Nguyễn Thị Minh Thông là cán bộ lãnh đạo Ủy ban Liên hiệp Văn học-nghệ thuật Việt Nam. Tác giả đã vào tuổi nghỉ hưu, nhưng tập thơ mới đây nhất của chị, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, lại có những nét mới.
Trước hết là mới trong sự ngắn gọn. Mỗi bài chỉ khuôn vào một chủ đề, nhất quán một cảm xúc. Bài thơ nói lòng chị thương em vận hạn, chỉ nói nỗi thương ấy. Nói sâu sắc thấm thía trong tình chị em mà không bận tâm đến ý nghĩa xã hội hay lai lịch của cảnh ngộ… là các chi tiết thơ chúng ta hay sa đà. Nguyễn Thị Minh Thông đã có những câu thơ khá kết tinh. Hay ở tình, hay ở ý và hay cả ở hình ảnh, ở giọng thơ nữa: Chị xin một lạy mái nhà / Lạy cây bưởi, lạy cây na góc vườn…
Hình như lục bát thuận tay với Nguyễn thị Minh Thông, giúp chị dắt thơ nhập vào hồn Việt: Mẹ ơi sóng cả đò đầy / Bên kia bóng mẹ, bên này phận con…
Hồn Việt không phải chỉ ở hình ảnh một con sông, một bóng đò, chất liệu quen của ca dao… mà đáng lưu ý là ở cách nghĩ mang dáng dấp người con gái trưởng thành, đã nếm những nông nỗi, đã biết cái thân phận sóng cả đò đầy mà mẹ mình đã trải. Đoạn trường con đã qua cầu, con càng thương mẹ. Bóng mẹ phận con chi cũng cùng một dạng, khác chăng, chỉ khác ở thời điểm bên kia-bên này vòng xoay của một đời người. Hai câu lục bát ấy đã nói được nỗi lòng mà nghĩa chữ hình như không nói đến. Đó là nét mới của tác giả. Chúng ta có thể gặp ở nhiều câu:
-Trái tim biết dỗ nỗi buồn
Biết thương ngọn cỏ bên đường héo khô
… …
-Gập ghềnh lục bát phu thê
Nụ cười sát muối vỗ về người ơi
Tôi chú ý cái giọng lục bát này, giọng mới từ những chữ cũ là nhờ cách độc thoại, mình tự nhủ mình, rất nữ tính. Nữ tính trong sự ít lời, nhỏ nhẹ trái tim biết dỗ nõi buồn, trong lặng lẽ chịu đựng nụ cười xát muối vỗ về người ơi…Và nhất là thơ biết dừng khi cảm xúc hết. Bài thơ gọn, dễ thân với người đọc là do vậy. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp (như ở các bài Bước chân 18 tuổi, Thăng Long, Mượn, Ai đã đến…) cảm xúc mỏng mảnh quá, chưa đủ hình thành tình cảm, tình cảm chưa đủ để hướng tới một nghĩ ngợi, một nhận thức. Chất thơ chưa đủ để thành bài.
Một nét mới nữa trong thơ Nguyễn Thị Minh Thông là mới trong kết cấu, phát triển ý có tính logic. Đây là đặc điểm ít có ở các cây bút nữ, vốn mạnh về tình cảm. Logic, tính lập luận hợp lý, kiểu dẫn dắt thông minh vốn hay bị gán là trò chơi của trí tuệ, của tư duy trừu tượng. Đây là một thay đổi của Nguyễn thị Minh Thông. Thơ trở nên gọn chắc, trí tuệ, như một ưu điểm hay thơ mất hồn nhiên, khô đi, như một nhược điểm là ở tùy bài. Tôi chỉ nhận ra ở đó một nét khác của chị mà tôi nghĩ là nên mừng hơn là lo. Bài thơ Những câu thơ trên sóng thể hiện ý tưởng bằng kết cấu: câu thơ đặt trên sóng, trên cát, trên mây, trên đất và từ đó mà gợi thân phận nổi chìm, dấu chân còn mất, hình bóng khuất xa và cõi về chung cục. Bài hát một mình, tính logic thể hiện trong lập ý: giọt nước mắt được chia sẻ sẽ thành nơi che chở (ngôi nhà), nơi an ủi con người:
Nước mắt chị rơi vào em
Hóa thành ngôi nhà mình ở
Nước mắt em rơi vào chị
Hóa thành bông hoa trước thềm.
Rồi từ lập ý đó, chị hình thành cách cấu tứ, rất có luận lý: “Vậy mà, trên đường đời cát bụi em hát một mình, trên sóng gió thác ghềnh cũng một mình em hát”… Nguyễn Thị Minh Thông có những ý thơ ôm chứa việc đời, sức chiêm nghiệm sâu mà diễn đạt gọn, kín đáo: Đất nhiều chông gai sỏi đá / Con ơi đừng nhìn hoa lá... Chị đã quan tâm đến không gian xúc cảm của từng bài thơ để chọn thi liệu hợp loại, tạo cộng hưởng cho cảm xúc. Các bài thơ Đò đầy, tặng mẹ… có sự cộng hưởng là từ những thân cò lặn lội, rau răm, rau cải… Đấy là bước tiến đáng biểu dương của người làm thơ ở tuổi này.
Nhân nói về tính logic, quả thật, tôi cũng hơi ngần ngại với bài thơ Ai đã đến: Bài thơ chín câu thì tám câu trên hàm súc, có sức khêu gợi nhưng câu cuối cùng lại không dẫn được người đọc tới chủ đề. Không biết tại bút pháp kín quá mà hóa tối hay trong ý tưởng,trong cảm xúc, tác giả còn hụt hẫng. Bài thơ tưởng nhớ Huy Cận, câu kêt e làm hỏng bài thơ. Toàn bài bộc lộ lòng yêu mến tác giả Lửa thiêng bằng các thi liệu của chính ông, kể cả câu áp chótCánh buồm căng gió mai sau, ấy thế mà câu chót lại quàng sang Nguyễn Bính rất “vô tư”: Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm. Thật tiếc!
Nguyễn Thị Minh Thông làm thơ từ thời ở Hội văn nghệ tỉnh Hoàng Liên Sơn. Chuyển về Hà Nội, chị làm việc ở Ủy ban Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, có điều kiện trao đổi học hỏi kinh nghiệm từ các nhà thơ lớn như Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Phạm Tiến Duật… Chị lại là người siêng năng. Không biết có phải vì thế mà dù tuổi đời không còn trẻ, thơ chị vẫn có những thay đổi đáng ghi nhận: sâu sắc hơn, hàm súc hơn, ý nhị hơn…
Vũ Quần Phương – Vanvn.net