Tiến sĩ
NGUYỄN THANH TÂM

Sinh năm 1983 tại Thanh Hóa. Hiện công tác tại Viện Văn học.
Ngoài tác giả của chuyên luận Loại hình Thơ mới Việt Nam 1932 – 1945 (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015), anh còn là đồng tác giả của chuyên luận Mai Văn Phấn & hành trình thơ vào cõi khác (Nxb Hội Nhà văn, 2015).

Chúc mừng Nguyễn Thanh Tâm vì học vị tiến sĩ, và vì công trình nghiên cứu Loại hình Thơ mới Việt Nam (1932 – 1945) đã ra mắt bạn đọc. Trong khi nhiều người nghiên cứu trẻ dũng cảm hăm hở dấn thân “khai hoang” những miền đất văn chương lạ thì anh cũng dũng cảm không kém khi trở về “thâm canh” cánh đồng Thơ mới. Anh có thể chia sẻ về sự lựa chọn đối tượng nghiên cứu của mình?
+ Cảm ơn anh vì những lời chúc mừng tốt đẹp và vì sự quan tâm đến công việc mà tôi đang theo đuổi. Tôi không cho rằng việc nghiên cứu Thơ mới là hành vi “quay lại” hay “trở về”. Đơn giản vì chưa thể nói rằng giới nghiên cứu đã đi qua Thơ mới và đó là đối tượng nghiên cứu đã hoàn thành. Tôi nghiên cứu Thơ mới bởi bản thân nhận thấy “cánh đồng Thơ mới” còn nhiều chỗ chưa được canh tác một cách kĩ lưỡng, nếu không nói rằng chưa có những quan tâm thoả đáng.

Vậy đâu là những khoảng trống cơ bản nhất nơi bức tranh thực tiễn nghiên cứu – tiếp nhận Thơ mới hơn tám mươi năm qua mà công trình của anh nỗ lực bổ khuyết?
+ Để phác dựng bức tranh nghiên cứu – tiếp nhận Thơ mới trong hơn tám mươi năm qua kể ra cũng đã là một công phu. Từ việc hình dung đó, nhận ra những “khoảng trống” lại là câu chuyện tiếp theo nữa. Theo tôi, loại hình học nghiên cứu những hiện tượng văn học có nét tương đồng mang tính quy luật, không phụ thuộc vào không gian địa lí và thời gian lịch sử. Bởi vậy, khoảng trống mà tôi nhận thấy chính là một hệ thống các quy luật chi phối việc sinh thành, phát triển của Thơ mới, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở khu vực Đông Á. Giới khoa học có rất nhiều công trình nghiên cứu về Thơ mới, nhưng việc “xếp chồng” các tác phẩm trong Thơ mới để tìm một cái trục vận hành chung, từ khi nó manh nha cho đến khi trưởng thành, trở thành một phong trào thơ ca rực rỡ bậc nhất của Việt Nam là câu chuyện chưa được mô tả và lí giải thoả đáng. Thêm vào đó, sự kế thừa hay phản kháng của Thơ mới với thơ trung đại, sự vang hưởng của Thơ mới đến thơ sau Thơ mới cũng có những khoảng trống cần bổ khuyết.

Đối tượng chắc chắn sẽ ít nhiều trở nên khác một khi ta thay đổi góc nhìn, hướng nhìn. Nhìn Thơ mới từ giác độ loại – hình – thơ, cái đích cơ bản nhất mà công trình của anh hướng đến là gì?
+ Là đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi: Thế nào là loại hình học văn học? Loại hình học văn học nghiên cứu cái gì? Thế nào là một loại hình thơ? Thơ mới có phải là một loại hình không khi đặt trong tiến trình vận động của thơ trữ tình Việt Nam từ khởi thuỷ đến đương đại? Rộng hơn, Thơ mới là một hiện tượng có tính khu vực, đặt trong bối cảnh Tân thi Đông Á đầu thế kỉ XX.
Với công trình của mình, tôi muốn có được một sự hình dung căn bản về loại hình học văn học với tư cách là một khoa học nghiên cứu về các hiện tượng văn học có những tương đồng mang tính quy luật. Ở ta, rải rác đã có những công trình giới thiệu và ứng dụng phương pháp loại hình. Nhưng trong quan sát của tôi, lí thuyết, phương pháp này lại chưa được giới thuyết cụ thể. Có người nghĩ rằng, tư duy loại hình làm ngưng đọng tiến trình văn học, không phù hợp với thực tiễn vận động của văn học khi cố gắng sắp xếp các hiện tượng văn học vào các khung ô có tính cứng nhắc. Suy nghĩ đó có hạt nhân hợp lí. Tuy nhiên, đối với một thời kì, giai đoạn, phong trào… văn học quá khứ, với độ lùi nhất định về thời gian, việc nhìn nhận xem cơ chế vận hành chung của nó thiết nghĩ cũng có lí không kém. Từ suy nghĩ đó, tôi muốn đi tìm một kiểu tư duy thơ đặc thù, có tính quy luật của toàn bộ Thơ mới. Từ việc xem xét cấu trúc của kiểu tư duy thơ đến việc nhận ra đặc tính của kiểu tư duy thơ, tôi chứng minh Thơ mới là một loại hình phân biệt với các hình thái thơ trước và sau Thơ mới. Dĩ nhiên, để làm được việc này cần thao tác “xếp chồng” văn bản, tìm ra cái lõi xuyên suốt là kiểu tư duy thơ, sau đó thâm nhập vào lõi đó để nhận ra cấu trúc của nó: quan niệm về chất thơ, cách thức kiến tạo thế giới nghệ thuật, phương tiện nổi bật để kiến tạo; từ đó nhận diện đặc tính của kiểu tư duy Thơ mới. So sánh, đối chiếu kiểu tư duy Thơ mới với thơ trung đại và thơ sau Thơ mới là thao tác thường trực. Cái đích mà tôi cho rằng chuyên luận vẫn chưa đi đến được, đó là mô tả và lí giải, đánh giá quy luật của Tân thi Đông Á đầu thế kỉ XX, trong đó có Thơ mới Việt Nam.

Ở trang 126 nơi cuốn sách của mình, anh viết: “Cái tôi trữ tình trong thơ là một nhân cách mang tính đại diện. Cái tôi Thơ mới là cái tôi cá thể, cái tôi thời chiến là cái tôi đoàn thể, còn cái tôi trong thơ đương đại là cái tôi bản thể”. Anh có thể tường minh thêm về nhận định này, đặc biệt là khu biệt hai khái niệm “cái tôi cá thể” và “cái tôi bản thể”?
+ Có thể hiểu ngắn gọn thế này: Cái tôi trữ tình là một nhân vật, phát ngôn, bày tỏ thái độ, tình cảm, giọng điệu của mình trong thơ, nó mang tính đại diện cho chủ thể sáng tạo. Thơ vẫn được xem là loại hình mang tính chủ quan, độc thoại (M. Bakhtin), lời thơ là lời quyền uy của tác giả… Dĩ nhiên, cái tôi trữ tình không hoàn toàn đồng nhất, trùng khít với tác giả. Cái tôi Thơ mới là cái tôi cá thể nghĩa là cái tôi ấy phát hiện ra chính mình, say sưa đào sâu vào mình, mọi phát ngôn của nó hoàn toàn quy chiếu từ thế giới riêng biệt ấy. Cái tôi trong thơ thời chiến là cái tôi đoàn thể, bởi lẽ những phát ngôn trong thơ thời chiến đều quy chiếu trên tinh thần của cái ta đoàn thể, của những lí tưởng, nhiệm vụ, mục đích chung, nó vẫn mang tính đại diện nhưng lúc này là đại diện cho đoàn thể. Đến thơ đương đại, do điều kiện/hoàn cảnh thống nhất, đổi mới, hội nhập, toàn cầu hoá gắn với những thành tựu của khoa học công nghệ, triết học, ngôn ngữ học, vật lí học…, con người đương đại có cơ hội tiếp cận rộng hơn, sâu hơn, đầy đủ hơn với những tri thức và giá trị phổ quát của nhân loại. Điều căn bản nhất, con người đương đại nhận ra giá trị nhân bản, phổ quát là quyền được sống đầy đủ với mọi hình thái của tự nhiên và văn hoá. Cái tôi cá thể đi từ bản thân mình (thời Thơ mới) đến đoàn thể (thời chiến) và tiếp cận được giá trị của giống loài mình – nhân loại, muôn nơi và muôn thuở. Cái tôi bản thể chính là cái tôi đại diện của chủ thể tính trong không gian đương đại.

Năm 1942, với công trình Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh và Hoài Chân đã chính thức “đề bia” cho 46 thi nhân mà theo hai ông là đã làm nên diện mạo, hình thái Thơ mới, làm nên “một thời đại trong thi ca”. Bây giờ nhìn lại, chắc hẳn anh nhận thấy không gian “bia” này vừa thừa, vừa thiếu?
+ “Đề bia” hay “thần điện” là cách nói hình tượng, pha hài hước nhưng  chỉ ra được quyền lực của Thi nhân Việt Nam. Nói thừa thì không thoả đáng với Hoài Thanh, Hoài Chân, bởi lẽ đây là một công trình có tính hợp tuyển, tuyển như thế nào, tuyển ai là việc của hai tác giả dựa trên những quan niệm về giá trị mà họ theo đuổi. Tôi không nghĩ là thừa (dù trong 46 gương mặt hợp tuyển ấy có những người mà chất lượng nghệ thuật của họ không hẳn tương xứng với những gương mặt khác) vì xét trên tinh thần của một hợp tuyển, thời đại Thơ mới quá lớn, sức đọc của hai vị dù rất ghê gớm (đọc khoảng một vạn bài thơ) cũng không thể bao quát hết, chưa nói đến những thiết chế quyền lực bên ngoài văn chương, những hiện tượng vượt ra khỏi khả năng chiếm lĩnh của hai tác giả. Ngay trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh, Hoài Chân cũng đã bày tỏ những giới hạn ấy. Còn thiếu, đương nhiên là thiếu. Có những thi sĩ không được đưa vào Thi nhân Việt Nam, ít được nhắc đến trong các công trình nghiên cứu khác, thậm chí là bị lãng quên, trong khi chất lượng nghệ thuật của họ, theo tôi, nếu công bằng, cũng phải được xem là những cái đỉnh… Năm 1942, Thi nhân Việt Nam ra đời, lúc ấy, trên báo chí những cái tên như Đinh Hùng, Phạm Văn Hạnh, Hoàng Diệp, Quỳnh Giao, Nguyễn Xuân Sanh, Đông Hoài… chắc hẳn Hoài Thanh biết rõ. Thêm một điều nữa, Thơ mới chấm dứt vai trò trung tâm thi đàn vào năm 1945 (cũng có thể xác định trượt qua năm 1946 với nhóm Dạ đài cho đến trước khi Toàn quốc kháng chiến), nên những nghiên cứu về Thơ mới cũng không thể dừng ở năm mà Thi nhân Việt Nam ra đời.

“Phê bình, với tôi là một cuộc hành trình tìm kiếm chính mình thông qua người khác. Chỉ khi tôi bắt gặp người khác, những khác biệt mang giá trị, khi đó tôi mới có thể nhận ra mình trong thế giới mà tôi bị quăng vào. Tác phẩm văn học là một manh mối, một tình huống, một hiện tượng để những phác đồ người, những phác thảo giá trị có cơ may được hiện hữu. Cứ như thế, lịch sử, văn hóa được trầm tích.”

– Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân đã trở thành một điển phạm, một chuẩn mực, không chỉ trong/của/về phê bình Thơ mới mà còn là phê bình thơ, phê bình văn chương nói chung. Ấy nhưng, trong thời của lí thuyết văn học hiện nay thì Thi nhân Việt Nam không thể không bị giải điển phạm. Đâu là những độc sáng cũng như những giới hạn cơ bản của cách thế phê bình trực giác, ấn tượng kiểu Thi nhân Việt Nam, theo anh?
+ Việc giải huyền thoại, giải điển phạm trong không gian thẩm mĩ, học thuật, tri thức hiện đại và hậu hiện đại là quy luật tất yếu. Từ phương diện là một phương pháp tiếp cận tác phẩm văn học, phê bình ấn tượng có những điểm khả thủ và cả những hạn chế. Xét một cách công bằng, phương pháp nào cũng có hai mặt như vậy. Như anh nói, điểm “độc sáng” của phê bình ấn tượng chính là tiếp cận tác phẩm từ trực giác, hay nói như H. Bergson là không có sự can thiệp của những “cố gắng gân thịt” (một ẩn dụ). Nắm bắt lấy cái ấn tượng trong thoáng chốc, từ những cảm quan đi trước lí trí, trực giác tiếp cận ngay với thế giới tinh thần, cái được xem như là bản chất của nghệ thuật. Như là việc nhận ra quầng sáng vô hình toả ra từ đoá hoa đang sống khác với một nhành hoa đã bị hái xuống, phê bình ấn tượng hướng đến điều cảm thấy mà không giải thích nổi. Nhắm lại con mắt thịt và mở ra con mắt tinh thần là “khẩu quyết” của phê bình ấn tượng để nhập vào thế giới tinh thần của đối tượng. Kiểu phê bình này, mạnh ở những nhà phê bình có tố chất nghệ sĩ. Thế nhưng, phê bình ấn tượng cũng tiềm ẩn nhiều hạn chế mà các phương pháp phê bình khác đã chỉ ra và bổ khuyết. Chẳng hạn như, phê bình ấn tượng không chú ý đến cấu trúc của văn bản, bỏ rơi tiểu sử tác giả, bỏ rơi những yếu tố lịch sử, xã hội, văn hoá liên quan đến tác phẩm…

Nhớ lại khi Xuân Diệu – “nhà thơ mới nhất trong những nhà Thơ mới” – mới xuất hiện, Hoài Thanh thú nhận: “Bây giờ khó mà nói được cái ngạc nhiên của làng thơ Việt Nam hồi Xuân Diệu đến. Người đã tới giữa chúng ta với một y phục tối tân và chúng ta đã rụt rè không muốn làm thân với con người có hình thức phương xa ấy. Nhưng rồi ta cũng quen dần vì ta thấy người cùng ta tình đồng hương vẫn nặng”. Nghĩa là Xuân Diệu nói riêng và các nhà Thơ mới nói chung dễ dàng hơn trong việc chinh phục người đọc, so với một bộ phận nhà thơ “tân hình thức”, “hậu hiện đại” ngày nay. Anh có thể đưa ra cách kiến giải của mình về câu chuyện này?
+ Thơ Việt Nam đương đại có nhiều thể nghiệm: tân hình thức, thơ chữ cái, thơ phụ âm, thơ dòng chữ, thơ con âm, thơ tự dạng, thơ ngoài lời… Trong những thực hành sáng tạo này, có những thể nghiệm còn khá xa lạ với công chúng. Vậy, hãy nhắc lại lời Hoài Thanh, dù rụt rè, không muốn làm thân, nhưng hi vọng ngày một ngày hai người đọc hôm nay sẽ nhận ra “tình đồng hương vẫn nặng” giữa những cách tân ấy với con người Việt Nam đương đại. Điều tôi quan tâm hơn đó là cái xa lạ của Xuân Diệu, cái điên của Hàn Mặc Tử, cái loạn của Chế Lan Viên, cái cuồng của Bích Khê, cái huyễn ảo của Đinh Hùng, cái âm u sâu xa của Xuân Thu nhã tập và Dạ đài được lưu giữ, được trân trọng bởi đó là những khác biệt mang giá trị. Những cách tân của thơ Việt Nam đương đại như vừa nói, dĩ nhiên đã tạo ra khác biệt. Nhưng, đa phần cộng đồng tiếp nhận hôm nay còn chưa (thể) tin đó là những khác biệt mang giá trị.

Trước khi trình làng chuyên luận Loại hình Thơ mới Việt Nam (1932 – 1945) này, anh đã cùng tác giả Ngô Hương Giang trình làng chuyên luận Mai Văn Phấn & hành trình thơ vào cõi khác. Với tư cách là “nhà Thơ mới học” và “nhà Mai Văn Phấn học” (cười), anh có thể đưa ra cái nhìn so chiếu của mình giữa thơ Mai Văn Phấn và Thơ mới, từ đó có thể phác thảo đường đi của thơ Việt, từ Thơ mới đến thơ đương đại (ngoài sự chuyển dịch của cái tôi như trên đã nói), được không?
+ (Cười) Tôi không dám nhận những danh xưng anh vừa xướng đâu. Với tôi, phê bình thơ là quá trình tìm kiếm chính mình. Tôi xem đọc thơ, phê bình thơ như một cuộc gặp gỡ, đối thoại, thông tri và khai mở. Qua đó tôi nhận ra mình và cũng nhận ra hiện hữu của tha nhân. Trở lại, vấn đề anh đưa ra lớn quá, có lẽ phải tiến hành thêm một vài chuyên luận nữa chăng? (Cười). Tuy nhiên, vẫn có thể hình dung bước đầu về sự vang hưởng của Thơ mới đến sáng tác ở giai đoạn đầu của Mai Văn Phấn. Nhưng, như đã trình bày trong chuyên luận Mai Văn Phấn & hành trình thơ vào cõi khác, thi sĩ này đã nhanh chóng phủ định chính mình, “vong thân” để tìm kiếm và kiến tạo một bản sắc nghệ thuật khác. Gọn hơn, có thể thấy nếu Thơ mới đưa thơ trữ tình Việt Nam vào phạm trù hiện đại thì Mai Văn Phấn đưa thơ mình tiến vào hậu hiện đại, thậm chí tôi đã hình dung ra một cuộc hòa giải mới giữa tinh thần, tri thức hậu hiện đại với cảm thức tâm linh, hòa ái của phương Đông trong một số sáng tác gần đây của Mai Văn Phấn. Một vấn đề khác anh đưa ra là phác thảo đường đi của thơ Việt từ Thơ mới đến thơ đương đại. Ngoài sự dịch chuyển của cái tôi như đã nói, các vấn đề về chủ đề, tâm thức, tri thức, quan niệm về thơ, cấu trúc hình thức thể loại, thi pháp… từ Thơ mới đến thơ đương đại đã có sự thay đổi. Chứng lí cho điều này có thể dẫn ra đây thơ Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Hoàng Hưng, Dương Tường, Từ Huy, Trần Nguyễn Anh, thơ Tân hình thức… Nếu phải hình dung về đường đi của thơ Việt từ Thơ mới đến thơ đương đại, có thể thấy đó vẫn là một tiến trình không ngừng nghỉ, không đứt đoạn. Có điều, trong những giai đoạn khác nhau, những không gian lịch sử – xã hội khác nhau, loại hình nào nổi lên vị trí “mặt tiền” mà thôi. Ví dụ, giai đoạn 1945 – 1975 ở miền Bắc là thơ cách mạng, thơ kháng chiến chiếm vị trí trung tâm, trong khi đó, ở miền Nam, dòng chảy từ Thơ mới vẫn tiếp tục. Sau 1975, khi đất nước thống nhất, đổi mới, trong không khí cởi mở, các dòng thơ lại có cơ hội triển hiện, làm nên các khuynh hướng, trào lưu trong thơ Việt đương đại mà tôi đã mô tả trong chuyên luận Mai Văn Phấn & hành trình thơ vào cõi khác.

Trong mặt bằng nghiên cứu – phê bình nói chung và nghiên cứu – phê bình trẻ nói riêng mà nhiều người kêu là nặng tính “hàng xén” hiện nay thì sự xuất hiện những chuyên luận dài hơi như của anh quả là rất đáng ghi nhận. Không gian văn học đương đại đang rất hiếm những sản phẩm nghiên cứu – phê bình HAY, “gọi đúng tên sự thể”…
+ Với mỗi người, mỗi phương pháp nghiên cứu – phê bình lại có cái HAY riêng. Nhưng, ngay lúc này đây, tôi đang nghĩ, có những nghiên cứu – phê bình cái HAY rất DỞ, nhưng lại có (và cần) những nghiên cứu – phê bình cái DỞ cho HAY. Phê bình sự phê bình mà HAY cũng tốt. HAY là quan niệm mang tính lịch sử, gắn với cá nhân, thời đại, dân tộc, văn hóa…

Đang lan truyền một câu mang tính giễu nhại, rằng nếu như ngày trước “ra ngõ gặp anh hùng” thì ngày nay ra đường gặp tiến sĩ. Sẽ là cực đoan, thiếu công bằng khi đánh đồng, vơ đũa cả nắm, bởi cái sự… tiến sĩ kia cũng có ba bảy đường. Tuy nhiên không khó để nhận ra những bất cập trong đào tạo tiến sĩ ở ta hiện nay. Từ trải nghiệm, quan sát của bản thân, anh nói gì về câu chuyện này?
+ “Tấm áo không làm nên thầy tu”. Không riêng tiến sĩ mà cái gì cũng có ba bảy đường cả anh ạ. Theo tôi, đừng quá nặng nề vào danh xưng và học vị tiến sĩ, hãy xem đó là một bậc học. Tôi quan tâm đến việc họ làm gì và hiệu quả công việc của họ đến đâu.
Cám ơn anh đã có cuộc trao đổi với VNQĐ!

Theo Hoàng Đăng Khoa (Văn nghệ quân đội)