Ông Lê Văn Quý, “người khắc bút cuối cùng” bên Hồ Gươm Ảnh: MẠNH TIẾN
Hơn 50 năm qua, bất kể ngày nắng hay mưa, bên Hồ Gươm, ông lão vẫn miệt mài ngồi khắc từng đường nét lên những cây bút của khách. Ông là Lê Văn Quý, sinh năm 1936 tại Phúc Tân, Hà Nội, là “người khắc bút cuối cùng” còn lại của đất Tràng An xưa. Nhờ vào cây bút do ông khắc, bao mối tình đã se duyên, nảy nở. Cũng nhờ cây bút khắc ấy, người vợ đã tìm được lại hài cốt người chồng đã anh dũng hy sinh, tưởng như đã vĩnh viễn thất lạc trong chiến tranh.
Khắc bút từ thời “hai hào một chữ”
Một chiều cuối thu Hà Nội, khi những cơn gió chuyển mùa mang theo hơi mát lành lạnh len lỏi khắp ngả đường, con phố, dừng chân bên một quán nước vỉa hè đối diện đền Ngọc Sơn, tôi chợt bị thu hút bởi một ông lão đang ngồi tỉ mẩn với những cây bút.
Có lẽ, ông chính là người cuối cùng ở Hà Nội vẫn ngày ngày gắn bó với nghề khắc bút tặng phẩm. Nửa thế kỷ trước, khi chiếc bút máy là vật bất ly thân của nhiều người, nghề khắc bút ở Hà Thành còn thịnh, khắc chữ lên bút là sở thích, là đam mê, thậm chí còn là biểu tượng hào hoa của nhiều người. Nhu cầu nhiều tới nỗi, người ta thậm chí còn chế ra những chiếc máy khắc bút. Thế là, nhiều cửa hàng khắc bút bằng máy mọc lên ở phố Hàng Bông, Hàng Gai… như một nghề độc đáo trong phố cổ. Tuy máy móc khắc được nhiều và nhanh nhưng dân sành điệu chưa hẳn đã thích.
Ấn tượng của tôi về người được mệnh danh là “nghệ sĩ khắc bút” này là một ông lão với nét mặt hiền lành, phúc hậu. Đã ngoài 80 tuổi, bàn tay của ông vẫn rất dẻo dai, nhanh nhạy và linh hoạt. Chỗ ông ngồi là dưới gốc đa già cạnh đền Bà Kiệu, mà theo truyền miệng của những người dân Hà Nội xưa thì nó cũng tới hàng trăm năm tuổi. Hơn 50 năm nay, sáng nào ông Quý cũng dậy từ 5 giờ sáng, đi tập thể dục, sau đó dắt chiếc xe đạp cũ kỹ đèo hộp đồ nghề cùng chiếc ghế đôn để bắt đầu công việc khắc chữ của mình.
Ông Quý trầm ngâm kể: “Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học hành dang dở vì phải phụ giúp bố mẹ nuôi em ăn học, nhưng từ bé bố (ông xưng hô một cách thân mật) đã đam mê với những hình vẽ, đường nét, mầu sắc. Lúc rảnh lại lấy giấy ra vẽ hoặc nhặt mẩu than, hòn gạch vẽ đầy ra mặt đường để làm trò giải trí. Một lần tình cờ bố bắt gặp một cây bút có khắc tên người cùng với hình bông hoa hồng rất đẹp của bạn mình. Thế là nảy ra ý tưởng làm nghề khắc bút để kiếm sống, đồng thời để thỏa mãn sở thích được vẽ lên những đường nét mà mình ao ước bấy lâu”.
Những ngày đầu vào nghề, nét vẽ còn thô cứng, khắc lâu, tay mỏi, đau nhức. Khắc được vài nét lại phải dừng nghỉ, vẩy tay cho đỡ mỏi, chờ giãn gân cốt mới làm được tiếp. Mất hơn ba tháng chăm chỉ tập khắc, những nét vẽ thô ráp mới trở nên bay bướm, mềm mại. Từ năm 21 tuổi, “sự nghiệp” khắc bút của ông Quý đã tới độ chín, nét bút đẹp và tinh xảo đến độ hút hết khách từ các cửa hàng khắc bút bằng máy. Đã chán rồi nét khắc bằng máy, vừa đắt, nét vẽ lại không được mềm, khách hàng không ai bảo ai, lại phải tìm đến người “nghệ sĩ khắc bút” dưới gốc đa mới thỏa ý riêng. Đồ nghề khắc bút của ông Quý cũng không có gì cầu kỳ, chủ yếu là hai chiếc bút bằng thép có đầu được mài nhọn và cong do ông tự chế, rồi quấn dây cao-su vào để cầm để nắm cho dễ. Ban đầu, ông Quý chỉ khắc lên bút, sau đó còn khắc bật lửa, rồi các mảnh kim loại, tùy theo yêu cầu của khách.
“Mấy chục năm trước, khách thường đến nhờ khắc tên hoặc đôi chim bồ câu, hình trái tim để tặng nhau, coi đó là món quà rất ý nghĩa. Có người Hà Nội phải đi xa, lại cầu kỳ đòi khắc hình Tháp Rùa để mà nhớ lại. Người lên đường vào nam nhập ngũ thì khắc hình cây dừa và ngày đi”- ông lẩm nhẩm kể, khuôn mặt giãn ra như sống lại một thời dĩ vãng vui buồn. Thu nhập từ công việc khắc bút của ông Quý cũng chẳng đáng là bao. Thời xa xưa, mỗi chữ khắc ông Quý chỉ lấy hai hào, khắc hình vẽ thì bảy đến tám hào. Bây giờ, khi vật giá đã thay đổi theo thời gian, chữ khắc đơn giản ông lấy 5.000 đồng, phức tạp hơn một chút lấy 10.000 đồng, khắc lên bật lửa có thể lên tới 50.000 đồng. Tổng thu nhập một tháng của ông khoảng từ 800 nghìn tới một triệu đồng, chỉ đủ tiền để ông Quý trà thuốc và tập thể hình.
Dù con cái đã thành đạt và chu cấp cho ông một cuộc sống đầy đủ, nhưng ông vẫn theo đuổi nghề, bởi với ông đó là một thú vui, một cách trải nghiệm cuộc sống và ngắm nhìn dòng đời xuôi ngược từng ngày. Với ông, khắc chữ lên bút, những con chữ bay bướm theo kiểu chính tả cũ, nét chữ đẹp một cách mạnh mẽ. Nét chữ là nết người. Dù chỉ vài chữ, vài dòng, ông cũng cẩn thận tính đếm khoảng cách, vị trí trước, thậm chí trên quyển vở nháp, mỗi sản phẩm làm ra, với ông Quý đều là một tác phẩm nghệ thuật thực thụ.
Ông bảo tôi: “Khắc bút cũng cần năng khiếu nghệ thuật, trí tưởng tượng của người nghệ sĩ, khéo tay, bay bổng và cũng phải kiên trì. Khắc những nét mềm mại trên bề mặt cứng không phải dễ, phải tập kỳ công lắm! 50 năm làm nghề, bố vẫn chưa thấy hài lòng, đến giờ vẫn phải vừa làm vừa tập thêm. Khắc chữ trên vật phẩm quen, giờ viết chữ trên giấy lại thấy xấu, cứ như gà bới vậy, con ạ”. Ông lão cười hóm hỉnh, những nếp nhăn trên đôi mắt đã 80 năm nhìn đời xô lại với nhau thoáng chút xa xôi.
Khách hàng vắng hơn, ông Quý cũng có chút buồn, nhưng còn buồn hơn vì ông chưa tìm được cho mình một người nối nghiệp. Ông bảo: “Chẳng ai muốn theo cái nghề thu nhập ít ỏi này cả con ạ. Cách đây năm năm, từng có một người theo học nghề nhưng thấy không sống được, cho nên bỏ giữa chừng. Không trách người ta được! Ở đời, ai cũng phải đuổi theo miếng cơm manh áo đã, tôi chỉ sợ nghề khắc bút sẽ trôi vào dĩ vãng. Ngày trước, ngoài bố còn có một vài người khắc chữ bằng tay ở Hồ Gươm này như ông Oanh, ông Thông. Nay, người thì đã qua đời, người thì giờ không biết đi đâu. Xã hội ngập tràn những món quà lưu niệm sang trọng, đắt tiền, bóng bẩy. Mấy người còn thích khắc chữ lên bút làm kỷ niệm nữa?”.
Tìm lại thân nhân liệt sĩ nhờ cây bút khắc
Trong quãng thời gian gắn bó với nghề khắc bút của mình, có những kỷ niệm đến giờ ông Quý không thể nào quên và cũng nhờ đó ông thêm yêu cái nghề “cổ lỗ sĩ” này hơn.
“Một chiều mùa đông rét mướt cách đây chừng gần mười năm, bố đang ngồi khắc bút cho khách hàng, bất ngờ xuất hiện một bà lão. Gương mặt khắc khổ, bà cụ đi cùng người con trai và gặp bố cảm ơn rối rít. Đang không hiểu mình đã làm gì để gia đình người ta mang ơn, thì được bà lão cho biết, bà vốn là người ở Thái Bình, 40 năm trước đi phụ bán hàng ở chợ Đồng Xuân, ngày đó khi biết chồng lên đường vào nam chiến đấu, nhà chẳng có gì quý giá, bà liền ra hiệu sách mua quyển sổ và cây bút, sau đó mang bút ra khắc chữ tên con trai, ngày, tháng, năm sinh và quê quán để làm kỷ niệm tặng chồng… Nghe bà lão kể đến đây, bố bắt đầu mường tượng lại… Bà lão kể tiếp, chẳng may, người chồng của bà hy sinh trong chiến đấu tại chiến trường miền nam, mãi sau này khi nhận được giấy báo tử, bà cũng không biết chồng mình được đồng đội chôn ở đâu. May sao trong lần được báo tin nhận lại kỷ vật, nhìn thấy cây bút năm xưa do bố khắc tặng chồng của bà vẫn còn nguyên, bà giật mình nghẹn ngào nhận ra đó chính là vật làm tin để nhận chồng mình. Kể đến đó, nước mắt bà lão lăn dài trên má. Để cảm ơn, bà đã lặn lội từ Thái Bình lên Hà Nội để tìm bằng được bố…”.
“Nghe câu chuyện của bà lão mà bố rưng rưng. Vừa thương, vừa vui khi cái công việc giản đơn của mình lại có thể giúp cho những người thân có thể tìm thấy nhau sau nhiều năm lưu lạc”. “Lại có lần, vị khách mang chiếc bút máy kim tinh đến nhờ khắc chữ. Cầm chiếc bút trên tay, bố sửng sốt vô cùng khi phát hiện trên chiếc bút đó nét khắc của mình. Kiểu khắc của mình, nhìn chữ là nhận ra ngay. Cả Hà Nội cũng chỉ có một vài người làm công việc này, lẫn vào đâu được! Sau bao nhiêu năm, người chủ lại muốn khắc thêm một lần nữa”.
Những khi vắng khách, ông Quý ngồi trầm ngâm bên ấm trà xanh, dăm ba câu chuyện với người bạn già gác cổng đền Bà Kiệu. Hai người bạn già thấy mình sao giống hình ảnh ông đồ già trong thơ của Vũ Đình Liên đến thế. Ông đồ già cũng một thời vàng son bán chữ đắt khách, rồi cũng một thời khách qua lại thưa thớt, mực đọng nghiên sầu… Nhưng mấy năm nay, thư pháp Việt Nam bắt đầu sôi động trở lại, ông đồ già trong thơ năm xưa đã có thể mỉm cười. Còn nghề khắc bút của ông Quý, liện có huy hoàng trở lại?
“Sức người có hạn, sang ngưỡng 80 tuổi, cánh tay không còn chắc khỏe như trước, nhiều lúc nét chữ không được chuẩn chỉ nữa, nhưng vì yêu quý cái nghề gắn với mình từng ấy năm, như một phần máu thịt trong đời, cho nên bố vẫn cố gắng làm cho đến khi nào không còn đủ sức mới thôi” – ông Quý chia sẻ. Nghe tâm sự chân thành của ông, tôi cảm thấy tiếc nuối cho những tài hoa, những nét đẹp truyền thống đang dần mai một.
Hà Nội đang thay đổi từng ngày, chuyển mình phát triển mạnh mẽ. Bao nghề mất đi, bao phường nghề chỉ còn trong tên gọi. Có những thứ xưa cũ, dù muốn nhưng chúng ta vẫn không thể níu lại mà chỉ có thể gìn giữ trong ký ức, như ông lão đây, với cây bút khắc và những nét viết, nét vẽ, hào hoa như nét chạm trổ vào không gian, thời gian của Thăng Long, Hà Nội.