(Toquoc) – Thật ra, đốt đuốc khảo sát bề mặt văn bản chúng ta cũng không tìm thấy một hình ảnh bầu trời trong “Phố hiền”. Thậm chí cũng không có một ánh mắt, một góc nhìn theo hướng nhìn lên, mà chỉ nhìn xuống – từ góc nhìn độc đáo của chú thằn lằn trong “Mùa hè đến sớm”, hoặc cái nhìn ngang sắc ngọt của anh chàng họa sĩ nghiệp dư khi nhìn thành phố Long Xuyên lúc về chiều… Nhưng sao đọc xong 15 truyện ngắn, nhỏ, xinh trong 112 trang khổ 13x19cm, trong tôi lại lấp lánh một vòm trời cao xanh diệu vợi?

Hầu hết nhân vật trong tập truyện là những nam thanh nữ tú, là học sinh, sinh viên hoặc những người nghệ sĩ mới tập bước vào nghề. Họ trẻ tuổi, trẻ lòng với những ước mơ nho nhỏ, giản dị mà chân thành đến cháy bỏng. Đó là nhân vật “em” tự thuật trong “Đường còn xa lắm” không ngại khổ, ngại khó vượt lên hoàn cảnh để được đến trường. Hôm nay, “em” cùng người bố già nghèo khổ và thấu hiểu sự đời, đang “vượt qua bảy chục cây số từ ấp Sóc Cung – Rạch Giá rồi ngang bắc Vàm Cống, sau đó chạy phăng phăng trên con đường láng nhựa thật đẹp tới Long Xuyên” (trang 37), bằng con ngựa sắt già lọc cọc, dưới cái nắng đổ lửa thiêu đốt. Có lẽ, đó cũng là con đường đầy triển vọng của những người giàu ý chí và nghị lực, vượt qua quãng đường gập ghềnh, khúc khuỷu sẽ đến được với bến bờ của vinh quang. Đó là Như trong “Mùa hè của Như” phải sớm vất vả lo toan cuộc sống bước đầu tự lập của mình và thật cao thượng khi cô quyết tâm giúp bạn trong hoàn cảnh ngặt nghèo để bù đắp phần nào thiệt thòi của đứa bạn thân, Vui “bàn nạo”. Là Vân trong “Những giấc mơ bục giảng”, dù cuộc đời khắc nghiệt, cơm áo ghì sát đất nhưng hoài bão trở thành cô giáo luôn cháy bỏng trong tim. Vân ra trường với tấm bằng giỏi nhưng tình trạng thừa giáo viên đã ở mức báo động, khiến cô phải khăn gói lên Bình Dương kiếm kế mưu sinh, nhưng những giấc mơ bục giảng cứ trở về ám ảnh khôn nguôi. Để rồi hằng đêm giấc mơ cứ rỉa rói trái tim, làm hao mòn tương huyết, tâm hồn Vân. Lòng yêu nghề giáo đến đam mê mà chưa một lần được chính thức lên bục giảng nên Vân chưa bao giờ thỏa, vì chưa thỏa nên nó lại cứ đi về trong miền vô thức chênh vênh.

Tác giả- Nhà giáo Trần Tùng Chinh

Đáng quí biết bao, đáng trân trọng biết bao những ngọn lửa nhiệt tâm ấy. Tác giả buồn, tiếc cho những khát vọng tốt đẹp đáng ra phải được thực hiện, nên đau đáu một câu hỏi: “hạnh phúc nhiều khi rất đơn giản nhưng sao lại khó tìm đến vậy?” (“Những giấc mơ bục giảng”, trang 91) và làm sao để những ngọn lửa ấy không lụi tàn theo thời gian? Giọng văn bình lặng khoan thai, tinh tế dịu dàng mở ngỏ một lối riêng khi đi vào địa hạt tâm hồn thấm đượm những nỗi buồn, những niềm vui đến nôn nao.

Những câu chuyện tưởng như không có truyện, như ký ức cựa mình trong những chiều mưa trong “Về trường cũ”, “Những ngày mưa”; hay câu chuyện tuổi hồng thuở học trò trong “Chuột nhắt”, “Lý con quạ”, “Mùa hè đến sớm”…; hay đặc trưng tính cách của những cô gái tuổi mèo, tuổi cọp trong “Mèo ăn thịt chuột”, “Con gái tên Dần tuổi cọp”; hay những kỷ niệm thầy trò không thể nào quên trong “Phố hiền”, “Sao cứ thương hoài”; và những mảnh đời éo le, ngang trái trong “Ví dầu tình bậu”, “Lý lu la”…

Tác giả không đao to búa lớn mà ân cần quan sát cuộc đời, và cuộc đời hiện lên giản dị như nó vốn có. Những câu chuyện ấy len lén bén vào tâm hồn người đọc, làm dấy lên những tình cảm chân thành, nhiều khi giăng mắc mênh mang như một màn nước. Ta bâng khuâng, rộn ràng cùng Chi về thăm trường cũ trong cơn mưa chiều đột ngột, và kỷ niệm đột ngột trở về như cơn mưa chiều. Thầy cô, bạn bè, trường lớp và cả mối tình thơ dại ngày nào hiện lên sống động, tươi nguyên như vừa xảy ra vậy. Ta hạnh phúc cùng Nhung và Tính trong ấm áp tình xuân, tình cảm gia đình đoàn tụ và tình yêu đang hé mở đợi chờ mùa gặt hái. Ta thấm thía nỗi niềm trong giọng hát non nớt mà “ngọt lịm thấu xương”, mà đau đứt ruột của nhỏ Hai sớm phải gánh chịu nỗi đau không bố cùng với người mẹ bất hạnh: “Ầu ơ, gió đưa bụi chuối sau hè, anh mê vợ bé bỏ bè con thơ/ Ơ ờ ơ… gió đưa trăng là trăng đưa gió, trăng lặn rồi gió biết đưa ai…” (“Lý lu la”, trang 108).

Dù những câu chuyện có nhẹ nhàng như cánh bướm, hay rơm rớm rỏ máu, ngòi bút tác giả vẫn nồng đượm một tình yêu dạt dào như chính tâm hồn con người nơi đây, cảnh vật nơi đây, đúng như tên của tập truyện: “Phố hiền”. Như cảm nhận của người họa sĩ – thầy giáo trong truyện ngắn cùng tên: “phố trong tranh cũng như phố ngoài đời, hiền thật là hiền” (trang 9). Nét đẹp của cảnh vật dường như cũng toát lên tâm tính con người: con người nhân hậu biết bao!

Tác giả- Nhà giáo Trần Tùng Chinh

Nét hiền ấy lắng đọng trong giọng nói, tiếng cười, trong vẻ đẹp nõn nà của quả mận, trong sự thon cây mềm trái… dù cho bao cách xa, người đi vẫn nhớ về. Ở đó, con người hiền hòa sống và hào phóng với đời. Anh họa sĩ nghiệp dư miệt mài với nghệ thuật chứa chan tình đất tình người, và anh cũng sẵn lòng ươm mầm tài năng cho cô bé bảy tuổi mà đã biết cảm nhận cái đẹp và khát khao học vẽ; thầy giáo trẻ giữ lửa và truyền lửa cho bao thế hệ… Ở đó, con người dù có bị đối xử phụ bạc vẫn thủy chung, son sắt một niềm hy vọng: “thôi má ơi, má rủa anh ấy làm chi, thây kệ, ảnh đi chắc cũng có nỗi khổ riêng, con ráng nuôi sắp nhỏ khôn lớn, biết đâu một ngày ảnh hồi tâm chuyển ý trở về…” (“Lý lu la”, trang 108). Chị nuôi dạy con tử tế mà trước hết là dạy lòng yêu thương từ trong câu hát, điệu hò. Đọc đến đây khiến tôi nhớ đến những dòng cuối cùng trong “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư: “Đứa bé đó nhất định đặt tên là Thương, là Nhớ hay Dịu, Xuyến, Hường… Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn”. Cái kết ấy phá vỡ sự bất tuyệt của dòng sinh hóa vạn pháp trùng trùng duyên khởi phát sinh từ chữ nghiệp. Đứa trẻ ấy trong truyện ngắn của Trần Tùng Chinh đã ngộ được diệu pháp của sự nhân hậu, vị tha: “Dạ thưa ba Hiếu, đúng rồi, nhưng chỉ đúng phân nửa mà thôi, tại vì cái hình hài này không phải là con của ba, nhưng cái tâm cái tình thì chắc con là con của ba một trăm phần trăm rồi, phải không ba?”. Đó là lời bé Thảo lựa để trả lời nếu chú Hiếu, nếu chú hỏi “Thằng nhỏ này hổng phải con của tui, đúng không” (“Ví dầu tình bậu”, trang 104). Ở đó, con người có niềm tin trinh nguyên vĩnh cửu: “mình cứ thương hoài cuộc đời này thì cuộc đời sao phụ mình được phải không thầy?” (“Sao cứ thương hoài”, trang 83).

Yêu sao những con người mà trái tim luôn dạt dào tình thương, không một tấc cho hận thù và ích kỷ, dù cuộc đời đớn đau đến nghiệt ngã. Những cái kết trong truyện Trần Tùng Chinh nhiều khi khiến người đọc phải trào nước mắt nhưng là để gột rửa bụi mờ, để đôi mắt nhìn đời ấm áp hơn, tâm hồn thêm dạt dào niềm tin và hy vọng.

Hy vọng là lối nhỏ mà tác giả rẽ lối để người đọc bước vào thế giới của “Phố hiền”. Cần thiết như không khí, hy vọng nâng đỡ lý trí, nuôi dưỡng tâm hồn luôn đi theo dòng hướng thượng. Và vòm trời trong xanh ấy luôn vẫy gọi tôi…

Tôi đã từng tấm tắc gật gù câu nói của ai đó “đã qua cái thời nhà văn nhìn đời bằng đôi mắt trong veo”. Nhưng đọc Trần Tùng Chinh thoang thoảng dịu nhẹ, mà có sức lay động khôn nguôi, những mạch nước ngầm lại tiết ra ngọt dịu, mềm hóa những tâm hồn chai sạn. Tác giả “Phố hiền” không phải băng qua những ảo tưởng để cưu mang hy vọng, mà niềm tin ấy như tỏa ra từ ngòi bút nhân ái, từ trái tim hào phú tình thương. Sâu thẳm hơn có lẽ là ở tình đời, tình người đâu đây dù có lẫn đôi vài hạt cát, hạt sạn nhưng mênh mông biển cả vẫn là sự bao dung và hướng thiện.

Tuy nhiên, Trần Tùng Chinh lại không phải là tín đồ rao giảng học thuyết tình thương, bởi cách hành văn rất riêng, rất lạ. Lạ ở chỗ là nó không phải là giọng thương cảm ngậm ngùi hay thánh thót reo vang những triết lý nhân sinh xưa cũ, hoặc những châm ngôn đạo đức. Giọng riêng ấy được nhà văn Đoàn Thạch Biền khẳng định: “… văn của Chinh ngắn, gọn, và các câu đối thoại thường tếu” (trang bìa “Phố hiền”), và theo ông đó là cái “duyên ngầm” khiến người đọc không thể nào lãng quên. Cái tếu, cái cười ấy nhiều khi lại góp phần làm đẹp cho đời, an ủi những tâm hồn cô quạnh, vuốt ve những trái tim đầy thương tích… Cái tếu đó càng thể hiện sức sống dẻo dai của những thân phận rơi vào hoàn cảnh trớ trêu nhưng không bao giờ gục ngã.

Nét độc đáo nhất trong “Phố hiền” là tác giả đã lựa chọn được góc nhìn rất đắc địa. Đó là góc nhìn của trẻ thơ – với “đôi mắt trong veo”, hồn nhiên kể chuyện của mình. Đó là cu Thảo trong “Ví dầu tình bậu”, xuất hiện trong truyện là lúc nó hai tuổi và ngược dòng thời gian nó trở về “khi nó chỉ là hạt bụi nằm đâu đó nơi gót chân má” (trang 100), nó chứng kiến, thấu hiểu hoàn cảnh của má để rồi có cách ứng xử thật đúng đắn, thảo thơm như chính tên gọi của nó. Đó cũng là câu chuyện của bé Hai trong “Lý lu la”: “Tui tên là Nguyễn Thị Bé Hai, tui đăng ký hát bài Lý lu la. Bài này má tui dạy tui hát. Má tui là Trần Thị Bé. Tui hát bài này để thay cho má tui nói với tía tui vài lời. Tía tui là Nguyễn Văn Là. Tía ơi, má bị bệnh nặng lắm. Má nhớ tía. Tía ở đâu dìa liền nghen tía. Bây giờ tui xen phép quí bà con cho tui hát” (trang 105). Nghe những lời mộc mạc ấy mà người nghe đã cháy lòng, huống chi người tía nếu mà nghe thấy thì… Và cách vào truyện ấy đã lôi cuốn độc giả tìm hiểu câu chuyện của Hai. Em tiếp tục kể giản dị mà cảm động như chính cuộc đời của em, tiếng hát em hồn nhiên, trong trẻo mà xót xa nghẹn ngào, đứt ruột như chính tuổi thơ em phải chịu nhiều cay đắng, thiệt thòi…

Từ đáy sâu của đau khổ và tuyệt vọng mà con người vẫn giữ được mình và sống tốt, đó mới là điều đáng ngưỡng vọng. Và tôi chắc chắn nhiều bạn đọc cũng ngưỡng vọng bầu trời trong xanh cao vợi thoát thai từ “Phố hiền” như tôi.

Nguyễn Thị Tuyết

——————————-

* Phố hiền– Trần Tùng Chinh, NXB Hội Nhà văn, Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật An Giang, 2011