Phan Thị Thùy Dương – năm nay đã học lớp ba, là nguồn an ủi lớn trong đời chị. May sao, chị còn được đơn vị của anh, đồng đội của anh thật sự quan tâm chăm lo. Đặc biệt Phòng Chính sách Hải quân Vùng 4 đã chuyển cho chị vào biên chế làm giáo viên trường mầm non cơ sở 696 đơn vị cũ của chồng và Hội Phụ nữ đơn vị 696 luôn giúp đỡ động viên chị tháng ngày để chị vượt qua được nỗi mất mát lớn. Ví như cho chị về sớm trước giờ chiều để đi đón con hoặc các ngày lễ Tết đều có quà thăm hỏi động viên mẹ con chị. Hiện nay, ngoài sự giúp đỡ tận tình của Ban lãnh đạo, của Công đoàn, của Hội Phụ nữ đơn vị 696, chị Dung còn được nhiều bà con, bè bạn yêu thương giúp đỡ. Một bà 83 tuổi ở quận Phú Nhuận thỉnh thoảng lại gửi cho cháu Thùy Dương sách vở, đường, sữa, thực phẩm. Bà bảo thời Mỹ Ngụy bà bị đày ra Côn Đảo, năm 1975 giải phóng, bà được bộ đội hải quân ra đón về nên giờ bà ơn nghĩa hải quân lắm. Một cô Hiệu trưởng trường THCS Thạch Mỹ Lợi, một cô Hiệu trưởng trường THCS Bình An- Quận 2 còn tháng tháng gửi gạo và đồ ăn cho hai mẹ con. Không những thế các bà các cô còn luôn gọi điện động viên Dung “Ráng sống nuôi con”. Từ những nguồn động viên ấy mà cô giáo Nguyễn Thị Dung đã vượt qua được những tháng ngày tưởng như không thể sống nổi.

Không phải cứ chiến tranh bom đạn mới có sự mất mát hy sinh, mà ngay giữa thời bình nơi tiền tiêu Tổ quốc, vẫn có những chiến sĩ đã ngã xuống vì sự bình yên của Tổ quốc. Nguyễn Thị Dung là một trong bao người vợ liệt sĩ có chồng như vậy. Các anh là sự hy sinh của người đã mất nhưng những người phụ nữ là vợ, là mẹ các anh đang sống còn là sự hy sinh hơn nhiều. Họ chịu nỗi đau hơn nhiều vì họ cảm nhận được nỗi đau ấy.

Chia tay chị tại căn nhà nhỏ trong ngõ hẻm, tôi hỏi chị có nguyện vọng gì. Nguyễn Thị Dung nói thật lòng: “Em chỉ mong được Đơn vị cho chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp để ổn định cuộc sống nuôi con”. Vâng, người phụ nữ nào có con cũng nghĩ đến con trước hết. Với đồng lương hơn 3 triệu/ tháng và hơn 2 triệu tiền trợ cấp hàng tháng của chồng làm sao chị đủ để trang trải bao nhiêu thứ cho con ăn học đến khi 18 tuổi. Đó là nguyện vọng chính đáng. Tôi cũng mong cho chị đạt được nguyện vọng ấy.

Sắp tháng Bảy – Tháng Đền ơn đáp nghĩa, tháng Uống nước nhớ nguồn của truyền thống đạo lý dân tộc ta. Đêm đêm, tôi lại hình dung căn nhà nhỏ trong ngõ hẻm Ấp 2, xã Phú Thành – huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) ấy, cánh cửa mở rộng, một người góa phụ mỏng manh nhỏ bé không ngủ, cứ chăm chăm nhìn ra cửa lắng đợi bước chân chồng trở về từ phía đảo. Thương chị quá, tôi thầm cất lên mấy câu thơ trong bài Núi Vọng phu của nhà thơ Hồ Dzếnh để chia sẻ với chị:

Không chỉ quê tôi núi đợi chồng

Còn nhiều nơi khác cảnh chờ mong

Bắc Nam đâu cũng niềm son sắt

Tạc giữa trời cao dáng thủy chung…

Nguồn Văn nghệ số 31/2017

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài